TIN TỨC

Di cảo thơ Chế Lan Viên: Khi thơ là thuốc, là lời kinh kệ

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2024-04-11 11:21:38
mail facebook google pos stwis
560 lượt xem

Chế Lan Viên là người mà sự nghĩ ngợi vận vào thơ như thể thơ cũng là thuốc, thơ chẩn ra được cái bệnh đau của kiếp người, và “Có vào nỗi đau mới có ích cho người”.

Có những loại hình văn học nghệ thuật phải đến thời điểm nhất định bạn mới thấy chúng cần thiết.

Ở hoàn cảnh sống bình thường, chắc chẳng ai nghĩ đến việc đọc một vài câu thơ giữa lúc uống thuốc hay lúc bắt xe đi làm. Nhưng có thể viên thuốc ấy gợi ra kỷ niệm về những lần ốm đã qua, thơ có thể là một người bạn đến động viên đúng lúc.

Chế Lan Viên là tạng người mà sự nghĩ ngợi cũng vận vào thơ như thể thơ cũng là thuốc, “thơ nói cho ra điều đó” – chẩn ra được cái bệnh đau của kiếp người: “Có vào nỗi đau mới có ích cho người” (Thuốc, 1988).

Tập Chế Lan Viên – Di cảo thơ (*) do vợ của ông, nhà văn Vũ Thị Thường, góp nhặt và tuyển chọn in gộp ba tập Di cảo I, II, III, gồm 508 bài thơ, phần lớn là những bài ngắn. Trước đây chúng đã được in thành các tập riêng, nay cầm trên tay một tập dày dặn, dù đã biết thi nhân vốn là người có sự nghiệp thơ ca đồ sộ, nhưng cảm giác của người đọc vẫn khá choáng ngợp.

Không hẳn vì độ dày (mấy ai dám in dày) mà vì dày đặc những tự sự riêng tư, tràn ngập trăn trở về nhân sinh, về bản thể và về thơ. Chế Lan Viên từng ký tên Chàng Văn, giữ mục nói chuyện nghề nghiệp thơ trên báo Văn Nghệ nhiều năm, in những tiểu luận sắc cạnh cả về vấn đề chính luận lẫn sáng tạo.

Những bài thơ di cảo vẫn nối dài mạch suy tư ấy, nhưng là sự hướng nội, dành cho chính mình.

Chế Lan Viên năm 17 tuổi, khi ra tập Điêu tàn

Thi pháp của cái đau

Đọc di cảo thơ Chế Lan Viên, khác với một giọng sử thi của thời Điêu tàn, Ánh sáng và phù sa hay Đối thoại mới, ở đây ta gặp nhiều cơn đau. Chế Lan Viên từng phải đi chữa bệnh dài ngày ở Trung Quốc, cuối đời ông cũng bị bệnh.

Lý do thể chất tác động mạnh đến cách tư duy, đến những điều viết ra trong thơ, nhưng ta phải nhớ đây là những bài thơ di cảo, chưa công bố lúc ông còn sống.

Cả một đời thơ Chế Lan Viên giấu khá kín những cơn đau sau những lời thơ đầy khẩu khí thời đại mạnh mẽ như thơ quảng trường. Có lúc cơn đau hiện diện theo kiểu gián cách thời ấy, như “mạch máu ta là những mối đau thương” (Đừng quên lãng, tập Điêu tàn, 1937) hoặc trong một ký ức được ông viết thật nhẹ bẫng: “Năm con đau, mế thức một mùa dài” (Tiếng hát con tàu, tập Ánh sáng và phù sa, 1960).

Giáo sư Hà Minh Đức từng cung cấp một thông tin khá quan trọng về bài hát đã từng được đưa vào sách giáo khoa này, Chế Lan Viên đã viết với nhan đề ban đầu là Con tàu Tây Bắc trong hoàn cảnh đau yếu, không đi đâu được, trong khi phong trào đi thực tế rầm rộ. Cơn đau là một lý do để tác giả bứt rứt: “Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi?” và đành an ủi “Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu”.

