TIN TỨC

Biển mưa | Diệp Trần

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1140 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

DIỆP TRẦN

Chẳng có lí do đặc biệt nào cho chuyến đi, nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn ngồi cùng nhau trong quán ăn nằm ở góc tam giác thị trấn nhô ra vịnh biển. Xuyên hút thuốc và nhìn ra ngoài, một tay đung đưa chiếc máy ảnh đeo ngang trên cổ. Tôi thầm nghĩ sao hắn không để nó trên bàn trong khi ngồi với bạn hắn là tôi, và quán vắng tanh vắng ngắt trong một ngày biển động. 

Lũ chim bắt đầu lượn vòng trên các bãi đá khi thủy triều dần lên cao. Mặt biển đục ngầu táp từng mảng bọt lên mỏm đá, lớp này nối tiếp lớp kia. Gió rít vào vách hang dựng đứng tạo nên âm thanh âm âm u u đến ghê rợn. Trên bầu trời sậm sịt, những đám mây kéo đến ngày càng nhiều trông như những bao tải màu đen xếp chồng lên nhau chứa đầy nước sẵn sàng bị xé rách bất kể khi nào.

“Giá mà dự báo đúng”. Xuyên nói sau khi nhả ra một cuộn khói dài.

“Thường như vậy”. Tôi phân trần.

“Chả ai biết trước được điều gì”. Xuyên dụi tắt mẩu thuốc vào cạnh bàn.

“Phải, chẳng nói trước được”.

Người chủ quán ngang qua chỗ chúng tôi. Ông ta lê đôi chân cà nhắc đi ra hạ tấm tôn phía bên ngoài che lên cửa sổ, nhăn mặt khi gỡ các cột chống và kéo chúng một cách nhẹ nhàng để tránh vỡ cửa kính, trong khi mắt vẫn không ngừng liếc về phía tôi và Xuyên đang ngồi.

“Hắn chắc sợ chúng ta sẽ thó mất cái gì đó”. Xuyên cười khẩy.

“Có gì đáng giá ở đây chứ?”.

“Đó là với chúng ta”.

“Người ta thường có thói quen nghi ngờ, và khi họ đặt ra một giả thuyết thì mọi việc đều trở nên đáng nghi”.

“Xem ra không tắm được nhỉ?”, Xuyên cắt ngang câu chuyện bằng cái trỏ tay về cửa sổ cuối cùng còn mở trước khi ông chủ quán tiến lại hạ nốt mành tôn. Từ chỗ đầu ngón tay của Xuyên hướng ra, thâu qua ô cửa vuông được gia cố bởi những thanh thép đan hình chữ thập, biển hiện ra, nhờ nhờ, rất xa, mênh mông và cuộn sóng, cách một bãi cát và hàng hiên nơi người ta gác những chiếc ghế gỗ đã xỉn màu. Tất cả sự mênh mang và hùng vĩ đó kết thúc và tan biến trong tiếng sầm của miếng tôn rơi xuống, như đèn trong rạp chiếu phim phụt tắt và tấm màn chiếu xi nê đầy những hình ảnh sống động bỗng chốc đen ngòm.

 “Ờ, mưa tới nơi”. Tôi nói bâng quơ. Căn phòng màu xám dưới ánh đèn, giờ đây kín mít như một chiếc thùng tôn tách biệt khỏi thế giới bên ngoài đang vần vũ. Xuyên nhìn chằm chằm qua lớp tôn đến mức tôi nghĩ anh ta đã đâm thủng nó. Biển trong mắt tôi màu xám, biển trong mắt Xuyên màu xám.

“Biển cũng xám xịt như ngày hôm nay”.

Xuyên im lặng. Hắn không hiểu tôi nhắc đến điều gì. Có những thứ vốn dĩ quá nhỏ bé và mơ hồ như bọt biển, tan rất nhanh khi còn chưa chạm tới đất liền, không đủ để hằn dấu vết lên một trí óc phẳng lặng nào đó đang trải ra như bờ cát.

