TIN TỨC
  • Truyện
  • Cái quạt của thằng bờm | Truyện ngắn dự thi của Quang Nguyên

Cái quạt của thằng bờm | Truyện ngắn dự thi của Quang Nguyên

Người đăng : vctphcm
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
640 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

Lũy tre làng rì rào, truyền khẩu trong gió bao nhiêu câu chuyện nhỏ to trong làng từ nhiều đời nay. Mỗi ngôi làng là một ốc đảo giữa bạt ngàn ruộng lúa, là một “thành trì” của những tín ngưỡng, những phong tục, những gia đình qua các thế hệ… dường như bất khả xâm phạm.

Nhưng đối với những cánh cò bay thẳng cánh, từ ánh mắt của chúng nhìn xuống, ngôi làng cũng chỉ là những điểm nhỏ xíu mong manh hữu hạn. Chỉ duy tiếng rì rào của lũy tre làng là ngôn ngữ chung để chim, cá, rắn… biết rằng nơi đó có những câu chuyện của con người, hẳn nhiên lần này không thể thiếu thông tin mới nhất từ những ngày qua. Gọi đó là một thông tin thực ra không hoàn toàn chính xác, mà đó là một sự kiện diễn ra đột ngột như một tiếng nứt của chum vại và âm ỉ như một cơn địa chấn đang dần dần hình thành trong lòng đất. Vào một buổi chiều nọ, thằng bé Tình đi vào làng, liến thoắng nói với vẻ mặt bâng quơ, rằng nó không thấy cây quạt của Ông “thằng Bờm” đâu nữa, rồi bỏ vào nhà ăn khoai lang, bỏ lại sau lưng những gương mặt ngơ ngác của các cụ ông, cụ bà đang ngồi trên ghế bệt dưới dãy hiên.

Kể ra câu chuyện có đầu có đuôi như sau: Cách đây gần 200 năm, một nhóm những người nông dân mất đất đã gặp nhau tại mảnh đất này, họ đều ly hương và bần cùng, không có gì để mất ngoài sinh mạng, nên tập hợp lại thành một nhóm những người chấp nhận mọi công việc chỉ để có miếng ăn qua ngày. Vào một ngày nọ, có viên tướng dòng dõi vua chúa bị thất trận chạy đến đây, trong hành trang chỉ còn túi gạo nếp là đáng giá. Nhóm nông dân khố rách áo ôm đã tận tụy cứu giúp viên tướng ấy, từ việc chia sẻ những bộ quần áo tơi tả chắp vá lại cho viên tướng mặc vào, cho đến cái quạt mo đen đúa duy nhất của nhóm để viên tướng vừa che bớt gương mặt vừa cắm cúi thổi lửa nhóm bếp nấu cơm khi nhóm quân truy lùng của  kẻ thù hùng hổ kéo qua. Cả nhóm không phân biệt sang giàu, vừa ăn nắm cơm nếp nóng hổi vừa hỉ hả nói chuyện nhân tình thế thái, không đòi hỏi công ơn báo đáp gì.

Sau này, viên tướng công thành danh toại, không quên ơn cứu mạng ấy nên đã ban tặng mảnh đất đẹp sông nước hữu tình cho nhóm nông dân, đồng thời cử một đội quân cờ phướn phất phới đưa đến làng cái hộp sơn son lộng lẫy, bên trong đựng cây quạt nan mới tinh. Cây quạt nan với chất liệu rẻ tiền thông dụng, nhờ con triện đóng vào mà trở thành vật phẩm vô giá, ghi nhận kỷ niệm và mối liên hệ trực tiếp với thân vương vua chúa. Cả nhóm nông dân bỗng chốc từ bần cùng trở thành chủ làng, tự ví mình như những “thằng Bờm” không tham lam, chỉ với bó xôi đã hài lòng vui vẻ, nhờ tâm trong sáng mà đổi đời lên hương. Để ghi nhớ phẩm chất ấy, họ tạc một pho tượng thằng Bờm từ gốc cây trăm tuổi cầm cái quạt nan vua ban được quấn dải lụa đỏ dài tận hai mét cột thật chặt vào tay tượng. Thằng Bờm oai vệ đứng trong sân của miếu thờ thần làng, với cây quạt nan vô giá.

Cùng với thời gian, cái quạt nan trở thành bảo vật của làng, các lứa thanh niên ra đi lập nghiệp đều làm lễ xin chạm vào quạt, và đa số đều thành công trở về, mang tiếng lẫn tiền về làm đường, xây cầu, sửa nhà… cho làng ngày càng đẹp đẽ và thịnh vượng. Do lòng kính cẩn với tượng và quạt, nên các cụ không cho phép những đứa con nít gọi trống không là “thằng Bờm” nữa, mà phải gọi là tượng Ông “thằng Bờm”.

