TIN TỨC

Chuyện của “Người có trái tim bên phải”

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-10-17 17:05:23
mail facebook google pos stwis
351 lượt xem

NGÔ XUÂN HỘI

Các nhà văn lớp chống Mỹ nước ta có một mẫu số chung: Đang học (thường là phổ thông) thì được gọi vào lính, trải qua chiến trận, từ thực tế khốc liệt của cuộc kháng chiến nẩy sinh cảm xúc, làm thơ, viết văn, đi dự những trại viết các cấp của Quân đội mở. Sau giải phóng, hoàn thiện việc học và lại… viết văn!

Trần Văn Tuấn không là ngoại lệ. Anh tốt nghiệp lớp mười năm 1965, lúc mười sáu tuổi. Vì nhỏ con (39 kg), tuyển bộ đội trượt lên trượt xuống, đành ở nhà vài năm rồi đi học trường nghề. Mãi tới năm 1970, khi nguồn lực bổ sung cho chiến trường của hậu phương xem chừng đã vơi cạn, những “Cậu Tú” sức trói gà không nổi như anh mới được gọi vào lính. Và ngay lập tức, Trần Văn Tuấn đã chứng tỏ cho toàn đơn vị biết những lần trước các “Hội đồng tuyển quân” đã nhầm. Tuy thấp bé nhẹ cân nhưng anh vượt Trường Sơn chẳng thua kém ai. Thậm chí trong hiểm nguy còn bộc lộ bản lĩnh hơn người. Chẳng hạn lần qua sông Bạc (Lào), đơn vị anh người trước người sau bám vào một sợi dây theo đội hình hình chữ nhất dò từng bước. Đang mùa mưa lũ, nước sông cuồn cuộn chảy xiết. Ra đến giữa dòng, người đồng đội đi trước Tuấn sẩy tay, bị lũ cuốn trôi. Nhanh như cắt, Tuấn nhào theo nắm chân giật lại, sau đó nương dòng nước dìu bạn cập bờ bên kia.

Hay chuyến đi đêm giao thừa 1971/1972. Trần Văn Tuấn lúc này do bị bệnh sốt rét, trôi nổi qua các bệnh xá, các trạm thu dung mặt trận đã gần ba tháng. Khỏi bệnh, Quân lực miền quyết định đưa anh về đoàn Hậu cần 83 ở Củ Chi. Đang chưa biết làm cách nào để tới nơi đóng quân của đơn vị thì có đoàn của ông Tư Phát, trợ lý tham mưu phòng Hậu cần cùng năm người nữa đi khảo sát đường thồ để chuẩn bị cho chiến dịch Nguyễn Huệ ta sẽ mở vào giữa năm 1972. Tuấn xin đi ghép.

“Cũng được – Tư Phát nói – Nhưng cậu phải mang giùm cho cánh tớ hai cây ni lông, mỗi cây 10kg. Mang nổi không?”

