- Góc nhìn văn học
- Văn minh đô thị ở Đài Loan
Văn minh đô thị ở Đài Loan
Bài và ảnh: BÍCH NGÂN
Đã từng đặt chân đến một số nước châu Á, châu Âu, tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên khi nhận ra những vẻ đẹp về văn minh đô thị ở hòn đảo xinh đẹp này.
Nhà sách mở cửa 24/24
Đi du lịch không đi theo đoàn, nên sau khi đặt chân xuống sân bay Quốc tế Đào Viên Đài Loan (Taiwan Taoyuan International Airport), tôi thong dong dạo quanh một vòng.
Là sân bay nằm ở vị trí thứ 10 trong danh sách sân bay bận rộn nhất thế giới theo lượng khách hàng và bận rộn thứ 6 thế giới về lưu lượng giao thông vận tải quốc tế, nhưng nơi đây tạo cho hành khách cái cảm giác thoải mái, thư thái và yên bình. Ở tầng trên của nhà ga có khu resting lounge với đầy đủ tiện ích như nơi cầu nguyện dành cho hành khách với những phòng cầu nguyện riêng biệt dành cho người đạo Chúa, đạo Phật hay đạo Hồi. Khu này có nhà tắm, nhà vệ sinh, có phòng dành riêng cho mẹ có trẻ sơ sinh, sân chơi nhỏ cho trẻ em… và đặc biệt có nhiều bàn đọc sách có máy tính nối mạng internet với môt thư viện sách online. Tất cả đều miễn phí.
Mấy ngày lưu lại Đài Bắc, tôi ở Vendôme Hotel nằm trên đường Zhongxihao. Từ chỗ tiếp tân, đi qua dãy hành lang để đến phòng nghỉ, tôi thấy có một cửa hiệu sách mở cửa 24/24. Hiệu sách vừa bán sách, vừa có bàn ghế cho người đọc sách và có cả dịch vụ cho thuê sách. Là hiệu sách nhỏ trong một khách sạn nhỏ nhưng ít khi vắng khách.
Tôi vào nhà sách có tên Eslite khá muộn sau khi đi ăn uống ở một chợ đêm. Là ngày Tết, khách lác đác nhưng nhà sách vẫn mở cửa 24/24, giống như hệ thống cửa hàng tiện lợi với nhiều thương hiệu như 7-Eleven, FamilyMart, OK Mart, Watson… luôn mở cửa 24/24 trên khắp đường phố Đài Bắc. Nhà sách Eslite được xếp là một trong 18 nhà sách danh tiếng của thế giới ( Châu Á chỉ có 3 nhà sách: Đài Loan (1), Trung Quốc (2 - một ở Nam Kinh và một ở Quảng Châu). Nhà sách có không gian đẹp, rộng lớn (17.000m2), thoải mái, riêng tư với một thế giới sách đa dạng, phong phú đã làm nên danh tiếng cho hiệu sách hơn hai thập niên qua. Nhờ sự thành công ấy, nhà sách đã mở thêm 2 chi nhánh nữa, cũng ở Đài Bắc.
Một gian sách trong một nhà sách Eslite ở Đài Bắc, mở cửa 24/24 |
Sách đặc biệt, tức sách cổ xưa còn phong phú ở trong nhiều phòng trưng bày của Bảo tàng Cố Cung (Bảo tàng cung điện quốc gia Đài Loan) nơi lưu giữ hơn 600.000 các bộ sưu tập hiện vật và tác phẩm nghệ thuật Trung Hoa lớn nhất thế giới, trong đó chiếm phần lớn là thuộc 4 triều đại Tống - Nguyên - Minh - Thanh. Sách cổ nhiều là sách sử ký của những triều đại Trung Hoa. Nhiều tập thơ, văn của những nhà thơ, nhà văn lỗi lạc. Một số tập thơ của Lý Bạch và bút tích của thi tiên cũng hiện diện ở đây.
Bút tích trong tập thơ của Lý Bạch trong Bảo tàng Cố Cung |
Lặng lẽ xếp hàng
Đến Đài Bắc, đi trên phố, vào nhà hàng, vào chợ đêm, vào bảo tàng, vào cả những ngôi chùa đều thấy hình ảnh hàng người hay dòng người xếp hàng, lặng lẽ xếp hàng.
Tôi đặt chân lên đường phố Đài Bắc vào sáng mùng 1 Tết. Đường phố rộng, vắng vẻ. Trên đường lác đác những chiếc taxi màu vàng (taxi ở Đài Bắc chỉ cùng một màu nghệ tươi, thật nổi bật). Tuy vậy, người dân ở đây vẫn tuân theo đèn hiệu giao thông. Họ xếp hàng chờ đèn tín hiệu cho phép đi bộ sang đường.
Người Đài Loan đợi đèn tín hiệu sang đường trên đường Zhongxihao, sáng mùng 1 Tết Canh Tý |
Đi trên nhiều con phố, nhiều ga tàu điện, nhiều trạm xe bus, ở nhiều cửa hàng: cửa hàng tiện lợi, cửa hàng ăn uống, cửa hàng bán trà sữa, bán nhiều loại mặt hàng khác nhau, tôi thường gặp người xếp hàng chờ tới lượt mình. Họ nhẹ nhàng di chuyển, nói khẽ, ý tứ, nhường chỗ, nhường lối cho cho người khuyết tật, người cao tuổi, người mang bầu, người dẫn theo con trẻ.
