TIN TỨC

Bay giữa cánh đồng

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2022-07-06 18:12:17
mail facebook google pos stwis
953 lượt xem

 

HỒ LOAN
 

Đang mải sắp xếp mọi thứ lại cho thật ngăn nắp thì Miên ào tới. Nay cho em nghỉ bữa nhen, bận chút chuyện hà. Nói rồi không đợi Du đồng ý, con bé phóng vù đi bỏ lại sau lưng mùi nước hoa sực nức. Phòng tranh đợt này thưa thớt người, Du linh hoạt bán thêm các mặt hàng lưu niệm. Từ những ý tưởng táo bạo của con bé, đôi tay tài hoa của Du tha hồ tung tẩy. Những món handmade lần lượt xuất hiện trên các tủ trưng bày. Vật liệu chỉ là những đụn rơm vàng, đôi vạt cỏ may, mấy cọng dây thừng hay thậm chí những bìa gỗ vụn. Những vị khách thích thú nhìn đôi tay mềm tài hoa của Du đan thoăn thoắt. Mái tóc bổ lệch lòa xòa trước trán. Chiếc khuyên nơi tai đầy chất nghệ sĩ, cùng hình xăm ma mị lấp ló sau gáy.

Không ai biết mối quan hệ của họ là gì, chủ với nhân viên, hay người yêu, anh em? Chỉ nghe xưng hô Du và em. Cái cách Du chăm sóc con bé đôi lúc như chị, như mẹ. Những gã đàn ông tiếp cận Miên bị bất ngờ khi thấy con bé thoải mái áp má vào lưng Du lúc hai người dạo phố. Con bé chẳng buồn giải thích, nó bảo yêu là phải có niềm tin vào nhau, chỉ một việc đơn giản vậy thôi mà không vượt qua được làm sao dám đương đầu với bể đời sóng cả. Du phì cười. Hai người khá trái ngược nhau, cả cách ăn uống lẫn quan điểm sống. Miên luôn cởi mở trong các mối quan hệ. Ngược lại, Du kín kẽ và âm thầm. Chưa từng thấy Du đi đâu với ai, cũng không thấy lê la quán xá. Chín giờ sáng mở cửa và đóng lúc chín giờ đêm. Suốt thời gian đó Du dành cho công việc. Còn Miên như con thoi, hết chạy chỗ này lại ghé chỗ kia…

*

*        *

Miên là trẻ mồ côi, được nhặt sau sân trường khi người đã tím tái với dây rốn loằng ngoằng, những tưởng không sống nổi, nhưng không, con bé có một sức sống mãnh liệt. Năm Miên sáu tuổi có người tới nhận nuôi. Mẹ nuôi của Miên là một phụ nữ nghèo cô độc, bà tìm người để nương tựa tuổi già. Căn nhà ọp ẹp nằm chơ vơ giữa cánh đồng bốn mùa gió lộng. Thời xuân sắc lỡ làng, cày cấy vụng về, bà sống bằng những túm gạo của mấy gã chăn vịt, những con cá còi cọc của người đi câu. Đàn bà đi cấy trong vùng thường nhổ nước bọt đánh toẹt khi qua căn nhà bẩn thỉu đó. Miên lớn lên cũng được học hành. Lớn lên xíu nữa cũng có áo mới, cũng được ăn ngon. Là nhờ mẹ nuôi có miếng đất vỡ hoang nằm cạnh đất một người đàn ông máu mặt trong làng. Ông ta muốn mua luôn mảnh đất nhỏ đó. Bởi theo thầy phong thủy, đây là miếng đất có hình đầu rồng, ông ta lại tuổi thìn, bằng mọi giá phải có được. Mẹ Miên được tay thầy địa lí đi cùng rỉ tai đội giá. Tên thầy địa lí không nhận hoa hồng từ phi vụ làm ăn, gã ỡm ờ bẹo má người đàn bà, anh cho em không hết lại còn…

Một bữa, Miên được cô cho về sớm. Nửa bụng dưới đau thắt quằn quại, máu rỉ ra dưới đũng quần. Miên tưởng mình sắp chết rồi. Càng cố đạp nhanh máu càng ra nhiều hơn. Miên lao vào nhà, chợt sững lại. Chiếc Wave Tàu giấu sau lùm cây duối, đôi dép đàn ông lệch chỗ dưới sân, mũ cối nằm ghếch lên túi vải ố màu. Tiếng hổn hển phát ra từ buồng mẹ, cả những tiếng rên xiết ghê người. Miên rùng mình chạy vội vào buồng mình thút thít. Cơn đau càng dữ dội hơn, đến từng luồng, mồ hôi Miên đẫm ra, ướt nhẹp trán. Mẹ ơi cứu con! Giọng Miên thều thào đứt quãng.

