- Văn chương thế giới
- Cho nhau một chút an lành
Cho nhau một chút an lành
Elena Pucillo Truong
(Nguyên tác tiếng Ý: Donare un momento di serenita')
Bản dịch của Trương Văn Dân
Trong xe khá yên lặng nhưng bên ngoài mưa đang rơi rất mạnh.
Những đám mây đen rủ ren nhau từ buổi chiều bây giờ đang phóng thích hơi nước tích tụ thành một cơn mưa xối xả, mọi vật xung quanh mờ mịt vì màn đêm cũng vừa buông xuống, ánh sáng chỉ lóe lên từng chặp nhờ đèn pha từ những chiếc xe hơi chạy ngược chiều.
Tôi muốn chợp mắt một chút để nghỉ ngơi nhưng xe cứ nhảy dựng vì ổ gà, luồng sáng chiếu lên mặt kính làm chói mắt và tiếng còi xe inh ỏi liên tục nhấn lên nên giấc ngủ không thể nào đến được.
Thoạt đầu tôi còn nghe tiếng nói chuyện của Nga, Kim Đức và cô bạn Hồng Hoa ngồi ở băng sau, còn bên cạnh là chồng tôi đang trao đổi với Châu và Tự, chú em rể đang ngồi bên cạnh tài xế. Nhưng về sau, có lẽ vì quá mệt nên mọi người im lặng, ngủ gà ngủ gật hay buông trôi theo ý nghĩ của mình.
Vì đã trễ nên trước khi về thành phố Qui Nhơn chúng tôi cho xe dừng lại ở một quán cháo vịt.
Hơi nóng và mùi thơm bốc lên từ tô cháo làm chúng tôi tỉnh ngủ. Cảm giác như vừa nhận được một sự trợ gíup, không chỉ hâm nóng cơ thể mà còn cả tinh thần.
Hôm ấy không phải là một ngày dễ dàng... nhưng sự mệt mỏi của tôi còn do những buồn phiền từ những ngày trước đó.
Chuyến công tác từ thiện lần này được chúng tôi chia làm nhiều đợt: Buổi sáng di chuyển bằng xe máy đến trung tâm trợ giúp các em bé ở thị trấn Bình Định và buổi chiều đi phát gạo và tiền cho những bệnh nhân nghèo đang chạy thận ở bệnh viện Qui Nhơn. Ngày cuối chúng tôi phải đi xa, đến thị trấn Phú Phong để phối hợp chương trình cùng các bạn trong gia đình Phật tử.
Chúng tôi đã đi trên những con đường nhỏ hẹp và đầy bụi dưới cái nóng kinh hồn, bầu trời chỉ thỉnh thoảng mới có một cụm mây, để mang đến chút niềm vui cho những người bất hạnh. Nhưng cũng may là về chiều trời mới đổ mưa, điều này giúp chúng tôi tránh phải lội bùn hay gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại.
Cuối cùng thì chúng tôi cũng về đến nhà. Điều đầu tiên mà tôi ao ước là được tắm rửa để xóa đi những mệt nhọc và cơn buồn ngủ. Dòng nước ấm làm trôi đi những bụi bặm trong ngày nhưng những ý nghĩ thì vẫn còn đọng lại.
Từ đôi mắt tôi chảy xuống ngoài những giọt nước còn có thêm vị mặn của nước mắt. Tôi không thể nào xóa đi trong tâm trí những khuôn mặt co quắp vì đau khổ hay nỗi xót xa khi thấy những thân thể teo tóp, biến dạng vì bệnh tật trong những cuộc đời bất động, những con người im lìm, không thể tự túc nhưng ánh mắt vẫn còn ánh sáng.
Đó đây vang lên những những nụ cười của các trẻ em câm điếc cùng những đôi mắt để bày tỏ lòng tri ân, bởi vì để cảm ơn không cần phải dùng lời; Đôi mắt đầy lệ của bà mẹ 90 tuổi bị con cái bỏ rơi, của người đàn ông còn trẻ nhưng thân mang trọng bệnh mà không tiền chạy chữa, ông đâu còn có tương lai. Rồi còn đôi mắt đẫm ướt của một cô gái trẻ đang mang thai, một thân một mình nên không biết định mệnh sẽ đưa về đâu.
Ôi bao nhiêu đau khổ toát lên từ bàn tay sần sùi, chai sạn của người đàn ông mà tôi đã nắm lấy để an ủi, mấy tháng trước ông còn làm việc ở một công trường hay bàn tay đen đúa của một bà nông dân suốt đời cúi gập mình trên ruộng gieo mạ để nuôi sống gia đình và cũng để nuôi sống cả chúng ta.
