- Lý luận - Phê bình
- Những khắc khoải phận người ở ‘Thời nắng xanh” của thi sĩ Trương Nam Hương
Những khắc khoải phận người ở ‘Thời nắng xanh” của thi sĩ Trương Nam Hương
NGUYỄN VĂN HÒA
Ở Thời nắng xanh & những bài thơ khác hành trình sáng tạo của nhà thơ Trương Nam Hương mang nét thâm trầm, thanh dịu như các tập thơ trước, thể hiện rõ nét hơi thở thời đại và tiếng nói của một thế hệ biết tận hiến hết mình trước cuộc sống và tình yêu; và đó như là niềm mơ ước của nhiều người cầm bút.
146 bài thơ trong Thời nắng xanh & những bài thơ khác bao gồm nhiều đề tài, chủ đề khác nhau nhưng tất cả đều thể hiện một hồn thơ nhạy cảm, tinh tế, với nhiều suy tư và trắc ẩn. Dù viết về điều gì, viết về đối tượng, chủ đề nào thơ Trương Nam Hương vẫn mang những rung động rất đỗi chân thành, nhân văn, nhân ái và có chiều sâu của triết lý. Mẹ nuông ấm đời con bằng Quan họ/ Thuở trúc xinh gọi chú ớt ơi à/ Môi đã ríu mạn thuyền thừa Quán dốc/ Mắt đã dài cho ướt cả ngày xa/ Trăng ửng lớn một lần con dối mẹ/ Đánh rơi đêm vào chỗ rễ si xòa/ Sông Mẹ thức trắng nửa bờ lau nhắc/ Mai con về tạ lỗi với phù sa (Nhớ sông Mẹ). Đọc những câu thơ, người đọc không khỏi bồi hồi xúc động, nỗi nhớ sông Mẹ với những biểu tượng đầy ám ảnh, dòng sông Mẹ chính là dòng sông đời, luôn chảy dài trong huyết mạch nhà thơ. Để rồi, anh nhận ra mình còn mắc nợ và tận trong sâu thẳm tâm can Trương Nam Hương tự nhắc nhớ: Mai ta về tạ lỗi với phù sa.
Nhân đọc tập thơ Thời nắng xanh & những bài thơ khác của Trương Nam Hương, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2022.
Ở Thời nắng xanh..., người đọc vẫn thấy Thơ Trương Nam Hương trung thành với lối thơ truyền thống có sự giao thoa với hiện đại. Vì thế độc giả rất dễ đồng cảm với những vần thơ anh viết ra. Thơ Trương Nam Hương, viết ở thể thơ nào cũng đều có những bài thơ hay. Tập Thời nắng xanh, thơ lục bát, thơ tứ tuyệt, thơ 7-8 chữ có thể xem là chủ đạo làm nên vóc dáng, hồn cốt của tập sách này.
Thơ tứ tuyệt có thế mạnh riêng của nó trong việc bày tỏ tình cảm, cảm xúc của người viết. Nhưng khó ở chỗ là dung lượng câu chữ ít, người viết nếu không có nghề, không có kiến văn thì dễ rơi vào nhàm chán, sáo mòn. Nhưng Trương Nam Hương đã không mắc vào những lỗi ấy. Nhà thơ đã rất thành công ở những bài thơ viết theo thể loại này, nhất là viết về những tên tuổi văn học nổi tiếng, những nhân vật văn học điển hình bất hủ: Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đồ Chiểu, Sơn Nam, Thảo Phương, Chữ Đồng Tử, Thúy Kiều, ... và cả những bài thơ viết về mẹ, về cha, về con và về em!
Viết về những nhân vật điển hình trong văn học, dù chỉ 4 câu thơ ngắn nhưng Trương Nam Hương vẫn phác họa được những đặc trưng, phẩm tính của từng nhân vật. Đây là điều không hề đơn giản, nếu không am tường, không có vốn sống, không có tài năng thì không thể nào viết được như vậy. Chẳng hạn khi viết về nhân vật Thị Nở, một nhân vật điển hình trong tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, hình ảnh vầng trăng ỡm ờ, tình vật say của Chí Phèo trong vườn chuối, ta thấy được cái hồn cốt của nhân vật được nhà thơ chuyển tải sinh động, đủ đầy, độc đáo: Trăng ỡm ờ Thị Nở/ Tình vật say Chí Phèo/ Gió đầm đìa hớp thở/ Lá chuối vường giãy yêu (Trăng Thị Nở).
