TIN TỨC

Bảo Ninh trên báo Mỹ: ‘Tôi viết về chiến tranh để chống chiến tranh’

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2023-06-22 17:35:13
mail facebook google pos stwis
764 lượt xem

Nhà văn Bảo Ninh cho biết ông viết về chiến tranh là để chống chiến tranh; là viết về ước mong hòa bình, về tình yêu cuộc sống, về tình yêu giữa người với người: “Mong ước được sống trong hòa bình yên ổn, mưu cầu hạnh phúc đời thường, đó luôn là nỗi lòng và tiếng lòng của nói chung người dân thường và người lính Việt Nam. Nhưng tiếng lòng ấy rất thầm lặng, không cất lên thành lời. Do vậy trách nhiệm của nhà văn là viết lên, nói lên tiếng lòng của nhân dân đất nước mình”.

Nhà văn Bảo Ninh: Ảnh: Gwangju.

Nhân dịp tập truyện ngắn Hà Nội lúc 0 giờ (Hanoi at Midnight) được dịch và xuất bản tại Mỹ, nhà văn Bảo Ninh đã trả lời phỏng vấn với tờ Washington Post, đăng tải hôm 18.6.

Nhà văn Bảo Ninh cho biết ông nhận được câu hỏi từ GS Hà Minh Quân, Giảng viên văn học Anh và Việt tại Đại học Montana, Mỹ và Đại học Fullbright, TP.HCM. Ông đã trả lời bằng tiếng Việt và nhờ GS Hà Minh Quân làm việc với phóng viên nước bạn.

Trong bài phỏng vấn này, nhà văn Bảo Ninh chia sẻ về trách nhiệm của ông với tư cách một nhà văn, quan điểm của ông về chiến tranh và gửi lời nhắn nhủ đến giới trẻ Việt Nam… Được sự đồng ý của nhà văn Bảo Ninh, chúng tôi giới thiệu tới bạn đọc bài phỏng vấn.

“Trách nhiệm của nhà văn là viết lên tiếng lòng của đất nước mình”

* Trong “Nỗi buồn chiến tranh”, ông viết về trách nhiệm của ông với tư cách một nhà văn/người cầm bút. Vậy trách nhiệm đó là gì?

– Khi còn trẻ tuổi đang học trung học và cả những năm trong quân ngũ tôi không hề nghĩ đến việc viết văn, không hình dung rằng rồi đây mình sẽ là một nhà văn. Nhưng sau chiến tranh, 1975, tôi trải qua hơn một năm làm nhiệm vụ thu gom hài cốt tử sĩ trong các trận chiến ở miền Nam Việt Nam. Ngoài xương cốt bộ đội miền Bắc chúng tôi đã gặp, đã chôn cất nhiều hài cốt dân thường và binh lính miền Nam. Bởi vậy, trong quãng thời gian chỉ một năm (1975-1976) làm công việc chôn cất những nạn nhân chiến tranh, tôi cảm thấu sức nặng của chiến tranh còn hơn cả trong suốt những năm trực tiếp giao chiến ở mặt trận.

Năm 1976 tôi giải ngũ và, như mọi người Việt Nam khác trong thời hậu chiến, đã phải làm nhiều công việc vất vả nặng nhọc để kiếm tiền nuôi sống bản thân mình và gia đình mình.

Năm 1986, theo lời khuyên của cha tôi (là giáo sư ngôn ngữ học) tôi vào học trường Viết văn Nguyễn Du hồi ấy đang do hai nhà văn nổi tiếng: Nguyên Ngọc và Hoàng Ngọc Hiến giảng dạy.

Tôi bắt đầu viết văn từ đấy, năm 1987, khi tôi không còn trẻ nữa, đã 35 tuổi, và khi mà đất nước Việt Nam của tôi đã thực sự kết thúc thời đại chiến tranh liên miên (1945-1954: chiến tranh Việt – Pháp; 1955-1975: chiến tranh Việt – Mỹ; 1979-1990: chiến tranh biên giới) để bước vào thời đại hòa bình.

Tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh đã gây tiếng vang trên thị trường quốc tế suốt 30 năm. Ảnh: NXB Trẻ.

Bởi vậy, tôi tự thấy rằng nếu không trải qua thời đại chiến tranh và không từng là một người lính thì đời tôi đã làm một nghề nghiệp nào đó khác chứ không phải là nghề văn. Và cũng chính vì thế mà từ đó đến nay tôi hầu như chỉ viết về đời sống và số phận con người Việt Nam trong thời chiến tranh.