Xếp hàng trước một cửa hàng trà sữa nổi tiếng trên phố đi bộ |
Xếp hàng trong một quán cơm bình dân |
Mấy ngày đi qua nhiều con phố ở Đài Bắc, tôi không thấy cảnh chen lấn, xô đẩy ngay cả khi dòng người rồng rắn vào những ngôi chùa.
Ngôi chùa gần 300 năm tuổi Long Sơn (Mengjia Longshan) là điểm chiêm bái tâm linh nổi tiếng của người dân bản địa cũng như thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan. Vào ngày Tết Nguyên đán, người đi chiêm bái đến chật cả đường phố bên ngài cổng chùa. Nhưng khi bước qua cổng chùa, dòng người tự động chia ra thành 2 luồng – vào và ra - không gây ồn ào, lặng lẽ di chuyển để vào thắp hương, khấn nguyện và nghe lời kinh, nghe âm nhạc vọng ra từ ngôi chánh điện.
Hai luồng người vào – ra trước chùa Long Sơn trên phố Quảng Châu, Đài Bắc |
Sạch và xanh
Đến Đài Loan, dễ nhận ra là hình ảnh sạch ở ga sân bay, sạch ở ga tàu điện, sạch ở trạm xe bus, sạch trên đường phố, sạch trên lối đi dẫn đến khách sạn, sạch trong những cửa hàng, những tòa nhà và sạch cả những nơi được đặt thùng rác.
Tôi đến khu chợ đêm Nhiễu Hà trên đường Raohe. Nhiễu Hà là một trong những chợ đêm sầm uất và lâu đời nhất tại quận Tùng Sơn, Đài Bắc. Chợ đêm nằm trước mặt ngôi chùa Ciyou nổi tiếng , lại gần nhà ga điện Tùng Sơn nên người người tấp nập. Trời lại mưa lâm râm. Chợ đêm nhộn nhịp với hàng trăm gian hàng bán thức ăn với thực khách lũ lượt. Vậy mà, chợ đêm không thấy rác vứt bừa bãi dưới bàn ăn, dưới chỗ ngồi hay trên lối đi ấm ướt.
Khi trở ra cổng chợ, tôi mới thấy hai thùng đựng rác thật to đặt cách cổng ra vào chừng 5 mét và một người đàn ông mặc áo đi mưa trùm đầu đang “canh chừng” hai thùng rác. Người này liên tục phân loại rác được bỏ vào thùng và cho vào những cái túi to màu đen được buộc miệng rồi có xe chuyển đi. Rồi một người đàn ông nữa, ăn mặc nai nịt như người bảo vệ, lại tiếp một tay với người phân loại và thu gom rác.
Được biết, tại Đài Bắc, có hàng ngàn điểm chở rác mà người dân có thể tra cứu bằng ứng dụng smartphone, qua đó xác định xe chở rác đã đến địa điểm nào để đổ rác. Rất nhiều khu vực dân cư tại thành phố này đã lắp camera, nhằm đảm bảo các hộ dân thực hiện đúng quy trình phân loại rác thải và không vứt rác bừa bãi. Những người vi phạm lần đầu sẽ được nhắc nhở bằng thông báo, nếu tái diễn sẽ bị phạt và xử phạt nghiêm khắc, như bị phạt tiền vào khoảng gần 200 USD cho mỗi lần vi phạm, hoặc bị công khai chỉ trích trên các phương tiện truyền thông.
Người đàn ông “canh chừng” hai thùng rác được đặt trước chợ đêm Nhiễu Hà |
Thành phố Đài Bắc trải dài màu xanh. Từ sân bay Đào Viên về đến trung tâm thành phố đi bus với tốc độ khá nhanh cũng mất gần 50 phút. Hai bên đường, trải dài là màu xanh của đồi núi phủ màu xanh của rừng cây. Có cảm giác mỗi gốc cây, mỗi mảng xanh đều được chăm sóc và bảo vệ.
Đi trên nhiều đường phố Đài Bắc, nhìn gần cũng như phóng tầm mắt ra xa xa, chưa lúc nào thấy mất dấu những mảng xanh của cây của lá, những mảng xanh hài hòa với phố xá, với những công trình đô thị vừa hiện đại vừa giữ được nét đẹp truyền thống.
Và đi đến một số điểm du lịch nổi tiếng hay vào những bảo tàng danh tiếng, không khó để nhận ra là chính quyền Đài Loan luôn cùng các doanh nhân, doanh nghiệp có một bề dày gắn kết hết sức chặt chẽ trong quá trình đô thị hóa, vừa phát triển kinh tế, vừa phát triển văn hóa, luôn coi trọng việc gìn giữ và phát triển màu xanh thiên nhiên cho đô thị và đặc biệt là ý thức xây dựng nếp sống văn minh của một quốc gia đặt chất lượng sống của con người là mục tiêu cao nhất.
“Đêm qua bao nhiêu nước mắt thương đau trào lên trong lòng. Chỉ có các vì sao mới thấu hiểu nỗi lòng tôi…”, lời của bài hát “Ngôi sao hiểu lòng tôi” cho bộ phim truyền hình cùng tên mà hơn 30 năm trước được cả thế giới biết tới, nay vẫn còn được hát trên sân khấu (không chỉ ở Đài Loan), được ngân nga từ băng đĩa ở nhiều đường phố và vẫn còn được bày bán cho du khách tại Đài Bắc (có cả tiếng Việt), dù ba thập kỷ qua, Đài Loan đã làm nên một kỳ tích, trở thành một quốc gia có nền kinh tế phát triển bền vững và là một quốc gia luôn nỗ lực gìn giữ và tạo dựng giá trị nhân văn, đặc biệt là chú trọng phát triển văn minh đô thị.