TIN TỨC

Cụ Nguyễn Du viết Truyện Kiều lúc nào và ở đâu?

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
907 lượt xem

Tôi được duyên may làm quen với Truyện Kiều rất sớm như đã trình bày ở bài “Đọc Kiều thương khách viễn phương”.

Qua một số tài liệu văn bản tôi được đọc từ mấy chục năm nay về cuộc đời, về thân thế và sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du và bằng ba ngàn hai trăm năm mươi bốn (3254) câu thơ lục bát đã đeo đuổi, đã ám ảnh trong lòng tôi suốt bao năm tháng và tôi muốn làm một điều gì để biểu tỏ lòng ngưỡng mộ kính yêu đối với tác phẩm, và với người đã tái sinh lại các nhân vật bất tử, điển hình là người con gái, người phụ nữ tài sắc và bất hạnh Thúy Kiều.

Trong các bài khảo luận nghiên cứu của các học giả cận đại và hiện đại đều đặt nghi vấn là Nguyễn Du viết Truyện Kiều trước khi Thế tổ Cao hoàng đế Gia Long thống nhất sơn hà, hay sau khi ra làm quan với Nguyễn Triều, và viết trước khi đi sứ sang Trung Hoa hay sau khi đi sứ về, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra đáp án chính xác và điều nầy vẫn còn tồn nghi trong nền văn học cổ điển thời trung đại.

Có một vấn đề mà kẻ hậu học này cố tìm nhưng không thấy trong các bài viết là không ai đặt câu hỏi Nguyễn Du viết “Đoạn Trường Tân Thanh” ở địa điểm nào, chỉ đặt nặng thời gian mà không nhắc đến không gian, địa điểm tạo cảm hứng sáng tác cho nhà thơ.

Nhà công quán hay công vụ của Kinh thành Huế nơi dành cho chức sắc quan viên từ các nơi về lưu trú trong thời gian đương nhiệm, các tòa nhà ấy nằm rải rác xung quanh đường dẫn vào Đại Nội, nơi bộ máy quân chủ đang ngự trị – Từ vòng ngoài Tử Cấm Thành cho đến các vùng lân cận như Vỹ Dạ, Nguyệt Biều, Kim Long, Xuân Hòa, An Ninh Thượng, An Ninh Hạ, đều có các dinh thự, các tòa nhà xanh mát để phục vụ bá quan văn võ tùy theo phẩm trật (cửu phẩm quan giai), một trong những ngôi nhà ấy là nơi cư ngụ của quan Đông các học sĩ tước Du Đức Hầu và sau này là Hữu Tham Tri bộ lễ, tức nhà thơ Nguyễn Du vào thập niên những năm 1882 của thế kỷ XIX.

Ra làm quan và dưới sự chỉ dụ của Vua Gia Long, Nguyễn Du đã đảm nhận nhiều chức vụ như Tri phủ Thường tín ở tỉnh Hà Đông rồi đến năm 1806 làm Đông Các học sĩ, năm 1809 làm Cai bạ ở tỉnh Quảng Bình, ông là một vị quan mẫn cán thanh liêm. Về Kinh đô Huế, vào năm 1813 ông được tấn phong chức Cần Chánh điện học sĩ và được Vua Gia Long cử làm chánh sứ đưa cống lễ sang triều đại nhà Thanh ở Trung Hoa.

Kẻ hậu học này có suy nghĩ và suy đoán là trong thời gian công cán ở Trung Hoa, ông đã gặp được quyển tiểu thuyết “Kim Vân KIều Truyện” của Thanh Tâm tài nhân, năm 1814 về lại Kinh đô Huế ông đã đọc, đã nghiền ngẫm và trong khung cảnh hữu tình với buổi sáng sương lam, buổi chiều tím sẫm, màn đêm về giữa: “Hương Giang nhất phiến nguyệt, Kim cổ hứa đa sầu” để cảnh mộng mị biến thành tình và tình tạo nên tứ để Nguyễn Du tái sinh lại các nhân vật của “Kim Vân Kiều Truyện” thành “Đoạn Trường Tân Thanh” với ba ngàn hai trăm năm mươi bốn (3254) câu lục bát suốt thời gian rảnh rỗi việc quan nha.

Tôi cũng nghĩ rằng trước năm 1802 ông cụ đã vân du suốt dải sông Lam và chín mươi chín ngọn Hồng lĩnh ở góc trời quê kiểng thì ở tại đất kinh đô văn vật có núi Ngự sông Hương – gót phiêu bồng lãng tữ của người thơ đa cảm đa sầu, đa đoan đa hệ hụy nầy cũng đã lang thang khắp vùng miền “Nghêu ngao vui thú yên hà”, chắc đã từng xuôi về Vỹ Dạ để ngắm vi lô san sát và vườn cau xanh ngát một màu, lên Nguyệt Biều để thấy một bầu trăng mát lạnh, “long lanh đáy nước in trời”, đứng trên cầu Bạch Hổ nhìn cồn bắp Giả Viên để thấy trời mây màu nguyệt bạch đang lững lơ trôi vào cõi vô cùng; tôi cũng nghĩ rằng nhà công vụ ông đang lưu trú thuộc miệt Kim Long. Kim Long với bao phủ đệ huy hoàng, với bao trai thanh gái lịch, với tình với cảnh đẹp mơ màng như sương khói buổi đầu thu, ở đây ông có thể thả chiếc thuyền con trôi nhẹ trên con sông thơm mùi thạch xương bồ huyền hoặc, đến bến đá chùa Thiên Mụ, neo thuyền thả bộ vào chùa bước lên Đại hùng bửu điện, đảnh lễ Tam bảo với tất cả lòng thành rồi men theo hậu liêu ra đồi Hà Khê nhìn lên núi Triệu Linh với ngổn ngang gò đống; nơi yên nghỉ của bao lớp con dân các làng lân cận, từ đồi Hà Khê muốn lên núi Triệu Linh cũng phải băng qua một dòng Tiểu Khê, tất cả các bức tranh sống động ấy đã được đưa vào phần đầu tác phẩm với “…Ngổn ngang gò đống kéo lên”, với “…Nao nao dòng nước uốn quanh”.

