TIN TỨC
  • Góc nhìn văn học
  • Vui buồn “chuyển thể” | Nhà văn, nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến

Vui buồn “chuyển thể” | Nhà văn, nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-01-10 20:03:52
mail facebook google pos stwis
246 lượt xem

PHẠM NGỌC TIẾN

Là nói những kịch bản phim được chuyển thể từ các tác phẩm văn học. Việc chuyển thể này lâu nay mặc nhiên như một cách làm được áp dụng trên toàn thế giới. Nhiều tác phẩm văn học được các nhà làm phim trả tác quyền chuyển thể thành kịch bản có thể thành công hoặc thất bại nhưng tựu trung nó gần như là một trào lưu không thể thiếu trong thế giới điện ảnh và truyền hình.

Thực chất việc kịch bản chuyển thể từ tác phẩm văn học là như thế nào? Nó có những nguyên tắc gì? Xin thưa rất khó trả lời, dù rằng người viết bài này vốn là một biên kịch từng chuyển thể không ít kịch bản phim truyện dựa vào các nguyên tác văn học. Thôi thì đành lấy chuyện chuyển thể của cá nhân mình ra kể ngõ hầu để bạn đọc tự tìm ra câu trả lời.

Vốn mê phim ảnh từ nhỏ, nên hầu như tôi xem không sót bộ phim nào ở rạp. Phim ti vi cũng luôn xem mê mẩn. Mê phim nhưng quả thực tôi không bao giờ có ý định “học đòi” trở thành biên kịch, cho đến năm 1994, khi tôi đọc được cuốn tiểu thuyết “Kẻ ám sát cánh đồng” của nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Là dân viết văn xuôi nhưng khi đọc tiểu thuyết này, câu chuyện hiện lên rành rẽ bằng hình ảnh sống động như thể nó đã là một bộ phim trọn vẹn. Sau này thì tôi hiểu bản thân tiểu thuyết gần như đã là một kịch bản hoàn chỉnh. Máu biên kịch nổi lên, dù lúc ấy tôi chưa có bất cứ một kỹ năng kịch bản nào. Tôi bèn dành thời gian tìm hiểu kỹ thuật viết kịch bản từ những cuốn sách dạy viết, thêm nữa mua hẳn một đầu video và một chồng băng phim truyện nước ngoài về xem để học hỏi kinh nghiệm. Khi đã đủ tự tin tôi bèn gặp nhà văn Nguyễn Quang Thiều, đề nghị được chuyển thể. Để có đầu ra, tôi gặp nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ là trưởng phòng phim của Ban Văn nghệ VTV. Mọi việc hanh thông, tôi viết rất nhanh, được 4 tập phim đem nộp. Nhưng cũng phải 3 năm sau, khi phòng phim của Nguyễn Thị Thu Huệ sáp nhập vào Hãng phim Truyền hình VN (VFC) thì kịch bản của tôi mới được đưa vào sản xuất. Lúc này tôi cũng đã chuyển công tác về làm biên tập ở hãng phim. Sở dĩ viết nhanh là vì Nguyễn Quang Thiều quá giỏi, ngôn ngữ của ông đầy hình ảnh và câu chuyện khá chặt chẽ, kịch tính. Phim “Chuyện làng Nhô” đã ra đời như thế và đó là kịch bản đầu tay của tôi.

Đầu xuôi đuôi lọt. Tiếp đó tôi tham gia nhóm viết kịch bản “Cảnh sát hình sự” 40 tập do nhà văn Nguyễn Quang Lập khởi xướng. Nhóm gồm toàn nhà văn cự phách: Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thành Phong… Thủ lĩnh Nguyễn Quang Lập vừa tổ chức vừa huấn luyện kỹ năng viết kịch bản cho cả nhóm. Dù không phải là kịch bản chuyển thể nhưng phim “Cảnh sát hình sự” được xây dựng từ vốn liếng “hình sự” của cả nhóm, trong đó tôi ngờ rằng tất cả mọi người tham gia đều có thuổng ở đâu đó các chi tiết trong các câu chuyện hình sự ở ngoài đời hay trên báo chí và cả trên đài phát thanh. May thay không có chuyện ì xèo đạo bản quyền nào xảy ra sau đó với phim.

