TIN TỨC

Á Nam Trần Tuấn Khải - Tấm gương về nhân cách người cầm bút

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2021-08-22 19:03:53
mail facebook google pos stwis
3620 lượt xem

Bài viết: LÂM HÀ - Ảnh:  BÍCH NGÂN
 

Nhà thơ Xuân Diệu viết rằng “Tôi đã đọc không dưới hai mươi lần các tác phẩm của Á Nam Trần Tuấn Khải. Đọc như vậy, chắt lọc như vậy, hiểu thêm được một thi sĩ Á Nam, tôi cảm nhận thấy như tôi thêm thông minh, thêm thấu tận những nhân tình”. Nội dung của “phần thông minh thêm ra” thì mỗi người đọc tác phẩm của cụ Á Nam sẽ tự mình cảm nhận dù có thể không viết ra.

Cụ Trần Tuấn Khải tạ thế khi tôi còn là một thiếu niên 15 tuổi. Tôi hầu như không biết gì về cụ dù vẫn đọc thấy tên cụ trên xuất xứ những tác phẩm văn học như Thủy Hử, Hồng Lâu Mộng, vẫn nghe thấy nhắc đến tên cụ trong các cuộc trò chuyện, hội thảo về các hoạt động của Lực lượng Bảo vệ Văn hóa Dân tộc thời chiến tranh thống nhất. Khi có điều kiện tiếp cận cùng cuộc sống và sự nghiệp của cụ, tôi thấy mình đang lạc giữa một đại dương những tác phẩm văn học nghệ thuật trong dòng chảy tranh đấu cho độc lập dân tộc và thống nhất nước nhà. Ở mỗi góc nhìn tương ứng với vị trí của mình và hoàn cảnh tiếp cận với cụ Á Nam, các bậc cao niên trưởng thượng đã tôn vinh cụ như một tượng đài của lòng yêu nước với sự đa tài trên nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật. Tôi là kẻ hậu sinh, chỉ biết lọc lấy cho mình từ những gì cụ Á Nam để lại. Vẫn biết giày để lại dấu nhưng dấu giày không phải là giày, chỉ để lại tầm vóc, hướng đi và hành trình đã qua trong tâm não người quan sát.

Xuyên suốt hành trình hoạt động của mình, cụ Á Nam đã giữ tròn vẹn khí tiết của một nhân sĩ, một trí thức, nghĩa là Sống Đúng Với Những Gì Tạo Nên Mình. Là hậu duệ đời thứ 28 của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, cụ lớn lên cùng Nho học, Hán học và nuôi mộng xuất dương học tập cứu nước nhưng không lần nào thành công. Trớ trêu thay, cơ hội cuối cùng để ra nước ngoài nghiên cứu do chế độ cũ đề xuất lại bị chính cụ từ chối với lý do già yếu mà thực chất vì không muốn bị lợi dụng tên tuổi. Cụ đã đem tâm hồn mình hòa vào nhịp sống quê hương, nói lên bao nỗi vui buồn của một dân tộc đang khắc khoải từng ngày tranh đấu giành độc lập. Nhân dân chính là cái chỗ rộng rãi trong thiên hạ mà cụ chọn để đứng, sáng tác cho mục tiêu khai mở dân trí cho mục đích giành độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà. Và từ tâm trạng của Nguyễn Phi Khanh, của Trưng Trắc, Hưng Đạo Vương, của người đưa tiễn nhớ mong anh Khóa xuất dương… trong lời thơ, lời thoại, lời ca do cụ sáng tác mà hình thành lớp lớp chiến sĩ cộng sản, trí thức cách mạng như ghi nhận của Nhà Cách mạng Trần Văn Giàu “Tôi không biết nhiều về cụ, nhưng lại thuộc thơ cụ, thơ yêu nước thế kỷ XX. Thuộc vì đọc thuộc thơ, vì thầy giáo truyền lại cho học trò, cha anh truyền lại cho con cháu. Nhớ thuở chúng tôi còn là học trò, khi chưa có Đảng Cộng sản mạnh để tuyên truyền, khi chưa có đảng viên giác ngộ, chính thơ Á Nam làm sứ mạng tuyên truyền lòng yêu nước, chủ nghĩa yêu nước, từ đó dần dần giác ngộ cách mạng”. Khi nghe chất vấn về mục đích viết có phải là để hoạt động chính trị như các nhà văn nhà báo của giai đoạn 1930 -1945 không thì cụ đã thẳng thắn “Nếu hiểu dùng cây bút để gợi tình yêu nước nghĩa hợp quần, nỗi thiệt thòi của người dân bị trị, kích động lòng người và cổ động một lối chống đối…tiêu cực, cũng là một cách làm chính trị thì tôi làm chính trị rồi đó. Còn hiểu làm chính trị là vào đảng này, mặt trận nọ, múa may ở nghị trường, thì quả là tôi không làm chính trị”[1]. Vì chọn lối đi đó, cụ Á Nam cũng đã từ chối lời mời gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng từ Phạm Tuấn Tài, Nhượng Tống và Nguyễn Thái Học năm 1929 rằng:

