TIN TỨC

Phê bình văn học cần những gì?

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-12-09 23:07:25
mail facebook google pos stwis
629 lượt xem

Nhà thơ Vũ Thanh Hoa phỏng vấn nhà văn Nguyễn Trường
 


 

Vũ Thanh Hoa: Chào nhà văn Nguyễn Trường. Từ tháng 12-2022 Tạp chí Văn nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu mở chuyên mục ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY nhằm giới thiệu tới bạn đọc nhiều hơn những tác phẩm thơ hay và để các nhà thơ giới thiệu về nhau một cách chuyên nghiệp hơn, đồng thời người giới thiệu và người sáng tác cùng học hỏi và nâng cao tay nghề viết văn.

Được biết nhà văn Nguyễn Trường không chỉ nổi tiếng ở mảng sáng tác văn học mà còn là cây bút phê bình văn học sâu sắc, vậy xin ông tóm tắt về khái niệm phê bình văn học một cách khái quát và dễ hiểu để bạn đọc có thể phân biệt được giữa việc “bình luận một tác phẩm” khác với “ Lý luận phê bình văn học” như thế nào ạ?.

–Trả lời: Tôi là người sáng tác, không phải là cây bút phê bình văn học. Tôi có viết một số bài về các tác phẩm văn học cụ thể nào đó, lấy kinh nghiệm sáng tác của mình để bình phẩm, chỉ ra cái hay, cái chưa hay của tác phẩm mà mình thích. Đó cũng là cái chung của các nhà văn, hầu như các nhà văn không nhiều thì ít đều có viết phê bình văn học. “Phê bình văn học là sự đánh giá các hiện tượng văn học từ những quan điểm thẩm mỹ khác nhau. Nghệ thuật đi tìm cái đẹp của đời sống. Phê bình văn học đi tìm cái đẹp của nghệ thuật. Phê bình có thành tựu là phán đoán được đường đi nước bước của văn học (Tác giả/ tác phẩm/ khuynh hướng). Nhà phê bình tài năng là một “nhà tiên tri” bằng sự mẫn cảm nghề nghiệp – năng lực đón đợi – có thể hình dung được những bước đi của văn học”. (Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng). Văn học càng phát triển càng mở rộng và khơi sâu năng lực cảm thụ của người đọc. Vì thế, phê bình văn học ngày nay rất quan trọng. Nó có tác dụng hướng dẫn (hay gợi ý) cách đọc (tiếp cận) tác phẩm, giải mã tác phẩm văn học. Nó là cầu nối giữa tác phẩm và người đọc.

Sự khác nhau giữa nhà lý luận phê bình và nhà văn sáng tác biểu thi ở khâu then chốt nào? Trước hết, theo nhà văn Ma Văn Kháng: “Ít nhất họ (nhà phê bình văn học) là người có học nhiều hơn tôi. Sáng tác thì có thể dựa vào năng khiếu bẩm sinh và vốn sống riêng nên có thể sinh ra văn tài Võ Huy Tâm chứ lý luận phê bình thì không có trường hợp nào như thế”. (Phút giây huyền diệu- Ma Văn Kháng, Nxb Hội Nhà văn, 2013). Suy ra, người sáng tác có thể qua kinh nghiệm của mình, qua nghiền ngẫm, qua thực tế sáng tác… mà viết về một tác phẩm nào đó, có khi rất hay, rất tinh tế làm nhà lý luận phê bình cũng phải khâm phục. Trần Đăng Khoa viết Chân dung và đối thoại, một cuốn sách hay về các nhà văn, nhận xét, bình luận về các tác phẩm của các nhà văn rất sắc sảo, “có cái nhìn tinh quái của người sáng tác văn chương” (Nguyễn Văn Thọ).

Còn bình luận (ngày trước các cụ gọi là bình văn) một tác phẩm là bình luận về một vấn đề (phương diện) nào đó thuộc giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật của tác phẩm văn học cụ thể, giúp khơi sâu năng lực cảm thụ văn học của độc giả. Cũng có khi người bình luận bình rộng ra, so sánh với các tác phẩm trong và ngoài nước, nhưng tựu trung lại không thể đi quá giới hạn là bình về một tác phẩm đang bình, nếu nói quá rộng, quá xa sẽ dễ lạc đề.

