- Truyện
- Bụi cộm mắt người || Truyện ngắn Ngọc Miên
Bụi cộm mắt người || Truyện ngắn Ngọc Miên
NGỌC MIÊN
Má gọi điện lúc nó rẽ qua khúc cua thứ sáu. Áp tai vô điện thoại, mắt ngó nghiêng đề phòng bị giựt, nó thấy hình như có một luồng gió lạnh thổi qua. Nắng chan chát trên đầu nhưng lạ lùng thay, nó thấy lạnh. Nó nghe tiếng má rất nhỏ, sắp chìm trong tiếng xe cộ trên đường “Về nhà liền nghen con”.
Cơn lạnh theo nó về nhà. Cây bàng ở đầu hẻm rùng mình, mấy chiếc lá mệt nhoài chới với ngã xuống. Má ngồi chờ nó trong nhà, khuôn mặt phủ một lớp sương. Nó hoảng hốt:
- Có chuyện gì vậy má?
- Cha con... mất rồi.
Vậy sao, cha mất rồi sao?
Nhưng, liên quan gì tới nó?
Định nói vậy nhưng nó kịp dừng lại, thắt lòng nhìn gương mặt má già đi cả chục tuổi trong vòng mấy tiếng đồng hồ. Má biểu nó xin nghỉ học vài bữa, về ngoải. Đồ đạc má chuẩn bị hết rồi. Thì về. Nhưng phải báo cho ba biết, lỡ ba không nói không rằng, vô thăm đúng lúc má con đóng cửa về ngoải, cực cho ba.
Chỉ có tiếng ò í e trả lời cuộc gọi. Ba đang làm gì vậy ta? Má thảng thốt khi nghe nó hỏi. Đừng... Đừng gọi nữa con! Có cái gì đó tắc nghẹn. Nó không hiểu, không hiểu nổi. Sao má nó thành ra như vầy? Gần hai chục năm rồi chớ ít gì.
Trong mắt ổng, má con mày chỉ như hai cái lá rụng bên đường, không hơn!
Câu này dì Hạnh thường đay đi đay lại lúc ngồi gác chân lên ghế, nhả ra từng vòng khói. Rồi dì bồi tiếp câu nữa trong lúc nó ho sặc sụa “Hổng hiểu sao má mày thương ổng tới chết đi sống lại”. Má nó, hoặc thả cái nhìn tới chỗ nào đó xa thiệt xa, hoặc lấy khăn miết đi miết lại mặt bàn đã lên nước bóng rạnh “Chuyện cũ, nhắc làm gì”.
*
Đoàn tàu xé màn đêm, đưa người đàn bà có đôi mắt buồn thiệt buồn cùng đứa con trai trở về nơi xa lắc. Nơi đó từng có một cái quán bên sông với những căn phòng ngộp mùi thuốc lá, ngập mùi bia. Từ những căn phòng bay ra tiếng cười con gái. Thiếu ngủ, mệt ngất ngư vẫn ráng cười. Say chao đảo vẫn ráng cười, cho đến khi khách dúi tiền vô tay hoặc nhét vô chỗ nào đó mà họ thấy thuận tiện.
Người đàn bà có đôi mắt đẹp và buồn đã chôn tuổi mười chín hai mươi của mình tại cái quán này, sau khi bứt ra khỏi ngôi nhà liêu xiêu trong gió chướng, ôm giỏ xách bươn theo cô bạn cùng ấp đi hai chặng xe ngót hai ngày. Có người mới, lại đẹp, quán bên sông như cục nam châm hút đàn ông. Mùi thuốc lá mùi bia bám dính trên da, khuya về phòng trọ kỳ cọ cỡ nào cũng không hết được. Có những hôm quán trống, gió thông thốc lùa vô. Cô gái ngồi nhìn dòng nước mải miết đi về phía biển, nhớ nhà, nhớ quê, nghĩ biết chừng nào mình ra khỏi chỗ này!
