TIN TỨC

Đoàn Minh Hải, ngã tư nào cũng có đời tôi

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-07-02 18:22:10
mail facebook google pos stwis
494 lượt xem

HUỲNH VĂN HOA

Đoàn Minh Hải bút hiệu và cũng là tên thật, sinh ngày 06-01-1941 tại Hải Phòng. Mẹ bồng vào Sài Gòn tìm cha, cha vào nam từ 1945. Sau đó, theo cha mẹ sống nhiều nơi như Biên Hòa, Phú Nhuận, Tân Định, rồi Huế, Nha Trang, Dục Mỹ, Ninh Hòa. Từ năm 1956, vừa đi học vừa đi làm ở Đà Nẵng. Bắt đầu làm thơ từ năm 1958, đăng trên các tuần báo, tạp chí, nguyệt san: Phổ thông bán nguyệt san, Kỷ nguyên mới, Gió Ngàn Phương, Gió mới, Giữ thơm quê mẹ, Đối thoại, Trước Mặt, Tham Dự, Khởi hành. Cộng tác với các báo Sau lưng các người, Đại Dân tộc, Điện Tín. Chủ trương Nguyệt san Cùng khổ tại Sài Gòn.

Tác phẩm đã in: Lửa cô hồn (1973), Lửa đốt hồn soi (1974), Trăng sang mùa (in chung), Trái tim phiêu bạt (2001), Đêm tìm tâm tim (2004), Ngước mặt nhìn trời (2006), Mặt trời, tim và mây bay (2008), Đại nguyện của Đá (2015), …

     (Xem Ngô Nguyên Nghiễm, Tác giả-Tác phẩm-Người đồng hành quanh tôi, tập I, NXB Thanh Niên, 2010, trang 178, 179).

Hiện sống tại phường 11, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong tác phẩm Đại nguyện của Đá, NXB Thanh Niên, 2015, nơi Lời nói đầu, nhà thơ Đoàn Minh Hải, đã viết về đời và thơ của mình:

"Với miếng giẻ rách trên vai là tôi, Mẹ tôi đã đi ngược lên Uông  Bí, Cẩm Phả, Hòn Gai rồi mới về lại Hải Phòng để xuống Hà Nội trên chuyến tàu tàu Bắc Nam, đó là năm 1945…

Có phải chăng đời của mỗi con người sẽ là ảnh hưởng một chút với lịch sử hay thuộc về lịch sử như một chút xót xa của một cuộc tình. Từ năm 1960, thơ cứ xem tôi như một bà đồng, cứ nhập vào không cần nhang khói. Năm 1959, ba tôi đã nói như lời cảnh báo: "… làm thơ thì nghèo lắm …" và tôi có đọc thơ của ông Nguyễn Bính cũng có câu: … nghèo lắm con ơi, nhục lắm con … " tôi vẫn cứ mê. Tôi đã xem thơ như người bạn đồng hành - thế là tôi vẫn sống với thơ. Thơ vô lượng từ bi. Thơ không tị hiềm thù ghét. Thơ độ lượng… Tôi làm thơ không phải mong mọi người biết đến mà tôi làm thơ để biết rằng tôi đang tồn tại" (Sdd, trang 7).

Như thế đã rõ, quan niệm về thơ ca của Đoàn Minh Hải là để chứng minh cho sự tồn tại của mình với cuộc đời. Và, phải vậy chăng khi đọc những bài thơ, những tập thơ của Đoàn Minh Hải, ta nhận ra sự tồn tại một con-người-thơ-giữa-trần-gian, như mấy câu thơ sau:

Với sự bình yên trong tim anh cầu nguyện

Cho hoa trang trắng nở an lành

Và cành lá xanh tươi

Đừng suốt đời làm cây tầm gửi

Sống nhờ mưa nắng chung thân

...

với sự bình yên trong tim anh nguyện cầu

đừng bao giờ làm cây tầm gửi

và xin em hãy an tâm…

Được như một loài hoa, bài thơ viết 1965, có 4 lần nhà thơ mong ước: Với sự bình yên trong tim anh cầu nguyện / Với sự bình yên trong tim anh nuôi hoài một hình ảnh / Với sự bình yên trong tim anh cầu nguyện / Với sự bình yên trong tim anh nguyện cầu.

