TIN TỨC

Vàng của tâm hồn, vàng của văn chương

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-11-16 21:41:38
mail facebook google pos stwis
528 lượt xem

NGÔ XUÂN HỘI

Tài năng nói chung, tài năng văn chương nói riêng luôn là của hiếm. Vì thế, hàng năm Hội Nhà văn Việt Nam vẫn xét trao giải thưởng cho những tác phẩm xuất sắc in trong năm, nhưng đọng lại với thời gian chẳng bao nhiêu. Trong lĩnh vực văn xuôi, được nhắc đến hơn hai mươi năm nay, nhiều nhất vẫn là những tiểu thuyết “Thời xa vắng” của Lê Lựu, “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường, “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, “Bến không chồng” của Dương Hướng.

Với tâm lý “Tôi có chờ đâu có đợi đâu…” đó, ngày Hội công bố giải thưởng văn học của Hội năm 2013, cân nhắc trong “Tứ tử trình làng” tôi không biết mình nên đọc ai. Tử thứ nhất Ma Văn Kháng thì nổi tiếng quá rồi, thêm một giải nữa cũng chẳng làm ông nổi tiếng hơn. Tử thứ hai, tử thứ ba tôi cũng đã biết. Còn tử thứ tư, Nguyễn Trí? Đầu năm ngoái đi họp Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh, thấy Tô Hoàng cầm cuốn Thiên đường ảo vọng, tôi hỏi:

“Hay không bác?”.

 “Hay! - Tô Hoàng đáp, đoạn nói thêm - Ban đầu tớ nghĩ Nguyễn Trí chắc chỉ có vốn sống, nhưng đọc thì biết mình nhầm. Nó viết giỏi…”.

Được tác giả “Ngửa mặt kêu trời” đảm bảo, họp xong tôi phóng đến hiệu sách tìm mua ngay. Đọc, thấy đúng như bác ấy nhận xét: “Hay!” và “Nó viết giỏi”. Trước hết nói về mặt đề tài. Giống như  Đãi vàng, Giã từ vàng, Đá quý, Trầm hương… những truyện ngắn đã đưa Trí đến với giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, Thiên đường ảo vọng vẫn là chuyện đi tìm vàng, nhưng được tác giả triển khai trên bình diện tiểu thuyết với một dung lượng lớn về không gian và thời gian.

Câu chuyện bắt đầu từ việc hai nhân vật Lâm lạnh, Cường Linh rời trại lao cải về nhà. Rồi cả ba (thêm Bình võ) hành phương Nam tới Suối Bến Tỷ (tức Suối Nho trên thực địa) của miền Đông Nam bộ. “Cường thì phải vào cùng vợ con, Bình kiếm công việc. Lâm, sao cũng được…”. Trên đường đi, đụng sự với nhà xe, có thêm Bá Điển chánh hiệu dân miền Đông nhập bọn. Được Bá Điển hướng đạo, cả bọn tìm tới Suối Bến Tỷ làm nghề cưa cây. “Hôm ấy bộ tứ sạch bách sau hành quân truy quét tệ nạn phá rừng. Bên bờ con suối có tên Một Chặng. Cả bốn nằm gối đầu lên đá thở dài… Thấy Bình đang quỳ bên vách bờ suối. Lâm hỏi: “Mày làm gì đó Bình?”. “Tao nghi nghi”. “Nghi gì, nói nghe chơi?”. Tao nghi đất này có vàng. Hồi ở Êzimbar luống bổi có vàng y như thớ đất này” (tr. 37). Bãi vàng Suối Nho cộm cán ở Đồng Nai những năm tám chín mươi, kỷ hai mươi được bắt đầu như vậy.

Về công việc đào đãi vàng, trước Nguyễn Trí đã có nhiều người viết, nhưng hầu hết họ cưỡi ngựa xem hoa, hóng hớt được vài ba câu chuyện rồi tưởng tượng thêm bớt, từ đó sinh ra những trang sách đọc chỉ thấy dao găm, súng lục. Viết với tư cách là người trong cuộc, từng bổ cuốc khui hầm, ra suối lắc mâm, xuống địa tầng lấy bổi… tính đến nay có thể nói ông là người “độc nhất vô nhị”. Điều này kể cũng không có gì lạ, anh quen thuộc cái gì thì viết cái ấy, nhà văn nào chẳng vậy. Cái lạ là ở bản thân người viết. Làm sao từ một người mê chữ nghĩa, sách đọc đến thiên kinh vạn quyển, cuộc sống sàng lắc thế nào mà lại trở thành dân địu, phu vàng, thành đại ca trong những chuyện làm ăn, thuộc hết sáu câu của các trò lừa đảo khiến một người đọc là tôi cứ phải băn khoăn đi tìm căn nguyên. Và căn nguyên như thế này.