Ngày nọ, có ông khách cao ráo, mặt mũi sáng sủa bước vô quán.
Hồi đó, khi cái điện thoại di động cục gạch là ước mơ của nhiều người, trong túi ổng đã có một cái. Hồi đó mỗi khi gọi điện, người ta thường nói ngắn gọn rồi cúp máy, nếu không muốn cuối tháng xây xẩm nhìn vô hóa đơn. Nhưng ổng thì gọi cả chục phút lúc khuya lắc khuya lơ, chỉ để nói chuyện trên trời dưới đất. Bà chủ đi qua đi lại, nói bộ mày không sợ cái ống nghe nó bốc cháy hả? Càm ràm vậy thôi chớ bả đâu dám nói căng, ổng là khách sộp mà.
Cô gái đem lòng thương, không phải vì ổng là khách sộp, cũng không phải sau những lần dốc ngược ly cho đến ngả nghiêng, ổng dúi tiền vô tay cô nhiều tiền hơn những người khác. Thương vì ngay trong lần thứ hai cô tới ngồi sát bên ổng, rót bia, ổng hỏi sao mà em lưu lạc ra đây, ba má em còn không, nhà đông anh em không, một tháng em gởi về nhà bao nhiêu tiền? Những câu hỏi làm nước mắt rớt xuống tay cái độp, nhưng cô gái thấy lòng thiệt ấm. Rồi khi mùa mưa ào tới ở nơi xa tít tắp, ổng hỏi nhà em trong đó có dột không, có cần anh giúp gì không?
Ngày nọ, lúc đã ngà ngà, ổng ghé vô tai cô, thầm thì: Nhà ba má anh ở bên kia sông, vườn rộng lắm. Em có muốn về đó trồng rau nuôi gà không? Sau phút sững sờ, sau khi tin chắc là mình không nghe lộn, cô gái gật đầu cái rụp, sung sướng tới mức tưởng mình sắp bay lên khỏi mặt đất.
Người đàn ông thuê một căn nhà nhỏ ở ngoại ô, phía sau có mấy bụi tre rồi tới đám ruộng. Cô gái thoát khỏi những căn phòng ngập bia và thuốc lá, đi học nghề. Ngày nào cô cũng xin chị thợ dạy may cho về sớm một chút. Khi người đàn ông tan sở và đặt chân lên mấy bậc thềm, mâm cơm nóng hổi liền được dọn ra. Cô gái xới cơm cho người đàn ông, gắp cá gắp thịt đặt vô chén người đàn ông, cảm thấy mình may mắn nhất trái đất.
Nhưng không bao giờ cô có thể chạm tay vô hàng rào lưới B40 bao quanh khu vườn mà người đàn ông từng nhắc đến, nói chi tới chuyện trồng rau nuôi gà. Không rõ bằng cách nào, bà mẹ ở bên kia sông biết đứa con trai cả nhà kỳ vọng lại dính vô con nhỏ làm cái nghề mà ai cũng khinh. Bà mẹ lên tăng xông, đòi chết đòi sống. Rồi bà khẩn cấp tới gặp ông giám đốc, cũng là người bà con, nói thằng con dì bị bùa mê thuốc lú. Mày phải giúp dì, phân tích thiệt hơn cho nó thấy, nói nó đừng để xóm làng, cơ quan, dòng họ cười thúi mũi. Còn tương lai của nó nữa chớ.
Sự hợp sức của bà mẹ ở nhà với ông sếp ở cơ quan cộng thêm những người thân cận đã mang lại kết quả. Người đàn ông dù thương cô gái thiệt lòng thiệt dạ nhưng khi nghe hết người này đến người kia nói tới nói lui, thấy à à cũng đúng, mình sẽ gặp bất lợi biết bao nếu lấy Mắt đẹp làm vợ.