Thế mà, thằng Tình 10 tuổi, chiều hôm ấy đi ngang qua cái miếu thờ thần làng, rồi vào đến giữa làng dửng dưng đưa ra thông báo: Cái quạt của Ông “thằng Bờm” mất đâu rồi, không thấy nữa. Các cụ ông, cụ bà ngồi sững sờ nghe tin báo như nhìn thấy tia chớp trước khi nghe tiếng sấm, sau vài giây mới tỉnh táo bật dậy, hối hả đi đến miếu làng. Quả thật, cái tượng vẫn còn đó, dải lụa dài 2 mét ở bàn tay vẫn còn đó rung rinh rơi xuống chạm đất, còn cái quạt thì đã biến mất. Những ánh mắt nhìn nhau hoảng hốt, những nếp nhăn bỗng sâu hơn vì chứa thêm lo lắng, ai đó run run cất giọng trấn an mọi người: Chắc là quạt không được buộc chặt, gió thổi rơi đâu đó rồi, tìm quanh làng sẽ ra thôi. Ai nấy tìm được lý do thở phào. Nhưng không lâu. Đã vài ngày trôi qua, cái quạt nan cũ kỹ có dấu triện đỏ mờ mờ được ép plastic gần đây vẫn chưa được tìm thấy. Mọi ngóc ngách của làng, từng bụi cây, góc ao hồ, viên đá to nhỏ, kể cả từng cọng cỏ mỏng manh cũng đều đã bị lật nhào tìm kiếm, nhưng vô vọng.

Các cụ tức giận, bắt đầu bàn đến giả thuyết quạt bị làng bên lấy trộm. Nhiều cái tên được đưa ra, nhiều hình phạt được tính đến, nhiều cách xâm nhập vào các làng chung quanh bắt đầu được vạch ra. Không hiểu sao, đúng lúc này, phóng viên lại biết tin, mò tìm về đến tận làng muốn chụp ảnh bảo vật của làng và phỏng vấn cho bài báo số đặc biệt sắp đến. Điều này càng làm các cụ cuống cuồng lo lắng, sợ hãi, không dám nói to mà chỉ rì rầm với nhau, dù sao đây cũng là việc nội bộ của làng, không thể đưa ra cho người ngoài tất cả thông tin xấu được.

Chưa hết, không chỉ phóng viên, mà còn thầy phong thủy đến làng ngay lúc này. Người làng sợ thầy phong thủy hơn phóng viên. Bởi lẽ, ông ta vừa vào đến giữa làng, đã dáo dác nhìn quanh, tay vuốt vuốt mảnh áo dài chuyên mặc khi tập khí công, hỏi trỏng trỏng không nhắm vào ai, mà làm ai cũng hoang mang dúm dó lại: Cái làng này vừa bị mất vật gì linh thiêng phải không, tôi thấy khí linh đang dần dần rời bỏ làng rồi, vận khí đang tiêu điều lắm.

Ông thầy phong thủy không biết từ đâu đến mà nói trúng phóc nỗi sợ của người làng. Ông trưởng làng mặt tái xanh ra chắp tay chào thầy phong thủy, mời vào nhà mình ăn ở miễn phí, với hy vọng thầy giúp tìm ra vị trí của cây quạt. Ông thầy lắc đầu: Kiểu này thì chỉ có dọn làng đi thôi, đất này là đất vàng nhưng mất linh rồi, giờ thì lúc nào gom được vàng thì các cụ lo gom rồi đi tìm đất khác mà sống thôi”. 

Người làng bắt đầu mếu máo, mộ các cụ tổ lập làng đều ở đây cả, truyền thống đều ở đây cả, làm sao mà bỗng dưng bỏ làng đi được. Các cụ rầu rĩ, lớp trẻ tụm năm tụm ba. Vài ba gia đình khá trẻ ở làng bắt đầu đóng cửa thì thầm với nhau về giá đất. Đằng nào họ cũng thuộc diện không còn đời ông bà, bố mẹ nữa vì nhiều lý do, đã không còn ràng buộc thế hệ thì sao lại chê vàng chứ. Mỗi giờ trôi qua, phóng viên cứ hỏi về vật phẩm lịch sử, thầy phong thủy cứ trầm ngâm nhìn ngó các ngõ ngách của làng rồi lắc đầu như chia buồn với người làng về sự mất mát linh vật. Ngôi làng yên bình bỗng chốc bị chia 5 xẻ 7 trong hoang mang, người thì hô hào tiếp tục tìm quạt, người tuyệt vọng rầu rĩ bế tắc, người mở báo ra xem thông tin nhà đất đang cập nhật. Có người bỗng la lên: Cách đây không lâu, có nhóm đi tìm đất làm sân golf, làng này đã đuổi họ đi nên họ đã qua bên đồi kia, mua đất với giá gấp 3 lần thị trường, giờ người làng bên kia rủng rỉnh tiền nên đã mua đất chỗ khác, xây lên những ngôi nhà gần chục tầng rồi. Người làng bên dời làng được, sao chúng ta lại lo chứ!? Truyền thống làng đâu có mất đi!?