Người đàn bà sau cơn hoan lạc cùng gã nhân tình nghe tiếng kêu cứu lật đật chạy qua. Sau vài lời hỏi han, bà bảo không chết được, có mà chết cơm chết gạo thì có. Miên chưng hửng, cơn đau cũng như về hùa với mẹ, im bặt. Gã thầy địa lí lúi húi mang mũ ra về không quên để lại ánh mắt đầy dục vọng.

Giờ Miên đã hiểu cơn đau của mình do đâu. Từ đấy mẹ trông chừng kĩ hơn, cấm Miên đi chơi, lấy mớ áo len ra bắt tháo quấn từng cuộn rồi đan lại. Những sợi len rối rắm. Miên tỉ mẩn làm, nhưng lòng lại để ngoài đồng, trên những lưng trâu bóng nhẫy mùi bùn, trên mấy mái đầu khét nắng của bọn trẻ, trên cánh diều lưng chừng trời, trên những lọn khói nghi ngút mùi khoai nướng, trên cả những chuyến tàu chiều. Dáng của những con người đi trên những chuyến tàu ấy ám ảnh Miên, ám ảnh giấc mơ về một vùng đất mới.

Có lần, Miên rụt rè hỏi bác Thân, người từng dạy cho Miên nhiều thứ, về thế giới, con người, vũ trụ bao la và cả những vì tinh tú trên bầu trời. Bác Thân học nhiều, đi nhiều, biết nhiều, và giờ cắp gói về quê làm gã điền nông nắng gió. Bác bảo đấy là niềm vui. Nụ cười bác như làn khói chiều, xa xăm mờ mịt.

Bỗng một sớm có đoàn người lạ tới áp giải bác đi. Người ta bảo bác là tội phạm quốc gia, gián tiếp làm thất thoát hàng trăm tỉ đồng của dân của nước. Miên khóc thảng thốt, lén nhìn cổ tay nhỏ, chiếc vòng thạch lựu bác tặng Miên vào một chiều giông khi hai bác cháu trú mưa trong lều của người chăn vịt. Hàng trăm tỉ là bao nhiêu?

Mẹ vẫn bận bịu đón những người khách lạ trong căn buồng của mình. Những gã khách râu ria bẩn thỉu, những cái miệng tham ăn và cả những chiếc bụng ọc ạch. Miên thấy tởm lợm. Nhưng Miên có quyền gì chứ! Chẳng phải đã có lần mẹ bảo, áo quần mày mặc ở đâu ra, cơm đâu mày ăn, mày tưởng tiền tự nhiên chui vào túi à?

Một chiều, vừa đi học về, Miên hốt hoảng khi thấy mẹ bị mấy người đàn bà đánh. Họ xé áo cắt tóc nguyền rủa không thương tiếc. Miên lao vào ôm lấy mẹ, trận đòn vơi dần, rồi họ rời đi, không quên để lại những lời hăm dọa. Từ hôm ấy Miên bỏ học, những lời trêu chọc và cả những câu mỉa mai của bạn bè khiến Miên xấu hổ. Con mụ điếm! Cụm từ đó thật cay nghiệt. Xem nó kìa, rồi cũng như con mẹ nó thôi. Một đứa con hoang được nuôi bởi một người đàn bà hư hỏng thì tương lai nào chờ Miên. Trong khi mẹ vẫn đón những người khách lạ. Miên bảo mình sẽ đi làm nuôi mẹ. Bà cười ngặt nghẽo, thế mày định làm gì? Nói rồi bà đưa mắt nhìn Miên từ đầu đến chân. Chà, mày cũng lớn bộn rồi hen, cũng ngon ăn dữ hen. Miên rùng mình vuột khỏi tay mẹ. Cô vào buồng khóa trái cửa, cảm giác sợ hãi bao trùm. Miên sợ những đôi tay nhớp nháp mồ hôi, những cái nhìn như muốn ăn tươi nuốt sống, cả những lời bỗ bã thô tục của những người đàn ông đến và đi ngang qua đời mẹ.

