TIN TỨC

Những chuyện “trên đường”...

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-05-23 21:05:09
mail facebook google pos stwis
891 lượt xem

VĂN CÔNG HÙNG

Nước ta, trừ những ngày “chạy dịch” Covid mấy năm trước, giờ đã thành dĩ vãng kinh hoàng, còn lại thì mỗi năm định kỳ mấy lần ồ ạt các thành phần chen vai thích cánh trên đường để về nhà hoặc đi chơi. Đó là các dịp tết cổ truyền, hoặc những dịp nghỉ lễ Thống nhất đất nước 30/4 liền kề Ngày quốc tế lao động 1/5 và dịp Quốc khánh 2/9…

Tôi ít khi tham gia vào các cuộc “xuống đường” trong các dịp trên đây, nếu có thì cũng trừ những ngay cao điểm ra, bởi rất hãi cảnh kẹt tàu xe, ăn chực nằm chờ trên đường. Trước đây, khi mẹ còn tại thế, mỗi dịp Tết gia đình tôi lại về Huế ăn tết với mẹ. Hồi ấy tôi chưa có ô tô nên chỉ duy nhất một phương tiện là xe đò. Những chuyến xe chạy “thả”, tức là một chiều thì kín khách, chạy xuyên đêm. Sáng đổ khách xuống thì chạy “thả”, tức là chạy không có khách, chạy quay lại để đón khách mới. Sau tết thì lại chạy “thả” ngược lại. Nên cứ tết là nhà xe tăng vé cũng có cái lý của họ.

Mấy ngày nghỉ lễ 30/4 năm nay tôi “xuống đường”, ôm vô lăng, ngược chiều dòng người từ Sài Gòn đổ lên Kon Tum, còn tôi thì từ Pleiku sang Đăk Lăk. Cũng chả phải đi du lịch như mọi người, mà là có một cái đám cưới bên Buôn Ma Thuột. “Xuống đường” vào những ngày cao điểm ấy, mới thấy cái nhu cầu tràn ra đường để đi trong mấy ngày nghỉ lễ là rất lớn. Đa phần là đi chơi. Xe các tỉnh phía Nam ùn ùn lên đường Hồ Chí Minh vào các tỉnh Tây Nguyên. Tôi ở Pleiku, sang Buôn Ma Thuột, tức là tỉnh bắc Tây Nguyên xuôi nam, mà xe vẫn ngược chiều rất nhiều, họ hướng lên Măng Đen của tỉnh Kon Tum, một “ngôi sao du lịch” mới nổi…

Sang Buôn Ma Thuột, bắt đầu tới địa phận tỉnh, ta hay gặp những cái xe bò rất chậm trên đường, những đoạn có vạch liền. Cánh tài xế rỉ tai nhau, cứ nhẫn nại mà bò phía sau, chớ dại nóng ruột mà vượt lên. Vượt là dính vạch liền. Và phía trước luôn luôn có người chờ với cái điện thoại trên tay, tuýt vào, ảnh xe vượt dính vạch liền hoặc vượt tốc độ. Hết cãi nhé! Trên nhiều group hay facebook cá nhân nhiều người viết, đặc sản của Đăk Lăk là... cảnh sát giao thông?

Có 2 vấn đề nóng liên quan tới việc di chuyển trên đường, không chỉ liên quan tới cánh tài xế mà còn tới nhiều người khác. Trước hết là việc siết chặt kiểm tra nồng độ cồn. Đây là việc làm rất đúng, rất hợp cả lý và tình, nhân dân rất ủng hộ. Tuy thế việc yêu cầu trong máu luôn phải trong veo không có tí nồng độ nào có vẻ như hơi khắt khe. Nhiều người cẩn thận uống từ chiều hôm trước, sáng sau thử thì... vẫn có. Trong thực tế thì, trừ một vài trường hợp cá biệt, còn lại thì nhậu xong, ngủ một giấc khoảng 4 tiếng đồng hồ là đã tỉnh lại, sau khoảng 6 tiếng là coi như... chưa uống. Thời kỳ đầu, nhiều người còn không dám ăn trái cây, sợ nó lên men trong dạ dày rồi hiện nồng độ cồn khi kiểm tra. Mới đây, ý kiến phát biểu của chủ tịch tỉnh Bạc Liêu tại một hội nghị đã làm dậy sóng dư luận khi ông cho rằng, cần nới lỏng một số quy định để thu hút khách du lịch tới Bạc Liêu, chứ nếu căng quá họ xuống Cà Mau hết. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị lực lượng công an, văn hóa... phải xem lại, hạn chế việc giới hạn giờ buôn bán, vui chơi của người dân và du khách trước 11 giờ đêm. Ông nhắn nhủ lực lượng Cảnh sát giao thông dừng việc canh bắt khách đi nhậu tại các quán. Ông cho rằng, cần phải tuyên truyền, giáo dục ý thức chứ việc canh người vi phạm để phạt không giải quyết được cái gốc của vấn đề... Vui nhất là sau đấy, rất nhiều chủ các nhà hàng, giám đốc các cơ sở kinh doanh du lịch ở thành phố Bạc Liêu đã viết thư tập thể cám ơn ông. Nhìn cái thư cám ơn với các chữ ký phía dưới kiểu như “Thiên Lý quán Lê Kim Ngân”, “Khô Dũng Bạc Liêu”, “Cá lóc nướng sả 52”, “Quảng trường quán”... mà xúc động. Cái gì gần dân, có lợi cho dân, mà không ảnh hưởng tới xã hội lắm thì đều được dân ủng hộ và cám ơn. Có những lá thư viết như thế này: “Mặc dù có những ý kiến trái chiều về lời phát biểu của Chủ tịch tỉnh, tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng, những ý kiến đó là chưa thấu hiểu được hoàn cảnh của ngành dịch vụ ăn uống, karaoke, khách sạn… Chúng tôi phải nuôi cả nghìn lao động, chúng tôi phải có nghĩa vụ nộp thuế, nghĩa vụ lo đời sống nhân viên…”. Có những lá thư “rào đón” rất kín kẽ: “Chúng tôi không muốn chỉ trích bất cứ ngành nào, lĩnh vực nào… Ở đây chúng tôi chỉ muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến ông Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu đã thấu hiểu, cảm thông với công việc làm ăn của chúng tôi. Và chúng tôi cũng muốn nói lên những khó khăn mà chúng tôi đang vướng phải...”. Nghe những lời như thế thì thấy bà con cũng rất thấu hiểu và chia sẻ với công việc của các ngành chức năng; cũng như rất trân trọng sự thấu hiểu và chia sẻ của lãnh đạo đối với cuộc sống của người dân…

Việc thứ hai cũng liên quan tới “trên đường” là hoạt động kiểm định xe. Năm nay ít kẹt xe, có khi vì một yếu tố liên quan nữa là do hoạt động kiểm định xe đang bị.. dồn ứ. Nhiều xe tới hạn kiểm định nhưng chưa kiểm định được, bèn nằm ở nhà thay vì chạy liều để chịu phạt. Ra nông nỗi cơ sự này là do “cơn bão” các trung tâm kiểm định bị điều tra, cán bộ và nhân viên bị bắt, bị tạm dừng công tác rất nhiều. Mà chả cứ trung tâm đăng kiểm, ngay tới cục đăng kiểm cũng bị, nguyên cục trưởng cục đăng kiểm và các thuộc cấp bị bắt. Rồi không chỉ đăng kiểm đường bộ mà cả tới đường thủy cũng dính chàm, cũng bị bắt. Té ra lâu nay đây là chỗ làm ăn gian dối, chuyên nhận hối lộ để xe, tàu không đủ tiêu chuẩn lưu thông, một trong những nguyên nhân để tai nạn giao thông ở nước ta rất cao, nhiều vụ rất thảm khốc. Mà cái việc kiểm định ở nước ta lâu nay qui định rất “chặt chẽ”, tới mức mà xe vừa xuất xưởng, mua mới tinh ở hãng cũng phải kiểm định mới được lăn bánh. Xe cá nhân đánh đồng với xe kinh doanh. Mà nước ta hiện nay, do ăn nên làm ra và do nhiều nguyên nhân khác nữa nên xe cá nhân rất nhiều. Nhiều xe phủ bạt quanh năm, lâu lâu mới chạy một chuyến vì nhiều gia đình quan niệm mua xe như một cách giữ tài sản, vậy mà thời gian đăng kiểm cũng ngang với xe kinh doanh, như tắc xi chẳng hạn, chạy hàng vạn ki-lô-mét mỗi tháng…


Những chiếc xe ô tô xếp hàng dài chờ được đăng kiểm

Bây giờ, “cơn bão” ập đến, những điều vô lý ấy mới lòi ra. Và kiến nghị sửa. Nhưng để từ kiến nghị tới thực tế nó rất xa nhau. Lâu nay cứ nghĩ các ông đăng kiểm đẻ ra quy định dày xít thế để nuôi các trung tâm đăng kiểm, nhưng bây giờ chính Cục đăng kiểm lại cũng phải đề xuất lên bộ để giãn cách đăng kiểm. Và xe vẫn cứ xếp hàng đợi đăng kiểm. Đồng nghĩa với việc xe phải nằm ở nhà. Thôi xe cá nhân còn thể tất, dẫu có việc phải thuê xe tức cũng thiệt hại kinh tế. Nhưng xe kinh doanh mà phải nằm ở nhà thì nó thiệt hại vô cùng cho nền kinh tế.

Trong cuộc họp mới nhất với các cơ quan liên quan bàn về dự thảo sửa đổi bổ sung về quy định đăng kiểm, phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói: “Đặt mình vào vị trí người dân có ô tô, tôi cảm thấy chưa yên tâm. Chính vì vậy, hôm nay, tôi muốn nghe những ý kiến góp ý sát, đúng, thẳng thắn, khoa học. Khi Nghị định mới được ban hành thì những vướng mắc, bức xúc của người dân, của xã hội có được giải quyết triệt để không? Sau cuộc họp, chúng ta phải đưa ra được chính sách đổi mới, đột phá để giải quyết cơ bản các tồn tại, gây bức xúc trong hoạt động đăng kiểm với tầm nhìn dài hạn”. Trong khi đó, theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện sớm nhất có thể việc tự động giãn chu kỳ đăng kiểm đối với ô tô dưới 9 chỗ không kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải còn phải vận hành Thông tư bổ sung sửa đổi Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT theo quy trình thủ tục rút gọn.

