TIN TỨC

Thi sĩ Kiên Giang – Hà Huy Hà: Thời hoa trắng thôi cài trên áo tím

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2022-07-21 23:22:29
mail facebook google pos stwis
1155 lượt xem

Gia Quân

 Tên tuổi Kiên Giang – Hà Huy Hà (1929-2014) gắn bó với nhiều vở cải lương nổi tiếng như “Áo cưới trước cổng chùa”, “Sơn nữ Phà Ca”, “Người vợ không bao giờ cưới”… 

Thế nhưng, ngoài vai trò soạn giả, ông còn được biết đến với tư cách tác giả bài thơ “Hoa trắng thôi cài trên áo tím” được phổ nhạc rất quen thuộc công chúng hơn nửa thế kỷ qua. “Hoa trắng” và “áo tím” không đơn giản là hình tượng thi ca, mà lưu giữ kỷ niệm về một mối tình dang dở thật buồn và thật đẹp!

Nhà thơ Kiên Giang – Hà Huy Hà sinh ra và lớn lên ở An Biên – Kiên Giang. Mảnh đất ấy ghi dấu trong thơ Kiên Giang – Hà Huy Hà bằng hình ảnh người mẹ lầm lũi khốn khó: “Mẹ già nấu rượu nếp than/ Kiếm tiền trả bớt nợ nần thâm niên/ Trán nhăn cày nếp ưu phiền/ Bàn tay nào sạch? Đồng tiền nào dơ?”.

Mảnh đất ấy cũng được nhà văn đồng hương Sơn Nam thú nhận trong lời tựa tập thơ “Hoa trắng thôi cài trên áo tím” một cách chân thành: “Vốn liếng về từ ngữ người Kiên Giang rất ít, hàng ngày sống lân la với người Hoa bán tạp hoá và người Khơ-me làm ruộng. Ở đây có thể nói tiếng Việt không phát triển, lại thêm “tiếng lóng” mà người địa phương khác khó chấp nhận. Vốn duy nhất là ca dao được mẹ dạy cho từ thuở ấu thơ. Vốn quan trọng hơn vẫn là cái tâm, lòng yêu nước, muốn giới thiệu tâm hồn người dân nghèo xóm mình với cả nước, cùng chia sẻ buồn vui…”.

Cũng giống như Sơn Nam từ huyện Gò Quao, Kiên Giang – Hà Huy Hà rời quê nhà lên Cần Thơ học trung học ở Trường tư thục Nam Hưng, với tên thật Trương Khương Trinh.


Nhà thơ Kiên Giang – Hà Huy Hà.

Ở xứ Tây Đô, chàng trai Trương Khương Trinh đã quen cô gái Nguyễn Thị Nhiều học cùng lớp. Nguyễn Thị Nhiều là dân Sóc Trăng, họ tên thì dân dã nhưng nhan sắc không thua kém gì những tiểu thư vùng sông nước Hậu Giang. Đặc biệt, Nguyễn Thị Nhiều viết chữ rất đẹp.

Vì vậy, khi được Trường tư thục Nam Hưng giao cho việc làm báo tường, Trương Khương Trinh lập tức rủ Nguyễn Thị Nhiều tham gia. Làn da trắng mịn, mái tóc thả dài, đôi mắt mở to, khuôn mặt xinh xắn… của Nguyễn Thị Nhiều đã khiến Trương Khương Trinh run rẩy trái tim cậu trai mới lớn.

Gia đình Nguyễn Thị Nhiều theo đạo Thiên Chúa, nên dù trọ học thì cô vẫn giữ nếp đi nhà thờ vào mỗi cuối tuần. Trương Khương Trinh nhiều lần lẽo đẽo bám theo bóng dáng Nguyễn Thị Nhiều mặc áo tím cài hoa trắng thong thả bước về phía giáo đường ngân vang tiếng chuông mà hồi hộp, mà si mê. Nguyễn Thị Nhiều cũng có cảm tình với chàng trai miệt thứ Trương Khương Trinh chịu khó học hành và nhiều tài lẻ.

Thế nhưng, họ chưa kịp thề non hẹn biển thì kháng chiến bùng nổ. Trương Khương Trinh xếp bút nghiên, vào bưng biền theo cách mạng. Thời gian và bom đạn, không ai đoán được điều gì có thể xảy ra, niềm riêng được Trương Khương Trinh khép lại như một hồi ức.

Ông lập gia đình trong căn cứ Quân khu 8. Cũng trong giai đoạn này, Trương Khương Trinh được gặp gỡ thi sĩ Nguyễn Bính và được hướng dẫn viết lách với hai bút danh Kiên Giang và Hà Huy Hà.

