- Chân dung & Phỏng vấn
- Một thời để yêu, một thời để viết
Một thời để yêu, một thời để viết
Nhà văn Đặng Ái, tên thật Đỗ Minh Phong, sinh 15/10/1948. Quê quán: Thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Dân tộc: Kinh. Đảng viên đảng CSVN. Hiên thường trú tại phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội. Vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1984.
QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Tốt nghiệp phổ thông năm 1967, bắt đầu viết văn năm 1969; trải qua nhiều nghề lao động chân tay; học khóa 2 Khoa Viết văn Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (trường Viết văn Nguyễn Du 1983 – 1985). Năm 1987 làm phóng viên báo Thương mại, năm 1989 làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Thanh Hóa. Từ năm 1997 tiếp tục làm báo Thương mại cho đến lúc nghỉ hưu. Hiện thường trú tại quận Ba Đình, Hà Nội.
TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Văn xuôi: Đỉnh ngọc (truyện ngắn, 1975); Bức tranh đẹp (truyện ngắn, 1976); Có một mùa hè (tiểu thuyết, 1984); Phía trước đường đời tôi ((truyện ngắn, 1986); Tín hiệu bình yên (truyện, 1986); Nhà hàng hải (truyện ngắn, 1987); Huyền thoại dốc ba cây sến (truyện ngắn, 1987); Thuở dại khờ (tiểu thuyết, 1991); Giai điệu mùa thu (truyện ngắn, 1994); Biến tấu (truyện ngắn, 1996); Đi dọc đường xa (bút ký, 2003); Đêm có bắn pháo hoa (truyện ngắn, 2005); Tiệm cà phê khói mơ (truyện, 2005); Hồi ức mùa thi (truyện ngắn, 2005); Dã quỳ nở trong mưa (bút ký, 2007). Và “Đặng Ái tác phẩm” gồm 5 tập, mấy nghìn trang in.
Tập thơ: Mắt buồn (1990); Giữa nồng nàn gió thổi (2002);
GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải khuyến khích truyện ngắn báo Văn nghệ, năm 1971 ( Kể về một tình yêu). Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 1984 (tiểu thuyết Có một mùa hè), 2 giải thưởng của UBND tỉnh Thanh Hóa. Và các giải thưởng khác.
MỘT THỜI ĐỂ YÊU, MỘT THỜI ĐỂ VIẾT
Trong một lần giảng dạy Văn học Việt Nam trước khóa I trường Viết văn Nguyễn Du, Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh nói: “Nước ta có cái lạ, nhiều người khi không biết làm gì nữa thì quay sang làm thơ…”. Đối tượng nhiều người mà ông đề cập ở đây, ngụ ý chỉ những ai mưu sự cuộc đời ngoài văn chương. Dẫu vậy ngẫm lời Giáo sư, tôi thấy Đặng Ái lại không nằm ngoài sự lạ ấy.
Anh học Trung học phổ thông trường cấp III Lam Sơn, tốt nghiệp niên khóa 1966 – 1967. Bấy giờ đất nước đang chiến tranh, việc thi Đại học được thay bằng xét tuyển, căn cứ vào lý lịch. Học sinh hết lớp mười làm hồ sơ nạp cho ban Tuyển sinh tỉnh, xong, chờ một thời gian sẽ có giấy gọi. Nếu lý lịch tốt còn được cho đi Liên Xô, hoặc một nước nào đó trong phe Xã hội chủ nghĩa.
