- Truyện
- Vầng trăng bình yên | Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Hương Hào
Vầng trăng bình yên | Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Hương Hào
1
Anh Hai hỏi tôi:
- Về quê em sẽ làm gì?
- Em sẽ chạy theo mấy con bướm, làm nó giật mình, bay hoài không dám đậu. Nghe nói quê mình đồng rộng mênh mông, kênh rạch nhiều lắm. Nên em sẽ tập lội sông luôn. Buổi tối thì ngắm trăng. Anh kể cho em nghe về ánh trăng ở quê nữa đi!
- Anh thích ngắm trăng tròn ở quê. Trăng ở quê sáng hơn ở đây. Ở đây đèn nhiều quá. Rồi anh say sưa tả ánh trăng nơi quê mình, nó tròn, đẹp lung linh, hiền hoà.
Tôi nghe anh nói về ánh trăng nhiều lần, và lần nào cũng chìm đắm trong vầng sáng dịu dàng, mát dịu của nó. Tôi thấy mình yêu ánh trăng, dù chỉ qua lời kể của anh. Có lẽ vì tôi đa cảm quá chăng? Má nói tôi dễ yêu thương và không ghét một thứ gì!
Bé Mười Ba từ đâu đi tới, dụi đầu vào ngực anh Hai. Nó ngủ hầu như ngay tức khắc sau đó. Anh Hai nằm im, sợ nó giật mình. Anh nói khẽ:
- Ngủ đi, khuya rồi. Mai sẽ cực lắm đó.
Hồi chiều, má nói với chúng tôi, Sài Gòn đã mở cửa cho đi lại một số tỉnh rồi. Ngày mai này chúng tôi sẽ cùng nhau về quê. Về quê! Đó là giấc mơ. Nhà ba mẹ ở miền Tây chơn chất của tiếng hò sông Hậu - Đó là những gì mà tôi đã nghe được từ lời của ba má, và anh Hai. Phần mình, tôi chưa bao giờ đến miền Tây. Các anh chị khác của tôi cũng vậy, ngoại trừ anh Hai.
2
Tôi được sinh ra ở đây, trên mảnh đất Sài Gòn này. Cù bơ cù bất, ngày kia kìa, ba tìm thấy tôi trong ống cống ở một công trình bỏ hoang, đói lả và yếu ớt. Ông mang về phòng trọ. Ba má dùng đồng lương công nhân ít ỏi mua sữa bột để nuôi. Ngày tháng trôi nhanh, cùi cụi lớn nhờ sự chăm sóc tận tình của ba má. Má đặt tên cho tôi là Mười Hai, vì tôi là đứa con thứ 11 của ba má. Nhà đông con nên đặt tên vậy cho tiện kêu. Sau tôi còn 4 đứa em nữa: Mười Ba, Mười Bốn, Mười Lăm và Út đẹt. Ngoài anh Hai, người đã đi cùng với ba má từ dưới quê lên đây, tất cả anh chị em còn lại đều được ba má lượm về. Cùng nhau quay quần trong một căn phòng trọ vừa nhỏ, vừa nghèo nhưng vô cùng ấm cúng.
Rồi không biết từ đâu, dịch tràn về. Cả xóm nhà trọ bị giăng dây chằng chịt. Ba má không thể ra ngoài để mua bất kỳ món gì, mọi thứ phải đặt trên mạng, khó khăn và đắt đỏ. Má giỏi thu vén nên dù có thiếu thốn, cả nhà vẫn không phải chịu đói ngày nào. Có người khuyên ba má bỏ chúng tôi đi cho rảnh nợ, hay chí ít bỏ vài đứa cũng được. Đáp lại, má chỉ cười:
- Tụi nó cũng như con của tôi rồi, bỏ sao được. Có gì ăn nấy, cùng nhau bơi qua cơn dịch này, rồi cho tụi nó về quê là yên ổn.
Nghe những lời nói nhẹ hều đó, mắt tôi ươn ướt, giấu đi vì không muốn các anh chị em nghĩ mình yếu đuối. Hiểu rằng ở bên ba má, chúng tôi sẽ thật sự có một gia đình ấm áp, không ai bị bỏ rơi, phải lang thang trong giá lạnh và đói khát.
Có lần, đang đi ngang qua căn phòng cuối cùng của dãy nhà trọ đối diện, tôi bỗng nghe tiếng kêu đau đớn, lặp đi lặp lại. Vốn tính tò mò, tôi ghé mắt vào thì nhận ra chị bầu đang có chuyện. Gương mặt chị ấy đang hằn lên sự đau đớn khó tả. Anh chồng loay hoay vụng về đứng bên cạnh, mồ hôi ướt lưng áo, nói những lời đứt ruột:
- Ráng lên em, em làm được mà! Ráng chút đi em…
Rồi tôi nghe tiếng trẻ em khóc. Mới đầu, tôi cũng không nghĩ đó là tiếng trẻ em, vì nghe nhỏ như tiếng mèo kêu thôi. Nhưng khi thấy anh chồng bế đứa bé đỏ hỏn, mới biết đó là âm thanh phát ra từ đứa bé, chứ không phải tiếng mèo. Không ngờ, con người lại có thể đến thế giới này một cách hoang sơ và đơn giản như vậy!
Chập tối, tôi quay lại, thấy chị đang nằm khóc, anh ngồi cạnh một bên, cũng đang khóc. Đứa bé khóc lớn hơn ba mẹ nó. Má tôi đem tới cho chị chén canh, tôi nghe giọng anh nghẹn ngào trong tiếng nấc, khi má tôi hỏi điều gì đó:
- Tụi em chỉ còn có 100 ngàn thôi. Mà tiền test đã là mấy trăm ngàn rồi. Nên đâu còn cách nào khác, chớ em có từng biết đỡ đẻ bao giờ!…
Mắt má đỏ hoe.
Đó là chuyện của 3 ngày trước. Còn giờ đây, gia đình chúng tôi đang chuẩn bị cho một cuộc thiên di lớn lao trong cuộc đời: về quê. Sau 3 tháng không đi làm, loanh quanh trong khu phòng trọ, đối diện cái đói, sự tù túng, lo sợ và cô đơn, ai cũng mơ về mái ấm bình yên ở quê. Tiền kiếm ít nhưng có tình thân gia đình, anh em, bà con chòm xóm. Ở đó, có ký ức đẹp đẽ in dấu trong lòng mỗi người. Ba má thường nhắc về quê hương Cà Mau của mình - vùng đất cực Tây, nơi có những cánh đồng bất tận và những con sông dài đi hoài không hết. Nơi đó, anh em chúng tôi sẽ thả sức tung tăng chạy giỡn trong không gian yên bình, rộng lớn. Nghĩ đến, cảm thấy lòng đầy rộn ràng, hăm hở.
3
Mới hơn 4 giờ sáng mà mọi người đã sẵn sàng. Mấy anh em chúng tôi được ba má nai nịch trên hai chiếc xe cà tàng, một chiếc bị rách yên sau và một chiếc hư mặt nạ trước, đưa ra cả nùi dây điện. Dù vậy, tôi vẫn cảm thấy gia đình mình may mắn hơn rất nhiều người. Kia một đoàn gần mười già trẻ, lớn bé phải đi bộ. Người già nhất 64 tuổi, người nhỏ nhất mới 8 tuổi. Nhìn đau lòng lắm, nhưng rồi cũng không biết làm sao giúp. Gia đình nhỏ ở cuối dãy trọ cũng chuẩn bị ra về. Nhìn chị rón rén tay ôm đứa con 3 ngày tuổi, lê từng bước ra xe, tôi nghĩ chắc chị còn đau và buồn lo lắm. Nghe má nói quê anh chị ở tận Nghệ An, còn xa hơn quê hương Cà Mau của chúng tôi nhiều lần.
Quê đón những người về từ vùng dịch một cách khá lạ. Má tôi ứa nước mắt khi thấy dọc đường, nhiều tấm bảng với dòng chữ “Xăng miễn phí, Cà Mau 3 chai, Bạc Liêu 2 chai”; “Cơm 0 đồng, xin mời” hay những chai nước bên đường với dòng chữ “Mừng bà con về quê, chúc bà con thượng lộ bình an”. Ở vài điểm trên đường, trên cầu, nhiều người còn đứng phát tiền cho những gia đình có con nhỏ. Những điều này giúp tôi càng thêm hiểu, thêm tin những điều ba đã nói - Đất miền Tây, người miền Tây hồn hậu, hiền lành và hào sảng vậy đó con!
Đến xế trưa thì trời đổ mưa. Ba má chở bọn tôi ghé vào một trạm xăng ven đường, hòa vào đám người đang trú mưa. Chúng tôi rụt rè ngồi ở đằng xa, nơi mái che vừa với tới. Nên mỗi lần có cơn gió tạt qua là mưa phất vào, lạnh buốt. Nhiều người hỏi thăm chúng tôi. Họ ngạc nhiên không hiểu sao ba má lại có thể nuôi đủ 15 đứa con trong cơn đại dịch này.