Một trong những tác phẩm đầu tiên của ông đề tặng Nguyễn Bính là bài thơ “Tiền và lá” đã nhanh chóng được nhiều người yêu thích: “Anh moi đất nặn hình người/ Em thơ thẩn nhặt lá rơi làm tiền/ Mỗi tuần chợ họp đôi phiên/ Anh mang người bán lấy tiền lá rơi/ Tiền là giấy bạc em ơi/ Tiền là giấy bạc của người làm ra/ Người ta giấy bạc đầy nhà/ Cho nên mới được gọi là chồng em/ Bây giờ mỗi buổi chiều êm/ Tôi gom lá đốt khói lên ngút trời/ Người mua đã bị mua rồi/ Chợ đời người họp mình tôi mua gì?”.

Năm 1955, rời khỏi bưng biền, Kiên Giang – Hà Huy Hà bất ngờ khi người xưa đến tìm ông.

Vẫn dung nhan kiều diễm, Nguyễn Thị Nhiều đến chào cố nhân một tiếng, để… đi lấy chồng. Kiên Giang – Hà Huy Hà thổ lộ: “Thật xót xa khi suốt tháng ngày loạn lạc, cô ấy vẫn chờ vẫn đợi tôi âm thầm, mà tôi không hề biết. Tiễn cô ấy về Sóc Trăng chọn ngày vu quy, tôi cứ day dứt mãi. Hai năm sau, ngày 14-11-1957, khi đang trên đường công tác ở Bến Tre, gặp một đám cưới trong xóm đạo, tôi liền cảm tác viết được bài thơ “Hoa trắng thôi cài lên áo tím” với mong muốn trả nợ một ân tình khôn nguôi”.

Bài thơ “Hoa trắng thôi cài trên áo tím” được ghi rõ “Tâm tình người trai ngoại đạo đối với cô gái có đạo” lập tức nổi tiếng trong giới mộ điệu: “Lâu quá không về thăm xóm đạo/ Từ ngày binh lửa xoá không gian/ Khói bom che lấp chân trời cũ/ Che cả người thương, nóc giáo đường/ Mười năm trước em còn đi học/ Áo tím điểm tô đời nữ sinh/ Hoa trắng cài duyên trên áo tím/ Em là cô gái tuổi băng trinh…/ Mỗi lần tan lễ chuông ngừng đổ/ Hai bóng cùng đi một lối về…”.

Công chúng càng tin “Hoa trắng thôi cài trên áo tím” là kết quả một chuyện tình nhiều nước mắt, khi nhạc sĩ Huỳnh Anh (1932-2013) phổ nhạc thành ca khúc cùng tên. Sau đó, nhạc sĩ Anh Bằng (1926-2015) lại dựa vào bài thơ “Hoa trắng thôi cài lên áo tím” để viết thành ca khúc “Chuyện tình hoa trắng” thật lâm ly.

Hai bài hát “Hoa trắng thôi cài trên áo tím” và “Chuyện tình hoa trắng” cùng tồn tại, dù được khai thác ở hai góc độ khác nhau.

Bài hát “Hoa trắng thôi cài trên áo tím” dịch chuyển theo hướng lưu luyến: “Từ khi giặc tràn qua xóm đạo/ Anh làm chiến sĩ giữ quê hương/ Giữ màu áo tôi thương/ Giữ màu tím tôi mơ/ Giữ hàng tre, cây đa xiêu đầu làng/ Pháo hồng đưa chuyến đò sang sông/ Áo tím ngày xưa đi lấy chồng/ Chuông đổ ngân vang hồn vĩnh biệt/ Đưa em về bến đục hay trong/ Hoa trắng thôi cài trên áo tím/ Tàn rồi bao kỷ niệm xa xưa/ Núi xanh, sông biếc còn rơi lệ/ Hoa trắng nay thành hoa cố nhân”.

Còn bài hát “Chuyện tình hoa trắng” lại mang đầy day dứt: “Hoa trắng thôi cài trên áo tím/ Mà cài trên nắp áo quan tài/ Hoa trắng thôi cài trên áo tím/ Nỗi buồn ôi kỷ niệm ban đầu/ Xe tang đã khuất nẻo đời/ Chuông nhà thờ khóc tiễn người ngàn thu/ Chiều nay áo tím bơ vơ/ Thương cành hoa trắng trên mồ người xưa”.

Dựa trên văn bản lưu hành hoặc theo trí nhớ của người yêu thơ, thì “Hoa trắng thôi cài trên áo tím” có hai đoạn kết khác nhau. Đoạn kết thứ nhất: “Xe tang đã khuất nẻo đời/ Chuông nhà thờ khóc tiễn người ngàn thu/ Từ nay tóc rũ khăn sô/ Em cài hoa tím trên mồ người xưa”, còn đoạn kết thứ hai: “Lạy Chúa! Con là người ngoại đạo/ Nhưng tin có chúa ở trên trời/ Trong lòng con, giữa màu hoa trắng/ Cứu rỗi linh hồn con Chúa ơi!“.