Lý luận văn học, bằng các phương pháp khác nhau, có nhiệm vụ phân tích, lý giải về một tác phẩm cụ thể, cũng có khi về một giai đoạn văn học, một trào lưu, một khuynh hướng văn học, trong nước hoặc ngoài nước đã hình thành, hay đang hình thành trong đời sống văn học. Với phong cách hàn lâm, kinh viện, người viết khái quát được những quy luật chung nhất là về văn học, quy luật đó đồng hành với quy luật phát triển của cuộc sống, nâng lên thành lý luận, qua đó dự đoán được tương lai của một nền văn học, một trào lưu văn học…

Tóm lại, phê bình văn học (bao gồm bình luận văn học nhưng phạm vi quan tâm rộng hơn) và lý luân văn  học, dù có cùng đối tượng là văn học (tác giả, tác phẩm văn học, khuynh hướng, phong cách, đặc trưng ngôn từ,…) vừa có phần vừa giống nhau, vừa có phần không giống nhau. Nếu nói hình tượng thì như hai vòng tròn đồng tâm.

– Vũ Thanh Hoa: Thưa nhà văn, khi phân tích một bài thơ ta dùng trí hay cảm nhiều hơn, nói một cách khác là cần dùng học thuật hay chỉ cần dùng cảm nhận bằng trái tim là đủ? Có sự phân biệt giữa nghiệp dư và chuyên nghiệp ở đây không?

-Trả lời:  Khi phân tích một bài thơ ta dùng trí nhiều hơn, trí cũng có nghĩa là học thuật rồi vì trong trí là cả bề dày kiến thức của người phân tích tác phẩm. Vậy đòi hỏi người phân tích phải có học, có kinh nghiệm, có vốn sống phong phú về đời sống văn học. Tất nhiên người phân tích có khả năng cảm nhận về những câu thơ hay thì bình luận sẽ tinh tế hơn, sâu sắc hơn. Nhưng như tôi đã viết trên báo Văn nghệ số 39, ngày 24/9/2022,  bài “Hồn nhiên như tuổi thơ còn sót lại”: “Thơ cần đa nghĩa, nhưng phải để cho độc giả hiểu. Thơ tù mù, rối rắm không hiểu thì làm sao người ta cảm được… Không có nhận thức, không có con người. Hiểu, chính là nhận thức của con người”. Vậy yêu cầu bài thơ mang ra bình ấy phải để cho độc giả hiểu, người bình thơ mới vừa dùng trí vừa dùng trái tim và tâm hồn mà cảm được. Nhưng cảm được bài thơ có khi còn do người bình đồng điệu với tác giả, rung động trước tác giả và hoàn cảnh ra đời bài thơ.  Khi đang đi trong chiều mưa phùn chớm đông của miền Bắc ta dễ cảm được câu thơ “Đã nghe rét mướt luồn trong gió” của Xuân Diệu. Hay như Chế Lan Viên khi làm tập thơ “Mùa cổ điển” đã chê bài thơ Qua sơn của Quách Tấn kém thi vị. Nhưng đến khi nhà thơ “lên lầu cửa Đông Bình Định, hôm ấy trưa nắng, bốn phía người qua lại rộn ràng. Một mình sống trong tịch mịch, Hoan mới cảm thấy vị đắng của đời người. Và thế là bài Qua sơn của Tấn đã xuất hiện trong tâm trí. Hoan rung cảm và bâng khuâng nhớ Nha Trang quá…Tấn ơi thơ tuyệt cú của Tấn hay hơn bát cú một bậc. Qua sơn hay lắm!” (Phút giây huyền Diệu- SĐD). Một bài thơ ít nhất phải có đôi ba câu thơ hay. Chính những câu thơ hay làm sáng cả bài thơ. Người viết phê bình phải có khả năng thẩm thơ, biết lẩy ra được nhưng câu thơ hay đó. Sinh thời nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã viết đại ý, muốn đọc một bài bình thơ trước hết đọc những lời thơ trích dẫn  xem có hay không. Nếu thơ trích ra khen mà không hay, thì đừng phí thời gian  đọc bài bình thơ ấy.

- Còn phân biệt giữa nghiệp dư và chuyên nghiệp thì tôi không đặt thành vấn đề. Một người nghiệp dư nhưng có tài, có cách cảm tinh tế đến “ tinh quái” có khi lại bình một bài thơ nào đó hay hơn một nhà phê bình chuyên nghiệp là chuyện bình thường.