Mắt đẹp không buồn nhiều, dù chẳng được dẫn về nhà ra mắt, dù cái đám cưới mà cô mơ ước, chưa tới mà đã xa thiệt xa. Sau những ngày mệt mỏi, bụng dạ cứ cuộn lên từng đợt mỗi khi bước chân vô hàng cá trong chợ, Mắt đẹp đi khám. Rồi cô không nhớ mình về nhà trọ bằng cách nào, sau khi nghe bác sĩ nói cái thai đã hơn 3 tháng. Mừng quá mừng, đầu óc lú lẫn luôn.
Người đàn bà trẻ nấu bữa cơm thiệt ngon, chờ người đàn ông đi làm về để báo cái tin vô cùng quan trọng. Thiệt hông? Thiệt hả? Người đàn ông kêu lên, trong mắt có một khoảng tối.
*
Đêm vỡ ra theo tiếng bánh sắt rập rình. Những trận gió mải mê thốc tới, quăng quật trên nóc toa tàu, rít lên bên ngoài lớp cửa kính đã đóng chặt.
Nó không ngủ được, kéo cái mền lên tới cằm mà vẫn thấy lạnh. Cái lạnh từ máy điều hòa phả ra rì rì, và cái lạnh sâu tận bên trong. Nó cố lục lọi ký ức, tuyệt nhiên không tìm thấy một ánh mắt, một nét cười nào của cha, cũng không thể hình dung khuôn mặt cha dài ngắn ra sao, tóc có còn đen hay đã bạc. Nói chung là nó không có hình ảnh nào về người đã sinh thành ra nó. Cho nên khi hay tin cha qua đời, lòng nó lạnh băng. Thử hỏi có đáng buồn hay không?
Dì Hạnh - người ở cùng ấp, làm cùng chỗ với má ngày trước - kể rằng ngày cha cưới vợ, má bồng nó đứng nép sau gốc cây xà cừ ở phía bên kia đường, dõi mắt vô nhà hàng tiệc cưới. Từ chỗ gốc cây đó, cách con đường thiệt đẹp ở giữa có một hàng bằng lăng tím đến nhức mắt, rồi cách một khoảng sân rộng là nhà hàng sang xịn nhứt phố lúc bấy giờ. Người đàn ông của má nó đứng trước cổng hoa, mặc bộ đồ vest lịch lãm, trên túi dắt một bông hoa như đốm lửa. Đứng sát bên khoác tay cha, dĩ nhiên không phải má nó mà là một người đàn bà trẻ mặc xoa-rê đỏ, lộng lẫy như bà hoàng. Chú rể cô dâu tươi cười đón khách, tươi cười chụp ảnh. Má nó bồng nó, chôn chân bên cây xà cừ. Má nó nghĩ hoài nghĩ miết, sao người đàn bà mặc áo cưới kia không phải là mình? Má đứng đó như bị trời đày cho tới khi cô dâu chú rể khoác tay khuất vô bên trong.
Đó, chuyện về cha nó, sâu đậm nhứt, cũng chỉ bấy nhiêu đó. Mà ký ức mượn từ dì Hạnh. Lúc đó nó mới hai tuổi, làm sao biết được cái đám cưới rình rang đã mở ra con đường thênh thang cho hai nhân vật chính. Trên con đường thênh thang đó, má con nó bị hất qua một bên.
Má mày ngu nhất trần trời, ổng đã quay lưng mà vẫn tin sái cổ. Thì ảnh nói sớm hay muộn cũng phải lấy vợ cho cha mẹ yên lòng, người vợ này sẽ giúp ích cho công việc của ảnh. Nhưng ảnh thương hai mẹ con, sẽ lo cho hai mẹ con. Ảnh hứa vậy mà. Má nó không tin người đàn ông của mình (bây giờ là người đàn ông một-nửa-của-mình), cha của con mình, thì tin ai?
