TIN TỨC

Cặp vợ chồng thi sĩ đặc biệt

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-05-15 10:11:28
mail facebook google pos stwis
276 lượt xem

NGUYỄN VĂN HÒA

Cuộc đời vợ chồng thi sĩ Nguyễn Nguyên Bảy và Lý Phương Liên là hiện tượng “lạ” - “đặc biệt” chưa từng có ở Việt Nam. Đời người và đời thơ của họ như duyên nợ trời định dù đã trải qua biết bao sóng gió nghiệt ngã nhất, có lúc những tưởng bế tắc, không lối thoát.

Hai con người, một số phận

Người ta biết đến Nguyễn Nguyên Bảy và Lý Phương Liên từ những năm 60 của thế kỉ trước. Lúc ấy, Nguyễn Nguyên Bảy công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Lý Phương Liên, cô gái mồ côi, nhà nghèo xinh đẹp, một mình cáng đáng nuôi cả đàn em thơ. Nhưng số tiền ít ỏi kiếm được từ lương công nhân ở nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo không thể lo xuể cho cả gia đình.

Trong một lần gặp nhau, chính những “vẻ đẹp” ấy của Lý Phương Liên đã hút hồn chàng trai Nguyễn Nguyên Bảy. Đó là nhân duyên và cũng là lẽ trời định, để hai người về chung một nhà, chung một con đường. Và từ đây, hai người cùng trải qua những sóng gió, tai ương, chìm nổi, những va đập “bất thường” của thời cuộc.

Sau đó, số phận và thời cuộc đã đưa đẩy Nguyễn Nguyên Bảy - Lý Phương Liên trôi dạt về phương Nam. Những năm tháng ly hương, họ phải sống một cuộc đời khó khăn, chật vật nơi đất khách. Nhưng bằng ý chí, nghị lực và niềm tin, hai người nghệ sĩ - thi sĩ ấy vượt qua tất cả để có cuộc sống ổn định như ngày hôm nay.

Lúc bấy giờ, nếu Lý Phương Liên nổi đình nổi đám với bài thơ “Trò chuyện với Thúy Kiều” (Đăng trên Báo Nhân Dân, 1970) thì Nguyễn Nguyên Bảy gây nên “tâm bão” với phát ngôn: “Thơ là thơ. Thơ không phải là địa vị xã hội của người làm thơ”. Nhưng có lẽ, điều đáng quý ở Nguyễn Nguyên Bảy và Lý Phương Liên là dù tên tuổi đã nổi tiếng một thời nhưng họ chưa bao giờ tự nhận mình là nhà thơ, nhà văn. Nguyễn Nguyên Bảy bộc bạch: “Tôi không phải nhà văn, nhà thơ. Tôi chỉ là người chép chữ xuôi rồi bảo là văn. Chép chữ vần rồi bảo là thơ. Chép từ hồi tiểu học Lương Yên những năm đầu tiếp quản Thủ đô, bạn “lớp chúng mình” gọi đùa Trương Chi. Chép chữ suốt từ ấy đến giờ, ngày nào ít nhiều cũng chép. Tôi là một nghiệp dư thơ”. Nguyễn Nguyên Bảy còn ý thức sâu sắc rằng: “Thơ ca hiện diện như một chiếc gương, soi vào đấy hiện lên vẹn toàn gương mặt thi nhân. Hồng mặt gương hay xám ngoét mặt gương, thi nhân tự thức”. Những lời giãi bày gan ruột về nghiệp cầm bút đã thể hiện rõ phong cách thơ của Nguyễn Nguyên Bảy.

Trong khi đó, Lý Phương Liên rất kiệm lời khi nói quan điểm về thơ. Lý Phương Liên cho rằng: “Thơ tôi chỉ là thơ học trò bình thường, nếu không muốn nói là tầm thường, ăn may là do hoàn cảnh éo le đắng đời nên lấy được nước mắt của người đọc mà thành thơ. Tôi trở nên nổi tiếng có lẽ là cơ may, vậy thôi! Có biết bao nhiêu người tài hoa thời ấy, được học hành bài bản, được đào tạo qua các lớp chuyên môn thì tôi làm sao dám sánh với họ”.

