- Trách nhiệm nhà văn
- Trại sáng tác Trẻ ở Đà Lạt: Tiếp lửa cho nhà văn trẻ trên hành trình sáng tạo
Trại sáng tác Trẻ ở Đà Lạt: Tiếp lửa cho nhà văn trẻ trên hành trình sáng tạo
VÕ THU HƯƠNG
Từ ngày 25 đến 29-3, Hội Nhà văn TPHCM tổ chức trại sáng tác dành cho hội viên trẻ tại Đà Lạt (Lâm Đồng). Các trại viên trẻ đã có những ngày trải nghiệm nhiều ý nghĩa ở thành phố ngàn hoa.
Điểm nhấn của trại sáng tác trẻ lần này là buổi nói chuyện với nhà thơ - dịch giả Mỹ Bruce Weigl về Thơ Việt ở nước Mỹ nói riêng, trên thế giới nói chung và tọa đàm “Người viết trẻ trên hành trình sáng tạo”.
Kết nối văn chương Việt – Mỹ.
Khi người trẻ vướng vào nghiệp văn chương
Đây là một trong những hoạt động nhằm hỗ trợ sáng tác và quảng bá tác phẩm của các hội viên trẻ mà Hội Nhà văn TPHCM trong năm 2022. Hội viên trẻ sẽ có cơ hội tham gia vào những trải nghiệm thực tế ở thành phố sương mù nổi tiếng trong thi ca, nhạc họa, tìm hiểu những vẻ đẹp bản sắc Tây Nguyên ở bảo tàng Lâm Đồng, làng Cù Lần… và trao đổi văn chương từ các nhà văn thế hệ đi trước, trao đổi kinh nghiệm sáng tạo cùng nhau.
Trong buổi tọa đàm chiều 27/3/2022, nhà văn trẻ TP. Hồ Chí Minh đã cùng nhau chân thành chia sẻ xung quanh các vấn đề cốt lõi: Vì sao cầm bút? Con đường mà mỗi người chọn lựa khi viết từng thể loại? Những vấn đề tồn tại trong lĩnh vực sáng tác mà cá nhân đang quan tâm? Sự phát triển của mạng xã hội tác động đến văn chương ra sao?... Nhiều nhà văn nữ đã rơi nước mắt khi kể về chuyện đời truân chuyên của mình bên cạnh “nghiệp” văn chương đeo bám.
Nhà thơ, biên kịch Ngô Hạnh đã nhiều lần dự trại ở Nhà sáng tác Đà Lạt. Chị kể, nơi đây chúng tôi đã hoàn thành nhiều sáng tác, nuôi mới nhiều cảm hứng sáng tạo. Đà Lạt với vẻ đẹp thiên nhiên, tấm lòng con người thân thiện… là nơi tiếp lửa để Hạnh tiếp tục hào hứng sáng tạo sau khi cạn kiệt sức mình với những bận rộn ở TP. Hồ Chí Minh.
Nhà văn trẻ nhất trại viết Trần Đức Tín (tác giả tập thơ Ở đậu trong nhau, đạt giải Nhà văn trẻ TP. Hồ Chí Minh 2021) chia sẻ: Tôi từng in 500 cuốn thơ, chỉ bán được 2 cuốn, còn lại để tặng. Theo tôi, để gắn bó với văn chương vốn dĩ đầy những khó khăn, trở ngại, ngoài việc có duyên còn cần có lửa mới phát huy tốt. Với tôi, tham gia trại viết lần này, được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi mọi người là cơ hội được tiếp lửa trong nghề viết.
Khách mời của Trại sáng tác trẻ - nhà văn Nie Thanh Mai, chủ tịch Hội VHNT Đăk Lăk kể về hành trình sáng tạo của mình - đó là một chặng đường dài để khẳng định mình. “Trên con đường văn chương, tôi được nhiều người hỗ trợ, bản thân tôi cũng phải luôn nỗ lực hết mình. (Nếu bạn không nỗ lực thì mọi sự giúp đỡ trở nên vô nghĩa). Nhưng việc giữ tình yêu văn chương trong tim mình mới giúp bạn có thể bước dài trên con đường sáng tạo”.
Trưởng trại viết trẻ TP. Hồ Chí Minh, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn (Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh) cho biết, lần đầu Hội Nhà văn tổ chức một trại viết chỉ trại viên trẻ 8X. Trại sáng tác lần này được kỳ vọng tạo tiền đề để ghi nhận sự trưởng thành của thế hệ nhà văn sinh ra và lớn lên sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hiện đang sống và viết tại TPHCM.
Nhiều văn nghệ sĩ của tỉnh Lâm Đồng đã đến tham gia buổi giao lưu này: NSNA Hà Hữu Nết, Họa sĩ, nhà thơ Vi Quốc Hiệp, nhà thơ Lê Trọng (trưởng CLB sáng tác trẻ), Vũ Văn Quốc Bình (giám đốc nhà sáng tác Đà Lạt)… NSNA Hà Hữu Nết (Chủ tịch Hội VHNT Lâm Đồng) chia sẻ, Hội VHNT Lâm Đồng cũng rất cần thiết phát triển đổi ngũ nghệ sĩ trẻ vì tuổi trung bình của hội viên hiện đang hơn 50 tuổi. Để giúp nhà văn trẻ TP.HCM có nhiều chất liệu sáng tác về Đà Lạt, ông Hà Hữu Nết sẽ dẫn đoàn đi tham quan, giao lưu tại làng Cù Lần, bãi Tiên Sa…
NSNA Hà Hữu Nết, Chủ tịch Hội VHNT Lâm Đồng tham dự tọa đàm cùng các nhà văn trẻ TPHCM.