Cho đến các bài di cảo, các cơn đau hiện diện, thành một vấn đề thường trực. Có hơn 50 bài có từ khóa “đau” trong văn bản thơ, chưa kể những bài ghi ở thời điểm “mùa bệnh” hay “trước khi mổ”.

Chế Lan Viên có những hình ảnh liên tưởng riêng biệt, từ liên tưởng này bắc cầu liên tưởng khác, qua mấy tầng ngữ nghĩa. Từ nỗi đau tự tri của cá nhân với nỗi đau của con trai ngọc để từ vết thương hóa ngọc, ông nghĩ về một phương diện khác của cái đau.

Trai chỉ tạo ra ngọc một lần rồi chết, nhưng con người “sau viên ngọc sau cùng rồi lại làm viên thứ nhất” (Ngọc sau cùng). Với ông, hạnh phúc lại là hệ quả của nỗi đau nhả ngọc.

Ở chỗ tọa độ sóng và vết thương đã hình thành viên ngọc

Và giọt lệ đau đang ngưng trên má

Hay một giọt máu nào đang muốn hóa thành châu…

(Viên ngọc, 1975)

Thơ những năm tháng hóa ngọc trai và tuột khỏi vòng

Nay anh xâu lại thành thơ

Khi xâu thì chảy máu

(Định nghĩa, 1987)

Chế Lan Viên hay có cách dẫn dắt ý tưởng từ những nghịch dị của tạo hóa để đốn ngộ một sự thể khác, đôi khi có chút hài hước như bài Đối thủ của voi (1988) khi chuỗi liên tưởng như bất tận qua cuộc diễu hành các thành ngữ dân gian: ngọc ngà là mối quan hệ bất cân xứng về phẩm tính của ngà voi với ngọc trai, thứ tinh tế hơn mới đáng giá, rồi sự thể lên voi xuống chó, “mười voi thơ chả cho ta bát xáo thơ nào”, rồi “theo nghiệp nào đành vác ngà”, một mặc cảm bất lực thường trực ở những người sáng tạo.

Những bài thơ trở đi trở lại hình tượng ngọc trai như một tạp văn kỳ khu:

Trời đẹp quá! Không là tôn giáo mà anh chắp tay anh lại,

Nhắm mắt anh cho khỏi chói con ngươi vì sắc đẹp của đời.

Mùa thu ơi! Mùa thu khôn thể với

Cả sắc trời như viên ngọc sắp buông rơi.

(Trời đẹp, 1983)

Từ “Ai đâu trở lại mùa thu trước/ Nhặt lấy cho tôi những lá vàng” thuở Điêu tàn chưa đến đôi mươi và “Tôi muốn đến chỗ nước trời lẫn sắc/ Nơi bốn mùa đã hóa thành thu” (Cành phong lan bể) của thập niên 1960, nhà thơ tuổi lục tuần vẫn nguyên vẹn một tâm hồn dễ xúc cảm trước khung cảnh tự nhiên, bên cạnh phần lý tính tràn ngập.

Chế Lan Viên có vẻ như rất dễ liên tưởng, nhưng sự liên tưởng đó liệu có là kết quả của loại thao tác khá “nguy hiểm” của một người tham vọng tìm kiếm thần dược “đau thành ngọc” không? Viết về tuyết, thứ có vẻ nhẹ nhàng mà rồi vẫn có đất cho cơn đau tìm đến, mở ra càng nhẹ thì đóng lại càng đau:

Cái phút đầu tiên tuyết chạm vào đất thế nào?

Như tà áo bay, như hơi thở nhẹ…

Trắng tinh như lòng yêu ngày chưa yêu

Thế nhưng giờ lạnh lẽo như những tình yêu tan rồi, chỉ còn nỗi đau đọng lại

Có tinh thần tham dự vào trong đó, và có tinh thần ư, thì không tan,

Đau mãi đến vô cùng.

(Tuyết (2), 1987)

Những câu thơ về nỗi đau gợi nhớ những bài hát của Trịnh Công Sơn, ngự trị nỗi đau thể xác lẫn tinh thần: “trên hai tay cơn đau dài”, đau dai dẳng trong ký ức: “từ cơn đau ấy lưu thân mỏi mòn”, đau sẵn trong hình dung tương lai: “nhỡ mai trong cơn đau vùi”.