Những biến cố xảy ra liên tục đối với gia đình vợ chồng Nguyễn Nguyên Bảy, những tưởng họ sẽ “cự tuyệt” với văn chương song tình yêu văn chương đã ăn sâu vào huyết mạch. Họ sinh ra là để sống với văn chương. Nguyễn Nguyên Bảy lặng lẽ viết, viết đều đặn và viết nhiều thể loại. Ngoài những tập thơ, tập truyện, tiểu thuyết, kinh dịch và tản văn đã in, ông vẫn còn hàng chục bản thảo cất cẩn thận trong ngăn tủ, có nhiều bản thảo đã ố màu theo thời gian. Còn Lý Phương Liên có lời nguyền không làm thơ, không công bố thơ, thậm chí cả những người thân yêu nhất như Nguyễn Nguyên Bảy, bà cũng chẳng dám đưa thơ cho ông đọc, dù trong tâm can, huyết mạch thơ vẫn âm ỉ, dạt dào tuôn chảy.

Thỉnh thoảng buồn em vẫn chơi thơ

Trôi trên giấy điệu vần thương nhớ

Ạ ơi những lời ru cũ

Cánh cò chít trắng tang mây…

Chẳng dám chép tặng anh sợ rồi lại vạ

Thơ thương ta thơ đừng làm anh khổ

Em đơn chiếc một cánh cò

Mà trời bao la quá

Em chép lại đôi ba bài thơ nhỏ

Chỉ để nhớ để thương thơ…

Trong một lần đến nhà, nói đến thơ, Lý Phương Liên mở trong két sắt lấy cho tôi xem những bài thơ của bà đã được đăng báo từ những năm 60, 70 của thế kỉ trước. Bà xúc động nói: “Đó là vật kỉ niệm, nó liên quan đến cuộc đời mình nên cần phải được lưu giữ”.

Năm 2011, Lý Phương Liên xuất hiện trở lại với việc in tập Ca bình minh. Sự xuất hiện trở lại của Lý Phương Liên trên thi đàn sau 40 năm vắng bóng là điều đáng quý và đáng trân trọng.

Tâm niệm cuộc đời

Nói về Nguyễn Nguyên Bảy và Lý Phương Liên, không thể không nhắc đến việc xuất bản những tập thơ thiện nguyện cuối đời của họ. Bằng tất cả sự nhiệt huyết, niềm hăng say, đam mê, họ tự nguyện lấy số tiền tích góp gửi tiết kiệm trong 20 năm qua, bỏ thời gian và công sức để tạo sân chơi Thơ Bạn ThơVăn Bạn Văn cho những người yêu văn chương chân chính. Bộ sách này đã tập hợp những tác phẩm bị bỏ quên, bỏ sót hay vì lý do nào đó chưa công bố; những tác phẩm sống được trong lòng bạn đọc; những tác phẩm hay của những tác giả mới xuất hiện. Hình như Nguyễn Nguyên Bảy và Lý Phương Liên đã quên đi tuổi tác, bệnh tật, cứ mỗi lần sách in xong, họ đều khẩn trương gửi sách cho các tác giả, cho các thư viện, đồng thời tổ chức ra mắt, giới thiệu với bạn đọc cả nước… Nghĩa cử đáng quý, việc làm hết sức ý nghĩa, mang giá trị thời đại này của vợ chồng thi sĩ Lý Phương Liên và Nguyễn Nguyên Bảy xứng đáng được ghi nhận và tôn vinh.

Ấn tượng hơn nữa là sự đam mê và nhiệt thành của hai vợ chồng đối với thơ. Gặp Lý Phương Liên và Nguyễn Nguyên Bảy, dù nói công việc gì đi nữa, ông bà vẫn luôn dành thời gian cho thơ, dành cho thơ với tất cả niềm đam mê, thích thú. Họ kể về những kỷ niệm, những dấu mốc, những bài thơ lần đầu đăng báo và cả những hệ lụy của gia đình có liên quan đến thơ… Với gia đình Nguyễn Nguyên Bảy, thơ có lẽ là duyên nợ, là người bạn tâm giao, là máu thịt, là hơi thở, là điều thiêng liêng nhất.  