Tuấn vui vẻ buộc hai cây ni lông lên xe đạp. Bắt đầu từ trạm giao liên Suối Tre trên đất Campuchia, ăn cơm tối xong mọi người khởi hành. Tuấn đi giữa. Trước anh là ba bảo vệ chia làm hai tốp, đi cách quãng. Sau anh là Tư Phát cùng hai bảo vệ đi đoạn hậu. Trải năm tiếng đồng hồ đạp xe, đoàn tới Tây Ninh. Từ đây để đi tiếp về Củ Chi các anh phải vượt hai con lộ Trắng, Đỏ được coi là lộ xương lộ máu nơi biên giới. Kinh nghiệm cho thấy qua hai con lộ, nếu không bị phục kích thì cũng bị pháo chụp. Nhưng đêm ấy không gian yên tĩnh, không có vẻ gì cho thấy địch đang đón lõng. Lộ Trắng bình yên rồi lộ Đỏ cũng bình yên, mọi người nín thở băng theo lối mòn xuyên trảng cỏ tranh, tiến vào cánh rừng chết trước mặt. Vẳng nghe đâu đây tiếng cú rúc sương. Đúng giao thừa, một loạt những tiếng nổ bỗng vang lên, trời đất phút chốc mù mịt. Tuấn bị hất văng xuống một hố bom. Tỉnh dậy, trước mắt anh bãi cỏ tranh trống trơn. Sáu người của đoàn Hậu cần miền không một ai sống sót. Những quả mìn Claymore địch cài chéo cánh sẻ đã diệt gọn các anh. Tuấn phúc đẳng hà sa, đúng lúc mìn nổ anh đang đi ở giữa gốc cây cầy và một chiếc hầm chữ A của cánh xe thồ làm để tránh bom đạn. Chiếc hầm và gốc cây vô tình trở thành những tấm lá chắn giữ cho anh toàn vẹn. Sau phút định thần, Tuấn quyết định quay trở lại. Đấy là một quyết định sáng suốt, bởi cách bãi mìn quãng 500m trong cánh rừng chết, một tiểu đoàn biệt kích địch đã phục sẵn. Nếu đi tiếp, anh sẽ bị bọn biệt kích bắt sống. Về sau Tuấn được cấp trên cho biết vậy. Đoàn công tác của Tư Phát bị điệp báo, và anh may mắn sống sót.

Trầy trật rồi Tuấn cũng về được Củ Chi. Đoàn Hậu cần 83 đóng quân ở An Phú, gần cơ quan văn nghệ T4 (khu Sài Gòn, Gia Định). Tiếp xúc với các nhà thơ Giang Nam, Hoài Vũ, Viễn Phương và nhiều anh em văn nghệ T4, máu thi sĩ trong anh bật dậy. Trần Văn Tuấn làm thơ:“Đã cùng nhau vuợt qua đường Chín/ Nắm tay nhau qua sông Bạc sục sôi/ Chân mất dép quấn áo vào đi tiếp/ Tầm tã mưa rơi ăn đứng ngủ ngồi…” Bài thơ “Trường sơn” cũng như nhiều bài thơ khác Trần Văn Tuấn làm ngày ấy thể hiện những cảm xúc chân thành của người lính, năm 1975 được nhà thơ Chế Lan Viên  mang về giới thiệu trên tạp chí Tác phẩm mới. Nhưng cũng chính nhà thơ Chế Lan Viên trong lần gặp lại năm 1976 ở Sài Gòn đã khuyên anh: “Thơ cậu cũng được. Thơ văn xuôi, có nhiều ý tứ hơi là lạ. Nhưng trong một góc độ nào đó, cậu nên thử chuyển sang văn xuôi xem nó thế nào…”

Lời khuyên của nhà thơ lớn không khỏi làm Tuấn suy nghĩ.

Năm 1978 chiến tranh biên giới Tây Nam bùng nổ. Trần Văn Tuấn tái ngũ, biên chế làm việc tại phòng Tuyên huấn Quân khu 7. Một lần các anh Lê Lựu, Vũ Sắc của nhà xuất bản Quân đội vào Quân khu 7 công tác. Gặp Trần Văn Tuấn, nhà văn Lê Lựu gợi ý anh viết một tập sách về chiến tranh biên giới Tây Nam, thế là anh viết luôn bài bút ký về một trận đánh. Tác phẩm được in trong tập truyện ký của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, được dư luận khen. Có trớn, anh viết luôn truyện ngắn đầu tay “Người có trái tim bên phải”, báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam sau đó đăng trang nhất, gây xôn xao dư luận một thời.