À quên, nó có một kỷ niệm về cha. Nhưng kỳ cục chưa, cái kỷ niệm như một đốm lửa leo lét, buồn thiu đó không đủ sức làm ấm nó mỗi khi nghĩ đến người đã đưa nó đến với cuộc đời này, trái lại khoét thành một vết thương mỗi khi nhớ. Giờ nghe tin cha mất, thấy hơi giống giống như nghe tin về ông hàng xóm đã mấy chục năm không gặp. Thiếu cái là không hụi hử, hỏi ủa sao mất vậy, năm nay ổng được bao nhiêu rồi? Mà thiệt tình, cha bao nhiêu tuổi, nó cũng không rõ. Thử hỏi có đáng buồn không?
Nó trăn qua trở lại rồi xem đồng hồ. Mới hơn 2 giờ sáng. Chiều hôm qua, sau khi gọi mấy lần không được, nó gởi một tin nhắn ngắn gọn, theo kiểu mà nó và ba thi thoảng nhắn với nhau “Bạn ơi”. Tiếng gọi lửng lơ đó, tới giờ ba vẫn chưa trả lời.
*
Tờ mờ sáng, tàu qua Tu Bông. Gió hú từng cơn khiến người đàn bà nổi da gà. Chị loạng choạng trở về một buổi chiều đầy gió gần hai chục năm trước.
Ngót một tháng, người đàn ông mới về ăn cơm với hai mẹ con. Công việc ngập đầu, mấy cái dự án cứ xịch đụi, ảnh than vậy. Người đàn bà gắp cá gắp thịt đặt vô chén người đàn ông, giống như hồi trước. “Anh giữ sức khỏe. Đợt trước anh bị đau bao tử, nhớ hông?”, chị nhắc rồi khẽ cười. “Má con em ổn. Đợt này người ta đặt hàng nhiều, em làm suốt, cũng vui”. “Làm ít thôi, cần gì cứ nói với anh. Nhưng mà đừng có gọi điện. Bả canh dữ lắm, mệt mỏi”. Người đàn bà len lén nhìn chiếc nhẫn cưới bằng vàng, sáng đến nhức mắt trên ngón tay áp út của người đàn ông, nhỏ giọng: “Dạ”.
Ngoài cửa sổ, gió xao xác thổi. Trên bụi tre phía sau nhà, con chim bắt cô trói cột cất tiếng kêu.
Người đàn ông khẽ cau mày:
-Con gì kêu nghe ghê quá!
Người đàn bà mỉm cười:
- Con chim bắt cô trói cột đó anh, nó kêu y chang tiếng người. Hổng biết nó từ đâu tới, đợt trước không có.
- Nó kêu ghê vậy mà em không sợ hả?
- Hồi đầu nghe cũng sợ, riết rồi quen. Nghe nói con chim này cũng có tích có tuồng, do lòng tham của con người mà có kết cục buồn thảm...
Gió rượt đuổi trên mái nhà. Nhánh cây trứng cá bên chái sà xuống, quẹt qua quẹt lại rột rẹt. Gió khép hờ cánh cửa. Người đàn ông ngước nhìn lên: “Em tìm chỗ nào tươm tất một chút, đừng lo tốn tiền. Anh không muốn nghe con chim kêu. Với lại, hình như bả đang theo dõi...”.
Một tiếng “rầm” vang lên chát chúa. Thằng nhỏ giựt mình thả rớt chén cơm. Người đàn bà trẻ, ăn mặc sành điệu hiện ra trên bậc cửa, mang theo trận cuồng phong. Thì ra anh tí tởn ở đây mà dám nói là đi tiếp khách!
Chị bàng hoàng. Không có xoa-rê đỏ, không có hoa cài trên tóc, không có lớp trang điểm kỹ lưỡng trên gương mặt sắc sảo, nhưng chị lập tức nhận ra. Trong lúc chị chưa biết nói sao thì người đàn bà trẻ quay sang, tung ra một cú đấm bằng lời: “Con đĩ giựt chồng, muốn tao rạch mặt mày phải hông?”.
Chị trân trối nhìn tình địch, nghẹt thở. Ôm con vào lòng, chị quay sang người đàn ông một-nửa-của-mình, cầu cứu.