Quãng thời gian làm biên tập ở VFC, tôi và đồng nghiệp chấp bút không ít kịch bản từ những cuốn tiểu thuyết hay truyện ngắn của một số nhà văn nổi tiếng. Có thể kể đến các truyện ngắn “Khắc dấu mạn thuyền’, “Ba lẻ một” của nhà văn Bảo Ninh; tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của nhà văn Nguyễn Khắc Trường; tiểu thuyết “Ma làng” của nhà văn Trịnh Thanh Phong; tiểu thuyết “Ngõ lỗ thủng” và tiểu thuyết “Tiễn biệt những ngày buồn” của nhà văn Trung Trung Đỉnh; tiểu thuyết “Đàn trời” của nhà văn Cao Duy Sơn… Việc chuyển thể các tác phẩm này không tuân theo một quy chuẩn hay định ước nào chỉ là biên kịch đọc thấy nó hay, có chất liệu phim ảnh thì gặp gỡ tác giả văn học đàm phán để chuyển thể. Cũng không có quy định nào phải đảm bảo tuyệt đối trung thành với nội dung hay cốt truyện và kể cả nhuận bút chuyển thể cũng vậy, tất cả chỉ là thương lượng hai bên. Nhà văn với nhau cũng dễ thông cảm nên việc này hầu như không có vấn đề gì. Tất nhiên để tránh những rắc rối có thể xảy ra, biên kịch bao giờ cũng yêu cầu tác giả văn học viết giấy ủy nhiệm chuyển thể. Trong đó có mục đề rõ biên kịch được quyền sử dụng nội dung tác phẩm văn học phù hợp với kịch bản. Nghĩa là khi chuyển thể có thể du di biến đổi một số nội dung. Tất nhiên tác phẩm văn học có hay có hợp thì biên kịch mới chuyển thể nên chả ai dại gì mà thay đổi câu chuyện hay nhân vật làm gì. Thay đổi nhiều thì tự mình nghĩ ra cho xong cần gì phải dựa vào văn học nữa. Nhưng cũng phải nói tiểu thuyết, truyện ngắn (văn học) và kịch bản (điện ảnh, truyền hình) là những loại thể nghệ thuật khác nhau nên câu chuyện hay nhân vật cũng khác nhau, trong chừng mực nào đó không thể y chang được.

Việc thay đổi nội dung hay nhân vật là điều rất khó tránh và cũng phức tạp. Khi chuyển thể tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” thành kịch bản “Đất và Người”, bối cảnh văn học là những năm thiếu thốn, đói nghèo của thập niên 80, nhân vật Chu Văn Quềnh xuất hiện ít trang và bị chết no sau một bữa ăn ngon, tôi và đồng biên kịch là nhà văn Khuất Quang Thụy bàn với nhau chuyển sang giai đoạn thập niên 90 kinh tế đã khá lên và cho nhân vật Chu Văn Quềnh sống trọn vẹn đến cuối phim, thậm chí còn lấy vợ. Phải làm thế thì phim mới có đủ đất diễn và nó không quá u ám, ảm đạm. Sự mạnh dạn có phần liều lĩnh này đã có được một Chu Văn Quềnh do nghệ sĩ Hán Văn Tình thủ vai gây hoạt náo và thành công cho phim. Nhưng tôi biết tác giả văn học là nhà văn Nguyễn Khắc Trường im lặng là vì anh không chấp và nhường nhịn đám biên kịch đàn em mà thôi.

Một trường hợp khác, tôi quyết định cùng biên kịch Đặng Diệu Hương nhập hai tiểu thuyết “Tiễn biệt những ngày buồn” và “Ngõ lỗ thủng” của nhà văn Trung Trung Đỉnh thành kịch bản “Ngõ lỗ thủng”. Sở dĩ có chuyện “nhập” này là vì cả hai cuốn tiểu thuyết đều ở cùng thời kỳ bao cấp. Nhập vào cho dày câu chuyện và đủ thời lượng dự kiến. Tất nhiên phải xin phép tác giả văn học, nhưng tôi biết nhà văn Trung Trung Đỉnh không mấy hài lòng nhưng vì tình thân anh bỏ qua cho.

