TIN TỨC

Từ Kế Tường: Trang sách về những cô gái tuổi hoa

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2023-12-19 16:14:12
mail facebook google pos stwis
163 lượt xem

Hà Thanh Vân

Từ Kế Tường là một nhà văn có tiếng từ trước năm 1975 ở miền Nam với những tác phẩm chủ yếu dành cho tuổi mới lớn. Sau năm 1975, tác phẩm của ông được tái bản lại nhiều lần và gần đây nhất là xuất hiện với diện mạo mới qua tủ sách Tuổi Ngọc của Hanoibooks và NXB Văn học.

 

Nhà thơ, nhà báo Từ Kế Tường

 

TỪ TUỔI HOA ĐẾN TUỔI NGỌC

 

Tủ sách Tuổi Ngọc của Hanoibooks và NXB Văn học có thể được xem là sự nối tiếp hành trình của một số tủ sách, đã từng ghi dấu ấn trong lịch sử văn học miền Nam thời hiện đại. Ở miền Nam trong giai đoạn 1954 – 1975, có tủ sách Tuổi Hoa xuất bản những tác phẩm văn học dành cho các bạn nhỏ ở tuổi thiếu niên, nhi đồng, tuổi mới lớn. Tủ sách Tuổi Hoa chia làm ba loại: Hoa Đỏ, Hoa Xanh và Hoa Tím. Hoa Đỏ là loại sách trinh thám, phiêu lưu, mạo hiểm. Hoa Xanh là những tác phẩm tình cảm nhẹ nhàng, có ý nghĩa giáo dục về tình bạn, tình thầy trò, tình cảm gia đình. thuộc loại tình cảm nhẹ nhàng. Hoa Tím dành cho các bạn ở tuổi mới lớn, từ khoảng 16 đến 18 tuổi, với những tình cảm nam nữ trong sáng. Nhiều nhà văn có tên tuổi ở miền Nam thời đó tham gia viết cho tủ sách này, và cũng nhiều tác giả trẻ nổi lên từ tủ sách này. Đó là Nguyễn Trường Sơn, Minh Quân, Kim Hài, Thùy An, Nguyễn Thái Hải… Nhà văn Nguyễn Trường Sơn chính là người đã có sáng kiến thành lập và điều hành tủ sách Tuổi Hoa. Nhiều nhà văn khi viết cho tủ sách này đã bỏ lại sau lưng phong cách văn chương vốn đầy “nhức nhối” của họ, để chuyển sang giọng văn trong veo, mơ mộng, tình cảm. Cùng với tủ sách Tuổi Hoa là sự thành công của bán nguyệt san Tuổi Hoa và tờ báo Ngàn Thông. Tòa soạn Tuổi Hoa nằm ở số 38 đường Kỳ Đồng, Sài Gòn, trong Nhà Thờ Dòng Chúa Cứu Thế.

 

Cùng gần với thời điểm tủ sách Tuổi Hoa ra đời là sự xuất hiện của tờ tuần báo Tuổi Ngọc và NXB Tuổi Ngọc với những tên tuổi gây dựng ban đầu là Từ Kế Tường, Duyên Anh, Đinh Tiến Luyện… NXB Tuổi Ngọc khi đó tập trung in tác phẩm của những tác giả này, chủ yếu dành cho hai đối tượng là thiếu nhi và tuổi mới lớn. Từ Kế Tường khi đó cũng là một trong những tác giả viết nhiều cho tuổi mới lớn. Ông có tên thật là Võ Tấn Tước, sinh ngày 2 tháng 3 năm 1946; quê quán tại xã Phú Vang, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Ông viết văn làm báo từ rất sớm, ngay ở thập niên 60 của thế kỷ XX khi từ Bến Tre lên sinh sống tại Sài Gòn. Ông là Thư ký tòa soạn tuần báo Tuổi Ngọc khi mới 19 tuổi, một trong những tờ báo dành cho lứa tuổi mới lớn rất thu hút độc giả trẻ tuổi thời đó. Sau đó ông làm chủ bút tuần báo Mây Hồng, cũng là một tờ báo tương tự như tờ Tuổi Ngọc. Song song với việc làm báo, Từ Kế Tường còn viết văn, làm thơ. Từ Kế Tường đã xuất bản nhiều tác phẩm thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, trong đó có nhiều sách viết cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng và tuổi mới lớn. Từ Kế Tường đã ghi dấu trong văn học miền Nam thời đó như là một cây bút viết nhiều cho tuổi trẻ với nhiều tác phẩm ăn khách, đáng kể nhất là phải nói đến tác phẩm “Huyền xưa”, tác phẩm đăng dài kỳ trên báo và khi xuất bản lần đầu năm 1969 đã có số lượng in lên đến 150.000 bản.

