TIN TỨC
  • Nhà văn trẻ
  • Người bị sét đánh - Truyện ngắn Ngô Thúy Nga

Người bị sét đánh - Truyện ngắn Ngô Thúy Nga

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2021-10-26 11:38:34
mail facebook google pos stwis
2375 lượt xem

(Vanchuongthanhphohochiminh) - Ngô Thuý Nga sinh năm 1989 ở Hà Tĩnh, tốt nghiệp Khoa Ngữ văn – Báo chí Trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn TPHCM, hiện là Biên tập viên NXB Hội Nhà Văn chi nhánh miền Nam. Cô đã xuất bản 2 tập truyện ngắn Nước mưa của chàng câm, Mùa này sao cứ dài nhung nhớ, tiểu thuyết Những mùa ngâu và tập thơ Nốt lặng; được trao nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thưởng Nhà văn trẻ Hội Nhà văn TPHCM năm 2016 cho tập thơ Nốt lặng và Giải ba Giải thưởng Cây Bút Vàng lần thứ 3 (2015 -2017) với tiểu thuyết Những mùa ngâu.

Vượt qua những khó khăn, bất trắc đời thường, Ngô Thúy Nga là cây bút đa năng thầm lặng mải mê với trang viết, tránh xa những ồn ã hư danh, cho ra đời những tác phẩm đáng trân trọng. Quan niệm về nghề cầm bút, Ngô Thúy Nga chia sẻ: “Văn chương đến với tôi như một mối duyên lành, rồi từ đó bén rễ sâu và ở lại trong cuộc sống cũng như tâm hồn tôi. Viết là một hành trình dài và thật sự nghiêm túc, càng ngày tôi càng nhận ra, giá trị thật sự của văn chương là mang tình yêu thương đến với người, với đời. Cho đến bây giờ, tôi vẫn luôn biết ơn mối duyên lành kết nối tôi với những trang viết”.

Nhà văn trẻ Ngô Thúy Nga

 

NGƯỜI BỊ SÉT ĐÁNH

1. Làng yên bình gối đầu lên chân một mỏm núi mà thở nhẹ nhàng. Làng cười nhẹ như gió bên nhánh sông thầm thì lời bìm bịp gọi nhau. Làng tôi đấy! Có núi, có sông, có cánh đồng mà đàn cò dang cánh, rộng thênh thang. Có tuổi thơ của chị em tôi và những chị em khác nữa.

Người ta nói miền Trung như cái đòn gánh, quảy trên lưng hai đầu của đất nước. Đòn gánh cong oằn vì nặng, vì nắng mưa. Cái nắng như cào xé, thiêu đốt làng tôi bằng những trận gió Lào nóng như ngậm lửa. Cái rét  – người ta không gọi là lạnh, vì nó không đủ sức diễn – như cứa vào thịt da, nhức nhối cả mùa đông.

2. Ngôi nhà của mẹ con cụ Nhờ sát bên sông. Chẳng ai biết ông Nhờ ở đâu. Cụ Nhờ một mình lủi thủi nuôi con. Giờ anh Cu đã lớn, mà còn học rất giỏi nữa. Cụ Nhờ tự hào về anh Cu lắm. Thực ra anh Cu có cái tên rất đẹp – Xuân Hào. Nhưng mọi người trong làng đều gọi là anh Cu. Anh Cu tốt bụng và nhiệt tình. Ai nhờ lợp cái nhà, hay rào cái vườn rau anh Cu đều hăng hái làm giúp. Cụ Nhờ thấy thế thì vui lắm. Hai mẹ con dựa vào nhau mà sống. Cả làng ai cũng thương hai mẹ con cụ. Lâu lâu lại có người kêu: “Cụ Nhờ ơi cho tui mượn anh Cu một lúc, cụ Nhờ ơi tui biếu cụ bó rau, con cá…”. Chị em tôi cũng hay chạy đến chơi nhà cụ. Cụ hay cất dành cho chúng tôi củ khoai nướng, cái bắp luộc và những củ lạc đầu mùa béo ngậy.