Sau phút sững sờ, người đàn ông vội chạy đến bên cạnh bà vợ danh chính ngôn thuận đang lên cơn cuồng nộ: “Bình tĩnh đi em. Ngồi xuống đi em. Có gì từ từ nói”.
Đáp lại những lời năn nỉ là tiếng tô chén đũa muỗng văng lổn rổn ra ngoài cửa. Giờ anh muốn nói gì? Rất nhanh chóng, những khán giả đầu tiên xuất hiện. Đoán là sẽ được thưởng thức hồi gay cấn nhất trong vở bi hài kịch mang tên chuyện ba người, họ nôn nóng chạy tới, có người không kịp mang dép. Bà vợ thấy mình có thêm đồng minh.
- Mấy người vô nhìn cho kỹ đi. Biết nó làm nghề gì hông?
- Thôi đủ rồi!
Người đàn ông hét lên, mặt đanh lại, cắt đứt màn công bố lý lịch đầy độc ác của vợ. “Muốn gì, về nhà rồi nói”. Người đàn ông túm lấy tay vợ, kéo ra khỏi cửa.
Thằng con òa khóc, vùng chạy theo kêu ba ba. Nhưng ba nó không quay lại. Chị hoảng hốt nhào theo, ôm chặt con trong lòng. Nước mắt chị xối lên tóc thằng nhỏ.
Mấy người hàng xóm tản ra, ai về nhà nấy.
Chung quanh chị, chỉ còn tiếng con chim bắt cô trói cột kêu thảm thiết.
Hôm sau chị nghỉ đi may, trốn trong nhà. Chị sợ ánh mắt của những người trong xóm đuổi theo sau lưng “con nhỏ giựt chồng”. Hạnh tới chơi, biết chuyện. Nó thở dài: Tao tưởng ổng đưa mày ra khỏi đám bùn, rốt cuộc lại xô mày xuống cái hố khác.
Chị cười, mắt ngân ngấn nước: Tao lời mà. Không có ảnh, làm sao tao có thằng con. Không có ảnh, giờ tao còn làm chỗ gác tay cho thiên hạ. Nói đến đây, chị biết mình lỡ lời. Hạnh vẫn còn ở quán. Hạnh nói ráng kiếm tiền, ráng dành dụm có chút vốn liếng rồi tính đường buôn bán làm ăn.
Chị cũng phải tính cho con. Với chị bây giờ, thằng nhỏ quan trọng hơn hết thảy. Quan trọng hơn người đàn ông mà chị đã đem lòng yêu thương và đặt cược cuộc đời mình. Quan trọng hơn trái tim tơi tả vì đau nhưng vẫn cứ đập rộn ràng mỗi khi nghe tiếng xe thân thuộc. Ừ, chị phải tính cho con.
Mười năm, hai mươi năm sau, chị vẫn nhớ hoài buổi sáng đó. Nam cồ quăng mình ào ạt trên những tàng cây. Nắng rát da dù mặt trời vừa lên hơn một cây sào. Trên đầu, trời xanh bằn bặt.
Chị dặn ông xe ôm chở hai mẹ con vòng qua nhà hàng tiệc cưới. Đi ngang thôi chớ đừng có dừng lại làm gì. Đi ngang qua thôi, để chị nhìn vô và lại thấy rõ mồn một chiếc cổng hoa rực rỡ, thấy tân lang tân nương tay trong tay, để mà chắc chắn một điều rằng cô dâu mặc xoa-rê đỏ chói kia không phải chị, không bao giờ có thể là chị!
Xe ôm chầm chậm đi ngang qua nhà hàng tiệc cưới. Bằng lăng tím nhức một khoảng trời.
