TIN TỨC
  • Chân dung & Phỏng vấn
  • 100 năm ngày Bác Hồ đến nước Nga Xô viết: Tạm biệt Paris để đến St. Petersburg

100 năm ngày Bác Hồ đến nước Nga Xô viết: Tạm biệt Paris để đến St. Petersburg

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-07-03 08:32:48
mail facebook google pos stwis
567 lượt xem

TRÌNH QUANG PHÚ

Ngày 29-6, đoàn đại biểu TP.HCM do Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên dẫn đầu, tham dự lễ khánh thành và dự sự kiện lịch sử 100 năm ngày Bác Hồ đến nước Nga Xô viết tại thành phố kết nghĩa St. Petersburg.


Sáng 30/6/2023, tại St. Petersburg nhân kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ đến Liên Xô, chính quyền thành phố đã làm lễ khánh thành tượng đài Bác Hồ với sự tham dự của đoàn đại biểu cấp cao TP.HCM do đồng chí Nguyễn Văn Nên, ủy viên BCT, Bí thư Thành ủy, dẫn đầu.

Năm nay, thành phố Saint-Petersburg, Nga sẽ tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ, người cộng sản Việt Nam đầu tiên đặt chân lên thành phố St. Petersburg đến với quê hương Xô viết. Nhân dịp này, thành phố St. Petersburg khánh thành tượng đài Bác Hồ.

Tuổi Trẻ Online trích giới thiệu bút ký vừa viết xong về sự kiện nói trên của GS.TS Trình Quang Phú (Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển phương Đông), người đã có nhiều tác phẩm viết về Bác Hồ.

Tạm biệt Paris
 


Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Công viên Montreau. Pháp, khánh thành ngày 19-5-2005.

Cuối tháng 5 vẫn còn là mùa xuân của Paris, hoa nở rực rỡ, cái nắng đầu hè tràn đến hòa trong cái rét buốt cuối đông tạo nên một tiết trời nắng nhưng không nóng, man mát dễ chịu. Đêm càng dịu dàng dễ chịu hơn.

Cuộc họp Chi bộ Đảng Cộng sản vừa tan, Bác và nữ đảng viên Lared trên đường về, tản bộ trên bờ sông Seine, từng làn gió mát nhè nhẹ phả trên mặt.

- Lared nghĩ thế nào về các nước thuộc địa của Pháp, Bác hỏi.

- Tôi nghĩ ở đó phải làm cách mạng.

- Lared đọc luận cương của Lênin chưa?

- Rồi, anh muốn làm gì ở xứ An Nam.

- Ở đó phải có Đảng Cộng sản, phải giải phóng khỏi ách thực dân.

- Ồ! Tôi khâm phục anh. Nhưng…

- Ý cô là phải làm sao chứ gì?

- Đúng rồi!, quay qua phía Nguyễn Ái Quốc, cô cười: đồng chí Nguyễn ơi, chi bộ họp xong rồi, bây giờ nói chuyện ở bờ sông Seine chứ.

- Sông Seine êm đềm quá! Lared có biết sông này chảy từ đâu không?

Thấy Lared im lặng mỉm cười, Bác nói luôn: Nó chảy từ phía đông nam nước Pháp, ôm lượn vòng rồi xuyên qua Paris và vòng vài lượt nữa mới chịu chảy ngược lên phía bắc, đổ ra cảng Le Havre, nơi năm 1911 mình đặt chân lên đất Pháp.

- Con đường của anh cũng lòng vòng như sông Seine vậy, thật khó ai sánh bằng.

Bác nhìn thẳng vào Lared và hỏi:

- Tôi muốn trở về giúp xứ tôi. Cô ủng hộ chứ?

- Đi bằng cách nào?

- Tôi đến đây được thì trở về được.

- Anh cần tôi ủng hộ anh những gì?

- Cô giúp các bạn tôi tiếp tục công việc ở đây khi không có tôi.