Nhà thơ Kiên Giang – Hà Huy Hà xác nhận chính ông sửa lại đoạn kết thứ nhất thành đoạn kết thứ hai, lý do: “Khi có con đầu lòng, Nhiều đặt tên cho đứa trẻ là tên ghép lại của tôi và Nhiều. Chồng cô cũng biết quan hệ giữa chúng tôi thuở xưa, nên rất ghen tức. Để giữ gìn hạnh phúc cho Nhiều, tôi đổi bốn câu kết bài thơ, giống như tống tiễn mối tình học trò trinh trắng”.

Khác với hoàn cảnh đẫm tủi hờn trong bài thơ “Hoa trắng thôi cài trên áo tím“, tình bạn giữa Kiên Giang – Hà Huy Hà và Nguyễn Thị Nhiều vẫn được duy trì nhiều năm sau.

Có điều sự lan toả của tác phẩm này khiến người vợ của Kiên Giang – Hà Huy Hà không bao giờ mặc áo tím và cũng tuyệt đối không dùng bất kỳ thứ gì màu tím trong nhà. Có thể là ghen tuông đàn bà, mà cũng có thể là người vợ muốn dành cho chồng mình một góc riêng màu tím để hoài vọng quá khứ long lanh.

Và người vợ lặng lẽ ấy cũng từng xuất hiện trong thơ Kiên Giang – Hà Huy Hà với niềm thương nghẹn ngào: “Người ấy khoát rèm nhìn chiếu lạnh/ Kìa người vợ yếu ngủ mê say/ Đôi tay thon nhỏ kê làm gối/ Hai đứa con gầy nằm sải tay…“

Năm 1998, bà Nguyễn Thị Nhiều – nguyên mẫu trong bài thơ “Hoa trắng thôi cài trên áo tím” qua đời. Lúc hấp hối, bà dặn dò con cháu: “Báo tin cho ông Trương Khương Trinh biết nhé!”. Thế nhưng, Kiên Giang – Hà Huy Hà vốn có máu giang hồ rày đây mai đó, mãi gần một năm sau ông mới về Cần Thơ thắp cho “cô gái có đạo” năm nào một nén nhang tiếc nuối!

Về cái bút danh mà công chúng thường gọi nối Kiên Giang – Hà Huy Hà, lúc sinh thời ông giải thích: “Tôi tham gia kháng chiến chống Pháp 9 năm, làm biên tập viên, phóng viên cho báo “Tiếng súng kháng địch” ở chiến khu 9 sau đó lên Sài Gòn viết báo cho các tờ Dân chủ mới, Tiếng chuông, Dân ta, Dân tiến… nên sử dụng nhiều bút danh. Kiên Giang là bút danh khi tôi làm thơ, còn viết báo và soạn tuồng tôi lấy tên Hà Huy Hà.

Bút danh này khiến mật thám thời đó lầm tưởng tôi có họ hàng với Hà Huy Tập, Hà Huy Giáp, những người làm chính trị ở miền Bắc, nên chúng đã bắt tôi. Sau khi nghe giọng nói Nam Bộ của tôi, chúng đã thả tôi ra”.

Đánh giá những đóng góp của bút danh Kiên Giang – Hà Huy Hà, nhà văn Sơn Nam khẳng định: “Kiên Giang là một thi sĩ thành công, còn Hà Huy Hà là một soạn giả đã đưa thi ca vào sân khấu, để lại cho đời những vở tuồng mang đậm chất thơ. Kiên Giang đã viết những câu thơ mà nhiều nhà nghiên cứu cứ ngỡ là ca dao, như “Ong bầu vờn đọt mù u/ Lấy chồng càng sớm tiếng ru càng buồn”. 

Thơ Kiên Giang cũng như thơ Nguyễn Bính có nét chung bình dị, mộc mạc, nhưng một bên là chân quê Nam Bộ, còn một bên là chân quê Bắc Bộ”.

G.Q

* Đôi nét về nhà thơ Kiên Giang – Hà Huy Hà  (17/02/1929 – 31/10/2014)

Nhà thơ Kiên Giang – Hà Huy Hà tên khai sinh Trương Khương Trinh, quê làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Kiên Giang), là đồng hương của nhà văn Sơn Nam. Năm 1943, ông theo học trường tư Lê Bá Cang tại Sài Gòn. Ngoài làm thơ, Kiên Giang, với nghệ danh là Hà Huy Hà, là soạn giả cải lương rất nổi tiếng thời đó, cùng với Năm Châu, Viễn Châu, Hà Triều – Hoa Phượng, Quy Sắc,… Các tác phẩm cải lương của ông có thể kể đến Áo cưới trước cổng chùa, Người vợ không bao giờ cưới… Trong đó, Người vợ không bao giờ cưới đã giúp cho nghệ sĩ Thanh Nga đạt giải Thanh Tâm và trở thành một ngôi sao trong giới cải lương. Trước 1975, Kiên Giang còn làm ký giả kịch trường cho nhiều tờ báo lớn của Sài Gòn như Tiếng chuông, Tiếng dội, Lập trường, Điện tín, Tia sáng,… Ông từng tham gia phong trào ký giả đi ăn mày và dẫn đầu đoàn biểu tình chống lại những quy chế khắt khe do chính quyền Việt Nam Cộng hòa áp đặt lên giới báo chí. Vì hành động này mà Kiên Giang phải vào tù.

Sau 1975, Kiên Giang làm Phó Đoàn cải lương Thanh Nga, kiêm cán bộ Phòng nghệ thuật sân khấu. Ông từng làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh qua 3 nhiệm kỳ. Khi ông qua đời, Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương đã dành tặng miễn phí một mộ phần cho nhà thơ Kiên Giang được yên nghỉ bên cạnh người bạn thân của mình – nhà văn Sơn Nam.

Tác phẩm

Thơ: Hoa trắng thôi cài trên áo tím (1958), Lúa sạ miền Nam (1970),

Quê hương thơ ấu, Ngủ bên chân mẹ…

Cải lương: Người đẹp bán tơ (1956), Con đò Thủ Thiêm (1957), Người vợ không bao giờ cưới (1958 – với Phúc Nguyên), Ngưu Lang Chức Nữ, Áo cưới trước cổng chùa, Phấn lá men rừng, Từ trường học đến trường làng, Thuyền trăng trên bến ngũ hồ, Dòng nước ngược, Chia đều hạnh phúc, Trương Chi Mỵ Nương, Mây chiều xuyên nguyệt thôn, Sương phủ nửa chừng xuân, Chén cơm sông núi, Hồi trống trường làng, Lưu Bình – Dương Lễ.

Tân cổ giao duyên: Chiếc rổ may của ngoại, Trái tim con cò trắng. Trái gùi Bến Cát, Tình học sinh, Đội gạo đường xa, Tìm đá mạ vàng, Gió bấc đầu mùa, Mưa nắng miền đông, Ngồi trâu, thổi sáo, Nuôi chồn, Ánh đèn soi ếch, Người đẹp bán tơ, Hương cao quê ngoại, Vắt sữa nai nuôi mẹ, Hương sắc gái Cà Mau, Lập quán kén chồng, Ni cô và lão ăn mày, Khói lò gạch, Cô gái miền Tây…

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Đi nhậu và viết văn tuy hai mà một
Sáng 6/12, Hội Nhà văn TPHCM tổ chức hội thảo “Nhà văn Nguyễn Quang Sáng – Cuộc đời và sự nghiệp” nhân 10 năm ngày ông qua đời.
Xem thêm
Một gương mặt khác của nhà văn Nguyễn Quang Sáng
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 153, ngày 5/12/2024.
Xem thêm
Gừng càng già càng cay
Nhà thơ Ngô Xuân Hội viết về nhà thơ Nguyễn Tùng Linh
Xem thêm
Nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh và sự dấn thân với ‘di sản văn học miền Nam’
Đây là Chuyên luận với nhiều trữ lượng thông tin quý và bổ ích về di sản văn học miền Nam 1954 -1975, với độ dày gần 600 trang. Tập sách được đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm cẩn, khai mở nhiều thông tin hay và có giá trị.
Xem thêm
Thi ca điểm hẹn: Nguyên Hùng ký họa thơ và nhạc
Chương trình của VOH, Đài tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Lâm Xuân Thi và những vần thơ mang nhiều nỗi niềm suy tư, trắc ẩn!
Bài viết của nhà văn nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Phạm Phương Lan và những câu thơ Nút ra từ đá
| “Nứt ra từ đá” (thơ song ngữ Việt - Anh, NXB Hội Nhà văn 8/2024) là tập thơ thứ bảy của nhà thơ Phạm Phương Lan (SN 1973, quê Hà Tĩnh; Hội viên Hội Nhà văn TPHCM). Trước đó, từ năm 2008, độc giả biết đến chị qua những tập thơ như: “Không là gió mây”, “Góc trọ hồn người”, “Khâu tình”, “Mật ngữ em” v.v... và một số ca khúc được phổ nhạc từ thơ của chị...
Xem thêm
Dấn thân vào con đường văn chương
Ở tuổi 80, nhà thơ Trần Nhuận Minh sáng tác và xuất bản sách nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời ông.
Xem thêm