TIN TỨC
  • Truyện
  • Cao tay ấn - hợp đồng vô giá trị

Cao tay ấn - hợp đồng vô giá trị

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-07-24 05:27:31
mail facebook google pos stwis
705 lượt xem

TRUYỆN TƯ LIỆU GIÁN ĐIỆP

VÕ VĂN THẾ CHƯƠNG

1-

Ngày 01 tháng 12 năm 1901. St. Petersburg, lúc 2 giờ sáng, khách sạn Vòng Cực Bắc – nơi lưu trú phái đoàn ngoại giao Nhật Bản.

Hầu tước Ito Hirobumi- nguyên ngoại giao đại thần, nguyên thủ tướng Nhật - cứ thao thức suốt. Những cuộc đón tiếp ân cần của Sa Hoàng Nicolas II cũng như của hai vị đại thần ngoại giao Vladimir Lamsdorf và tài chính S.J. Witte bên rượu nóng, thịt nướng và các dàn ca vũ dành cho ông không giúp ông thấy đêm St. Petersburg tháng 12 bớt giá lạnh hơn. Thời tiết lạnh giá là chuyện đã đành, nhưng yếu tố cần để sưởi ấm cho tâm hồn Hirobumi là một thư hiệp định giữa Nhật và Nga thì vẫn còn lảng vãng tận đâu xa lắc. Là một người lính, Hirobumi đánh giá cao cố gắng giữ gìn quan hệ Nga – Nhật của chính bản thân mình và hai vị đại thần Lamsdorf, Witte. Nhưng là một nhà ngoại giao, Hirobumi hiểu rất rõ rằng Nhật Bản cần tiến tới vị trí bá chủ Đông Á và Nga là nước đế quốc gần nhất ngăn cản điều ấy. Việc Nga, Đức, Pháp cùng hợp nhau buộc Nhật Bản trả lại bán đảo Liêu Đông cho triều đình Mãn Thanh sau chiến tranh Giáp Ngọ, bất kể đó là điều khoản chính thức của hiệp ước Mã Quan mà Lý Hồng Chương đã đích thân ký với ông đã đặt ông và Thiên hoàng Hiro Hito đứng trước áp lực của giới tướng lĩnh quân sự luôn xem chiến tranh như một cuộc đùa vui. Bao nhiêu luận điệu dè bĩu chính sách mềm mỏng của ông dẫn đến ông và nội các Chính Hữu Lập Hiến Hội phải từ chức. Giới tướng lĩnh quân sự hệt như những con tuấn mã, thà đừng thả họ ra khỏi chuồng, chứ đã thả ra thì khó mong chuyện kìm họ lại. Hirobumi luôn chủ trương “tiến hành một cuộc chiến tranh có kiểm soát” nhằm tránh việc các cường quốc khác can thiệp, nhưng sau cuộc chiến Giáp Ngọ, khi hải quân Nhật chiến thắng hạm đội Bắc Dương của Mãn Thanh vốn mệnh danh “mạnh nhất châu Á” thì không thể nào kềm được cái tâm lý “chiến tranh để phục thù” của giới chức quân sự Nhật được nữa. Từng mệnh danh “thủ tướng sắt máu”, “Bismark của Nhật Bản”, còn lâu Hirobumi mới sợ chiến tranh, nhưng với ông, đã vào chiến tranh thì phải thắng. Ông trả bán đảo Liêu Đông lại cho triều đình Mãn Thanh vì không muốn ba nước đế quốc Đức – Pháp –Nga lại có cớ xâm nhập Nhật Bản và tiêu hủy thành quả tự cường lâu nay có được. Nhật chỉ có thể uy hiếp triều đình Mãn Thanh bạc nhược chứ thực lực chưa thể sánh với hạm đội của ba quốc gia kia. Muốn vượt lên, cần kiên nhẫn. Vì vậy, Hirobumi phải nhờ Thiên hoàng xoa dịu đám tướng lĩnh quân sự bằng châm ngôn “nếm mật nằm gai, chờ cơ hội” đồng thời tiến hành những hoạt động ngoại giao nhằm chia tách liên minh giữa các nước đế quốc. Lúc này, quyền lợi của các nước đế quốc là cùng nhau xâu xé Trung Hoa và kềm chế sự vươn lên của Nhật Bản, nhưng giữa họ với nhau cũng có những xung đột lợi ích riêng và Nhật Bản cần khai thác. Hirobumi có mặt ở đây ngay sau khi đi Mỹ về chính là vì điều đó và ông đã có sẵn một lá bài nhằm đạt một hiệp định thư đảm bảo cho quyền “độc bá “của Nhật Bản tại Triều Tiên, đó là “Nga giữ vùng Mãn Châu đông bắc Trung Hoa, Nhật giữ Triều Tiên”. Chỉ có cách đó là đảm bảo quyền lợi của cả hai đế quốc và tạm xoa dịu được giới tướng lĩnh hiếu chiến ở cả hai bên. Nhưng Sa hoàng vẫn cứ do dự không chịu quyết thì sớm muộn gì phe quân sự ở Nhật cũng thắng thế và một cuộc chiến sẽ xảy ra. Pháp và Đức không có quyền lợi gì ở Triều Tiên nên chắc chắn sẽ đứng ngoài, nhưng vẫn còn nước Anh với hạm đội đáng sợ của họ…Trừ khi nước Anh đứng ngoài và cam kết liên minh với Nhật,  không thì chiến tranh với Nga sẽ khó đảm bảo thắng lợi và cái cảnh bị các đế quốc xúm vào can thiệp xâu xé lại sẽ lại diễn ra, bao công phu để nước Nhật giành được độc lập từng bước, qua từng hiệp định được sửa đổi sẽ bị mất sạch, chưa tính đến những cuộc nổi dậy chống chính quyền kiểu chiến tranh Tây Nam của Saigou Takamori ngày trước sẽ bùng lên bởi tinh thần dân tộc của dân Nhật…Sẽ là rối loạn, không còn nội các và hiến pháp…Biết đâu chừng, không còn cả…Thiên Hoàng. Nghĩ đến đó, tự dưng Hirobumi thấy rùng mình, “không, ta sẽ không bao giờ để cho cảnh đó tái diễn”…

- Bẩm hầu tước, có người cầu kiến – Yoshida Katori, viên bí thư của Hirobumi lên tiếng từ bên ngoài.

- Không chờ đến sáng được sao? – Hirobumi cau mày khi nhìn đồng hồ treo tường trong phòng ngủ.

- Bẩm hầu tước, người ấy nói là rất gấp. Mong hầu tước cho gặp mặt – Yoshida vẫn đứng ngoài cửa mà thông báo.

Hirobumi thở dài, thầm nghĩ “Lại chuyện gì thế này? Cái kiểu gặp mặt lén lút nửa đêm thế này, mình đã quá quen từ hồi còn là anh lính biên phòng ở Tương Châu. Nếu không phải là loại khiêu khích chính trị thì cũng là gián điệp, tệ hơn nữa là một tên giết người”

- Người Nga hay người Mãn? Chả lẽ là người Triều Tiên? – Hirobumi hỏi như cố dùng phương pháp loại trừ để xác định về mục đích của kẻ cần gặp mình.

- Bẩm, người Nga – Yoshida giờ mới đẩy nhẹ cánh cửa, bước vào với một chiếc dĩa bạc có đặt một phong thư và danh thiếp trên đó – Đây là danh thiếp và phong thư mà anh ta gửi cho hầu tước. Anh ta vẫn đang chờ ở khách sảnh. Xin hầu tước quyết định

Hirobumi cầm tấm danh thiếp, hơi chớp nhẹ mi mắt. Danh thiếp bằng tiếng Pháp với nội dung:  Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Nga La Tư

 Igor Zelinsky – bá tước, sĩ quan

Với cách tự giới thiệu mang phong cách quý tộc này, Hirobumi loại trừ mục đích muốn giết ông của gã nào đó ngoài kia, bởi làm việc ấy ở nơi này đúng là điên rồ. Như vậy, chỉ còn lại khả năng “khiêu khích chính trị hoặc gián điệp”. Hirobumi mở chiếc phong bì có dấu gia huy niêm ngoài và rút ra lá thư…

- Katori, ngươi dịch cho ta – Hirobumi trao lá thư cho viên bí thư kiêm phiên dịch của mình trong chuyến đi này.

Katori vừa cầm lá thư đã giật mình, mắt tròn xoe kinh ngạc.

- Gì thế?

- Bẩm… - giọng Katori run run – đây là thư của Bộ tổng tham mưu gửi trả lời thủy sư đô đốc Makarov về việc ứng dụng điện báo vô tuyến cho hải quân Nga, xây dựng các trạm thu phát sóng vô tuyến công suất lớn để đảm bảo liên lạc thông suốt, kịp thời giữa các hạm đội như theo đề nghị của giáo sư Alexander Popov ở học viện hải quân Torpeido…

- Thư trả lời thế nào? – Hirobumi thấy giọng mình cũng run rẩy theo.

- Bẩm, Tổng tham mưu trưởng trả lời “Như thư của ngài Bộ trưởng Chiến tranh gửi giáo sư Alexader Popov năm 1895 về việc xin kinh phí 1000 Rup để trang bị thiết bị thí nghiệm điện báo vô tuyến, tôi xin nhắc lại với đô đốc nguyên văn rằng: “Ta không cho phép sử dụng tiền cho những điều hoang tưởng như thế”. Tôi yêu cầu đô đốc không nên tiếp tục làm phiền chính phủ về vấn đề này”…

Hirobumi thở phào nhẹ nhõm. Bởi chính ông đã ủng hộ việc nghiên cứu sử dụng điện báo vô tuyến cho hải quân Nhật cách đây ba năm vì những lợi ích của nó. Và văn bản này cho thấy nước Nga đã chậm hơn Nhật trong lĩnh vực hiện đại hóa thông tin liên lạc hải quân. Hirobumi hơi mím môi suy nghĩ và hỏi:

- Ngươi đánh giá thế nào về tính chất của thông tin trong văn bản này?

- Bẩm hầu tước, ngài hỏi về đúng sai hay về cấp độ?

- Về cấp độ …

- Bẩm – Yoshida cười – Đây là thư trao đổi giữa hai cấp cao, về lĩnh vực trang bị quân đội, có thể xem là thông tin mật.

- Kiểm tra khách rồi chứ? – Hirobumi hỏi thờ ơ.

- Vâng ạ.

- Anh ta đến đây bằng xe ngựa riêng hay xe thuê?

- Lính gác bảo là xe thuê.

Hirobumi gật đầu:

- Ta sẽ tiếp hắn.

Nhà ngoại giao lọc lõi đã hiểu mục đích tiếp xúc của khách. Hắn muốn bán tin tức tình báo. Một tên gián điệp. Hãy xem hắn cần gì để bán mình và leo cao đến đâu mà dám đặt vấn đề với ta?

….

Thực ra nguyên nhân người khách sớm sủa nọ đến thăm Hirobumi lúc rạng đông tháng 12 lạnh giá này lại phát xuất từ một đêm hè cách đó mấy tháng, trong một quán rượu bình dân mang tên Đêm Trắng – cái tên phù hợp với hiện tượng thiên nhiên kỳ thú của Peterburg mùa hè, khi đêm xuống mà ngoài trời vẫn như mới chiều tà. Ba người đàn ông với áo veste và khăn quấn cổ kiểu kỵ binh ngồi quanh một chiếc bàn thấp khuất ở tận bên trong, được che chắn bởi những chiếc bàn của đám khách thương gia, thợ thuyền ở bên ngoài. Dường như với ba vị khách này, sự thích thú với hiện tượng thiên nhiên diệu kỳ Peterburg không quan trọng bằng câu chuyện với nhau, bên rượu Vodka với món trứng cá cùng mấy lá bài. Họ vừa chơi bài, vừa trò chuyện bằng tiếng Pháp, nhưng rất khẽ chỉ vừa đủ cho nhau nghe. Đơn giản vì họ không phải là loại khách của quán rượu này, mà là ba sĩ quan của bộ tổng tham mưu quân đội Nga – nghĩa là thuộc tầng lớp ưu tú nhất của giới quân sự, bởi chen chân vào được cơ quan đó, cơ quan được mệnh danh “não bộ của quân đội đế quốc”. Được phục vụ trong cơ quan tổng tham mưu được xem như là được đón nhận một đẳng cấp chứ không phải là một công việc và tất nhiên sĩ quan bộ tổng tham mưu cũng có nhiều nhân tình hơn đồng thời sẽ phải hao tổn tiền bạc cho các trò vui bài bạc, đua ngựa …  hơn là sĩ quan ở đơn vị khác. Xếp lại các thói xấu vốn có của đàn ông, ba sĩ quan mặc thường phục đang ngồi đây có một quan điểm chung mang tính triết lý – hành động sống có thể diễn giải như sau “Đồng tiền vốn vô duyên vô vị nhưng quyền lực thì vô hạn và vị trí, cấp bậc, chức vụ nào cũng vô nghĩa nếu như không giúp cho ta kiếm được tiền.” Công tác tại cơ quan bộ tổng tham mưu, được cái ấn chữ thọ vì không phải ra mặt trận, không phải chịu cực khổ chốn tiền duyên, ít bị bó buộc bởi kỷ luật của cuộc sống doanh trại như ở các trung đoàn, được khoe mẽ chứ về lương thì…chẳng hơn gì sĩ quan cùng cấp, lại không có khoản gì kiếm chác thêm trong khi sống giữa Peterburg hoa lệ thì… hao tốn hơn nhiều.  Thiếu tá Alexander Fedorov, đại úy Vladimir Varsky và thiếu tá – bá tước Igor Zelinsky trở thành bạn đồng hội đồng thuyền khi cả ba cùng chung mục đích kiếm tiền làm giàu qua phương thức “kinh doanh mạo hiểm”: bán tài liệu mật của bộ tổng tham mưu đế quốc Nga cho cơ quan tình báo nước ngoài. Lẽ cố nhiên là họ  không thể công khai bàn bạc điều đó ở công sở hay câu lạc bộ sĩ quan, nhưng càng không thể bàn bạc điều đó tại nhà riêng vì sợ sự họp mặt lại gây hiểu nhầm cho cái cơ quan dễ thương mang tên Okhrana[1] của hoàng thượng rằng “ bọn này định lập hội kín hội hở gi đó”…Cho nên cứ như vô tình gặp nhau ở mấy quán rượu bình dân như thế này là hay hơn cả, bởi công việc an ninh trật tự nơi này thuộc về cảnh sát Peterbrurg mà mấy thầy cảnh sát thì vốn ngưỡng mộ sĩ quan của cơ quan tham mưu…

- Thôi cái trò ấy được rồi đấy – Fedorov càu nhàu – May mà phản gián chỉ khoanh lại ở mỗi gã Ivan ấy, chứ nếu họ lại mở rộng ra thì…Phải làm gì với cái đống tài liệu ấy đi chứ? Gần như cả núi rồi đấy…

“Cái trò ấy” mà Fedorov nói ở đây chính là trò rút ruột” tài liệu mật từ những bưu kiện mà cơ quan bộ tổng tham mưu gửi cho các quân khu. Còn gã Ivan vừa được nhắc đến chính là viên đại úy Nikolai Ivanovik Ivcov vừa bị phát giác làm gián điệp cho Nhật. Thực ra cái trò rút ruột bưu kiện này chẳng có gì là mới, nhóm ba người ngồi đây cũng đã từng chơi rồi. Các tài liệu mật thường được cuốn lại và gói trong một tấm da để chống ẩm ướt và may lại, sau đó đóng chì niêm phong nút buộc dây và đường may. Khổ mỗi điều là các sĩ quan vốn lười, thay vì trực tiếp may và đóng niêm, họ giao phéng việc ấy lại cho cấp dưới hoặc chỉ đóng niêm nút buộc và một hai chỗ trên dây may. Cho nên chỉ cần khéo tay một chút với lưỡi dao cạo sắc, “ai đó” có thể cắt đường chỉ khâu, lấy tài liệu ra và thay bằng một mớ giấy lộn, xong sau đó mảnh vải được gói lại và khâu theo đúng đường chỉ cũ để giữ dấu xi nguyên vẹn. Các quân khu khi nhận phải những giấy tờ vô bổ thì cứ nghĩ rằng “bọn vô công rổi nghề ở bộ tổng tham mưu lại gửi những lệnh lạc tào lao gì thế này” chứ không buồn gửi văn bản chất vấn. Còn ở Bộ tổng tham mưu lại cứ yên trí rằng lệnh của mình đã được các quân khu thi hành và khi mà căn bệnh quan liêu đang ngự trị trên toàn bộ công sở chính quyền đế quốc như hiện nay, dù có phát hiện ra sự nhầm lẫn thì giỏi lắm cũng chỉ nhận được một cái …tắc lưỡi xin lỗi “Bọn ở phòng văn thư đầu óc để ở đâu ấy nhỉ?” từ các ông lớn ở “bộ não chiến tranh của đế quốc”. Bộ ba ngồi đây cũng đã kiếm được vô khối tài liệu mật từ sự quan liêu ấy, nhưng mọi việc đã phải ngừng lại vì sự ngu ngốc của đại úy Nikolai Ivanovik Ivcov vừa nêu tên ở trên. Bởi vì bộ tổng tham mưu Nga có thể quan liêu với công việc của chính mình chứ không quan liêu với phần công việc của người khác. Tháng 9 năm 1900, quân khu Vilensky gửi công văn mật thông báo về tình hình quân số cho phòng động viên bộ tổng tham mưu, nhưng khi đại tá trưởng phòng mở gói công văn mật ra vào sáng ngày 30 tháng 9 thì bên trong chỉ còn… một mớ giấy báo mà khốn nạn hơn nữa là những tờ báo chỉ mới phát hành tại Petersburg cách đó ba ngày nghĩa là không thể là sự rút ruột hay đóng gói nhầm lẫn ở quân khu Vilensky được. Một bức điện mật gửi tham mưu trưởng quân khu Vilensky báo tin về việc bưu kiện chứa thông tin mật bị rút ruột, từ giờ phải lưu ý đặc biệt việc đóng gói gắn xi các bưu kiện có tài liệu mật “sao cho các vết gắn xi nằm đúng trên đường khâu và nút buộc để người khác không thể mở các bưu kiện ấy mà không làm hỏng dấu xi” đã được gửi đi sau khi phản gián quân đội phối hợp cùng Okhrana vào cuộc điều tra. Không khó khăn gì, họ “chộp” được Nikolai Ivanovik Ivcov – sĩ quan phòng động viên, cũng là người nhận bưu kiện từ phòng hành chính chiều hôm trước đang giao hàng theo phương thức “tiền mặt trả ngay” cho trung tá Akashi, tùy viên quân sự tòa công sứ Nhật Bản tại Petersburg. Akashi có tư cách ngoại giao nên chỉ phải hát bài “Tạm biệt Neva” để tái ngộ cảng quê nhà Nagasaki chứ Nikolai Ivanovik Ivcov thì phải đi xa hơn nữa và khi Fedorov nhắc lại việc đó ở đây, Varsky cùng Zelinsky chợt không bảo nhau mà lại cùng sửa lại khăn quấn cổ, như cảm thấy cái rét giá Siberia phảng phất phía sau cơ quan Okhrana.

