TIN TỨC

Chính Hữu – Nhà thơ của các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-01-07 16:08:48
mail facebook google pos stwis
874 lượt xem

PHẠM KIM THANH

Với bài thơ Đồng chí (1948), nhà thơ Chính Hữu đã tạo một dấu ấn sâu sắc về vẻ đẹp bình dị mà cao cả của người chiến sĩ trong kháng chiến chống Pháp. Sau này, Ngọn đèn đứng gác cũng là tuyệt bút ông sáng tác khi thanh niên cả nước đang trẩy quân vào chiến trường giải phóng miền Nam và được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc, càng có sức lay động lớn trong tâm hồn mỗi người…Ngày ấy, ít ai biết bài thơ Ngày về được ông sáng tác năm 1947 và nhạc sĩ Lương Ngọc Trác phổ nhạc ngay sau đó, là tiếng lòng của các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô anh dũng.

Năm 2006, kỷ niệm 60 năm Toàn quốc kháng chiến, lần đầu tiên, tôi được nghe các cựu chiến binh – những chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô năm xưa, huân huy chương lấp lánh trên ngực ca vang bài hát Ngày về tại Nhà văn hóa Thông tin thành phố. Nhạc sĩ Lương Ngọc Trác hứng khởi hát cùng đồng đội. Âm hưởng vừa hào hùng vừa bi tráng của bài hát cuốn tôi vào không khí hào sảng của các chiến sĩ đã từng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Thật tiếc là nhà thơ Chính Hữu, tác giả của bài thơ Ngày về lúc đó đang phải chiến đấu níu giữ lại cuộc sống trên giường bệnh.

Khi tôi tìm đến ông để viết bài thì ông đã về cõi vĩnh hằng mùa đông năm 2007, để lại bao tiếc thương cho đồng đội và để lại  cho đời những bài thơ rất hàm súc, kiệm lời mà lấp lánh mãi trong lòng độc giả yêu thơ.

Nhà thơ Chính Hữu, tên thật là Trần Đình Đắc, quê gốc ở Can Lộc (nay là huyện Lộc Hà), tỉnh Hà Tĩnh. Ông chào đời ở Vinh năm 1926 và gắn bó với Hà Thành khi học trường Văn Lang ở phố Lý Quốc Sư. Đỗ Tú tài phần thứ nhất, ông tiếp tục học trường Luis Paxtơ, lấy bằng Tú tài toàn phần. Đó cũng là lúc ông được tuyên truyền và tham gia Dân chủ Đảng. Sau khi tốt nghiệp, theo lời khuyên của cha, ông vào Vinh, nơi cha ông làm việc, để tuyên truyền đường lối cách mạng của Việt Minh và tham gia khởi nghĩa. Sau đó, ông là Bí thư Thanh niên Cứu quốc thành phố Vinh.

Những ngày Hà Nội sôi sục chuẩn bị kháng chiến, ông được trở lại Hà thành, cùng anh em củng cố đại đội tự vệ Hàng Gai thuộc khu Đông Thành của Liên khu I. Nhưng rồi khả năng văn chương của chàng thư sinh đã lọt vào “tầm ngắm” của ông Hoàng Đức Nghi mà anh em ngày ấy gọi thân mật là Nghi “gù”, “duyệt” ngay ông vào Ban Tuyên truyền, làm tờ báo Chiến thắng của Liên khu I. Tờ báo chỉ nhỏ bằng tờ giấy A4 bây giờ, nhưng lại thật sự là người bạn của cán bộ chiến sĩ, nó thôi thúc các chiến sĩ gìn giữ, giành lại từng ngôi nhà, góc phố… Những ai đã quyết tử với quân thù cho đến ngày 17.2.1947 sẽ không bao giờ quên, trong đội hình lui quân, tiểu đoàn 103 đi sau cùng có nhiệm vụ đốt lửa để nghi binh quân địch. Ký ức ấy sống dậy trong ông những ngày Trung đoàn Thủ đô đóng quân ở Đại Từ: “Nhớ biết bao những mái nhà hoang/ Bức tường đổ điêu tàn ta từng trấn giữ/ Đêm ta ra đi đất trời bốc lửa/ Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng”. Đó là thơ kết tinh những lời gan ruột của người cán bộ đại đội Trung đoàn Thủ đô đã trải qua 60 ngày chiến đấu trong vòng vây của kẻ thù, để có những âu bi hùng rung động hồn người đến thế!

Bài thơ đã đi vào trái tim những người con Hà Nội đang xa nhà, xa phố phường thân yêu. Nhạc sĩ Lương Ngọc Trác đã  từng là chiến sĩ của đại đội Hàng Gai kể: “Ra hậu phương, tôi mới gặp anh Chính Hữu. Anh ấy sáng tác bài thơ khi Trung đoàn Thủ đô đang ở Đại Từ (Thái Nguyên). Đói, rét, thiếu thốn từ bát cơm, manh áo. Bài thơ gợi lại trong chúng tôi những ngày máu lửa oanh liệt trên từng đường phố thân yêu, giúp chúng tôi khuây quên thiếu thốn. Giữa năm 1947, tôi phổ nhạc và sau đó, tôi thường vừa đàn ac-cooc-đê-ông vừa hát. Đôi khi, tôi song ca với ca sĩ Trần Chất trong những dịp tổ chức văn hóa – văn nghệ của Trung đoàn”.

Năm 1948, độc giả biết đến Chính Hữu với bài thơ Đồng chí, và cho đến nay, vẫn là một trong số những bài thơ hay nhất viết về người lính thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp. Một lần nữa, ông đã cho thấm vào tác phẩm cái hồn của phố phường Hà Nội để có những câu thơ xuất thần “Mái buồn nghe sấu rụng“. Đó là thời gian các văn nghệ sĩ sáng tác phục vụ cho chủ trương “Chuẩn bị Tổng phản công, tiến về giải phóng Thủ đô”: Nguyễn Đình Thi có bài thơ Hà Nội đêm nay, Văn Cao có bài hát Tiến về Hà Nội. Nhưng ông đã tạo được nét thơ riêng của mình với cảm xúc dồn nén mà vẫn đẹp trong hình tượng thơ. Sau này, ông tâm sự với bạn đọc: “Tôi thích những câu thơ hàm súc, nói rất ít nhưng gợi rất nhiều những ý tưởng… Tôi tự xác định mình chỉ nên là một người làm thơ nghiệp dư, để có thể  chỉ viết những điều nội tâm mình thôi thúc phải viết!”.


Nhà thơ Chính Hữu và bài thơ “Ngày về” sáng tác năm 1947

Những năm chống Mỹ, Chính Hữu lại xuất thần với chùm thơ, trong đó nổi bật là bài thơ Ngọn đèn đứng gác, in đậm dấu ấn trong lòng bạn đọc. Hồn thơ của ông vẫn chung thủy với mạch nguồn kỷ niệm về đồng chí, đồng đội Trung đoàn Thủ đô. Trò chuyện với tôi trong buổi chiều đông cuối năm, bà Nguyễn Thị Xuân Lịch, vợ nhà thơ cho biết: “Cuốn  nhật ký của Chính Hữu đã giúp nhà văn Nguyễn Huy Tưởng tìm hiểu thực tế chiến đấu của Trung đoàn với những cán bộ có tài như Vũ Yên, Vũ Lăng, Siêu Hải, Hoàng Phương và xây dựng nhân vật Loan trong tác phẩm Sống mãi với Thủ đô. Với việc sáng tác thơ, ông không bao giờ vội vàng công bố mà thường chỉnh sửa rất lâu cho hoàn thiện, khi nào thật vừa ý mới cho đăng”.

Ông về cõi vĩnh hằng với tâm thế thanh thản của người đã dâng hiến hết mình cho sự nghiệp văn học nghệ thuật và thống nhất đất nước. Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt hai), năm 2000 cho tác phẩm Đầu súng trăng treo, Huân chương Độc lập hạng Nhì của Đảng và Nhà nước trao tặng là phần thưởng cao quý cho nhà thơ. Một phần thưởng vô giá nữa là độc giả không bao giờ quên thơ ông. Mỗi dịp kỷ niệm ngày Hà Nội mở đầu Toàn quốc kháng chiến, mọi người lại đọc và hát “Ngày về”, đầy hào sảng, để nhớ về những tháng ngày chiến đấu trong lòng thành phố anh hùng.

 Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia



Bài viết liên quan

Xem thêm
“Khắc đi… khắc đến” - Bước chân của một nghị lực phi thường
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 139, ngày 05/9/2024.
Xem thêm
Đặng Phúc Minh - Một tấm lòng phụng sự vì sự phát triển của cộng đồng
Nhà giáo, nhà thơ Đặng Phúc Minh là hội viên Hội Nhà văn Thành phố Cần Thơ, đã nghỉ hưu, nguyên là Phó Chủ tịch Hội khuyến học huyện Vĩnh Thạnh.
Xem thêm
Nhà thơ Hoàng Cầm – Mưa dần xanh lại lá diêu bông
Khi thực hiện bộ phim tài liệu chân dung Bên kia sông Đuống - cái nhìn về cuộc chiến tranh năm 2001 cũng là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với nhà thơ Hoàng Cầm tại căn nhà nhỏ của ông trên một con phố thủ đô Hà Nội. Tại sao lại chọn bài thơ Bên kia sông Đuống? Tôi cũng không rõ ai là người đầu tiên gợi ra tên phim từ một bài thơ của Hoàng Cầm, nhưng cái vế “cái nhìn về một cuộc chiến tranh” đã khiến anh em làm phim phải rất vất vả giải thích và bản thân tôi đã có được bài học sâu sắc cho riêng mình. Chẳng hiểu tại sao, đã bước sang thế kỷ mới, mà cái tên Hoàng Cầm và các tác phẩm của ông vẫn luôn phải chịu nhiều soi xét.
Xem thêm
Vị tướng của lòng dân
Bài viết của Trung tướng, PGS, TS NGUYỄN ĐỨC HẢI, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng - BQP
Xem thêm
Nhạc sĩ, nhà thơ Trương Tuyết Mai – Người tạo được “giang sơn” không cho riêng mình
Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai đã định vị trong lòng công chúng với nhiều ca khúc nổi tiếng. Và trong số đó, không ít ca khúc được chị phổ nhạc cho thơ. Thơ của chị, thơ của nhiều nhà thơ. Đam mê nghệ thuật của chị không giới hạn trong lĩnh vực âm nhạc mà được mở rộng sang lĩnh vực thi ca. Với 6 tập thơ đến với bạn đọc, nhạc sĩ Trương Tuyết Mai đã âm thầm, góp thêm cho đời sống văn chương những sáng tạo của mình để công chúng tham khảo, khám phá và cũng có thể hòa điệu tâm hồn.
Xem thêm
Việc nước chưa xong đầu đã bạc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần để lại cho mỗi người Việt Nam và cộng đồng quốc tế những cảm xúc khác nhau; trong tôi, đó là sự kính trọng và thương tiếc.
Xem thêm
Có một mái đầu tóc bạc - bài hát đầy yêu thương tự hào…
”Có một mái đầu bạc “, bài hát đầy yêu thương tự hào với nhà lãnh đạo được nhân dân vô cùng yêu quý: Đồng chí Nguyễn Phú Trọng.
Xem thêm
Có một ngôi sao sáng, một ngọn lửa đỏ rực không bao giờ tắt
Bài do tác giả gửi cho Văn chương TP Hồ Chí Minh
Xem thêm
Sáng mãi ánh Sao Khuê - Chùm thơ nhiều tác giả
Chùm thơ của Nguyễn Minh Tâm, Nguyên Hùng, Hồ Bá Thâm
Xem thêm
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến, với tôi là xà ngang, cột dọc
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến đã khá lâu không gặp. Dù công việc tôi đều theo tư cách đàn em, luôn hỏi anh. Nhớ ngày xưa, khi rất khó khăn, cần tiền đúng như mong “Bác Hồ hiện diện”, anh đã mời và bố trí tôi viết kịch bản phim truyện để có cần câu cơm mưu sinh khi làm ông bố. Cuộc mưu sinh đó cũng đã rất xa rồi. Hậu duệ của cuộc mưu sinh chắc chắn hoàn toàn không biết. Bạn ấy đã là chủ gia đình riêng nhỏ. Phạm Ngọc Tiến đã biết sợ không dám nhận thách đấu bia rượu thuồng luồng như ngày trước.
Xem thêm
Nhà thơ Văn Công Hùng với nhà thơ Hoàng Cát
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng cùng bài thơ ký họa chân dung Hoàng Cát thay vài nén nhang viếng vọng từ xa.
Xem thêm
Một nhà quản lý thép với trái tim ấm nồng Trần Quỳnh Hoa
 Tập truyện ký “Bông Mai Xanh kiêu hãnh” là một tác phẩm mới, khá cuốn hút của nhà văn Kiều Bích Hậu, xoay quanh nhân vật chính – Cử nhân Khánh Hương.
Xem thêm
Nhà báo, nhà văn, nhà văn hóa – tư tưởng Phan Khôi
Nhắc đến tiến trình vận động và phát triển của văn hóa, tư tưởng và báo chí Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX không ai có thể phủ nhận những đóng góp cũng như vai trò to lớn của một nhà báo, nhà văn và nhà văn hóa – tư tưởng xuất sắc Phan Khôi (1887-1959).
Xem thêm
Tác giả Phùng Hiệu: Nhà văn đi làm báo sẽ dễ hơn nhà báo đi viết văn
Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, nhà báo Phùng Hiệu đã chia sẻ những chiến lược và phương pháp độc đáo giúp duy trì sự cân bằng giữa công việc viết báo và sáng tác sách.
Xem thêm