Thấy gì từ điệp khúc đó, một điệp khúc chân thành, đi ra từ trái tim chan chứa yêu thương. Những hình ảnh: hoa trang trắng nở an lành, và cành lá xanh tươi / hoa rau muống - hoa khoai lang và hoa cà / một màu tím nhạt thương thương / như màu áo em ngày trước / tiếng hát đừng buồn trong đôi mắt / đừng bao giờ làm cây tầm gửi.

Những mong ước: Đừng suốt đời làm cây tầm gửi / Sống nhờ mưa nắng chung thân / đừng bao giờ làm cây tầm gửi / xin em hãy an tâm… Đừng làm cây tầm gửi, hai lần lặp lại, nhấn mạnh ý thức độc lập, tự thân vận động, không nương nhờ vào ai, vươn lên trong mọi hoàn cảnh.

Hình tượng Hoa trang trắng trong bài thơ lúc thì nở an lành và cành lá xanh tươi, lúc thì, hoa trang trắng nở trọn bốn mùa và cành lá vẫn xanh tươi, lại có lúc:

em vẫn ngồi nghe gió thêu thùa

 như từ tổ chim non

 em đan từng cộng rơm khô

trên cành hoa trang trắng

Sự bình yên và hoa trang trắng giao hòa nhau, đưa lại ý nghĩ, đó là, biểu tượng của tinh khôi, tươi tắn và trong ngần.

Trước đó, năm 1964, Đoàn Minh Hải có bài thơ Về ngủ trên mây, xem như mở đường cho lối viết lặp cú pháp. Câu thơ Trong vùng thung lũng trên mây nào nhắc lại đến 4 lần. Mục đích nhấn mạnh đến “vùng thung lũng trên mây” nhằm giải thích cho một không gian rộng hơn của mây trời và trên cao xanh kia, thành vùng trú ẩn của loài hoa trắng, nơi có cơn gió mùa còn mang lời truy điệu, nơi mây trôi, chim bay, nơi bốn mùa sẽ trổ mãi hoa thơm cơn gió mùa còn mang lời truy điệu.

Bài thơ có mộ bia, có ngày xa vắng, có lời truy điệu, có xa phu thổ mộ, có em yêu xin ở lại dưới trời. Vậy mà, âm hưởng bài thơ không lạnh lẽo, không cô đơn vẫn có hoa thơm, có đợi ngày về hát tặng riêng tôi và lời cầu xin ở lại dưới trời!

Trên Giữ thơm quê mẹ, số 9, tháng 3 năm 1966, Đoàn Minh Hải viết về dòng sông xứ Quảng, bài Con sông Thu Bồn, thể lục bát, 16 câu, như sau:

          Rồi em dõi mắt nhìn theo

          Hỏa châu cháy sáng chân đèo hôm qua

          Nát luống khoai, nát dậu cà

          Thôi dòng sông đó cũng nhòa máu tươi

 

          Thương con nên mẹ sống đời

          Trong đôi mắt đẹp rạng ngời về sau

          Đêm nghe súng vọng rừng sâu

          Như đôi con nhạn bỗng sầu buông tơ

 

          Rồi em dõi mắt trông chờ

          Tóc đêm đen với trăng mờ ngoài hiên

          Lời ru con vẳng ưu phiền

          Cũng xin gió thoảng ra miền biên cương

 

          Thương con lời mẹ thơm nồng

          Máu đêm qua chảy đỏ sông sau nhà

          Con kinh, con rạch ngoài xa

          Chiều nay còn thấy người ta chôn người.

Dòng sông Thu thời chiến chinh, vẻ đẹp của những biền dâu xanh ngát, của những làng xóm ven sông, của bình yên của con kinh, con rạch đã nhòa đi trước các hình ảnh: Nát luống khoai, nát dậu cà / Thôi dòng sông đó cũng nhòa máu tươi, rồi hỏa châu, súng vọng rừng sâu, máu đêm qua chảy đỏ sông sau nhà, ...Hình ảnh “em” và “mẹ” cùng “Thôi dòng sông đó cũng nhòa máu tươi đưa lại nỗi buồn về dòng sông, về quê hương.

