- Chân dung & Phỏng vấn
- Nhà thơ Văn Công Hùng với nhà thơ Hoàng Cát
Nhà thơ Văn Công Hùng với nhà thơ Hoàng Cát
Được tin nhà thơ Hoàng Cát, tác giả "Cây táo ông Lành" đã tạ thế ngày 01 tháng 7 năm 2024 tại Hà Nội, sau nhiều năm chống chọi với căn bệnh ung thư. Văn chương TP. Hồ Chí Minh xin chân thành chia buồn cùng gia đình cố nhà thơ và xin phép được chia sẻ bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng cùng bài thơ ký họa chân dung Hoàng Cát thay vài nén nhang viếng vọng từ xa.
VỚI ANH HOÀNG CÁT
VĂN CÔNG HÙNG
Hồi tôi đi học thì gần như không sinh viên nào, dù đấy là thời cái gì cũng kín như bưng, trừ sự vất vả khổ sở, không biết chuyện Hoàng Cát và “Cây táo ông Lành”. Tôi đã lùng bằng được để xem nó như thế nào mà kinh hoàng thế, và thấy… buồn cười khi đọc xong. Cũng như thế tôi đã cố xem tại sao “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố bị chê là không có đường ra, “Mở hầm” của Nguyễn Dậu, “Vào đời” của Hà Minh Tuân nó phản động chỗ nào…
Nhà thơ Văn Công Hùng trong một lần đến thăm nhà thơ Hoàng Cát (tại Hà Nội)
Và vì thế mà Hoàng Cát trở thành thần tượng trong tôi.
Và cứ như một hình ảnh lẫy lừng thế trong tâm tưởng chứ nào có được gặp, và cũng nghĩ sẽ chẳng có bao giờ được gặp...
Thế mà rồi tôi lại được chơi với Hoàng Cát, được ông quý nữa.
Lần ấy, cách đây mươi năm, Hội Nhà Văn Việt Nam tổ chức một đoàn nhà văn đi thực tế xuyên Việt. Đoàn đến Đà Nẵng thì tôi mới được biết là do Trần Kỳ Trung gọi. Trung bảo tao đi với “hội nhà văn” đây, mày có được đi không? (Hồi ấy nghe thế là sướng lịm người, là cứ nghĩ đến bao giờ mình mới được đi trong cái đoàn hoành tráng sang trọng thế? Nghe giọng Trung cố tình thản nhiên khi nhắc tới “Hội Nhà Văn” nhưng thực ra là y đang ngầm khoe với tôi là mày thấy tao oách chưa? hoành tráng chưa, mày nhé, còn lâu nhé, hẵng đợi đấy nhé). Tôi nén hồi hộp và cả ghen tị hỏi đoàn có những ai những ai thì Trung kể nào là Vũ Bão, Hoàng Quốc Hải ư, Bế Kiến Quốc, Trần Huy Quang ư, Đức Hậu, Triệu Huấn, Hòa Vang, Dư Thị Hoàn, Nguyễn Thị Như Trang,…, ư, và có Hoàng Cát. Đoàn do nhà văn TCV làm trưởng đoàn. Quả là tôi có ghen tị với Trung thật, nhưng sau đấy thì tôi mừng vì đoàn sẽ ghé qua Pleiku, tôi sẽ được chiêm ngưỡng các thần tượng của tôi, trong ấy có Hoàng Cát. Trong đoàn ấy tôi mới chỉ quen mấy người là các anh Trần Huy Quang, Hoàng Quốc Hải và Đức Hậu, còn lại là chưa biết.
…Và tôi làm hướng dẫn viên cho một số nhà văn thích “khám phá” trong đoàn. Tôi nhớ nửa đêm mưa đùng đùng gió ào ạt dẫn anh Bế Kiến Quốc và Trần Kỳ Trung đi uống cà phê sau khi đã mang mấy đĩa phim về phòng “giữ chân” các bác Triệu Huấn, Vũ Bão và cả trưởng đoàn TCV… Hôm sau tôi lại dùng cái xe cup 78 ghẻ của tôi chở cả hai ông Trần Huy Quang và Hoàng Cát đi… mát xa. Tất nhiên là mát xa trong sạch. Đến nơi thì ông Trần Huy Quang bẽn lẽn… từ chối, còn mỗi anh Hoàng Cát vẫn “kiên định lập trường”. Thế là tôi mua 1 vé cho anh Hoàng Cát và đưa anh vào tận phòng, dặn cô kỹ thuật viên rằng ông này là thương binh đấy, thấy ông ấy tháo chân gỗ ra thì đừng sợ, đấm bóp cho cẩn thận và nhẹ tay kẻo ông ấy… gãy xương. Trời mưa, tôi chở anh Trần Huy Quang về phòng thì quay lại đón Hoàng Cát, đợi anh xong thì đưa anh đi uống nước dừa. Té ra là ông rất hiền và có phần ngơ ngác nữa. Ông hỏi Hùng ơi mần răng mà có thể đọc thơ ở đây được hè? Ông TCV có biết Hùng trước không? Răng ông ta không tổ chức một cuộc đọc thơ hè, xèm đọc thơ thì mần răng hè??? (Không hiểu sao mà nhà văn TCV có vẻ không ưa tôi, dù tôi chỉ đến chơi và đưa một số nhà văn đi chơi. Cái sự khó chịu rõ nhất là hôm sau đi vào công trường, đã hẹn giờ ấy nhưng khi đúng giờ tôi đến thì xe đã chạy. Tôi phải gọi cho anh Hoàng Cát và Trần Huy Quang thì hai bác này bắt xe dừng lại. Sau anh Hoàng Cát bảo anh bảo chờ mà TCV cứ cho xe chạy. Sau này tôi mới biết tại sao bác TCV ngại có mặt tôi, nhưng thôi, kể ra nó mất thiêng đi), nên cái sự Hoàng Cát hỏi tôi hoàn toàn mù tịt, chỉ bảo là với khả năng của em, nếu các bác lệnh một tiếng em tổ chức ngơn ơ một cuộc gặp gỡ hoành tráng ngay. Hồi ấy tôi chưa biết rằng, nếu chọn 20 nhà thơ nghiện đọc thơ ở Việt Nam, dứt khoát phải có Hoàng Cát.
