- Lý luận - Phê bình
- Khát vọng tình yêu và cảm thức sinh thái - Sự hợp hôn diệu kỳ trong thơ Hoài Vũ
Khát vọng tình yêu và cảm thức sinh thái - Sự hợp hôn diệu kỳ trong thơ Hoài Vũ
TRẦN HOÀI ANH
1. Không phải ngẫu nhiên trong thơ ca hiện đại Việt Nam, trong đó có thơ ca cách mạng và kháng chiến, thơ Hoài Vũ được các nhạc sĩ chọn phổ nhạc khá nhiều. Theo công bố trong tuyển thơ Thì thầm với dòng sông, (Nxb. Hội Nhà văn, 2023), phần thơ phổ nhạc có 34 bài, mở đầu là nhạc phẩm Vàm Cỏ Đông do nhạc sĩ Trương Quang Lục phổ nhạc và khép lại là Sông Bé, chiều nay do nhạc sĩ Kiều Tấn phổ nhạc, trong đó, có những thi phẩm sau khi phổ nhạc đã trở thành những bản tình ca nổi tiếng làm đắm say biết bao người và đi vào tâm thức của những người yêu thơ ca, âm nhạc bao thế hệ. Đó là các nhạc phẩm Vàm Cỏ Đông (nhạc Trương Quang Lục, thơ Hoài Vũ); Anh ở đầu sông em cuối sông, Người ấy bây giờ đang ở đâu?; Dấu chân em đâu? (nhạc Phan Huỳnh Điểu, thơ Hoài Vũ) Đi trong hương tràm; Thì thầm với dòng sông; Chia tay hoàng hôn (nhạc Thuận Yến, thơ Hoài Vũ) . Vì vậy, hiếm có nhà thơ nào trong kháng chiến hưởng hạnh phúc ngọt ngào như Hoài Vũ khi có hàng chục bài thơ được các nhạc sĩ tài danh chọn phổ nhạc. Điều nầy có thể lý giải từ sự đồng cảm giữa thi sĩ và nhạc sĩ, khi họ tìm thấy ở nhau những “tiếng nói tri âm” trong cảm nhận về cuộc sống và con người. Nhưng theo tôi, “tiếng nói tri âm” đó còn bắt nguồn từ một nỗi niềm khác, đó là sự hợp hôn diệu kỳ giữa khát vọng tình yêu và cảm thức sinh thái trong thơ Hoài Vũ, điều mà không dễ tìm thấy trong thơ kháng chiến nên đã chạm đến trái tim của các nhạc sĩ và họ đã “tìm đến” thơ anh để trải lòng mình với cuộc đời, với con người. Riêng với Hoài Vũ khát vọng về tình yêu và cảm thức sinh thái đã trở thành một phẩm tính trong cảm hứng sáng tạo thơ ca như thi nhân đã chia sẻ qua những câu thơ đong đầy cảm xúc: “Từ buổi có em, anh thêm yêu đất/ Quý gạo Nàng Thơm, thương cá bống kèo/ Một tiếng ầu ơ cũng đầm nước mắt: “Anh đi rồi, miền Hạ nhớ mang theo…” (Anh ở đầu sông em cuối sông). Bởi, hơn ai hết, Hoài Vũ là người hiểu, cảm và trân quí sâu sắc từng mảnh đất anh và đồng đội đã đi qua, đã chiến đấu, với bao hy sinh gian khổ, có người đã nằm xuống để quê hương được mãi xanh tươi: “Ta hiểu lắm, cấy từng gốc lúa/ Đôi mắt em thao thức thâm quầng/ Và để lúa ngậm đồng, bụ sửa/ có máu em hòa trộn dưới chân…” (Nàng Thơm).