 Ông thân sinh Nguyễn Trí quê Bố Trạch, Quảng Bình, bị Pháp bắt lính năm 1945 khi vừa tròn hai mươi tuổi. To khỏe, đẹp trai, giỏi võ ông được áp ngay vào Huế làm Ngự lâm quân cho vua Bảo Đại. Cách mạng tháng 8 bùng nổ. Hoàng đế trở thành cựu hoàng, đưa cả đội lính Ngự lâm lên Đà Lạt sinh sống. Năm 1955, cựu hoàng ra nước ngoài định cư, đội lính ngự lâm nghiễm nhiên trở thành lính của chế độ Việt Nam cộng hòa. Không như bộ đội cụ Hồ: “Khi có giặc người con trai ra trận/ Người con gái ở nhà nuôi cái cùng con…” (*), bộ đội của các cụ Bảo Đại, Diệm, Khánh, Thiệu, Dương Văn Minh đi đâu cũng đùm túm vợ con theo. Nên mới có chuyện mười đứa con ông cựu Ngự lâm quân, mỗi đứa sinh một nơi. Mới có chuyện Nguyễn Trí, đứa con thứ năm của ông đẻ ở Bình Định, lại học tiểu học ở Gia Lai, học Trung học cơ sở ở Buôn Ma Thuột, Trung học phổ thông ở Quy Nhơn. Với cách giáo dục tôi tạm gọi “ngụ nho ư binh” đó, chẳng có gì ngạc nhiên khi nho sinh Trí dù trí rất sáng, đường học cũng chỉ dừng ở mức chữ tạc không vạc thành chữ tộ. Ông cựu Ngự lâm quân chẳng mong gì hơn. Ngày cậu Sáu vào Trung học phổ thông, mừng, ông thưởng khuyến học con một nồi lẩu dê.

Xảy ra sự kiện 30-4-1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đang sống đời sung túc, gia đình ông cựu Ngự lâm quân bỗng rơi thẳng đứng xuống bần cùng: Nhà ở, một gian trong khu gia binh ngụy, không có của dự trữ, bố mẹ và các con mười hai nhân mạng không một ai có công ăn việc làm.

Để xảy ra tình trạng này, nói do thời thế cũng được, nhưng nếu nói do sự ngu tín của gia chủ cũng không sai. Bị bắt lính năm hai mươi tuổi, ông cựu Ngự lâm quân lòng mang nặng nỗi hoài hương. Tiền lương đáng lẽ dùng mua nhà, kiếm một chỗ ở ổn định cho vợ con, ông lại đem gửi hết vào ngân hàng. Hy vọng một ngày nào đó trở về quê Quảng Bình, xây tòa ngang dãy dọc. Sau 30/4/1975, gần 600 cây vàng (quy từ số dư tiền gửi của ông) trở thành giấy lộn, gia sản gia đình lùi về số mo. Nhưng với niềm tin ngây thơ sẽ có một ngày Mỹ trở lại miền Nam, ông kiên quyết không đi Đăklăk, Lâm Đồng hay Cát Tiên, những vùng kinh tế mới nhiều hứa hẹn lúc đó. Tuy nhiên trước đời sống ngày một khó khăn, năm 1978 gia đình ông cũng phải dinh tê lên Tuy Phước, khu kinh tế mới giáp ranh, cách Quy Nhơn mười cây số. Rồi không sống nổi ở Tuy Phước, hai vợ chồng hồi cư Quy Nhơn, con cái thì ly tán mỗi đứa một nơi. Nguyễn Trí vào Đồng Nai như thế. Anh vào cùng người bạn gái, bắt đầu một thiên tình sử đầy nước mắt. Hai người yêu nhau đã mấy năm. Nhà gái thấy nhà trai nghèo quá, từ chối gả con. Lỡ gắn bó với nhau quá rồi, cô gái quyết định trốn gia đình, cùng anh xa xứ. Tới miền Đông đất đỏ, cả hai dắt dìu nhau xuống Bình Giã. Nam bộ lúc ấy hoang vu, lộ 51 Sài Gòn đi Cấp rừng mọc sát mép đường, có khoanh chiếm cả Bình Giã chắc cũng xuôi. Và thế là Trí chặt cây dựng lán, làm chỗ trú thân cho hai người. Đến lúc này anh bỗng tin chuyện Mai An Tiêm, chuyện Rôbimxơn Cruxô là có thật. Nhưng mô hình gia đình “một mái lều tranh, hai trái tim vàng” chỉ đẹp trong những tích tuồng cổ, trên thực tế nó chó hơn đời chó. Được ba tháng, cô gái của anh kham không nổi, đành giã từ bạn tình để quy cố hương. Không làm cách nào được, Trí theo về, giục người lớn xuống nhà cô thưa chuyện tiếp. Thương quá mà làm vậy, chứ kết quả ra sao thì Trí biết rồi.