Lẽ thường là vậy, nhưng Đặng Ái chờ mãi không thấy đến lượt mình, đành đánh liều cuốc bộ gần mười cây số giữa trời nắng tìm đến nơi sơ tán của Ban Tuyển sinh tỉnh. Ông cán bộ tuyển sinh dò tìm trong một cuốn sổ lớn, giọng vô cảm: “Đỗ Minh Phong hả? Nhưng cậu về đi! ”. Đặng Ái chưa hiểu hết lời ông, chần chừ muốn hỏi thêm thì đúng lúc kẻng gọi cơm trưa. Ông cán bộ tuyển sinh liền mở cánh cửa chiếc tủ gỗ đựng hồ sơ lấy ra chiếc bát, đôi đũa rồi đi nhanh về nhà bếp. Đặng Ái biết ý lặng lẽ ra khỏi phòng, ngồi bên vỉa hè đắp đất xói lở như một gã ăn mày đói khát, thất vọng. Anh nhìn vào phòng qua cái cửa sổ khung tre, không có chấn song, thấy rõ cuốn sổ “thiên tào” còn nằm nguyên trên bàn. Chung quanh vắng ngắt, chỉ mấy lùm cây im lìm ủ rũ với tiếng ve rít chói chang. Anh liều lĩnh nhảy qua cửa sổ, vồ lấy cuốn sổ lật giở vội vã. Danh sách lũ học trò hiện ra, có nhiều đứa cùng lớp. Cạnh tên đứa nào cũng ghi tên một trường đại học. Cuối cùng Đặng Ái thấy tên mình, bên cạnh ghi: “Tổng hợp văn” nhưng bị gạch ngang bằng bút mực xanh. Ngoài lề có một câu phê, bằng mực đỏ, ngắn gọn, sắc lẻm: “Gia đình thuộc thành phần bóc lột. Bản thân không phải đoàn viên”.
Mặt mũi tối sầm, Đặng Ái vọt qua cửa sổ, bước như mê ra khỏi ngôi làng nghèo khổ đang nằm rũ dưới nắng hè gay gắt, quyết định sẽ đi bộ đội trong đợt tuyển quân tới. Trong lúc chờ đợi, anh xin vào làm ở Hợp tác xã nghề mộc gần nhà và gia nhập dân quân tự vệ phường. Vận hạn đến: Bất ngờ một trận máy bay Mỹ ném bom trúng chỗ đơn vị dân quân của anh gác đêm, Đặng Ái bị thương, được cáng vào bệnh viện. Phải hai năm sau vết thương mới ổn định. Thế là chưa kịp tòng chinh, cậu tú Đỗ Minh Phong đã thành “người có công”. Ra viện, anh thương binh trẻ chẳng biết làm gì. Để kiếm sống, chàng quay lại hợp tác xã nghề mộc, một vài lần mang cưa đục đi làm nhà thuê cho thiên hạ. Nhưng trong buổi “Trạch quốc giang sơn nhập chiến đồ”(*) điều muôn dân quan tâm là những căn hầm lặn chìm trong lòng đất hơn là những ngôi nhà gỗ nổi. Tay thợ tài hoa của Đỗ Minh Phong vì thế không có cơ hội phát triển. Chàng liền đổi sang nghề phụ bơm vá xe đạp, ô tô với bố ở nhà. Toàn những công việc nặng nhọc.
Nghĩ về bạn bè cùng trang lứa trường Lam Sơn ngày nào, đứa quốc ngoại, đứa quốc nội đang sôi kinh nấu sử, chuẩn bị mai này làm kỹ sư, bác sĩ, có lương, có tem phiếu gạo, được vào biên chế nhà nước, vẻ vang. Đỗ Minh Phong buồn nản. Biết là “Lập thân tối hạ thị văn chương” nhưng thấy mình cũng chỉ còn cách ấy: Viết văn! Để công việc thêm phần lung linh, nhà văn tương lai liền đi tìm bút danh. Đây chẳng là điều mới, trước anh mấy thập niên bác Nguyễn Sen cũng đã làm. Nhớ con sông Tô Lịch lịch xưa xinh đẹp, bác lấy bút danh Tô Hoài và chỉ bằng một “Dế mèn phiêu lưu ký” cái tên Tô Hoài lập tức nổi tiếng, át cả tên cúng cơm. Rồi Chế Lan Viên, Nam Cao, Khái Hưng, Nhất Linh, Hàn Mặc