Chiếc xe thả hai má con xuống sân ga. Chị tay dắt thằng nhỏ, tay xách cái túi bự chảng, vừa đi vừa đưa mắt nhìn xung quanh, xem thử người đàn ông một-nửa-của-mình liệu có tới. Ngồi xuống ghế đợi tàu, vài phút chị lại đưa mắt nhìn xung quanh. Từng gương mặt lướt qua, lạnh lẽo, xa lạ. Chị cứ nhìn, cứ đợi cho tới khi Hạnh hộc tốc chạy tới, nói tao sợ cảnh đưa tiễn lắm luôn, cho nên mày đừng có khóc nghen. Thôi bỏ hết đi, quên hết đi, làm lại từ đầu. Đoàn tàu rùng rùng vô ga. Chị bồng con, bước lên bậc thang bằng sắt, ngoái đầu nhìn lại. Hạnh đứng ở dưới, huơ huơ tay, cười méo xẹo. Gió thông thốc thổi. Một hồi còi nấc lên.
*
Sau khi xé bóng tối trong đường hầm xuyên qua núi, đoàn tàu chậm rãi men theo những ghềnh đá rập rờn sóng vỗ. Má lắc lắc chân nó, kêu dậy đi con, sắp tới rồi. Nó dụi mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, ngỡ ngàng trước màu xanh thăm thẳm của biển trời. Sực nhớ, nó lật đật mở điện thoại. Ba vẫn chưa trả lời tin nhắn từ hôm qua.
Cầm chai nước và cái bót đi đánh răng, trong đầu nó túa ra một mớ câu hỏi. Nó thấy bất an quá chừng mà không dám nói với má. Nó cũng không hiểu tại sao đã xa gần hai chục năm mà má vẫn cạn kiệt sức lực trước cái chết của người nó gọi là cha.
Người ta nói trẻ nhỏ mau quên. Cớ gì thằng nhỏ bốn tuổi cứ nhớ hoài nhớ miết cái buổi chiều cha nó rời khỏi nhà, bước qua mâm cơm bị hất đổ. Nó chạy theo vừa khóc vừa kêu ba ba nhưng cha không một lần quay lại. Có phải vì cha không quay lại nên từ đó, khuôn mặt cha mờ mịt trong tâm trí nó. Nhưng cái cảnh cha rời khỏi nhà trong buổi chiều ầm ĩ thì nó nhớ hoài mới chết. Đó, kỷ niệm về cha chỉ có bao nhiêu đó thôi.
Nhưng với ba thì có rất nhiều. Nó đụng phải ba trong một ngày đạp xe về nhà sớm hơn thường lệ vì được nghỉ hai tiết cuối. Má đi đâu mất, trong phòng khách lù lù một người đàn ông tóc muối tiêu khoanh tay ngắm bức ảnh chụp hai má con. Ngắm say sưa tới mức không nghe tiếng chân bước lên thềm. “Ủa... bác là...?”. Người đàn ông giật mình quay lại, hình như có chút lo lắng. “Chào Hoài (gọi đúng tên nó luôn). Bác... bác là bạn của má cháu”. Ánh mắt trìu mến mang đến cho nó cảm giác tin tưởng. “Hình như cháu đã gặp bác ở đâu rồi, thấy quen quen”. “Ờ đúng đúng, gặp hồi lâu lắm rồi. Bác thứ ba, cứ kêu là bác ba, nghen”.
Từ đó, mỗi khi đi công tác, bác ghé thăm má con nó. Bác là bạn của má nhưng hay nói chuyện với nó, chơi với nó. Bác hỏi nó sau này lớn lên muốn làm gì? Bác nói con thích môn năng khiếu nào thì cứ học, bác hỗ trợ. Bác còn lấy xe máy chở nó đi học nữa chớ, vừa đi vừa hỏi ở trường có đứa nào ăn hiếp con không? Bác mua cho nó cây đờn guitar, nói con trai nên tập chơi đờn, sau khi học hành căng thẳng thì thư giãn. Với lại tụi con gái rất thích con trai biết chơi đờn. Má đang nấu ăn trong bếp, nghe vậy quay lại rầy: Thằng nhỏ mới học lớp chín, cứ nói tầm bậy tầm bạ. Hai bác cháu cười khúc khích. Má nó cũng cười, mắt lấp lánh. Nó nghĩ chắc bác thương má lắm nên mới tốt với nó quá chừng.