Giao lưu với dịch giả, nhà thơ Mỹ
Sáng 26/3/2022, Nhà văn trẻ đã có buổi giao lưu cùng nhà thơ, dịch giả Bruce Weigl trao đổi về nghề (nhà thơ Trần Lê Khánh làm phiên dịch). Đây là buổi đầu tiên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh tổ chức giao lưu giữa hội viên trẻ với chuyên gia nước ngoài, cũng là lần đầu tiên Hội tổ chức Trại sáng tác dành cho những người trẻ - lứa nhà văn tuổi 8X. Dịch giả, nhà thơ Bruce Weigl đánh giá cao sự đóng góp của những nhà văn, nhà thơ trẻ; theo ông có những đóng góp rất quan trọng vì họ đưa tới những kinh nghiệm mới, ca từ mới.
Tại buổi giao lưu, các trại viên được gợi mở cách để đưa tác phẩm văn học ra thế giới, hiểu hơn về việc sáng tạo tác phẩm văn học từ những nhà thơ đi trước. Dịch giả, nhà thơ Bruce Weigl từng là một cựu binh tham gia chiến tranh ở Việt Nam vào năm 1967. Hiện ông được coi là “sứ giả hòa bình” bằng văn chương, thi ca. Hai mươi năm qua ông dịch thơ Việt Nam ra tiếng Anh để người Mỹ và nhiều nước trên thế giới có thể hiểu hơn về quê hương, đất nước, con người Việt Nam. Bản thân ông từng là giáo sư dạy đại học ở Mỹ, tác giả của tập thơ “Sau mưa thôi nã đạn” (Nguyễn Phan Quế Mai dịch ra tiếng Việt) và là tác giả tập hồi kí Vòng tròn của Hạnh - viết về con gái nuôi người Việt của mình.
Đối với dịch giả, nhà thơ Bruce Weigl, thơ đã cứu rỗi ông. Trở về sau thời gian tham chiến ở Việt Nam, ông có vết thương lớn ở đầu và một trái tim u ám. Viết thơ về chiến tranh, về Việt Nam giúp ông trải lòng mình, giải tỏa cảm xúc tiêu cực trong mình. Đã từng có những buổi nói chuyện của dịch giả, nhà thơ Bruce Weigl về thơ Việt Nam ở Mỹ lên tới 500 người ngồi nghe. Hầu hết trong số họ không biết về thơ VN. Kết quả sau buổi trò chuyện, nhiều người phản hồi thơ VN rất hay, làm sao tìm đọc thơ VN? Tác giả Bruce Weigl làm việc vất vả hàng chục năm, miệt mài với công việc dịch thơ Việt ra nước ngoài, ngoài việc làm cầu nối mang vẻ đẹp thi ca, văn hóa Việt ra thế giới, ông còn thôi thúc từ chính mình: Phải làm gì đó để trả nợ VN.
Nhiều lần, dịch giả, nhà thơ Bruce Weigl chia sẻ với những nhà thơ nhà văn trẻ: Thơ ca là Nghệ thuật của cảm xúc có kỷ luật. Khi tôi là cây viết trẻ tôi nghĩ không có gì để viết. Thầy giáo tôi nói, thế giới mỗi người đầy những điều thú vị và khác biệt. Thế giới xung quanh mình và trong chính mình tưởng là bình thường nhưng thực chất rất nhiều điều thú vị. Hãy tin vào bản năng của mình, lắng nghe chính mình, chúng ta sẽ có những cảm xúc để viết.
* * *
Ngay trong buổi bế mạc trại sáng tác, chủ tịch Hội VHNT Lâm Đồng Hà Huy Nết (Tổng biên tập tạp chí Lang Biang) đã đồng ý sử dụng những tác phẩm thơ của trại viên. Nhà văn Bùi Anh Tấn, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, Tổng biên tập Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh đã mời những trại viên tham gia cuộc thi truyện ngắn hay, gửi bài cộng tác với tuần báo.
Trở về sau trại viết, các trại viên trẻ hẹn nhau sẽ tiếp tục sẻ chia những câu chuyện văn chương và cuộc sống, để hành trình sáng tạo của mình thêm nhiều ấm áp khi có những người đồng cảm không chỉ trong mà còn phía ngoài trang sách.
Chủ tịch Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, nhà văn Bích Ngân đánh giá cao sức trẻ trên hành trình sáng tạo của những nhà văn trẻ TP. Hồ Chí Minh. Chị đã chia sẻ kinh nghiệm cá nhân thời trẻ của mình với các nhà văn trẻ: Phải đặc biệt tỉnh táo trước lời khen, sự ảo tưởng dễ giết tài năng của người trẻ; cần “lấy ngắn nuôi dài” để tiếp tục bước đi trên hành trình sáng tạo nhiều chông gai (nhiều nhà văn vẫn duy trì nghiệp viết của mình bên cạnh nghề báo, nghề giáo viên…); nhắc nhở những người viết trẻ không dễ dãi, nhầm lẫn giữa những thứ na ná văn chương với văn chương và những trang viết nên đi sâu vào số phận con người.