Trước mặt tôi, hai đứa bé đang giỡn bên chiếc xe kéo thô sơ, tự chế bằng gỗ. Người đàn ông ngồi kế bên gương mặt đầy suy tư. Anh nói với ba tôi, anh đã kéo hai đứa con từ Bình Dương về, và vẫn còn một đoạn đường khá dài. Vợ anh không về, vì chị cho chuyến đi với phương tiện như vậy là bất khả thi.
- Nhưng em đâu biết làm gì hơn, anh. Một vài ngày không tới thì một vài tuần, một vài tháng cũng tới. Em muốn con em được an toàn - Rồi anh đưa tay gạt nước mắt - Với lại, em cũng nhớ má em quá. Điện về lần nào bả cũng khóc…
Ba ngậm ngùi nhìn anh, rồi im lặng một cách bất lực.
Trời vừa tạnh mưa thì có chiếc xe lớn tới. Bước xuống xe là hai người, một già một trẻ. Họ phát áo mưa và thức ăn. Chú trẻ hơn xoa đầu từng đứa chúng tôi, khen sao mà ngoan quá. Tôi nhìn sang ba má, thấy mắt hai người ánh lên vẻ yêu thương. Ánh mắt đó, lần nữa, tự lên tiếng: bọn tôi sẽ không bao giờ bị bỏ rơi.
Đằng xa kia, một người phụ nữ trẻ đang lau nước mắt. Vốn nhạy cảm, tôi bước qua nhưng có vẻ như chị không để tâm xung quanh. Má tôi biểu quay lại, sợ lạc. Tôi gọi má, muốn cho bà nhìn thấy người phụ nữ trẻ đang rơi nước mắt trong im lặng. Như nhận ra tín hiệu từ tôi, má bước qua, hỏi nhỏ:
- Hình như em không khoẻ?
- Dạ - Chị trả lời rất nhỏ.
Má nhìn xuống bụng chị:
- Em được mấy tháng rồi?
- Dạ, 5 tháng.
- Em về với ai?
- Một mình.
- Vậy chồng em đâu?
Chị chỉ vào cái hủ sành bên hông chiếc túi đựng quần áo, rồi bật khóc nức nở. Má tôi cũng khóc, bà bối rối nửa muốn chạm vào người phụ nữ trẻ, nửa lại không dám. Má thường nói: phải giữ khoảng cách, vì đâu biết mình có nhiễm dịch hay không?
Tiếng khóc có tính lây lan. Lại nghe ai đó vừa thút thít. Mọi ánh mắt hướng về người phụ nữ trung niên. Chú lớn tuổi hơn bước lại gần, hỏi chuyện. Bà ấy đưa cho chú coi đôi chân phồng rộp, ứa máu, nói trong tiếng nấc:
- Tụi tui đi bộ một ngày, một đêm mới tới đây. Còn tới hơn 100 cây số nữa mới tới quê, mà chân tui như vầy, sao đi nổi! Đi chung thì sợ chậm chân mọi người, còn ở lại thì… - Bà ngưng giọng để lau nước mắt.
Mắt chú lớn tuổi đỏ hoe. Sau mấy cuộc điện thoại, chú gọi mọi người lên xe, ưu tiên cho trẻ nhỏ và phụ nữ. Chú nói sẽ chở họ về đến huyện. Những tiếng cám ơn, những nụ cười, những giọt nước mắt thi nhau lăn. Thật buồn khi hai tiếng “quê hương” lại trở nên quá xa xôi, đường về quê là một hành trình đầy trắc trở.
Tất cả các chốt quá tải. Đoàn người chờ được qua chốt dài cả trăm mét, chen chúc nhau khi thì trong cái nắng oi ả, khi thì dưới cơn mưa tầm tã. Thời gian chờ đợi quá lâu nên phải ngủ đêm lại trên đường. Dường như ông trời muốn thử thách đoàn người nhớ quê, nên hai đêm phiêu bạt là hai đêm mưa gió. Tôi vẫn nghĩ niềm an ủi khi ngủ ngoài trời là được ngắm trăng. Ngắm trăng nơi không có những ngọn đèn nhân tạo chắc là tuyệt vời lắm! Nhưng không phải, hai đêm qua bầu trời đen kịn, bây giờ đang là cuối tháng, vầng trăng chỉ là một chiếc lá mỏng dính, trôi hờ hững giữa trời, trong thoáng chốc rồi biến mất sau tầng tầng lớp lớp những đám mây đen. Cái tôi mơ ước được nhìn thấy là một vầng trăng tròn đầy, lung linh. Vầng trăng mà lần nào nói về nó, mắt anh Hai cũng long lanh! Cuối cùng, tôi nghiệm ra vài điều: ngủ ngoài trời không lạnh lắm, nếu được ủ trong một cái áo mưa, dù cực mỏng, và không sợ lắm, nếu bên phải, bên trái, sau lưng, trước mặt có bao nhiêu người nằm la liệt. Nhưng cũng đừng quá kỳ vọng vào việc ngủ ngoài trời để được ngắm trăng. Chuyện đó còn tuỳ thuộc vào thời gian trong tháng và thời tiết nữa.