- Chúng ta đã bán cho ai cái gì đâu? – Varsky chống chế.

- Nhưng ăn cắp thì có chứ gì? – Fedorov cười khẩy.

- Sao cậu non gan thế? – Zelinsky cau mày.

- Dám làm việc này cùng các cậu thì có non gan không? – Fedorov giễu – Nhưng tớ không muốn chết như thằng ngốc.

- Ta sẽ dùng cách khác – Varsky mím nhẹ môi – Chúng ta đều nắm rõ quy trình trình ký phát công văn mật nên dễ dàng có bản sao, việc mạo hiểm tráo đổi bưu kiện như trước nay đâu cần thiết nữa.

- Cứ cho là vậy, nhưng giờ ta làm gì với cái núi tài liệu mật đã tích cóp được nào? – Fedorov nhún vai – Sẽ là điên nếu làm lại điều đó với tòa công sứ Nhật ở tại Petersburg này. Chắc các cậu không thích được Okhrana mời dự vũ hội mùa đông chứ nhỉ?

- Nhưng ngoài người Nhật ra thì còn có ai khác cần hàng chúng ta chào bán đâu? – Varsky phản bác – Chỉ có họ mà thôi.

- Vậy thì cứ đến tòa công sứ Nhật, bấm chuông xin gặp và nói với họ rằng “Xin chào, tôi là sĩ quan bộ tổng tham mưu Nga. Các ngài có muốn mua tài liệu mật không?”. Họ sẽ đuổi cổ cậu ra ngay tắp lự nếu như có chút lòng nhân đạo, còn tệ hơn thì họ sẽ lịch sự mời cậu ngồi ở phòng khách và vào trong dặn thư ký cầm một lá thư gửi cho Okhrana yêu cầu gửi một đại diện đến làm chứng cho việc giao dịch mua bán này. – Fedorov cười gằn – Sau vụ Akashi, họ cứ hệt như con chim bị đạn sợ cành cây cong …

- Tất nhiên ta không làm thế được rồi – Zelinsky bật cười – Nhưng đằng nào ta cũng phải tiếp xúc với họ thôi. Điều chúng ta cần chính là tiền cho cuộc sống tương lai…nhưng cũng cần đảm bảo an toàn tính mạng cho cuộc sống tương lai đó. Hãy để công việc bán hàng cho tớ…

Giờ thì Zelinsky đang ngồi trước Hirobumi cho mục đích đó. Quả là liều lĩnh, nhưng Zelinsky tin rằng sự táo tợn của mình lại đạt hiệu quả ở cả hai khía cạnh: gây ấn tượng cho nhân vật lãnh đạo có đầy đủ thẩm quyền quyết định chuyện bán mua của Nhật Bản, đồng thời khiến cho Okhrana ngờ vực nếu như họ có phát hiện được cuộc gặp mặt này của y. Hirobumi ra dấu cho Yoshida, để viên bí thư lên tiếng:

- Hầu tước Hirobumi muốn biết mục đích viếng thăm của ông và ra lệnh cho tôi làm phiên dịch. Xin ông mở lòng cho…

- Tôi xin cảm ơn hầu tước và quý ông, nhưng xin nói rõ yêu cầu đầu tiên của tôi là cuộc nói chuyện này sẽ được giữ kín giữa ba chúng ta.

Hirobumi cười nhẹ khi nghe Yoshida dịch lại. Ông gật đầu:

- Giữ kín về nội dung câu chuyện thì được. Còn tất cả những gì trước đó thì chúng tôi không thể hứa, bởi không thể bịt mắt tất cả những người nào trong và ngoài khách sạn đã nhìn thấy ông vào cổng.

Cú đấm nhẹ nhàng này đủ khiến Zelinsky chột dạ. Rõ ràng vị chính khách cao cấp của Nhật đầy hàm ý đe dọa. Zelinsky liếm nhẹ môi, quyết định “Đã đến lúc phải liều”, lên tiếng:

- Vâng. Tất nhiên tôi phải chịu trách nhiệm về điều ấy. Và tôi cũng tin rằng sau câu chuyện này, các vị sẽ cho tôi một sự đảm bảo.

-  Vì sao?

- Vì tôi sẽ cung cấp cho Nhật Bản mà quý vị đang là đại diện những tài liệu tuyệt mật của quân đội Nga.

- Thứ nhất, cần nhắc quý ông rằng đại diện chính thức của Thiên Hoàng tại St. Petersburg này không phải là tôi, mà là công sứ Kurino Shinichiro – Hirobumi nhẹ nhàng lắc đầu – Tôi chỉ là một cựu quan chức thần tử của Thiên Hoàng đến thăm quý quốc với tư cách cá nhân. Thứ hai, mục đích của tôi là một nghị định thư liên minh giữa hai quốc gia chúng ta vì hòa bình, thế thì tại sao tôi lại phải tham gia một âm mưu ăn cắp tin tức tình báo của quốc gia mình đang cần liên minh chứ? Thưa quý ông, tôi nghĩ quý ông đánh giá sai về tình hình nên mới có ý định mời chào nguy hiểm như thế.

- Rất tiếc, ngược lại là khác thưa hầu tước – Zelinsky cười nhạt – Tôi hiểu ngài đang nhìn tôi như một phần tử khiêu khích mà giới quân sự Nga cử đến để phá hoại mục đích đàm phán của ngài với hai đại thần Witte và Lamsdorf, nhưng cũng có hai điều để thuyết phục ngài thay đổi suy nghĩ ấy. Thứ nhất, một hiệp ước liên minh Nga – Nhật là điều không thể có khi giới tướng lĩnh của chúng tôi và của các ngài đều đang muốn thị uy sức mạnh của mình. Thứ hai, việc tìm hiểu những bí mật của quân đội nước ngoài không phụ thuộc vào việc cứ phải có chiến tranh với quốc gia đó, mà là công việc cần phải làm thường xuyên trong thời gian hòa bình.

- Với các nhà quân sự tại nhiệm thì đúng là thế - Hirobumi cười lịch thiệp – còn tôi là một quan viên chính trị đã về hưu.

- Nhưng trước đó, ngài là một quân nhân và lợi ích từ tin tình báo quân sự chẳng bao giờ là đối nghịch với lợi ích chính trị ngoại giao của một quốc gia.

- Tôi muốn biết cơ sở của điều thứ nhất mà ông vừa nói – Hirobumi nhăn trán.

- Bộ tổng tham mưu Nga đã quyết định không rút hạm đội đang đóng ở Lữ Thuận mà sẽ tăng cường nó. Đồng thời, lực lượng đồn trú tại đông bắc Mãn Châu được tăng cường, sẽ không có chuyện triệt thoái lực lượng Nga tham gia dẹp loạn Nghĩa Hòa Đoàn vào năm tới như giao ước. Chắc chắn Nga và Nhật sẽ phải xảy ra chiến tranh.

- Và ông tin rằng chúng tôi sẽ thắng chứ không tin vào tổ quốc của mình – Hirobumi giễu cợt – Cho nên ông mới tìm đến chúng tôi.

- Tôi chẳng tin vào điều gì khác ngoại trừ sự cần thiết của những tài liệu tôi đang sở hữu đối với quân đội các ngài– Zelinsky vờ như không nhận ra thâm ý của người đối thoại – Tôi có hàng và các ngài trả tiền để mua hàng. Thế thôi.

- Vậy sao ông không liên lạc với công sứ Kurino Shinichiro?

- Chúng tôi không muốn phạm lại sai lầm của Ivanovik Ivcov – Zelinsky cười ranh mãnh – Vả lại, hàng hóa của chúng tôi chỉ có thể được phân tích, đánh giá đúng ở những cấp cao nhất tại Nhật Bản chứ không phải tại đây.

- Thì ra ông muốn liên hệ trực tiếp với giới tướng lĩnh cao cấp của Nhật Bản – Hirobumi chép miệng – và tôi chỉ là một nhịp cầu. Hãy nói vì sao ông dám yêu cầu tôi làm việc ấy, trong khi tôi đến đây vì mục đích tìm kiếm hòa bình.

- Thực ra ông tìm kiếm lợi ích cho Nhật Bản – Zelinsky nhún vai – Dù hòa bình hay chiến tranh thì Nhật Bản cũng phải giành được lợi ích. Vì vậy, chắc chắn ông sẽ bắc cầu cho tôi.

- Sao tôi không tranh thủ cảm tình của nước Nga để đạt một sự tin tưởng nhằm ký kết một hiệp ước hòa bình bằng cách giao ông cho Okhrana? – Hirobumi nhìn thẳng vào mắt Zelinsky, nói bằng giọng dửng dưng – Ông có nghĩ rằng tôi sẽ làm thế không?

- Ngài sẽ không làm thế - Zelinsky trừng mắt – Bởi vì điều đó sẽ phủ ngay lên cuộc viếng thăm Nga của ngài một bức màn nghi kỵ và đối với giới quân sự Nhật Bản, xung đột giữa ngài và họ càng bị đào sâu.

“Tên phản bội này giảo hoạt lắm” – Hirobumi thầm đánh giá – “Suy cho cùng thì dù chưa hết hy vọng vào một hiệp định hòa bình, nhưng hòa bình dù dài lâu đến đâu thì cũng phải chuẩn bị cho chiến tranh. Tiến cử hắn thì mình có mất mát gì đâu, ngược lại còn xoa dịu được căng thẳng với phái quân sự. Tất cả vì Nhật Bản thôi mà”. Vị chính khách lừng lẫy tiếng tăm gật đầu với khách  và mở chiếc tráp sơn mài đang đặt trên bàn :

 - Tôi sẽ gửi cho ông một tấm thiệp tiến cử đến đô đốc Yamaguchi. Sau đó là việc của hai người. Yoshida sẽ chuyển nó cho ông trong dạ hội ở cung ngoại giao vào tối ngày mai. Còn đây là thiệp mời ông đến buổi dạ vũ đó. Vì bản thân mình, xin ông chấm dứt những cuộc tiếp xúc đột ngột như thế này để tránh sự chú ý của Okhrana.

- Tạ ơn hầu tước – Zelinsky nghiêng mình – Tự tôi cũng hiểu là yếu tố bất ngờ chỉ có giá trị một lần thôi.

Ito Hirobumi không có dịp trò chuyện với bá tước Zelinsky một lần nào nữa. Dù rất nỗ lực vận động và được sự ủng hộ tối đa của hai đại thần Witte và Lamsdorf, nhưng Sa hoàng Nicolas II vẫn chần chừ không đồng ý ký một hiệp định liên minh giữa hai quốc gia Nga – Nhật. Dù sao thì hoạt động ngoại giao của Hirobumi ở St. Petersburg cũng không bị uổng phí, lo sợ một liên minh Nga – Nhật sẽ giúp Nga rảnh tay mà tràn xuống Trung Á, ngày 30 tháng 1 năm 1902, “Hiệp ước liên minh Nhật –Anh” đã được ngoại trưởng Anh ký trực tiếp với công sứ Nhật ở London. Ý đồ chia tách nước Anh ra khỏi liên minh với Nga trong vấn đề Đông Bắc Á của Hirobumi đã thắng lợi. Giờ thì Nhật chỉ còn phải đấu với mỗi nước Nga. Chiến tranh giữa hai quốc gia giờ có thể xem là không thể tránh khỏi.

 - 2 -

Tháng ba năm 1902, Tokyo.

Đô đốc Yamaguchi có hai lý do để không thèm giấu sự khó chịu của mình đối với ba vị khách Nga. Thứ nhất, như bao nhiêu quân nhân thuộc đẳng cấp Samourai, đô đốc không sao chấp nhận được việc có một quân nhân phản bội tổ quốc chứ đừng nói gì đến kẻ đó lại là sĩ quan, vậy mà ông phải tiếp kiến những ba sĩ quan thuộc tầng lớp quý tộc phản bội tổ quốc mình cho dù bọn chúng đem đến lợi ích cho quốc gia mà ông đang bảo vệ. Thứ hai, vì chúng không tự đến để bán mình, mà lại đến theo thiệp tiến dẫn của Ito Hirobumi – nhân vật mà đô đốc Yamaguchi không sao có cảm tình nổi. Nói vậy, không có nghĩa là Yamaguchi xem thường lòng dũng cảm hay sự trung thành với Nhật hoàng của vị cựu thủ tướng đáng kính, ngược lại nữa là khác, nhưng là một quân nhân, ông không sao chấp nhận được việc Hirobumi tùy tiện trong việc mượn Nhật Hoàng để áp chế nghị hội buộc thông qua hiến pháp Minh Trị và “ Điều lệnh đại bản doanh thời chiến” rồi sau đó lại tùy tiện phá vỡ những điêu ấy khi đòi giữ quyền quyết định trong thành phần đại bản doanh để ép phái quân sự nhượng bộ trước khả năng chiến thắng tuyệt đối như trong chiến tranh Giáp Ngọ vừa rồi, đúng là chẳng biết giữ phận thần tử gì cả… Giờ Ito Hirobumi tiến dẫn ba gã này cho ông với lời tiến dẫn “ Tin tình báo quân sự thì giới quân sự vui lòng đảm nhận, bản thân một quan viên chính trị hồi hưu không dám dự phần” nhưng hàm ý thực sự quá rõ ràng “ giới quân sự phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với những hoạt động như thế này”. Yamaguchi khinh khỉnh nhìn bộ ba Fedorov, Varsky, Zelinsky và nói bằng giọng trịch thượng:

- Lấy cái gì để đảm bảo tin tức tình báo quân sự của các ông trao cho chúng tôi là thực?

- Thực tế diễn tiến chiến sự, thưa đô đốc – Varsky nhanh nhẩu đáp.

- Nghĩa là chỉ khi có chiến tranh giữa hai quốc gia? – Yamaguchi khịt mũi.

- Đúng thế - Zelinsky dửng dưng.

- Vậy thì …xin lỗi – Yamaguchi cười khẩy – Sau chiến tranh thì chúng tôi sẽ trả tiền, nếu như chúng tôi chiến thắng.

- Có lẽ bọn cướp núi A Phú Hãn còn xử sự đàng hoàng hơn ngài trong việc ăn chia chiến quả, thưa đô đốc – Zelinsky châm chọc – Lấy gì đảm bảo là sau chiến tranh, các ngài sẽ trả tiền chứ?

- Vậy thì lấy gì đảm bảo những tài liệu mật mà các vị bán cho chúng tôi là thật có thể giúp cho Nhật Bản chiến thắng để mà phải trả tiền ngay lúc này? – Yamaguchi quắc mắt – Biết đâu Bộ tổng tham mưu quý vị đã có kế hoạch thay đổi tất cả mật mã, trang bị, quân số và những tài liệu quý vị đang có chỉ là một mớ giấy lộn vô giá trị?

- Tôi có thể đảm bảo cung cấp cho các ngài nội dung của tất cả thay đổi đó! – Zelinsky nở nụ cười thân thiện trấn an – Và đảm bảo các ngài chiến thắng.

- Nhưng lấy gì đảm bảo những nội dung thay đổi mà các ông cung cấp là tài liệu mật thực sự để đảm bảo cho chúng tôi chiến thắng trong khi chiến tranh là điều kiện cần thiết để kiểm tra lại chưa xảy ra? – Yamaguchi nói như quát.

- Như vậy thì việc giao dịch của chúng ta chỉ có thể xem là hoàn tất khi chiến tranh giữa hai nước xảy ra và chỉ khi Nhật Bản thắng lợi sao? – Fedorov gắt gỏng không kém.

- Cố nhiên – Yamguchi thờ ơ đáp. Một ý nghĩ thoáng qua đầu ông “Nếu bọn khốn kiếp này đứng dậy và đi khỏi đây, mình sẽ dành cho chúng một lời cảm ơn chân thành vì đã giúp cho một quân nhân như mình không dây vào chuyện bán mua với những phường phản bội vô sỉ”.

- Rất hợp lý – Zelinsky cười mơn – Nhưng chúng tôi cũng cần điều kiện đảm bảo.

- Đó là quyền của các ông – Yamaguchi khó chịu – các ông cần điều kiện gì?

- Chúng ta phải lập một hợp đồng văn bản về giao dịch này để đảm bảo các ông thực hiện nghĩa vụ thanh toán sau khi chiến tranh kết thúc thắng lợi cho Nhật Bản.

“Bọn này còn khốn nạn hơn cả những phường khốn nạn nhất” – Yamaguchi đỏ vằn mắt, vươn tay kéo ngăn kéo bàn làm việc – nơi cất khẩu súng ngắn. Nhưng rồi vị tướng lĩnh cương trực cố nén bằng cách ép mình nhắm nghiền mắt lại để giấu đi cảm xúc ghê tởm vừa hiện lên. Tự dưng, Yamaguchi thấy nhói đau ở ngực… Phải. Lúc này ông không có quyền hành xử với tư cách cá nhân mình, mà phải chịu trách nhiệm thay mặt cho lợi ích của tổ quốc. Vị tướng mở choàng mắt, mím chặt môi, nghiến răng khiến quai hàm bạnh ra… rồi thở dài, kéo ngăn kéo rộng hơn để… rút ra mấy tờ giấy viết…

- Tôi đồng ý – Yamaguchi nói bằng giọng vô cảm – Nhưng để đảm bảo an toàn cho các vị cũng như thắng lợi ổn định lâu dài của Nhật Bản, tôi cũng có điều kiện về thời điểm trả tiền.

….

Và bản hợp đồng mua bán tin tức tình báo ấy có thể tóm tắt nội dung dưới dạng ngôn ngữ hợp đồng kinh tế thương mại ngày nay như sau:

Bên bán: gồm các ông thiếu tá Alexander Fedorov, đại úy Vladimir Varsky và thiếu tá – bá tước Igor Zelinsky của bộ tổng tham mưu quân đội Nga, do Igor Zelinsky làm đại diện ký kết. (bên A)

Bên mua: Bộ tổng tham mưu quân đội hoàng gia Nhật do đô đốc Yamaguchi, bá tước làm đại diện ký kết. (bên B)

Các điều khoản giao dịch chính yếu:

Bên A bán cho bên B toàn bộ tài liệu văn bản đã thu thập được với nội dung tóm tắt trong bản kê kèm theo hợp đồng và chịu trách nhiệm chuyển giao toàn bộ nội dung chi tiết dưới hình thức văn bản.

Bên B sẽ phải thanh toán tổng số tiền 150 triệu rúp vàng theo thời giá ký kết hợp đồng này, nhưng chỉ có trách nhiệm thanh toán khi hoàn thành hai điều kiện dưới đây:

Nước Nhật chiến thắng trong chiến tranh giữa Nhật và Nga, nếu như chiến tranh có xảy ra.

Tổng trị giá thanh toán sẽ được chi trả toàn bộ một lần bằng tiền mặt tại ngân hàng Nhật Bản tại London, Vương quốc Anh cho bên A sau khi chiến tranh kết thúc đúng mười ( 10) năm. Séc thanh toán sẽ được bên B giao cho bên A tại ngân hàng Nagasaki.

Điều khoản thanh toán tại ngân hàng Nhật Bản ở London là do chính Zelinsky đưa ra, bởi nước Anh vốn là nơi lý tưởng để ẩn náu cho các thành phần chính trị phải lưu vong trên khắp châu Âu và Okhrana luôn được xem là ưu tiên hàng đầu để “tìm và diệt” của Scotland Yard.  Đọc lại thật kỹ cả nội dung hợp đồng thể hiện bằng cả hai thứ tiếng Nga - Nhật xong, Zelinsky chấm bút vào lọ mực ký vào góc phải, đoạn áp con dấu gia huy của mình lên. Yamaguchi thờ ơ ký vào góc trái và đóng lên đó dấu hiệu bông cúc đại đóa mười bốn cánh…. Hôm đó ngày 07 tháng 3 năm 1902.

Ngày 28 tháng 7 năm 1903, Công sứ Nhật Bản tại St. Petersburg là Kurino Shinichiro được chỉ thị thể hiện quan điểm của nước mình để chính thức đề xuất thỏa hiệp Nhật – Nga : Nhật tuyên bố vùng Mãn Châu ở đông bắc Trung Hoa nằm ngoài tầm ảnh hưởng của Nhật Bản và mong muốn một tuyên bố tương tự từ phía Nga đối với bán đảo Triều Tiên, nhưng đến tận ngày 4 tháng 2 năm 1904,  vẫn không có lời đáp lại chính thức nào được gửi đi từ phía Nga. Ngày 6 tháng 2, Kurino Shinichiro đến thăm Bộ trưởng Ngoại giao Nga là Bá tước Lamsdorf, để chào từ biệt. Quan hệ ngoại giao và thương mại giữa hai nước bị cắt đứt từ ngày đó. Trong lúc giới ngoại giao và tài chính Nga âu lo và  giới tướng lĩnh quân sự ưa đánh bạc, khiêu vũ và đua ngựa của Nga lại lạc quan hồ hởi với niềm tin “  chỉ một đòn sấm sét là quét sạch bọn da vàng” thì công sứ Kurino Shinichiro đã phải liều lĩnh tính mạng bản thân cũng như sự nghiệp chính trị của mình để thực hiện yêu cầu của giới tướng lĩnh Nhật vì lợi ích vương quốc mặt trời mọc là đem phần còn lại của bộ luật mã và khóa mã mới nhất của hạm đội Viễn Đông ( Nga) mà bộ ba Zelinsky, Fedorov, Varsky chuyển giao trực tiếp ngày 14 tháng 1 năm 1904 để  rời nước Nga …

Đêm ngày 8 tháng 2 năm 1904, Hạm đội Nhật Bản của Đô đốc Heihachiro Togo khai chiến bằng cuộc tấn công bất ngờ của các thuyền phóng ngư lôi vào các con tàu Nga tại cảng Lữ Thuận. Cuộc tấn công làm hư hại nặng các con tàu TsesarevihRetvizan, những chiến hạm nặng nhất trên chiến trường Viễn Đông của Nga, và tuần dương hạm 6.600 tấn Pallada .Những cuộc tấn công này phát triển thành Trận cảng Lữ Thuận sáng hôm sau. Một chuỗi các cuộc chạm trán bất phân thắng bại tiếp diễn, trong đó Đô đốc Togo không thể tấn công được Hạm đội Nga vì nó được bảo vệ bởi dàn pháo bờ biển trên cảng, và người Nga miễn cưỡng phải rời cảng ra vùng nước sâu, sau cái chết của Đô đốc Stepan Osipovich Makarov – tài năng quân sự duy nhất của đế quốc Nga, người từng thất bại với yêu cầu trang bị điện báo vô tuyến cho quân đội – vào ngày 13 tháng 4 năm 1904. Trận mở màn này tạo cơ hội thuận lợi cho quân Nhật đổ bộ xuống gần Incheon, Triều Tiên. Từ Incheon, quân Nhật chiếm Seoul và sau đó là phần còn lại của Triều Tiên. Cho đến hết tháng 4, lục quân Đế quốc Nhật Bản do đại tướng Kuroki Itei chỉ huy đã sẵn sàng vượt sông Áp Lục vào vùng chiếm đóng của Nga tại Mãn Châu. Và ngày 01 tháng 5 năm 1904, trận chiến vượt sông Áp Lục bắt đầu. Quân đội non trẻ của Nhật Bản đã gây ngạc nhiên cho cả thế giới về trình độ tác chiến của mình và trở thành quân đội đầu tiên được trang bị thông tin liên lạc hoàn toàn bằng vô tuyến điện. Đại bản doanh Nhật nắm bắt rất nhanh mọi điều động quân sự cũng như mật mã và ám ngữ của Nga. Nước Nga trở nên chậm chân hơn nhiều khi lô hàng máy thu phát vô tuyến điện đầu tiên chỉ về đến Nga vào cuối tháng 6 nắm 1904. Quân Nhật mau chóng triển khai trên khắp Mãn Châu, bao vây cảng Lữ Thuận và sau khi đánh bại hạm đội Viễn Đông, họ lại chặn hạm đội Baltic của Nga đến tăng viện cho Lữ Thuận tại eo biển Đối Mã ngày 27 -28 tháng 5 năm 1905 để…tiêu diệt nốt.  Toàn bộ hạm đội Baltic chỉ có 3 tàu chạy thoát khỏi vòng vây để đến Vladivostok. Sau trận Đối Mã, hải quân Nhật chiếm toàn bộ quần đảo Sakhalin để ép Nga phải yêu cầu đình chiến. Sự thất bại này đã  làm người Nga mất tự tin. Trong suốt năm 1905, triều đình Nga rung chuyển vì Cách mạng Nga 1905. Nga hoàng Nikolas II chọn thương thảo hòa bình để có thể tập trung vào các vấn đề trong nước. Tổng thống Hoa Kỳ Theodore Roosevelt đã đề nghị làm trung gian hòa giải giữa hai bên. Ngày 5 tháng 12 năm 1905, hiệp ước Portsmouth được ký bởi đại diện Nga là  Sergius Witte và đại diện Nhật là Nam tước Komura trên tàu hải quân Hoa Kỳ tại Portsmouth, New Hampshire. Nga chính thức buông bỏ tham vọng không chỉ ở vùng bán đảo Triều Tiên, mà cả vùng Mãn Châu đông bắc Trung Hoa. Nhật Bản đã trở thành biểu tượng sức mạnh mới ở Châu Á. Đau thương chiến tranh, đình đốn kinh tế khiến nước Nga Sa hoàng ảm đạm hơn bao giờ hết, nhưng bộ ba phản bội trong bộ tổng tham mưu Nga thì chỉ ảo não vẻ ngoài chứ trong lòng thì… mở cờ gióng trống, đếm từng ngày chờ đến kỳ hạn mười năm.

………

Ngày 05 tháng 12 năm 1915, bộ tổng tham mưu Nhật Bản.

Đại úy Kenji Okano, sĩ quan cơ quan tình báo “ Mai” đồn trú tại Hán Thành đang được nghỉ phép tại quê nhà. Và đã là nghỉ phép thì anh ta không thích phải tham gia bất cứ công việc gì tại hậu phương. Vì vậy, Kenji rất khó chịu khi bị gọi đến trình diện cho một công việc khẩn cấp và quan trọng. Càng khó chịu hơn nữa khi đã đến mà cứ phải ngồi lỳ một góc để chờ tiếp kiến, nghĩa là tiếp tục phí thời gian để chờ được phổ biến tính quan trọng của cái công việc khẩn cấp nọ…Cuối cùng, cánh cửa phòng của đại tá Nomura cũng xịch mở để viên tùy phái bước ra thông báo :

- Mời đại úy Okano.

Cánh cửa đóng lại ngay sau lưng Kenji. Đại tá Nomura đứng dậy sau cái chào cúi rạp người của viên sĩ quan được gọi đến.