-Vũ Thanh Hoa: Theo nhà văn Nguyễn Trường, sự thiếu hụt đội ngũ viết lý luận phê bình văn học hiện nay có thực sự đáng lo ngại không? Tai sao người sáng tác thì rất nhiều nhưng phê bình văn học thực sự rất yếu và rất thiếu. Phải chăng vì ngại đụng chạm, vì lười đọc, vì kiến văn mỏng?

-Trả lời: “Thiếu và yếu” là một cách nói chủ quan về thực trạng lực lượng phê bình văn học hiện nay.  Thực tế thì đội ngũ lý luận phê bình văn học của chúng ta rất hùng hậu (có hơn 100 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam chuyên ngành lý luận phê bình). Chỉ điểm sơ các nhà lý luận phê bình văn học lớp trước, người còn người mất: Hoài Thanh, Phan Ngọc, Phong Lê, Nguyễn Đăng Mạnh, Hoàng Ngọc Hiến, Phương Lựu, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Văn Tâm, Lê Ngọc Trà, Trần Đình Sử, Vũ Nho, Hồng Diệu… đến các nhà Lý luận phê bình “trẻ” hơn như Bùi Việt Thắng, Trần Đăng Suyền, Tôn Phương Lan, Bích thu, Lý Hoài Thu, Lê Huy Bắc, Phạm Xuân Nguyên…. Nhưng hùng hậu không kém là các nhà văn, nhà thơ vừa sáng tác vừa viết lý luận phê bình, các nhà sáng tác không nhận mình là nhà lý luận phê bình, mà ghi trong tác phẩm: Tiểu luận; bút ký nhà văn; nhà văn nói về nghề văn; luận bàn văn học… (Cũng người mất người còn) như: Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Tô Hoài, Nam Cao, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Phạm Đình Ân, Nguyễn Văn Thọ, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Trọng Tạo, Lê Huy Mậu, Uông Triều…“ Văn phê bình của họ không lệ thuộc vào sách vở, không mắc bệnh “kinh viện”, mà chủ yếu xuất phát từ kinh nghiệm – kinh nghiệm sáng tác và thưởng thức. Đặc điểm này làm cho văn phê bình của họ nhiều khi phóng túng, thiếu chặt chẽ, nhưng thường tinh tế và hấp dẫn, nhất là với những thứ có tính chất vi mô”. (Hồng Diệu- Tham luận tại Hội nghị lý luận, phê bình toàn quốc lần thứ nhất do Hội Nhà văn tổ chức tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) ngày 14 và 15/8/2003).

Người sáng tác chỉ cần năng khiếu, vốn sống là có thể viết nên tác phẩm. Thậm chí Trần Đăng Khoa mới 8, 9 tuổi, đã sáng tác nên những bài thơ hay làm người lớn phải ngả mũ thán phục. Nhưng nhà lý luận phê bình không thế, phải có học đến nơi đến chốn (học ở sách vở, ở trường đời, ở khả năng tự nghiên cứu…) Nhà văn Ma Văn Kháng đã dành gần hết tuổi đời cho sáng tác, về già đã rút ra kết luận: “Để trở thành nhà phê bình thực thụ là khó vô cùng. Thậm chí còn khó hơn sáng tác. Chứng cớ là cả một thời kỳ văn học rực rỡ 1930- 1945, điểm danh các nhà phê bình tầm cỡ Hoài Thanh khéo chỉ có một mình ông, trong khi đó thì giới sáng tác là cả một khu rừng. Nghề này vừa đòi hỏi năng khiếu bẩm sinh vừa cần sự uyên bác” (Phút giây huyền diệu, SĐD). Bởi vậy ở ta, nhà lý luận phê bình văn học ít hơn người sáng tác là điều đễ hiểu. Ngoài ra cũng còn yếu tố thị trường nữa, cũng theo nhà phê bình Hồng Diệu (tài liệu đã dẫn): “Phê bình là một nghề bạc bẽo. Đã nhiều người nói rồi, nhuận bút thấp, in tác phẩm khó, đầu tư ít, (nếu có dịp được đầu tư), lại luôn luôn đối diện với những va chạm, xung khắc, thù oán… Vậy nếu không thực sự có năng khiếu, nếu không thực sự có niềm say mê khác thường với nghề này thì người ta không thể nào làm phê bình chuyên nghiệp được. Nhìn chung nhiều nhà phê bình chỉ xông xáo làm phê bình vài ba năm rồi… nản chí, chuyển sang dành thời giờ để làm việc khác như nghiên cứu, biên soạn… ít dính dáng đến phê bình”.

Tuy nhiên cũng không thiếu người viết giỏi, có bản lĩnh thì không sợ đụng chạm, dù có đụng đến những tác giả lớn, đã định hình trong nền văn học. Đơn cử như cuốn “Chân dung và đối thoại” của Trần Đăng Khoa. Cuốn sách này đã thẳng thắn chỉ ra những chỗ chưa được của các nhà văn lớn, làm được điều đó yêu cầu nhà lý luận phê bình phải có tài năng vượt trội, chinh phục được trí tuệ và trái tim người đọc. Những nhà lý luận phê bình văn học như thế ở ta ít và hiếm.

– Vũ Thanh Hoa: Từ kinh nghiệm của mình, nhà văn Nguyễn Trường có thể cho biết những yếu tố cần thiết nào để trở thành một nhà phê bình văn học “Có nghề, có con mắt xanh thẩm văn”. Lời khuyên của nhà văn cho những ai muốn đi theo con đường Phê bình văn học đích thực?

-Trả lời: Theo nhà văn Ma Văn Kháng, muốn trở thành nhà lý luận phê bình văn học cần: “Được học hành đào tạo bài bản chính quy đàng hoàng. Xoàng ra tốt nghiệp đại học xong họ còn cả quá trình nghiên cứu học lên. Nhiều người tu nghiệp ở nước ngoài, không hiếm người có văn bằng thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư … Nhà Lý luận phê bình thì thế nào cũng phải lăn lộn trong cánh rừng sách vở từ Aristot, Hesgel cổ điển đến Pospelov, Bakhtin, Jean Paul Sartre, Rolland Barth hiện đại…(Sáng tác và cây roi phê bình- Ma Văn Kháng, báo Nghệ thuật số 9 ngày 8/10/2012). Như thế yêu cầu nhà phê bình phải học hành đến nơi đến chốn, biết nhiều ngoại ngữ để đọc được nguyên bản các tác phẩm ở nước ngoài, những nước có nền văn hóa, khoa học tiên tiến,  nắm được xu thế của thời đại, của dòng chảy văn học thế giới để cập nhật  phê bình văn học trong nước, hướng dư luận và nâng cao khả năng cảm thụ văn học của người đọc, gợi mở cho giới sáng tác… Như vậy yêu cầu người làm lý luận phê bình văn học thật sự uyên bác, lại có phải có năng khiếu trời cho, một sự đam mê khác thường, một sức khỏe đủ tốt để đọc và lao động văn học cật lực… mới có thể trở thành nhà lý luân phê bình văn học đích thực.

– Vũ Thanh Hoa: Vâng, xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Trường.

Vũng Tàu 10-2022
(Bài đăng Văn nghệ Bà Rịa - Vũ Tàu số tháng 12/2022).