4
Nhiều chiếc xe gắn máy chở lỉnh kỉnh đồ đạc đựng trong những cái bao cột ở yên xe, hông xe. Treo bên cạnh những món đồ lộn xộn, là cái hũ giống như hủ sành mà chị có bầu đã đưa cho má coi. Có xe còn treo cả hai hũ. Trên gương mặt mỗi người, hằn lên nỗi buồn thương khó tả. Chỉ có những đứa trẻ là vô tư, khóc cười theo cách riêng, như không hề biết những mất mát đã xảy ra, những nguy hiểm đang rình rập, thì cũng không biết những cơ cực mà ba má chúng đang gồng mình che chắn cho chúng trước trận bão dịch khủng khiếp này. Tôi chưa đủ lớn đủ hiểu, chỉ biết phải vượt qua chuyến đi này, để có thể cùng ở bên nhau, chí ít trong yên bình. Mà nguồn năng lượng để đưa chúng tôi về đến quê hương, chính là tình yêu thương của ba má.
Má ghé xuống tai tôi, nói nhỏ, nhưng đầy xúc cảm:
- Tới rồi kìa tụi con!
Cùng nhìn phía cánh tay má, không thấy gì ngoài dòng người đông đúc. Xe của ba cũng vừa trờ lên tới, chạy bên cạnh. Hai người trao nhau cái nhìn ấm áp, trong mắt lấp lánh biết bao hy vọng. Mấy anh chị em khác bên xe của ba cũng háo hức nhìn về phía trước. Tầm nhìn bị che đi bởi đoàn người trước mặt, hình dung phía sau dòng người dài ngoằng kia, phía sau những rào chắn và dây giăng kia, là khung trời bình yên rộng mở. Ở đó, mấy anh em tôi sẽ chạy đuổi nhau trên cánh đồng mênh mông sau nhà. Rồi cùng ngồi ngóng ba má đi chợ về vào mỗi sáng. Khi mặt trời lặn sau rặng cây, chúng tôi lại ngồi vây quanh ba má, lắng nghe các câu chuyện. Và kia kìa, vầng trăng mơ ước của tôi, không phải một lần, mà nhiều lần, trong suốt quãng đời vừa dài vừa đẹp sau này!
Đêm xuống rất nhanh. Trời lại bắt đầu mưa. Đây là đêm thứ ba chúng tôi ngủ ngoài trời. Má đẩy chúng tôi ngồi sát vô trong một gốc cây bên đường, lấy áo mưa ra che, những chiếc áo mưa có nhiều vết rách, do đã phục vụ tận lực trên suốt quãng đường về. Ba má ngồi phía ngoài, hứng trọn những cơn gió lạnh và những sợi roi mưa quất vào da. Cả hai che chung một tấm áo mưa mỏng dính, đã bị gió quật rách nhiều chỗ. Chờ, thức để đến lượt được gọi tên. Má cười hiền, dịu dàng:
- Chỉ đêm nay nữa thôi tụi con. Mình đã về tới quê rồi.
Trong giây phút đó, tôi thấy yêu ba má quá! Anh Hai khẽ đẩy Út đẹt vào chính giữa, rồi choàng tay qua ôm lấy lưng tôi, ánh mắt anh ngập tràn yêu thương.
Chung quanh, những gia đình khác cũng tìm chỗ để chống chọi mưa đêm. Cách đó vài mét, người đàn ông đang trùm áo mưa, ôm trong lòng đứa con trai nhỏ. Đứa bé ngủ ngon lành trong vòng tay ấm. Chăm chú nhìn, không thấy bóng dáng của mẹ đứa bé. Nhiều người đã đi với một hình dạng khác, nay trở về trong một hình dạng khác. Có lẽ mẹ đứa bé này cũng đã bị thu nhỏ lại vừa bằng một chiếc hủ!?
Tôi lại ước về những đêm trăng thanh bình sau này, với vầng trăng rạng rỡ của đêm miền Tây hiền hòa, tĩnh mịch. Ba má vẫn ngồi đó, kiên nhẫn nhìn dòng người ngày một đông lên. Sớm hôm sau, ba má được gọi tên, cán bộ huyện đã đến đón. Một cán bộ tỏ ra khó chịu vì thấy gia đình tôi đông đúc quá. Nhưng má bảo đảm rằng chúng tôi sẽ rất ngoan. Sau một hồi nài nỉ, cuối cùng, cũng được theo đoàn về khu cách ly.