Năm 1980 Trần Văn Tuấn chuyển công tác về làm Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ và sau đó là Thư ký tòa soạn, rồi Phó Tổng Biên tập phụ trách nội dung báo Sài Gòn Giải Phóng. Sống giữa bộn bề công việc, bộn bề thông tin của một tờ báo lớn, anh không những không bị khớp mà còn như cá được nước, lao vào làm việc say sưa và tranh thủ mọi nơi mọi lúc để viết. Luôn luôn anh nhớ lời khuyên của nhà văn Tô Hoài: “mỗi ngày nên viết dăm ba trang, chớ để ngòi bút gián đoạn”.  Văn ôn võ luyện là thế nên có cuốn sách vài trăm trang, Trần Văn Tuấn chỉ viết trong một tháng. Phương pháp làm việc của anh thế này: khi gặp một vấn đề chợt đến, hoặc một ý tưởng chớp lóe là bình tâm tìm chỗ ngồi viết ngay, viết hào hứng, nhẹ nhàng, không cầu kỳ, gò ép. Khả năng tập trung cao, trí nhớ tốt giúp anh dựng cốt truyện nhanh và huy động tối đa vốn sống. Áp lực công việc ở Sài Gòn Giải Phóng rất lớn. Tuấn lại phụ trách nội dung nhiều ấn phẩm, tiêu tốn nhiều thời gian, nhưng khi cần viết văn, anh chuyển “kênh” rất nhanh, không để bị chi phối, ảnh hưởng. Tiến lên một bậc cao hơn, đôi khi anh lấy viết văn làm giải trí.

Cần cù làm việc theo kiểu một “phu chữ”, trong ba mươi năm từ 1978 – 2007, nhà văn Trần Văn Tuấn đều đặn cho ra đời trên ba mươi tác phẩm gồm truyện ngắn, truyện dài, và tiểu thuyết. Tính bình quân, mỗi năm anh in một tập sách. Còn nếu tính cao điểm năm 1989, 1990 mỗi năm Trần Văn Tuấn in 8 tập. Viết nhiều mà không vội, mà vẫn hay, ấy là điều không mấy cây bút làm được. Các tác phẩm của anh nhiều truyện đã được dựng thành phim, được trao nhiều giải thưởng cao quý: Giải nhì cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ năm 1984 cho truyện 6 năm 2 tháng 3 ngày, giải A Cuộc thi Tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2003 - 2004 cho tiểu thuyết Rừng thiêng nước trong, giải B Giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng năm 2006, giải thưởng Văn học ASEAN năm 2007, giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2012. Tất cả những thành công ấy được làm nên từ đôi bàn tay của một con người khô gầy. Các tác phẩm hoàn toàn được Trần Văn Tuấn viết trên giấy, những lúc ý chạy bút đuổi không kịp thì cũng cố mà đuổi. Sau này máy vi tính phổ biến, ông Phó Tổng Biên tập phụ trách nội dung báo Sài Gòn Giải Phóng do phải dò bài in báo trên máy vi tính nhiều, mắt bị lóa, sinh ra dị ứng với máy vi tính, khi viết văn lại vẫn chỉ dùng bút. Và ông sẽ dùng bút viết văn cho đến hết đời, tôi tin vậy. Không phải như ai đó sợ “cơ máy sinh cơ tâm”, mà cái tạng ông nó thế.

Đọc Trần Văn Tuấn, cái ta thấy đầu tiên không phải là cái cá nhân vặt vãnh bức xúc… mà là cái toàn thể, khái quát, cái vấn đề. Tuy nhiên từ chỗ này mà kết luận Trần Văn Tuấn là một nhà văn luận đề trong truyện ngắn thì tôi e “Nói zậy mà không phải zậy”. Truyện Người đàn bà hát trong mưa chẳng hạn. Truyện viết về một cô thanh niên xung phong từ chiến tranh bước vào cuộc sống bình thường, làm công việc tạp vụ, cũng rất bình thường, nhưng vẫn biết tạo cho mình niềm vui, đấy là những bài hát chị từng hát trong mưa. Bối cảnh của truyện được đan cài kỷ niệm chiến tranh và thời bình. Đọc thấy rõ truyện được bắt đầu từ một ý tưởng, ấy là Con người ta dẫu sống trong hoàn cảnh nào cũng cần tạo cho mình một niềm vui, với chị đấy là ký ức thời chiến tranh qua những bài ca, như ngọn lửa thắp lên hy vọng để hướng tới tương lai.