- Tôi sẵn lòng. Nhưng… anh đi thật sao?

Bác gật đầu:

- Cô giữ kín cho tôi.

- Chừng nào anh đi?

- Khi nào đi, tôi sẽ báo với Lared, được không?

Ý định rời Paris để đến với đất nước Xô viết, quê hương của Lênin ngày càng nung nấu và chín mùi trong Bác. Ngày ấy con đường đến nước Nga rất khó. Các nước chưa công nhận Nga, chỉ mới có Đức là nước có quan hệ ngoại giao với Nga. Đế quốc Pháp nếu phát hiện ai đi Nga sẽ bắt và xử liền.

Bác đã làm quen với anh em ngành hỏa xa, tìm hiểu cung đường đi và tìm cách tích lũy tiền nong… Đồng thời tính toán, nghĩ cách để tờ báo Le Paria vẫn tiếp tục. Hội Liên hiệp các nước thuộc địa vẫn hoạt động…

Mọi việc đang giục giã thôi thúc Bác, thì bỗng một hôm có người đến báo tin Trung ương Đảng Cộng sản Pháp cần gặp Bác. Bác hồi hộp đến Văn phòng Trung ương Đảng.

Đến nơi, Bác thấy đồng chí M. Cachin và nữ đồng chí Clara Zetkin đại diện Quốc tế cộng sản, một nữ chiến sĩ cách mạng mà Bác đã gặp ở Đại hội Tours đang chờ. Trong không khí vui vẻ, đồng chí Cachin nói:

- Ban chấp hành Trung ương Đảng cử đồng chí với tư cách đại diện cho các nước thuộc địa đi Matxcơva để dự Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ 5.

- Ôi, thật tuyệt vời! Bác thốt lên trong vui mừng sung sướng.

- Chúng tôi bố trí để đồng chí qua Đức - đồng chí Clara nói. Từ đó sẽ lên tàu thủy của Nga vào Petrograd. Đồng chí phải tìm cách cắt đuôi những mật thám.

- Vâng, hiện tại họ theo tôi từ sáng đến tối. Nhưng tôi sẽ có cách.

- Cách nào?

- Trong những ngày tới tôi sẽ tạo thành một quy luật "không có gì mới" với mật thám, họ sẽ chủ quan. Để hôm cuối cùng sẽ bất ngờ "biến mất".

- Nên chọn một quán cà phê lớn có hai cửa, rủ một vài đồng chí vào cà phê ở cửa trước rồi một mình ra cửa sau - đồng chí Cachin nói. Và như chợt nhớ ra, đồng chí cười: Đồng chí Nguyễn mời đồng chí Lared. Đi uống cà phê với bạn gái là "đắc cor" nhất.

Bác cười.

Đồng chí Clara nói thêm:

- Tôi thấy nữ đồng chí Lared mến phục đồng chí Nguyễn lắm đấy!

- Bác nói: Trong tôi, ưu tiên số một là giải phóng thuộc địa, cứu dân tộc mình.

- Chúng tôi hiểu đồng chí.

Đồng chí Cachin mới đi Liên Xô về và đã gặp Lênin. Bác hỏi Cachin rất kỹ về Lênin, về cuộc sống ở Matxcơva, về nước Nga. Câu chuyện sôi nổi và thân thiết. Bác quay qua đồng chí Clara:

- Tôi sẽ đi đến Đức như thế nào xin đồng chí cho biết rõ.

- Chúng tôi sẽ cử một người hỗ trợ đồng chí, đồng chí ấy sẽ lo thu xếp vé tàu lửa, chuẩn bị giấy thông hành đi Đức cho đồng chí Nguyễn, có lẽ đồng chí phải dùng một tên khác. Đồng chí đóng vai người Trung Quốc, như vậy khi lên tàu chưa ra khỏi đất Pháp đồng chí chỉ dùng tiếng Hoa hoặc tiếng Pháp, có gặp người Việt Nam cũng không nói tiếng Việt Nam. Đồng chí ấy sẽ liên lạc với đồng chí để bàn cụ thể trước ngày lên đường.