 

Sau năm 1975, Từ Kế Tường tiếp tục làm báo và sáng tác văn chương. Ông làm Thư ký tòa soạn báo Công an TPHCM trong một thời gian dài, từ năm 1986 đến năm 2003, rồi làm việc tại tuần báo Văn nghệ TPHCM và cộng tác với nhiều tờ báo khác. Cho đến nay số lượng tác phẩm đã xuất bản của ông đã lên đến con số trên 200 với nhiều thể loại như tập thơ, tập truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản phim... Tiểu thuyết và truyện ngắn của ông cũng có nội dung rất đa dạng, từ tâm lý xã hội đến hình sự, song khi nhắc đến Từ Kế Tường, thường độc giả hay nghĩ về ông như là một nhà văn của tuổi mới lớn, bên cạnh một người cầm bút sau ông một chút và cũng rất thành danh là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Những tác phẩm nổi tiếng của ông từ trước năm 1975 là “Đường phượng bay” (sau năm 1975 đổi tên là “Bờ vai nghiêng nắng”), “Huyền xưa”, “Như mưa ngọt ngào”, “Áo vàng qua ngõ”, “Hoa lưu ly không về”, “Mùa áo vàng”, “Một mình tôi bước đi” v.v… Sau năm 1975, Từ Kế Tường được độc giả nhỏ tuổi biết đến qua bộ sách gồm 10 tập “Bầu trời màu trứng sáo” 10 tập do NXB Kim Đồng đặt hàng.

 

Sau năm 1975, Từ Kế Tường cũng thuộc lớp nhà văn đầu tiên được in lại hàng loạt những tác phẩm viết trước đó và được tái bản nhiều lần. Ngoài những tác phẩm đã nhắc đến ở trên, còn có thể kể đến những tác phẩm như “Bài hát thần tiên”, “Suối mây hồng”, “Mối tình như sương khói”, “Áo tím qua đường”, “Còn những bóng mưa tan”, “Mùa thu mưa bay”… Hiện nay, tủ sách Tuổi Ngọc với những tác phẩm của nhà văn Từ Kế Tường đã quay trở lại với các độc giả một lần nữa trong một hình hài mới, do Hanoibooks và NXB Văn học chung tay ấn hành.

 

NHÀ VĂN CÓ TÁC PHẨM ĐƯỢC ĐƯA VÀO TỪ ĐIỂN

 

Không chỉ ghi dấu ấn trong lòng độc giả bằng những tác phẩm được tái bản nhiều lần trước và sau năm 1975, vị trí của Từ Kế Tường trong dòng văn học dành cho thiếu niên nhi đồng và tuổi mới lớn đã được giới nghiên cứu, lý luận phê bình thừa nhận và đánh giá cao. “Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam” là bộ sách gồm ba tập, do Viện Văn học biên soạn, quy tụ người viết là những giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu văn học có chuyên môn cao nhằm mục đích giới thiệu những áng văn xuôi quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đến những tác phẩm văn xuôi đương đại cuối thế kỷ XX. Bộ Từ điển này nhằm mục đích giúp độc giả yêu văn chương có thể tra cứu, tìm hiểu tác phẩm, tác giả, đồng thời qua đó có cái nhìn tổng quát về diện mạo và tiến trình phát triển của văn xuôi Việt Nam thời hiện đại, cũng như những thế hệ nhà văn đã có công đóng góp vào tiến trình đó. Việc được đưa vào bộ Từ điển là sự vinh danh không chỉ dành cho tác phẩm, mà còn là sự nhìn nhận công tâm vai trò, vị trí của tác giả.