Đấy, cái sự thay đổi nội dung nó khổ thế đấy. Nếu không có sự thông cảm thì thật khó tha thứ cho nhau và sinh ra lắm chuyện. Không thiếu trường hợp như thế, nhân vật văn học chết thì bắt sống dài sống thọ. Có trường hợp nhân vật sống khỏe thì biên kịch bắt phải chết. Phim “Đất và Người”, nhân vật Chu Văn Quềnh chết ngay đầu truyện thì lại phải sống đến hết phim; còn nhân vật bà Son vợ ông Trịnh Hàm trong tiểu thuyết ở cuối truyện tự tử, nhưng để được duyệt phim, đoàn phim lại phải quay thêm cảnh bà Son có mặt ở đám cưới đầu phim và cuối phim. Nghĩa là bà tự tử giả, chứ không chết. Rất nhiều lý do để phải thay đổi nhân vật và nội dung phim như thế. Đấy là chưa kể chuyện bối cảnh phim đôi khi cũng dở khóc, dở cười. Trong truyện ngắn “Khắc dấu mạn thuyền” của nhà văn Bảo Ninh được chuyển thể thành kịch bản “Ký ức một thời”, cốt của lõi câu chuyện là cái toa tàu điện khiến anh lính bị lạc mất vị trí nhà cô gái. Trong truyện là thế nhưng lúc làm phim thì đào đâu ra? Thế là phải biến đổi thành thứ khác thay cho tàu điện, dẫu biết làm thế thì câu chuyện giảm hẳn độ hay rồi, nhưng biết làm cách nào?

Kể chuyện chuyển thể thì còn vô hồi kỳ trận, tôi chỉ sơ sơ như vậy để thấy việc trung thành với tác phẩm văn học tuyệt đối là không thể, hay nói nhẹ nhàng hơn là rất khó khăn. Mặc dù trong đời “chuyển thể” của tôi chưa bao giờ xảy chuyện gì giữa biên kịch và tác giả văn học, nhưng tôi dám quả quyết rằng không một tác giả nào cảm thấy thỏa mãn hay hài lòng hoàn toàn về đứa con văn học của mình bị biến đổi đi ít hoặc nhiều khi thành kịch bản. Mang nặng đẻ đau ra hình hài đứa con, lại bị đám biên kịch nó nhào nặn thành khác đi, sống dở chết dở… thì có là thánh thần cũng xót. Thật!