Thông tin đưa ra cụ thể với các số liệu, nào là gấp 3, nào là nhà chục tầng, nên số người nghiêng về việc dời làng đi chỗ khác bắt đầu tăng lên. Ờ phải rồi, truyền thống là gì khi mà chúng ta vẫn đói, và mỗi năm chỉ có vài lần các nhà sử học ghé qua để ghi chép, nghiên cứu với lời hứa giúp làng sửa sang lại miếu làng, rồi mỗi năm chưa đến vài lần các nhà nông nghiệp ghé qua để nói làm sao xử lý dòng nước sông ngày càng bẩn dùng tưới tiêu ruộng lúa…

Đất vàng bỗng dưng mất linh, bảo vật truyền thống gắn kết ngôi làng bỗng dưng mất tích, việc dời làng đang dần được quyết định; nhưng rồi ai nấy đều quay sang hỏi nhau: Làm sao để biết giá đất hiện nay đang ở mức bao nhiêu, và ai muốn mua đất làng của chúng ta khi nó đã mất linh. Cô phóng viên trẻ tuổi nhanh nhẩu đề nghị giúp đỡ kết nối, vì công việc của cô biết rất nhiều về thế giới bất động sản. Thầy phong thủy cũng gật đầu tán thành, trịnh trọng tìm thật lâu trong mớ danh thiếp của mình, đưa ra một tấm có nạm vàng tên hãng chuyên thu mua đất. Ai nấy trong làng đều mừng rỡ, mọi việc mới trùng hợp làm sao, mới may mắn làm sao khi có giải pháp. Nếu có hai nơi tìm mua đất thì người làng sẽ có lựa chọn xem bên nào đưa giá cao hơn. Những cuộc tranh luận về giá đất, về số tầng nhà, về vùng đất mới được thành hình sôi nổi từ đầu làng đến cuối làng. Ai mà chẳng biết, tiền mua đất ấy bằng hơn chục năm làm việc của họ, thậm chí có khi cả đời, cơ hội không đến lần thứ hai.

Mọi việc đang suôn sẻ, bỗng đâu một chiều nọ, vẫn là thằng Tình, lúc này đã 11 tuổi vì nó vừa làm sinh nhật với đám con nít trong làng xong, đi đến giữa làng thông báo là đã biết cái quạt của Ông “thằng Bờm” ở đâu rồi. Mọi người im bặt. Lần này, dường như tiếng sấm đến chậm hơn, mãi vẫn chưa ai nhúc nhích bừng tỉnh ồ à như lần trước.

Thằng Tình không thấy ai hỏi gì, hơi chưng hửng, liền vào nhà lấy khoai lang ăn, nhưng nó chưa kịp bóc vỏ củ khoai thì đã bị mẹ nó phát chổi vào chân: Mày nói bậy bạ gì đó hả!?”.

Thằng Tình tức tối. Nó đâu có nói bậy bạ, nên nó liền chạy ra giữa làng hô to: Anh Đức, con bác trưởng làng, giấu cái quạt trong nhà đó, chính thằng Thi là em anh Đức thấy tận mắt và nói nhá, ai không tin thì vào nhà bác trưởng làng mà tìm.

Thông tin chấn động. Mọi người đều nhìn qua trưởng làng mặt đang tái xanh vì bất ngờ và tức giận khi bị nhắc tên trong lời buộc tội. Ông hùng hổ vào nhà lôi Đức, con trai trưởng 20 tuổi thi rớt đại học hai lần, ra sân bắt phải nói sự thật. Đức dụi mắt nói tỉnh bơ: Lần trước, nhóm người muốn mua đất, sau khi đi một vòng làng, đã kể với con là ai cũng nói muốn bán nhưng kẹt miếu thần làng và tượng Ông “thằng Bờm” thành ra không thể bỏ đi, thế nên con giúp mọi người trút bỏ gánh nặng thôi, đằng nào tiền cũng làm được nhiều thứ, chẳng phải mấy nay, ai cũng bàn tán đồng ý rồi đó sao? Con cũng muốn khởi nghiệp như đám bạn, người trẻ mà không cắm đất khởi nghiệp thì sao gọi là dám liều ăn nhiều chứ.