Vì đam mê và trân quý văn chương, tâm niệm những ngày còn lại của Nguyễn Nguyên Bảy - Lý Phương Liên là hiện thực hóa các đầu sách (Thơ Bạn Thơ, Văn Bạn Văn, Vườn Năm nhà, Chém gió muôn mầu) với tư cách là chủ biên. Các đầu sách trên được khởi động từ năm 2012 và cho đến nay đã in xong 20 tập. Đây là dự án văn chương khá hoành tráng về quy mô, đa dạng về thể loại, đông đảo về tác giả, đồ sộ về tác phẩm... Quy tụ hơn 5.000 tác giả trong nền Văn học Việt Nam từ cổ chí kim, vì thế, bộ Tuyển tập này có giá trị đặc biệt đối với nền văn chương Việt Nam hiện đại.

Từ năm 2018, vợ chồng ông đã cho ra thêm một số đầu sách mới nằm trong Dự án Sách Thơ Bạn ThơVăn Bạn Văn. Trong lần ra mắt sách tại Hà Nội, Nguyễn Nguyên Bảy cho biết sẽ thực hiện Dự án sách này trọn bộ là 50 tập. Đây sẽ là bộ sách về văn chương đồ sộ nhất từ trước đến nay. Trước việc làm cao đẹp, hiếm có của vợ chồng Lý Phương Liên - Nguyễn Nguyên Bảy, nhà thơ Nguyễn Khôi cảm kích và đã tặng họ 4 câu thơ:

Ôi, lớn quá "Thơ Bạn Thơ" đồ sộ!

Là tinh hoa Thơ đương đại nước nhà

Là Chúa tể Văn chương Dân tộc

Nghìn năm sau còn vang vọng lời ca...

Ở thời buổi này, người yêu văn chương, đam mê đúng nghĩa, đích thực không vì mục đích này khác đã là hiếm; đam mê, nhiệt huyết dành trọn tiền bạc và thời gian ở tuổi xế chiều của đời mình để làm cái việc nhọc nhằn với chữ nghĩa lại càng đáng quý hơn. Người yêu văn chương chân chính sẽ rất ngưỡng mộ và kính phục sức làm việc và cả tình yêu vô bờ mà vợ chồng Nguyễn Nguyên Bảy - Lý Phương Liên dành cho văn chương và bạn đọc. Bản thân tôi là người đồng hành cùng vợ chồng ông trong việc thực hiện Bộ Tuyển tập này suốt hơn 10 năm qua nên càng thấu rõ hơn điều đó.

Tôi gọi Nguyễn Nguyên Bảy là Thầy, coi ông là Thầy - một người Thầy đúng nghĩa của từ này! Bởi ông đã truyền đạt và chỉ dạy cho tôi nhiều thứ. Tôi khâm phục, ngưỡng mộ và kính trọng ông không chỉ ở tài năng mà còn ở đạo đức và lối sống. Một con người nặng lòng với văn chương, sẵn sàng chịu “phạt” để giữ vững lập trường, để sống và chết với văn chương một cách thanh sạch cho đến hơi thở cuối cùng.