Trưa nay, khi cánh cửa buồng mẹ lại đóng kín, những âm thanh thoát ra, nhờn nhợn, Miên lẳng lặng lấy túi đồ đã giấu sẵn nơi đáy rương rón rén bước. Con mèo mướp đưa chân ngáng đường, Miên không cúi xuống vuốt đầu nó như mọi bận. Cánh đồng trưa vi vút gió, ràn rạt. Miên cắm đầu chạy, không một bóng người, không một tiếng động. Miên chạy và chạy. Chỉ có tiếng lạo xạo của đôi chân non trên những viên đá đường ray tàu lửa. Miên nhớ có lần bác Thân bảo, chỉ cần đi theo đường ray này thì thế giới khác sẽ mở ra.

Miên đi ròng rã, đôi chân phồng rộp, miệng khô cháy vì khát. Bụng lép kẹp réo liên hồi. Đến chiều thì Miên cũng tới được ga lẻ. Tiếng rao bánh mì đi, chả đi của mấy chị hàng cứ nhão nhoét, ê ê. Bánh mì hông cưng, bánh mì nóng nè! Miên rụt rè thò tay vào túi áo, mớ tiền lẻ mấy gã khách của mẹ cho khi nhờ đi mua thuốc, mua rượu Miên vẫn để dành đây. Cho em một chiếc, nói rồi cô mở to mắt nhìn đôi tay béo múp thoăn thoắt cắt chả, tưới tương. Mũi Miên nở to cố hít lấy cái mùi thơm quyến rũ đó. Luôn tiện chị bán rẻ cho Miên một chiếc vé tàu, bảo ưu tiên á nha, yên tâm không ai làm gì em đâu. Miên ngơ ngác cầm lấy và trả tiền như chiếc máy được điều khiển.

Ổ bánh mì vừa yên vị trong bụng thì có tiếng bước chân rầm rập, mau lên tàu đi, tới giờ rồi. Miên ngơ ngác, tay ôm ghì lấy chiếc túi vào lòng. Lên tàu. Lên tàu kìa Miên, còn chần chừ gì nữa. Lòng nghĩ thế nhưng đôi chân cứ chôn chặt dính xuống sân ga hôi hổi hơi người hơi dầu. Bỗng có cánh tay kéo cô lên đẩy vào ghế, đè lên chiếc túi to bảo giữ lấy. Còn đang ngơ ngác chưa biết chuyện gì xảy ra thì tàu ầm ầm rời ga. Bỏ lại phía sau những cánh tay vẫy chào tạm biệt, những đôi mắt đỏ hoe luyến lưu bịn rịn. Cánh đồng chiều có lũ trẻ chăn trâu nô đùa, ngôi nhà nhỏ trơ vơ giữa cánh đồng, chiếc áo mỏng trễ nải của mẹ, hình ảnh bác Thân cúi đầu đi giữa những người xa lạ - tất cả nhạt nhòa chạy qua mắt Miên.

Tàu đỗ, mọi người hối hả xuống ga. Lại những tiếng rao, tiếng chèo kéo của mấy người xe ôm, tiếng chửi thề khi không giành được khách. Còn đang lóng ngóng với chiếc ba lô nặng trĩu thì bàn tay vô hình nọ lại xuất hiện kéo cô xuống tàu.

Hắn kéo cô xềnh xệch như mèo tha dưa cải. Chỉ biết trố mắt ra nhìn hành động của người lạ, bất chợt cô ghì lại, không, buông em ra, buông em ra, em la lên bây giờ. Lúc này người lạ kia mới mở mũ. Ối Du! Là Du sao? Con bé ôm ghì lấy cổ Du, ôm thật chặt, ôm không muốn rời nữa.

 

Minh họa: Nguyễn Văn Đức

Du là người bạn đầu đời lớn hơn cô tám tuổi. Nhà Du có năm chị em gái. Đến khi cố kiếm đứa con nối dõi thì mẹ Du qua đời. Ba Du bị tai biến nằm liệt một chỗ vì rượu chè bê bết suốt những năm tháng trông mong đứa con trai. Cũng may chị hai làm y tá xã, nên việc thay mẹ chăm em không quá khó khăn.