Quán sát biển và trận mưa chắc sẽ dữ dội. Lúc này gió bắt đầu mạnh dần lên, có thể nghe thấy tiếng cửa giật lên bần bật và lá phi lao khô bị cuốn trên những lối đi bằng bê tông rít lên như tiếng khóc. Kì lạ là cả tôi và Xuyên chẳng đứa nào nảy ra ý định sẽ nhỏm dậy thật mau, lao ra xe và chạy về thành phố trước khi cơn mưa ập đến. Người chủ quán đã quay vào. Trước khi đóng sập cửa chính, mà thực ra ông ta cũng chẳng cần đóng bởi gió rất mạnh đã úp ngay hai cánh cửa lại với nhau ngay khi ông ta vừa đi qua.

Người chủ quán thở dài. Mỗi trận mưa là một vận đen. Những ngày hiếm hoi bình thường hóa nem nép giữa các đợt dịch vừa yên ắng là chút cơ hội mỏng như sợi chỉ mà ông cố níu vào để nuôi sống mấy miệng ăn lắt lay qua đại dịch. Ông già khẽ chửi thề, giờ thì hết hôm nay chẳng còn mống khách nào nữa. Phủi vụn lá khô vướng trên tóc khi ra ngoài trong trận gió, giẫm giẫm hai chân đầy cát vào tâm thảm chùi rồi tới gần bể hải sản, ông ta kéo chiếc vòi sục lên, thả xuống rồi lại kéo lên một lần nữa sau đó cúi xuống mấy con cá mú đang nằm dán bụng vào lớp kính, hai mắt chúng chúc lồi, người trơn bóng và đen nhẫy.

“Công việc thế nào?”. Xuyên nhìn tôi và hỏi.

“Chắc phải về thôi”.

“Nghe nói công ty bên ấy đã cho làm lại”.

“Chẳng khá hơn được là bao”. Tôi nói mà chẳng buồn nhìn Xuyên. Tháng trước khi gọi tôi vào phòng và trỏ vào chiếc phong bì, sếp của tôi cũng chả buồn nhìn tôi như thế. “Cậu nghỉ việc nhé”. Không một lí do được thốt ra, tôi đứng lặng chờ đợi hắn nói thêm, kiểu: “công ty đang cắt giảm nhân sự sau đại dịch”, “công ty khó khăn quá”... nhưng hắn chỉ xoay xoay trên ghế rồi cắm mặt vào đống hồ sơ khiến tôi định túm lấy bao thư và ném vào mặt hắn vì sự đối đãi với nhân viên tệ bạc bấy lâu nay khiến tôi buồn nôn lên tận cổ. Nhưng tôi đã nuốt vị tanh đó xuống, nhanh chóng cầm lấy chiếc phong bì mỏng rời khỏi phòng như một chú cún con.

Tôi vẫn thường không nói ra ý kiến của mình, sự im lặng lâu dần trở thành thói quen khiến những phẫn nộ buồn vui thường nhật chìm xuống đáy như hòn đá được ném từ bờ vịnh, kể cả khi người vợ mới sinh kêu khóc chửi rủa tôi là một kẻ vô dụng, đáng ra cô ấy đã có cuộc sống tốt đẹp nếu không lấy phải kẻ bất tài, hòn đá đó vẫn tiếp tục chìm xuống, nhám nhịt như những mép đá im lặng ngoài kia nơi sóng biển đang ngầu bọt. Mỗi lần thấy kiểu cho xong đó của tôi Xuyên thường cười phá lên. Xuyên vốn ồn ào và thẳng thắn, lời nói trôi ra khỏi miệng đôi khi còn trước cả lúc hắn bắt đầu nghĩ. Bởi tính cách trái ngược đó mà nhiều khi trò chuyện cùng hắn tôi thấy dễ chịu đến kì lạ. Đôi lúc người ta gặp nhau chỉ để nhìn thấy ở kẻ khác thứ ánh sáng mà mình không có.

Nhưng Xuyên trước mặt không giống Xuyên mọi dạo. Râu ria lởm chởm, móng tay nham nhở do để dài và gãy tự nhiên, gàu rơi đầy trên vai áo phông đen đã bật một hai nút chỉ. Hắn ngồi ngả lưng ra phía sau, hai chân co lên ghế, thỉnh thoảng lại thở dài khi tôi hỏi đến gia đình ở quê.

“Giờ tao còn chẳng biết nên về không?”. Hắn nói và đập khẽ vào cái máy ảnh. Xuyên sống bằng nghề nhiếp ảnh dạo, hắn chụp hình lễ hội, ảnh kỷ yếu, ảnh tại các khu du lịch, nhưng trải qua dịch bệnh và nhìn hắn bây giờ thì đủ biết tình hình tệ đến cỡ nào.

“Ở thành phố lâu rồi, giờ về quê... Mà ông bà già tao cũng chẳng còn...”.

Hắn châm thêm một điếu thuốc.

“Rồi nếu dịch bùng lên...”.

Xuyên cứ nói rồi bỏ lửng câu như thế. Tôi biết hắn yêu nghề của hắn đến mức nào. Hắn thậm chí chỉ rời máy ảnh khi đi tắm bởi theo hắn nói bất kì lúc nào cũng có thể chộp được khoảnh khắc để đời. 

Lúc này người chủ quán đi về phía chúng tôi, hai tay xoa xoa vào nhau.

“Hai người dùng bữa tối chứ?”.

“Không!”. Cả hai chúng tôi chợt đồng thanh trả lời, khớp nhau một cách đáng ngạc nhiên.

“Có hải sản tươi sống mới đưa về sáng nay”. Ông ta nói thêm.

“Bây giờ mới 4 giờ”. Xuyên nói.

“Nhưng trời sắp mưa to và sẽ sập tối nhanh thôi. Nếu quý vị vẫn còn ngồi đây”. Ông ta nhấn từng chữ vào câu cuối.

“Lát nữa chúng tôi sẽ trả lời”. Tôi cảm thấy sự chèo kéo của vị chủ quán khiến chúng tôi bất tiện, hoặc ngược lại, sự có mặt của chúng tôi trong quán làm ông ta cũng thấy không được thoải mái, nếu chúng tôi cứ ngồi ì ra đấy và chẳng ăn uống gì ngoài mấy lon bia đã cạn và đĩa lạc sấy chỉ còn đống vỏ, trong khi trận mưa sắp kéo đến.

Chủ quán rời đi. Khi ông ta tiến qua tấm chắn giữa gian ngoài và buồng phía trong thì có một cô gái bước ra đứng chắn ngay cửa. Họ nhìn nhau và ra dấu gì đó bằng ánh mắt, thế rồi cô ta đi về chỗ chúng tôi.

 “Ta nên về thôi”. Tôi nói và ngáp dài uể oải.

“Đằng nào cũng chả kịp đâu”. Xuyên gõ gõ tay xuống bàn. “Đúng là một ngày tệ hại”.

Cô gái tiến tới gần. Tôi nhìn thấy thân hình mảnh dẻ của cô ta lấp ló sau làn váy voan mỏng chuyển động lắc lư theo từng bước chân. Cô ta đi từ phía sau, ngang qua chỗ tủ đá với tay lấy một chai rượu mà tôi không nhìn thấy rõ nhãn, đến bên cạnh Xuyên và quàng tay qua cổ hắn ta.

“Hai ông đây mời em một chén được không?”.

“Tôi chắc còn chưa bằng tuổi bố cô”. Xuyên cáu kỉnh.

“Ồ, vậy hai anh uống cùng em nhé? Mà hình như hai anh không phải người vùng này”.

“Chúng tôi tới từ thành phố”. Tôi trả lời.

“À!”. Cô ta thốt lên và đưa bàn tay vuốt ve cổ áo Xuyên.

“Chẳng có ích gì đâu”. Xuyên nói.

“Sao cơ?”. Cô ta hỏi khá to và tôi thoáng thấy mùi rượu bay ra từ câu nói ấy. Chắc chả cần đến chúng tôi thì cô ta cũng đã nốc đủ.

“Anh bạn tôi đây đang không khỏe”. Tôi giải thích qua loa.

“À!”. Cô ta lại à lên, buông tay hẳn khỏi Xuyên, người vẫn sán bên cạnh. Lúc này khi cô ta không còn đu lấy anh bạn của tôi, tôi mới có thời gian nhìn kỹ cô gái. Mặt cô ta phủ dày phấn và vì thế tôi không thể nào đoán được tuổi. Nhìn chếch qua chai rượu còn nguyên nút tôi thấy trông cô ta tương đối dễ chịu, ít ra là khi thôi uốn éo. Khuôn mặt trông khá phổ thông và không có gì đặc biệt ngoại trừ một nốt ruồi nằm ngay khóe mắt, kéo trễ bọng mi xuống nên nhìn càng mệt mỏi.

“Còn anh thì sao?”. Cô ta ngoảnh mặt nhìn tôi chăm chú.

Tôi không trả lời. “Hai anh ăn tối hoặc nghỉ lại đây nhé, mưa sẽ rất to”.

Cô ta tì người vào cạnh bàn, nhìn tôi chờ đợi. Cô gái mặc một bộ váy liền thân hở cổ và tôi có thể thấy rãnh ngực cô ta thập thò phập phồng theo nhịp thở.

 “Hai con cá chẳng đáng để câu”. Xuyên nói và cười khẩy. Cô gái hình như nghe không rõ.

“Ô, để em vào báo ông chủ gọi món cá”. Cô ta tươi tỉnh hẳn và xô ghế định bước ra.

“Ồ, không! Không! Chúng tôi phải về bây giờ”. Tôi nói và đánh mắt với Xuyên, hai chúng tôi đứng dậy.

“Thôi nào...”. Cô gái tiu nghỉu.

Bỗng nhiên hai cánh cửa chính bật tung, một người phụ nữ chạy bổ vào trong quán, vội vàng đên mức quên ngoái lại khép cửa. Bà ta chạy đến quầy, không thấy ai rồi chạy bổ lại bàn chúng tôi.

Cả ba chúng tôi sững sờ. Cô gái tái mặt lại, lắp bắp: “Mẹ, mẹ!...”.

Người phụ nữ đã luống tuổi, mặt lấm tấm mồ hôi và những vụn trắng li ti bám trên má, mặc một chiếc áo bảo hộ lao động màu xanh cũng phủ đầy vụn trắng. Hai bàn chân xỏ trong đôi dép ngập cát và đôi ba mẩu lá khô vô tình xóc qua.

Bà ta ném về chúng tôi một cái nhìn khinh bỉ, kéo hẳn cả khẩu trang xuống để nói với cô gái, tôi thấy môi bà ta tím lên vì giận giữ.

“Bố mày đang ốm thập tử nhất sinh đấy, mày bảo mày bận không về được, sợ dịch không về được mà mày trốn ở đây hả đồ mất nết!”.

“Mày cứ ở đây cho ấm thân đi, cho nước biển chả liếm được tới chân mày”. Người phụ nữ túm lấy đĩa lạc trên bàn hắt vào mặt cô gái, ném xuống đất rồi quay ngoắt người vội vã ra ngoài. Tới gần cửa, dường như chưa hả cơn giận, bà ta ngoảnh lại phun xuống nền nhà ba bốn bãi nước bọt. Bỗng dưng tôi tưởng tượng tới vẻ mặt long sòng sọc của vợ tôi khi biết tôi đã nghỉ chạy shipper hôm nay và ngồi đây, trong khi nàng ấy với hai đứa trẻ sinh đôi mới gần 3 tháng tuổi đang vật vạ trong mấy cái vỏ sữa bột và bỉm tã. Rồi cô ấy sẽ vớ lấy những vỏ sữa ấy, cả bát đũa và biến tôi thành một tấm bia chả khác gì cô gái này.

“Tao khinh. Vô phúc!”. Nói rồi bà ta rời đi. Cánh cửa vừa mở ra thốc cơn gió lạnh buốt thổi qua dãy bàn làm dãy cốc úp trên giá va vào nhau leng keng trước khi đóng sầm lại.

Cô gái ngồi thụp xuống ghế, thất thần, không nhìn chúng tôi. Tôi và Xuyên đành lặng im, không khí của buổi chiều u ám càng trở nên ngột ngạt. Chúng tôi ngồi trong im ắng như thế một hồi lâu, bỗng nhiên cô gái ngồi thẳng dậy, vớ lấy cốc bia của Xuyên uống dở đưa lên mồm. Không có ngôn từ nào tả hết nét mặt kinh hãi của Xuyên lúc ấy, mặt hắn trắng bệch ra như vừa nhìn thấy một ổ bệnh dịch. Nhận ra nó chẳng còn lại gì ngoài đá, cô ta dằn mạnh xuống bàn rồi với tay sang chai rượu, mở nút và uống luôn trong chai. Rượu và nước mắt tràn ra hai bên gò má, chảy xuống bờ vai rũ rượi tóc đang rung lên bần bật.

“Ờ thì khinh đi, ờ thì khinh này, không có tiền gái này đi làm thì bố với em làm sao hả, làm sao hả?”.

Cô ta gục đầu lên chai rượu đang nghiêng ngả.

“Ờ cái kiếp thân làng biển, khổ rồi cứ bắt người ta khổ mãi. Gái này không làm được, tiền nào chả là tiền”.

Chợt cô ta trừng mắt nhổm người đậy, nôn thốc nôn tháo lên cả chiếc bàn. Xuyên nhảy ngay ra khỏi ghế.

 “Đi thôi”. Xuyên nói to.

Tôi tần ngần rồi cũng đứng dậy sau khi đặt lên bàn số tiền theo bảng giá trên tường. Ông chủ quán đã biến đi đâu mất.

“Các người cũng khinh tôi hả, đi đi, cút đi, đi mà nói với mẹ tôi con này đáng khinh!”. Cô gái gục mặt xuống bàn khóc nức nở. Khi tôi bước ngang qua, cô ta níu lấy cánh tay tôi. Cô gái ngước nhìn lên, nước mắt làm matcara chảy lem nhem thành từng vệt.

“Nói với mẹ tôi, ba và em yếu lắm, để tôi cho tiền. Tôi có nhiều tiền. Tiền nào cũng là tiền...”.

“ Ừ, được rồi, được rồi...”. Tôi trả lời và cố gỡ tay cô ta ra khỏi. Chúng tôi đi ra xe, còn nghe tiếng cô gái khóc lóc phía sau.

“Nghề biển cực lắm mẹ ơi! Tiền nào cũng là tiền. Khinh à. Cực lắm...”.

“ Đi!”. Xuyên bỏ điện thoai vào cốp xe, ném cho tôi cái mũ bảo hiểm rồi nổ máy.

Chúng tôi chạy xe trên con đường vòng cung uốn theo bờ biển. Xuyên khòm người co ro phía trước để tránh gió. Gió thổi bạt vào tai tôi mặn rát hơi nước lẫn vị muối. Biển đục nhờ, sóng gần bờ bị gió dập mạnh cuộn theo cả lớp cát dưới đáy bùng lên phía trên, táp sủi lên dải kè bê tông lổn nhổn những ụ chắn sóng, vỡ tan rồi dãn lùi về biển trước khi quay trở lại kéo theo bao nhiêu rềnh rác, vỏ chai, ống nhựa. Những cành cây trên lối đi bị gió thổi nghiêng ngả rà sát vào xe chúng tôi khi đang chạy trên đường. Dãy hàng quán đóng cửa im lìm như những hộp tôn, đập rào rạo trước mỗi đợt gió ùa tới.

Chúng tôi lao như bay đến lối rẽ trước mặt. Một trận lốc bụi ào tới cuốn theo lá khô và rác rưởi ném vào mặt Xuyên.

“Mẹ nó! Ngày đen đủi quá!”. Xuyên kéo khẩu trang xuống phun bãi nước bọt lẫn theo vụn nhựa xuống đất. Hắn kéo cái kính mũ xuống cho khỏi bụi nhưng đường đi quá mờ mịt làm hắn lại đỡ nó lên. Mưa bắt đầu rơi. Những hạt nước ban đầu đâm xiết qua vạt áo chúng tôi rát buốt.

“Nhanh lên!”. Tôi nói.

Chiếc xe vút đi.

“Đúng là một ngày đen đủi”, tôi lẩm bẩm.

“Chẳng có gì thú vị hết”. Xuyên đồng tình.