Nguồn: Văn nghệ số 1+2/2024



Bài viết liên quan

Xem thêm
Nhà văn Phương Huyền: Khuyến đọc cũng là một phần trách nhiệm của nhà văn
Trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2024, Sở TT-TT TPHCM đã công bố 10 Đại sứ Văn hóa đọc TPHCM nhiệm kỳ 2024-2025, trong đó có nhà văn Phương Huyền - người có nhiều hoạt động khuyến đọc trong thời gian qua. Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trò chuyện cùng chị.
Xem thêm
Một bút pháp mới lạ qua truyện ngắn Khai khẩu
Nguồn: Báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
GS Mai Quốc Liên – Người đất Quảng cương trực
Tôi gặp GS-TS Mai Quốc Liên tại nhiều sự kiện của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương. Trong các cuộc họp, mỗi khi đăng đàn, ông sang sảng chất giọng Quảng đậm đà, khảng khái, thẳng thắn, thậm chí có lúc tranh luận khá gay gắt, chẳng cần rào trước đón sau, mà cũng chẳng ngại va chạm, có thể hơi làm “nghịch nhĩ” ai đó, nhưng tư duy logic, liên tưởng, liên kết các vấn đề mạch lạc. 
Xem thêm
Để thơ không “thất lạc nhau” nữa
Nguồn: Tuần báo Văn nghệ số 9/2024
Xem thêm
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: 350.000 tỉ đồng chấn hưng văn hóa vẫn là con số rất ít
Chiều 29.02 phát biểu tại buổi gặp mặt giữa Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước với trí thức, nhà khoa học, văn nghệ xuân Giáp Thìn 2024, Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã dành thời gian nói về vấn đề xây dựng văn hóa.
Xem thêm
Quyển sách là chữ nghĩa...
Quyển sách là chữ nghĩa. Mà chữ nghĩa của một quyển sách phải kết hợp vừa từ trí tuệ vừa từ trái tim.
Xem thêm
Nhà thơ Từ Quốc Hoài để lại “Khu vườn kí ức”
Từ Quốc Hoài, đến với thơ ca khá sớm. Ông là nhà thơ cùng thời với những tên tuổi quen thuộc: Trần Vũ Mai, Thanh Quế, Thanh Thảo, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh… cũng từng vào chiến trường khói lửa. Nhưng với con đường thơ ca, ông bước chậm, thận trọng, dè dặt. Cho tới tuổi hơn 80 ông chỉ cho ra mắt độc giả sáu tập thơ. Tập thơ thứ 5, “Sóng và khoảng lặng” (2010) đoạt giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam. Kỹ tính, khó tính (trong thơ và có lẽ cả trong cuộc sống), trăn trở, tìm tòi nên thơ Từ Quốc Hoài không lẫn, tự do, phóng khoáng, lần dò khám phá chiều sâu nội tâm.
Xem thêm
Im lặng- ngôn ngữ đặc biệt của văn chương
Nhà văn đoạt giải Nobel Văn chương 2023 – Jon Fosse vừa có một buổi gặp gỡ và đọc diễn từ của mình tại Oslo
Xem thêm
Quyền lực thơ ca và quyền uy thi sĩ
Bài đăng báo Văn nghệ của nhà văn Bích Ngân; Thơ và ảnh của nhà thơ Nguyên Hùng...
Xem thêm
Nhớ Nguyễn Đình Thi: “Một chút trắng hồng dào dạt vàng”
Bài viết của nhà báo Nguyễn Thế Khoa nhân 99 năm ngày sinh nhà văn hóa lớn Nguyễn Đình Thi ,20/12/1924-20/12/2023
Xem thêm
Nguyễn Du bàn về sáng tác văn chương
Bài viết rất bổ ích của nhà thơ Vương Trọng
Xem thêm
Thử nêu cách chữa “chứng lười đọc sách” – Tác giả: Nhà văn Nguyễn Khắc Phê
“Dạy con từ thuở còn thơ”; “Uốn cây phải uốn khi non”… là những điều ai cũng biết, nhưng đã có những thời đoạn do bận rộn mưu sinh và vô số sự xô đẩy, lôi kéo khác nữa, nên rất nhiều người và gia đình đã quên hoặc sao nhãng bài học giản dị và chí lý đã có tự cổ xưa. Có phải những biểu hiện tha hóa trong xã hội hiện nay chủ yếu bắt nguồn từ đó? Thiết nghĩ, cuộc vận động sáng tác văn học hướng đến lớp trẻ và thiếu nhi do Hội Nhà văn Việt Nam phát động đầu năm 2022 là một hoạt động thiết thực của văn giới nhằm góp phần chấn hưng đạo đức xã hội nói chung và góp phần bồi đắp tâm hồn cho lớp trẻ nói riêng.
Xem thêm
Làm mới cải lương – con dao hai lưỡi
Gần đây, cải lương được đưa lên mạng với một số hình thức mới: kết hợp rap, trang phục ma mị… Nhiều người cho rằng cải lương cần phải được “làm mới” để phù hợp với thời đại, với lớp trẻ. Nhưng làm mới cách nào để không bị mất chất, để người xem vẫn còn “nhìn ra” cải lương là câu hỏi không dễ giải đáp.
Xem thêm
“Vua phóng sự” Vũ Trọng Phụng làm gì khi cuốn sách về gái điếm bị đá vào xó tường?
Nguyễn Vỹ lặng lẽ đưa mũi giày đá luôn quyển “Lục Xì” vào trong xó tường. Quyển sách vừa xuất bản, hãy còn mới tinh, nằm xơ xác bên chân tủ.
Xem thêm
Văn học dân gian Đồng Nai trong bối cảnh văn học dân gian Nam Bộ từ 1945 đến nay
Công tác sưu tầm và in ấn các tuyển tập văn học dân gian Việt Nam nói chung đã được các nhà Nho thực hiện từ cuối thế kỷ XVIII với các sưu tập bằng chữ Nôm, chữ Hán. Sang đến cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, cùng với sự phổ biến của chữ quốc ngữ thì các sưu tập văn học dân gian được phát hành phổ biến nhiều hơn nữa. Tuy nhiên trong giai đoạn này phần lớn vẫn là các sưu tập miền Bắc hay ở một số tỉnh thành miền Trung, ở Nam Bộ việc sưu tầm và phổ biến văn học dân gian dưới dạng các tuyển tập in ấn vẫn còn chưa được coi trọng đúng mức, do vậy không gian nghiên cứu văn học dân gian vùng miền cũng đồng thời bị bỏ ngỏ.
Xem thêm
Nhà thơ thì chơi với ai?
Nguồn: Website Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Bộ phim Đất rừng phương Nam: Một số điều “lấn cấn” về nội dung và nghệ thuật cùng với phản hồi của cục điện ảnh
“Đất rừng phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng là một bộ phim đang gây ra nhiều dư luận sôi nổi. Bộ phim nhận được nhiều lời khen ngợi, nhưng cũng có không ít tiếng chê. Dĩ nhiên với tư cách là một sản phẩm nghệ thuật, những thành công của phim rất đáng ghi nhận, song khi xem xong bộ phim, đọng lại cũng là không ít điều “lấn cấn” trong lòng một khán giả như tôi.
Xem thêm