Tôi đã siết chặt những bàn tay biến dạng vì viêm khớp, có nhiều nút sưng to như trên những cành cây cổ thụ hay những bàn tay trắng xanh và mỏng manh như cánh hoa hồng của những em bé, có lẽ do sống nhiều thời gian giữa bốn bức tường, vì sợ ánh sáng hay không còn muốn tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Tôi đã ôm chầm lấy em bé mồ côi mẹ ngay từ ngày sinh đẻ hay lau khô những giọt nước mắt của những người không còn cử động.
Những cuộc đời bị cầm tù trong thân thể vì thiếu chân để trốn chạy, thiếu tay để tự vệ hoặc yêu thương. Họ không thể ôm lấy một ai để bày tỏ lòng yêu mến hay cảm nhận được hơi ấm của tình người!
Nhưng tôi nghĩ là mọi thứ còn kinh khủng hơn vì thiếu những cử chỉ thân thiện. Thường thì không ai có thời gian để ban tặng một vòng ôm. Đối với nhiều bác sĩ hay y tá thì chỉ có sự chẩn bệnh, trị liệu là quan trọng. Tất cả đều được khái quát hóa và người bệnh chỉ là một kẻ chiếm một giường nằm, nếu may mắn có được một chiếc giường để ngả lưng. Và điều này hiện nay phổ biến trên toàn thế giới, bệnh nhân đang trở thành một con số và mất đi bản sắc của mình vì chẳng ai còn quan tâm đến họ như một con người, không ai cần nhớ đến quá khứ, cuộc đời hay nỗi cô đơn của họ. Người ta dễ dàng quên đi là những cụ già này, những bệnh nhân kia cũng là người và từng có một đời sống đầy phẩm giá. Trong tình huống đó, cuối cùng thì giàu, nghèo chẳng có khác gì nhau, khi người ta không còn cảm nhận là mình đã từng hiện hữu. Tôi chợt nhớ đến bài thơ “Mới hôm qua thôi” [1] của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc và hiểu là sự đau khổ làm đã làm những diễn ngôn trở thành vô ích.
Đầu óc tôi bỗng hiện lên hình ảnh một bà cụ, lúc bà vừa nấu xong một nồi cơm, đang đặt lên bàn thờ vài quả trứng chiên, một điã rau xào cùng bát canh rau vì hôm ấy là ngày giỗ chồng. Khi thấy chúng tôi, bà liền mời ăn cơm với bà. Tôi biết đó là cách mà bà muốn cảm ơn về món quà của chúng tôi mang lại nên ai nấy cũng đều vô cùng xúc động.
Ôi, bao nhiêu đau khổ trong những cuộc tồn sinh của bà! Mỗi ngày lặng lẽ trôi qua, bà không nhìn thấy một ai và chỉ trao đổi vài lời với một chú mèo con, chân bị cột vào thanh giường vì nếu nó chạy mất thì bà sẽ không còn biết vì ai để sống. Đợi chờ. Bà luôn đợi chờ một ai đến, có thể đó là một bà hàng xóm ghé qua thăm và có mang cho bà tô cháo. Thỉnh thoảng lắm mới có những khuôn mặt lạ và họ đã để lại cho bà một vòng ôm, truyền cho bà chút hơi ấm đặc biệt qua hai bờ vai mảnh khảnh, rung theo tiếng nấc và đến từ trái tim khao khát tình người.
Tôi lau mặt và nhìn thấy trong gương đôi mắt đỏ của mình. Tôi giặt vội quần áo để loại bỏ mồ hôi và bụi đường và sau khi phơi ở hành lang, tôi bước lên giường để ngả lưng.
Nhưng những ý nghĩ vẫn còn nằm đó! Tôi không thể nào chặn nổi những ý nghĩ cứ trỗi dậy trong đầu.
Trong trí tôi vẫn còn đọng lại hình ảnh một bà cụ già, trên người mặc chiếc áo màu tím, cầm cây gậy trúc cao hơn đầu mình chống ra cổng vẫy tay chào khi chúng tôi từ giã và sắp bước lên xe đậu ở phía bên kia lề đường. Đứng tựa người vào gậy, lưng dựa vào hàng rào, bà vẫy tay chào lần nữa để tỏ lòng biết ơn vì năm nay chúng tôi vẫn còn nhớ đến bà.
Mấy năm trước chúng tôi cũng đã gặp bà, luôn gầy ốm nhưng trong ánh mắt không thiếu tia sáng của nghị lực và lòng can đảm. Tôi còn nhớ bà và một bà cụ khác cũng ở gần nhưng năm nay đã không còn nữa. Chiếc phong bì dành cho bà cụ này chúng tôi đã dành cho một gia đình khác cũng đang cần giúp đỡ.