- Chúng ta xác định như thế này - đồng chí Cachin nói: Anh sẽ đi chuyến tàu đêm 13 tháng 6, hôm ấy là thứ ba. Như vậy còn mười hai ngày nữa, đồng chí thu xếp, chuẩn bị.

- Một việc lớn nữa, đồng chí Nguyễn phải chuẩn bị bài tham luận ở đại hội về sự cần thiết đối với các nước thuộc địa - đồng chí Clara nhắc.

- Cảm ơn các đồng chí nhiều. Tôi sẽ làm tốt nhất. Bác như được tiếp sức, phấn chấn trả lời.

Ngày thứ ba sắp tới. Suốt một tuần lễ qua Bác thực hiện rất chuẩn mực công việc hằng ngày: Sáng đi làm ở tiệm ảnh, chiều đến tòa soạn báo Le Paria, có hôm đến trụ sở Hội Liên hiệp thuộc địa. Có hôm hẹn ăn trưa với luật sư Phan Văn Trường. Buổi tối đi thư viện hoặc đi dự meeting. Cũng có hôm đi uống cà phê với các bạn châu Phi và trở về nhà nghỉ không quá 23h đêm.

Hai mật vụ thay nhau ngày đêm theo Bác. Bác đã nhận ra quy luật của họ là buổi tối chỉ theo Bác đến thư viện hoặc một nơi nào đó rồi yên tâm Bác sẽ về nhà ngủ trước 23h, nên một lúc sau họ về nhà với vợ con để sáng hôm sau đến "đưa" Bác đi làm. Bác cười thầm và có lần khoe với bạn cùng làm: "Mình có cảnh vệ sát cánh từ sáng đến tối".


Giấy thông hành và visa vào Nga của Bác vời tên Chen Van

Sáng sớm thứ hai, trời vừa hừng sáng, người của tổ chức bố trí đã đến gặp Bác. Anh nói:

- Chúng tôi sẽ làm giấy tờ để anh đi Nga, có lẽ anh phải đóng vai thương gia Trung Quốc. Anh muốn lấy tên gì?

Suy nghĩ một lúc, Bác chọn:

- Chen Vang, nghĩa là Trần Vương.

- Anh đã chuẩn bị hành lý xong chưa? Nhớ mang theo áo măng tô để chống lạnh. Anh cứ đi làm với tay không như mọi ngày. Vali tôi sẽ xách ra tàu cho anh.

Hai người bàn chi tiết công việc cho ngày ra đi vừa xong, thì D'edire mật thám Pháp, đầu đội mũ phớt đen, đã lảng vảng bên ngoài. Bác cười:

- "Cảnh vệ" đến rồi. Anh ở đây chờ cho tôi và người "cảnh vệ" kia đi xa xa, anh hãy đi. Nhớ giúp tôi đóng cửa.

Bác ung dung bước ra đi làm như mọi ngày, viên mật thám D'edire lẽo đẽo theo sau. Đồng chí của tổ chức mỉm cười và xách vali hành lý của Bác ra đi.

Tối thứ ba đẹp trời, Bác hẹn với cô Lared cùng đi dự meeting ở ngoại ô.

Cuộc meeting vừa bắt đầu, Bác đã rủ Lared đi uống cà phê ở khách sạn sang trọng.

- Sao bữa nay anh chơi sang thế?

- Làm oai một bữa mà!

Đến cửa Paris hotel cổ kính, Bác bất ngờ khoác tay Lared. Mật thám vẫn ở phía sau. Bác ghé vào tai Lared nói nhỏ:

- Che mắt mật thám một chút.

Đôi bạn "tình tứ" vào bar cà phê. Mật thám chắc mẫm Nguyễn Ái Quốc đã "cắn câu" với cô gái Pháp và sẽ ở đây, rồi sẽ về nhà có thể sau 23h.

