TIN TỨC

Ám ảnh “Phút 89” của Minh Đan

Người đăng : vanchuong
Ngày đăng: 2021-11-05 10:17:33
mail facebook google pos stwis
2130 lượt xem

NGUYỄN TRỌNG TẠO

Phút 89 là phút áp chót trong trận bóng đá, đó là cái phút đầy kịch tính, có thể chuyển bại thành thắng, chuyển khóc thành cười, có thể làm thay đổi cả số phận của đội bóng lẫn người ghi bàn và người giữ gôn. Có lẽ với cái ý nghĩa đó, Minh Đan trong tập thơ này, muốn chia sẻ với bạn đọc sự lựa chọn khắc nghiệt của mình trước sự dồn đẩy của cảm xúc và lý trí.

Một sự lựa chọn đầy quyết liệt và nữ tính:

đã quên

quên tụt huyết say

đã say

say tụt những cay đắng vờ

đã ngoan

ngoan tưởng như mơ

đã mơ

mơ chín từng giờ ái ân.

(Phơi)

Lâu nay người ta vẫn cho rằng, phái đẹp là “phái yếu”. Đấy là người ta đề cao tính uyển chuyển, dịu dàng, thầm kín... của người phụ nữ. Người ta quên mất là phụ nữ đã có thời “mẫu hệ” hoàng kim trong lịch sử, và cũng không thiếu những “nữ tướng”, “nữ vương” làm rạng danh sông núi. Nhưng ở đây là sự quyết liệt của Nàng Thơ, mà không chỉ thơ tình, còn đầy ắp cả những mảng đời thế sự với một cá tính sáng tạo riêng.

Nói đến cá tính sáng tạo là nói đến cái tôi, cái bản ngã của nhà thơ. Viên Mai cho rằng “làm thơ không thể không có cái tôi” (tác thi bất khả dĩ vô ngã), “phàm là kẻ làm thơ, ai có thân phận nấy, nên mỗi người có nỗi lòng, suy nghĩ riêng” (phàm tác thi giả các hữu thân phận, diệc các hữu tâm não). Đó là một trong ba phương diện làm nên thuyết “Tính linh” (Tình-Tính-Tài) của chủ thể sáng tạo thơ ca.

Đọc Minh Đan, ta thấy một người tình ngộ nghĩnh:

Lưng em ngắn, anh bảo: siêng năng làm bếp

chân em thấp, anh nhủ: xinh như trái bắp

tay em tròn, anh hồn nhiên: cà pháo dậy thì

(Không thể đặt vòng)

Người nữ trong thơ chị luôn có một tình yêu bỏng cháy:

Nắng cong môi: ai đốt cháy cánh rừng già hơn ta?

những mầm xanh chẳng thể nào thiếu sáng

em nói: tình yêu của anh

thiêu nóng cánh rừng đàn bà mới lớn

(Quyền lực trái tim)

Hoặc:

Em mất hết kiêu hãnh dại khờ

ngã trong anh già nua thời tiết

những cơn lốc hóa tình yêu bất diệt

cuốn chúng mình vào không trung

(Bão tình)

Và chị khẳng định sức mạnh vô biên trong câu chuyện “yêu” của phái đẹp:

Dưới cánh đại bàng, em là ngọn gió

đẩy tình anh cao vút đỉnh trời

(Nếu không có ngày anh hôn em)

Mạnh là nước, nhưng mềm cũng là nước. Người đẹp thủy chung cũng nhiều lúc yếu mềm sau những cuồng si réo gọi:

Cô đơn em cuồng réo tên anh

vớt vát môi tình vừa kịp khép

(Tình ơi)

Ước gì mưa rớt đầy sông

buồn trôi theo nước tôi bồng vui đi...

(Lạc quan khâu lại những bồi hồi qua)

Có cái gì trắc ẩn, đa đoan trong những cuộc tình buồn vui tận đỉnh? Có cái gì thao thiết ngông cuồng của một kẻ khát yêu khát sống cho tình yêu như mong muốn? Dường như Minh Đan đôi lúc cởi bỏ cả khuôn khổ ngôn ngữ để nói thật lòng mình...

Em đàn bà từ anh - thường trực

những khát khao không thể đặt vòng.

(Không thể đặt vòng)

Tôi khá bất ngờ khi thấy thơ chị gần đây lại hướng vào thế sự với một tư cách nữ công dân của một dân tộc chịu quá nhiều đắng cay trong lịch sử chiến tranh và thù hận. Nhiều nghịch lý xuất hiện trong thơ Minh Đan khi chị nhận ra "chìa khóa lương tâm tráo trở", "giữa cuộc người trao đổi bán buôn/ niềm vui nhỏ dễ gì ai thanh lý". Và chị tuyên ngôn về việc viết thơ:

những con chữ thay thế giấc mơ

những con chữ nằm nghe nhịp sống

những con chữ không lẩn trốn

những con chữ biết trở mình giữa chốn lao xao

(Điều kỳ lạ)

Với tinh thần "những con chữ không lẩn trốn", Minh Đan hướng ngòi bút vào những "lương tâm tráo trở", tha hóa đang ngày càng xuất hiện nhiều trong xã hội hiện thời:

Sáng nay con mắt đói hớ hênh dòng tin vắn

thông báo điều không lạ, không mới, không khẩu hiệu

"thủ trưởng làm việc trên… giường"

(Đi qua cơn đói)

Và thơ chị nhói đau trong câu chuyện nóng hổi về chủ quyền lãnh thổ của dân tộc mình:

Rào đường lưỡi bò chắn ngang cột mốc

bứng lấy chén cơm đời tôi khó nhọc...

(Gã hàng xóm xấu tính)

Đường lưỡi bò ngang nhiên quấy nhiễu

ta lặng im hay giả vờ thua?

(Điều kỳ lạ)

Những câu hỏi như xoắn lấy thơ chị, như găm vào thơ chị, tạo nên những giấc mơ nghẹn nấc:

Đêm nằm mơ thấy Bao Chửng khóc

áo hoàng bào bầm dập đòn roi

nỗi đau như xé đất trời

trảm sao hết những người xu nịnh.

Với cá tính sáng tạo của mình, Minh Đan đã làm hiện lên cái tình sâu thẳm của người thơ. Đó là tình yêu người tình và tình yêu dân nước da diết khôn nguôi.

Đọc "Phút 89" của Minh Đan, ta thấy thơ chị đang thoát ra khỏi những khuôn khổ chật hẹp để vươn tới cái cao cả của thi ca. Chị cũng loại bỏ dần những thô kệch chữ nghĩa để tìm đến sự tinh tế của tâm hồn nữ tính. Thơ là tình, là tính, nhưng thơ cũng là dụng công của sự học rộng hiểu sâu. Chính vì vậy, thơ chị cũng là giãi bày, chia sẻ với những tâm hồn đồng điệu.

Gấp lại tập thơ này, tôi cứ ám ảnh mãi bài thơ “Đôi khi” của Minh Đan – như một giới hạn đầy thân phận của người thơ:

Đôi khi muốn cháy rất nhiều

bỗng dưng tắt

nghẹn những kiêu hãnh rời

đôi khi muốn bật lửa trời

hong khô sợi nhớ

khát vời vợi xa

đôi khi muốn đốt thật thà

gom tro ủ những phôi pha vắn dài

đôi khi muốn cưỡi lưng mây

phi thân đọt nắng vỡ ngày vừa nhen...

Vâng, đôi khi muốn đốt cả thật thà để làm sáng lên một sự thật thiêng liêng. Đó là hai chữ “Sự Thật” viết hoa mà Minh Đan luôn hướng tới, dù ở cái phút áp chót của lựa chọn: Phút 89.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tìm hiểu lý luận phê bình văn học miền nam 1954-1975
Đọc chuyên luận Lý luận - Phê bình văn học miền Nam 1954-1975: Tiếp nhận & Ứng dụng của PGS.TS Trần Hoài Anh
Xem thêm
PGS.TS Ngô Minh Oanh - phu chữ âm thầm
Bài viết của nhà thơ Ngô Đức Hành
Xem thêm
Đinh Nho Tuấn, trao em một mảnh vô thường
Ngô Đức Hành đọc tập thơ “Năm ngón chưa đặt tên”, NXB Hội Nhà văn năm 2024 của nhà thơ Đinh Nho Tuấn
Xem thêm
Miên man Xuân Lợi
(Đọc tập thơ Nghiêng phía miên man của Xuân Lợi, NXB Hội Nhà Văn, 2024)
Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm