- Lý luận - Phê bình
- Bài thơ “Một nửa bông hồng”... và những trăn trở nhân sinh
Bài thơ “Một nửa bông hồng”... và những trăn trở nhân sinh
LÊ XUÂN LÂM
MỘT NỬA BÔNG HỒNG
Tôi vào vườn hoa
ngắt một bông hồng.
và bạn có tin không
bông hồng chỉ còn một nửa.
Một nửa bông hồng mắc ở dây thép gai
tàn tích chiến tranh để lại
cánh hồng non tơ mềm mại
run run trên tay tôi.
Dẫu đi hết cuộc đời
chắc chẳng bao giờ tôi quên buổi ấy
khi tặng nửa bông hồng cho bạn gái
tôi chờ nỗi ngạc nhiên. Em chỉ mỉm cười
Một bông hồng xé thành hai nửa
đang héo dần, bạn ơi.
Cuộc chiến tranh đã qua lâu rồi
gai thép nhọn vẫn đâm vào hiện tại
tôi vô tình hái hoa cho bạn gái
trên tay tôi: Một nửa bông hồng.
27.11.1985
(Thơ Văn Công Hùng, tập “BẾN ĐỢI”, Hội VHNT Gia Lai, 1992).
MỘT CHÍNH LUẬN SẮC SẢO!
Thoạt tiên, tôi đọc thấy “một nửa bông hồng” như một tự sự, về cái khoảnh khắc rủi ro của tình yêu đôi lứa. Nhưng rồi bỗng tôi nhận ra bài thơ đúng thực là một chính luận thật sắc sảo, chuyển tải khá mạnh mẽ thông điệp cảnh báo về những bất hạnh thực sự đã và sẽ đến sau chiến tranh. Bạn nghĩ sao?...
Lỗi phép nhà thơ, tôi xin làm một cách trình bày khác, không cách dòng như thơ, mà vẫn câu chữ ấy, nhưng xếp viết như bài văn. Bài văn đó sẽ như thế này đây:
MỘT NỬA BÔNG HỒNG
Tôi vào vườn hoa/ ngắt một bông hồng./ và bạn có tin không/ bông hồng chỉ còn một nửa./ Một nửa bông hồng mắc ở dây thép gai/ tàn tích chiến tranh để lại/ cánh hồng non tơ mềm mại/ run run trên tay tôi.
Dẫu đi hết cuộc đời/ chắc chẳng bao giờ tôi quên buổi ấy/ khi tặng nửa bông hồng cho bạn gái/ tôi chờ nỗi ngạc nhiên. Em chỉ mỉm cười
Một bông hồng xé thành hai nửa/ đang héo dần, bạn ơi.
Cuộc chiến tranh đã qua lâu rồi/ gai thép nhọn vẫn đâm vào hiện tại/ tôi vô tình hái hoa cho bạn gái/ trên tay tôi: Một nửa bông hồng.
27.11.1985
Bạn hãy đọc đi! Nhưng đừng đọc như đọc thơ,mà như đọc văn, bạn sẽ thấy lời văn, giọng văn… có sâu sắc và thuyết phục như một chính luận không? Bạn cũng sẽ thấy luận đề chính ở đây chính là rủi ro bất hạnh thời hậu chiến như tôi vừa nói trên kia đấy!
Xin bạn hãy chú ý ngày tháng năm mà tác giả ghi dưới bài thơ. Để thấy chiến tranh kết thúc năm 1975, đến 1985 là vừa 10 năm chẳn. Tôi mách thêm thông tin này: Theo tác giả cho biết, thì năm 1958 là năm sinh của ông. Nghĩa là Văn Công Hùng hoàn thành bài thơ “một nửa bông hồng” năm ông 27 tuổi.