Mùa khô rồi mùa mưa nối nhau đi qua. Cây bàng ở đầu con hẻm đã mấy lần thay lá. Nó âm thầm chấp nhận bác ba như một thành viên trong gia đình, dù chẳng biết gì về gia cảnh của bác. Có sao đâu, miễn má vui là được! Má khổ nhiều rồi.
Hình như bác ba muốn tiến tới với má hay sao đó. Nó đoán vậy, vì có lần bác làm như tình cờ, hỏi: “Lâu nay con có nghe tin tức gì của ba con không? Có định về gặp ba con không?”. Đang vui, nó sầm mặt: “Con gặp ổng để làm gì?”. Bác ba bật ra mấy tiếng ho khan. Trong bếp, má làm rớt vá múc canh kêu cái rổn.
Bác ba tốt tính nhưng cũng bao đồng. Có lần, hai bác cháu nằm trên sofa coi TV. Lựa lúc nó đang vui, bác rủ rỉ: “Đừng giận ba con nữa, được không con? Ai cũng có nỗi khổ riêng”. Nó cười nhẹ: “Giận làm gì. Chỉ là ổng không cần con nên con cũng không cần ổng. Mà phải chi...”. Nó bỏ lửng câu nói. Rồi, nhìn gương mặt như phủ một lớp sương mờ, nó ngập ngừng đề nghị: “Hay là... hay là... con kêu bác bằng ba, nghen?”.
Bác ba nhìn nó. Sâu trong đáy mắt, nó thấy bác vừa mừng vừa có điều gì đó rất khó tả. Bác ôm riết nó, hay tay run run. Má từ trong phòng đi ra, vừa cười vừa quệt nước mắt.
Từ đó, bác ba trở thành ba, thành người bạn đặc biệt của nó.
Nhưng mà lúc này, lòng nó đang bời bời gió thổi, khi nó cần thì ba đang ở đâu?
*
Dì Hạnh đón má con nó tại sân ga bằng chiếc taxi của dì. Chèn ơi, mấy năm rồi mới gặp. Đúng là sinh viên có khác. Dì ôm nó, nhắc lại lần đưa con gái dì vô Sài Gòn khám bệnh, ở lại chơi với hai mẹ con nó mấy ngày. Rồi dì chép miệng: “Nghĩ cũng thiệt tội. Nghe nói mấy ngày trước ổng còn phát biểu trên truyền hình. Sao mà đường đột quá!”. Dì đang nói về một người đàn ông thành đạt và giàu có, vừa qua đời sau cơn đau tim. Chính là cha nó.
Má ngồi xiết chặt hai tay, nhìn phố xá loang loáng lùi lại phía sau, mắt ầng ậc nước. Nó tưởng má thương bác ba, coi lại không phải. Má vẫn còn thương cha. Chi cho khổ vậy, má ơi!
Chiếc taxi dừng ở đầu đường, phía trước ngôi biệt thự đồ sộ, lạnh lẽo. Những lá cờ đuôi nheo hai màu đen trắng rũ xuống như mái tóc góa phụ. Tiếng trống, tiếng kèn bát âm nức nở. Từ trong sâu thẳm, có điều gì đó dội lên. Bên trong ngôi nhà đồ sộ kia là cha - người đã cho nó hình hài. Bao năm qua, nó không biết cha sống ra sao, có vui không, có bình an không, có còn nhớ đến mẹ con nó hay không. Cha cũng không biết nó lớn lên như thế nào, vô đại học ra sao, đã cầm tay cô gái nào chưa. Cha và con trai, lẽ thường có biết bao nhiêu chuyện để nói, để kể. Cha và nó, bằn bặt gần hai chục năm trời. Rồi cứ vậy mà cha đi, được đành!