Tôi có chiếc xe 4 chỗ bình dân, trước Tết Quý Mão vừa rồi phải dậy từ 3 giờ sáng xếp hàng đăng kiểm, dù sau Tết cả tháng mới tới hạn, và mất nguyên một ngày mới xong. Tôi hết sức mong chờ một sự đổi mới toàn diện từ ngành đăng kiểm để ra đường an toàn mà người có xe không bị hành như hiện nay. Có ai đó đã nói: ra đường ở Việt Nam bây giờ như ra... trận. Việc xiết chặt đăng kiểm hay nồng độ cồn là việc rất tốt để người dân lưu thông an toàn, nhưng như thế không có nghĩa là bắt người dân vào một trận địa khác!

Nguồn Văn nghệ số 20/2023

Bài viết liên quan

Xem thêm
Vu vơ ngày cuối tháng Ba – tản văn của Võ Thị Như Mai
Cuộc đời tôi, dẫu có những ngày lặng lẽ bước qua những con đường cũ, vẫn là một khu vườn đầy ắp màu sắc - có cả xanh tươi của hy vọng, cả vàng úa của hoài niệm, nhưng quan trọng nhất, vẫn còn đó những chồi non kiên trì vươn lên sau mỗi lần đổi thay.
Xem thêm
Hélène – con gái ông Tây Việt Minh
Bài của nhà văn Nguyễn Thanh
Xem thêm
Cô bé và đóa hoa hồng – Tạp bút của Võ Đào Phương Trâm
Chiếc xe đạp lộc cộc băng qua con đường đông đúc, lách qua những làn xe liên tục của Sài Gòn, cái dáng mỏng manh, độ chừng mười hai tuổi, bé nhỏ liêu xiêu trên chiếc xe đạp cà tàng, nghe cót két, hình như chiếc xe bị hư gì đó nên thấy nó đạp một cách cực nhọc hơn bình thường.
Xem thêm
Thành phố của lòng nhân ái - Ký của Nguyên Hùng
Ký dự thi “Thành phố tôi yêu, thành phố nghĩa tình” của Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Về Tiên Động nhớ Ngư Phong – Nguyễn Quang Bích
Ngư Phong là tên hiệu của thủ lĩnh miền Thao - Đà trong thời Cần Vương chống Pháp ở Bắc Kỳ. Ông tên thật là Nguyễn Quang Bích (1832 – 1890). Đương thời ông được nhân dân miền Tây Bắc xưng tụng là “phật sống” và hết lòng yêu quý, ngưỡng mộ.
Xem thêm
Lỗi tại Sài Gòn…
Tản văn của La Mai Thi Gia
Xem thêm
Phù Điêu tại đền thờ liệt sĩ Phú Yên
Phù điêu là dạng di sản văn hoá của nhân loại. Đó là hình thức nghệ thuật khắc (chạm) nổi mô tả không gian rộng lớn của một sự kiện lịch sử hoặc chuỗi sự kiện lịch sử. Từ xa xưa, trên thế giới đã xuất hiện những phù điêu nổi tiếng như: La Sơn đại phật (Trung Quốc), Tag- Bostan (I Ran), Tôronat - Sanchi (Ấn Độ), Ăng kor Wat (CPC)… Ở nước ta, nhiều nơi đã có phù điêu gắn với sự kiện lịch sử nổi bật với hình thức thể hiện đa dạng, hoành tráng. Có thể kể tên vài địa danh như phù điêu về “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong” tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ); Phù điêu ở Khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ (Điện Biên); Phù điêu ở Bảo tàng Quân khu 4; ở Quảng Ninh, Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) …
Xem thêm
Đi tìm hiểu vì sao nước uống Fujiwa lại có lợi cho sức khỏe?
Bài viết giải thích công dụng của nước ion kiềm Fujiwa dựa trên cơ sở khoa học
Xem thêm
Một gia đình phi công
Bài viết của Đại tá nhà văn Nguyễn Minh Ngọc
Xem thêm
Đoàn nhà văn TP. HCM tham quan Nhà máy nước Fujiwa Củ Chi
Bài viết về người phụ nữ năng động năng động, sáng tạo và không ngừng vươn lên
Xem thêm
Sức mạnh hoà bình
Khi chiếc F5-E tách khỏi đội hình/ Dưới cánh bay vẫn đường băng của địch
Xem thêm
Tuổi thơ bên dòng lũ
Có thể nói, dù mưa bão thường mang đến nhiều thiệt hại cho người dân miền Trung, nhưng lũ lụt cũng bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng duyên hải này, nhờ đó mà người dân nơi đây có thể sống bằng nghề nông nghiệp ổn định với mùa màng tốt tươi, cây lúa phát triển.
Xem thêm