 

Hai tác phẩm của nhà văn Từ Kế Tường là “Huyền xưa” và “Mùa áo vàng” đã được chọn lựa đưa vào tập 2 của bộ “Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam”, mang tên “Tác phẩm văn xuôi Việt Nam 1945-1975”, NXB Giáo dục, 2006. Trong đó “Huyền xưa” là một tác phẩm không chỉ được xem là một trong những tác phẩm thành công nhất của Từ Kế Tường mà còn mang đầy đủ đặc trưng phong cách nghệ thuật của ông. Tác phẩm “Huyền xưa” vừa được ra mắt độc giả trong một diện mạo mới, đầy chất thơ và được chăm chút từ trang bìa đến bản in, do Hanoibooks và NXB Văn học ấn hành và ra mắt vào tháng 9.2023

 

“Huyền xưa” mở ra khung cảnh một thị trấn nhỏ bé, xinh xắn mặt hướng ra phía biển, lưng dựa vào núi và rừng với những con đường dịu mát bóng cây, một ngôi trường thơ mộng với những nữ sinh tỉnh nhỏ duyên dáng. Khung cảnh ấy dễ làm say lòng những người khách lạ lần đầu đặt chân đến thị trấn. Lũy cũng không là ngoại lệ. Chị gái của Lũy theo chồng đến nơi này sinh sống. Nhân dịp sinh nhật lần thứ mười hai của bé Hạnh, con gái của chị Thục, Lũy đã tạm rời bỏ Sài Gòn phồn hoa đô hội đến đây để thăm người chị và người cháu rất mực yêu thương.

 

Tại đây Lũy đã có dịp làm gặp gỡ và làm quen với hai cô nữ sinh duyên dáng là Cúc Huyền và Tiểu My. Cúc Huyền ở gần nhà chị Thục, được chị Thục và bé Hạnh xem như người trong gia đình. Cúc Huyền khả ái, dịu dàng nên có nhiều chàng nam sinh theo đuổi. Nhưng Lũy là một con người thật đặc biệt trong mắt Cúc Huyền: một “người lớn”, lại từ ở nơi xa đến. Còn Lũy cũng không khỏi xao xuyến trước vẻ đẹp thánh thiện, ngây thơ của Cúc Huyền. Trong mấy ngày Lũy đến thị trấn, giữa hai người đã chớm nở một tình cảm lãng đãng như mây, nhẹ mờ như sương khói, với những câu đối đáp vu vơ, những lời giận hờn kín đáo. Mấy ngày nghỉ của Lũy cũng qua đi, Lũy phải quay về Sài Gòn mà không chào từ biệt Cúc Huyền vì không muốn phải đối mặt với cảnh chia ly. Cúc Huyền tiếp tục những ngày đến trường, để tâm tưởng trôi theo niềm nhớ. Nhưng cuộc đời của một người con gái đẹp thường có những trắc trở, những bất hạnh không đoán trước được. Và rồi câu chuyện tiếp tục phát triển trên mạch văn trữ tình, thấm đậm yêu thương ấy.

 

“Huyền xưa” là một truyện dài lãng mạn, đượm chút bâng khuâng thương nhớ và đau xót về một mối tình giữa một chàng thanh niên và một cô bé tuổi hoa. Vì thế, toàn bộ nội dung truyện toát lên một nỗi u buồn bàng bạc. Những nhân vật trong truyện của Từ Kế Tường dường như không phải là những nhân vật theo đúng nghĩa của nó, mà chỉ là những biểu tượng cho những tình cảm, những tâm tư của con người, phản ánh tâm trạng của những con người mới chớm bước chân vào ngưỡng cửa tình yêu, còn e lệ, rụt rè, với những giận hờn vu vơ, những vui buồn vô cớ. Dù tác phẩm này được viết cho lứa tuổi hoa niên và không ngoài mục đích giải trí nhẹ nhàng, nhưng hình như ngòi bút của Từ Kế Tường còn có chút ngụ ý sâu xa rằng cái đẹp thì mong manh và dễ tan vỡ và do vậy, từng khoảnh khắc sống trên đời này của cái đẹp đều cần phải được nâng niu, tôn trọng.