Tử… đều là bút danh cả. Nhưng Nguyễn Sen nhớ sông Tô thì được, Phan Ngọc Hoan hời ông vua Chàm nào đó thì hay… còn Đỗ Minh Phong mà đi nhớ tru nhớ ngựa (sông Chu, sông Mã) thì vô duyên. Tìm tích để dịch nên tuồng. Phong có người bạn gái thời phổ thông tên Sơn, đang học đại học ở Liên Xô. Vậy bút danh của Phong sẽ là Hoài Sơn, thật chí lý. Nhưng Hoài Sơn lại là… củ mài, quý đấy, mà lam lũ sao sao ấy. Nhà văn phải sang trọng, không thể là củ này củ kia được. Không nhớ thì yêu, bút danh Ái Sơn ra đời như thế. Thêm chữ Đặng đằng trước, thành ra Được Yêu Sơn! Tôi Yêu Sơn! Thông điệp càng rõ ràng hơn. Truyện ngắn “Kể về một tình yêu” của tác giả Đặng Ái Sơn ra đời như thế. Nhưng khi gửi truyện đi, nàng Sơn đã mất hút bóng chim tăm cá, thế là Đặng Ái Sơn chỉ còn là Đặng Ái, Tôi Yêu. Yêu gì ? Tam tài giả, Thiên - Địa - Nhân. Trời - Đất - Người, ba ngôi trong vũ trụ này tôi yêu cả, càng rộng đường văn bút. Phải vậy mà ngay ở cuộc thử bút đầu tiên “Kể về một tình yêu” đã đoạt giải cuộc thi truyện ngắn của tuần báo Văn Nghệ? Giải khuyến khích thôi. Nhưng với bất cứ cuộc thi viết nào, được chọn in đã là may, huống nữa đây là một cuộc thi viết truyện do báo Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.
Từ vô danh thoắt nổi danh, khỏi phải nói Đặng Ái hãnh diện thế nào. Sự hãnh diện đã khiến anh có những nhầm tưởng, “mục hạ vô nhân” đến tức cười. Cuộc họp tổng kết báo Thanh Hóa năm ấy tổ chức ở hội trường thị ủy Sầm Sơn. Để tỏ lòng trọng thị đối với một tài năng văn học của tỉnh, ông Tổng Biên tập đã thủ vai một cộng tác viên đến phỏng vấn anh: “Đồng chí thấy tờ báo Thanh Hóa của chúng ta thế nào?”. Đáng lẽ phải nói những lời có cánh, thì Tân khoa văn chương báo Văn nghệ sau vài chén rượu sần sần đứng dậy nói một câu để đời: “Từ bé đến giờ tôi chưa biết có tờ báo nào gọi là báo Thanh Hóa cả…”. Thần khẩu hại xác phàm, sau “phát súng thần công chọc vào lỗ tai” ấy (chữ của Nam Cao), Đỗ Minh Phong bị ông Tổng Biên tập cấm cửa. Hễ thấy bản thảo nào có tên tác giả như thế, như thế gửi đến, ông lập tức cho vào sọt rác. Cùng tắc biến, giấu mình dưới một bút danh khác nữa Phong tiếp tục “là một cộng tác viên thân thiết” của báo tỉnh. Khi in được bảy bài thơ trên trang Văn hóa Văn nghệ báo, thấy đã nhiều nhiều anh đến phòng Trị sự xin lĩnh nhuận bút. Vở kịch đến đây hạ màn.
Người khôn vấp ngã ở đâu đứng dậy ở đó, đi tiếp. Đặng Ái vấp ngã, đứng dậy, nhưng không đi tiếp mà đi loanh quanh để vấp tiếp ở đó lần hai. Ấy là khi kịch bản phim “Những con đường” của anh được Xưởng phim truyện Việt Nam đưa vào sản xuất. Ngày phim quay xong, tỉnh cử một ông Phó Ban Tuyên huấn tỉnh ủy đi gặp đoàn làm phim vỗ tay mừng buổi chiếu ra mắt. Thấy tác giả kịch bản là người Thanh Hóa, ông Phó liền đến bắt tay Đặng Ái, nói giọng nhũn nhặn:
“Tỉnh còn khó khăn lắm anh à, mời anh thỉnh thoảng về góp ý, giúp đỡ tỉnh nhà…”.