Mưa bắt đầu rơi xuống như trút, ào ào và đâm xiết vào người như có ai ném đá. Mưa trắng đục trời. Mưa tối tăm mặt mũi. Biển lúc này đã biến mất trong màn mưa, chỉ còn tiếng gió gầm gừ và sóng đập ậm ào vào bờ đá. Chiếc xe máy chòng chành trong mưa.

“Một ngày tệ hại”. Tôi thì thầm, tiếng nói lẫn vào làn nước chảy trên môi rơi xuống cổ.

Hai cái bóng đen chìm vào màn mưa mịt mùng.      

Bài viết liên quan

Xem thêm
Bến nguyện – Truyện ngắn của Ninh Giang Thu Cúc
Bước chậm chậm, Dã Quỳ để mặc cho làn mưa bụi hắt vào mặt những sợi nước li ti mát lạnh, gió xuân mơn man vuốt nhẹ từng lọn tóc thả hững hờ trên đôi vai tròn trịa, chiếc áo dài bằng lụa màu tím than ôm sít sao dáng vóc gợi cảm của người thiếu phụ.
Xem thêm
Quy cố hương - truyện ngắn Châu Đăng Khoa
Để anh nhớ xem. Mẹ vẫn gọi là loài trên cạn em à. Tín hiệu mẹ cài trong đầu mình đó, em tìm lại xem. Gọi gì cũng được, mình cứ gọi theo tổ tiên thôi.
Xem thêm
Người của buôn làng - truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Rút từ tập truyện ngắn GIẢI NOBEL THỨ BẢY của tác giả.
Xem thêm
Cô bé có đôi bàn tay kỳ diệu
Nguồn: Mẹ - tập truyện ngắn của Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Công an nhân dân, in năm 1997; trang 221.
Xem thêm
“Ông Ba Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
“ÔngBa Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
Xem thêm
Những trang sách cũ
Mẹ tôi kể là trong ngày sinh nhật đầu tiên, gia đình đã bày trước mắt tôi một cây bút, một quyển sách, một tờ giấy bạc, một chiếc hàn thử biểu và một cái muổng gỗ dùng để nấu ăn. Chọn thứ nào sẽ là dự báo tương lai cho cuộc đời tôi.
Xem thêm
Làng Nủ thân thương
Tác giả Bỉ Hao tên thật là Nguyễn Phúc Bảo Huy sinh năm 2007 (17 tuổi), tại Đăk Lăk. Hiện đang là học sinh Trường Trung học phổ thông Krông Bông. Em viết truyện ngắn, bút ký, tản văn và cả sáng tác thơ. Có thể nói các tác phẩm của em đang được ví như một viên ngọc nhỏ thô sơ còn cần thời gian gọt dũa, mài sáng, nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới, khi ở tuổi trưởng thành, em sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Văn chương TP.HCM trân trọng giới thiệu tản văn Làng Nủ thân của Bỉ Hao đến với bạn đọc.
Xem thêm
Bạn cấp ba – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Phúc
Phòng đã tắt hết đèn, ánh sáng từ điện thoại chiếu vào mặt tôi, hắt sáng tạo thành cái bóng hình đầu người in trên tường. Đây! “Carl Jung” của tôi đây rồi, tôi cười như một thằng dở người giữa buổi tối tĩnh mịch, hiu hiu gió và tiếng ve hở chút lại réo lên.
Xem thêm
Những ngày nông nỗi - Truyện ngắn Thúy Dung
Con tàu to lớn cập bến Sầm Sơn, (nay là cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa), bước chân lên đất liền, Hiệp quá mệt mõi vì hành trình hơn một tuần lễ trên biển. Mặc dù chiếc tàu của Ba Lan rất to lớn nhưng lần đầu tiên ra biển quả là chới với, chưa hết hồi hộp. Cái cảnh tàu chồng chành, khi nó nghiêng bên phải, cả bạn con gái lăn qua, khi nghiêng bên trái, bọn con trai bị lăn lại thì say sóng là điều không tránh khỏi. Thậm chí, có vài em nhỏ sức yếu, không sống nổi khi lên được bờ.
Xem thêm
Đường vòng - Truyện ngắn
Nguồn: Để sống bình yên – tác giả Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Phụ nữ
Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm