TIN TỨC

Đọc tác phẩm DƯỚI MÁI NHÀ XANH của Tôn Nữ Thu Thủy

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1140 lượt xem

NGUYÊN BÌNH

Nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy (TNTT) đã có chổ đứng vững vàng trên văn đàn Việt đương đại kể từ thập niên 90 của thế kỷ trước. Thơ của chị để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng bạn bè văn nghệ trong và ngoài nước. Xin mượn lời của những tác giả đã từng viết về chị trên các trang báo, tạp chí có tiếng tăm thay lời giới thiệu chân dung văn học nhà thơ xứ Huế.

“Nhắc đến phụ nữ Huế, tôi thường nghĩ ngay đến nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy. Hơn 20 năm quen biết, tôi chưa bao giờ thấy chị đánh mất sự nhẹ nhàng, dịu dàng và tươi tắn - những điều hết sức đặc trưng của phụ nữ Huế”.

                  Song Văn (Báo phụ nữ TPHCM).

“Suốt hành trình sáng tạo, chỉ bằng giọng điệu thì thầm của một phụ nữ gốc gác cố đô, nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy chinh phục bạn đọc theo cách lặng lẽ và nhẹ nhàngTrồng cây tùng để làm tin/ Mở lồng thả hết cánh chim cho trời”.

                 Lê Thiếu Nhơn (Văn Chương TPHCM).

“Trong dòng văn chương của "nhóm Huế" đương đại, tên Tôn Nữ Thu Thuỷ quen thuộc trên các tạp chí như Sông Hương, Nhớ Huế, Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Văn Nghệ Quân Đội...

Nói về văn chương, chị bộc bạch: “Điều lo sợ là những câu thơ của mình tẻ nhạt, sáo mòn, cũ kỹ đi. Vậy thì không được lặp lại chính mình, phải tự lột xác, phải ấp ủ, trở trăn thao thức, nhiều khi phải chịu bao nỗi đớn đau - như một người mẹ sinh ra con mình”.

                 Đọc "Mắt lá" của Tôn Nữ Thu Thuỷ. Kim Quyên. (Tạp chí sông Hương 27/07/2009).

Ở đây, tôi không có tham vọng phát họa “chân dung văn học” nhà thơ mà chỉ bộc bạch những cảm xúc khi đọc tác phẩm DƯỚI MÁI NHÀ XANH (DMNX) của Tôn Nữ Thu Thủy (TNTT) qua góc nhìn của một người bạn yêu mến thơ chị.

Tiếng thì thầm trong thơ TNTT cứ vọng mãi, vọng mãi trong lòng tôi như tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân vang sớm chiều trong lớp lớp mù sương ký ức. Dấu ấn đầu tiên khi lần giở từng trang DMNX thật đẹp trong tôi.  Thơ TNTT như mật ngôn chuyển tải triết lý nhân sinh một cách lặng lẽ trong không gian tịch mịch Huế, nơi nhà thơ sinh ra và lớn lên. Đó là phong thái lịch lãm kín đáo ẩn tàng dưới vẻ nền nã của chiếc áo dài tím nữ sinh Đồng Khánh xưa kia chị mặc.

TNTT lặng lẽ và thư thả chiêm nghiệm lẽ sinh diệt của tự nhiên bằng ánh mắt thấu cảm sự vận động bên trong của bản thể:

Bên trong và bên ngoài bức tường trong suốt

Cuộc sống mấy cõi sinh thành 

Gió đi qua không nói gì

Mưa rơi không nói gì

Nắngchiều hôm không nói gì

Cả cơn bão đi qua không nói gì

Mặt trăng xuyên đêm không nói gì

Mặt trời qua suốt ban ngày không nói gì.

Không gian trắng

Hương của lặng im.