 

NHÀ VĂN CỦA NHỮNG CÔ GÁI TUỔI HOA MỌI THỜI

 

“Những cô gái tuổi hoa” là tên một cuốn sách trong bộ trường thiên tiểu thuyết “Đi tìm thời gian đã mất” của nhà văn Pháp nổi tiếng Marcel Proust. Marcel Proust nổi tiếng với lối viết dòng ý thức tinh tế, miên man trong những ký ức quá vãng về tuổi thanh xuân. Khi đọc tác phẩm của nhà văn Từ Kế Tường, có thể thấy đậm nét bóng dáng của những cô gái tuổi hoa, lứa tuổi đẹp nhất của đời người.

 

Từng có những ý kiến so sánh hai nhà văn chuyên viết cho tuổi mới lớn với những rung động đầu đời là Từ Kế Tường và Nguyễn Nhật Ánh. Nhưng với cảm quan của tôi, một độc giả yêu mến cả hai nhà văn, thì khi nói đến tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, độc giả hay nhớ đến những nhân vật nam chính và ngòi bút văn chương của Nguyễn Nhật Ánh thường lấy điểm nhìn, điểm kể chuyện từ nhân vật nam. Còn Từ Kế Tường thì ngược lại. Các nhân vật nữ trong những tác phẩm của nhà văn được xây dựng nổi bật, không chỉ từ nội dung của truyện, mà ngay từ nhan đề thơ mộng của nhiều tác phẩm đã cho thấy điều đó. Ngòi bút của nhà văn Từ Kế Tường luôn ưu ái các nhân vật nữ. Các cô gái tuổi hoa qua các trang văn của Từ Kế Tường luôn trong sáng, hồn nhiên, thánh thiện. Họ không chỉ đơn thuần là nhân vật, họ là biểu trưng cho vẻ đẹp nữ tính, cho những cảm xúc rung động đầu đời.

 

Một điều khiến cho tác phẩm của Từ Kế Tường hấp dẫn độc giả không chỉ ở nội dung hay là những nhân vật đẹp như hoa, mà còn ở một giọng văn rất riêng biệt. Xuất thân ở Bến Tre, miền Tây Nam Bộ, khác với khá nhiều nhà văn Nam Bộ, giọng văn của Từ Kế Tường không mộc mạc, chân chất, mà ngược lại, có sự tinh tế, bay bổng, lãng mạn ngay ở những câu chữ đơn giản nhất. Nhà văn rất chú trọng việc tả cảnh thiên nhiên trong sự hòa quyện với tâm trạng nhân vật như Nguyễn Du từng viết trong “Truyện Kiều”: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Từ Kế Tường cũng rất chú ý trau chuốt câu chữ, cho dù có thể còn chỗ nọ chỗ kia ông không dụng công nhiều, nhưng rõ ràng ông là người trân trọng nghề văn và nghiêm túc với nghề. Có những giọng văn thu hút độc giả vì là giọng văn hay, còn nhà văn Từ Kế Tường thu hút độc giả bởi giọng văn đẹp.

 