Nhưng không dừng ở gọi tên cơn đau “suốt cơn mê này” như Trịnh, Chế Lan Viên như người thăm khám những cơn đau, khiến người đọc chia sẻ cảm xúc khi họ ở vào độ tuổi từng trải hơn.

Thơ di cảo của ông có sự khác biệt với những bộc phát tráng lệ của tuổi hoa niên “điêu tàn”, sừng sững một di sản sống đã qua và đang chảy.

Lời kinh kệ của một nhà thơ

Nhiều tác giả có di cảo, nhưng tập thơ mang đúng cái tên Di cảo của Chế Lan Viên lại có vị trí đặc biệt hơn cả. Hai tập đầu đã xuất bản từ ba chục năm trước và được giải thưởng Hội Nhà văn năm 1994. Trong đó có những câu, những bài thơ như ông nói, “lộn trái”, đọc một lần như găm mãi vào đầu: “Hay là ta lộn trái/ May có gì mới chăng?” (Lộn trái, 1988).

Tập thơ ra đời là kết quả phi thường của nhà văn Vũ Thị Thường, vợ của nhà thơ Chế Lan Viên, ở độ tuổi 94. Ai đã gặp bà đều ấn tượng về sự minh mẫn và trí nhớ siêu hạng, nhưng hơn thế là một cách làm việc kiên trì để soạn ra được các tập di cảo thơ đồ sộ thế này của chồng mình, từ những trang viết chữ nhiều chỗ rất tháu, với sự giúp sức không nhỏ của con gái là nhà văn Phan Thị Vàng Anh, người là một biên tập viên có nhiều năm kinh nghiệm.

Chế Lan Viên thuộc về một thế hệ văn học mà sự nghiệp gắn với sự phát triển của một xã hội Việt Nam hiện đại hóa về tư duy và ngôn ngữ, nhưng thường bị các dòng chảy thời cuộc cuốn theo những chức năng xã hội.

Chế Lan Viên cùng nhiều bạn thơ đã thành đồng chí trong hệ tư tưởng, thành những phát ngôn viên cho những cuộc chiến đấu, thành người cổ động không biết mệt mỏi cho ước vọng kiến tạo một xã hội tương lai.

Chính những chức năng này nhiều khi tạo nên diện mạo của các tác giả – có lúc ở góc độ khuôn mẫu, kể cả khuôn mẫu về bi kịch, về nỗi đau, mà thực sự như thế chúng ta làm tan loãng họ. Những đau đớn của đời người liệu có phải đau đớn mang tính thế hệ không? Có người mãi mãi đắm chìm trong bể khổ đó, có người đã tìm cách vượt qua.

Khoảng năm 1988: hai vợ chồng một người thân đến thăm nhà thơ Chế Lan Viên (áo đen) và nhà văn Vũ Thị Thường (áo hoa) tại nhà riêng. Lúc này Chế Lan Viên đã phát hiện bị bệnh nặng..

Thơ di cảo Chế Lan Viên viết bằng một giọng thơ hiển ngôn nhưng có nhiều lớp lang thủ pháp như đánh cờ. Ở độ tuổi trẻ hơn, tôi từng đọc những bài thơ đã phổ biến của ông với cảm giác xót xa, giờ đọc lại mới nghĩ đấy thực ra là những bài kinh kệ của thi sĩ trong cuộc đời để đi qua những bến sóng.

Vang lên trong những câu thơ thể tự do là lời tự tình tựa những phương cách vượt qua bể khổ. Khổ vì cao vọng mãi không đạt tới, khổ vì hiểu sai, khổ vì quỹ thời gian sắp cạn, khổ vì ký ức hành hạ…

 

Chế Lan Viên cuối cùng vẫn là người nhẫn nại cẩn những xà cừ, đính những viên ngọc hiếm lên chiếc hộp thơ của mình, kể cả trong “những ngày trống không nhờ nhờ trắng mây”, ông tự khuyên mình rằng luôn có những vẻ đẹp nằm ở thời khắc đã vuột qua:

Một chút nắng như con sóc đầu cây rồi khuất

Một điệu hát mơ hồ nghe thoáng đâu đây

Hãy cầm lên, bắt lấy

Có vàng lẫn trong dòng thác ấy.