Như người khác thì ờ à cho qua, nhưng Đặng Ái ngang cành bứa, thẳng mực tàu cười cười đáp lời ông:
“Không anh ạ, tôi chữa xe đạp ở đầu phố Huế đây. Cần tôi góp ý điều gì, mời anh đến tiệm sửa xe của nhà tôi, số…”.
Ông Phó Ban Tuyên giáo tỉnh bị một phen tẽn tò.
Rồi lần thứ ba, lần thứ tư…
Nhiều ẩn ức quá mà bộc phát vậy, sự thực Đặng Ái không phải là một người gai ngạnh. Tính anh nhân hậu, thương người, hay mủi lòng trước những phận đời oan trái. Nhưng chưa đầy hai mươi tuổi đã bị cuộc sống gạt sang bên lề, anh không sao dung được sự giả trá. Khi làm phật ý một vài quan chức là khi anh đã viết hàng trăm lá đơn xin việc, đã đi mòn lối công môn, lặng hơn nước thấp hơn cỏ rạp mình trước cửa người để mong được vào biên chế nhà nước, trở thành cán bộ công nhân viên của một cơ quan, xí nghiệp nào đó. Đáp lại tấm tình của anh chỉ là những lời hứa suông, những cái bắt tay hờ hững.
“Họa, phúc bất sở phục…”, trong rủi có may. Đất nước sẽ không có nhà văn Đặng Ái ngày nay nếu ngày ấy đường đời của anh thanh niên Đỗ Minh Phong thuận buồm xuôi gió, nhưng đường đời bất trắc đã sinh cho đời một nhà văn tài danh. Sau “Kể về một tình yêu” Đặng Ái nhanh chóng vượt lên, viết liền liền. Một loạt truyện ngắn của anh như Đò ơi, Chiếc nhẫn cờ, Cầu đã lao sang, Anh bạn 10B của tôi, Hoa hải sơn, Nước mắt đồng quê… ra đời, được giới thiệu trên các báo đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của bạn đọc và gây dư luận sôi nổi trên văn đàn.
Trong các thể loại văn học, truyện ngắn giữ vai trò xung kích trong việc phản ánh đời sống hiện thực. Truyện ngắn mang rất rõ cái chất của từng người viết, nhất là cái chất quả quyết, đột ngột. Viết truyện ngắn phải có nghề lắm. Vả lại, phải viết về những cái mới, những cái không dễ thấy, nhưng ở chiều sâu của nó, cuộc đời đang đặt ra… Đặng Ái quan niệm, mỗi truyện ngắn là một câu chuyện. Tôi biết câu chuyện này, tâm đắc với nó và tìm cách kể nó ra với mọi người. Còn kể thế nào, ngắn hay dài, thuyết phục hay nhàm chán phụ thuộc vào bản lĩnh của từng ngòi bút. Quan niệm như vậy, nên cũng như Crixtian Anđecxen “Người kể chuyện cổ tích” (K. Pautovsky), suốt đời Đặng Ái là người kể chuyện cuộc đời: Một cô gái mù lặng lẽ năm này qua năm khác kéo bè sang sông chở bộ đội đi ra chiến trường không cần mọi người biết tên, một phi công bị thương nặng vẫn lái máy bay chiến đấu như anh hùng phi công Meretxep ở Liên Xô (cũ), một cô gái chung thủy đợi người yêu từ chiến trường về, một người thợ say mê học tập để nắm vững tay nghề làm việc cho tập thể… Đọc anh là thấy như cuộc đời thực đang chuyện trò, vui cười hay hờn giận trên từng con chữ. Anh không thêu dệt, huyền hoặc hay rảy nước hoa, choàng lụa mỹ miều lên mặt cuộc sống. Anh luôn luôn trung thực với cuộc sống, với nhân vật dù họ là ai, ở giai tầng nào trong xã hội. Từ những trang văn của anh, người đọc cảm nhận sâu sắc những nét tinh tế, nhân hậu trong tâm hồn người Việt, đặc biệt là người xứ Thanh…
Nhưng Đặng Ái không chỉ viết truyện ngắn, anh còn viết tiểu thuyết, thơ và kịch bản. Trong các tác phẩm đã xuất bản, ngoài chín tập truyện ngắn, đến nay anh là tác giả của bốn tập truyện, tiểu thuyết, kịch, hai tập bút ký, hai tập thơ. Đấy là những: Đỉnh Ngọc (tập truyện ngắn, 1975); Bức tranh đẹp (tập truyện ngắn, 1976); Có một mùa hè (tiểu thuyết, 1984); Phía trước đường đời tôi (truyện ngắn, 1986); Tín hiệu bình yên (truyện, 1986)... Và gần đây, Đặng Ái tác phẩm, gồm 5 tập theo các thể loại. Sách do nhà xuất bản Thanh Hóa ấn hành năm 2013. Một bộ toàn tập đầy sức nặng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Những tác phẩm đã đưa anh lên hàng những nhà văn xuất sắc trong lớp nhà văn chống Mỹ.