Khi tham dự vào một công tác thiện nguyện thì tôi không thích chụp hình, thế nhưng lần này thì chú Tự đã ghi hình và có lúc còn quay phim, mục đích lưu lại để chuyển cho những bạn ở xa đã đóng góp tiền bạc nhưng không tham dự được. Có bạn biết một vài trường hợp và nhờ chúng tôi thay mặt giúp đỡ. Nhưng có lẽ hiện thực mà chúng tôi chứng kiến còn nằm ngoài những trí tưởng tượng của họ. Bằng những đồng tiền nhiều nguồn, có thể góp được từ những buổi làm thêm, của một bà cụ già hay của một đôi vợ chồng trẻ gửi về để làm công đức cho đứa con gái vừa mới ra đời, tiền hoa hồng của một cô sinh viên làm thêm trong những giờ rảnh rổi, tất cả góp lại và gửi về để chúng tôi có thể đại diện họ mang lại một chút niềm vui cho những người khốn khổ. Mỗi người đều muốn đóng góp phần của mình, ít hay nhiều không quan trọng vì phát xuất từ những tấm lòng.
Tất nhiên tôi không thể nào đo lường được những bận rộn và lo âu của Nga, Xuân, Nguyệt, Kim Đức, Hoa, Hảo… để tổ chức về chuyến thiện nguyện này, dù đã nghe rất nhiều cuộc điện thoại, thấy nhiều lần trao đổi qua email, FB, tham khảo ý kiến của các bạn trong gia đình Phật tử Tây Sơn như anh Lộc, Như Trang… để xem xét các trường hợp, và bổ sung vào danh sách những người cần giúp.
Những đóng góp cá nhân tuy nhỏ nhưng mọi người đều cùng làm nên cũng đã giúp được nhiều người.
Tối đó tôi không thể nào dỗ được giấc ngủ. Đầu óc tôi cứ miên man nghĩ về những phận người, những cụ già hay em bé bị bỏ rơi, cô độc và bệnh tật. Tất nhiên không chỉ là những người mà tôi vừa thấy, vì trong thế giới này, chỉ cần mở một trang báo là thấy những hoàn cảnh như thế càng ngày càng tăng. Nguyên nhân có thể rất nhiều, nhưng với những người khốn khổ thì nào có quan trọng gì, cuối cùng cũng chỉ là đau khổ, đói khát, chết chóc và cô độc.
Khi chúng tôi đến trung tâm người khuyết tật thể chất và tâm thần thì có một người đàn ông đã gây cho tôi một ấn tượng mạnh lúc tôi đến trao cho ông chiếc phong bì. Vẫn nằm yên, mặt quay vào vách, ông cầm phong bì rồi ném ra xa. Sau vài lần như vậy thì cô y tá bảo tôi đừng quan tâm vì ông ta rất bất thường.
Có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên được cái bờ vai của ông ấy, và cái cách mà ông từ chối người lạ mặt. Thái độ của ông chính là sự khước từ cái thế giới này và chỉ chấp nhận nhìn vào mắt của những người đồng cảnh ngộ. Sự chọn lựa của ông là không thèm nhìn vào sự thật của bệnh tình.
Có thể là chỉ khi nhìn vào bức vách trắng thì ông ta mới tin rằng mình là một người bình thường, là có thể sống một cuộc đời khác, tưởng tượng vẽ lên bức vách đó những ý tưởng, những nhân vật hay sự kiện mà chỉ mình ông biết để tạo ra một thế giới riêng biệt và vẹn toàn.
Có lẽ ông không điên, không hề, và đã tự tìm ra cách để giảm bớt đau khổ, đã tìm thấy một cách giải quyết những vấn đề hiện sinh của mình để có thể tiếp tục sống.
Nếu ông ta quay lại, giả sử ông đã nhìn vào mặt tôi, có lẽ ông sẽ nhìn thấy trong mắt tôi bao niềm thương cảm và sẽ hiểu ra tình trạng của mình, như thế thì có khác gì ông ta đã hủy diệt cái thế giới siêu thực mà ông đã khó nhọc tạo ra?
Tất nhiên tôi phải tôn trọng sự chọn lựa của ông và cần tìm hiểu lý do của thái độ khác thường đó, vì thật ra biên giới của sự bình thường và điên loạn rất đỗi mong manh.
Vì chính tôi cũng đã nhiều lần dập mạnh cánh cửa vào mặt cái thế giới tàn nhẫn này! Nhưng dù thế nào thì qua những an ủi và trợ giúp trong những ngày qua, có lẽ chúng tôi cũng đã gửi được một thông điệp hy vọng và an lành.
Có thể đây chỉ là một niềm an ủi nhỏ nhoi, nhưng chỉ sau những suy tư ấy mà tôi đã chìm vào giấc ngủ.
Sài Gòn, Ottobre 2019.