Du mảnh khảnh trắng trẻo, đôi chân dài và tóc mượt. Du cắt tóc tém, mặc đồ bụi bặm, chơi những món đồ chơi mạnh mẽ. Chị hai và các chị gọi Du là anh út. Anh út của nhà càng lớn càng xinh. Các chị phải giằng ngực út bằng mấy lần vải thun thít chặt vào người. Bắt út mặc đồ cộc áo lửng cho đen da. Dạy út những câu nói cộc cằn cho ra dáng một thằng đàn ông. Càng lớn Du càng hiểu chuyện. Chị hai còn chưa lấy chồng, chị ba, chị bốn, chị năm đã ngấp nghé người dạm ngõ. Mà ai cũng còn chần chừ vì sợ các chị giống gen mẹ. Cậu út được các chị cung phụng như ông hoàng, ăn gì mặc gì hay thậm chí đi đâu các chị cũng sẵn lòng phục vụ, miễn diễn tròn vai trước khi các chị yên bề gia thất và ba có ra đi cũng nhắm mắt xuôi tay.

Ngày chị kế lên xe hoa cũng là ngày Du rời xa ngôi nhà ấy, ngôi nhà đầy rẫy những giấc mơ hãi hùng. Những ám ảnh tuổi thơ in đậm trong từng câu chuyện kể. Du chưa được thấy mặt mẹ, càng không chứng kiến những cú tát trời giáng của ba, nhưng nỗi sợ của các chị còn in đậm nơi đáy mắt. Du quyết định ra đi. Đôi tay tài hoa kiếm cơm bằng những bức kí hoạ cho du khách nơi bờ hồ, chợ đêm hay công viên. Vẫn cái vỏ lạnh lùng với trang phục rộng thùng thình đầy chất nghệ sĩ, mái tóc bổ lửng che nửa khuôn mặt nhỏ, vài hình xăm trên tay - tất cả tạo nên một Du đầy lãng tử.

Nhưng sao Du biết em ở đây? Du cười. Biết gì chứ, Du về có chuyện, vô tình thấy em lớ ngớ nơi sân ga. Du nghe hết chuyện của mẹ em rồi. Đoán chắc thế nào cũng có ngày em đi, không sớm thì muộn thôi. Vậy sao lúc trên tàu Du làm như nhân vật bí ẩn vậy? À, Du muốn trêu em xem bản lĩnh tới đâu mà bày đặt đi bụi.

Du đưa cô về phòng trọ. Căn phòng hơn chục mét vuông nhưng gọn gàng ngăn nắp. Một chậu sen đá nhỏ nằm bên bàn. Những cuộn giấy bìa cuốn trong ống vẽ, túi bút chì màu và những cây cọ. Miên tò mò chạm vào từng thứ thích thú.

Rồi em tính sao?

Không có tiếng trả lời, cô bé đã ngủ tự bao giờ.

Một tuần trôi qua, Miên đi kiếm việc làm. Đầu tiên là phụ việc trong các quán cơm sinh viên. Miên về kể, có anh sinh viên cầm mười ngàn tới mua cơm, bảo anh mua cho chó, em thương tình trút hết đĩa thức ăn thừa người ta để lại, anh ấy thoáng hoảng hốt, miệng cảm ơn mà mặt méo xệch. Du rú lên cười, em ác quá, coi như bữa đó anh chàng móp mỏ hen. Thì em thật thà mà, em biết đâu đấy! Mặt Miên chùng lại cầm chiếc vòng thạch lựu xoay xoay, đầu vẩn vơ suy nghĩ. Du nghiêng người nhìn chăm chăm vào chiếc vòng, ở đâu em có hay vậy. Miên tháo đưa cho Du xem, đẹp không này, của bác Thân cho em. Du nhíu mày, đây chẳng phải chiếc vòng đá Garnet nổi tiếng của bác đó sao, sao lại cho em. Thì biết đâu, bác bảo giữ đi, nó sẽ mang lại cho em điều tốt đẹp. Mà sao bác không giữ cho riêng mình nhỉ, biết đâu có nó bác đã không bị bắt rồi, Miên thắc mắc. Du khẽ vuốt tóc Miên, tội ai người đó gánh, nghiệp ai người đó trả, ông trời công bằng lắm em à! Miên cứ ngẩn mặt ra, không hiểu nghiệp báo là gì, cũng không biết lời Du nói có đúng không. Nhưng ánh mắt u buồn của bác Thân cố tránh ánh mắt thảng thốt của Miên khiến cô suy nghĩ mãi…

*

*.    *

Sau vài năm lăn lộn, Du và Miên đã dành được một số vốn kha khá. Họ thuê một cửa tiệm mở phòng tranh và thuê riêng hai phòng trọ khá xa nhau. Miên thích sự ồn ào náo nhiệt phố xá, thích những gam đèn màu lung linh. Du lại thích trầm tư bên con sông lặng trôi nơi lòng thành phố. Miên bảo phải ở cách nhau xa thế mới trốn được đôi mắt bảo mẫu của Du.