*
Như nhiều người cầm bút nói chung, Đặng Ái thích “khoác ba lô lên và đi”. Cho vui thôi, chẳng nghĩ gì khác. Bàn chân anh phủ sóng gần như khắp các tỉnh thành trong nước. Ngày tôi công tác ở Hội Văn nghệ Nha Trang, một lần thấy anh xuất hiện ở trụ sở 6A Lý Tự Trọng, tôi cảm khái: “Bác ngậm ngãi tìm trầm!”. Đặng Ái cười: “Ta đi chơi thôi mà, có tư tưởng gì đâu…” (thơ TNM).
Một đêm năm 1984, hai anh em đang ngủ say trên sàn nhà bỗng nghe rầm một tiếng, liền đó có một cái gì đó thật khủng khiếp đổ xuống đập ngang ngực làm tôi tức thở, đau quằn quại. Trong lúc thần hồn nát thần tính, tôi bỗng nghe giọng ai đó hỏi hốt hoảng: “Có sao không Hội ơi ?”. Định thần lại, tôi nhận ra giọng Đặng Ái và hiểu ngay vấn đề. Do trước khi đi ngủ, chúng tôi bất cẩn buộc hai đầu dây màn vào giá sách. Cái giá sách tôi làm bằng một con dao rựa cùn, chẳng có đinh cũng chẳng có mộng mẹo liên kết. Chỉ cần tôi hoặc anh trở mình cuốn màn vào người là nó lập tức đổ xuống. Phía Đặng Ái nằm các khoang chứa đầy sách. Được sách che đỡ, anh không việc gì. Phía tôi giá trống trơn và tôi lãnh đủ...
Trở dậy, gạt các thứ sang một bên chúng tôi ngủ tiếp. Nhưng không ngủ được, cảm thấy đêm tối có cái gì đó bất an như trước những trận bom Mỹ xưa, chúng tôi rì rầm trò chuyện. Đặng Ái kể tôi nghe cuộc đời anh. Đến lúc ấy tôi mới biết ngày mấy cây bút đồng lứa xứ Thanh cùng tôi ra Hà Nội học khóa I trường viết văn Nguyễn Du (xem “Người tốt trại Vân Hồ”, báo Văn nghệ số 22 (2832), ngày 31/5/2014) anh cũng muốn đi học, nhưng vì không phải là người trong biên chế Nhà nước nên đành chịu.
“…Khi nên trời cũng chiều người/ Nhẹ nhàng nợ trước, đền bồi duyên sau…” (truyện Kiều). Ba năm sau, năm 1983 việc “đền bồi duyên sau” của Đặng Ái được Trời tiến hành. Bỗng dưng anh vượt qua chướng ngại, được vào biên chế nhà nước, trở thành học viên khóa 2 của trường. Từ đó, “…Cửa trời rộng mở đường mây…”, Đặng Ái được đủ thứ, được kiến thức đã đành, mà còn được vợ. Đây thực là một điều đáng kể, vì với anh chọn vợ nghĩa là chọn bà chị cho chín đứa em. Được việc làm (phóng viên báo Thương mại), nhưng ngoạn mục nhất vẫn là được chức Chủ tịch Hội Văn nghệ Thanh Hóa.