Tuy nhiên theo tôi viết về chiến tranh là để chống chiến tranh. Hoặc có thể nói, viết về chiến tranh tức là viết về ước mong hòa bình, về tình yêu cuộc sống, về tình yêu giữa người với người, về lòng nhân đạo, đức khoan dung…

Mong ước được sống trong hòa bình yên ổn, mưu cầu hạnh phúc đời thường, đó luôn là nỗi lòng và tiếng lòng của nói chung người dân thường và người lính Việt Nam. Nhưng tiếng lòng ấy rất thầm lặng, không cất lên thành lời. Do vậy trách nhiệm của nhà văn là viết lên, nói lên tiếng lòng của nhân dân đất nước mình.

* Trong “Nỗi buồn chiến tranh”, ông có bày tỏ mối quan tâm của mình về tương lai của thế hệ sau. Theo ông, mọi việc đã và đang diễn ra như thế nào với thế hệ trẻ Việt Nam?

– Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc từ 1975. Thời gian trôi qua đã nửa thế kỷ. Thế hệ chúng tôi, những người trải qua chiến tranh, đã lùi vào dĩ vãng. Thế hệ người Việt Nam ngày nay đang tuổi 20 hầu như đã cách biệt hoàn toàn với những cuộc chiến trong quá khứ, nhất là cuộc chiến đẫm máu trong thế kỷ XX.

Bài học kinh nghiệm duy nhất mà thế hệ trẻ Việt Nam rất nên học từ thế hệ chúng tôi, đó là: vĩnh viễn từ bỏ chiến tranh. Chí ít là cho tới nghìn năm nữa người Việt Nam cần phải biết căm ghét chiến tranh và biết cách tránh xa nó.

Cũng như giới trẻ toàn thế giới, thế hệ những người Việt Nam sinh ra lớn lên sau chiến tranh, nhất là từ sau năm 2000, đã căn bản khác với thế hệ trước về mọi mặt, kể cả trong lĩnh vực văn học. Những đổi thay sâu sắc và lớn lao ấy chẳng do ai hướng dẫn, chỉ đạo, áp đặt, mà là từ tự thân cuộc sống.

Tập truyện ngắn Hà Nội lúc 0 giờ mới được dịch và xuất bản tại Mỹ.

Mâu thuẫn lớn của nhân loại

* Ông có đề cập đến chất độc da cam trong truyện ngắn “Rửa tay gác kiếm”. Điều này làm tôi nghĩ ông quan tâm sâu sắc đến môi trường sống. Ông có thể chia sẻ thêm về quan điểm của ông về chiến tranh và tác động của nó lên môi trường?

– Theo tôi, chất độc dioxin mà quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt – Mỹ là thứ vũ khí giết người hàng loạt, một cuộc giết chóc hàng loạt mà ngấm sâu từ từ, giết hại nhiều thế hệ con người. Và thứ vũ khí này không chỉ tàn hại cơ thể con người và dòng giống con người (sức khỏe, nguồn gen di truyền…) mà nó còn triệt hạ nguồn sống lâu dài của con người: hủy diệt rừng, đồng lúa, đồng cỏ, nguồn nước…

Tôi nghĩ chất độc da cam là thứ vũ khí xếp hạng ở giữa vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân.

Từ năm 1995, sau khi hai nước Việt – Mỹ kết nối bang giao hữu nghị, nước Mỹ đã góp sức cùng Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, đặc biệt là hậu quả chất da cam, nhưng tôi chắc là sẽ còn lâu, rất lâu nữa mới có thể khắc phục được một cách triệt để.

Thời nay, loài người đã có những nỗ lực lớn trong công cuộc bảo vệ môi trường sống. Tuy nhiên, nguồn lực dành cho những nỗ lực đó: ngăn cản biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai… quá nhỏ bé và ít ỏi so với nguồn lực dành cho chiến tranh. Tôi nghĩ đây là một trong những mâu thuẫn lớn nhất, ác nghiệt nhất và kỳ quái nhất của nhân loại hiện đại.

* Vì sao người Việt Nam lại thân thiện và niềm nở với người Mỹ như vậy, ngay cả với những người đã tham gia chiến tranh? Ông cảm thấy thế nào?