Đến chiều muộn thì đến được khu trường học. Họ nói đây sẽ là nơi gia đình tôi ở lại trong 14 ngày. Không thể nói hết nỗi vui mừng. Chừng như thấm mệt, Út đẹt chui rúc vào lòng tôi, mắt lim dim. Anh Hai trông chừng em Mười Hai, Mười Ba, Mười Bốn. Anh dùng cả thân hình mình để che cho 3 đứa nhỏ khỏi bị xô đẩy khi có người qua lại.
Vừa đặt đồ xuống thì ba má được gọi tên đi test. Chúng tôi nằm dài trên sàn, tận hưởng thư giãn sau một hành trình dài, mệt mỏi và khắc nghiệt. Mơ về ngôi nhà mình sắp đến, nơi có khói lên ở chái bếp mỗi chiều. Hình ảnh này ba đã vẽ lên trong đầu tôi biết bao lần khi nói về quê hương.
Ba má trở về với vẻ mặt u buồn, nặng trĩu. Nước mắt lăn trên gương mặt gầy guộc của má. Ba ngồi im lặng, nhìn vào bức tường trước mặt, thở dài. Má ôm mỗi đứa chúng tôi một cái, rồi khóc.
- Trời ơi, họ đòi giết chết mấy đứa con của tôi!
Ba tôi cắn chặt môi. Rồi ông nói với má, nghèn nghẹn:
- Anh với em nhiễm đâu có nghĩa đám con mình cũng mắc, càng không có chuyện tụi nó lây được cho ai. Anh đọc báo thấy người ta nói vậy.
- Nhưng họ cương quyết lắm. Họ nói các con phải bị tiêu hủy - Má nhìn lên chiếc đồng hồ trên tường rồi thảng thốt - Trời ơi, chỉ còn 3 tiếng nữa!
Ai đòi giết chúng tôi? Chúng tôi có tội tình gì? Chúng tôi có thể gây nguy hiểm cho ai? Tôi không biết mình có nghe nhầm không, có đang nằm mơ không? Nhưng khi những giọt nước mắt nóng hổi của má rơi xuống mặt tôi, tôi hiểu đây không phải là giấc mơ! Tôi thấy mình hoảng loạn và sợ hãi! Tôi nhìn các anh chị em mình. Trời ơi, chúng tôi đã vượt qua cái đói, cái lạnh và nỗi sợ để về quê, ngỡ rằng mình yên vị ở ngưỡng cửa Thiên đường. Nhưng không phải! Không có Thiên đường nào cho chúng tôi cả. Điều chờ đợi chúng tôi sau hành trình dài là cái chết!
5
Chúng tôi nhui nhúc trong chiếc lồng chật. Chiếc đồng hồ trên tường tích tắc. Sự tuyệt vọng đang đè nặng, vắt kiệt mọi thứ. Anh Hai đưa mắt nhìn khắp lượt chúng tôi, rồi dừng lại ở 4 đứa em nhỏ. Chúng vẫn vui đùa, đưa tay khều má nhau. Bé Mười Bốn phụng phịu hỏi:
- Chừng nào mới được ăn? Em đói quá!
Anh Hai quay mặt đi, nghẹn ngào:
- Chút nữa thôi e…e…m.
Út vùi đầu vào ngực anh. Anh cúi mặt, giấu đôi mắt ngấn nước. Tôi biết anh không khóc cho mình.
Chắc anh cũng như tôi, tiếc cho những mong ước, những hy vọng không bao giờ thành hiện thực. Các em tôi lẽ ra phải được lớn lên, chứ không dừng lại mãi mãi ở lứa tuổi thơ ngây này. Lẽ ra, chúng phải được thấy cánh đồng đầy nắng mênh mông của miền Tây; được cùng nhau chạy đuổi theo những con chuồn chuồn, bươm bướm trên những vạt cỏ ướt đẫm sương mai như bức tranh vẫn hiện ra trong đầu tôi mỗi tối.
Giờ, còn lại gì. Không. Vầng trăng. Bình yên thường mơ thấy. Không.
Ngoài kia, tiếng lao xao lớn dần. Họ đã đến. Có hai người. Một người tặc lưỡi:
- Phải giết hết 15 con sao?
Người kia phẩy tay:
- Không lẽ chừa lại? Chỉ là chó thôi mà!
Câu nói như mũi dao xuyên thẳng tim tôi, chết lịm.
N.H.H