Năm 1985, hay như lịch sử vẫn ngoái lại, gọi là những năm 80 của thế kỷ trước, thì tính cho đến nay, cũng chưa phải đã xa xăm gì. Cho nên, những người trạc tuổi nhà thơ, ngay cả lớp em út sau này nữa, hẳn vẫn còn nhớ “những năm tháng không thể nào quên” ấy. Đó là năm ta kỷ niệm 40 năm Việt Nam Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa; là năm làn sóng người vượt biên, rời bỏ đất nước ra đi, để lại lịch sử tiếng Việt hai chữ “thuyền nhân”; là năm lạm phát phi mã, đổi tiền và thực thi chính sách giá – lương – tiền, trái quy luật kinh tế; là năm chiến tranh đã đi qua 10 năm, nhưng biên giới phía Nam, rồi phía Bắc đã và vẫn còn rền vang tiếng súng của những cuộc chiến giữ đất đẫm máu; đó còn là năm Đảng cầm quyền đang tiến tới Đại hội đổi mới tư duy…Bạn hãy nhớ lại đi! Ôi cái thời đất nước đói nghèo, quá khứ nhói đau …
Trong cái dòng chảy đó của lịch sử, của cuộc sống sau chiến tranh, câu hỏi muôn đời của con người lại dội lên nhức nhối : Tìm đâu thấy hạnh phúc, hạnh phúc đang ở đâu?!...
Hãy nhớ, năm 1985 Văn Công Hùng mới 27 tuổi đời. Là sinh viên trường Văn mới rời ghế nhà trường được vài ba năm, chưa phải đã là nhà thơ Văn Công Hùng như hiện nay, lại được điều lên công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai – Kon Tum, một tỉnh Bắc – Tây Nguyên xa lơ lắc so với nơi anh được sinh ra và lớn lên. Nhưng có lẽ tình yêu thì hẳn là không xa lạ với anh. Và thêm nữa, có lẽ đây mới là điều quan trọng nhất, là tình thơ dường như đã được Trời phú sẵn cho trong máu huyết, ngay từ buổi cha mẹ sinh ra anh. Thế nên, Văn Công Hùng đã có lúc nhìn thời cuộc anh sống, bằng trái tim và con mắt của Nhà Thơ. Cảm nhận thấu tình cái hiện thực thơ ấy… để rồi bằng cái công cụ Thơ Trời cho, anh đã viết nên bài thơ “một nửa bông hồng” này. Để rồi, cho ta thấy, Văn Công Hùng đã mạnh mẽ cầm nguyên cả “một nửa bông hồng”, xông thẳng vào dòng chảy lịch sử nhân sinh kia, để cắm lên đó cái câu hỏi về tình yêu và hạnh phúc, với đầy những rủi ro, cam chịu; những chia lìa bất hạnh, không chỉ của riêng mình, mà còn của cả thế hệ vừa đi qua chiến tranh nữa. Sức luận chiến giữa hạnh phúc con người, với bất hạnh chiến tranh của “một nửa bông hồng”, vì thế đã đạt đến tầm phổ quán...
Thì đây, bạn hãy nhìn đây: “Tôi vào vườn hoa/ ngắt một bông hồng./ Và bạn có tin không/ bông hồng chỉ còn một nửa./ Một nửa bông hồng mắc ở dây thép gai/ tàn tích chiến tranh để lại/ cánh hồng non tơ mềm mại/ run run trên tay tôi.”
Thế đó, bạn có biết không: “Dẫu đi hết cuộc đời/ chắc chẳng bao giờ tôi quên buổi ấy/ khi tặng nửa bông hồng cho bạn gái/ tôi chờ nỗi ngạc nhiên. Em chỉ mỉm cười
Một bông hồng xé thành hai nửa/ đang héo dần, bạn ơi.”
Và xin bạn hãy nhớ. “Cuộc chiến tranh đã qua lâu rồi/ gai thép nhọn vẫn đâm vào hiện tại/ tôi vô tình hái hoa cho bạn gái/ trên tay tôi: Một nửa bông hồng.”
Rõ ràng, ai chẳng biết Hoa Hồng là biểu tượng của tình yêu và hạnh phúc!... Cũng không ai không biết cái “dây thép gai đâm nát trời chiều” kia là bản mặt tàn ác của chiến tranh. Và rồi vào hậu chiến, giữa vườn hoa hạnh phúc, cả khi chiến tranh đã đi qua, nhưng vẫn còn đó tàn tích mà chiến tranh để lại, đến đủ làm rách nát cả hạnh phúc đã tưởng như là không thể…
MỘT SÁNG TẠO THƠ ĐỘC ĐÁO!