2. Là nhà thơ sống, gắn bó với vùng đất Nam Bộ suốt những năm kháng chiến cũng như trong hòa bình, Hoài Vũ không chỉ hiểu, yêu quí mảnh đất nầy mà còn dành cả tuổi thanh xuân của mình chiến đấu để gìn giữ với tình yêu và tinh thần kiên trung của người chiến sĩ – thi sĩ như anh đã xác quyết: “Vàm Cỏ Đông đây, ta quyết giữ/ Từng mái nhà nép dưới rặng dừa/ Từng thửa ruộng ngời đen màu mỡ/ Từng mối tình hò hẹn sớm trưa…” (Vàm Cỏ Đông). Như vậy, có thể nói, khát vọng tình yêu và cảm thức sinh thái đã trở thành một đặc điểm riêng có trong thơ Hoài Vũ và đây là một trong những cảm hứng chủ đạo chi phối hành trình sáng tạo thơ của anh, hình thành một dấu ấn thi pháp trong phong cách thơ Hoài Vũ: chân mộc, giản dị, hồn nhiên, thành thực, mạnh mẻ nhưng không kém phần lãng mạn và da diết mà khi đọc lên lòng ta không khỏi xốn xang: “Ôi bát ngát chân trời miền Hạ/ Tím tình yêu tím cả ước mong/ Gió nhớ thương ai mà lay bờ lá/ Để bìm bịp kêu con nước lớn ròng” (Anh ở đầu sông, em cuối sông). Đọc những câu thơ nầy, tôi cứ băn khoăn tự hỏi, sao trong những năm kháng chiến gian khổ, mất mát, hy sinh mà Hoài Vũ lại viết được những câu thơ đẹp và lãng mạn đến thế mà vẫn không bị “thổi còi”, bị “phạt thẻ”. Nghĩ thế, mới thấy “thương” cho nhà thơ Hữu Loan chỉ vì viết bài thơ “Màu tím hoa sim” để khóc vợ khi nghe tin người vợ trẻ mất đột ngột lúc mình đang còn ở đơn vị chiến đấu không “kịp / được” về mà cũng chịu bao nhiêu nỗi “truân chuyên”, “phiền muộn”. Thế mới hiểu tại sao thơ Hoài Vũ dù viết trong kháng chiến vẫn luôn đồng hành với cuộc sống hôm nay. Và, có thể nói, thơ Hoài Vũ là thơ của “một đời” chứ không phải thơ của “một thời”!?
Như đã nói, thơ Hoài Vũ là sự hợp hôn diệu kỳ giữa khát vọng tình yêu và cảm thức sinh thái. Cho nên, đọc thơ Hoài Vũ, ta thấy trong thơ anh, khi nào nói đến tình yêu hoặc có “dấu hiệu” tình yêu, tất phải có sự hiện hữu của tự nhiên với những hình ảnh tiêu biểu của văn minh sông nước, văn minh miệt vườn, những biểu tượng văn hóa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đó là hình ảnh dòng nước, ruộng lúa, bờ ao, tôm cá, chiếc lá, bóng dừa, hương tràm… luôn đong đầy trong những bài thơ như minh chứng cho sự gắn kết giữa con người với tự nhiên mà khi đọc lên ta có thể cảm nhận được hương vị của cỏ cây, hoa trái kết tinh trong thân thể mỗi con người, tạo nên một hương thơm đặc biệt đến ngỡ ngàng: “Em gởi gì trong gió, trong mây/ Để sáng nay lên Vàm Cỏ Tây/ Hoa Tràm e ấp trong vòm lá/ Mà khắp trời mây hương tỏa bay!” (Đi trong hương tràm). Vì thế, khát vọng tình yêu và cảm thức sinh thái trước tự nhiên đã trở thành một sự gắn kết của yêu đương, tạo nên sức sống nhiệm màu cho tình yêu lên ngôi: “Dù đi đâu và xa cách bao lâu/ Dù gió mây kia đổi hướng thay màu/ Dù trái tim em không trao anh nữa/ Một thoáng hương tràm cho ta bên nhau” (Đi trong hương tràm). Song, thiên nhiên trong thơ Hoài Vũ không chỉ có ý nghĩa gắn kết những khát vọng tình yêu mà còn là một chuẩn giá trị để đo hạnh phúc nồng nàn, da diết của tình yêu con người và đây cũng là một phương diện thể hiện sự hợp hôn diệu kỳ giữa khát vọng tình yêu và cảm thức sinh thái trong thơ Hoài Vũ mà những câu thơ sau đây là một chứng từ cho sự giao hòa ấy: “Hạnh phúc đến xanh như màu lá/ Và nồng thơm mùi thơm của rạ/ Đêm xôn xao sao gắn đầy trời/ Tình anh là Vàm Cỏ em ơi” (Anh ở đầu sông, em cuối sông). Thiên tài thi ca Nguyễn Du cũng đã từng mượn tự nhiên để thể hiện tình yêu Kim - Kiều, khi ông viết: “Vầng trăng vằng vặc giữa trời/ Đinh ninh hái miệng một lời song song”. Nghĩa là, với Nguyễn Du tự nhiên chỉ là chứng nhân cho tình yêu chứ ông không xem tự nhiên như một chuẩn giá trịđể “đo” độ nồng nàn trong hạnh phúc của tình yêu như thơ Hoài Vũ. Hai câu thơ của Nguyễn Du thể hiện tình yêu Kim – Kiều, có vẻ lãng mạn, bay bỗng hơn những câu thơ chân mộc của Hoài Vũ nhưng không vì thế mà những câu thơ của Hoài Vũ lại kém phần da diết, vốn là một phẩm tính không thể thiếu của tình yêu!? Vì thế, tình yêu trong thơ Hoài Vũ đã trở thành một nhân tố để thi nhân trải lòng với tự nhiên như để nói rằng tình yêu của thi nhân đối với người yêu cũng chính là tình yêu của anh dành cho vùng đất nuôi sống, bao bọc mình trong những năm khó khăn, gian khổ, điều mà Chế Lan Viên đã xác quyết:“Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”. Còn, với Hoài Vũ thì “Dù đi đâu dù xa cách bao lâu/ Anh vẫn có bóng em, giữa bóng tràm bát ngát/ Anh vẫn thấy mắt em trên lá tràm xanh ngát/ Anh vẫn nghe tình em trong hương tràm xôn xao” (Đi trong hương tràm). Vì vậy, có thể, nói khát vọng tình yêu và cảm thức sinh thái trong thơ Hoài Vũ đã trở thành một thi giới của riêng anh, là một hằng số văn hóa của dòng sông thi ca chảy trong huyết quản anh và hiển hiện ở hầu hết các bài thơ như: Thì thầm với dòng sông; Vàm Cỏ Đông; Anh ở đầu sông em cuối sông; Đi trong hương tràm; Chia tay hoàng hôn; Người ấy bây giờ đang ở đâu?; Dấu chân em đâu? Qua cầu tre nghiêng nghiêng; Tượng đài tình yêu nơi cuối đất; Xa rồi sông Hậu; Long An, ngày trở lại; Trời mênh mông, nước mênh mông… Có thể nói sự hợp hôn của khát vọng tình yêu và cảm thức sinh thái trong các bài thơ của Hoài Vũ là minh chứng cho những dạng thức khác nhau trong cảm xúc tình yêu của thi nhân, từ những buổi hẹn hò đầy luyến nhớ: “Cây bần hò hẹn không còn bóng/ Cầu ao em gội đổ chơ vơ/ Đêm đêm nghe rì rầm tiếng sóng/ Như thầm kêu du kích ven bờ” (Anh ở đầu sông em cuối sông), đến những lúc đợi chờ trong thương nhớ khôn nguôi: “Vẫn xa vời và ngút mắt mênh mông/ Hết nửa dòng sông mấy cánh đồng/ Hoa giấy nhà ai trông đỏ quá/ Trưa anh về em có đợi anh không” (Thì thầm với dòng sông);Hay những nỗi nhớ, khát khao đến cháy lòng mỗi khi xa cách: “Đời hai ta hai ngả chẳng thong dong/ Em – cánh cò, anh – cánh vạc bên sông/ Nỗi nhớ đằm sâu trong hương lúa/ Tìm hơi nhau qua hun hút gió đồng” (Thì thầm với dòng sông). Nhớ thương, đợi chờ… những cảm thức ấy là điều tất yếu trong tình yêu. Vì thế, khi yêu người