- Văn chương thế giới
- 10 tác phẩm kinh điển từ giải Nobel văn học đã được dịch sang tiếng Việt
10 tác phẩm kinh điển từ giải Nobel văn học đã được dịch sang tiếng Việt
Giải Nobel Văn học là giải thưởng cao quý, được trao cho những tác giả và tác phẩm văn học hay nhất, có những đóng góp lớn cho nền văn học thế giới. Tuy đôi khi kết quả trao giải không thể tránh khỏi những tranh cãi, nhưng không thể phủ nhận những tác giả, tác phẩm được vinh danh đều đã để lại những giá trị vượt thời gian. Cùng điểm lại một số tác phẩm từ giải Nobel đã được dịch ra tiếng Việt.
1. “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” – Svetlana Alexievich. Nhận giải Nobel văn chương năm 2015
Svetlana Alexiavich được vinh danh nhờ “những tác phẩm mang đầy âm sắc, là một đài tưởng niệm tinh thần chịu đựng hy sinh và lòng dũng cảm trong thời đại chúng ta”. Điển hình cho tinh thần đó của Svetlana phải kể đến tác phẩm Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ, đến nay đã được dịch đầy đủ, không cắt gọt, không kiểm duyệt.
Ở Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ, có một cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai mà bạn chưa từng nghe nói tới, những câu chuyện chưa bao giờ được đưa ra ánh sáng, những số phận gắn liền với chiến tranh, đã được tác giả tái hiện lại một cách chân thực nhất, đầy đủ nhất. “Ở đấy, ta không thấy anh hùng cũng chẳng thấy chiến công không tưởng tượng nổi, mà chỉ đơn giản có những cá nhân bị cuốn vào một công việc phi nhân của nhân loại.
Và trong ấy, không chỉ có họ (con người!) phải chịu đau đớn vì chiến tranh: cùng với con người là đất đai, chim chóc, cây cỏ. Toàn bộ thiên nhiên. Chúng chịu đau đớn mà chẳng nói được một lời, thế càng kinh khủng hơn… Thậm chí một sai lầm lớn. Còn có một cuộc chiến tranh khác mà chúng ta không biết.”
2. “Từ thăm thẳm lãng quên” – Patrick Modiano. Nhận giải Nobel văn chương năm 2014
Từ thẳm thẳm lãng quên là câu chuyện về những dòng hồi ức tưởng chừng nhẹ nhàng về cuộc gặp gỡ từ ba thập kỷ trước. Những nhân vật có người dễ dàng quên chuyện cũ, có người vĩnh viễn bị quá khứ ám ảnh.
Cuốn sách là câu chuyện của những điều dang dở, từ tình yêu đến ước nguyện. Cả cái kết thúc cũng dang dở. Sự nửa vời đó khiến cho hiện tại và quá khứ kết dính với nhau trong khiếm khuyết, những kẽ hở không thể lấp đầy giữa hai chiều tạo nên một hố sâu thăm thẳm. Ký ức như một cây cầu, mỗi lần chạm đến là một lần run rẩy lựa chọn quên – nhớ. Mạch truyện gãy gập, chông chênh giữa hai chiều thời gian khiến tác phẩm như một cuốn nhật ký bị bỏ trong ngăn tủ, bẵng đi một thời gian lục ra viết tiếp rồi lại bị lãng quên.
Từng trang trong cuốn sách cứ thế tạo nên những tầng bậc cảm xúc tuần hoàn, mỗi lần quên – nhớ lại thêm một lần thấu hiểu cuộc đời. Người trẻ thấy mình trong câu chuyện tình yêu của Jacqueline, trong sự day dứt về nỗi cô đơn và lẽ tồn tại của nhân vật “tôi”. Còn người già lại tìm thấy ở đó cảm giác chông chênh hoài niệm mỗi khi soi mình vào tấm gương quá khứ.