Cả làng trố mắt vì bất ngờ và tức giận khi bị nhắc tên trong lời buộc tội. Ai nấy lên tiếng phản đối, lúc đầu hơi yếu ớt, sau trở nên mạnh mẽ. Không ai muốn bỏ làng cả, không ai bị đồng tiền chi phối thế đâu, ai ai cũng yêu làng và truyền thống, dù có chết nghèo cũng không vì tiền mà đòi hủy đi tượng Ông “thằng Bờm”. Quyết định được đưa ra là không dời làng nữa, yêu cầu trả ngay cây quạt nan về miếu làng, chấn chỉnh lại đời sống văn hóa và tinh thần của ngôi làng.

Ông trưởng làng gật đầu liên tục tạ lỗi cùng người làng, rối rít xin lỗi vì nuôi dạy đứa con cả không tốt. Ông bỗng nghĩ ra điều gì, quay qua bộp đầu đứa con trai ngốc nghếch ham tiền, gắt lên: Thế ra trong làng có nội gián tuồn thông tin ra ngoài hử, ngoài mày ra còn có ai…. Mọi người tự động nhìn qua chỗ cô phóng viên và thầy phong thủy, thấy chỉ còn hai chỗ trống, tiếng xe đã đi được một quãng xa làng.

Cái quạt của thằng Bờm lại được trả về, lần này được buộc thật kỹ vào tay tượng, và bức tượng thì được đặt vào trong miếu, mỗi ngày đều được khóa kỹ lại vào cuối ngày. Ai nấy tặc lưỡi trở lại công việc đồng áng, câu cá, đan lát, hàng ngày lại ngóng trông lứa thanh thiếu niên đi xa lập nghiệp gửi tiền về, tặc lưỡi khi đọc báo mục tin tức bất động sản. Có người thầm thì: Cơ hội qua mất rồi. Người khác lại nói: Thằng Bờm thời đại bây giờ cũng cầm điện thoại thông minh, ai đâu cầm quạt nan nữa, giờ lấy đất mà đổi vàng chứ xôi nào mà đủ no. Đâu đó, có đứa trẻ nhỏ trong nhà ê a đọc sách, giọng ngọng nghịu: Truyền thống là truyền từ đời này đến đời kia.... Ai đó cắt ngang: Ăn cơm đi, truyền thống gì mà truyền thống, đến đâu hay đến đó!