Về phía nhà gái, việc con gái bỏ nhà theo trai là một ô nhục lớn. Tránh búa rìu dư luận, gia đình lặng lẽ dắt con bỏ Quy Nhơn đi biệt tích. “Tìm em như thể tìm chim…” Suốt ba năm (1980-1983), Trí lăn lóc làm thuê làm mướn khắp các khu kinh tế mới ở Đồng Nai để dò tung tích vợ. Và quả là anh đã dò được thật, nhưng không phải vợ này mà là vợ kia. Sau khi đã quần nát Suối Nho, Phú Hòa, Thanh Sơn, 107… những khu kinh tế mới dọc quốc lộ 20, lên cả Tà Lài (Lâm Đồng), người anh tìm vẫn mất hút bóng chim tăm cá. Thất vọng, năm 1983 Trí mò xuống quốc lộ 56, đến Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu thì gặp một cô gái cũng người Quy Nhơn. Cả hai trở thành vợ chồng, sống đời với nhau tới nay.

Năm 2005, tròm trèm năm mươi tuổi, giang hồ hết mộng bốn phương. Gã dắt vợ con rời Sài Gòn về Nhơn Trạch, Đồng Nai làm phu hồ xây nhà trong khu công nghiệp. Một buổi trưa gã cùng đứa con trai đầu ngồi dưới bóng một cây phượng già ăn cơm. Ăn xong, con trai đi thụt bi da, còn gã loay hoay tìm chỗ chợp mắt. Bỗng một chiếc Taxi trờ tới. Từ trên xe một thiếu phụ bước xuống, hỏi gã đường đi Công ty hóa mỹ phẩm Debon. Gã ngẩng đầu lên nhìn khách mà chết lặng cả người, một nửa cuộc đời gã hơn hai mươi năm trước đang hiển hiện bằng xương bằng thịt trước mặt. Thiếu phụ cũng giật mình nhận ra người xưa, liền hấp tấp bước trở lại xe. Chiếc Taxi vội vã quay đầu, lao vút. Rất nhanh, gã phóng Honda đuổi theo. Sau khi đã chạy gần một trăm cây số, tới thị trấn Chơn Thành, tỉnh Bình Phước chiếc Taxi dừng lại, cũng là lúc giang hồ cập sát. Biết không thể trốn chạy quá khứ, thiếu phụ đứng đợi gã. Hai người gặp nhau. Không có nước mắt cũng không có nụ cười, chỉ có những lời trao qua đổi lại. Nhờ đó, gã biết mình có một đứa con trai, hai lăm tuổi. Một năm sau ngày hai bố con gặp nhau, con trai của gã và thiếu phụ bị chết do tai nạn giao thông.

Câu chuyện tình buồn này tôi nghe Nguyễn Trí kể. Nhưng tôi đoan chắc sẽ được đọc nó trong một tác phẩm nào đó của ông nay mai, vì Nguyễn Trí là vậy. Không một chi tiết đời sống nào ông bỏ qua. Từ phút im lìm ngậm một cọng cỏ may nằm bên vệ đường thuở thiếu thời, cho đến cảnh bị đám xã hội đen Sài Gòn truy sát khi đã nhiều nếm trải do trót vay nặng lãi để lấy tiền chữa bệnh ápxe gan, sinh ra một đống nợ, trả không nổi dù đã bán nhà… tất cả, tất cả được ông viết thành những trang văn sống động.

