- Chân dung & Phỏng vấn
- Nhà văn Bùi Anh Tấn: Tinh thần nhà báo - đầu óc văn chương
Nhà văn Bùi Anh Tấn: Tinh thần nhà báo - đầu óc văn chương
Nhân dịp Đại tá nhà văn Bùi Anh Tấn được giao thêm trọng trách mới, Văn chương Thành phố Hồ Chí Minh xin giới thiệu một bài báo về anh từ trang web Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh. Mời quý vị và các bạn cùng đọc.
Với hơn 30 năm cầm bút, gia tài Bùi Anh Tấn sở hữu hiện có hơn 20 tiểu thuyết về lịch sử - chiến tranh - tôn giáo và ngót nghét 100 tập phim truyền hình đã phát sóng.
Nhà văn - nhà báo - biên kịch Bùi Anh Tấn
Vừa là một nhà văn, một nhà báo nhưng anh Bùi Anh Tấn hoàn thành rất tốt công việc ở hai vai trò, và có rất nhiều thành tựu đặc biệt là ở mảng văn chương. Gia tài anh sở hữu hiện có hơn 20 tiểu thuyết về lịch sử - chiến tranh - tôn giáo và ngót nghét 100 tập phim truyền hình đã phát sóng.
Khán giả rất chờ đợi từng khách mời đến với chương trình sẽ mang đến những khoảnh khắc cuộc đời thú vị, và giá trị với thông điệp tích cực. Không biết khoảnh khắc nào anh muốn chia sẻ với khán giả?
Trong cuộc đời cầm bút của tôi cũng độ khoảng 30 năm rồi. Bây giờ viết văn, viết báo cũng xen lẫn nhau. Viết văn hay báo cũng đều là công việc cầm bút cả, tất nhiên cũng sẽ có những cái giao thoa lẫn nhau trong lĩnh vực chữ nghĩa, nhưng rồi có những cái sẽ tách biệt ra.
Ví dụ nghề báo đòi hỏi sự nhanh nhạy và độ chính xác cao. Còn văn chương thì đòi hỏi "độ lùi" và sự lắng đọng hơn, có những nhà văn có thể viết những câu chuyện cách đây hàng nghìn năm, cũng có một số viết chuyện viễn tưởng đến trước chúng ta hàng trăm năm.
Phim điện ảnh "Thiên mệnh anh hùng" được chuyển thể từ
tiểu thuyết "Bức huyết thư" của Bùi Anh Tấn
Hiện nay có nhiều quan điểm cho rằng nhà văn có thể thành nhà báo, ít có khi nào nhà báo sẽ thành nhà văn. Anh có suy nghĩ gì về điều này?
Điều này cũng khó giải thích. Công việc của báo chí sôi động hàng ngày, còn nhà văn thì trầm lắng. Đúng là nhà văn có thể viết báo được, nhưng ngược lại đúng là không phải nhà báo nào cũng có thể trở thành nhà văn. Đây là sự thật.
Viết văn là một công việc tự nhiên do cảm xúc của bản thân dồn nén, dâng trào rồi thể hiện lên văn chương. Nếu bạn có tài, văn sẽ hay. Còn báo chí là công việc chuyên môn, đòi hỏi tính chuyên nghiệp rất cao, và cần cả quá trình học hành nữa.
Tuy nhiên, theo tôi cả hai công việc có thể bổ trợ cho nhau, có lợi cho người viết ở độ chữ nghĩa - câu văn sẽ mềm mại hơn.
Bùi Anh Tấn làm tốt cả hai vai trò là nhà báo và nhà văn
Một người giữ hai vai trò như vậy, anh có bao giờ cảm thấy bị xung đột hay không? Chẳng hạn anh viết báo nhưng ngôn từ văn vẻ quá, còn viết văn thì mang sự sắc bén của báo chí?