Rồi Miên gặp Phong tình cờ trong một quán pub, khi cô đang chill cùng những bản underground đình đám. Phong đến, bụi bặm, phong trần, một khuôn mặt góc cạnh với body chuẩn. Miên như bị thôi miên bởi nụ cười đầy ma lực. Ánh mắt ấy, bờ vai ấy, cả phong thái ấy, nhất định phải thuộc về cô.

Nay Phong đẩy cửa bước vào, trên tay là một bó bách hợp hồng, một biểu tượng của sự trẻ trung ngây thơ và tràn đầy sức sống. Miên như muốn nhào tới ôm chầm người tặng hoa, nhưng kịp kiềm lại. Cô vờ bẽn lẽn thẹn thùng mà lòng vui sướng râm ran. Những hình ảnh ấy đều không qua khỏi mắt Du. Mà cũng không biết được mấy hôm nữa, Du chậc lưỡi.

Một chiều, Phong lại tìm đến, dáng vẻ mệt mỏi. Anh ngồi trầm ngâm bên chiếc ghế dành cho khách, tay mân mê từng món đồ. Du đặt cốc nước trước mặt không nói gì. Hai người im lặng hồi lâu, chợt Du lên tiếng, anh và Miên có chuyện gì sao? Đưa tay sửa lại gọng kính, giọng trầm buồn, là Miên giận anh, cô ấy cho rằng anh lừa dối tình cảm của cô ấy, thật ra, thật ra anh đang có gia đình… Du kinh ngạc, vậy sao anh còn tiếp cận con bé? Anh không hề có ý đó, nhưng anh thật sự rất cô đơn, chỉ muốn có một người bạn để tâm sự. Anh có gia đình rồi mà vẫn còn thời gian để cô đơn sao? Phong cười chua chát, không giấu gì em, bọn anh sắp chia tay, đang chờ tòa giải quyết. Vậy sao anh không đợi có quyết định hẵng tìm bạn gái? Thì anh cũng không nghĩ sẽ gặp Miên. Một thoáng chần chừ, anh muốn nuôi con nhưng Miên không chịu, cô ấy bảo không thể làm mẹ của một thằng nhóc tới tuổi dậy thì được. Miên chưa sẵn sàng.

Tối đó, Phong đề nghị thuê phòng nhậu say một bữa. Mà cũng lâu rồi Du không biết say là gì. Du không bạn bè người thân. Du sống lặng lẽ dẫu có rất nhiều cô gái say mê theo đuổi. Nhiều lúc Du thầm cười, cuộc đời thật oái ăm. Du vẫn sống lặng lẽ thế, làm việc thế và gồng mình làm chỗ dựa cho Miên trút bầu tâm tư. Du ít nhìn ai, cả nam lẫn nữ. Du sợ phải bắt gặp những ánh mắt đắm đuối si tình của các cô gái và cũng sợ phải va vào một vóc hình vạm vỡ của các chàng trai. Du sống không giới tính, giấu nhẹm cảm xúc, chôn chặt những giấc mơ. Không ai biết Du nghĩ gì.

Trước mặt Du giờ là một gã đàn ông đang buồn tình. Ánh mắt Phong hun hút, cái nhìn có thể thiêu rụi cả một cánh đồng chiều rừng rực. Ánh nhìn như có hấp lực với người đối diện. Du nghe choáng váng, tim lỗi nhịp loạn xạ. Đôi môi ấy không cười nhưng đầy ma lực, như muốn cuốn lấy Du. Khẽ rùng mình cho những suy nghĩ tội lỗi rớt ra khỏi đầu, Du cắm cúi uống say lúc nào chẳng biết. Lúc khẽ nghiêng người quờ quạng tìm điện thoại để xem giờ như thói quen thấy đầu nhức buốt, giật mình khi chạm phải một bờ vai rắn chắc. Vội vàng, Du đưa tay sờ soạng người mình, quần áo vẫn còn nguyên.