Hay truyện Hàng xóm thì lại được khởi nguồn từ một cốt truyện hay: Hai gia đình ở cạnh nhau trong một chung cư. Gia đình A, ông chồng phải nuôi bà vợ bị gai đốt sống, nằm một chỗ. Gia đình B, bà vợ phải nuôi ông chồng bị liệt do chấn thương sọ não trong một tai nạn xe. Một hôm ông chủ của gia đình A đề nghị với bà chủ gia đình B “góp gạo thổi cơm chung” . Bởi “Vợ tôi nằm liệt cần thay đồ. Thằng nhỏ đâu có phụ giúp được tôi. Chị là phụ nữ giúp tôi việc ấy. Đổi lại tôi giúp chị thay đồ, chăm sóc cho anh ấy. Cái việc mà con gái chị cũng không giúp cho chị được”. Và họ đã thử làm công việc “sáp nhập”, thấy thảnh thơi hẳn lên, nhưng cũng vì thế mà từ đó trong chung cư xuất hiện bao lời đàm tiếu…

Với tiểu thuyết thì lại khác. Do dung lượng tác phẩm lớn, sức ôm chứa nhiều, những ý tưởng được tác giả nâng lên thành luận đề. Đọc Rừng thiêng nước trong, tiểu thuyết đã mang lại cho nhà văn nhiều giải thưởng cao quý, thấy tác giả đã “tìm cách giải thích lịch sử qua số phận của các nhân vật; nhập cuộc chiến tranh, thoạt đầu là một sự lựa chọn, tiếp sau là một sự thích ứng và cuối chót là sự sàng lọc nghiêm khắc định vị các phẩm hạnh cá nhân”.

Hay Thông tin đa chiều, tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Trần Văn Tuấn xuất bản quý 2/2016. Với từng trải hàng chục năm ở một tờ báo lớn của đất báo thành phố Hồ Chí Minh, ông viết là để tìm một định nghĩa thuyết phục nhất cho công việc thông tin, cho nghề báo.

Tuy nhiên, phân định thể loại cho tác phẩm thường là việc của các nhà phê bình. Khi bắt tay vào viết văn, các nhà văn không mấy người quan tâm. Trần Văn Tuấn cũng vậy. Điều ông tâm huyết là dù truyện ngắn hay tiểu thuyết, nhưng đã là tác phẩm văn xuôi thì phải chuyển tải được kinh nghiệm sống và kiến thức các mặt. Hàm lượng kinh nghiệm sống và kiến thức các mặt trong tác phẩm càng đậm đặc, tác phẩm càng dễ thành công. Và muốn vậy, nhà văn phải biết đặt mình vào dòng chủ lưu của cuộc sống, sống một cuộc sống tích cực. Tiểu thuyết đầu tay “Từ một chuyến tàu” viết về người lính, Trần văn Tuấn đã theo phương cách này khi mô tả nhiều những kỹ năng sống mà trận mạc đã rèn đúc cho thế hệ mình. Ví như phải nấu bếp sao cho không có khói, phải chọn thứ rau dại gì trong rừng để cải thiện bữa ăn, mắc võng trong rừng ra sao, tìm vị trí trú quân như thế nào để vẫn gần nguồn nước uống mà không bị máy bay địch phát hiện... v.v và v.v. Theo ông, trong nhiều nguyên nhân dẫn đến chiến thắng của chúng ta, kỹ năng sống là một nguyên nhân đáng kể. Chính nhờ điều này mà trong các tác phẩm của ông, những người lính còn sống sót sau chiến tranh trở về luôn biết bình tĩnh ứng xử với mọi chuyện hàng ngày. Anh đã từng lạc rừng mười ngày mà không bị chết đói, không bị thú dữ ăn thịt. Anh đã nằm dưới hỏa lực của những trận pháo bầy, hoặc bom B52 rải thảm mà không chết - thử hỏi anh còn sợ cái gì nữa?