Chuyện như đùa. Năm 1989, ông phóng viên báo Thương mại Đặng Ái nhân chuyến công tác Thanh Hóa, đến Hội Văn nghệ tỉnh chơi thăm bạn bè. Thấy trong góc phòng Hành chính của Hội có một đống cặp giả da cao bề bộn, hỏi để làm gì? Ông Trưởng phòng nói quà đại hội. Đặng Ái hỏi xin một cái. Ông ta quan trọng bảo: “Cho răng được. Ông muốn lấy cặp phải đến đại hội…”. Thế là Đặng Ái đi dự đại hội Văn nghệ tỉnh mà mục đích ban đầu chỉ là để kiếm một cái cặp. Tới lúc bầu cử, được nhiều người khuyến khích, anh ra ứng cử và trúng luôn chức Chủ tịch. Trúng thì làm, tạm nghỉ công việc ở báo Thương mại, anh công dân hạng hai Đỗ Minh Phong ngày nào khăn gói hồi hương làm quan Văn nghệ tỉnh.
Nhiệm kỳ sau Đặng Ái lại đắc cử Ban Chấp hành với số phiếu còn cao hơn. Đến nước này thì Đảng phải ra tay, ông Bí thư tỉnh ủy gọi anh vào tâm tình: “Cậu chưa phải đảng viên, kỳ này làm phó thôi nhé!” Hiểu chế độ ta Đảng lãnh đạo toàn diện, Đặng Ái vui lòng lui xuống hàng hai, làm Phó Chủ tịch Hội.
Thời Đặng Ái tham chính, Hội Văn nghệ Thanh Hóa có nhiều chuyện vui. Vui nhất là năm 1993, Hội xây được nhà cho nhà thơ Hữu Loan. Đây là ngôi nhà đầu tiên… (vô tình) dẫn đầu phong trào làm nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách nở rộ trong cả nước sau này. Để hoàn thành ngôi nhà như tâm nguyện, Chủ tịch Hội, Chánh văn phòng Hội (nhà thơ Nguyễn Văn Túy) đã phải chạy đôn chạy đáo xoay tiền đến bạc mặt. Trong lúc ngôi nhà đang thi công, một số cụ hội viên vốn không ưa Đặng Ái, nay lại khó chịu với việc ưu ái Hữu Loan (mà các cụ cho là không phải hội viên lại cũng chẳng có đóng góp gì cho văn nghệ tỉnh nhà), tụ tập nhau đến chất vấn ông Chủ tịch: “Sau Hữu Loan, Hội làm nhà cho ai?” Thấy tình hình có vẻ căng, ông Chủ tịch vận hết mười thành công lực thoắt trở lại phong độ của chàng trai thợ mộc ngày nào, trả lời tỉnh bơ: “Sau Hữu Loan đến tôi”. Biết gặp phải cao thủ, các cụ ớ ra nhìn nhau rồi lảng chuyện. Thế là Đặng Ái thoát hiểm.
Ngôi nhà xây xong, không đóng biển “nhà tình nghĩa” này nọ như thói thường. Nhưng tác giả Màu tím hoa sim đã ở trong ngôi nhà này suốt 17 năm cuối đời, đã gặp gỡ, giao lưu, tâm sự với hàng ngàn người yêu thơ, hàng trăm nhà văn, nhà báo, và đã trút hơi thở cuối cùng tại đây.
21 - 6 – 2014
(Tuần báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam số 37 (2847) ra ngày 13/9/2014)
* Kỷ Hợi tuế (thơ Tào Tùng, đời Đường. Có người bảo đời Hán): Trạch quốc giang sơn nhập chiến đồ/ Sinh dân hà kế lạc tiều tô/ Bằng quân mạc thoại phong hầu sự/ Nhất tướng công thành vạn cốt khô.