- Trình diện đại tá.

- Rất tiếc phải làm gián đoạn kỳ nghỉ của đại úy, nhưng đây là quyền lợi quốc gia – Nomura vào thẳng công việc – Đây là công việc của đại úy.

Nomura trao cho Kenji một chiếc bìa đựng mấy tấm ảnh chụp ba người đàn ông mặc âu phục. Kenji nhận ra nước rửa ảnh còn chưa khô và phía sau lưng  ba người đàn ông nọ là bức tường phòng khách của cơ quan quân báo tổng tham mưu. Như vậy, ảnh vừa mới chụp và rửa gấp, có thể ba người khách nọ vẫn đang trong phòng khách của cơ quan quân báo. Như nhận ra suy nghĩ của Kenji, Nomura gật đầu :

- Đúng là ba người trong ảnh vẫn đang ngồi bên phòng khách của đại tá Tetsuji. Họ là người Nga, tên lần lượt là Zelinsky,  Fedorov và Varsky.

- Tôi sẽ làm gì với họ?

- Thu giữ lại tất cả những gì họ sẽ nhận được từ chỗ đại tá Tetsuji.

- Cụ thể là những gì chứ ạ?

- Ba tờ séc bảo chi của ngân hàng quốc gia Nhật Bản mệnh giá 45 triệu yen mỗi tờ, chi trả tiền mặt tại London, vương quốc Anh. Chỉ thế thôi.

- Vậy sao lại cần đến tôi, một sĩ quan đang nghỉ phép? – Kenji hỏi với vẻ hờ hững.

- Vì chúng tôi không muốn sĩ quan nào trong cơ quan tham mưu liên quan đến việc này – Nomura trả lời với vẻ lãnh đạm – và chúng tôi nhớ ra anh.

“ Khốn nạn thật” – Kenji cắn nhẹ môi, thầm nghĩ – “ Mình sa vào cái gì thế này? Họ muốn giữ tay cho sạch và tất cả hậu quả sẽ đổ lên đầu mình bất kể bại hay thành.”

- Thưa đại tá, tôi đang nghỉ phép.

- Trong công tác tình báo, không được phép nghỉ, trừ khi đã chết.- Mắt Nomura long lên – Là một samourai, không thể từ chối lệnh của Thiên Hoàng.

- Tôi không phải là loại ronin của thời các tướng quân, thưa đại tá – Kenji phản ứng – Tôi là một sĩ quan chiến đấu vì lợi ích của nước Nhật.

- Lợi ích của nước Nhật đòi hỏi phải thu hồi lại ba tờ séc kia, thế thôi – Nomura gắt gỏng – Chúng tôi không yêu cầu đại úy phải giết ai cả.

- Nhưng nếu ba người ấy không chịu ngoan ngoãn trao séc ra, tôi buộc phải dùng vũ lực với họ và khi ấy, lấy gì đảm bảo là không đổ máu?

- Chúng tôi không cần biết điều ấy – Nomura cười gằn – Nhiệm vụ của đại úy là thu hồi ba tờ séc ấy lại cho nước Nhật , thế thôi.Và đừng để tôi phải sử dụng quyền điều động khẩn cấp theo “ Điều lệ Đại bản doanh thời chiến” để tước bỏ chức vụ, cấp bậc của đại úy vì bất tuân thượng lệnh. Thế nào?

- Xin chấp hành lệnh –Kenji nghiến răng, cúi rạp người chào ra dấu phục tùng.

- Tốt ! – Nomura cười khẩy – Đại úy cầm bìa này, ngoài ảnh của ba người ấy còn một phong bì đựng 2000 yen chi phí. Nhiệm vụ bắt đầu từ lúc này. Hãy đón bọn họ ngoài kia.

Dứt lời, không thèm nhìn lại viên đại úy, Nomura quay sang bàn làm việc, gọi điện thoại cho Tetsuji :

- Ổn cả rồi. Ông chuyển giao séc cho họ đi.

Cơ quan tổng tham mưu Nhật đã đi một nước cờ cao : Ba gã người Nga bị mất trộm hoặc bị trấn lột mất ba tờ séc đành im miệng mà lặng lẽ cay đắng rời Nhật Bản, bởi nếu họ lu loa to chuyện mua bán tin tức tình báo này thì chẳng khác gì tự ký cho mình bản án tử hình. Okhrana không chỉ nổi tiếng với những thủ đoạn độc ác tàn bạo mà còn được biết đến như một cơ quan có mặt ở khắp mọi nơi.Người của cơ quan này không chỉ có trí nhớ tốt mà còn có một đặc điểm chung là kiên trì bền bỉ săn đuổi con mồi hiếm thấy.

… Có một điều nằm ngoài dự liệu của bộ tổng tham mưu Nhật, vì đại úy Kenji không kịp thực hiện vụ trộm séc trong khách sạn lẫn trấn lột cả ba gã người Nga nọ. Có một điểm gần như chung nhất ở những tên phản bội, đó là không tin vào những gì xảy ra chung quanh. Vì thế mà Varsky, Fedorov và Zelinsky đều đã chọn hình thức thuê và thanh toán tiền khách sạn theo ngày nên sau khi nhận séc từ tay đại tá Tetsuji, cả ba đã mang theo sẵn hành lý để thuê xe ra cảng, ba người ba ngã khác nhau. Yếu tố bất ngờ này khiến cho đại úy Kenji buộc phải tự quyết định là bám theo ai có khả năng đang giữ ba tờ séc. Chính là Varsky, kẻ mà theo ông có vẻ láu lỉnh nhất khi mau chóng lẩn vào một khu phố giữa lúc Fedorov và Zelinsky đang gọi xe. Theo Kenji, có thể Varsky sợ những chiếc xe đang chạy đến là do cơ quan tham mưu Nhật bố trí sẵn nên đi bộ để rồi đột ngột lên một chiếc xe bất chợt nào đó mà cũng có thể là xe mà hắn thuê sẵn, còn hai gã kia chỉ là “ mồi nhử” mà thôi… Kenji quyết định đuổi theo Varsky và nếu cần thì ra tay trấn lột luôn ba tờ séc cho xong việc. Nhưng mọi việc lại không như ông nghĩ vì Varsky vừa khuất bên đầu hẻm phố bên kia thì tự dưng mất dạng. Kenji đã cất công tìm suốt hai giờ đồng hồ nhưng vô vọng. Hành động duy nhất mà Kenji còn kịp làm là gọi điện thoại ra cho cảnh sát cảng thì mới hay chuyến tàu khách Mỹ Nhân Ngư của Hoa Kỳ đã rời bến và Fedorov cùng Zelinsky có tên trong danh sách khách đi trên tàu. Nhưng còn Varsky thì sao?

Câu trả lời đến với Kenji ngay ngày hôm sau, khi cảnh sát Nagasaki tìm thấy một thi thể đàn ông nước ngoài trong một ngõ hẻm gần cảng cá với một lỗ đạn to tướng trên đầu. Những dấu vết để lại trên thi thể cho thấy nạn nhân bị tra khảo trước khi bị bắn chết. Bằng con mắt nhà nghề, Kenji nhận ra cung cách làm việc tàn bạo của Okhrana.. Nhưng họ có đạt được mục đích không khi bắt cóc Varsky ngay khi y vừa ra hỏi con hẻm bên kia  để tra khảo không thì Kenji cũng không thể nào biết được, bởi nạn nhân chắc chắn đã bị lục soát trước khi được cảnh sát tìm thấy.

Cái láu cá vặt của bộ ba phản bội này hóa ra đã đảo ngược mọi dự tính của cả Kenji lẫn Okhrana, vì thực ra Varsky mới chính là mồi nhử, còn tờ séc của hắn và bản chính của hợp đồng mua bán thông tin tình báo lại đang nằm trong túi của Fedorov. Zelinsky giữ tờ séc của mình cùng một bản sao hợp đồng. Cả ba hẹn gặp nhau tại nước Anh, nơi có thể an toàn xin cư trú chính trị.

3 –

Tháng 3 năm 1918, tòa án vương quốc Anh.