Dì Hạnh hộ tống hai mẹ con tới ngôi biệt thự lạnh ngắt. Dì nói nghĩa tử là nghĩa tận, với lại có hàng chục hàng trăm cặp mắt, bà kia không dám gây khó dễ đâu. Tiếng trống làm tai nó ù ù. Má đi bên cạnh, như chiếc lá sắp tả. Tay má lạnh ngắt. Má níu nó dừng lại, lẩy bẩy: “Hoài ơi, dù có... có chuyện gì xảy ra, cũng phải mạnh mẽ, nghen con!”. Tiếng của má nghèn nghẹn trôi trong tiếng nhạc bát âm. Trống bùng bùng, như tiếng đập trong lồng ngực nó.
Trong bộ đồ tang trắng toát, bà chủ ngôi biệt thự bệ vệ đang nói chuyện với khách, chợt ngừng bặt. Đôi mắt bà ta mở to hết cỡ, dán chặt vô má nó rồi quét sang nó. Ngay lập tức, máu rút khỏi khuôn mặt ngân ngấn mỡ còn bên trong đôi mắt của loài rắn, ngọn lửa thù nghịch bùng lên. Nhưng rồi rất nhanh, bà ta đảo mắt khắp chung quanh, hai tay vịn mép bàn, từ từ ngồi xuống. Đứa con trai nhỏ hơn nó ngồi bên cạnh, cũng mặc đồ tang, cảm thấy có gì đó bất thường, ngước lên nhìn...
Má con nó chậm rãi bước qua ánh mắt thù nghịch của chủ nhà, tới gần bàn thờ. Nó cúi xuống tháo giày rồi nghiêm cẩn đón lấy cây nhang từ một người quấn khăn tang trao cho. Nâng cây nhang, nó nhìn vô bàn thờ vong, bàng hoàng. Trong di ảnh, một người đàn ông tóc hoa râm nhìn nó, mỉm cười. Đó là nụ cười xiết bao thân thuộc.
Nụ cười của ba!
Đứng bên cạnh con, má nó cố kiềm tiếng nấc.
Dàn bát âm tấu lên khúc nhạc nghẹn ngào.
*
Hôm đó, những người đến nhà sếp bà phụ giúp việc tang thấy một cậu trai cứ ngồi miết bên quan tài. Nó lau sạch sáp đèn cầy cháy rụng, chỉnh mấy cành bông huệ trắng sao cho ngay ngắn. Nó ngồi mọc rễ từ trưa cho tới tận đêm, mặc bao ánh mắt hiếu kỳ, dò xét, mặc cho người đàn bà có gương mặt ngân ngấn mỡ đi qua đi lại, nhìn nó bằng đôi mắt của loài rắn.
Nó nhớ, một hôm nào đó, lâu rồi, ba nói rằng trong cuộc đời mình, ba mắc phải sai lầm khủng khiếp. Ba đã đổi một tấm chân tình để lấy những thứ phù phiếm, có đó rồi mất đó.
Giờ thì con hiểu rồi, ba ơi. Từng đó năm ba sống trong ân hận, và tìm cách sửa chữa sai lầm. Rất nhiều năm, con đã có ba mà không hề hay biết!
Con cũng đã sai rồi, ba ơi...
Đêm đó trời lặng gió. Cây đèn cầy nhỏ những giọt lệ đỏ nhói xuống nắp quan tài.
Mẹ của cha nó từ bên kia sông lập cập trở qua. Và, bất chấp sự phản đối của người đàn bà có gương mặt ngân ngấn mỡ, bà nội xé cho nó một mảnh khăn trắng.
Lúc mảnh khăn ghi đầy đủ họ tên nó được quấn lên đầu, trời vẫn lặng gió. Vậy mà ba cây nhang vừa mới thắp đột nhiên phụt cháy. Bà nội bật khóc, còn người đàn bà kia kinh hãi rú lên. Đứa con rơi đăm đắm nhìn ngọn lửa xòe bung trên lư hương, tin rằng rốt cuộc thì ba nó cũng bỏ hết những buồn đau để về với trời xanh mây trắng.
Nguồn: Tc Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số 76, ngày 01/6/2023.