Sau này Hoàng Cát gia nhập làng blog. Hình như là anh Nguyễn Trọng Tạo lập cho ông một “con Lốc” bên vnweblogs, và Hoàng Cát vụt trở thành ông Hoàng thi ca trên mạng từ đấy. Và thơ anh cũng ra ào ào từ đấy. Có thể nói một Hoàng Cát trẻ trung tươi mới bộc trực đắm say, hết mình với thơ, với đời, với các “tình yêu trên mạng”… tinh khôi xuất hiện…
Là bởi ai cũng biết cái tích “cây táo ông Lành”, ngay trên đầu blog, dưới avatar của ông cũng ghi: “Nhà thơ Hoàng Cát, gần cây táo ông Lành” nên một mặt là dân tình mạng đọc thơ ông, nhưng mặt nữa là vào blog ông để chia sẻ và mục sở thị cái vụ “cây táo” dù chả bao giờ ông đề cập đến nó trên blog. Ông đắm say với thế giới mạng, làm thơ trực tiếp trên máy tính, post trực tiếp luôn. Có ngày post đến mấy bài, có khi lỗi chính tả, lỗi đánh máy tèm lem ông cũng mặc kệ. Đặc biệt nhất là sau đó anh chị em cộng đồng mạng vnweblogs tổ chức cho ông một chuyến vào Nam. Chao ơi là tràn ngập thơ tràn ngập ảnh tràn ngập cảm xúc tràn ngập chân dài là các blogger tình tứ đong đưa… trên blog của ông và của cả mọi người. Ông đến đâu là có người rước, rồi tiễn đi, rồi bịn rịn cẩn thận giao cho chặng tiếp. Cứ thế ông từ Hà Nội, vào Sài Gòn rồi xuống Vũng Tàu, Vĩnh Long, Bến Tre… vân vân, đâu chừng vài tháng trời chứ không ít. Ông trẻ ra đến mấy tuổi. Đến đâu có thơ đấy, rồi ông khóc, ông ôm hôn hết thảy…
Và khi về đến nhà thì ông buồn. Ông cô đơn. Ông nhớ nhung. Và thơ lại ra ào ạt.
Trước đấy ông buồn, ông cô đơn, ông khổ, ông bán nước chè kiếm từng cắc ở vỉa hè… thì không ai biết.
Nhưng giờ có mạng, mỗi khi cô đơn ông lại bày lên đấy, bằng thơ, tất nhiên, nửa đêm vẫn có người vào an ủi ông, tảng sáng vẫn có người comment chia xẻ với ông.
Và ông cũng rất tận tình với bạn bè, nói chính xác hơn là đàn em.