 Q.N

Bài viết liên quan

Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm
Đòi nợ - Truyện ngắn Kim Uyên
Phàm ngồi kiểm đi kiểm lại mấy lượt vẫn thấy thiếu tiền. Ngày hôm nay gã bán hết ba mươi ba con vịt nướng, mười bảy con vịt luộc, hai thúng bún, hai kí măng khô cùng nhiều đồ gia vị. Hết hàng là có lãi, vậy mà không một đồng lời, thậm chí còn hụt vốn.
Xem thêm
Chạy - Truyện ngắn Ngô Thị Thu An
“Chạy đi đâu đó một thời gian đi”. Anh bạn thân là bác sĩ khuyên tôi. “Em cần có thời gian để hồi phục nhiều thứ. Cuộc sống bào mòn em quá mức. Không ai có thể giúp em tốt hơn chính em”. Chạy đi đâu? Chạy như thế nào? Trong sự mệt mỏi và ngừng trệ của cả thể xác và tinh thần, những lời khuyên cứ trượt qua tôi, lùng nhùng như trong một mớ sương mù dày đặc vào một buổi sáng lập đông.
Xem thêm
Đêm của âm nhạc
Trích tiểu thuyết “My Antonia” của Willa CatherWilla Sibert Cather (1873 – 1947) là một nhà văn người Mĩ nổi tiếng rộng rãi với những tiểu thuyết viết về vùng biên giới cao nguyên rộng lớn ở miền trung Bắc Mĩ. Bà được coi là một trong những người chép sử biên niên tài năng nhất về cuộc sống của những người tiên phong khai hoang của thế kỉ 20. Tác phẩm hay nhất của bà là My Ántonia (1918). Nguồn: online-literature.com
Xem thêm
Lỗ thủng nhân cách
“Con vua không biết làm vua/ Con sãi ở chùa hỗn chúa lấn ngôi”
Xem thêm
Nhạt - Truyện ngắn Phan Duy
Một xã hội ê chề hiện ra sờ sờ trước mặt như một thằng câm khát khao được nói dù biết chắc là không thể, biết bao cay tủi bổ vào cuộc đời này một cách vô cảm. Thật ra, bản thân nó cũng từng tự lọc mình ra khỏi cái nhiễu nhương sậm màu bi đát.
Xem thêm
Rừng chưa yên tĩnh – Truyện ngắn Trần Quang Lộc
Phong cảnh rừng núi yên bình thoáng đãng như ăn sâu vào máu huyết người dân tộc rồi. Đi đâu, ở đâu, làm chức vụ gì, cuối cùng cũng quay về với núi rừng, sống với núi rừng, chết với núi rừng. Xa núi rừng một buổi cứ thấy nhớ!
Xem thêm
Đưa con về quê
Truyện ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chàng hoàng tử và cánh buồm nâu
Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Xem thêm
Con mèo đốm đen – Truyện ngắn Khuê Việt Trường
Chị gặp nó vào một buổi sáng, đêm hôm qua thành phố có cơn bão rớt, mưa suốt đêm, gió cứ gào qua phố làm chị không ngủ được.
Xem thêm
Hương Bánh Lọt Ngọt - Truyện ngắn Thúy Dung
Cho đến khi gần đất xa trời, ông Tám vẫn nhớ như in cái mùi của món bánh lọt ngọt. Màu xanh của lá dứa, màu nâu của đường mía, màu trắng của nước cốt dừa, khi ăn, nó ngọt thanh, hơi béo, trơn tuột vào đầu lưỡi, dai dai, nhai sơ sơ, nuốt một cái, ngon gì đâu. Đặc biệt là hoàn cảnh ông thưởng thức món ăn lúc đó, một kỷ niệm sâu dậm không bao giờ phai.
Xem thêm
Cha và con – Truyện ngắn của Kim Uyên
 Lão không muốn kéo dài sự cô đơn trong ngôi nhà của mình nữa. Nhưng quyết định rời khỏi căn nhà thân yêu quả là quá khó khăn. Vợ lão chết đã mấy năm nay, vài người hàng xóm khuất xa, bạn bè nhạt nhòa tin tức – lão chỉ một mình!
Xem thêm
Đêm nay anh ở đâu? | Truyện ngắn của Hoài Hương
Tác phẩm đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Đồng trăng – Truyện ngắn của T.Diên Lâm
Mặt trời nhả màu đỏ quạch lên mảnh đá đầu làng, tỏa màu huyết dụ, gã đưa tay nâng điếu tẩu cũ mèm, bám đầy những cợn bã thuốc lâu ngày không cọ rửa, làn khói vẩn đục cuộn trọn quanh mặt gã rồi tản lạc mờ dần, ánh mắt gã nhìn xa xăm, hiện qua làn khỏi mỏng, những mảng da sần sùi, thô nhám chi chít rổ, hằn một vết sẹo dài trông nặng đến khó nhìn.
Xem thêm
Con đò lặng lẽ - Truyện ngắn Lê Thị Việt Hà
Bao giờ cơn gió trở về, mùa mưa nặng hạt, những dòng mương ăm ắp phù sa, cho dòng sông thấp thoáng bóng con đò…
Xem thêm
Cá sấu báo thù – Truyện ngắn của Hồng Chiến
 Những cây gỗ hương cao lừng lững, đứng thành hàng như được xếp vào ô bàn cờ, trải dài trước mắt gần như vô tận. Ngửa mặt nhìn lên không thấy gì ngoài lá và cành cây. Dưới mặt đất chỉ có một con đường mòn dày đặc dấu chân trâu rừng đi giữa các hàng cây.
Xem thêm
Đứa con không về | Truyện ngắn của Bích Ngân
Người sung sướng nhất hẳn là nội tôi. Thoạt đầu bà không tin người đàn ông cao lớn, để ria, mang kính cận đang ôm chầm lấy bà lại chính là thằng Sang sún, người tròn như củ khoai đã rời bà lên tàu ra Bắc khi vừa lên tám.
Xem thêm
Cánh hoa mai | Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Một truyện ngắn thấm đẫm nhân văn về đề tài 30-4 và Thống nhất đất nước.
Xem thêm
Ký ức chiến tranh - Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Thế là lại lỡ một lần nữa. Cả tuần nay, Giang không ra sân được. Giang vào phòng thay đồ rồi vội bấm thang máy xuống phòng cấp cứu.
Xem thêm