Bên tách cà phê, Bác nói với Lared:

- Hôm nay tôi đi. Ai hỏi, bạn nói tôi đi nghỉ mát ở miền Nam.

- Nhưng thực ra anh đi đâu?

- Tôi tìm đường về xứ An Nam của tôi.

Bác nhìn thẳng vào mắt Lared thăm dò và nói tiếp:

- Tôi nhờ bạn chuyển giùm bức thư này cho các đồng chí ở Hội Liên hiệp thuộc địa.

- Ôi, thế là tôi mất Nguyễn rồi sao? - Lared cầm phong bì và nói lạc giọng vì xúc động.

- Sao mất được. Chúng ta là đồng chí, là những người cộng sản, dù ở phương trời nào thì lý tưởng cũng bên nhau.

Uống mới nửa tách cà phê, Bác đưa tiền cho Lared và dặn cô ngồi lâu lâu, rồi thanh toán giùm. Lered gạt đi:

- Không, anh để tôi trả tiền cà phê, coi như mời anh để chia tay. Nói xong Lared nói trong xúc động:

- Anh là một con người vĩ đại, tôi tin anh sẽ thành công!

- Meci Lared.

Bác hôn lên tay Lared và đứng dậy, tạm biệt. Bác đi nhanh ra cửa sau, đón taxi đến ga xe lửa. Taxi chạy qua nhiều đường phố như để Bác chào tạm biệt Paris, rồi vào đại lộ Magenta chạy thẳng đến nhà ga Du Nord, một nhà ga lớn, có mái vòm cong rất đẹp trong ánh đèn đêm.

Gọi là ga phía Bắc nhưng vẫn trong trung tâm Paris, không xa lắm là Vương cung thánh đường uy nghiêm trầm mặc. Người của tổ chức bố trí mà Bác đã từng gặp hẹn hò, đang chờ sẵn trong vai thư ký. Anh xách chiếc vali hành lý nhỏ đưa Bác lên toa tàu hạng nhất. Anh đưa vé cùng giấy tờ và nói với Bác:

- Đây là giấy thông hành, anh dùng cho đến khi tới nước Nga. Tôi quan sát không thấy có mật thám nào theo, anh ngồi toa hạng nhất cảnh sát ít chú ý, yên tâm. Anh dặn mật khẩu khi có người đón ở nhà ga Berlin và vui vẻ bắt chặt tay Bác: Chúc đồng chí lên đường thành công.

Con tàu lăn bánh lao về phía Bắc, Paris lùi dần phía sau với bao kỷ niệm của hơn 2.000 ngày.

Lùng sục cả nước Pháp để tìm Nguyễn Ái Quốc
 

Việc Nguyễn Ái Quốc "mất tích" cũng là một tin chấn động với mật thám Pháp.

Những mật thám theo Bác đã bứt đầu bứt tai: "Nguyễn Ái Quốc đi đâu?", "Đi nghỉ mát với ai? Ở đâu?", "Không mang theo hành lý, thì chỉ quanh quẩn ở Paris?".

Ngày 30-7-1923, khi Bác đã đến nước Nga tròn một tháng thì Bộ trưởng thuộc địa Pháp Albert Sarraut mới nhận được báo cáo hỏa tốc "Nguyễn Ái Quốc đi nghỉ 10 ngày nhưng đã một tháng rồi vẫn chưa thấy về. Người An Nam ấy giữ vai trò chủ chốt trong phong trào cộng sản ở thuộc địa".

Ngày 30-8-1923, điện mật số 822 ghi rõ: "Tôi hân hạnh báo để ông biết Nguyễn Tất Thành, quen biết dưới tên gọi Nguyễn Ái Quốc, cho đến nay dù đã truy lùng tìm kiếm ráo riết những vẫn chưa có tung tích gì".

Bộ trưởng thuộc địa chỉ thị phải tìm cho ra Nguyễn Ái Quốc ở đâu? Phát hiện được Nguyễn Ái Quốc phải báo cáo ngay.