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trong màu xanh Vàm Cỏ
Nhà văn Hào Vũ, sinh năm 1950. Quê quán: An Hải, Hải Phòng. Dân tộc: Kinh. Hiện thường trú tại 6/3 Cư xá phường 3, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1984.
Xem thêm
Đỗ Thành Đồng và chuyển động đường thơ
Sau gần 15 năm đắm say đến điên cuồng với thi ca, nhà thơ Đỗ Thành Đồng, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã xuất bản 7 tập thơ.
Xem thêm
Chuyện tình khó quên của Trịnh Công Sơn
Bài viết của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn
Xem thêm
Nhà văn Di Li: Tôi bị hấp dẫn bởi người đàn ông nhân văn, tử tế
Tôi nghĩ rằng, là người văn minh thì phải chấp nhận sống chung với sự khác biệt, tuy nhiên, sự khác biệt đó nếu không tốt, muốn người ta thay đổi thì mình sẽ góp ý. Và cách góp ý của mình cũng khá hài hước nên người nghe không mấy khi khó chịu.
Xem thêm
Người tốt trại Vân Hồ
Nhà văn Trung Trung Đỉnh, Giải A cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn, 1998 – 2000) với tiểu thuyết Lạc rừng. Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
Xem thêm
Nhớ nhà báo Phú Bằng
Đọc bác Phú Bằng từ lâu, khi tôi còn trực tiếp cầm súng ở Trung đoàn 174 Sư đoàn 5 thời chống Mỹ. Lúc ấy bác Phạm Phú Bằng là phóng viên báo QĐND được tăng cường cho báo Quân Giải phóng Miền Nam.
Xem thêm
Nhà văn - dịch giả Trần Như Luận với tác phẩm “Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh - Mỹ kinh điển, lừng danh”
Tháng Sáu 2022, trên Báo Thanh Niên rồi Tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, nhà báo Hà Tùng Sơn và nhà phê bình văn học Vân Phi giới thiệu tác phẩm thứ 7 của nhà văn Trần Như Luận (TNL): tiểu thuyết Gương Mặt Loài Homo Sapiens. Trước đó, anh từng gây tiếng vang nhờ giá trị đáng kể của bộ tiểu thuyết Thầy Gotama và 8000 Đệ Tử dày tới 1.200 trang, trình làng năm 2014. Chúng tôi cũng biết tới cả trăm tác phẩm dịch của anh, cả thơ và truyện, xuất hiện trên các tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Văn nghệ Quân đội, Non Nước, Sông Hương, v.v… Xuân Giáp Thìn 2024, nhà văn ra mắt một “dịch phẩm” hoàn toàn mới: Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh – Mỹ kinh điển, lừng danh. Sách dày 320 trang, bìa bắt mắt. Sách được Liên hiệp các Hội Văn học-nghệ thuật Việt Nam thẩm định chất lượng và hỗ trợ kinh phí; NXB Hội Nhà văn cấp phép. Nhân một cuộc hẹn thú vị tại Quận 7, TP Hồ Chí Minh, trong một quán cà phê tao nhã, không bỏ lỡ cơ hội, tôi đã thực hiện cuộc phỏng vấn này.
Xem thêm
Nhớ anh Mai Quốc Liên
Bài viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Nhà văn Trầm Hương: Sứ mạng nhà văn là đi tìm những ẩn số
Hàng chục năm nay, nhà văn Trầm Hương (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM) vẫn âm thầm theo dấu chân những anh hùng, người lính, mẹ liệt sĩ… để tìm nhân vật cho những trang sách của mình. Chị ghi dấu ấn đậm nét trong dòng văn học cách mạng hiện nay.
Xem thêm
Thương nhớ anh Duy
Tôi viết ra đây mấy lời tâm sự như thắp một nén nhang kính nhớ thương tiễn anh Duy về trời cùng đàn anh Lê Văn Thảo...
Xem thêm
Nhà văn Ann Patchett: Thời gian tuyệt vời nhất là ở trên máy chạy bộ và viết sách
Ann Patchett là nhà văn Mĩ, tác giả của 9 cuốn tiểu thuyết, 4 cuốn sách phi hư cấu và 2 cuốn sách dành cho trẻ em. Trong văn nghiệp, bà từng giành giải Orange cho Bel Canto, cũng như lọt vào danh sách chung khảo giải Pulitzer 2020 với cuốn Ngôi nhà của người Hà Lan. Gần đây bà đã cho ra mắt cuốn tiểu thuyết mới mang tên Tom Lake, và điều đặc biệt là nó được viết trên bàn đặt trên máy chạy bộ và lời khuyên về năng suất từ ​​Elizabeth Gilbert.
Xem thêm
Lê Minh Quốc và cuộc hành trình chữ nghĩa
Bài của nhà thơ Ngô Xuân Hội trên báo Văn nghệ.
Xem thêm
Nhà thơ Nguyễn Thành Phong: Với chữ nghĩa, tôi như người đang yêu
Gọi Nguyễn Thành Phong là nhà thơ, nhà văn, biên kịch hay cái danh mà mang nhiều nghiệp nợ nhất là nhà báo, thì viết gì, dù là kiếm sống, anh cũng phải cố ở mức tốt nhất theo ý mình thì mới cho là được. Với chữ nghĩa, Nguyễn Thành Phong ví anh như người đang yêu, càng bị “ruồng rẫy”, càng thấy không thể bỏ cuộc.
Xem thêm
Vũ Cao - “Núi Đôi mãi mãi vẫn là Núi Đôi”
Nói đến nhà thơ Vũ Cao không thể không nói tới bài thơ Núi Đôi.
Xem thêm