(Hương lặng im)

Cảm quan về thế giới chung quanh nhà thơ trong “dưới mái nhà xanh” đậm chất màu triết lí vô thanh. Đó là sự im lặng của sinh sôi, là sự trưởng thành tịch nhiên giữa vũ trụ trong bản thể sự vật. “Không gian trắng” theo tôi không hề là không gian rỗng, không gian chết mà là không gian sinh động hòa quyện của triệu triệu sắc màu. Đó là không gian tâm linh khi ta tĩnh tọa, là sự nhiệm mầu của mối giao hòa âm dương. Và trong thời khắc đó, nhà thơ thấu thị được mùi hương của vô thức, cảm nhận được “Hương của lặng im”. Luôn đứng ở góc nhìn tinh khôi, thơ TNTT tiềm tàng niềm lạc quan về mọi hiện tượng diễn ra quanh mình, hồn của tự nhiên tràn ngập trái tim nhà thơ và bừng sáng trong cảm xúc. Chính vì vậy, thơ TNTT trong DMNX vắng bóng nỗi buồn thế kỷ, dù cuộc đời tác giả trải qua bao biến thiên nhọc nhằn của thế hệ chúng tôi.

Nguồn nắng rót niềm ấm áp vô tận

Có phải bầu trời cũng tự nhủ sẽ xanh hơn

(Ngoài cửa)

Phải chăng TNTT viết tặng cho chị YN, cho mình và cả cho tôi và các bạn, cái thời cầm bút viết mà không hề nghĩ đến chữ nghĩa có thể nuôi sống mình hay không, bởi theo chị, đằng sau khổ ải là “miền sáng trong”. Tôi cảm nhận được tia hy vọng lấp lánh trong ánh mắt nhà thơ sau màn lệ nhòa:

Chị viết

Như đày ải chính mình

Lọc trong nước mắt

Gửi gắm

Dấu vết khổ đau, hạnh phúc, con đường

…..

Chị viết

Như đi về miền sáng trong

(Con đường) Tặng chị YN.

Trong tâm thức nhà thơ, cái đẹp kì vĩ của vũ trụ và nét dấu yêu trong căn nhà nhỏ bé của mình luôn tồn tại, dù đó là khoảnh khắc đối diện với thách thức, chạm mặt với gian khổ. Tâm tư chị luôn sáng tươi để nuôi dưỡng cho những bông hoa tím trong chiếc bình hoài niệm không “làm sao héo cũ” trước mưa nắng thời gian, cho nên, cuộc sống chị chan chứa niềm an hòa. Giữa cái xô bồ đua chen vật chất của xã hội, chị vững vàng cất giữ niềm tin vô tận ấy, xác tín hướng đi của cuộc đời trong “vườn tâm tưởng” của mình. Đọc DMNX, tôi như được hít thở không khí của ban mai trong lành, tâm hồn nhẹ nhàng, bao dung hơn, phải chăng, đây là sứ mệnh của thơ mà TNTT gieo hạt?

Những ngày đẹp

Có bao giờ phai đi

Bầu trời xanh mãi thầm thì

…..

Đóa hoa màu tím vừa nở

Làm sao héo cũ

Trong vườn tâm tưởng tôi

(Cuộc sống)

Theo TNTT, cái đẹp bao giờ cũng sinh ra từ sự hòa hợp của tự nhiên, từ mầm thiện lương nhân ái trong tâm hồn con người. Lúc ngắm hoa tiểu quỳnh trong vườn nhà, chị chợt nhận ra:

Hoa sinh ra từ xanh trong

Hoa sinh ra từ chân thành

Thiết tha giữa trời và đất

Ngày xuân ân cần bao dung

(Hoa Tiểu Quỳnh giữa tinh sương)

 

Thật sự đó là một cái nhìn kiêm ái nhu hòa của một tâm hồn Huế trong nội tâm thi nhân, nó tỏa hương khi bắt gặp cảm xúc.

Nói đến thơ TNTT là phải nói đến tâm thức Huế ẩn sâu trong hồn thơ chứa chan khói ấm của nhà vườn, của dòng sông Hương thơm mát. Hình như chị không cần phải tìm tòi, trong tâm hồn ứa tràn cảm niệm về nơi chôn nhau cắt rốn, luân chuyển lặng thầm trong máu thịt. Tôi yêu quá những ngọn “lá vườn” xanh mướt tình yêu từ bàn tay mạ, ở đó, tàu lá chuối là những mảnh gốm ngọc bích xanh biếc, gần gủi mà cổ tích, hiện tại mà quá khứ hằn sâu:

Mảnh gốm xanh lá chuối*

Cứa vào chiều

Nhớ thương

……

Men gốm nắng chiều

Ánh lên màu lá

Đường gân xanh

Vẫn là lá chuối trong vườn của mẹ

Ở nội thành

Mẹ ơi

(Mẹ và lá vườn)