3. “Cao lương đỏ” – Mạc Ngôn. Nhận giải Nobel văn chương năm 2012
Mạc Ngôn là nhà văn gốc Trung Quốc thứ hai và là tác giả châu Á thứ sáu giành được giải thưởng uy tín bậc nhất thế giới này. Hội đồng giải Nobel Văn học ca ngợi Mạc Ngôn (Mo Yan) là tác giả “kết hợp được chủ nghĩa hiện thực huyền ảo với truyện kể dân gian, lịch sử và cuộc sống đương đại” trong các trang văn của mình.
Tác phẩm Cao lương đỏ của ông có lẽ đã không còn xa lạ với đại chúng qua hai bộ phim truyền hình và phim điện ảnh chuyển thể. Bối cảnh câu chuyện là những năm 1920 và 1930 tại miền quê Cao Mật ở miền Nam Trung Hoa. Câu chuyện được kể từ ngôi thứ nhất, với nhân vật chính là bà nội của người kể truyện. Cô gái trẻ đầy khát vọng yêu đương đã bị gả cho một người đàn ông mắc bệnh phong. Ngày lên kiệu hoa, cô gái đầy chán chường ấy đã gặp và say mê một trong những người phu kiệu khỏe mạnh, mà sau này đã trở thành tư lệnh Dư Chiêm Ngao, người anh hùng phục kích đoàn xe Nhật.
Ngày hôm ấy chính anh đã cứu cô khỏi tay bọn cướp. Hai ngày sau ở nhà chồng, cô thức trắng với con dao trong tay. Ngày thứ ba được trả về, người phu kiệu đã cướp cô chạy vào rừng cao lương đỏ. Ba ngày hạnh phúc trong rừng đã đem lại cho cô một đứa con trai, cha của người kể chuyện. Năm 14 tuổi, người con trai gia nhập đoàn quân của Dư Chiêm Ngao mà ông vẫn coi là cha nuôi. Người con gái giờ đây đã là người thiếu phụ, ngày ngày vẫn làm bánh đem ra chiến trường khao quân. Trong một lần gánh bánh gặp đúng lúc xe giặc đang đi qua, bà đã hy sinh. Trước khi chết bà nói cho con trai biết về người cha thật sự, và ra đi nhẹ nhàng trên đệm cây cao lương, nơi đã chứng kiến tình yêu và hạnh phúc của bà.
Tác phẩm ca ngợi tình yêu và sự tự do phóng khoáng của con người, đồng thời phê phán những cái xấu, những cái nhơ nhớp của xã hội Trung Quốc thời bấy giờ.
4. “Trò Chuyện Trong Quán La Catedral” – Mario Vargas Llosa. Nhận giải Nobel văn chương năm 2010
Trò chuyện trong quán La Catedral là một cuốn sách đặc biệt, chỉ bằng những câu đối thoại, những tình tiết đan xen như phong cảnh qua cửa sổ trên chuyến tàu lao vùn vụt, lịch sử đất nước Peru trong một thời kỳ nhiễu nhương hiện ra với tầm vóc đồ sộ và những chi tiết rung động tâm can.
Santiago Zavalita, con trai của một kỹ nghệ gia giàu sang, đã từ bỏ tất cả cơ hội tiến thân để làm cho một tờ báo nhỏ, sau khi cảm thấy không cuộc sống nào thực sự dành cho mình – một luật sư thành đạt theo mong ước của gia đình, hay một thành viên nhiệt thành của Đảng Cộng sản theo những người bạn cùng trường đại học.
Một ngày, trong khi đi tìm con chó bị lạc, anh tình cờ gặp lại Ambrosio, người tài xế trung thành đã phục vụ cha của anh trong nhiều năm, giờ tay trắng, sống vất vưởng ở một góc thành phố Lima. Bên những chai bia trong quán rượu La Catedral, họ trôi theo dòng quá khứ của cả hai. Từ cuộc trò chuyện đó, không gian mở rộng cho những giọng nói của người sống và người chết thi nhau kể lại số phận nhỏ nhoi và những nỗi khổ đau ngỡ đã tan biến trong dòng thác lịch sử.