Thơ Đoàn Minh Hải có nhiều thao thức. Có lần nhà thơ dẫn lời nhà văn Nga: Ở đây Quỷ và Chúa giao tranh với nhau mà chiến trường là trái tim con người (Fyodor Mikhaylovich Dostoyevsky, nhà văn Nga, 1821-1881). Trái tim Đoàn Minh Hải nhiều lần rung lên, xao xuyến. Rung lên và xao xuyến về thân phận con người, cô đơn giữa cõi đời này. Trong bài thơ Đời tôi đứng ngó, nhà thơ ví đời mình như các ngã tư: Ở ngã tư nào cũng có đời tôi.  

Hình ảnh Ở ngã tư nào cũng có đời tôi lặp lại 9 lần như thế. Trong giao thông, ngã tư là nơi giao nhau giữa các con đường, là nơi các phương tiện đi lại, nhộn nhịp, ồn ào, chen lấn, không ai để ý đến ai, cốt sao sớm qua nhanh, qua mau, ra khỏi chốn đó. Bài thơ viết năm 1971, năm tác giả không còn trẻ nữa, đã thấm bao nghĩa đời, cả mặn chát và hạnh phúc, cả đớn đau và hy vọng. Ở những ngã tư đó, “có đời tôi” (lặp 9 lần), “có hồn tôi”, có “tuổi thơ tôi”, “có mặt tôi”, có con đường, những ngọn cây cao, những cành lá thấp, những buổi chiều đỏ máu, có cửa sổ nhà ai chiều nay tăm tối, ngọn đèn vàng, đèn xanh, đèn đỏ, có những bước chân buồn trong đêm giới nghiêm, có một đời vẫy gọi anh em, những con đường như hành lang bệnh viện / có người đẩy xe tay / có kẻ đi chân gỗ / và tim tôi bị thương rồi, ...

Những khúc thức trong bài thơ, ôi sao, nhìn về cuộc đời, như con thuyền lên ngược về xuôi / chẳng gặp ai là người thân thuộc / nghe mơ hồ hạnh phúc / sao tay tôi ôm lấy khoảng không hờ…/  bỗng thấy tàn phai /

Những dòng thơ chua chát, quặn thắt, nhấn mạnh “đời tôi” chỉ chiêm bao, cay đắng, lang  thang cầu nguyện, như một gã mù lòa, như một con chó ốm, may sao vẫn còn giữ được nụ cười:

Ở ngã tư nào cũng có đời tôi

đời tôi chiêm bao - đời tôi lý tưởng

đời tôi trải rộng - đời tôi bốn bề

 

những ước mơ nào cho tôi cay đắng

những cầu nguyện nào cho tôi lang thang

có ai thấy không

trong mưa bay tôi một gã mù lòa

đang bước theo một con chó ốm

tôi vẫn còn giữ được nụ cười vui ...

Bài thơ kết thúc bằng một câu thơ trầm buồn: bên hiên đời tôi vẫn chết âm thầm. Có thể xem Đời tôi đứng ngó là một trong những bài thơ hay, tiêu biểu của Đoàn Minh Hải.

Cảm động nhất là những dòng thơ viết về mẹ. Trong văn học Việt Nam, nhiều bài thơ hay viết về mẹ. Nước phèn của Đoàn Minh Hải là một bài thơ như thế. "Nước phèn" là hình ảnh trung tâm, có tính biểu tượng, chi phối tâm trạng và cảm xúc bài thơ. Câu thơ cuối: Vì lòng mẹ buồn và chua chát hơn phèn thể hiện chủ đề tư tưởng bài thơ. Cuộc đời của mẹ nhiều nỗi khổ, truân chuyên, buồn và "chua chát hơn phèn". Một so sánh không kém phần đau xót !

Về mặt hóa học,nước phèn là nguồn nước bị nhiễm hoặc chứa nhiều tạp chất mang tính kiềm độc hại. Nước bị nhiễm phèn có màu vàng đục, mùi hôi, vị hơi chua. Nguồn nước bị nhiễm phèn ảnh hưởng đến các bệnh về tiêu hóa, ung thư.

Vì sao có sự so sánh như vậy, phải chăng, như các dòng thơ:

Không có nước mắt nào làm cho mẹ còn hồng đôi má

Không có nước mắt nào làm cho tóc mẹ còn đen

Nhưng mẹ cứ khóc đi cho bàn tay thêm khô héo

Vì lòng mẹ buồn và chua chát hơn phèn

Hôm nay và ngày xưa, khác lắm: Ngày xưa mẹ buồn thì có những ngón tay hồng ve vuốt / Có những đôi mắt đen huyền dịu mỉm cười / Những đôi mắt đen rạng ngời hơn ngọc / Của một đàn con - con gái, con trai.

Ngày trước, một khung cảnh bình yên, quen thuộc, ấm êm, nơi ấy, có liếp cải ra hoa, có những buổi chiều trôi qua bếp hồng lửa ấm, tiếng mẹ vui cười nở hoa lòng cha, đàn con bãi học ra về, không có giọt nước mắt nào làm cho mẹ buồn lo:

Mẹ nghĩ rằng thời trẻ thơ mẹ ở đó

Liếp cải ra hoa mẹ vui mẹ cười

Những buổi chiều trôi qua bếp hồng lửa ấm

Tiếng mẹ vui cười nở hoa lòng cha

 

Ngày xưa mẹ thường mỉm cười sung sướng

Khi nhìn đàn con bãi học ra về

Chúng nó thương nhau gọi bằng anh bằng chị

Không có giọt nước mắt nào làm cho mẹ buồn lo

Hôm nay, từ cuộc chiến này, mẹ cứ khóc càng thêm mờ đôi mắt / vì lòng mẹ buồn và chua chát hơn phèn. Thế sự chua hơn phèn, đó là nỗi buồn từ lòng mẹ. Những câu thơ khởi nguồn từ người mẹ trong gia đình, dần dần trở thành hình ảnh mẹ Việt Nam đau đớn.

Sau này, trong Đại nguyện của Đá, nhà thơ có bài Mẹ, năm 80 tuổi, viết vào tháng 7 năm 1999, 40 câu, so sánh mẹ như cây sầu đông, như dòng sông đêm, như cổng chùa, như mái chùa, như cái cò, cái vạc, như trái tim của từng đứa con, như Di Lặc, như cội Bồ Đề, ...thương con trăm miền, nuôi con thành cổ thụ!

Tiếc là, không thể buộc thời gian dừng lại, thời gian vẫn đi về phía trước, kéo theo bao đổi thay, bao lo lắng, bao nỗi buồn, với mẹ: thời gian là chiếc lá / xanh - vàng rồi rụng rơi! / thời gian là tóc mẹ / trắng xóa một khung trời. Những câu thơ nao buồn của người con thương mẹ, một đời vất vả, lo toan, bàn chân vùi đất, một nắng hai sương. Rồi, mẹ cũng rời cõi tạm, về với ông bà tiên tổ. Đoàn Minh Hải là nhà thơ hiện đại, thương mẹ, nghĩ về mẹ sâu đậm, nghĩa tình.

Không chỉ viết về mẹ, Đoàn Minh Hải có những vần thơ cảm động về người con, đó là Nhắn với con trong tương lai. Có thể nói, bài thơ là một thông điệp tình yêu của người cha, với tấm lòng nhân hậu, với khát vọng về chân - thiện, gửi cho đứa con yêu quý của mình. Hãy nghe lời tâm sự chân thành của nhà thơ:                                   

Khi tôi bỏ một đồng xuống tay người ăn mày

Thì tôi nghĩ đến con tôi sau này

Cứ thế, bằng phương thức lặp ngữ pháp, với kiểu câu: Khi tôi ... Khi tôi ... Khi tôi ..., nhà thơ với hành trình bằng đôi chân của mình, ... đi sâu hoài trong một con đường cuối phố / để đo được lòng người rộng hẹp trắng đen / cho cuộc sống con tôi không còn giả dối...

Nhà thơ đi tiếp, không gian rộng hơn, nỗi niềm hơn, đắng cay hơn:

Khi tôi đi ngang qua cánh đồng cát trắng

những giọt mồ hôi bịn rịn

vô tình như những hạt lúa lép

vô tình như những mộ huyệt đào sẵn đợi chờ

tôi nghĩ đến thân mẹ hồn cha

tôi nghĩ đến ông bà

tôi nghĩ đến những thằng bạn đã chết - còn sống

và tôi cầu mong con tôi sớm hiểu cuộc đời

đứa con trong tương lai

Vẫn chưa hết, Khi tôi thức trắng một đêm, nhìn về: cuộc chiến trong thành phố / cuộc chiến trong rừng sâu / cuộc chiến trong đồng ruộng / máu sẽ chảy từng nhà / máu sẽ thấm từng gốc cây / máu sẽ nuôi sống những ngọn cỏ hoang / để con tôi được sinh ra giữa ban ngày... những dòng thơ với xiết bao niềm xót xa, dằn vặt, bất lực. Song, cay đắng nhất, ngậm ngùi nhất, bi thương nhất vẫn là những dòng thơ:

Khi tôi bắt đầu đi ngủ

tôi sẽ nói một mình cho người vợ tương lai

em hãy sinh cho anh một đứa con

một đứa con không phải giống người

 

Khi tôi đã có vợ

tôi sẽ cười trong buổi sáng đầu tiên

bên khung cửa sổ

và từ đó tôi câm

 

Khi tôi bỏ một đồng xuống tay người ăn mày

thì tôi nghĩ đến con tôi sau này

nó sẽ không phải làm người…

 

Không phải giống người / Không phải làm người. Một suy nghĩ, một chờ đợi đầy tính bi kịch, phản ánh nỗi buồn về cuộc chiến đang diễn ra trên quê hương mẹ, về thân phận làm người.

Trước 1975, Đoàn Minh Hải có nhiều câu thơ u uẩn, song, cũng từ đó, ta nhận ra một trái tim yêu thương, rướm máu, gửi khát vọng cho một ngày mai, thanh bình và hạnh phúc. Vẫn là một tiếng nói nhân hậu !

Đoàn Minh Hải có ý thức về cách tân ngôn ngữ thơ, về đổi mới phương thức chiếm lĩnh hiện thực của thơ. Nhà thơ ủng hộ Thơ Tân Hình Thức, bằng chứng là Đại Nguyện Của Đá, NXB Thanh Niên, 2015.

Thơ Đoàn Minh Hải mang đậm chất suy tưởng, dằng xé nội tâm, thơ đó, không vô tình như những hạt lúa lép / như những mộ huyệt đào sẵn đợi chờ (Nhắn với con trong tương lai), mà là một nhận lãnh về trách nhiệm của thơ ca và người làm thơ với cuộc đời, với con người.

Miếng giẻ rách trên vai của mẹ, cho đến những năm tháng cuối đời, trong lạnh lẽo của kiếp nhân sinh, vẫn thao thức làm thơ để khẳng định sự tồn tại của mình, của thơ.

(Chân dung Đoàn Minh Hải qua nét bút của Lưu Nhữ Thụy).