Chúng ra sức lục tung nước Pháp, đến tất cả những nơi Bác đã từng ở, từng đến, hỏi những người Bác đã có quan hệ, chúng tìm kiếm nhiều ngày cũng không biết Bác đi đâu.

Về lá thư Bác nhờ Lared chuyển cho các đồng chí ở Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa, rất may mắn vẫn còn lưu giữ lại được, xin trích từ bản dịch như sau:

"Các bạn thân mến,

Bao lâu nay chúng ta làm việc với nhau.

Mặc dầu chúng ta là những người khác giống, khác nước, khác tôn giáo, chúng ta đã thân yêu nhau như anh em.

Chúng ta cùng chịu chung một nỗi đau khổ: sự bạo ngược của chế độ thực dân. Chúng ta đấu tranh một lý tưởng chung: giải phóng đồng bào chúng ta và giành độc lập cho Tổ quốc chúng ta.

Chúng ta phải làm gì? Chúng ta không thể đặt vấn đề ấy một cách máy móc. Điều đó tùy hoàn cảnh của mỗi dân tộc chúng ta.

Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: Trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do, độc lập.

Tôi từ giã các bạn. Tôi xa các bạn, nhưng lòng tôi luôn luôn gần các bạn".

Cuối thư, Bác đã gởi những dòng thắm thiết cho hai cháu nhỏ: "Chú sẽ luôn luôn nhớ đến các cháu. Các cháu luôn luôn vẫn là cô bé Alítxơ và cậu bé Pôn thân yêu của chú... Các cháu nhỏ thân yêu của chú, chú hôn các cháu rất kêu. Các cháu hôn mẹ hộ chú".

Con tàu lao trong bóng đêm. Bác ngồi nhẩm lại những gì đã xảy ra trong những năm ở Paris. Dù là chưa vừa lòng, nhưng Bác thấy mình đã làm được nhiều việc, trong đó đã tham gia Đại hội Tours, sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và dùng diễn đàn này nêu rõ dân các nước thuộc địa đang bị lầm than, cơ cực. Bác đã lập được Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa và ra tờ báo Người Cùng Khổ (Le Paria).

Như vậy vấn đề thuộc địa và giải phóng thuộc địa đã tạo được tiếng vang và truyền rộng, được nhiều quốc gia quan tâm. Bác cũng vừa lòng với việc đưa được 8 điều yêu sách của nhân dân Đông Dương đến các vị nguyên thủ các nước lớn gây chấn động nước Pháp, nhân đó đưa về nước và lan tỏa đến mọi người những yêu sách chính đáng này để thức tỉnh mọi người.

Việc làm ấy là cần thiết nhưng phương pháp đã đúng chưa? Bác tự hỏi. Cụ Phan Chu Trinh có lúc cho là mình quá khích, gây kích động làm cho các hoạt động bị Chính phủ giám sát và nhất là mật thám đeo bám. Luật sư Phan Văn Trường cũng có lần cho rằng vì sự hăng hái của ta mà mật thám đã theo dõi căn nhà số 6 của ông suốt ngày đêm…

Bác hiểu và trân quý cụ Phan, một trí thức dũng cảm đã thức dậy lòng yêu nước trong nhân dân và chịu mọi khổ cực vì lòng yêu nước thương nòi đó. Chỉ tiếc là phương pháp của cụ không thể giải phóng dân tộc được.

Trong Bác cụ luôn là bậc trượng phu đáng trân trọng và kính nể, là người đã giúp Bác ra đi tìm đường cứu nước. Sau này có lần cụ Phan đã nhắc Bác: muốn làm cách mạng thì phải về Việt Nam lãnh đạo nhân dân. Không thể ở nước ngoài kêu gọi được.