Ngoài viết văn, viết báo, tôi còn viết về kịch bản phim. Thật ra, xung đột lớn nhất là giữa người viết kịch bản và người viết văn chương. Để cho lên một bộ phim chỉ cần lời thoại và hành động, phần còn lại nhờ vào đạo diễn, diễn viên... Trong khi đó, văn thì có sự lả lướt, sâu xa mà trên kịch bản không thể hiện được như thế. Vì vậy, bạn bè tôi viết kịch bản xong quay lại viết văn rất khó, lời văn sẽ bị "khô" đi, thậm chí là triệt tiêu đi. Điều này rất đáng sợ.
Thế nên tôi vẫn nhắc nhở bạn bè trong nghề là viết kịch bản phải cẩn thận. Nhà văn cũng cần những thực tế của cuộc sống, chứ không thể ngồi trong "tháp Ngà" rồi tưởng tượng để viết được. Chính công việc người làm báo xông vào thực tế để lấy tư liệu đã bồi đắp ngược lại cho nhà văn. Vấn đề là nhà văn biết vận dụng thế nào để có sự nhuần nhuyễn giữa hai thứ với nhau.
"Bảo kiếm và gia nhân" được xuất bản gần đây
Làm cả hai công việc như thế, khó khăn anh gặp phải là gì?
Khi viết báo, tôi luôn phải tự nhủ mình luôn tỉnh táo để giữ ngòi bút sắc bén của báo chí. Còn khi ngồi lên văn chương, tôi không thể "tỉnh" như thế được. Bởi vì câu văn quá "khô", quá lạnh lùng thì không còn là văn chương nữa.
Từ làm báo qua viết văn, anh đã trải qua khoảng thời gian thích nghi như thế nào?
Làm nhà báo được khoảng chục năm thì có thời gian tôi bị ngắt quãng vì lí do khách quan. Lúc đó buồn quá, nhớ chữ nghĩa quá mà lại không thể viết báo, tôi không biết thể hiện bằng gì nên thế là... viết văn thôi.
Tác phẩm đầu tiên được xuất bản của anh mang đề tài đồng tính. Đây là một nước đi táo bạo. Thậm chí để thỏa mãn niềm đam mê viết lách của mình thôi mà anh chọn một chủ đề gai góc. Vậy ở thời điểm đó người ta đón nhận như thế nào?
Ban đầu, tôi chạy đi 5 - 6 nhà xuất bản nhưng không ai chịu in. Thời gian đầu được in, sách còn bị cắt mất phần kết. Sau này, nhiều bạn đọc phàn nàn rất nhiều vì bị chỉnh sửa khác với ý định của tôi là cho nhân vật được lựa chọn. Nên những lần tái bản sau, khi xã hội Việt Nam đã có cái nhìn thoáng hơn, tôi đã đấu tranh để khôi phục cái kết ban đầu.
Tác phẩm xuất bản đầu tiên của Bùi Anh Tấn là một bước đi táo bạo
Từ nguyên nhân nào mà anh quyết định viết nó? Vì ở thời điểm 20 năm trước, có rất nhiều nhà báo viết về mảng văn hóa - đời sống nhưng lại hạn chế viết về đề tài "nhạy cảm" này.
Thực ra, các nhà báo viết về đồng tính tôi thấy đôi lúc cũng chỉ phản ánh bề nổi thôi, những bài báo đào sâu thì cũng có, nhưng để chạm đến mức độ văn chương thì tôi chưa thấy có thật sự.
Dự định sắp tới của anh sẽ là gì?
Tôi đang có sẵn mấy đề tài trong máy rồi. Trước hết tôi phải hoàn thành cuốn tiểu thuyết lịch sử, và sẽ cố gắng trong năm 2020 sẽ ra mắt. Thành công không thì không thể trả lời được vì còn phải để độc giả đánh giá. Tôi sẽ cố gắng tìm một góc nhìn hay hay một tí.
Mỹ Linh (http://www.htv.com.vn/)
_________
P/s: Cuốn sách mới nhất của Bùi An Tấn là tiểu thuyết Hồi ức một sĩ quan tuỳ viên hiện đang in.