5. “Tên tôi là Đỏ” – Orhan Pamuk. Nhận giải Nobel văn chương năm 2006
Ẩn dấu bên trong bức màn bí ẩn, đầy lôi cuốn của câu chuyện trinh thám với những án mạng bi thảm, Tên tôi là Đỏ đã đưa độc giả trở về 4 thế kỷ trước, giữa thành Istanbul hoa lệ, khám phá chiều sâu tâm hồn của một dân tộc – những mâu thuẫn quá khứ và hiện tại của Istabul, cái đẹp kinh hồn và vĩnh hằng của đô thành này.
“Một cuốn sách hành động trinh thám đầy tính triết học, xây dựng xung quanh sự va chạm giữa hai quan niệm về ý nghĩa nghệ thuật, cũng là một vực thẳm giữa hai nền văn minh khác biệt. Những tác phẩm lớn luôn nói về thời đại của mình; trong tuần lễ đầy những vụ đánh bom tự sát ở Mỹ, tiểu thuyết xuất sắc này lớn tiếng đòi ta phải chú ý…
Đó là một tác phẩm thâm thúy với gốc rễ sâu xa. Vượt xa một “tiểu thuyết lịch sử” thông thường, nó có một động lực tự sự khó quên thống nhất cả quá khứ lẫn hiện tại, cũng như tài năng nghệ thuật đỉnh cao với sự hấp dẫn đại chúng đã biến Pamuk thành tác giả đương đại lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ.” – Hywel Williams, Guardian
6. “Chúa Ruồi” – William Goulding. Nhận giải Nobel văn chương năm 1983
Chúa Ruồi giống một câu chuyện phiêu lưu hơn là một tác phẩm về những cậu bé ngoan ngoãn. Tác phẩm là một sự khám phá mới mẻ về những mặt tối của con người cũng như nguồn cơn thực sự của những “con quái vật”, hay còn gọi là phe Ác Quỉ. Qua cuộc chiến sinh tồn của những đứa trẻ trên hoang đảo, William Golding đã miêu tả hành trình ngược về cõi u mê của những đứa trẻ bằng giọng văn lạnh lùng và đanh thép; từ đó đặt ra một mối băn khoăn: liệu, nhân chi sơ tính bản thiện hay thực ra là… bản ác? Thông qua một hệ thống các biểu tượng giàu ý nghĩa, ông thể hiện cuộc chiến khốc liệt giữa cái Thiện và cái Ác trong mỗi con người.
7. “Trăm năm cô đơn” – Gabriel Garcia Marquez. Nhận giải Nobel văn chương năm 1982
Trăm Năm Cô Đơn ra đời đã gây dư luận sôi nổi trên văn đàn Mỹ Latinh và lập tức được cả thế giới hâm mộ. Sau gần hai mươi năm, Trăm Năm Cô Đơn đã có mặt ở khắp nơi trên hành tinh chúng ta để đến với mọi người và mọi nhà.
Trăm Năm Cô Đơn là lời kêu gọi mọi người hãy sống đúng bản chất người – tổng hòa các mối quan hệ xã hội – của mình, hãy vượt qua mọi định kiến, thành kiến cá nhân, hãy lấp bằng mọi hố ngăn cách cá nhân để cá nhân mình tự hòa đồng với gia đình, với cộng đồng xã hội. Vì lẽ đó Garcia Márquez từng tuyên bố cuốn sách mà ông để cả đời sáng tác là cuốn sách về cái cô đơn và thông qua cái cô đơn ông kêu gọi mọi người đoàn kết, đoàn kết để đấu tranh, đoàn kết để chiến thắng tình trạng chậm phát triển của Mỹ Latinh, đoàn kết để sáng tạo ra một thiên huyền thoại khác hẳn.
Một huyền thoại mới, hấp dẫn của cuộc sống, nơi không ai bị kẻ khác định đoạt số phận mình ngay cả cái cách thức chết, nơi tình yêu có lối thoát và hạnh phúc là cái có khả năng thực sự, và nơi những dòng họ bị kết án trăm năm cô đơn cuối cùng và mãi mãi sẽ có vận may lần thứ hai để tái sinh trên mặt đất này.