Chợt điện thoại của Phong rung liên hồi, anh ngọ nguậy nghe máy. Cuộc gọi chóng vánh nhưng cảm giác của Du như vừa bị bắt quả tang làm điều gì thật xấu xa. Du từ chối lời đề nghị đưa về của Phong và bắt taxi về luôn sau đó. Ào vào nhà, đóng sập cửa như để chạy trốn chính mình. Du trút bỏ bộ đồ sắp lên mùi, mớ vải rịt quanh ngực dần dần rơi xuống lộ rõ khuôn ngực chằng chịt vết hằn. Du đưa tay mân mê, làn nước ấm len qua kẽ tóc trượt dài xuống má, len qua cổ vấn vít đôi gò. Du ngửa cổ nhắm nghiền mắt, đôi tay không thôi sục sạo khắp cơ thể, nơi đâu cũng tưởng tượng có đôi môi cháy bỏng của Phong chạm đến, rạo rực. Du đứng thế hồi lâu, thật lâu, nghe tim mình va vào lồng ngực, một cảm giác khao khát bùng cháy.

*

*         *

Miên gọi, giọng buồn buồn, Du, về với em đi. Em đang ở đâu? Em đang trên những cánh đồng. Ôi, em về quê ư? Sao em không nói gì, alo, alo Miên ơi! Đầu dây bên kia đã tắt, Du cố gọi lại vài lần vẫn không được. Không nghĩ ngợi, Du thu dọn đồ đạc rồi ra bến xe. Ừ, cũng lâu quá rồi chưa về thắp cho mẹ nén nhang, ba giờ cũng gần đất xa trời, các chị đã thay nhau chăm ngần ấy năm, Du có làm gì được cho nhà đâu…

Cánh đồng chiều vi vu gió thổi. Từng khóm lau trắng muốt đôi bờ, đàn trâu nhởn nhơ gặm cỏ. Xa xa, lũ trẻ đang hò hét chạy theo chiếc diều ngút ngát tầng mây. Cánh diều đỏ thắm giữa nền trời xanh thẳm, có tiếng sáo du dương êm đềm. Du bảo bác xe ôm dừng lại rồi lội bộ qua giữa đồng. Là Du muốn bước chân lên những lối cỏ quen. Muốn trở về tuổi thơ nơi Du từng chạy trốn.

Miên đợi, tựa vai Du ngồi lặng lẽ nơi quãng kênh vắng. Đồng đêm thăm thẳm, tiếng côn trùng tỉ tê thống thiết. Đâu đó tiếng vạc ăn đêm vang lên nỗi niềm. Lũ choai choai rồ xe đi qua buông tràng cười khả ố. Mình về thôi, Du đề nghị. Về gì chứ, mới hơn chín giờ mà! Nhưng ở quê vậy là khuya lắm rồi, về kẻo mẹ đợi. Miên hếch môi, bà ta thì đợi ai, đợi mấy gã nhân tình thì có. Em đi mà bà không tìm, giờ bốn năm trở về bà nhìn như mới đi hôm qua, hỏi ủa về á hả, tưởng đi luôn rồi. Giá mà có xe em lên lại thành phố ngay lúc ấy. Du không nói gì, biết nói thế nào đây. Mình bỏ nhà đi là lỗi của mình mà. Người ta không có công sinh thành cũng có ơn dưỡng dục.

Chợt Miên đưa cổ tay lấp lánh vòng vàng, thấy gì hông, em vừa đổi á. Còn dư em về cho bà già một ít, với để tiêu. Em lấy gì mà đổi, Du ngạc nhiên tò mò. Thì cái vòng thạch lựu á, em mang ra tiệm vàng lớn, ông chủ tiệm soi em từ đầu đến chân, bảo ở đâu cô có. Em ghét quá giật phắt lấy ra về. Ông ta lấy xe rượt theo. Du biết ổng trả em nhiêu không? Cả đời Du cũng sẽ không bao giờ nghĩ tới.

Du chợt cảm giác có điều gì đó nguy hiểm sắp ập tới, vội kéo Miên đứng lên, mình về thôi. Cả hai vừa đứng dậy xỏ chân vào dép thì bất ngờ ba chiếc xe máy trờ tới chắn hết lối đi. Chà, bé nào xinh dữ bây, đi chơi với tụi anh đi hai đứa. Vừa nói, hai gã phía sau vừa xuống xe. Chà, bạn gái xinh quá hen, đi nhậu với bọn anh đi, lâu quá anh em không gặp. Du cố từ chối nhưng Miên thì không, cô bảo thà say túy lúy với mấy người này còn hơn phải về trong căn nhà đó. Du hiểu những giằng xé trong Miên. Những khát khao về một mái nhà yên bình đâu có gì to tát. Miên tìm về quê cũng bởi những điều nhỏ nhoi đó.