Henri Charrière viết “Người tù khổ sai” vì thấy chuyện tù tội của mình hay hơn chuyện tù tội của nhân vật được kể trong một cuốn sách thuộc loại Best Sellers thời ấy. Nguyễn Trí không có được sự tự tin của ông nhà văn người Pháp nọ. Ông viết là để giải tỏa những bức bách trong lòng, không hề mơ in báo. Nhưng điều phải đến cũng đến. Một hôm đi dạo trong nhà sách Thăng Long ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Hồ Chí Minh, ông nghe hai người khách bên cạnh trao đổi với nhau email của Nhà văn Hồ Anh Thái. Nhập tâm địa chỉ mạng của người lạ, về Đồng Nai ông ra tiệm Internet gần nhà nghĩ và viết ngay một truyện ngắn vào ô viết thư gửi cho nhà văn.

Về chuyện này Hồ Anh Thái kể: “Ngày nọ trong hộp thư điện tử của tôi xuất hiện một bức thư lạ, ở ô trống để viết thư chỉ là một truyện ngắn được dán thẳng vào, không kèm theo một lời giới thiệu hoặc nhắn gửi. Tôi đọc thử mấy dòng. Cái tên tác giả Nguyễn Trí thì còn lạ lắm, nhưng một trang đầu đã chứng tỏ người viết có chữ và biết dùng chữ, có chuyện và biết kể chuyện…”

Truyện ngắn Hồ Anh Thái nói ở đây chính là truyện Nín lặng khóc được ông biên tập, gửi Tuổi trẻ cuối tuần, trở thành truyện ngắn đầu tiên in báo của Nguyễn Trí. Từ đó đến nay năm năm trôi qua, Nguyễn Trí đã có hơn một trăm truyện in báo. Xuất bản năm tập truyện ngắn, dài. Tất cả đều được chắt ra từ cuộc đời ông, một cuộc đời đầy máu và nước mắt. Tôi nói điều này không ngoa. Nguyễn Trí có năm đứa con. Đứa con trai đầu với người vợ trước, bị chết vì tai nạn giao thông như đã kể. Đứa con gái lớn của người vợ sau, năm hai mươi tuổi bị người ta giết chết. Còn lại hai trai, một gái thì đứa trai thứ ba sa vào nghiện hút, con dâu bỏ đi để hai cháu lại cho ông bà nội nuôi. Thế là khi sắp sửa về già vợ chồng ông vẫn phải cặm cụi bán mặt cho đất, bán lưng cho trời làm lụng nuôi con, nuôi mình, nuôi cháu. Vì những sự nuôi ấy mà bản thân ông đã hơn một lần chết hụt ở các bãi vàng, ở các cung đường lầm bụi. Để sống được chứ chưa nói để viết, để trở thành nhà văn, biết bao lần ông đã phải “Rũ bùn đứng dậy…” (**). Đọc “Nhà văn Việt Nam hiện đại” do Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản, đố ai tìm thấy một nhà văn nào có tiểu sử “hoành tráng” như ông. Này nhé: “…sinh năm 1956 tại Bình Định…Từng qua các nghề: Nhảy tàu, đào đãi vàng, đá quý, khai thác trầm hương, chặt củi đốt than, nấu đường lậu, cưa xẻ gỗ, phu hồ, làm đồ tể; dạy Anh văn hợp đồng 7 năm, sau đó vào TP HCM chạy xe ôm ở bến Bạch Đằng 2 năm thì về Đồng Nai làm công nhân trong các khu công nghiệp…”. Trừ bảy năm gõ đầu trẻ, còn lại toàn những nghề dành cho kẻ mạt, không có trường lớp nào dạy, buổi sáng nhập môn buổi chiều đã rành việc. Người làm chỉ cần sức lực và chút liều lĩnh là xong.