8. “Bác sĩ Zhivago” – Boris Pasternak. Nhận giải Nobel văn chương năm 1958
Bác sĩ Zhivago là cuốn sách tái hiện lại lịch sử nước Nga những năm đầu thế kỷ 20 cho đến sau đại chiến II. Trong bối cảnh chiến tranh và cách mạng, tác phẩm tập trung khắc họa số phận và lựa chọn của người trí thức trong sự xoay vần của thời cuộc. Bên cạnh những vấn đề lớn lao về lịch sử, tôn giáo, triết học… tác phẩm còn là câu chuyện tình yêu ngang trái giữa Yury Zhivago và Lara Guishar.
Được hoàn thành năm 1955 nhưng cuốn sách bị coi tác phẩm chống Xô Viết nên bị cấm xuất bản tại Liên Xô cũ. Gần 30 năm sau, độc giả Nga mới được đọc tác phẩm này một cách hợp pháp.
Trên cái nền của chiến tranh và sự hỗn loạn, một câu chuyện tình yêu lãng mạn lại được tạo dựng theo con mắt hoàn toàn khác. Người ta tìm kiếm gì ở tác phẩm kinh điển Bác sĩ Zhivago? Đó là sự hoàn hảo của bút pháp tạo hình điện ảnh, và tính lãng mạn của một chuyện tình đau khổ.
9. “Âm Thanh Và Cuồng Nộ” – William Faulkner. Nhận giải Nobel văn chương năm 1949
William Faulkner (1897 – 1962) là một trong những gương mặt sáng chói của văn học hiện đại. Ngày nay, ở khắp nơi trên thế giới, tên tuổi ông được nhắc đến với niềm kính trọng sâu xa. Ông là một nhà cách tân táo bạo và là một tiểu thuyết gia lỗi lạc bậc nhất. Trong lĩnh vực tiểu thuyết, ông có thể sánh ngang những tượng đài bất diệt như F. Dostoevsky…, và trong lĩnh vực khám phá sáng tạo văn học, ông cùng hàng ngũ với những người tiên phong như F.Kafka, J.Joyce, M.Proust….
Cuốn tiểu thuyết kinh điển thứ tư của W.Faulkner là Âm thanh và cuồng nộ được ấn hành lần đầu tiên vào ngày 7 tháng 10 năm 1929 đã mang đến cho ông danh tiếng lẫy lừng, đầu tiên là trong giới văn học, sau đó là trong đông đảo bạn đọc. Tuy nhiên, đến tận bây giờ, cuốn sách vẫn là một thách đố đầy quyến rũ cho bất kỳ độc giả nào muốn thâm nhập vào thế giới âm u, náo động, mãnh liệt và thấm đẫm tình người của W.Faulkner.
10. “Trên sa mạc và trong rừng thẳm” – Henryk Sienkiewicz. Nhận giải Nobel văn chương năm 1905
Là tác phẩm duy nhất viết cho thiếu nhi của nhà văn Ba Lan nổi tiếng Henryk Sienkiewicz, ngay từ khi xuất bản lần đầu năm 1912, Trên sa mạc và trong rừng thẳm đã được hoan nghênh nhiệt liệt, được tái bản ngay và được dịch ra nhiều thứ tiếng, sau đó được dựng thành phim năm 1973 và 2001.
Câu chuyện kể về cuộc phiêu lưu trên vùng đất Đông Phi của cậu bé Stas mười bốn tuổi và cô bé Nell tám tuổi khi bị bắt cóc và đem từ kênh đào Suez qua sa mạc Sahara tới Sudan. Trải qua không biết bao nhiêu hiểm nguy, đối mặt với nhiều gian nan thử thách, khi thì trên sa mạc nắng cháy, lúc giữa rừng già thẳm sâu, cuối cùng, Stas và Nell cũng đoàn tụ được với gia đình.
Kể từ năm 1901 đến giờ đã có tất cả 109 lần giải Nobel Văn học được trao và có 113 người chiến thắng (có 4 năm giải thưởng được trao cho 2 người). Giải Nobel văn chương năm 2016 đã được trao cho Bob Dylan vì đã “tạo ra những biểu đạt thi ca mới bên trong truyền thống âm nhạc vĩ đại của Mỹ”.
Trạm Đọc (Read Station) tổng hợp