 Đà Nẵng, 10-2017, 5-2023

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trong màu xanh Vàm Cỏ
Nhà văn Hào Vũ, sinh năm 1950. Quê quán: An Hải, Hải Phòng. Dân tộc: Kinh. Hiện thường trú tại 6/3 Cư xá phường 3, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1984.
Xem thêm
Đỗ Thành Đồng và chuyển động đường thơ
Sau gần 15 năm đắm say đến điên cuồng với thi ca, nhà thơ Đỗ Thành Đồng, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã xuất bản 7 tập thơ.
Xem thêm
Chuyện tình khó quên của Trịnh Công Sơn
Bài viết của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn
Xem thêm
Nhà văn Di Li: Tôi bị hấp dẫn bởi người đàn ông nhân văn, tử tế
Tôi nghĩ rằng, là người văn minh thì phải chấp nhận sống chung với sự khác biệt, tuy nhiên, sự khác biệt đó nếu không tốt, muốn người ta thay đổi thì mình sẽ góp ý. Và cách góp ý của mình cũng khá hài hước nên người nghe không mấy khi khó chịu.
Xem thêm
Người tốt trại Vân Hồ
Nhà văn Trung Trung Đỉnh, Giải A cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn, 1998 – 2000) với tiểu thuyết Lạc rừng. Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
Xem thêm
Nhớ nhà báo Phú Bằng
Đọc bác Phú Bằng từ lâu, khi tôi còn trực tiếp cầm súng ở Trung đoàn 174 Sư đoàn 5 thời chống Mỹ. Lúc ấy bác Phạm Phú Bằng là phóng viên báo QĐND được tăng cường cho báo Quân Giải phóng Miền Nam.
Xem thêm
Nhà văn - dịch giả Trần Như Luận với tác phẩm “Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh - Mỹ kinh điển, lừng danh”
Tháng Sáu 2022, trên Báo Thanh Niên rồi Tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, nhà báo Hà Tùng Sơn và nhà phê bình văn học Vân Phi giới thiệu tác phẩm thứ 7 của nhà văn Trần Như Luận (TNL): tiểu thuyết Gương Mặt Loài Homo Sapiens. Trước đó, anh từng gây tiếng vang nhờ giá trị đáng kể của bộ tiểu thuyết Thầy Gotama và 8000 Đệ Tử dày tới 1.200 trang, trình làng năm 2014. Chúng tôi cũng biết tới cả trăm tác phẩm dịch của anh, cả thơ và truyện, xuất hiện trên các tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Văn nghệ Quân đội, Non Nước, Sông Hương, v.v… Xuân Giáp Thìn 2024, nhà văn ra mắt một “dịch phẩm” hoàn toàn mới: Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh – Mỹ kinh điển, lừng danh. Sách dày 320 trang, bìa bắt mắt. Sách được Liên hiệp các Hội Văn học-nghệ thuật Việt Nam thẩm định chất lượng và hỗ trợ kinh phí; NXB Hội Nhà văn cấp phép. Nhân một cuộc hẹn thú vị tại Quận 7, TP Hồ Chí Minh, trong một quán cà phê tao nhã, không bỏ lỡ cơ hội, tôi đã thực hiện cuộc phỏng vấn này.
Xem thêm
Nhớ anh Mai Quốc Liên
Bài viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Nhà văn Trầm Hương: Sứ mạng nhà văn là đi tìm những ẩn số
Hàng chục năm nay, nhà văn Trầm Hương (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM) vẫn âm thầm theo dấu chân những anh hùng, người lính, mẹ liệt sĩ… để tìm nhân vật cho những trang sách của mình. Chị ghi dấu ấn đậm nét trong dòng văn học cách mạng hiện nay.
Xem thêm
Thương nhớ anh Duy
Tôi viết ra đây mấy lời tâm sự như thắp một nén nhang kính nhớ thương tiễn anh Duy về trời cùng đàn anh Lê Văn Thảo...
Xem thêm
Nhà văn Ann Patchett: Thời gian tuyệt vời nhất là ở trên máy chạy bộ và viết sách
Ann Patchett là nhà văn Mĩ, tác giả của 9 cuốn tiểu thuyết, 4 cuốn sách phi hư cấu và 2 cuốn sách dành cho trẻ em. Trong văn nghiệp, bà từng giành giải Orange cho Bel Canto, cũng như lọt vào danh sách chung khảo giải Pulitzer 2020 với cuốn Ngôi nhà của người Hà Lan. Gần đây bà đã cho ra mắt cuốn tiểu thuyết mới mang tên Tom Lake, và điều đặc biệt là nó được viết trên bàn đặt trên máy chạy bộ và lời khuyên về năng suất từ ​​Elizabeth Gilbert.
Xem thêm
Lê Minh Quốc và cuộc hành trình chữ nghĩa
Bài của nhà thơ Ngô Xuân Hội trên báo Văn nghệ.
Xem thêm
Nhà thơ Nguyễn Thành Phong: Với chữ nghĩa, tôi như người đang yêu
Gọi Nguyễn Thành Phong là nhà thơ, nhà văn, biên kịch hay cái danh mà mang nhiều nghiệp nợ nhất là nhà báo, thì viết gì, dù là kiếm sống, anh cũng phải cố ở mức tốt nhất theo ý mình thì mới cho là được. Với chữ nghĩa, Nguyễn Thành Phong ví anh như người đang yêu, càng bị “ruồng rẫy”, càng thấy không thể bỏ cuộc.
Xem thêm
Vũ Cao - “Núi Đôi mãi mãi vẫn là Núi Đôi”
Nói đến nhà thơ Vũ Cao không thể không nói tới bài thơ Núi Đôi.
Xem thêm