Trong không gian trong lành của tháng ba: “Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi…”. Một mùa xuân của năm nào sau 1814, Nguyễn Du đã chấp bút dọc dài cuộc sáng tác cho đến câu cuối cùng của tuyệt phẩm “Đoạn Trường Tân Thanh” trên mảnh đất vừa khắc khe lễ giáo vừa lãng mạn ân tình vào tháng nào, năm nào. Chúng ta khó biết được, nhưng nhà văn Thanh Lãng trong tác phẩm “Bảng lược đồ văn học Việt Nam” trang 679 dòng thứ 6 – cho rằng: “Nguyễn Du viết Kiều vào khoảng vài ba năm trước khi chết, tức vào hồi 49 đến 53 tuổi, nghĩa là khi ông ta đã nhìn và cảm tất cả…”. Có lẽ chúng tôi đồng ý với suy nghĩ của nhà văn Thanh Lãng.

Trải qua những cuộc bể dâu như cụ Phạm Đình Hổ đã đặc tả trong “Tang Thương Ngẫu Lục” Tố Như tiên sinh đã thấy bằng mắt, đã nghe bằng tai, đã thấu cảm mọi sự, mọi việc bằng trái tim đã bị nhiều lần thương tổn, tất cả, tất cả đã được cụ chuyển tải bằng những câu thơ lục bát đầy máu lệ khóc cho người và khóc cho mình, khóc cho một xã hội mà vua chỉ là một bù nhìn chúa thì hoang dâm vô đạo, quan quân thì dựa hơi chủ nhũng nhiễu dân tình, dân chúng đói rách trong khi chủ tớ loạn thần tiệc tùng ngập ngụa thức uống đồ ăn…

Khóc cho thân phận mình – thuở ấu thơ đã thiếu tình thương cha mẹ, lớn lên tới tuổi yêu đương đã bị thất tình rồi thất chí phải sống đời du mục lang thang mất mười năm săn bắn nhì nhằng ở sông Lam núi Lĩnh, bệnh hoạn nghèo khổ; tinh thần suy yếu thể chất gầy gò, đến lúc được Vua Gia Long trọng dụng mời về hợp tác với triều đình, những tưởng vinh thê ấm tử, phu quý phụ vinh, ai ngờ cũng nghèo xác nghèo xơ – nghèo vì tấm lòng thanh sạch thanh liêm, nghèo đến nỗi vợ con thiếu cơm thiếu áo bụng đói thân lạnh ở quê nhà, còn ông thì đau ốm liên miên, cộng thêm đói lạnh, suy nghĩ bao cuộc hí trường mà tóc bạc trước tuổi, ông đã từng than: “Thập khẩu đề cơ Hoành Lĩnh bắc. Nhất thân ngọa bệnh Đế Thành đông”

Vào giai đoạn cuối đời, ông được vinh thăng nhiều chức vụ, nhưng chỉ nhận chức Lễ bộ Hữu tham tri và ở tại Kinh đô cho đến ngày từ trần là ngày 16 tháng 9 năm 1820 tức là ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn niên hiệu Minh Mệnh hưởng dương 56 tuổi.

Ngày từ biệt cõi đời không có vợ con bên cạnh, chỉ có một người em và một người cháu vì họ cũng đang làm quan tại Kinh đô, thi hài được an táng tại đồng Bàu Đá cạnh hồ Bầu Đá thuộc làng An Ninh Thượng, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên (Bây giờ là làng An Ninh Thượng, thuộc phường Hương Long, thành phố Huế).

“…Theo gia phả mộ Nguyễn Du cải táng 2 lần, lần thứ nhất vào tháng 5 năm Kiến Phúc nguyên niên (1884) người con thứ hai của cụ là Nguyễn Ngũ rước di hài từ An Ninh Thượng về yên táng tại chỗ đất cạnh Từ đường, còn chỗ mới là mới dời tới vào năm Bảo Đại nguyên niên (1926)…”*

Thể phách Nguyễn Du đã trả về cho cát bụi nhưng tinh anh cụ vẫn bất tử với thời gian.

N.G.T.C

Trích từ “Đọc Kiều thương khách viễn phương”

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Nguồn: Văn nghệ Công an số thứ Năm, ngày 17/10/2024
Xem thêm
Một cây bút nhạy bén, giàu tình
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
“Nắng dậy thì” Rọi lòng sâu thẳm
Nắng dậy thì là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện nỗi buồn thẳm sâu của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương và đầy niềm trắc ẩn, như nhà thơ tâm sự: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi” (Thay lời mở). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nỗi buồn gắn với một vùng quê cụ thể, với tình thân, bạn bè, người yêu, với dòng sông, bến nước, con đò, chợ quê hay cánh đồng làng. Những kỷ niệm thân thương và đau thương cứ “cằn cựa” trong tâm hồn người thơ để có những vần thơ độc đáo, đồng vọng trong lòng người đọc.
Xem thêm