Giằng khỏi tay Du, Miên leo lên sau xe một gã húi cua. Hoảng quá, Du định ngồi theo sau Miên, nhưng liền bị gã trọc kéo xuống bắt đi xe khác. Cả bọn tới một quãng vắng. Đồ ăn bày trong chiếc túi ni lông xé toạc, mấy chai rượu trắng được chia đều cho mỗi người. Miên giằng lấy tu từng hồi, cả bọn vỗ tay rần rần hưởng ứng. Ánh trăng non đã lên giữa cánh đồng, ánh sáng yếu ớt ma mị. Từng cơn gió lạnh rít qua như đồng lõa cùng bóng đêm. Du cầm chừng dè dặt, nhìn cách Miên uống tới bến với bọn trai làng khiến Du không khỏi rùng mình. Một cảm giác bất an xâm lấn tâm trí, Du lặng lẽ nhắn tin cho Phong, không quên để lại định vị. Nếu nhanh nhất thì cũng gần hai giờ đồng hồ anh mới tới được. Nhưng cuộc vui này chắc thâu đêm. Uống đi người anh em! Gã trọc lại vỗ vai Du bỗ bã, người yêu ngồi đây rồi còn nhắng nhít với ai. Du khẽ cười cho điện thoại vào túi.

Miên gật gù chếnh choáng, những lời nhạc chế thô thiển bay ra từ cái miệng xinh đẹp. Miên nhìn Du, rồi lại cười phá lên. Chệnh choạng bước qua chỗ Du, Miên giật lấy chai rượu, để em uống cho, đồ chết nhát, uống đi, say đi, quên hết đời đi. Giọng Miên nhài nhại nấc cụt liên hồi. Chợt Miên cao hứng, ai thích chơi trò tình yêu với em không, chơi không? Du tái người, vội kéo Miên lại, em say quá rồi, ta về thôi. Gã húi cua trợn mắt hất tay Du, để yên cô ấy vui, rồi đưa tay ôm eo Miên lắc lư trong tiếng vỗ tay lẹt đẹt.

Đêm đông cứng, cả người Du như muốn tê dại. Đưa chai rượu lên miệng, cái nóng dâng lên phừng phừng hai má. Phải tìm cách câu giờ để chờ Phong tới. Gã trọc ngồi sấn vào người khiến Du giật lùi né theo phản xạ. Làm gì căng vậy người anh em, gã hô hố, đôi mắt cú vọ nhìn sâu vào cổ áo khiến Du tái mặt.

Chúng ta chơi trò tình yêu nhé! Anh điên rồi, Du vừa nói vừa thụt lùi né tránh. Bên kia, tiếng Miên la oai oái, các anh làm cái gì vậy, buông ra đồ điên, buông ra…

Âm thanh đứt quãng nhỏ dần, nhỏ dần…

Du vùng vẫy, môi gã trọc sục sạo khắp mặt, xuống cổ, xuống ngực. Gã rúc mặt vào làn vải dày rồi rú lên điên tiết. Chỉ chờ có vậy, Du tiện chân húc vào hạ bộ khiến gã ngã vật. Con thú hoang lồng lộn kêu cứu. Một thằng trong bọn quay lại đấm đá Du túi bụi. Máu, nước mắt và cả những đớn đau bết lấy tấm thân mỏng mảnh. Du nằm gục trên đám cỏ cháy, mùi máu tanh nồng mặn chát. Le lói trong mắt một quầng sáng, hình như có tiếng động cơ. Tiếng hét thất thanh của Miên không còn, tiếng hì hụi ghê tởm của bọn trai làng không còn. Du nằm nghe gió rít rờn rợn. Tiếng côn trùng thôi tỉ tê, tiếng nước dưới kênh thôi chảy. Hình như có tiếng sáo diều ở đâu xa lắm, vang vọng.

Miên ơi em có nghe không?

Em khao khát âm thanh êm đềm này phải không?