Nước nhà gặp cơn nguy biến bị quân ngoại quốc đô hộ nay muốn khôi phục chủ quyền là một điều ai cũng mong muốn. Duy theo tôi thiển nghĩ muốn nổi lên cách mạng, tất trước phải rèn luyện tâm trí dân tâm cho được một dạ một lòng rồi mới phát động phong trào, nếu không thế mà vội vàng bạo động thì khó lòng làm được nên công mà không khéo lại cản ngăn mất con đường thi thố sau này. Bởi vậy theo tôi, tôi chưa dám vào Đảng, mà nên dùng thủ đoạn bất bạo động để ngấm ngầm thúc đẩy nhân tâm chờ ngày quật khởi, như thế có lẽ hay hơn. Tuy vậy nhưng nếu anh em nhiệt tâm thành lập, việc đó ai dám cản ngăn, và nếu khi có việc cần bàn hỏi, tôi quyết không dám chối từ”.

Cụ từ chối tham gia bạo động chứ không từ chối đấu tranh yêu nước. Bạo động của Quốc Dân Đảng thất bại, Á Nam lại viết sách Chơi Xuân Nhâm Thân thuật lại chi tiết những vụ Pháp bắt bớ, tàn sát, để phải bị bắt giam. Xác định con đường rèn luyện tâm trí dân tâm, cụ kiên trì vận động với thơ văn, ca trù, ca kịch sân khấu mà bộ ba bài hát về một Anh Khóa xuất dương đã trở thành mẫu mực của thơ ca dân gian yêu nước hiện đại Việt Nam[2] cũng như cảnh báo rằng việc dựa vào Nhật để đòi Pháp trả độc lập cho nước nhà như một số vị thức giả bấy giờ trông đợi chỉ là “đuổi hùm cửa trước rước sói cửa sau”[3]. Cụ từ chối tham gia nghị trường của chính quyền thuộc địa Pháp, từ chối luôn chính phủ thân Nhật mà cũng từ chối nốt sự mời gọi tham gia chính trường của thành phần Việt Nam Quốc Dân Đảng năm 1945. Và khi bị sở Liêm phóng Bắc Bộ của Việt Minh cáo buộc chính trị về hai nội dung “1. Bán mình cho Pháp và Nhật trước Cách Mạng Tháng Tám 1945 (?) 2. Liên lạc mật thiết với Quốc Dân Đảng cho âm mưu ám sát Hồ Chủ Tịch(!)” Cụ đã cười mà đáp “1. Bán thì phải có tiền và chức tước, nay vẫn nghèo thì có lẽ bán chịu hay sao? 2. Việc quen với Quốc dân đảng thì có, còn việc đảng ấy mưu gì thì đó đâu phải việc nhỏ mà họ tiết lộ chi tiết. Theo tôi biết thì Quốc dân đảng không có người nào đủ cơ mưu và can đảm để làm việc tầy trời như vậy”. Sống trung thực với bản thân, vẹn tròn tâm niệm “Cùng tắc độc thiện kỳ thân, Đạt tắc kiêm thiện thiên hạ”[4], cụ xem lợi ích quốc gia dân tộc qua việc khai tâm dân trí là mục tiêu tối thượng nên quyết không biến mình thành “cây đàn muôn điệu” tùy nơi tay gẫy của chính quyền, chọn phương thức đấu tranh bất bạo động nhưng cụ luôn hành động. Không phải ngẫu nhiên mà trong cuộc chiến tranh chống can thiệp Mỹ và thống nhất Việt Nam (1954 -1975), cái tên Á Nam Trần Tuấn Khải xuất hiện thường xuyên trên diễn đàn công luận Sài Gòn ở vị trí Chủ tịch Danh dự của Lực lượng Bảo vệ Văn hóa Dân tộc. Chữ ký của cụ từng xuất hiện trong Bản Kiến nghị yêu cầu hai miền Nam Bắc ngừng bắn lập lại hòa bình cho đất nước năm 1964 lại xuất hiện trong văn bản yêu cầu  chính quyền Việt Nam Cộng hòa