- Bút ký - Tạp văn
- ... Nơi nhiều lần đến vẫn không đủ
... Nơi nhiều lần đến vẫn không đủ
LỆ HỒNG
Miền Trung được ví như chiếc đòn tre cứng cáp gánh hai đầu Nam - Bắc. Dưới là thềm lục địa, trên là rừng núi dọc dài. Đẹp và cũng đầy thương tích từ sự giận dữ của thiên nhiên. Miền đất này được cả nước gọi một cách trìu mến là “Khúc ruột miền Trung”.
Để ngắm trọn vẹn dãi đất này, nhiều lần đến vẫn không đủ. Sẽ là, một không gian kỳ ảo bềnh bồng mây trôi trên đỉnh Bà Nà. Ngồi trong khoang cáp treo lên tầng không cao vút ta ngỡ mình lạc vào xứ sở thần tiên lạ lẫm. Đi qua cầu Vàng được đỡ bằng hai bàn tay khổng lồ cho ta tưởng tượng về một thế giới song hành nào đó, mặc nhiên chốn đây là một phong cách hiện đại.
Sẽ là, chiều hạ vàng đạp xe qua một nhánh sông Thu Bồn thơ mộng đưa ta vào bức tranh thủy mặc. Thoáng du dương khúc tiêu vọng lại, câu ngâm lúc trầm lúc bổng, bất giác lòng thư thái. Không phải lão ngư, chẳng phải thiền sư. Buông cần trúc chỉ giản đơn như thể. Dạo sông hồ, đo bể rộng nông sâu. Trăng bến đợi xuôi thuyền trôi neo đậu.
Hội An có cái thú đạp xe thơ thẩn, thấy đâu ưng ý thì nhảy xuống quăng bừa xe ra đấy. Lê la vĩa hè, tấp vô quán làm chai bia, ngoảnh sang mấy anh Tây, bà Nhật, ông Hàn cũng kéo dàn ra hiên quán dọc bờ kè, mê mẩn mắt cười đắm đuối.
Ngồi nhìn sông đèn lấp loáng, cảnh xưa cũ giăng đầy bóng mắt, thế thôi mà sướng tận tâm can.
Theo chân du khách chui vô lều mua đèn lồng dép lê chiếu cối, vài thứ nhỏ xinh không sao kể hết. Dạo mỏi chân rồi về chỗ cũ, dựng xe lên đạp tiếp, vậy thôi mà nghiện.
Tận trong tim, tôi luôn có một nơi muốn về lại. Nơi cõi xưa âm vọng từng tiếng nhễu giọt bing bong trầm tích Quảng Bình. Dải đất non bồng tựa thiên thai/ Mây phủ vọng đài thạch nhũ mài/ Biển vờn bóng núi sương giăng lối/ Soi đèn chập chững dạo thiên thai.
Việt Nam không chỉ nổi danh con người thân thiện, ẩm thực phong phú lạ thường, mà còn là những dấu tích huyền bí kiêu hãnh. Ngoài những hang động đã được du khách trong và ngoài nước biết đến là động Phong Nha, động Thiên Đường, còn một Sơn Đoòng nổi đình nổi đám, và nhiều thạch động nữa chưa được khám phá. Nếu đã vào động Phong Nha với chiếc thuyền trôi lững lờ, mắt dán lên vòm động với muôn trùng kỳ quan mê hoặc, thì đường vào Thiên Đường cùng đèn soi sẽ làm ta ngộp. Sự xúc động làm mắt ta cay, sự hiểm trở làm ta hưng phấn.
Tôi nép mình lắng nghe tiếng cười sảng khoái của thanh âm núi đá. Hang động Thiên Đường của bảy cây số hoang sơ mới là khoảnh khắc ngược về thời xa vắng. Leo lên một đoạn dốc trơn trượt, bò nhoài cũng gây thích thú như một nhà thám hiểm thực thụ.
Có một cô cứ xuýt xoa gọi “bé yêu” với từng mảng nhũ óng ánh kim cương, vài sợi thạch như giọt mưa chợt ngưng động, lủng lẳng trêu đùa. Cô bị thôi miên và vô thức nựng nhẹ bé pha lê.
Hang sâu và nhiều vũng đọng. Ngồi thuyền kayak bơi qua hồ nước nông thôi cũng tạo nên kích ứng lâng lâng dập dềnh. Không gian huyền bí giữa âm vọng của nước nhỏ giọt, tiếng kêu í ới ồ vang trong trường tối lạnh ngắt của hoa đá đầy kiểu dáng. Tôi tin ai đã trải qua nơi này sẽ có cảm giác giống tôi, xúc cảm khác tôi. Được chiêm ngưỡng một cung đường hang động Thiên Đường yêu và tự hào dậy ấm trái tim vì sự kỳ vĩ, những sản vật quý giá từ thiên nhiên góp nên định hình tên đất nước tôi.
Bến tình, nơi mà mỗi tối ở Quảng Bình tôi phải đến mới được. Đứng trên thành cầu nhìn xuống vài chiếc ghe dập dềnh neo đậu, có một hình ảnh đã ám tôi, làm tôi thương nhớ.
Thời gian sau tôi trở lại chốn cũ, nhưng dấu xưa đã vắng xa rồi. Khói sương lãng bãng vây quanh dòng sông Nhật Lệ, bóng ghe vẫn lấp ló xuôi dòng, trăng dập dờn sóng nước, chơi vơi… Trên cầu, từng tốp thanh niên tụ tập ngắm trăng trò chuyện. Cóc, xoài, ổi ghim được chuyền tay, tiếng nhai lạo xạo làm tôi ứa nước miếng.
Dấu xưa. Một cõi riêng thầm lặng trong miền ký ức ta mơ về. Trên dặm ngàn thiên lý của đất Việt, mỗi góc núi mỗi mảng rừng đều cho ta sự ngọt ngào trân quý. Để được một lần đi dọc triền núi, chân không đạp lên cát biển, nước lăn tăn dập vào, ta ước thời gian chậm lại.
Nguồn: Doanh nhân Saigon Online