Dù biết rằng sẽ cũng đến ngày ông phải rời cõi tạm vì tuổi cao, sức yếu nhưng nghe tin ông mất tôi không khỏi bàng hoàng, xúc động. Đã mất vào lúc 5h sáng - Giờ Texas Mỹ, ngày 28/12/2022 (6/12âm lịch) sau một thời gian lâm trọng bệnh, hưởng thọ 82 tuổi. Từ đây sẽ không bao giờ được ngồi cùng ông để nghe ông luận bàn về văn chương và thế sự nữa. Và có lẽ, cũng từ đây Dự án văn chương Thơ Bạn Thơ, Văn Bạn Văn cũng đành tạm gác lại.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Kiên “Lục bát” – Người quê nâng những hồn quê
... Nguyễn Thế Kiên lại nhẹ nhàng hơn “Ngược xuôi đi giữa tảo tần/ Hồn rơm vía rạ hóa thân mà thành”, chỉ thế thôi mà ra cả cuộc đời.
Xem thêm
Nguyễn Thị Ngọc Hải làm sống lại một đời, một thời
Rút từ tập GÁNH CHỮ TRÊN NGÀN, Nxb Hội Nhà văn, 2022.
Xem thêm
Hồ Bá Thâm – Nhà triết học làm thơ
Chương trình “Người Nghệ muôn phương” của NTV
Xem thêm
Nhà thơ Vũ Thiên Kiều, du ca ấy như thời gian thơm thảo | Phùng Văn Khai
Đó chính là một du ca - du hành chữ nghĩa thảo thơm đầy đặn lắm thay.
Xem thêm
Gương soi | Bích Ngân
Nguồn: Báo Người Lao động
Xem thêm
Trái tim dũng cảm lang thang dưới bầu trời chữ nghĩa | Bài của Tiểu Mai
Những câu thơ như thế, ngay cả người không thích thơ cũng cảm thấy nặng lòng. Đó là biệt tài của Phùng Hiệu.
Xem thêm
Nhà văn Nguyễn Đình Thi, như tôi biết
Lần đầu tiên tôi được gặp Nguyễn Đình Thi là năm 1970, khi tiểu thuyết Vỡ bờ tập 2 của ông vừa ra đời.
Xem thêm
Thân gái chiến trường | Ký của Vương Trọng
Bài đăng Tạp chí Nhà văn & Cuộc sống số 13 (tháng 3&4/2023)
Xem thêm
Bạn tôi Bùi Mạnh Nhị
Bài đăng báo Văn nghệ số 8/2023
Xem thêm
Thơ có cần thiết cho đời sống?
Hình thức để làm gì, cách tân để làm gì khi trong lòng không một cảm xúc? Cảm xúc ấy cần cho thơ hơn cả hình thức nữa.
Xem thêm
Dương Tường – Người tình
Dương Tường hiện diện đời năm Nhâm Thân (4.8.1932) và giã biệt đời năm Quý Mão (24.2.2023).
Xem thêm
Nhà thơ, thiếu tá Phạm Vân Anh - Nữ chiến sĩ đa tài và tình yêu bền bỉ với văn chương
Nhắc đến nhà thơ thiếu tá Phạm Vân Anh, người ta sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh một người phụ nữ mạnh mẽ và cũng đầy chất đàn bà. Chị đại diện cho người Hải Phòng đầy hào sảng, lúc “ăn sóng nói lớn”, lúc cũng rất dịu dàng.
Xem thêm
Dòng thơ giữa phố rung động bao nhiêu tâm hồn thi ca?
‘Dòng thơ giữa phố’ là tên gọi cuộc tọa đàm diễn ra sáng 4/2 thu hút nhiều nhà thơ quen thuộc, chính thức khởi động Ngày Thơ Việt Nam 2023 tại TP.HCM.
Xem thêm
Những kỷ niệm khó quên với nhà thơ Giang Nam
Có lẽ, ít người biết rằng, nhà thơ Giang Nam đã từng được mời ra vùng tự do Bình Định năm 1954 để tập kết ra Bắc nhưng ông đã chọn ở lại với chiến trường miền Nam dù biết rằng có thể sẽ rơi vào cảnh bị địch bắt và tù đày, tra tấn cho đến chết. Chính ông đã bộc bạch: Sự lựa chọn đó đã được chứng minh là hoàn toàn đúng. Có sự lựa chọn đó mới có Giang Nam hôm nay. Nhưng phải nói thật là số người được gọi là “trí thức” dám ở lại sống chết ở chiến trường chỉ đếm được trên đầu ngón tay…
Xem thêm