Trong hành trình thơ Trương Nam Hương, bên cạnh những bài thơ tứ tuyệt hay, anh còn có những bài thơ viết theo các thể thơ khác tạo ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc như: Tâm sự nàng Thúy Vân, Chí Phèo tự bạch, Ưu tư Thị Mầu, Mưa lạc mùa, Xa lắc mùa thu, Cổ tích của bà, Làm vua ở Huế, Với sông Hồng, Quán thời gian, Nhặt tuổi mình...
Những bài thơ được chia khổ, mỗi khổ 3 dòng thơ cũng là những bài thơ rất ấn tượng của Trương Nam Hương. Đọc. Ngẫm ngợi. Suy tưởng. Người đọc sẽ thấy ró nét tinh hoa, sự độc đáo được phát tiết trên từng con chữ, khổ thơ. Bài thơ Bóng quê, Lỗi hẹn sông Cầu, Lặng lẽ, Trăng mật... là những bài thơ tiêu biểu cho điều vừa nói ở trên.
Cái hay là anh đã tạo ra được những liên tưởng mới mẻ, độc đáo với những tứ thơ lạ; ngôn ngữ trôi chảy theo mạch tự nhiên nhưng giàu cảm xúc, nhiều từ ngữ sử dụng rất đắt, hình ảnh thơ mang tính hình tượng cao. Giữa phông sóng, voan sương và cát biển/ Anh cúi hôn em ở thế trăng quỳ/ Em nở lên anh đóa sen hây múa/ Đất với trời cuống quýt khỏa xiêm y. Những hình ảnh ví von đẹp, lạ, bất ngờ và giàu sức gợi.
Thế giới nghệ thuật được chuyển tải qua lời thơ như một chuỗi phát ngôn. Nhà thơ Trương Nam Hương sử dụng ngôn ngữ một cách tinh tế, tạo thành hình tượng đa dạng, độc đáo. Ngôn ngữ đã được hiện thực hóa, mang phong cách sáng tạo và bút pháp riêng của Trương Nam Hương. Có những từ ngữ, câu thơ anh sử dụng rất hay/lạ chứa đựng khả năng biểu cảm lớn, mang ý nghĩa sâu xa. Lòng ta giờ cũng sa trường/ Niềm tin giương nỏ, nỗi buồn trúng tên! (Tạp nghĩ); Sông nằm cho Huế nghiêng xinh/ Núi ngồi cho Huế nghiêng mình rêu phong (Nhỡ mùa sen); Tôi uống cạn dòng sông trong vốc tay ký ức/ Nghe mùa Thu xa lắc ngấm vô lòng (Xa lắc mùa Thu); Những mộ cỏ đầu gà ngúc ngắc/ Tuổi thơ tôi thơm thao bùn đất (Thời nắng xanh); Núi khom khom vái mây dâng lễ/ Tùng thắp xanh trời vạn nén thơm! (Lên Yên Tử); Lần về cuối ấy đi qua lửa/ Nến tiễn thương buồn - lệ ngún thân! (Vô thường)... Điều đó cho thấy nhà thơ đã luôn có ý thức và rất nghiêm túc trên hành trình sáng tạo thi ca. Bởi thơ hay, điều quan trọng phải là cảm xúc, ý tưởng. Câu chữ hay phải được kết tinh từ máu thịt, hơi thở của chính người sản sinh ra nó.
Bên cạnh đó, Trương Nam Hương còn sử dụng hàng loạt các hình ảnh ẩn dụ, so sánh, nhân hóa... thể hiện các cung bậc của một cái tôi nội cảm, giàu tình yêu thương! Củ khoai gầy trơ ngót mút/ Tuổi thơ mót gió trên đồng (Hoa gạo); Không vớt nỗi Thúy Kiều qua mực bút/ Nguyễn Du buồn sợi tóc nhớm hoa lê! (Nỗi niềm Nguyễn Du); Chim kêu thót ngực hoa vườn/ Em xa, hòn sỏi cuối đường thót đau (Khoảng lặng)... Dường như những hình ảnh đa dạng của cuộc sống được Trương Nam Hương chuyển tải vào thơ qua lăng kính và cảm nhận của riêng anh. Vì thế, đến với thơ Trương Nam Hương, tâm hồn con người sẽ trở nên trong trẻo, đáng yêu và nhân hậu hơn.
Trương Nam Hương có nhiều suy nghĩ sâu sắc và khái quát thành những vấn đề có ý nghĩa bản chất của sự sống. Những hình ảnh bình dị, gần gũi của đời thường nhưng Trương Nam Hương đã khéo đưa vào thơ và thổi hồn mình vào đó để tạo nên tính triết mỹ.
Đỡ một người đứng dậy/ Lắm khi ta ngã nhào/ Níu cỏ, đất lại bở/ Vói cây, cành lệch cao (Ngẫu cảm).
Cái tôi cô đơn thường trở đi trở lại trong thơ Trương Nam Hương. Nhất là nỗi thương nhớ người xưa, cảnh cũ, bóng dáng em, tình yêu một thuở vẫn còn lưu luyến, thậm chí nỗi nhớ đã mọc mầm. Năm anh mười bảy/ Sông Hồng tuổi em/ Bờ đê. Đêm ấy.../ Sóng. Trăng. Cỏ mềm...// Anh vốc nước lên/ Chạm môi em đỏ/ Khoác vai bóng thuyền/ Buồm lơi nếp gió// Em đổ đầy anh/ Tiếng sông úng ớ/ Mắt sao mướt xanh/ Rơi nhòe ngấn cỏ// Ngày trăng biết nhớ/ Sông Hồng biết yêu/ Năm anh mười bảy/ Cầm con sóng liều...// Rồi anh biền biệt/ Dạt trôi bao miền/ Ba mươi năm ấy/ Sông Hồng hóa em! (Sông 17 tuổi).
Quê hương hiện ra trong tâm tưởng nhà thơ đẹp, trữ tình, da diết. Đan cài giữa hiện tại, quá khứ, tương lai làm cho tâm hồn người thi sĩ không khỏi xốn xang, đẫm lệ.
Gửi hai dòng sông quê, đọc lên có điều gì đó ứ nghẹn, có gì đó rưng rưng. Một tấm lòng thành, một tình yêu đằm sâu với quê hương bản quán:
Trong tôi có chút sâu đằm/ của Kinh Bắc với thâm trầm Cố đô/ sông Hồng hắt đỏ lên thơ/ tôi buông lục bát xanh bờ Hương Giang// Lòng mình chả dễ đa mang/ nên thương nhớ cũng ngổn ngang mấy dòng/ ơi sông Hương, hỡi sông Hồng/ giọng tôi lạc giữa mênh mông nỗi buồn// Giờ xin ngồi khóc với nguồn/ mở bàn tay với cánh buồm hút xa/ may còn dăm khúc dân ca/ mấy câu hò để ngâm nga tháng ngày// Gia tài của mẹ cha đây/ Tôi đem trang trải đất này quê kia/ dòng sông từng hẹn tôi về/ qua cầu để rớt lời thề với em// Mẹ chờ bạc tóc theo đêm/ cha thương chuốc rượu đến mềm cơn ho/ em qua xuân sắc bao giờ/ để chân lược nhắc chiều thưa mái đầu// Có gì sâu, rất thẳm sâu/ nói ra cứ sợ làm đau đến nguồn/ tôi bên gần cửa bờ thương/ ầu ơ... ngồi dỗ nỗi buồn bờ xa!
Trong tâm khảm, quê hương là hồn cốt, là máu thịt của mình trong đó. Đặc biệt có bóng dáng của mẹ cha, của những người thân thuộc và cả những người nông dân chân lấm tay bùn, họ tảo tần hôm sớm để làm ra hạt lúa hạt gạo cho ta ăn; sức mạnh tập thể nhân dân là sức mạnh vĩ đại, hùng hậu nhất để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Vì thế, bằng ý thức trách nhiệm của người cha, nhà thơ không quên dặn dò con của mình rằng: Khi con nói về giang sơn gấm vóc/ Nhớ đừng quên có hạt lúa tảo tần/ Khi con viết về lớn lao Tổ quốc/ Nhờ có phần vĩ đại của nhân dân! Một lời căn dặn thật sâu sắc và giàu ý nghĩa!
Hình ảnh người mẹ đã khuất nhưng luôn sống mãi trong ký ức và luôn nhắc nhớ anh bao thứ trên mỗi bước đường anh đi. Anh viết về mẹ bằng tình cảm của một đứa con cảm thấy mình có lỗi, luôn yêu kính và mong mẹ tha thứ cho anh. Nhìn đâu Trương Nam Hương cũng thấy thấp thoáng bóng người mẹ hiền luôn ẩn hiện. Anh nhớ tất cả về mẹ, ngay từ những năm tháng ấu thơ: Mùa Xuân theo mẹ lên chùa/ Oản, xôi hóng nhận - chuỗi, bùa hóng đeo/ Mẹ quỳ tôi nép quỳ theo/ Lạy từ ngọn cỏ lạy veo... tới trời! (Tuổi thơ).