Thời gian trôi, chiến tranh càng lùi xa, đề tài, nhân vật trong các tác phẩm của Trần văn Tuấn cũng dần được thay đổi, bổ sung để tiếp cận với cuộc sống hôm nay, nhưng các câu chuyện được kể trong đó vẫn là những ký ức của người viết về thế thái, nhân tình. Nhân tình, ấy là cái gốc của một con người. Thế thái luôn thay đổi, còn nhân tình thì không (?).  Từ quan niệm ấy, khi viết tác phẩm, bao giờ ông cũng lấy nhân vật làm trọng. Nhân vật sống, tác phẩm sống. Ông cư xử với đời theo câu châm ngôn của cụ thân sinh: “Biết đủ thì trời không để thiếu”, cư xử với nhân vật theo cách “Xã hội nào, văn hóa ấy”. Trong thế thái ấy thì nhân vật phải thế này, ấy là sự ứng xử của con người trước hoàn cảnh.

Từ câu chuyện về nhân tình thế thái của ông có một chuyện vui, đáng để ta suy ngẫm. Năm 2007 nhà văn Trần Văn Tuấn được trao giải thưởng văn học Đông Nam Á (Asean). Trong nghi thức trao giải diễn ra ở thủ đô Bangkok, Thailand, một số nhà văn, trong đó có Trần Văn Tuấn kiến nghị bỏ nghi thức quỳ lạy. Ông nói:

“Chúng tôi đến đây với lòng kính trọng nền văn hóa các quốc gia và nghi thức ngoại giao theo thông lệ quốc tế. Nhưng người Việt Nam theo đạo thờ tổ tiên ông bà. Với chúng tôi tổ tiên ông bà là cao nhất, chúng tôi chỉ quỳ lạy trước tổ tiên ông bà. Văn hóa của chúng tôi như vậy, xin được đáp ứng.”

Ghi nhận lời phát biểu của nhà văn Việt Nam, Ban Tổ chức trao giải thưởng văn học Asean của Hoàng gia Thailand sau đó đã bỏ phần quỳ lạy Hoàng gia. Các nhà văn khi nhận giải chỉ cần chắp tay bày tỏ thái độ cung kính là đủ. Cảm phục sự thẳng thắn của nhà văn Trần Văn Tuấn, nhà văn theo đạo Hồi người Brunei – Haji Moksin bin Haji Abdul Kadir sau đó đã nói vui với ông:

 “Thank you Mr. Tuan. You have your heart in the right place!” (Cảm ơn Mr. Tuấn, người có trái tim bên phải!)

12 – 2016
(Tuần báo Văn nghệ, số 8 (2975) ra ngày 25-2-2017)