3. Cụ Nhờ quý chị tôi lắm. Cụ luôn gọi chị là con. Anh Cu cũng quý chị. Chị hiền lành, ít nói, suốt ngày chỉ thấy chị cười hiền, chẳng khi nào chị biết to tiếng với ai. Mà chị đảm đang nữa. Chị nấu ăn ngon. Khâu vá, thêu thùa gì chị cũng biết. Chị mang nét đẹp của cả người phụ nữ truyền thống và hiện đại. Chị lãng mạn. Nhưng chị cũng trong suốt như hạt mưa, dễ vỡ, dễ tổn thương. Một cảnh hoàng hôn chiều cũng làm chị đứng ngây người. Một cánh hoa rừng cũng làm chị thảng thốt. Và…một cái gì đó bất chợt cũng có thể làm nước mắt chị rơi. Trên đời này, tôi chưa thấy ai mau nước mắt như chị. Chị thánh thiện như một thiên sứ mang bình yên. Tôi yêu chị nhưng cũng lo cho chị. Chị quá yếu đuối. Chị cần được che chở. Chị như hạt mưa, chạm tay vào là vỡ tan. Và chị quá kín đáo. Dường như chị chỉ biết giữ tất cả trong lòng. Chẳng khi nào chị tâm sự với ai. Chị cũng chẳng có một người bạn nào ngoài tôi với mẹ con cụ Nhờ.

4. Anh Cu dạy chữ cho chị. Chị dạy lại cho tôi. Anh Cu cũng cho chị em tôi nhiều sách vở. Tối nay chị dạy tôi, nhưng tôi cảm nhận được chị không tập trung. Chị cứ mơ màng, mắt nhìn ra cửa sổ. Tôi hỏi mà chị cũng chẳng biết. Tôi lắc tay mạnh. Chị giật mình. Tự nhiên trong tôi có cảm giác lo sợ sẽ có điều gì xẩy ra. Có lẽ, tôi sắp mất chị. Chị đang yêu đấy. Rồi chị sẽ đi lấy chồng. Tôi thành mồ côi. Mồ côi cha mẹ, và sắp mồ côi luôn cả chị. Chiều nay chị với anh Cu ra hái bèo ngoài bờ sông. Và tôi biết anh Cu lại hái hoàng hôn cho chị. Lúc về nhà, tôi đọc được niềm hạnh phúc trong mắt chị. Đôi mắt chị cười, long lanh, và thú thật là tôi say luôn ánh mắt chị. Nếu chị không phải là chị tôi, nhất định tôi sẽ yêu chị. Sẽ tranh chị với anh Cu cho tới cùng. Nhưng…nhưng tôi vẫn yêu chị. Thực ra tôi cũng muốn anh Cu yêu chị. Nhưng mà…tôi sợ. Tôi sợ mất chị. Tôi sợ chị sẽ không yêu tôi nhiều nữa. Nhưng mà…nhưng mà chị đã hai mươi ba. Chị đã là thiếu nữ. Và chị sẽ đi lấy chồng.

5. Dạo này mưa nhiều. Ngày nào trời cũng mưa, có khi rả rích cả ngày. Chiều nay, cơn giông lại ập đến. Mưa như roi quất vào người. Chớp nhoáng đuổi nhau ngùng ngoằng. Cả sấm. Sấm ầm ầm. Mưa cứ như trút nước. Gió lớn. Gió rít lên từng cơn như đang đánh nhau với mưa. Hôm nay anh Cu lên huyện, cụ Nhờ lại gọi hai chị em tôi đến ăn cơm cùng. Trưa. Đang ăn cơm, bỗng dưng một con chim bồ câu từ trên chuồng rơi xuống sân, đập đập cánh vài cái rồi nằm đơ. Chị em tôi chạy ra thì con chim đã chết. Tôi đưa vào cho cụ Nhờ xem, cụ không nói gì, nhưng hình như sắc mặt cụ biến đổi. Tôi hỏi cụ làm sao, cụ lắc đầu không nói.