Hôm nay, Zelinsky đến dự buổi điều tra cuối cùng của tòa trước khi quyết định đưa vụ án ra xét xử. Vụ án mà báo chí vương quốc Anh đã gọi là “ vô tiền khoáng hậu” : kiện vi phạm hợp đồng mua bán tin tức tình báo. Zelinsky đã kiện ngân hàng Nhật Bản vi phạm điều khoản thanh toán theo hợp đồng ngày 07 tháng 3 năm 1902 giữa hắn và Yamaguchi. Thực ra, Zelinsky cũng chẳng bao giờ dám làm rùm beng vụ này nếu như không có cuộc cách mạng long trời lở đất năm 1917 lật đổ Nga Sa hoàng vì ngại trở thành mục tiêu săn lùng của Okhrana. Giờ đây, cái cơ quan đáng sợ đó đã không còn và Zelinsky cho phép mình tự do hành động để đòi lại tài sản mà hắn cùng Fedorov, Varsky đã phải trả bằng một giá quá đắt. Chia tay ở Nagasaki, hắn không dám về Nga mà lặn sang tận Thụy Sĩ ẩn náu, lòng cứ lo canh cánh chẳng biết số phận Varsky sẽ ra sao, nhưng có một điều khiến hắn tin tưởng là Varsky sẽ không bao giờ khai ra, vì tờ séc của Varsky đang nằm trong tay Fedorov, còn di chúc của Varsky để lại số tiền trị giá tờ séc đó cho gia tộc mình  lại do Zelinsky giữ. Dự cảm của Zelinsky không sai vì hắn vẫn được yên thân, nhưng Fedorov thì biệt tích. Phải mất nửa năm, Zelinsky mới biết tin Fedorov mắc bệnh đậu mùa và chết ngay tại quê nhà từ cuối năm 1915. Còn lại một mình, Zelinsky đành gửi tờ séc vào tài khoản của mình ở ngân hàng Thụy Sĩ để nhờ thu và ngân hàng Nhật Bản tại Thụy Sĩ lịch sự yêu cầu gửi cho họ bản chính của hợp đồng để có cơ sở yêu cầu ngân hàng quốc gia Nhật Bản tại vương quốc Anh chuyển tiền vì trị giá thanh toán quá lớn. Tìm đâu ra bản chính hợp đồng khi Fedorov đã chết? Vác xác về Nga để vào lục tìm từng ngóc ngách nhà của y ư? Có họa là điên. Nhưng làm sao khác hơn được bây giờ? Zelinsky đã vắt óc suy tính và đi đến quyết định nhờ một văn phòng luật tại Bern tiến hành việc liên hệ mà trong lòng thì chán nản hoang mang, chẳng mấy hy vọng. Ấy vậy mà  cái điều tưởng như không thể lại diễn ra, giữa lúc nước Nga đang xáo trộn vì những xung đột chính trị, trong khói lửa chiến tranh thế giới bao trùm châu Âu thì liên lạc với gia đình Fedorov lại được nối qua đường thư tín các nước trung lập Thụy Sĩ – Mỹ - Nga và cuối cùng là bản chính của hợp đồng cùng hai tờ séc của Fedorov và Varsky  đã chuyển đến tay Zelinsky. Cầm những tờ giấy ấy mà Zelinsky run lên : 138 triệu yen đang nằm chờ hắn. Lại một lần nữa, Zelinsky chuyển tất cả cho ngân hàng của mình với yêu cầu thu hộ thì…đòn trời giáng xảy ra : Ngân hàng Nhật Bản tại London từ chối thanh toán. Giận điên người, bất chấp khó nhọc phải đi vòng vèo để tránh vùng chiến sự, mặc kệ sóng gió biển khơi, Zelinsky có mặt tại thủ đô sương mù để làm ra lẽ dù vẫn e ngại Okhrana. Cuộc cách mạng tháng 2 và sau đó là tháng 10 đỏ đã giúp Zelinsky vững tin mà đưa vụ việc đến tòa với cái lý “đòi lại lẽ công bằng cho những người đã góp công giúp Nhật Bản trở thành cường quốc”… Hôm nay, Zelinsky hồi hộp đợi chờ kết quả của phiên điều tra do tòa án độc lập tiến hành nhằm quyết định việc xét xử…

Viên mõ tòa mở cánh cửa, gọi:

- Vụ thứ ba: Zenlinsky kiện ngân hàng Nhật Bản tại vương quốc.

Zelinsky bước vào phòng xử. Vị thẩm phán đầu đội tóc giả trắng lãnh đạm nhìn  Zenlinsky và yêu cầu xưng danh cùng tuyên thệ. Sau đó, lục sự đọc lại cung từ và biện lý lập lại yêu cầu khởi kiện. Thẩm phán hỏi:

- Ông Zelinsky! Ông có xác nhận giữ nguyên các lời khai và yêu cầu khởi kiện của mình không?

- Xác nhận, thưa tòa.

- Mời ông về chỗ. Cho gọi bị kiện.

Gã Nhật Bản với bộ lễ phục và cặp kính tròn dễ ghét đại diện cho ngân hàng Nhật Bản bước lên, nhìn Zelinsky với vẻ ủ dột, tò mò xen với thương hại. Người ấy chính là Kenji Okano. Viên sĩ quan tình báo “Mai” có trách nhiệm “làm nốt cho tròn phần trách nhiệm của  mình ba năm trước” cúi chào thẩm phán.

- Ông Kenji Okano! Là đại diện của ngân hàng hoàng gia Nhật Bản tại vương quốc Anh, ông có xác nhận những lời người khởi kiện đã được lục sự trình bày không?

- Xác nhận, thưa tòa.

- Ông có xác nhận yêu cầu của người khởi kiện qua lời biện lý nêu không?

- Bác bỏ, thưa tòa. – Kenji đáp dửng dưng trong khi cả phòng xử kinh ngạc. Bởi nếu đã xác nhận hoàn toàn cung từ qua trình bày của lục sự thì không có lý nào chối bỏ trách nhiệm từ yêu cầu khởi kiện của Zelinsky. Cháo đã múc thì tiền phải trao, đã mua tin tức tình báo thì phải trả tiền cho người bán, cái lý sòng phẳng là vậy chứ chưa nói gì đến việc lập hợp đồng văn bản. Rõ ràng, đại diện của bên bị vừa thể hiện một thái độ ngang ngược khó chấp nhận. Thẩm phán cau mày :

- Đại diện bên bị kiện! Tôi yêu cầu ông giải thích nguyên nhân bác bỏ yêu cầu bên khởi kiện.

- Đơn giản vì bản hợp đồng ngày 07 tháng 3 năm 1902 không có hiệu lực để thực hiện, thưa tòa – KenJi cúi xuống đống hồ sơ hợp đồng trên bàn mình  để lục tìm gì đó rồi đưa ra một xấp hợp đồng song ngữ Nhật – Pháp, Nhật – Nga, Nhật – Anh, Nhật – Mỹ - Xin quý tòa xem hợp đồng giao dịch mua hàng từ nước ngoài của Nhật Bản chúng tôi. Chữ ký người mua luôn nằm ở ngay dưới nội dung hợp đồng, góc phải, phía trên chữ ký người bán chứ không nằm ở góc trái  và ngang hàng với chữ ký người bán như trong hợp đồng ngày 07 tháng 3 năm 1902 mà bên khởi kiện đưa ra.

Zelinsky lẫn luật sư của mình đều choáng váng trước sự cố bất ngờ này. Luật sư của Zelinsky đứng bật dậy :

- Phản đối, thưa tòa. Bản hợp đồng ngày 07 tháng 3 năm 1902 của thân chủ tôi hoàn toàn theo đúng hợp đồng mua bán quốc tế. Hai bên mua bán ngang bằng với nhau về vị trí.

- Yêu cầu vô hiệu phản đối, thưa tòa – Kenji vẫn giữ vẻ dửng dưng – Mẫu hợp đồng mua bán lập tại Nhật Bản chứ không phải lập tại văn phòng giao dịch thương mại của Nhật bản ở ngoại quốc nên phải theo đúng mẫu pháp luật Nhật Bản quy định. Ở Nhật Bản, khi đồng ý mua hàng theo điều kiện hai bên thỏa thuận thì bên mua ký trước, ngay dưới góc phải.

- Đây là nhiệm vụ  tình báo chứ không phải mua bán hàng hóa – luật sư của Zelinsky phẫn nộ - Thân chủ của tôi đã phải mạo hiểm sinh mạng để giúp bộ tổng tham mưu Nhật chiến thắng đế quốc Nga .

- Sao ông ta và bạn bè của mình không mạo hiểm sinh mạng để giúp quốc gia mình là nước Nga chiến thắng? – Kenji cười cay đắng – Ông ta biết tin tức của mình làm hại tổ quốc mình mà vẫn đem bán. Nếu quyền lợi tổ quốc là vật mua bán được thì tin tức tình báo đơn giản  là hàng hóa và khi lập hợp đồng mua bán phải chấp thuận thông lệ soạn thảo hợp đồng mua bán soạn tại Nhật Bản chứ? Không thể xem đây là nhiệm vụ tình báo mà Nhật bản có nghĩa vụ và trách nhiệm thanh toán vì ông Zelinsky đây không phải điệp viên của chúng tôi phái khiển để thanh toán theo hợp đồng sử dụng lao động.

Không gian trước mắt Zelinsky như tối sầm lại…Tên phản bội tổ quốc choáng váng khi thẩm phán lệnh dừng phiên tòa để xem xét chứng cứ và liên hệ giám định bởi các thương gia Anh tại Nhật… Kenji ném cái nhìn khinh bỉ về phía Zelinsky kèm câu nói hững hờ cay nghiệt : - Những người Bonchevik ở tổ quốc của ông vừa thay thế Okhrana bằng cơ quan mới Cheka[2]. Sao ông không liên hệ lại với họ? Kinh nghiệm của ông hẳn có chổ dùng. (!)