trực tiếp hiệp thương với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam nhằm vãn hồi hòa bình năm 1966 để rồi đồng thời cái tên Á Nam Trần Tuấn Khải lọt vào hồ sơ của Nha Cảnh sát Đô thành Sài Gòn với nghi vấn về quan hệ với Việt Cộng. Tiếc thay, chứng cứ trực tiếp để đi đến kết luận ấy lại chỉ có thể là bài thơ Chó Nhai Xương Chó do cụ sáng tác năm 1967. Ai đọc cũng thừa hiểu là chuyện tranh giành lợi ích giữa Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia Nguyễn Văn Thiệu với Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương Nguyễn Cao Kỳ nhưng thực chất thì… vẫn chỉ là chó (hiểu nghĩa đen hay nghĩa bóng gì cũng đúng cả). Có lẽ đòn bất ngờ choáng váng nhất với chính quyền Sài Gòn chính là ngày 10 tháng Sáu 1969, tuyên bố Chương trình hành động 12 điểm của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, điều 8 đã nói về nhiệm vụ bài trừ văn hóa đồi trụy kiểu Mỹ, xây dựng văn hóa dân tộc, dân chủ với nội dung trùng khớp với cương lĩnh của Lực lượng Bảo vệ Văn hóa Dân tộc khi cụ Á Nam làm chủ tịch. Chia sẻ về điều này, Nữ sĩ Lan Hinh nhũ danh Trần Thị Lan - con gái của cụ Á Nam vẫn cười khó hiểu “Tôi không biết thầy tôi làm việc cho chính quyền này khi nào, nên rất ngỡ ngàng khi nghe tin thầy được đặt tên đường, được tôn vinh về giai đoạn hình thành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật thành phố…”. Có lẽ buộc lòng phải chia sẻ thêm rằng sau cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968, cơ sở của Đảng ủy Văn hóa Văn nghệ Khu Sài Gòn Gia Định đã bị vỡ, thì chính cụ Á Nam Trần Tuấn Khải đã sử dụng nơi làm việc của mình là Phòng Dịch thuật của Thư viện Gia Long (Thư viện Quốc gia chế độ cũ) để làm nơi họp mặt và trao đổi thông tin hoạt động[5] cho các cán bộ hoạt động nội thành. Có ai ngờ nhà nho cao niên đã ngoài bảy mươi lăm tuổi ấy lại dấn thân đến thế… Phải chăng đã là một sự đổi thay?

Tiếc rằng chẳng có sự đổi thay nào ở cụ Á Nam trên con đường đã chọn.

Chỉ có những bước dài hơn khi nhận ra đích đến dẫu khúc khuỷu quanh co nhưng thật chẳng còn xa, cũng như cuộc đấu tranh từ giành độc lập chuyển sang đòi thống nhất vẹn toàn lãnh thổ cũng vào hồi kết.

Năm 1914, Anh Khóa của cụ xuống tàu và 8 năm sau lời Hỏi Thăm Anh Khóa như sự phân vân về quyền độc lập, quyền tự quyết của dân tộc… Thì ở năm 1975, cả Việt Nam mừng Anh Khóa trở về khi chấm dứt cuộc chiến thống nhất nước nhà. Dân tộc Việt Nam đã thắng và hành trình làm chính trị bằng ngòi bút của cụ Á Nam đã tròn vẹn. Bài thơ Tám Mươi Tám Tuổi Tự Vịnh của cụ chính là niềm vui - niềm hãnh diện của một người yêu nước cầm bút, với sự thanh thản lạc quan trao gửi nhiệm vụ cho lớp kế thừa:

Ta nghĩ mình ta cũng nực cười,

Sống trong thanh bạch vẫn yên vui

Lấy câu trung nghĩa khuyên con cháu,

Mượn tiếng văn chương gọi giống nòi.