Hay đến lúc xế chiều và cả khi đã về miền sương khói, nắm tro cốt và hương hồn của mẹ ở chùa Vĩnh Nghiêm... Bây giờ nhà mẹ là đây/ Tiếng chim tràng hạt dâng đầy khói hương/ Mẹ ra ngoài cõi vô thường/ Rưng rưng con thắp nỗi buồn vào thơ! (Chùa Vĩnh Nghiêm). Dù muộn màng, nhưng thái độ, tấm lòng của một đứa con như anh cũng làm cho ta trân trọng.
So với thơ viết về mẹ, thơ viết về cha của anh ít hơn nhưng đọc lên cũng trĩu nặng nỗi niềm thương nhớ. Dấu chân cha in hằng bãi sông Hồng/ Gánh giông bão băng qua mùa giáp hạt/ Điếu thuốc lào rít cay khóe mắt (Bóng quê). Tết vắng cha, nhà buồn và thiếu vắng đi nhiều thứ, dẫu biết đó là quy luật sinh tử của đời người nhưng trong lòng nhà thơ vẫn thảng thốt: Con tìm đâu giữa chơi vơi/ Cha đi về phía xanh lời cỏ hoa/ Cách người thước đất mà xa/ Rót mời cha một chén trà hư không// Rưng rưng tàn thuốc quặn vòng/ Thương cha khói cũng nặng lòng không bay
Cái tôi trữ tình trong thơ Trương Nam Hương bàng bạc, nhẹ nhàng, trắc ẩn và đầy sâu lắng. Anh về thương câu hát cũ/ Trúc xinh thuở ấy đâu rồi/ Lá đa sân đình ngơ ngác/ Sông Cầu nghiêng sóng qua môi// Mưa giêng ướt câu Quan họ/ Dài khăn hoa lý ơ hờ/ Mượn nón quai thao tát gió/ Dễ gì cạn hết bơ vơ... (Thương câu hát cũ). Trong dòng hoài niệm về quá khứ, âm hưởng chủ đạo trong thơ Trương Nam Hương vừa có nỗi xót xa, nuối tiếc vừa thấm đẫm niềm tin và khát vọng ở tương lai phía trước.
Kết thúc tập sách, Trương Nam Hương đưa vào bài thơ cùng tên với thi tập. Phải chăng đây là sự sắp xếp có chủ ý. Bài thơ dài Thời nắng xanh, vẽ ra và gợi liên tưởng đến nhiều vấn đề trong đời sống, nó như là lời tường trình, tự bạch , lời cảm ơn trân trọng nhất đối với những người thân yêu, bạn bè và cả những người đang sống quanh mình. Ký ức tuổi thơ về quê hương, làng xóm, người bà, vườn nhà, những vật dụng thân thuộc, các loài chim, chú mèo, gà con, ốc sên, trái ớt... luôn đồng hiện trong tâm thức nhà thơ. Để rồi hôm nay, sau bao nhiêu năm xa quê, bôn ba nơi đất khách nhà thơ vẫn một lòng nhớ thương ngày xưa cũ đến quặn lòng. Những lõm trũng đằm trâu/ Những mộ cỏ đầu gà ngúc ngắc/ Tuổi thơ tôi thơm thao bùn đất/ Rặng duối cho không quả duối hươm vàng/ Tôi ngửa mặt nhìn trời đêm thổn thức/ Thấy bóng người đã khuất đặc như sao/ Con đom đóm nháy điều bí mật/ Cứ đêm đêm xanh nhói phía bên rào/... Bà ơi cây cải lên trời/ Rau răm cay đắng phận người đắng cay/ Chân bấm lên rêu/ Bà tôi gánh cả gió chiều - xót xa/ Dẹp tròn mắt nứa mắt na/ Tôi nhem nhọ bếp sáp gà dính tay/ Loăn thoăn đồng đất tối ngày/ tiếng bà gọi ới bờ này bãi kia// Tôi chạy theo bà đòn tre kẽo kẹt/ Tiếng chim gù khuất khuất// Bóng làng xa... Đúng như thế, giờ đây bà, bóng làng và cả những hình ảnh thân thuộc của tuổi thơ chỉ còn trong tâm tưởng!
Thơ Trương Nam Hương hấp dẫn người đọc bởi giọng dịu ngọt, gần gũi thân thương. Thế giới hình ảnh đa dạng, độc đáo tạo ra được những tứ thơ hay. Cùng với đó là khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách uyển chuyển, linh hoạt, lạ, bất ngờ góp phần làm cho thơ anh mang nét độc đáo, tạo nên phong cách riêng, phong cách thơ Trương Nam Hương.