Mưa vẫn chưa ngớt. Ba bà cháu sốt cả ruột. Không biết sao giờ này anh Cu vẫn chưa về? Lúc sáng anh Cu bảo phải lên huyện xin giấy tờ gì đấy. Ba bà cháu cứ đi đi lại lại, điện thì không có. Được cái đèn dầu gió cũng thổi tắt ngúm. Ban ngày mà tối thui. Không ai nói với ai câu gì. Chị nắm tay cụ Nhờ thật chặt. Tôi biết chị đang bảo cụ cứ yên tâm, tạnh mưa anh Cu sẽ về. Ba bà cháu tôi, mỗi người theo đuổi một suy nghĩ riêng, làm căn nhà bé nhỏ của cụ thêm u uẩn. Bỗng “đùng” một tiếng to kinh khủng, chúng tôi giật nẩy mình. Sét! Chắc nó đánh ở đâu gần lắm. Ở đây, cứ mỗi lần trời mưa giông lại hay có sấm sét. Mấy năm trước, sét còn đánh chết cả đàn bò bảy, tám con…

Một lúc sau mưa tạnh. Tôi đang hí hoáy chống cái rèm cho nhà cửa sáng lên chút thì bà Toán hàng xóm hớt ha hớt hảy chạy đến, chưa vào tới nhà đã gọi toáng lên:

– Ơi cụ Nhờ! Ơi cụ…

– Cụ đang ở trong nhà. Có việc gì mà bá vội vàng thế ạ? – Tôi đáp.

– Cụ…Bảo cụ…Anh Cu…Thằng Cu…

Nghe giọng hốt hoảng của bà Toán, mà lại có nhắc đến anh Cu. Cụ Nhờ và chị tôi trong nhà chạy ra.

– Bá ơi. Anh Cu…Anh Cu làm sao hả bá? – Chị lo lắng.

– Thằng Cu…Thằng Cu nhà tôi nó làm sao…bà Toán? – Cụ Nhờ hốt hoảng.

– Thằng Cu…Thằng Cu chết rồi…

Có gì đó vừa bục vỡ từ những lời khó nhọc của bà Toán.

– Bá nói gì thế bá? Bá đừng nói bậy. Bá làm bà xỉu bây giờ – Tôi chạy lại lay mạnh tay bà Toán.

Chị và cụ Nhờ đứng như trời trồng. Tay tôi vẫn bóp mạnh tay bà Toán.

– Sét đánh chết thằng Cu rồi. Nó với chiếc xe đạp cháy sém. Nó… Nó đang nằm trước cửa nhà tôi – Bà Toán nói những lời khó khăn còn lại.

Hai chị em tôi dìu cụ Nhờ đi theo bà Toán. Ra tới nơi, anh Cu đang nằm bên chiếc xe đạp. Mặt bị sém một bên. Áo quần, chỗ cháy chỗ không. Chị tôi lại rút chiếc khăn tay thò ra một múi từ túi áo anh Cu. Đúng là anh Cu thật rồi. Đó là chiếc khăn chị thức mấy đêm hết thêu rồi lại là cho phẳng phiu để tặng anh.

6. Đám tang anh Cu, người làng đi rất đông. Ai cũng xót thương cho anh Cu, vừa hiền lành, đẹp người đẹp nết, lại có tài, vậy mà phải chết trẻ. Người ta xì xào “Đúng là cái số”. Họ cũng xót thương cho cụ Nhờ, có đứa con như vàng, bây giờ…Còn tôi xót thương cho cả chị tôi nữa. Chị như không còn giọt nước mắt và chút sức lực nào. Anh Cu cũng ác. Anh Cu bỏ chị tôi mà đi.

Trời tối rồi, mà chị không chịu về, cứ ngồi bên mộ anh Cu. Tôi nói thế nào chị cũng chẳng nghe. Tôi đùm đùm gói gói mang cơm ra nghĩa địa cho chị, nhưng chị chẳng buồn ăn. Chị cứ ngồi thế như pho tượng. Trời đêm heo hút. Gió thoang thoảng rót vào bãi tha ma những tiếng vi vu, rì rầm nghe lành lạnh. Tôi bất giác rùng mình, cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng và dựng tóc gáy. Chị thì cứ ngồi  vô hồn, mặc cho gió vờn tóc rối tung. Trong đêm tối, ánh trăng lờ mờ hắt xuống đôi mắt chị trũng sâu, ráo hoảnh và gương mặt không chút cảm xúc. Tiếng ếch nhái vọng ra liên hồi, khi nhặt khi khoan. Tự nhiên, tôi liên tưởng tới một bộ phim ma nào đó mà mấy đứa bạn lâu lâu vẫn rủ tôi xem, rồi thét lên, rồi òa khóc vì sợ. Chị thì ngưng lặng, mà thời gian thì cứ vô tình cứa vào mọi thứ, ăn mòn. Khi mảnh trăng mỏng thé như lá lúa nghiêng rơi vào đám mây đen, hình như có ai đó vừa thoáng qua. Như vô thức, tôi bíu chặt lấy tay chị, bảo chị về, người ta nói ở ngoài này nhiều ma lắm. Nhưng chị cứ như không hề nghe thấy.

Tôi bất lực. Mảnh trăng vẫn bị đám mây đen kia nuốt chửng. Không gian lờ mờ, tôi cảm giác như mưa phùn đang bắt đầu thấm xuống mặt và vai, lành lạnh. Rồi sực nhớ, tôi vội chạy về nhà dắt con dao con vào người rồi chạy ra với chị. Lúc đó, tôi sẽ chém vào con ma nào dám đụng tới chị tôi. Như một người đàn ông thực thụ (mặc dù chưa đầy mười tám tuổi), tôi tự thấy mình phải có trách nhiệm bảo vệ chị, và bảo vệ mình. Tôi là con trai mà, con trai thì không được sợ ma đâu, không chúng bạn sẽ cười.

Chị vẫn ngồi vô hồn bên nấm mồ anh Cu. Tôi còn nghe thấy mùi của đất mới chưa khô, và thoang thoảng mùi của mấy vòng hoa đã gần héo úa. Tôi thấy mắt cay xè, từ nhỏ tới giờ, có khi nào thức khuya đến vậy đâu. Mảnh trăng hình lá lúa đã chui ra khỏi đám mây đen khổng lồ, ung dung nghiêng ngả phía trời xa. Tôi dụi dụi mắt, ngáp dài và gối đầu lên chân chị ngủ thiếp đi. Đang mê man thì chị lay mạnh vai tôi gọi:

– Lực! Dậy mau! Nhanh đi em!

– Có chuyện gì thế? – Giọng tôi ngái ngủ.

Khi tỉnh hẳn, tôi thấy có một toán người đang đứng trước mặt. Người cầm xẻng, người cầm rạ, người cầm xà beng. Tôi chưa kịp định thần, bọn họ đã quát vào mặt:

– Hai chị em mày có khôn hồn thì biến khỏi đây mau.

– Các anh định làm gì? – Khi sinh ra, ông trời đã phú cho tôi cái tính lì.

– Không phải việc của mày, đừng có xía vào con, khôn hồn thì dẫn chị mày biến đi và câm mồm lại – Người đàn ông có mặt mũi bặm trợn quay lại mấy người đi cùng, khoát tay – Chuẩn bị đào đi bọn mày!

– Ai cho phép các anh đào mộ anh Cu? Các anh điên rồi à? Tôi giết các anh đấy!

Bỗng nhiên cái máu điên nó sục sôi trong tôi. Tôi muốn giết chết cả mấy người kia. Nhưng bọn chúng cười khoái trá, không thèm quan tâm đến những gì tôi vừa nói và gương mặt đã nóng ran vì tức giận của tôi. Bọn họ chuẩn bị đào mộ anh Cu thật. Biết rằng không thể làm gì bọn chúng, tôi dẫn chị đi xa một đoạn và chạy thật nhanh về gõ cửa nhà bà Toán:

– Bá ơi bá! Bá ơi! Mau mở cửa cho con! – Tôi vừa thở, vừa đập cửa ầm ầm và cố gọi thật to.

– Có việc gì thế? Lực hả? – Giọng bà Toán ngái ngủ.

– Nhanh lên bá ơi. Bọn nó đang đào mộ anh Cu. Bá ơi nhanh lên!

Cánh cửa mở toang, và bà Toán tỉnh hẳn.

– Thôi chết! Bá quên mất. Nhanh nào, mình đi. Khoan đã, để bá gọi thêm bá trai.

Dọc đường đi, bà Toán kể rằng người xưa nói những ai bị sét đánh chết thì phải có người canh gác mộ, nếu không sẽ bị người ta đào mộ để chặt tay. Họ nói chỉ cần chặt được tay người ấy thì sẽ làm ăn phát đạt. Chỉ cần đi theo hướng chỉ của bàn tay người chết thì sẽ trộm được nhiều của cải mà không bị phát hiện. Có người còn lấy những đốt tay của người bị sét đánh về ngâm làm thuốc gì đó. Bà Toán nói nhiều nhưng tôi không biết mình nghe có đúng không. Bá nói “mãi lu bu với công việc sau đám tang nên bá quên không nhờ người ra canh gác, may mà có hai đứa không thì…”. Chúng tôi ra tới nơi thì họ đã đào gần xong. Nhận ra bá Toán trai, người có máu mặt trong làng nên bọn họ vứt xẻng, cuốc, rạ…bỏ chạy. Bá trai bảo bá gái đưa hai chị em tôi về nghỉ, bá ở lại canh mộ anh Cu. Lúc đó, trời cũng đã nhá nhem sáng. Sương lùng bùng trước mặt chúng tôi.

Về gần tới nhà, chúng tôi lại thấy cụ Nhờ hớt hải đằng trước. Cụ bảo cụ nằm mơ thấy anh Cu về báo mộng là người ta đang đào mộ anh ngoài nghĩa địa. Tôi kể lại đầu đuôi cho cụ nghe rồi cùng chị dẫn cụ về nhà. Cụ thở phào, nghe nỗi đau đang vướng mắc trong lòng đâu đó. Ba người chúng tôi đi bên nhau, nhường lời lại cho bình minh đang dần đội núi. Vài tiếng gà gáy sáng vang lên, bỗng dưng nghe buồn và não nề thấy lạ!

7. Anh Cu mất được ba ngày thì chị tôi phát điên. Chị không còn biết gì nữa. Chiều nào chị cũng đi lang thang dọc con sông. Tiếng cười của chị nghe rợn cả người, có gì đó còn não nề hơn tiếng khóc. Mà có một điều rất lạ, thường ngày chị tôi rất hay khóc và rất dễ khóc. Có khi tôi đã tưởng người chị làm bằng nước, cứ chọc tay vào là nước sẽ chảy. Thế nhưng khi anh Cu chết, chị tôi không hề rơi một giọt nước mắt. Tôi cứ nghĩ rằng chị sẽ phải là người khóc nhiều nhất mới đúng. Tôi không hiểu tại sao, và cũng không cố tìm hiểu làm gì. Đôi mắt chị ráo hoảnh và hình như là cứ đau đáu nhìn về một cái gì đó. Ngày xưa tôi từng say đôi mắt ấy, bây giờ, đôi mắt ấy lại làm tôi lạnh cả người. Miệng chị lúc nào cũng lẩm bẩm như người đang cầu kinh. Tôi không thể nghe rõ chị nói gì, và không biết trong âm thanh thì thầm ấy, có tên anh Cu, và có tên tôi hay không.

Tôi nằm thiếp đi ngoài hiên nhà, nơi mảnh trăng mỏng thé hắt ánh sáng nhàn nhạt xanh. Nhưng bây giờ, trời đang chập choạng tối. Mảnh trăng còn chưa lên. Tôi nhìn ra xa phía con kênh có màu ráng hồng in hằn lần cuối rồi chìm vào giấc ngủ. Cơn mơ đưa tôi đến nơi nào đó hoang vắng, lạ lẫm nhưng lại rất nhiều gương mặt thân quen. Chỉ có điều tôi không thể nhớ tên. Tôi muốn cất tiếng gọi nhưng miệng cứ cứng lại như người câm. Tôi thấy anh Cu đang dắt tay chị đi, trên tay chị cầm mấy bông lục bình tím nhợt nhạt. Tôi cố gọi nhưng không được. Tôi chạy theo thì liền bị mấy người xung quang túm tay giật lại. Tôi vùng vẫy nhưng càng cố thì họ càng túm chặt hơn. Rồi bỗng dưng tôi khóc thật to, hình như tôi gào thét. Và rồi tôi choàng tỉnh. Tôi không thấy chị đâu. Không ai bên mình cả. Người tôi lạnh toát, mồ hôi hột còn đọng quanh trán và rịn khắp cả người. Tôi vùng dậy chạy đi tìm chị. Mắt trái tôi giật liên hồi. Kệ! Tôi chạy khắp nơi trong cái làng nhỏ bé này nhưng vẫn không thấy chị đâu. Tiếng tu hú từ ngọn đồi bên cạnh vọng ra nghe thật khủng khiếp. Tôi vẫn chạy. Tiếng tu hú vẫn vọng liên hồi…

Ra tới bờ kênh, tôi thấy lòng hoang vắng, cảnh vật hoang vắng. Chỉ có ráng chiều nhuộm con kênh một màu mỡ gà và có chỗ đỏ lên hình tròn như mặt trời vừa rụng xuống đó. Tôi nhìn thấy hai khóm mây như hình hài anh Cu và chị tôi đang nắm tay nhau bước về phía mình. Anh Cu cười, và chị tôi cũng thế. Trong hoàng hôn, tôi nghe lòng mình nhẹ tênh, tôi mỉm cười theo chị. Trong khoảnh khắc ráng chiều biến mất và màn đêm đổ ụp xuống, tôi kịp nhìn thấy hai khóm mây tan vào nhau, vô hình dạng…

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                          N.T.N

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
“Giữa đời may rủi” – Truyện ngắn Võ Đào Phương Trâm
Những phận đời ngơ ngác giữa con đường mênh mông, ngỡ mênh mông mà lại chật hẹp đến không còn khoảng trống để thở một tiếng thở nghe cho trọn vẹn. Mặt sóng vẫn lấp đầy, đẩy đưa chìm nổi, và người ta vẫn cứ đi, mộng mị đến rã rời!....
Xem thêm
Nàng Sói – Truyện ngắn của Anna Maria Stępień, Ba Lan.
Võ Chí Nhất dịch từ nguyên bản tiếng Anh,She Wolf của Anna Maria Stępień, Ba Lan.
Xem thêm
Trong lời mẹ hát | Thơ in sách giáo khoa và lời bình
Bài thơ Trong lời mẹ hát được đưa vào giảng dạy ở sách giáo khoa Ngữ văn lớp 8
Xem thêm
“Một ngày từ bên trong” - Tác phẩm đạt giải thưởng của cô gái 16 tuổi
Tập thơ “Một ngày từ bên trong” của tác giả trẻ Trần Phú Minh Anh, bút danh Minh Anh sinh năm 2007 được trao Giải A của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2023. Tập thơ được bán với giá 200 ngàn đồng.
Xem thêm
Sơ - Lốc - Hôm mặc váy - Truyện ngắn Võ Chí Nhất
Hắn giật thót người khi nghe tiếng con Shushi sủa váng lên khiến bà già chủ nhà lên tiếng nhắc chó cưng rồi rời bàn viết.
Xem thêm
Chùm thơ Bùi Xuân Mẫn
Nhận thấy mình tin chắc thế nàovề một chuyện duy nhấtmà không thể chứng minhLập lòe sáng tối do ánh lửa
Xem thêm
Giới thiệu chân dung thơ Phạm Tiến Triều
Người cầm bút phải có sứ mệnh mang văn hóa của dân tộc mình đến với mọi người. Bởi xét đến cùng, cội rễ của thơ ca phải xuất phát từ ngọn nguồn văn hóa của dân tộc mình sinh ra. Dòng chảy ấy là bất tận. Nhà thơ phải biết hòa điệu giữa dòng chảy văn hóa dân tộc với điệu hồn cảm xúc của cá nhân mình. – Quan niệm văn chương Phạm Tiến Triều
Xem thêm
Đừng xem đó là bẫy – Truyện ngắn Võ Chí Nhất
Anh chàng cẩn thận ngồi vào bàn và nhìn bà Lan Chi với ánh mắt biết ơn khi bà mang khay bánh rán vàng ruộm chầm chậm bước về phía mình. Anh ta xoa cái bụng bí đau sau lớp vải áo sơ mi mới toanh, ra vẻ thèm ăn để làm bà vui vì sắp được thưởng thức hương vị bánh rán mới mà bà cất công làm từ sáng sớm.
Xem thêm
Cuộc điện thoại bất ngờ - Truyện ngắn Hoàng Thị Hiền
Sau tiếng trống báo hiệu vào tiết học, tôi cho đôi mắt được tự do quan sát khắp sân trường, nhà để xe, con đường tấp nập ngoài cánh cổng sắt…
Xem thêm
Thơ Trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI - Những tìm tòi và thử nghiệm
Đặt vấn đề thơ Trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX
Xem thêm
Nước mắt mùa đông – Tản văn của Đặng Thùy Tiên
Mùa đông ở miền núi Tây Bắc, cái rét không ngòn ngọt như mạn Đông Bắc mà mằn mặn đanh đanh. Cây cối vào mùa đông chịu cái rét thấu, sáng sớm sương muối tích tụ từ đêm giữ lại cái rét trong những hạt trắng nhỏ li ti, treo mình trên từng tán lá, ngọn cỏ, cành cây. Sương muối không bỏ qua cái ngóc ngách nào của rừng núi, kể từ cái mạng nhện, những sợi tơ mỏng manh bình thường lẫn vào với không khí chẳng thấy đâu, vậy mà lúc này bị sương muối làm cho lộ diện hoàn toàn cả cấu trúc của mình.
Xem thêm
Bể dâu lành lặn | Chùm thơ của Mạc Tường Vi
Lặng lòng mắt ước xăm xaBể dâu lành lặn người ta phương nào
Xem thêm
Thơ Cỏ Ba Lá
Chiều bắt dế ven đê cùng lũ bạnTiếng sáo diều thủng thẳng ở lưng trâuĐôi chân trần làn da cháy đen nâuPhong phanh áo mưa ngâu trời trở gió
Xem thêm
Cảm thức nguồn cội trong ‘Chín nhánh da vàng’ của Khét
Văn học không chỉ phản ánh mà còn đồng hành và kiến tạo cuộc sống. Chính vì thế, những dòng chảy văn học luôn được nuôi dưỡng, tiếp nối và bồi đắp từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mỗi người nghệ sĩ tài năng sẽ ghi lại dấu ấn trong lòng độc giả bằng những con đường khác nhau, tùy thuộc vào thời đại, xã hội mà họ sống trải. Thuộc thế hệ thứ ba trong lớp những nhà văn, nhà thơ trẻ ở đô thị miền Nam như: Phong Việt, Anh Khang, Phương Huyền, Trần Phi Long, Nguyễn Trần Thiên Lộc, Vũ Văn Song Toàn, Lê Thùy Vân… Khét (Trần Đức Tín) là một gương mặt quen thuộc trên nhiều diễn đàn mạng và tạp chí Văn học từ địa phương đến trung ương. Anh để lại ấn tượng trong lòng độc giả bởi một bút lực dồi dào, sung sức và một hồn thơ chân chất, mộc mạc, ngồn ngộn hơi thở cuộc sống đương đại. Điều này thể hiện rõ nét qua ba tập thơ đã xuất bản trong ba năm liên tiếp: Rồi mình cũng xa lạ nhau (2018), Mình mắc cạn vào nhau (2020), Ở đậu trong nhau (giải thưởng Hội nhà văn Tp. Hồ Chí Minh 2021). Tập thơ mới nhất của anh Chín nhánh da vàng (2022) đã cho thấy một hình ảnh Khét trầm tĩnh, suy tư sâu sắc hơn với cảm thức ý hướng về nguồn cội mạnh mẽ xuyên suốt cả tập thơ.
Xem thêm
Chùm thơ Trương Mỹ Ngọc
“Nếu ác quỷ không có trên đời, cái ác biết đổ cho ai?// Loài người văn minh chưa từng nhận đã đốt rừng/ Chưa từng nhận đã tàn sát chó mèo, cỏ cây, muông thú// Nhiều người thậm chí ra tay với cả đồng loại của mình/ Loài người ngợi ca sự văn minh/ Nhưng lại thỏa hiệp với những con “người” trong lòng có quỷ…”
Xem thêm
Giới thiệu đại biểu nhà văn trẻ: Võ Chí Nhất
Nhà văn trẻ Võ Chí Nhất hiện nay vẫn là hội viên trẻ tuổi nhất của Hội Nhà văn TP.HCM.
Xem thêm
Giới thiệu đại biểu nhà văn trẻ: Nguyễn Trần Khải Duy
Nhà thơ trẻ Nguyễn Trần Khải Duy sinh năm 1995 tại Bình Định.
Xem thêm
Đại biểu nhà văn trẻ: Nguyễn Đình Minh Khuê
Chạm vào cái thực - tiểu luận của nhà văn trẻ Nguyễn Đình Minh Khuê.
Xem thêm
Giới thiệu đại biểu nhà văn trẻ: Trần Đức Tín
Nhà thơ trẻ Trần Đức Tín là một trong 22 đại biểu TPHCM tham dự Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc tổ chức tại Đà Nẵng ngày 18-19/6.
Xem thêm