Các blogger từ phía Nam ra bao giờ cũng có ông tiếp đón từ đầu đến cuối. Ông nhiệt tình hăng hái và xả thân, có mặt từ đầu đến cuối, có khi kéo dài mấy ngày. Say rồi ông lại ôm hôn, rồi khóc, rồi hét lên: anh yêu tất cả các em…
Hồi ấy cộng đồng mạng vnweblogs hay lắm, lập cả hội hẳn hoi, có chủ tịch, có thủ quỹ. Ông không phải đóng quỹ (chắc thế vì ai cũng biết ông nghèo), nhưng bao giờ cũng có mặt ông trong các cuộc offline, từ đầu đến cuối…
Có lần tôi ra Hà Nội nhưng… trốn ông vì nhiều bạn chèo kéo quá, dù trước đó ông hẹn đi hẹn lại ra Hà Nội thì phải gặp ông, “tao rành xèm gặp mi lắm Hùng nợ”. Trốn nhưng lại bị một blogger là anh Phan Chí Thắng chụp ảnh rồi đưa lên blog kể chuyện gặp tôi rồi cùng đi ăn sáng ở phở Vuông, mà ông thì đang ngồi vui buồn sướng khổ trước blog, thế là ông gọi điện ngay “Mi ra răng không nói anh”. Không trốn được nữa rồi, tôi phải bỏ một cuộc hẹn và đợi ông tại quán cà phê vỉa hè gần khách sạn tôi ở. Ông phóng xe máy đến ngồi với tôi suốt buổi sáng cho đến giờ tôi ra sân bay. Trước đó ông bảo tôi đợi ông một lát rồi chạy xe máy đi và quay lại với một gói cốm xanh mướt từ lá sen đến cốm, hào hể bảo cốm mùa thu em ạ, em mang về cho các cháu. Vẫn chất Nghệ rất rõ, nói to vung tay mạnh. Và thú thật, thấy ông đi xe rất hãi, cứ như người mới tập đi xe, tròng trành và đầy… cảm xúc… Tôi có viết bài thơ về cuộc gặp ấy… “Một gói cốm xanh mỏng mảnh/ bạn kéo mùa thu trở về/ hình như phía sau lồng ngực/ đang phập phồng một giấc mơ ”…
Thơ ông rất lạ, cứ cô đơn và đầy những dự cảm ngậm ngùi: Ta chỉ tiếc - ta đã là mây trắng;/ Dấu yêu ơi! .../Lửa vẫn ấm sương chiều... và đầy hoan hỉ khi được in một bài thơ ở đâu đó cho dù chỉ là một tạp chí cấp… huyện: Ha ha!...Vậy là bài thơ TA SỢ LẮM của tôi viết vào Ngày rằm tháng Giêng Tân Mão (năm nay) đã được Tạp chí TÙNG LĨNH của Chi hội Văn học Nghệ thuật Quỳnh Lưu (Nghệ An) in rất trang trọng trong số 2/ năm 2011 ( cũng tức là số 16 của tạp chí này); chẳng những thế, tôi còn được ra Bưu điện Hà Nội nhận nhuận bút...kha khá nữa, hi hi... Qua đây, qua mạng in-tơ-nét tuyệt diệu này,tôi xin trân trọng cảm ơn BBT Tùng Lĩnh, cảm ơn anh chị em văn nghệ sĩ quê nhà , và chép lại bài thơ ấy để KHOE với bạn bè xa gần của thơ tôi...
Blog của ông mấy ngày nay đã thưa thơ, tôi ngồi lục đọc những bài thơ ông đăng từ 2011 trở về trước, mà nao nao: ta thanh thản - được là mình nguyên khối/ không bon chen, nô dịch bởi bùn lầy/ ta sẽ là mình mãi tới lúc xuôi tay... (Những chữ in nghiêng cop từ blog của ông- VCH).
Và dù rất nhiều bạn đọc tò mò muốn biết, hình như vẫn chưa bao giờ ông kể lại sự tích “Cây táo ông Lành”, vụ mà vì nó đến giờ ông vẫn chỉ mỗi tháng có lương chưa được triệu rưỡi dù ông là thương binh nặng, cụt một chân và đã có 20 năm làm nhà nước (nhớ lần ở Pleiku, mắt kính của ông bị vỡ, ông nhờ tôi chở đi thay, vào hỏi chủ hiệu họ nói giá bao nhiêu đấy, khá cao, nên ông quày quả quay ra ngay, kêu để về Hà Nội thay. Hồi ấy tôi chưa phải đeo kính nên cũng không hiểu vai trò quan trọng của kính đối với mắt như thế nào, và quả thật là cũng không biết là lương ông chỉ đủ để thay cái mắt kính ấy nên đã không lăn tăn gì mà tiếp tục chở ông tung tẩy đi chơi), và vợ cũng không có việc. May thay ông có một người con gái rất yêu bố mẹ và rất giỏi, ông kể, nhờ cháu đi làm ở VTV4 mà có tiền giúp đỡ bố mẹ. Ông rất tự hào về cô con gái rượu này…
Hôm nay nghe tin ông ốm nặng (mổ thoát vị ổ bụng thì phát hiện thêm bị ung thư hạch cổ), tôi gọi điện thoại cho ông, máy reo mà không người bắt máy, buồn viết mấy dòng, nhớ ông mà cứ nao nao, sao trong cuộc đời có những người tốt và hiền và chịu bất công giỏi thế nhỉ?...
V.C.H
Bài này tôi viết từ ngày 15 tháng 12 (2012), ngay sau khi anh Hoàng Cát bị bệnh. Sau đó mấy ngày tôi ra Hà Nội và đã đến nhà thăm anh Hoàng Cát. Anh rất vui và còn đọc thơ cho anh em chúng tôi nghe.
Bài ký họa thơ của Nguyên Hùng
Rút từ tập KÝ HỌA THƠ (81 CHÂN DUNG VĂN HỌC), NXB Hội Nhà văn, 2024.