Tôi xin cùng bạn trở lại nguyên tác “một nửa bông hồng” để cùng xem cái gì đã làm nên tính chính luận sắc sảo nêu trên, TỰbài thơ, TỪchính bài thơ này. Bởi vì, nếu trải ra như một luận văn thế kia, thì sứ mệnh chuyển tải thông điệp của nó sẽ mất đi biết bao truyền cảm, chỉ thơ mới chuyển tải được; hiệu quả cảnh báo nhân sinh của thông điệp, chỉ thơ mới khiến bao trái tim nhân tình thức tỉnh được…
Thì đây, chính là bởi hình tượng thơ: MỘT NỬA BÔNG HỒNG ! Đó cũng chính là cái TỨ của bài thơ – một sự sáng tạo nghệ thuật độc đáo, bất ngờ của tác giả.
Câu chuyện khởi đầu từ việc chàng trai hăm hở vào vườn hoa, khẽ khàng, trân trọng, “ngắt” một bông hồng. Nhưng “…bạn có tin không”,“bông hồng chỉ còn một nửa” . “Một nửa bông hồng mắc ở dây thép gai”. Cái gai thép nhọn xé bông hồng thành hai nửa kia chính là“tàn tích chiến tranh để lại”. Và chao ôi!“cánh hồng non tơ mềm mại”. Cứ “ run run trên tay…”.
Tôi tự hỏi, vào vườn hoa cơ mà, sao cứ phải chọn hoa hồng để gặp phải rủi ro?! Rồi, hiểu rồi, là hoa để tặng “cho bạn gái”, cho tình yêu. Nhưng mà nhìn kìa, thật xót xa khi bông hồng hái được chỉ còn một nửa. Và một nửa bông hồng với những cánh hồng non tơ mềm mại đang run run…
Tôi lại tự hỏi, cánh hồng run run, hay bàn tay cầm nửa bông hồng run run? Cả hai! Một là thực thể và một nữa là tâm thế. Cái thực thể là cánh hồng. Nó run run vì bỗng bị xé thành hai nửa, không còn được là nguyên vẹn bông hồng nữa. Cái tâm thế là bàn tay của người cầm. Bàn tay cầm nửa bông hồng cũng run lên nỗi xót xa thương tiếc bông hồng bỗng bị xé thành hai nửa…
Luận đề “nỗi buồn chiến tranh”, thương đau hậu chiến, đã được hình tượng thơ MỘT NỬA BÔNG HỒNG gợi lại, đặt ra; không phải bằng hàng trăm trang sách, hay hàng ngàn lời tuyên giáo, mà chỉ bằng một chữ “mắc” đầy rủi ro rình rập, với một thoáng “run run” bất hạnh khôn lường, trên bàn tay của khát khao tình yêu và hạnh phúc… Nhưng sao mà tôi thấy nhói lòng đến vậy!
Còn người được tặng hoa thì sao? “tôi chờ nỗi ngạc nhiên. Em chỉ mỉm cười” . Một chữ “chờ” và cái “dấu chấm” giữa câu thơ cho tôi biết cái tình yêu 27 tuổi kia không hề lơ ngơ, vội vã chút nào, khi nếu có thế thì cũng là phải nhẽ! Tôi nói thế, vì khi mới đọc qua lượt đầu bài thơ, tôi đã nghĩ “bông hồng chỉ còn một nửa. Một nửa bông hồng mắc ở dây thép gai”, chính là có nguyên do từ việc “ngắt” vội vàng, bất cẩn. Rủi ro ấy, nếu có, thì cũng là phải nhẽ thôi! Yêu thế kia mà, hồi hộp, vội vàng, rạo rực… thế kia mà!
Nhưng không phải! Chữ “mắc” giữa câu thơ cho tôi hay cái tình yêu kia đã đến điểm Hồng, không hề ngu ngơ, hời hợt. Có “ngắt” đấy, nhưng vẫn là một chọn lựa khá cẩn trọng. Phải điều, bông hồng rất đẹp kia, đã không thể gỡ ra nguyên vẹn. Để một nửa bông hồng đành đoạn “mắc” ở dây thép gai, thành một hệ lụy, một hệ quả… dĩ nhiên, đương nhiên, như hậu chiến là một thực tại, thực tồn – cái mặt sau tấm huân chương chiến công của chiến thắng!