Suy đi nghĩ lại, có thể thấy rằng Bác và các đồng chí Đảng Cộng sản Pháp, những người hoạt động trong Liên hiệp thuộc địa đã làm đúng và Bác cho rằng tiếng vang từ chính quốc đã về tới Việt Nam là một thành công. Lấy chính nghĩa, lấy lẽ phải để đấu tranh thì phải can đảm, phải đương đầu.

Bác chỉ tiếc là chưa làm được nhiều việc như ý muốn. Và Bác đã hiểu ra muốn có "Tự do, bình đẳng, bác ái" thì phải làm sao? Tất nhiên thai nghén và hình thành nó phải có quá trình.

Và điều vui mừng nhất của Bác là phía trước, nơi con tàu đang lao tới, đó là đến với quê hương cách mạng, là nước Nga, đất nước đã giành được độc lập, tự do, đang mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân mình…

Trời đã hừng sáng, con tàu đang ở vùng Bắc nước Pháp, Bác nhìn ra cửa sổ và nhớ lại những ngày đầu tiên lên đất Pháp, Bác đã rời tàu Amiral Latouche-Tréville lên bờ làm nghề dọn vườn cho ông chủ tàu và học thêm tiếng Pháp ở đây. Mới đó đã 12 năm, nói như ông bà ta là đã 12 con giáp, từ Tân Mão đến Quý Mão và Bác đã có một nửa thời gian, 6 năm ở Paris.

Những tia nắng đầu ngày rực rỡ chiếu qua khung cửa nhỏ của toa tàu, những cánh đồng trồng củ cải thẳng tắp xanh um cứ nối nhau mênh mông, mênh mông. Một đồng chí của Đảng Cộng sản Pháp làm trên tàu được phân công hỗ trợ Bác, đến nói nhỏ với Bác: "Tàu sắp qua biên giới. Cảnh sát sẽ kiểm tra giấy tờ, đồng chí cứ yên tâm".

Đúng như vậy, chỉ ít phút sau đã có cảnh sát và nhân viên đến soát vé và giấy thông hành. Người cảnh sát thấy Bác ăn mặc chỉn chu tưởng là nhà buôn Trung Quốc đã lễ phép chào buổi sáng. Cảnh sát xem nhanh giấy thông hành và trả lại Bác không một chút nghi ngờ, còn vui vẻ chúc Bác chuyến đi thành công và còn nói: "Ở Đức lúc này nhiều cơ hội để quý ông làm ăn lắm".

Bác cười tán đồng. Vậy là thoát khỏi mạng lưới mật thám dày đặc của nước Pháp. Bác hít thở sâu và thấy lòng nhẹ nhõm. Sau này, khi nhắc lại chuyện này, Bác đã nói: "Bác cố trấn tĩnh, nhưng chỉ đến khi xe lửa qua khỏi biên giới Pháp - Đức trong ngực Bác mới hết phập phồng". (còn tiếp...)