ta luôn tìm kiếm nhau và điều nầy cũng thể hiện rõ trong thơ Hoài Vũ với những câu hỏi đầy khắc khoải: “Người ấy bây giờ đang ở đâu? / Để vườn hoang vắng trống bông cau/ Ngàn lau phủ xám đường ra bến/ Bờ sông lay lắt mấy chân cầu” (Người ấy bây giờ đang ở đâu?). Và nỗi chờ mong, sự kiếm tìm trong tình yêu của thi nhân không chỉ dừng lại ở những câu hỏi lặp lại nhiều lần trong bài thơ Người ấy bây giờ đang ở đâu? mà đã biến thành một khát khao, một ước muốn cháy bỏng thể hiện một sự “nỗi loạn hiện sinh” thật đáng yêu mà chỉ có những người yêu nhau thành thật và sâu sắc mới có những đam mê, kiếm tìm mãnh liệt đến thế: “Người ấy bây giờ đang ở đâu?/ Ví bằng hóa đá để bên nhau/ Trái tim dám xé làm muôn mảnh/ Nối bến bờ xa mấy nhịp cầu!” (Người ấy bây giờ đang ở đâu?). Ngày xưa, nàng vọng phu chờ chồng nên hóa đá nhưng rồi, người chinh phu cũng chẳng trở về, còn hôm nay Hoài Vũ muốn hóa đá để được sống bên người mình yêu, điều ấy liệu có thể trở thành hiện thực!? Song, nào có hề gì!? Ai cấm những người yêu nhau có quyền mơ mộng và lãng mạn!? Hoài Vũ muốn mình hóa đá, nhưng nếu thi nhân muốn mình và người yêu hóa thành mây, thành gió, thành dòng sông tan chảy vào nhau trong tận cùng cảm xúc yêu đương thì cũng là điều bình thường trong đời sống. Yêu và sự tận hiến trong tình yêu luôn là phẩm tính của những tình yêu đích thực mà những người yêu nhau luôn kiếm tìm trong cuộc đời. Tôi thích Hoài Vũ viết những câu thơ như thế!... Vì có lẽ, khi viết những câu thơ này, anh mới thật là anh, là một Hoài Vũ thi sĩ và khi đó khát vọng tình yêu và cảm thức sinh thái trong thơ anh mới đi đến tận cùng của sự hòa hợp như anh đã chia sẻ: “Đời hai ta gắn bó với hai sông/ Em – Vàm Cỏ Tây, anh - Vàm Cỏ Đông/ Mỗi tối triều lên chao sóng ước/ Bìm bịp kêu xao xác cả hai dòng!” (Thì thầm với dòng sông).
3. Song, dù yêu nhau mãnh liệt, nhưng Hoài Vũ không đắm mình trong tình yêu mà quên đi sứ mệnh của mình, một nhà thơ - chiến sĩ đang dấn thân, tranh đấu cho độc lập tự do của quê hương đất nước. Vì vậy, dù lưu luyến, nhớ thương, thi nhân vẫn quyết tâm đi trên con đường mình đã chọn nên phải “thú nhận” một cách thành thật với người mình yêu: “Anh phải về thôi xa em thôi/ Ngoài kia phiên chợ vãn lâu rồi/ Giọt nắng cuối ngày rơi xuống tóc/ Mà lời từ biệt chẳng lên môi/ Anh phải về thôi xa em thôi/ Xa vườn cây đêm chờ giặc, ta ngồi/ Hoa khế rụng tím ngần lối nhỏ/ Để mãi lòng ta xao xuyến bồi hồi…” (Chia tay hoàng hôn). Đây cũng là một bình diện khác của những biểu hiện về sự hợp hôn giữa khát vọng tình yêu với cảm thức sinh thái trong thơ Hoài Vũ như thi nhân đã tự nhận: “Ôi vườn dâu, vườn dâu/ Nhớ nuôi ta tình đầu/ Chiến trường xa khó gặp/ Giữ giùm dấu chân nhau!” (Dấu chân em đâu?). Và, như vậy, dù ở môi trường nào, trạng thái nào của đời sống, thơ Hoài Vũ vẫn luôn thể hiện sự giao hòa giữa con người và tự nhiên. Đây chính là căn tố tạo nên sự hợp hôn nhiệm mầu giữa khát vọng tình yêu và cảm thức sinh thái trong thơ Hoài Vũ, mà xét từ điểm nhìn của phê bình sinh thái, ta thấy thơ Hoài Vũ đã thể hiện khá sinh động sự hài hòa giữa con người và tự nhiên, không những thế thi nhân còn trân qúi tự nhiên, xem tự nhiên là một phần không thể thiếu trong tình yêu và cuộc sống của mình, dù trong chiến tranh hay những năm tháng hòa bình. Ta hãy nghe nhà thơ tâm sự: “Anh đứng bên sông Sài Gòn/ Muốn hoa sẽ là môi son/ Muốn em là vườn cây trái/ Cho anh hóa én lượn tròn” (Gởi Khánh Hội yêu thương). Còn đây là tình yêu của thi nhân dành cho những cánh rừng: “Ôi Đắc Nông, Đắc Min- những cánh rừng xa xôi/ Nơi đậu lại đàn chim bay từ thành phố/ Em giữ đất trồng rừng và trồng lên nỗi nhớ/ Để trái tim anh xanh biếc một vùng đồi!” (Những cánh rừng xa xôi). Vì thế, cảm thức sinh thái trong thơ Hoài Vũ, xét về phương diện nào đó, là sự thể hiện tư tưởng “Thiện - Địa – Nhân” hợp nhất của triết học phương Đông. Điều nầy hoàn toàn xa lạ với thuyết “nhân loại trung tâm luận” của phương Tây, khi xem con người là “cái rốn” của vũ trụ, tự cho mình quyền uy là chúa tể của muôn loài. Vì vậy, họ chinh phục và tàn phá tự nhiên bằng bất cứ giá nào, buộc tự nhiên phải phục vụ cho những “ham muốn” vô hạn của con người. Thơ Hoài vũ đi ngược lại những điều ấy, nên đã góp phần thức nhận cho ta tình yêu và sự trân quí tự nhiên. Bởi, trong cái nhìn của chủ nghĩa nhân văn sinh thái, con người không phải là một chủ thể quyền uy thống trị muôn loài, mà con người và tự nhiên phải hòa hợp, nương tựa vào nhau, gắn kết với nhau, hướng đến một sự hài hòa.
4. Và trong dòng cảm thức ấy, một điều không thể không nói đến về sự hợp hôn giữa khát vọng tình yêu và cảm thức sinh thái trong thơ Hoài Vũ, đó là sự ám ảnh về dòng sông, nói như nhạc sĩ Hoàng Hiệp:“Trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình”, và Hoài Vũ cũng không phải là ngoại lệ!?
Sinh ra và lớn lên trên quê hương núi Ấn sông Trà, nhưng rồi cũng như nhà thơ Tế Hanh, từ ngày “xa nhà đi kháng chiến”, Hoài Vũ đã gắn bó đời mình với những dòng sông của vùng đất Nam Bộ, nơi cả tuổi trẻ và cho đến những ngày còn lại của cuộc đời, anh chưa bao giờ “chịu” xa cách. Bởi, dù thực tế, thi nhân có thể sống xa những dòng sông, nơi anh đã từng chiến đấu, hy sinh thì trong tâm thức anh, hình ảnh những dòng sông bao giờ cũng hiện hữu như một tâm thức hiện sinh. Phải chăng, vì vậy, ở tuyển thơ xuất bản lần nầy, Hoài Vũ lấy tiêu đề: Thì thầm với dòng sông. Không những thế, trong tuyển thơ có rất nhiều bài thơ hiển hiện hình ảnh dòng sông như: Anh ở đầu sông em cuối sông; Xa rồi sông Hậu; Thì thầm với dòng sông; Em về bên kia sông; Vàm Cỏ Đông; Đi trong hương tràm; Chia tay hoàng hôn; Người ấy bây giờ đang ở đâu?; Dấu chân em đâu? Qua cầu tre nghiêng nghiêng; Tượng đài tình yêu nơi cuối đất; Long An, ngày trở lại; Trời mênh mông, nước mênh mông; Tâm tình trước ngã ba sông, … mà ở đó, mỗi dòng sông được anh nhắc đến trong thơ luôn chuyên chở những khát vọng tình yêu và cảm thức sinh thái mà những câu thơ trong thi phẩm Chia tay hoàng hôn là một nỗi ám ảnh như thế: “Xa em, anh như trưa nắng, đi trên cát/ Thèm một dòng sông, những cánh đồng” (Chia tay hoàng hôn). Và đây là hình ảnh dòng sông Hậu hiển hiện trong cảm thức của thi nhân như chứng nhân của những tình yêu không trọn vẹn: “Chia tay em, sông Hậu đã về chiều/ Con chim đa đa tha thẩn bến Ninh Kiều/ Sóng sẽ tách đời hai ta hai ngã/ Tiếng còi tàu nghe lạnh biết bao nhiêu! (…) Phải xa em, xa dòng sông Hậu/ Bước lên bờ mỗi bước một bâng khuâng/ Phải xa em, xa dòng sông Hậu/ Anh mãi là mùa đông đi giữa màu xuân!” (Xa rồi sông Hậu). Còn đây là nỗi xốn xang trong lòng thi nhân, khi trở lại Long An, nơi anh đã sống và chiến đấu suốt bao năm trong những ngày kháng chiến: “Sáng thu nay, ta qua sông Vàm Cỏ/ Biết chẳng còn bóng em. Vẫn cố dõi tìm/ Một nhánh lá cựa mình trong gió/ Cũng đủ làm xao xác cả con tim” (Long An, ngày trở lại). Và dòng sông nhiều khi ẩn chứa trong đó những ưu tư, trăn trở của thi nhân về cuộc đời, về thân phận trong cõi nhân sinh được chưng cất và kết tinh từ sự nghiệm sinh trong cuộc sống: “Con sông xưa, đã xa rồi/ Lục bình vẫn kiếp nổi trôi cuối dòng/ Biết là trời rộng mênh mông/ Đời đâu dừng lại dòng sông đất này (…) Lạ chưa? Cuối đất cùng trời/ Đi đâu ta cũng hát lời sông xưa/ Cuối sông nắng đã lên chưa/ Để đầu sông chịu cơn mưa dầm dề” (Trời mênh mông, nước mênh mông). Mặt khác, khi nói đến những ám ảnh về dòng sông trong thơ Hoài Vũ, bên cạnh những dòng sông của Nam Bộ, chúng ta còn thấy nỗi ám ảnh của thi nhân về những dòng sông khác của nước Việt dấu yêu, tiêu biểu là sông Hồng mà anh hằng thương nhớ: “Ở Miền Nam, đêm nay, tôi bỗng nhớ sông Hồng/ Một nỗi nhớ mênh mông, từ khi nghe chị hát/ Chị đứng nơi đâu, hởi người chị Mỹ, tuy chưa hề biết mặt/ Mà vẫn thấy thân tình như nàng Quan họ bên sông” (Tiếng hát Gien Phôn - đa); Hay dòng sông ở những nước mà thi nhân đã đi qua, trên những dặm đường phiêu linh trong tâm trạng của người viễn khách. Đó là nỗi niềm xao xác khi chia tay người “bạn tình” trên sông Hoàng Phố ở Trung Hoa: “Em tiễn anh đi mấy dặm chiều tàn/ Sông Hoàng Phố cánh buồm xao xác quá!/ Hờn giận, yêu thương, sóng dễ gì phân biệt/ Chỉ riêng mình em đau, trên bến bãi bẽ bàng” (Bến Thượng Hải); Hay dòng sông “Đa - nuýp uốn quanh” mà thi nhân đã chia sẻ: “Tôi đến với các anh, giữa ngàn lau ngút mắt/ Càng yêu Đa - nuýp hôm qua, những con sóng bạc đầu!” (Tình ca Đa -nuýp). Để rồi, nỗi ám ảnh trong tâm thức thi nhân về những dòng sông dù là của quê hương mình hay một vùng quê nào đó của những đất nước xa xôi thì dòng sông cũng là nơi hội tụ của tình yêu và nỗi nhớ để làm nên “những bản tình ca”: “Ôi đất nước, khi trái tim người yêu tha thiết/ Đâu cũng Cửu Long, Hồng Hà, Đa- nuýp/ Trời cho ta những dòng sông bao la/ Chỉ để hát muôn đời những bản tình ca!” (Tình ca Đa -nuýp). Phải chăng, đây chính là căn tố tạo nên những giá trị nhân văn trong thơ Hoài Vũ để kết tinh thành những khát vọng tình yêu và cảm thức sinh thái trong thơ anh.