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trong màu xanh Vàm Cỏ
Nhà văn Hào Vũ, sinh năm 1950. Quê quán: An Hải, Hải Phòng. Dân tộc: Kinh. Hiện thường trú tại 6/3 Cư xá phường 3, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1984.
Xem thêm
Đỗ Thành Đồng và chuyển động đường thơ
Sau gần 15 năm đắm say đến điên cuồng với thi ca, nhà thơ Đỗ Thành Đồng, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã xuất bản 7 tập thơ.
Xem thêm
Chuyện tình khó quên của Trịnh Công Sơn
Bài viết của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn
Xem thêm
Nhà văn Di Li: Tôi bị hấp dẫn bởi người đàn ông nhân văn, tử tế
Tôi nghĩ rằng, là người văn minh thì phải chấp nhận sống chung với sự khác biệt, tuy nhiên, sự khác biệt đó nếu không tốt, muốn người ta thay đổi thì mình sẽ góp ý. Và cách góp ý của mình cũng khá hài hước nên người nghe không mấy khi khó chịu.
Xem thêm
Người tốt trại Vân Hồ
Nhà văn Trung Trung Đỉnh, Giải A cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn, 1998 – 2000) với tiểu thuyết Lạc rừng. Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
Xem thêm
Nhớ nhà báo Phú Bằng
Đọc bác Phú Bằng từ lâu, khi tôi còn trực tiếp cầm súng ở Trung đoàn 174 Sư đoàn 5 thời chống Mỹ. Lúc ấy bác Phạm Phú Bằng là phóng viên báo QĐND được tăng cường cho báo Quân Giải phóng Miền Nam.
Xem thêm
Nhà văn - dịch giả Trần Như Luận với tác phẩm “Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh - Mỹ kinh điển, lừng danh”
Tháng Sáu 2022, trên Báo Thanh Niên rồi Tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, nhà báo Hà Tùng Sơn và nhà phê bình văn học Vân Phi giới thiệu tác phẩm thứ 7 của nhà văn Trần Như Luận (TNL): tiểu thuyết Gương Mặt Loài Homo Sapiens. Trước đó, anh từng gây tiếng vang nhờ giá trị đáng kể của bộ tiểu thuyết Thầy Gotama và 8000 Đệ Tử dày tới 1.200 trang, trình làng năm 2014. Chúng tôi cũng biết tới cả trăm tác phẩm dịch của anh, cả thơ và truyện, xuất hiện trên các tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Văn nghệ Quân đội, Non Nước, Sông Hương, v.v… Xuân Giáp Thìn 2024, nhà văn ra mắt một “dịch phẩm” hoàn toàn mới: Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh – Mỹ kinh điển, lừng danh. Sách dày 320 trang, bìa bắt mắt. Sách được Liên hiệp các Hội Văn học-nghệ thuật Việt Nam thẩm định chất lượng và hỗ trợ kinh phí; NXB Hội Nhà văn cấp phép. Nhân một cuộc hẹn thú vị tại Quận 7, TP Hồ Chí Minh, trong một quán cà phê tao nhã, không bỏ lỡ cơ hội, tôi đã thực hiện cuộc phỏng vấn này.
Xem thêm
Nhớ anh Mai Quốc Liên
Bài viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Nhà văn Trầm Hương: Sứ mạng nhà văn là đi tìm những ẩn số
Hàng chục năm nay, nhà văn Trầm Hương (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM) vẫn âm thầm theo dấu chân những anh hùng, người lính, mẹ liệt sĩ… để tìm nhân vật cho những trang sách của mình. Chị ghi dấu ấn đậm nét trong dòng văn học cách mạng hiện nay.
Xem thêm
Thương nhớ anh Duy
Tôi viết ra đây mấy lời tâm sự như thắp một nén nhang kính nhớ thương tiễn anh Duy về trời cùng đàn anh Lê Văn Thảo...
Xem thêm
Nhà văn Ann Patchett: Thời gian tuyệt vời nhất là ở trên máy chạy bộ và viết sách
Ann Patchett là nhà văn Mĩ, tác giả của 9 cuốn tiểu thuyết, 4 cuốn sách phi hư cấu và 2 cuốn sách dành cho trẻ em. Trong văn nghiệp, bà từng giành giải Orange cho Bel Canto, cũng như lọt vào danh sách chung khảo giải Pulitzer 2020 với cuốn Ngôi nhà của người Hà Lan. Gần đây bà đã cho ra mắt cuốn tiểu thuyết mới mang tên Tom Lake, và điều đặc biệt là nó được viết trên bàn đặt trên máy chạy bộ và lời khuyên về năng suất từ ​​Elizabeth Gilbert.
Xem thêm
Lê Minh Quốc và cuộc hành trình chữ nghĩa
Bài của nhà thơ Ngô Xuân Hội trên báo Văn nghệ.
Xem thêm
Nhà thơ Nguyễn Thành Phong: Với chữ nghĩa, tôi như người đang yêu
Gọi Nguyễn Thành Phong là nhà thơ, nhà văn, biên kịch hay cái danh mà mang nhiều nghiệp nợ nhất là nhà báo, thì viết gì, dù là kiếm sống, anh cũng phải cố ở mức tốt nhất theo ý mình thì mới cho là được. Với chữ nghĩa, Nguyễn Thành Phong ví anh như người đang yêu, càng bị “ruồng rẫy”, càng thấy không thể bỏ cuộc.
Xem thêm
Vũ Cao - “Núi Đôi mãi mãi vẫn là Núi Đôi”
Nói đến nhà thơ Vũ Cao không thể không nói tới bài thơ Núi Đôi.
Xem thêm