Nghĩa cả giang sơn ghi đáy dạ,

Chuyện đời danh lợi gác ngoài tai

Tám mươi tám tuổi xuân còn mãi,

Còn vững lòng son chẳng đổi dời.[6]

Triết lý sống “Cư thiên hạ chi quảng cư, lập thiên hạ chi chánh vị, hành thiên hạ chi đại đạo. Đắc chí dữ dân do chi, bất đắc chí độc hành kỳ đạo. Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất. Thử chi vị đại trượng phu”.「居天下之廣居,立天下之正位,行天下之大道。得志與民由之,不得志獨行其道。富貴不能淫,貧賤不能移,威武不能屈。此之謂大丈夫。」[7] đã được cụ thi hành trọn vẹn bằng cả cuộc đời sống và viết của mình. Và cụ đã khái quát:

“Đời không duyên nợ thà không sống

 Văn có non sông mới có hồn”.

Tôi là hậu bối, vì cái gì mà viết?

Nếu ngày kia tôi bỏ viết thì tất cũng vì cái lý do khiến tôi phải cầm viết, bởi hồn văn của tôi nằm trong đó.

Nên xin cúi đầu trước hồn văn của cụ!
 

(Bài viết được thực hiện dưới sự giúp đỡ của Nữ sĩ Lan Hinh - Nhũ danh Trần Thị Lan, con gái của cụ Á Nam Trần Tuấn Khải và Á Nam Lưu Niệm Đường tại TP Thủ Đức, TP.HCM).


[1] Trích bài phỏng vấn cụ Á Nam của Nhà báo Nguyễn Ngu Í (trang 446 quyển Kim Sinh Lụy - Á Nam Trần Tuấn Khải/ Tác phẩm & Tư liệu).

[2] Gồm 4 bài hát  Tiễn Chân Anh Khóa Xuống Tàu (1914), Mong Anh Khóa (1915), Gửi Thư Cho Anh Khóa ( 1922), Mừng Anh Khóa Về (1975)

[3] Bài thơ Chuyện Năm Châu (1938)

[4] Cùng thì tự tốt lấy ta, Đạt thì đem hạnh phúc cho thiên hạ.

[5] Hồi ức của Nhà báo Nguyễn Nguyên (được ghi lại trong trang 452 quyển Kim Sinh Lụy - Á Nam Trần Tuấn Khải / Tư liệu & Tác phẩm).

[6] Bài thơ cuối cùng trước khi tác giả từ trần

[7] (Ở cái chỗ rộng rãi trong thiên hạ (tức giữ lấy đức Nhân, vì đức đó dung nạp được thiên hạ), đứng ở chỗ chính đáng trong thiên hạ (tức giữ đức Lễ), đi theo con đường lớn trong thiên hạ (tức giữ đức Nghĩa). Lúc đắc chí thì cùng với dân hành đạo, lúc bất đắc chí thì riêng mình hành đạo. Cảnh phú quý không làm mình phóng túng, cảnh bần tiện không làm mình thay đổi tiết tháo, uy quyền võ lực không khuất phục được mình, như vậy là bậc Đại Trượng Phu).