Điều đáng ngạc nhiên, dù cực khổ vậy nhưng từ đáy sâu tâm hồn ông không hề oán thán cuộc đời, tác phẩm viết ra cái nào cũng “Đẹp và Thiện”(***) . Đối nhân xử thế thì luôn giữ được sự bao dung, dám làm dám chịu của một chính nhân quân tử. Ngày tòa xử vụ con gái bị giết, ông đã đứng ra xin tòa mở lượng khoan hồng cho kẻ thủ ác. Có lần nhặt được ví tiền của ai đó đánh rơi, ông liền công bố lên Facebook để chủ nhân cái ví biết, đến nhận. Lại có lần vợ ông bắt được mấy món đồ nữ trang bằng vàng, người mất nghe tin, tìm tới xin lại. Xác định đúng khổ chủ, ông trả lại ngay. Từng ăn trên vàng, ngủ trên vàng, dẫm đạp lên vàng mà khi rời bãi, trong túi không có một đồng đi xe. Chân lý ông ngộ ra là Cái gì không phải của mình thì mình không có quyền giữ! Chân lý này toát ra từ Bãi vàng, đá quý, trầm hương, từ Thiên đường ảo vọng, từ hơn một trăm truyện ngắn ông in báo, in sách.

Nguyễn Trí còn sẽ viết nhiều, nhưng với những gì đã công bố, truyện ngắn rõ ràng là một thế mạnh của ông. Mạnh ở đời sống, ở cốt truyện, và nhất là ở ngôn ngữ thể hiện. Ngôn ngữ trong các truyện ngắn của Nguyễn Trí là một thứ ngôn ngữ bụi, được sử dụng một cách tự nhiên, vừa đủ, rất hợp với các nội dung cần chuyển tải. Chúng ta thử hình dung cũng những cốt truyện ấy, nếu tác giả thể hiện bằng một thứ ngôn ngữ “salon”, liệu chúng có dậy mùi được không? Chắc chắn không. Lúc ấy thay vì đọc ông, người ta sẽ đọc các trang báo, nhất là báo về pháp luật và an ninh. Nhưng người đọc đọc Nguyễn Trí, vì truyện của ông “…có vô số thông tin và ông đã biến những thông tin đó thành thế giới tưởng tượng của riêng mình để truyện nào cũng có nhân vật rõ tới sờ thấy được và tình huống truyện rất kỳ lạ và cái quan trọng là cảm xúc nhân văn tràn đầy ở người viết biến những cái thông thường thành cảm xúc chung lớn lao…”(***)

Ở người làm nghề văn, đây là một năng lực trời cho. Nếu để mất nó, bất cứ người viết nào cũng sẽ lẫn trong muôn vàn khuôn mặt văn chương khác.

Xuân Bính Thân 2016

*  Thơ Nguyễn Khoa Điềm.
**  Thơ Nguyễn Đình Thi:
“Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”
*** Lê Minh Khuê.

Nhà văn Nguyễn Trí, sinh năm 1956 tại Bình Định, nguyên quán Quảng Bình.
QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Từng làm lao động phổ thông kiếm sống bằng nhiều nghề vất vả, hiện ở nhà viết văn.
TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Bãi vàng, đá quý, trầm hương (tập truyện ngắn, Nxb Trẻ-2012. Tái bản 2013, 2014), Đồ tể (tập truyện ngắn, Nxb Trẻ-2014), Thiên đường ảo vọng (tiểu thuyết, Nxb Trẻ-2015). Ảo và sợ (tập truyện ngắn, Nxb Trẻ-2016), Tuổi thơ không có cánh diều (Truyện dài, Nxb Kim Đồng-2016)…
GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2013 (cho tập truyện ngắn Bãi vàng, đá quý, trầm hương)

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Nguồn: Văn nghệ Công an số thứ Năm, ngày 17/10/2024
Xem thêm
Một cây bút nhạy bén, giàu tình
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
“Nắng dậy thì” Rọi lòng sâu thẳm
Nắng dậy thì là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện nỗi buồn thẳm sâu của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương và đầy niềm trắc ẩn, như nhà thơ tâm sự: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi” (Thay lời mở). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nỗi buồn gắn với một vùng quê cụ thể, với tình thân, bạn bè, người yêu, với dòng sông, bến nước, con đò, chợ quê hay cánh đồng làng. Những kỷ niệm thân thương và đau thương cứ “cằn cựa” trong tâm hồn người thơ để có những vần thơ độc đáo, đồng vọng trong lòng người đọc.
Xem thêm