Những tác phẩm viết cho tuổi mới lớn của Từ Kế Tường là những tác phẩm không phải chỉ của một thời. Bởi lẽ nhà văn viết về những điều thường hằng trong đời sống con người, viết về những điều mà bất cứ ai cũng từng trải qua trong cuộc đời. Đó là tình bạn, tình yêu của tuổi thanh xuân mới chớm nở; đó là không khí học đường với thầy cô, trường lớp; đó là những niềm vui, nỗi buồn của những người đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời; đó là tình cảm gia đình, người thân… Độc giả của Từ Kế Tường do vậy là độc giả của nhiều thế hệ. Họ là những độc giả nhỏ tuổi cùng thời với Từ Kế Tường khi nhà văn mới bắt đầu sáng tác, nay đã lên tuổi ông bà. Họ là những người đã đọc tác phẩm Từ Kế Tường qua những lần tái bản sau năm 1975, nay đã ở tuổi phụ huynh. Và cùng với sự ra mắt của tủ sách Tuổi Ngọc, tái bản lại những tác phẩm của nhà văn, thì Từ Kế Tường lại tiếp tục có những độc giả trẻ trung thuộc thế hệ mới. Những độc giả ngày xưa của Từ Kế Tường nay đã thuộc lứa tuổi cao niên, trung niên sẽ có không ít người muốn tìm đọc lại tác phẩm của nhà văn như để nhớ về một thời thanh xuân xa xưa đầy kỷ niệm. Những cũng sẽ có những độc giả trẻ tuổi tìm đọc tác phẩm Từ Kế Tường không chỉ vì tò mò, mà còn vì biết rằng ông bà, cha mẹ mình đã từng đọc và yêu mến tác phẩm của nhà văn và bản thân họ cũng rất muốn biết ngày xưa, thời ông bà cha mẹ mình đi học là như thế nào.

 

Và như thế, mong rằng nhà văn Từ Kế Tường lại thêm một lần mang những tác phẩm quay lại văn đàn với những thành công mới trong sự đón nhận của nhiều độc giả thế hệ mới và cũ.