Bài viết liên quan

Xem thêm
“Khắc đi… khắc đến” - Bước chân của một nghị lực phi thường
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 139, ngày 05/9/2024.
Xem thêm
Đặng Phúc Minh - Một tấm lòng phụng sự vì sự phát triển của cộng đồng
Nhà giáo, nhà thơ Đặng Phúc Minh là hội viên Hội Nhà văn Thành phố Cần Thơ, đã nghỉ hưu, nguyên là Phó Chủ tịch Hội khuyến học huyện Vĩnh Thạnh.
Xem thêm
Nhà thơ Hoàng Cầm – Mưa dần xanh lại lá diêu bông
Khi thực hiện bộ phim tài liệu chân dung Bên kia sông Đuống - cái nhìn về cuộc chiến tranh năm 2001 cũng là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với nhà thơ Hoàng Cầm tại căn nhà nhỏ của ông trên một con phố thủ đô Hà Nội. Tại sao lại chọn bài thơ Bên kia sông Đuống? Tôi cũng không rõ ai là người đầu tiên gợi ra tên phim từ một bài thơ của Hoàng Cầm, nhưng cái vế “cái nhìn về một cuộc chiến tranh” đã khiến anh em làm phim phải rất vất vả giải thích và bản thân tôi đã có được bài học sâu sắc cho riêng mình. Chẳng hiểu tại sao, đã bước sang thế kỷ mới, mà cái tên Hoàng Cầm và các tác phẩm của ông vẫn luôn phải chịu nhiều soi xét.
Xem thêm
Vị tướng của lòng dân
Bài viết của Trung tướng, PGS, TS NGUYỄN ĐỨC HẢI, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng - BQP
Xem thêm
Nhạc sĩ, nhà thơ Trương Tuyết Mai – Người tạo được “giang sơn” không cho riêng mình
Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai đã định vị trong lòng công chúng với nhiều ca khúc nổi tiếng. Và trong số đó, không ít ca khúc được chị phổ nhạc cho thơ. Thơ của chị, thơ của nhiều nhà thơ. Đam mê nghệ thuật của chị không giới hạn trong lĩnh vực âm nhạc mà được mở rộng sang lĩnh vực thi ca. Với 6 tập thơ đến với bạn đọc, nhạc sĩ Trương Tuyết Mai đã âm thầm, góp thêm cho đời sống văn chương những sáng tạo của mình để công chúng tham khảo, khám phá và cũng có thể hòa điệu tâm hồn.
Xem thêm
Việc nước chưa xong đầu đã bạc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần để lại cho mỗi người Việt Nam và cộng đồng quốc tế những cảm xúc khác nhau; trong tôi, đó là sự kính trọng và thương tiếc.
Xem thêm
Có một mái đầu tóc bạc - bài hát đầy yêu thương tự hào…
”Có một mái đầu bạc “, bài hát đầy yêu thương tự hào với nhà lãnh đạo được nhân dân vô cùng yêu quý: Đồng chí Nguyễn Phú Trọng.
Xem thêm
Có một ngôi sao sáng, một ngọn lửa đỏ rực không bao giờ tắt
Bài do tác giả gửi cho Văn chương TP Hồ Chí Minh
Xem thêm
Sáng mãi ánh Sao Khuê - Chùm thơ nhiều tác giả
Chùm thơ của Nguyễn Minh Tâm, Nguyên Hùng, Hồ Bá Thâm
Xem thêm
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến, với tôi là xà ngang, cột dọc
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến đã khá lâu không gặp. Dù công việc tôi đều theo tư cách đàn em, luôn hỏi anh. Nhớ ngày xưa, khi rất khó khăn, cần tiền đúng như mong “Bác Hồ hiện diện”, anh đã mời và bố trí tôi viết kịch bản phim truyện để có cần câu cơm mưu sinh khi làm ông bố. Cuộc mưu sinh đó cũng đã rất xa rồi. Hậu duệ của cuộc mưu sinh chắc chắn hoàn toàn không biết. Bạn ấy đã là chủ gia đình riêng nhỏ. Phạm Ngọc Tiến đã biết sợ không dám nhận thách đấu bia rượu thuồng luồng như ngày trước.
Xem thêm
Nhà thơ Văn Công Hùng với nhà thơ Hoàng Cát
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng cùng bài thơ ký họa chân dung Hoàng Cát thay vài nén nhang viếng vọng từ xa.
Xem thêm
Một nhà quản lý thép với trái tim ấm nồng Trần Quỳnh Hoa
 Tập truyện ký “Bông Mai Xanh kiêu hãnh” là một tác phẩm mới, khá cuốn hút của nhà văn Kiều Bích Hậu, xoay quanh nhân vật chính – Cử nhân Khánh Hương.
Xem thêm
Nhà báo, nhà văn, nhà văn hóa – tư tưởng Phan Khôi
Nhắc đến tiến trình vận động và phát triển của văn hóa, tư tưởng và báo chí Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX không ai có thể phủ nhận những đóng góp cũng như vai trò to lớn của một nhà báo, nhà văn và nhà văn hóa – tư tưởng xuất sắc Phan Khôi (1887-1959).
Xem thêm
Tác giả Phùng Hiệu: Nhà văn đi làm báo sẽ dễ hơn nhà báo đi viết văn
Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, nhà báo Phùng Hiệu đã chia sẻ những chiến lược và phương pháp độc đáo giúp duy trì sự cân bằng giữa công việc viết báo và sáng tác sách.
Xem thêm