5. Luận bàn về cảm thức trong quá trình sáng tạo thơ, Pierre Reverdy cho rằng: “Thơ không ở trong cuộc đời, cũng chẳng ở trong sự vật – Thơ chính là cách sử dụng sự vật và cuộc đời, cũng là cái gì anh mang thêm vào cuộc đời và sự vật”. Những điều mà Pierre Reverdy đã nêu rất phù hợp với hành trình sáng tạo thơ của Hoài Vũ, rõ nhất là sự thể hiện nỗi khát vọng tình yêu và cảm thức sinh thái trong thơ. Và đây cũng là điều nhà thơ Hoài Vũ “mang đến cho cuộc đời” như Pierre Reverdy đã nói. Thơ Hoài Vũ là sự kết tinh những cảm hứng về tình yêu của con người trong sự giao hòa với giới tự nhiên. Hay nói cách khác, chính anh đã đem đến cho cuộc đời và cho thơ những mỹ cảm của tình yêu trong sự hợp hôn diệu kỳ với mỹ cảm của tự nhiên để làm nên những giá trị nhân văn cho cuộc sống con nguời, vốn còn quá nhiều những điều bất an và bất toàn. Vì vậy, khát vọng tình yêu và cảm thức sinh thái, sự hợp hôn diệu kỳ trơng thơ Hoài Vũ là biểu hiện sự hài hòa giữa con người và tự nhiên đã hình thành nên phẩm tính của văn hóa sinh thái thấm đượm tinh thần nhân văn.
Sống trong một thế giới không bao giờ bình yên, đọc những bài thơ của Hoài Vũ viết về tình yêu trong sự hòa quyện với thiên nhiên sẽ giúp chúng ta tin rằng những giá trị nhân bản ở cuộc đời sẽ không bao giờ mất đi, nhất là khi những giá trị đó được xây đắp trên nền tảng của tình yêu thương. Và khi nào còn tình yêu, trái đất vẫn còn là “vườn địa đàng” để con người sống và yêu, nếu họ biết yêu, biết sống cho tình yêu đích thực và khi đó, những khát vọng trong thơ tình Hoài Vũ cũng như thơ tình của các nhà thơ khác trên cõi nhân gian nầy sẽ là hơi thở không thể thiếu trong cuộc sống. Và, đây chính là cội nguồn thi hứng làm nên giá trị thơ Hoài Vũ mà anh đã dấn thân suốt cuộc đời trong hành trình sáng tạo. Bởi, nói như Baudelaire: “Thi hứng, hễ gọi thì đến, nhưng nếu xua đuổi, chưa chắc đã chịu đi” (2). Phải chăng, khát vọng tình yêu và cảm thức sinh thái trong thơ Hoài Vũ là một thứ “thi hứng” mà anh không thể nào cưỡng lại nổi như anh đã bao lần không cưỡng lại nổi tiếng gọi của trái tim mình và tiếng gọi của thơ…
Xóm Đình An Nhơn, Gò Vấp, 23/4/2023
Chú thích:
* Thơ dẫn ở bài viết được trích trong tuyển thơ Thì thầm với dòng sông (Nxb. Hội Nhà văn, 2023) cuả Hoài Vũ
(1,2 )Trần Hoài Anh, Thơ quan niệm và cảm nhận, Nxb. Thanh niên, 2010, tr.271, tr. 274