– Tháng 11.2000, tôi thấy vợ chồng Tổng thống Clinton dạo bộ trên đường phố Hà Nội giữa sự chào đón và hoan nghênh nhiệt liệt của đông đảo dân chúng. Tháng 5/2018 cũng tựa như vậy, vợ chồng Tổng thống Obama được dân chúng TP.HCM chào đón khi đi bộ trên phố. Bản thân tôi thì đã qua Mỹ hai lần (năm 1998 và 2005), cả hai lần đều theo lời mời của các nhà văn, nhà thơ cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam: Kevin Bowen, Bruce Weigl, Larry Heinemann… Họ đã đưa tôi đi thăm hầu khắp các bang của Mỹ, gặp gỡ nhiều người dân Mỹ, nhất là các gia đình cựu binh Mỹ.

Nhiều nhà văn, nhà báo, và du khách Mỹ cũng đã đến thăm tôi tại nhà riêng của tôi ở Hà Nội.

Cũng như nhiều người Việt Nam khác, tôi càng ngày càng có cảm tình với nước Mỹ và người dân Mỹ. Qua gặp gỡ tiếp xúc, tôi cảm thấy tính cách người bình dân Mỹ dường như rất gần với người bình dân Việt Nam: nồng nhiệt, chân thành, cởi mở và bình dị, ít làm bộ làm tịch… Và dĩ nhiên tôi vui mừng trước quan hệ hai nước Việt – Mỹ ngày càng trở nên tốt đẹp, hữu hảo.

Tuy nhiên, mừng vui với thực trạng tốt đẹp của quan hệ hai nước hôm nay thì nhìn lại cuộc chiến tranh 50 năm về trước càng thấy đau buồn.

***

Hà Nội lúc 0 giờ được giới thiệu là một cuộc nghiệm soi lại chiến tranh và tác động của nó lên những người bị nó gài bẫy. Sách được dịch và xuất bản sang tiếng Anh, lấy tên Hanoi at Midnight, là cuốn sách đầu tiên của ông sau 30 năm kể từ khi Nỗi buồn chiến tranh được giới thiệu đến phương Tây.

Cuốn sách gồm 10 truyện ngắn, được viết rải rác trong 40 năm. Tập truyện ngắn này khám phá một Việt Nam bị tàn phá về môi trường, về vật chất và cả tâm lý. Qua đó, Bảo Ninh đặt ra những câu hỏi: Làm thế nào để tiếp bước sau khi đã trải qua một trải nghiệm kinh hoàng? Cây viết Nick Hilden cho rằng đây là vấn đề vượt ra khỏi phạm vi chiến tranh và có thể kết nối được với bất cứ ai đã trải qua những tổn thương, mất mát sâu sắc.

 NICK HILDEN

Theo Washington Post/VVN

Bài viết liên quan

Xem thêm
Gừng càng già càng cay
Nhà thơ Ngô Xuân Hội viết về nhà thơ Nguyễn Tùng Linh
Xem thêm
Nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh và sự dấn thân với ‘di sản văn học miền Nam’
Đây là Chuyên luận với nhiều trữ lượng thông tin quý và bổ ích về di sản văn học miền Nam 1954 -1975, với độ dày gần 600 trang. Tập sách được đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm cẩn, khai mở nhiều thông tin hay và có giá trị.
Xem thêm
Thi ca điểm hẹn: Nguyên Hùng ký họa thơ và nhạc
Chương trình của VOH, Đài tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Lâm Xuân Thi và những vần thơ mang nhiều nỗi niềm suy tư, trắc ẩn!
Bài viết của nhà văn nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Phạm Phương Lan và những câu thơ Nút ra từ đá
| “Nứt ra từ đá” (thơ song ngữ Việt - Anh, NXB Hội Nhà văn 8/2024) là tập thơ thứ bảy của nhà thơ Phạm Phương Lan (SN 1973, quê Hà Tĩnh; Hội viên Hội Nhà văn TPHCM). Trước đó, từ năm 2008, độc giả biết đến chị qua những tập thơ như: “Không là gió mây”, “Góc trọ hồn người”, “Khâu tình”, “Mật ngữ em” v.v... và một số ca khúc được phổ nhạc từ thơ của chị...
Xem thêm
Dấn thân vào con đường văn chương
Ở tuổi 80, nhà thơ Trần Nhuận Minh sáng tác và xuất bản sách nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời ông.
Xem thêm
Nhà văn Xuân Phượng đi và đến...
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng trên Người đưa tin
Xem thêm
Phùng Quán – Người đặc biệt nhà số 4
Đối với anh em Văn nghệ Quân đội, nhà thơ Phùng Quán là một trường hợp rất đặc biệt.
Xem thêm