Nguồn: https://tuoitre.vn/

Bài viết liên quan

Xem thêm
Lãng tử trong đời, chí thú trong văn
Bài viết về nhà văn Nguyễn Hoàng Thu trên báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Trong màu xanh Vàm Cỏ
Nhà văn Hào Vũ, sinh năm 1950. Quê quán: An Hải, Hải Phòng. Dân tộc: Kinh. Hiện thường trú tại 6/3 Cư xá phường 3, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1984.
Xem thêm
Đỗ Thành Đồng và chuyển động đường thơ
Sau gần 15 năm đắm say đến điên cuồng với thi ca, nhà thơ Đỗ Thành Đồng, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã xuất bản 7 tập thơ.
Xem thêm
Chuyện tình khó quên của Trịnh Công Sơn
Bài viết của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn
Xem thêm
Nhà văn Di Li: Tôi bị hấp dẫn bởi người đàn ông nhân văn, tử tế
Tôi nghĩ rằng, là người văn minh thì phải chấp nhận sống chung với sự khác biệt, tuy nhiên, sự khác biệt đó nếu không tốt, muốn người ta thay đổi thì mình sẽ góp ý. Và cách góp ý của mình cũng khá hài hước nên người nghe không mấy khi khó chịu.
Xem thêm
Người tốt trại Vân Hồ
Nhà văn Trung Trung Đỉnh, Giải A cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn, 1998 – 2000) với tiểu thuyết Lạc rừng. Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
Xem thêm
Nhớ nhà báo Phú Bằng
Đọc bác Phú Bằng từ lâu, khi tôi còn trực tiếp cầm súng ở Trung đoàn 174 Sư đoàn 5 thời chống Mỹ. Lúc ấy bác Phạm Phú Bằng là phóng viên báo QĐND được tăng cường cho báo Quân Giải phóng Miền Nam.
Xem thêm
Nhà văn - dịch giả Trần Như Luận với tác phẩm “Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh - Mỹ kinh điển, lừng danh”
Tháng Sáu 2022, trên Báo Thanh Niên rồi Tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, nhà báo Hà Tùng Sơn và nhà phê bình văn học Vân Phi giới thiệu tác phẩm thứ 7 của nhà văn Trần Như Luận (TNL): tiểu thuyết Gương Mặt Loài Homo Sapiens. Trước đó, anh từng gây tiếng vang nhờ giá trị đáng kể của bộ tiểu thuyết Thầy Gotama và 8000 Đệ Tử dày tới 1.200 trang, trình làng năm 2014. Chúng tôi cũng biết tới cả trăm tác phẩm dịch của anh, cả thơ và truyện, xuất hiện trên các tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Văn nghệ Quân đội, Non Nước, Sông Hương, v.v… Xuân Giáp Thìn 2024, nhà văn ra mắt một “dịch phẩm” hoàn toàn mới: Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh – Mỹ kinh điển, lừng danh. Sách dày 320 trang, bìa bắt mắt. Sách được Liên hiệp các Hội Văn học-nghệ thuật Việt Nam thẩm định chất lượng và hỗ trợ kinh phí; NXB Hội Nhà văn cấp phép. Nhân một cuộc hẹn thú vị tại Quận 7, TP Hồ Chí Minh, trong một quán cà phê tao nhã, không bỏ lỡ cơ hội, tôi đã thực hiện cuộc phỏng vấn này.
Xem thêm
Nhớ anh Mai Quốc Liên
Bài viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Nhà văn Trầm Hương: Sứ mạng nhà văn là đi tìm những ẩn số
Hàng chục năm nay, nhà văn Trầm Hương (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM) vẫn âm thầm theo dấu chân những anh hùng, người lính, mẹ liệt sĩ… để tìm nhân vật cho những trang sách của mình. Chị ghi dấu ấn đậm nét trong dòng văn học cách mạng hiện nay.
Xem thêm
Thương nhớ anh Duy
Tôi viết ra đây mấy lời tâm sự như thắp một nén nhang kính nhớ thương tiễn anh Duy về trời cùng đàn anh Lê Văn Thảo...
Xem thêm
Nhà văn Ann Patchett: Thời gian tuyệt vời nhất là ở trên máy chạy bộ và viết sách
Ann Patchett là nhà văn Mĩ, tác giả của 9 cuốn tiểu thuyết, 4 cuốn sách phi hư cấu và 2 cuốn sách dành cho trẻ em. Trong văn nghiệp, bà từng giành giải Orange cho Bel Canto, cũng như lọt vào danh sách chung khảo giải Pulitzer 2020 với cuốn Ngôi nhà của người Hà Lan. Gần đây bà đã cho ra mắt cuốn tiểu thuyết mới mang tên Tom Lake, và điều đặc biệt là nó được viết trên bàn đặt trên máy chạy bộ và lời khuyên về năng suất từ ​​Elizabeth Gilbert.
Xem thêm
Lê Minh Quốc và cuộc hành trình chữ nghĩa
Bài của nhà thơ Ngô Xuân Hội trên báo Văn nghệ.
Xem thêm