H.L

Bài viết liên quan

Xem thêm
Người của buôn làng - truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Rút từ tập truyện ngắn GIẢI NOBEL THỨ BẢY của tác giả.
Xem thêm
Cô bé có đôi bàn tay kỳ diệu
Nguồn: Mẹ - tập truyện ngắn của Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Công an nhân dân, in năm 1997; trang 221.
Xem thêm
“Ông Ba Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
“ÔngBa Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
Xem thêm
Những trang sách cũ
Mẹ tôi kể là trong ngày sinh nhật đầu tiên, gia đình đã bày trước mắt tôi một cây bút, một quyển sách, một tờ giấy bạc, một chiếc hàn thử biểu và một cái muổng gỗ dùng để nấu ăn. Chọn thứ nào sẽ là dự báo tương lai cho cuộc đời tôi.
Xem thêm
Làng Nủ thân thương
Tác giả Bỉ Hao tên thật là Nguyễn Phúc Bảo Huy sinh năm 2007 (17 tuổi), tại Đăk Lăk. Hiện đang là học sinh Trường Trung học phổ thông Krông Bông. Em viết truyện ngắn, bút ký, tản văn và cả sáng tác thơ. Có thể nói các tác phẩm của em đang được ví như một viên ngọc nhỏ thô sơ còn cần thời gian gọt dũa, mài sáng, nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới, khi ở tuổi trưởng thành, em sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Văn chương TP.HCM trân trọng giới thiệu tản văn Làng Nủ thân của Bỉ Hao đến với bạn đọc.
Xem thêm
Bạn cấp ba – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Phúc
Phòng đã tắt hết đèn, ánh sáng từ điện thoại chiếu vào mặt tôi, hắt sáng tạo thành cái bóng hình đầu người in trên tường. Đây! “Carl Jung” của tôi đây rồi, tôi cười như một thằng dở người giữa buổi tối tĩnh mịch, hiu hiu gió và tiếng ve hở chút lại réo lên.
Xem thêm
Những ngày nông nỗi - Truyện ngắn Thúy Dung
Con tàu to lớn cập bến Sầm Sơn, (nay là cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa), bước chân lên đất liền, Hiệp quá mệt mõi vì hành trình hơn một tuần lễ trên biển. Mặc dù chiếc tàu của Ba Lan rất to lớn nhưng lần đầu tiên ra biển quả là chới với, chưa hết hồi hộp. Cái cảnh tàu chồng chành, khi nó nghiêng bên phải, cả bạn con gái lăn qua, khi nghiêng bên trái, bọn con trai bị lăn lại thì say sóng là điều không tránh khỏi. Thậm chí, có vài em nhỏ sức yếu, không sống nổi khi lên được bờ.
Xem thêm
Đường vòng - Truyện ngắn
Nguồn: Để sống bình yên – tác giả Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Phụ nữ
Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm
Đòi nợ - Truyện ngắn Kim Uyên
Phàm ngồi kiểm đi kiểm lại mấy lượt vẫn thấy thiếu tiền. Ngày hôm nay gã bán hết ba mươi ba con vịt nướng, mười bảy con vịt luộc, hai thúng bún, hai kí măng khô cùng nhiều đồ gia vị. Hết hàng là có lãi, vậy mà không một đồng lời, thậm chí còn hụt vốn.
Xem thêm
Chạy - Truyện ngắn Ngô Thị Thu An
“Chạy đi đâu đó một thời gian đi”. Anh bạn thân là bác sĩ khuyên tôi. “Em cần có thời gian để hồi phục nhiều thứ. Cuộc sống bào mòn em quá mức. Không ai có thể giúp em tốt hơn chính em”. Chạy đi đâu? Chạy như thế nào? Trong sự mệt mỏi và ngừng trệ của cả thể xác và tinh thần, những lời khuyên cứ trượt qua tôi, lùng nhùng như trong một mớ sương mù dày đặc vào một buổi sáng lập đông.
Xem thêm
Đêm của âm nhạc
Trích tiểu thuyết “My Antonia” của Willa CatherWilla Sibert Cather (1873 – 1947) là một nhà văn người Mĩ nổi tiếng rộng rãi với những tiểu thuyết viết về vùng biên giới cao nguyên rộng lớn ở miền trung Bắc Mĩ. Bà được coi là một trong những người chép sử biên niên tài năng nhất về cuộc sống của những người tiên phong khai hoang của thế kỉ 20. Tác phẩm hay nhất của bà là My Ántonia (1918). Nguồn: online-literature.com
Xem thêm
Lỗ thủng nhân cách
“Con vua không biết làm vua/ Con sãi ở chùa hỗn chúa lấn ngôi”
Xem thêm
Nhạt - Truyện ngắn Phan Duy
Một xã hội ê chề hiện ra sờ sờ trước mặt như một thằng câm khát khao được nói dù biết chắc là không thể, biết bao cay tủi bổ vào cuộc đời này một cách vô cảm. Thật ra, bản thân nó cũng từng tự lọc mình ra khỏi cái nhiễu nhương sậm màu bi đát.
Xem thêm