“Em chỉ mỉm cười” ! Một sự chấp nhận diễu cợt hay cảm thông, hời hợt hay khoan dung, vẫn quyết đi đến tận cùng hay đường ai nấy bước…?!... Không một hứa hẹn, hẹn hò nào được thốt thưa, thỏ thẻ ở đây cả. “Em chỉ mỉm cười... Và tôi bỗng nhận ra thông điệp từ chữ “chỉ” trong cái “mỉm cười” của em. Ấy là chấp nhận cảm thông, mà không hề diễu cợt; độ lượng khoan dung, mà không hề hời hợt. Nhưng còn cùng đi đến chung cuộc tình yêu ư… Hãy chờ đấy! đợi đấy!
“Một bông hồng xé thành hai nửa
đang héo dần, bạn ơi.”
Thực tại vẫn là thực tại. Không hề và cũng không được ảo tưởng. “Hoa dù đẹp mấy cũng tàn”. Bông hồng dẫu đẹp nguyên, vẫn héo. Đó là lẽ thường luật tử - sinh mà. Nhưng “Một bông hồng xé thành hai nửa/ đang héo dần,..” thì không phải là một lẽ thường nữa. Đó là tức tưởi, bất thường; đó là cưỡng bức, oan khiên… Một tình yêu và cái đẹp tưởng đã thoát khỏi chết chóc trong cuộc chiến, vẫn còn bị tàn tích của chính cuộc chiến ấy rình rập, chực chờ hũy hoại…
“Cuộc chiến tranh đã qua lâu rồi
gai thép nhọn vẫn đâm vào hiện tại
Hậu quả dù là có thật, quá khứ dẫu có để lại nhiều đớn đau mất mát thật, nhưng dù sao “quá khứ cũng chỉ là cái đến trước tương lai mà thôi”. Nhưng hãy cứ hét lên đi, vẫn phải hét lên nữa đi! Bởi cuộc sống là một sự tiếp nối, nhân quả, nhân sinh. Vẫn biết “đêm dù tối nhất vẫn dẫn đến ban mai”, nhưng không có đêm thì sẽ không có ngày, ghi lấy, nhớ lấy!
“tôi vô tình hái hoa cho bạn gái
trên tay tôi: Một nửa bông hồng.”
MỘT NỬA BÔNG HỒNG! Đó cũng chính là cái TỨ của bài thơ, là một sự sáng tạo độc đáo của nhà thơ, và vẫn sẽ còn gây bất ngờ cho nhận thức thẩm mỹ của bất cứ ai tìm đọc và thức nhận thông điệp về “một nửa bông hồng” của Văn Công Hùng...
Tôi đã định kết thúc bài viết này, như ở trên đây, thì chợt nhớ lại chuyện xưa.
Rằng đã một thời người ta từng tranh cãi trường thiên, bất luận… về cái gọi là “nghệ thuật vị nghệ thuật”, hay “nghệ thuật vị nhân sinh”, mà quên mất rằng, cãi nhau thế thì thật là vô bổ, cũng thật là vô nghĩa… Lại nữa, rằng “chính trị và nghệ thuật” là hai lĩnh vực khó chung sống hài hòa với nhau… Tôi nghĩ, còn phân biệt thế nữa thì cũng thật là vô minh.
Phải thấy rằng tất cả mọi sự đều có cái đích cuối cùng là nhân sinh bất diệt. Như bài thơ “một nửa bông hồng” của Văn Công Hùng được ta đọc ở đây, là nghệ thuật đấy, nhưng chính trị biết bao, nhân sinh biết bao! Bởi chỉ khi nào hình thức và nội dung đạt đến sự thống nhất hài hòa nhất, hữu cơ gắn bó nhất, thì đó mới chính là nghệ thuật nhân sinh đích thực.
Và đó là điều tôi đã thấy ở MỘT NỬA BÔNG HỒNG !…