(Ngày trống không, 1986)

Những lời tự răn cũng nhất quán với những lời ông gửi lại cho các con: “Tặng cho ba con gái, nhưng riêng tặng Vàng Anh là đứa làm thơ”.

Chế Lan Viên có khắc nghiệt quá với người và với chính mình không? Nhưng những bài thơ lẫn trong sổ tay đầy những lời dằn vặt, đau xót, ân hận đó có đến địa chỉ nào đâu, mà biết đâu đó là những toa thuốc một bác sĩ đang tự kê cho mình.

Trong những bài thơ cuối đời, ông dành đến hai bài thơ lấy tên Từ thế chi ca, như những lời trăn trối làm lành với chính mình:

Những bạn bè yêu anh sẽ gặp anh trong cỏ

Trong hạt sương, trong đá…

Trong những gì không phải anh.

Anh tồn tại mãi

Không bằng tuổi tên, mà như tro bụi,

Như ngọn cỏ tàn đến tiết lại trồi lên

(Từ thế chi ca 2, 1988)

Phải nói rằng đọc cả tập Di cảo thơ này cần nhiều thời gian, mỗi ngày chỉ đọc một đôi bài và ta gấp lại, nghĩ ngợi, để cho những câu chữ vang lên nghĩa kinh kệ của chúng.

Tựa như ta được sống thêm một cuộc sống khác, không chỉ của người làm thơ mà còn của một số phận đã được thơ hóa, một loại thơ dạng nhật ký riêng tư.

Đọc chúng, ta có lẽ sẽ được giàu có hơn một chút về vốn sống, về trải nghiệm, và có thêm rất nhiều phương cách hòa giải với cuộc đời bất trắc này.

NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ/ TTCTO

Bài viết liên quan

Xem thêm
6 gương mặt nữ sĩ trong nền văn học đương đại ở ‘Những người gánh sông trăng’
Nhân đọc tập Thơ – Ký chân dung Những người gánh sông trăng, Nxb Hội Nhà văn, 2024
Xem thêm
Nhật Quỳnh và những cơn mưa mang mặt người …
Bài viết Nhật Quỳnh và những cơn mưa mang mặt người của nhà thơ Xuân Trường qua giọng đọc của Kim Ngọc.
Xem thêm
Thuốc đâu mà chữa con người lẳng lơ
“Chỉ đâu mà buộc ngang trời/ Thuốc đâu mà chữa con người lẳng lơ” (Ca dao)
Xem thêm
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng tìm chi tiết nhỏ cho cuộc đời lớn
Tham luận viết cho Hội thảo Nguyễn Quang Sáng - cuộc đời và sự nghiệp
Xem thêm
“Dòng sông thơ ấu” như là dòng chảy cuộc đời của nhà văn Nguyễn Quang Sáng
Tham luận đọc tại Hội thảo “Nhà văn Nguyễn Quang Sáng – Cuộc đời và sự nghiệp”
Xem thêm
Nhà thơ Thanh Hoàng lặng lẽ chiết gieo thơ vào đất mẹ
Bài viết của nhà văn Kao Sơn về tập thơ Vẽ nhớ của Thanh Hoàng
Xem thêm
Tìm hiểu lý luận phê bình văn học miền nam 1954-1975
Đọc chuyên luận Lý luận - Phê bình văn học miền Nam 1954-1975: Tiếp nhận & Ứng dụng của PGS.TS Trần Hoài Anh
Xem thêm
PGS.TS Ngô Minh Oanh - phu chữ âm thầm
Bài viết của nhà thơ Ngô Đức Hành
Xem thêm
Đinh Nho Tuấn, trao em một mảnh vô thường
Ngô Đức Hành đọc tập thơ “Năm ngón chưa đặt tên”, NXB Hội Nhà văn năm 2024 của nhà thơ Đinh Nho Tuấn
Xem thêm