Tòa án vương quốc Anh đã bác yêu cầu khởi kiện đòi tiền của Zelinsky hay nói đúng hơn họ đã bác đơn của một tên ăn cắp kiện đòi nợ một tên lừa đảo. Đó là cái kết dành cho hành động phản bội tổ quốc. Dĩ nhiên là Kenji Okano chẳng vui thú gì với thắng lợi này, vì ông ta chỉ khắc phục hậu quả của sai lầm ngày trước của mình, có chăng một điều an ủi là đã hành động vì mục tiêu tối thượng là lợi ích xứ sở mặt trời mọc. Sau vụ việc này, có nhiều người lên án hành vi của Yamaguchi khi ký hợp đồng là lừa đảo kẻ khác, không xứng đáng với danh dự một quý tộc và thiếu sòng phẳng trong giao dịch mua bán. Kết luận như thế e là rất hợp với lý thuyết giáo khoa nhưng hóa ra thiếu thực tiễn trong công tác tình báo. Bởi trong tuyển mộ điệp viên thì kẻ tham tiền là một kẻ có ưu điểm nhất. Giữa mọi động lực để phản bội tổ quốc thì tiền là đơn giản và dễ dàng nhất cho cơ quan thuê người. Với một gã tham tiền thì không có dằn vặt vì những cảm giác hối tiếc, không giận dữ vì chán ghét, không phải ngu ngốc để có thể bị sai khiến và phỉnh nịnh, không quá nhát để mà bị hù dọa. Và quan trọng hơn, có thể vứt bỏ hắn khi xong việc, nhưng thật tuyệt vời nếu như vứt bỏ hắn mà vẫn  lấy lại đủ số tiền mình đã phải bỏ ra. Cơ quan tham mưu Nhật đã  thể hiện  sự cao tay hiếm thấy khi làm tất cả những điều trên với  sự công khai đầy …trang trọng ở một phiên tòa.


[1] Tên cơ quan bảo vệ chính trị của Nga Hoàng hoạt động cả trong lẫn ngoài nước Nga, khét tiếng tàn bạo.

[2]  Viết tắt tên gọi  Ủy ban đặc biệt toàn quốc về đấu tranh chống phản cách mạng, tung tin đồn nhảm và phá hoại được thành lập vào ngày 20  tháng 12 năm 1917.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Người đàn bà bên kia sông – Truyện ngắn của Văn Giá
Làng tôi nằm sát con sông Thương. Từ chân đê vào làng đi qua một con đường đất nhỏ, hai bên trồng phi lao, cắt qua cánh đồng. Khoảng cách từ làng ra sông không quá xa. Người lớn ở trên đê, mỗi khi có việc gì gấp, gọi vọng vào trong làng vẫn có thể nghe thấy, nhất là khi gặp gió xuôi thì rõ mồn một.
Xem thêm
Rome còn thơm mùi Oải hương - Truyện ngắn của Thu Trân
Chuyên mục Đọc truyện ngắn hay trên báo Văn nghệ
Xem thêm
Cọng rơm - Truyện ngắn của Bùi Thị Huyền
Trở về thăm làng sau mấy chục năm tha phương cầu thực, Mỳ vui và hân hoan như chưa hề xảy ra những biến cố trong cuộc đời mình. Nói là về thăm làng nhưng thực ra cái làng Trà đó không phải nơi chôn nhau cắt rốn của cô. Nó là quê, cái nơi cách đây đã lâu lắm rồi, Nhân - một nửa của Mỳ ngày nào, sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà nhỏ dưới chân núi Trà, ngọn núi chơ vơ giữa vùng đồng bằng duyên hải.
Xem thêm
Tìm cha - Truyện cực ngắn của Lê Thanh Huệ
Nguồn: Giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Thế giới mới (1993 – 1994)
Xem thêm
Bông hoa của bản – Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Trang
Tiếng khóc thút thít của Mai vọng từ phía buồng lại, xóa tan sự tĩnh lặng của đêm. Páo ngồi bên bếp, nồi nước đang sôi ùng ục bốc khói, tay Páo cầm thanh củi cời những viên than hồng rực, ánh mắt vô định nhìn những ngọn lửa bập bùng cháy cũng như lòng Páo lúc này đang không yên. Páo muốn đi vào trong phòng Mai, nói với Mai rằng hãy đứng dậy và bỏ đi cùng anh. Hãy bỏ lại tất cả cuộc sống hiện tại để đến một nơi khác bắt đầu cuộc sống mới như đôi chim cu tự xây tổ mới cho mình, như đôi hoẵng chạy vào rừng sâu sống cuộc sống yên bình… Từ nhỏ Páo đã chứng kiến Mai khổ quá rồi, giờ nếu tiếp tục để Mai chịu khổ hơn nữa anh thấy mình càng vô dụng như khúc gỗ dưới sàn nhà, như cây lá han trong rừng.
Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa
Truyện ngắn của NGUYỄN XUÂN VƯỢNG
Xem thêm
Làng quê đang trôi
Khoan giếng trên đồi. Giở mảnh giấy ghi nhì nhằng những cuộc hẹn nhận qua điện thoại, hắn rút bút bi gạch ngang, tay co giật, run run, đường gạch ngoằn ngoèo. Hắn khựng lại, gãi gãi tai, nhưng rồi cũng lên đường.
Xem thêm
Gió chướng lạnh lùng, mưa rung lá hẹ – Truyện ngắn của Triệu Vẽ
Lâu lắm rồi đêm nay bà Sáu mới lại nghe một tiếng vạc sành đơn côi, trong cái hơi lạnh rờn rợn của mùa gió chướng. Không hiểu sao bà muốn lên bàn thờ đốt cho ông Sáu cây nhang. Con dâu bà nó cứ càm ràm mùi nhang giờ toàn hóa chất độc hại, hay má chuyển sang nhang điện. Bà không ưng. Bà thích hửi cái mùi nhang khói thiệt lẩn quẩn trong nhà, trong gian thờ vào lúc chạng vạng, nghe ấm cúng bình an không có tả được.
Xem thêm
Chợ phiên Mèo Vạc – Tạp văn của Nguyễn Duyên
 Ai đã từng đến chợ phiên vùng cao? Tôi chưa từng đến chợ phiên vùng cao nên tôi rất mong mỏi. Khi trên xe ô tô nhà thơ Trần Đăng Hào chủ tịch Hội VHNT Ninh Bình thông báo với anh chị em: Ngày mai có chợ phiên Mèo Vạc đó. Lòng tôi dâng lên bao cảm xúc đợi chờ chợ phiên tới!
Xem thêm
Em sẽ gây tai nạn
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Cô gái có khuôn mặt trăng rằm Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra. Là người lính đã trải qua mấy cuộc kháng chiến, được đào tạo, học hành bài bản, ông Hữu không tin vào sự mù quáng, vô căn cứ. Nhưng thế giới tâm linh là điều ông đặc biệt quan tâm. Điều gì con người chưa có khả năng khám phá, lý giải thì đừng vội phủ nhận. Hãy nghiêm túc tìm hiểu nó với thái độ đúng đắn nhất. Ông Hữu thường nói với cấp dưới như thế.
Xem thêm
Gọi mãi tên nhau
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chuyện ngày cuối năm - Truyện Ngắn Cát Huỳnh
Nhìn hắn bây giờ với dáng vẻ đường bệ. Nếu là người lạ chắc thế nào cũng lầm tưởng hắn là một cán bộ cấp cao ở tỉnh.
Xem thêm
Triết gia miệt vườn – Truyện ngắn của Vương Huy
 Lão Bần nâng ly trà lên miệng nuốt đánh ực một cái, lão gằn giọng nói: Tôi đọc triết từ thời trẻ và tôi rất mê Bùi Giáng. Nhưng sau nầy nghĩ lại, nếu Bùi Giáng viết ít lại sẽ hay hơn. Tôi thích triết Heidegger vì triết ổng sâu kín.
Xem thêm
H’un - Truyện ngắn của Hồng Chiến
Buôn K’sia hôm nay họp bàn về việc xây dựng nông thôn mới. Ông Chủ tịch Phường nói rất nhiều, rất dài về Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới đang thực hiện ở tỉnh nhà và thành phố của chúng ta. Ông cho biết thêm: Nhà nước đầu tư bảy mươi phần trăm kinh phí làm đường đổ bê tông, dân góp còn lại. Có đường mới, đi lại thuận tiện thì những sản vật làm ra mới có nhiều người đến mua, dân mới đỡ khổ. Cán bộ nói nhiều, toàn điều hay, cuối buổi, ông buôn Trưởng chốt lại: muốn có đường đi sạch sẽ, thoáng đãng thì dân phải… góp đất.
Xem thêm
Trăm năm hương Tết vẫn còn - Truyện ngắn Nhật Hồng
“Tết đến, già trẻ trai gái đều nô nức đón mừng, dù điều kiện kinh tế gia đình mỗi người có khác nhau, nhưng hương tết vẫn nồng nàn tha thiết, sum vầy cùng với bánh ngọt và hoa thơm”.
Xem thêm
Ngôi sao lấp lánh
Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân
Xem thêm
Gió bãi trăng ghềnh – Truyện ngắn của Tống Phước Bảo
Má mày bị đánh đĩ rồi Nhơn ơi! Chưa kịp hiểu gì Nhơn đã bị Ngỡi lôi tuột ra chiếc xe đạp cũ mòn. Chiều in bóng trên bờ ruộng hai đứa nhỏ hấp tấp chở nhau đi như trối chết.
Xem thêm
Nữ bưu tá – Truyện ngắn của Hữu Đạt
Mỗi lần đến đơn vị bộ đội phòng không đưa thư hoặc báo, Phương để ý thấy một người – một người duy nhất – chỉ đến rồi lại ra về, với vẻ mặt trầm buồn. Đơn giản là chưa bao giờ Phương thấy anh ta nhận một lá thư, hoặc gói bưu phẩm của ai đó gửi cho cả.
Xem thêm