H.T.V

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nhà thơ Nguyễn Văn Mạnh với Dấu thời gian
Dấu thời gian là tập thơ thứ hai của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Văn Mạnh. Ông hiện là Trưởng ban biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, kiêm Trưởng Văn phòng đại diện Thời báo VHNT tại Hải Phòng.
Xem thêm
Khúc biến tấu “Mặt nạ hương”
 Đọc thơ, như là phép hóa thân, tan chảy cảm xúc của mình cùng cảm xúc bài thơ. Người đọc lắng lòng theo con chữ, hòa điệu với nhịp điệu của ngôn từ. Tôi may mắn tìm thấy sự đồng điệu đầy hứng thú khi đọc thơ Nguyễn Thánh Ngã.
Xem thêm
Chỉ còn lại tháng Tư thiếu nữ | Thơ và lời bình
Thơ Mai Nam Thắng - Bình thơ: Phạm Đình Ân
Xem thêm
Người trẻ thử sức với phê bình
Được biết “Những phức cảm phận người” (NXB Hội Nhà văn, 2023) là tập phê bình văn học (PBVH) đầu tay của cây bút Lê Hương, nên tôi đọc với một tâm thế trân trọng và chờ đợi.
Xem thêm
Người chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Thiện Thuật - Mùa hoa ban đẹp mãi
Đối với mỗi người Việt Nam chúng ta hôm nay, cái tên Điện Biên Phủ đã như một dấu mốc luôn hiện lên sừng sững mỗi khi nhắc đến. Ai cũng rưng rưng xúc động bởi máu xương của cha anh, của nhân dân đã đổ xuống để làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là không thể đo đếm hết được.
Xem thêm
Những trang văn phảng phất mùi thuốc súng
Bài tham luận của nhà văn Đỗ Viết Nghiệm
Xem thêm
Di cảo thơ Chế Lan Viên: Khi thơ là thuốc, là lời kinh kệ
Chế Lan Viên là người mà sự nghĩ ngợi vận vào thơ như thể thơ cũng là thuốc, thơ chẩn ra được cái bệnh đau của kiếp người, và “Có vào nỗi đau mới có ích cho người”.
Xem thêm
Cảm hứng sinh thái trong thơ Đặng Bá Tiến
 Là một nhà báo, nhà thơ mấy chục năm gắn bó với vùng đất Đắk Lắk, Đặng Bá Tiến đã sáng tác thành công về thiên nhiên, con người và văn hoá Tây Nguyên với nhiều tác phẩm: Lời chân thành với cỏ (Thơ, 2009), Rừng cổ tích (Trường ca, 2012), Hồn cẩm hương (Thơ, 2017), Linh hồn tiếng hú (Thơ, 2020). Anh là một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ ca Tây Nguyên đương đại, một nhà thơ “thứ thiệt”[1] có bản sắc riêng, thể hiện phong cách nghệ thuật độc đáo. Nổi bật trong sáng tác của anh là những tác phẩm viết về rừng, về sinh thái văn hoá và nhân văn.      
Xem thêm
Sức bền của ngòi bút
Nguồn: Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số 116, ngày 21/3/2024
Xem thêm
Nguyễn Bính ở phương Nam
Nguyễn Bính (1918-1966), tên thật là Nguyễn Trọng Bính (có lúc tên Nguyễn Bính Thuyết), quê ở Nam Định nhưng sống khắp ba miền đất nước. Ông có phong cách một nhà thơ lãng tử, sáng tác về chủ đề tình cảm làng quê và tình yêu, tổ quốc. Thơ tình cảm mộc mạc của ông được rất nhiều người thuộc. Tác phẩm gồm 26 thi tập trong đó có : + 1 kịch thơ : Bóng giai nhân (1942): + 3 truyện thơ : Truyện Tỳ Bà (1942); Trong bóng cờ bay (1957); Tiếng trống đêm xuân (1958): + 1 vở chèo : Người lái đò sông Vỹ (1964) và rất nhiều bài thơ nổi tiếng của ông được nhạc sĩ phổ thành ca khúc : Tiểu đoàn 307 (Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc, Quốc Hương ca);  Cô hái mơ (Phạm Duy); Ghen (Trọng Khương), Cô lái đò (Nguyễn Đình Phúc); Chân quê (Minh Quang). Hiện nay, nhiều thành phố có những con đường mang tên ông. Nhà thơ Nguyễn Bính nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (2000) cùng với Hoài Thanh, Bùi Đức Ái, Nguyễn Quang Sáng, …
Xem thêm
“Đánh thức mình bằng chân lý vô ngôn”
Tôi biết Nguyễn Minh Thuận (nguyên Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp Đắk Lắk) làm thơ đã lâu, dễ hơn ba chục năm trước, thỉnh thoảng anh vẫn đọc cho tôi nghe và rải rác anh cho đăng trên facebook Trương Thị Hiền - vợ anh (TS, giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên).
Xem thêm
Đọc “Thơ mười năm” của Hoàng Đình Quang
Bài viết của nhà thơ Trần Quang Khánh
Xem thêm
Hoàng hôn chín – chín mọng yêu thương
Về tập thơ in chung của Võ Miên Trường và Triệu Kim Loan
Xem thêm
Thơ Phan Hoàng trong hành trình ngược lối – Tiểu luận của Mai Thị Liên Giang
Tập thơ “Chất vấn thói quen” của Phan Hoàng từng nhận được nhận Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM và Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012, sau đó tập thơ này được trao Giải thưởng Nghệ thuật Danube năm 2023 của Hungary. Ngoài ra tập trường ca “Bước gió truyền kỳ” của ông cũng được Ủy ban nhân dân TPHCM trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TPHCM 5 năm lần thứ II. Để hiểu thêm về hành trình sáng tạo thi ca của nhà thơ Phan Hoàng, xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà lý luận phê bình văn học Mai Thị Liên Giang.
Xem thêm
Những giải mã thú vị, khoa học của một người đọc tri âm
Với kiến văn sâu rộng, sự nghiên cứu cẩn trọng mang tính học thuật cao, khai thác nhiều vấn đề tri thức lý luận mới mẻ; Trần Hoài Anh đã đem đến những trang viết tinh tế, khai mở nhiều điều lý thú và bổ ích.
Xem thêm
Hồn xuân trong thơ Hồ Chí Minh
Nhà thơ Trung Quốc Viên Ưng đã nhận định sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một trí tuệ lớn, một dũng khí lớn, một tâm hồn lớn”.
Xem thêm
“Trung thực và quả cảm” trong sáng tác và phê bình văn học, nghệ thuật
Bài viết của nhà thơ Mai Nam Thắng trên Văn nghệ số 4/2024
Xem thêm