Tôi khao khát trở về mảnh vườn kí ức tôi ẩn hiện trong thơ chị, tôi cứ ngỡ chị viết cho mình, thân quen biết bao:

Bỗng dâng đầy một nỗi riêng

Mộc hoa vẫn nở bên viền gạch nâu

Khóm hoàng trang, gốc mãng cầu

Đất trời luôn biết nơi đâu quê nhà

Nụ cười của mẹ trong hoa

Con từ mạch thở nghe ra nỗi mình

(Thềm xưa)

Xin cam đoan với các bạn rằng, sen trắng trong thơ TNTT là sen hồ Tịnh Tâm tỏa hương dịu dàng không gian thành nội, tôi như được nhà thơ gọi mời về thăm quê nhà trong một chuyến hành hương, sau bao năm lưu lạc, thú vị vô cùng:

Đóa hoa trắng hơn lòng giấy

Nâng mặt hồ thành trời mây

Hòa lẫn vào chiều vừa đến

Tâm hoa dâng hương nơi này.

(Sen)

Đặc biệt nhất là khi viết về một di tích ở Paris, thì cái hồn Huế vẫn phảng phất đâu đây trong từng hơi thở, mà nếu lơ đãng đánh mất từ “nhân sư”, thì ta ngỡ mình đang lạc trong hoàng thành Huế cổ xưa:

Thiếp ngủ trong đêm

Khi mảng trời xám xanh cho khoảng thềm sân cũ

Mái ngói nâu, những bức tường

Các họa tiết bước ra, phù điêu trên đỉnh tường nhà cổ

Khuôn mặt người hoa lá nhân sư

Nơi thời gian chưa nhòa

(Tòa nhà Bourse – Lille)

 

Ngôn ngữ thơ TNTT là sự cô đặc hồn chữ thanh tao, chắc lọc từ kiến văn rộng mang sắc thái của con người Huế trầm mặc. Nhưng không phải vì thế mà thơ chị mất đi tính hiện đại, mà ngược lại, trở thành điểm đặc sắc cuốn hút người đọc. Theo tôi, cấu trúc của từng câu thơ, bài thơ luôn mới mẻ, không có sự lặp lại chính mình như chị đã từng bộc bạch. Tôi cho rằng “Chiếc đàn biển” là bài thơ tiêu biểu sắc thái đặc trưng mang tính hiện đại rất riêng TNTT:

Nơi đất và trời mở ra một cõi quạnh hiu

Hàng phím trắng xê dịch. Bù đắp vào nơi hao khuyết

Những ân thanh cuộn xô, bùng vỡ

Lên cao và chìm sâu.

 

Để làm dịu lại nỗi đau

Tôi xoay trở, nghiêng nghiêng, bám tay vào phím đàn sóng trắng

Trùng khơi đáp lời.

(Chiếc đàn biển)

 

Với nhãn quan tinh tường và sự liên tưởng ý nhị, nhà thơ TNTT nắm bắt những phút chạm bất chợt thật tinh tế:

Dõi tìm người tượng đá

Gặp lại người hôm nay

Đôi mắt từ thuở nọ

Nhìn ra sớm mai này.

(Tháng giêng)

 

Nhìn đời với ánh nhìn rộng lượng bao dung, thơ chị thể hiện khát vọng đem cả vạn vật xích lại bên nhau, người với người hòa ái, chia sẻ vui buồn, tôi nghĩ, đây là thông điệp mà nhà thơ muốn gởi gắm:

Người xóa cả thẳm sâu ngăn trở

Rừng cây đất đá bên nhau

Những số phận già nua chia sẻ

Nụ cười hiểu rõ dài lâu

(Ngày trẻ như dương cầm)

 

Trong suốt hành trình thơ DMNX, hình ảnh quê hương đất nước những nơi chị đi qua mang màu sắc rất lạ mà thân thương, qua những bài thơ Với Cam Hải, Trà núi, Đường gốm sứ, Sài Gòn phố, Chiều qua cửa sông Hàm Luông, Qua cầu Thê Húc v.v. Khi ra du lịch nước ngoài, chị tâm tình thủ thỉ “Với sông Seine”: “Tiếng nhạc làm bước chân chậm lại/Để còn quay trở lại/Sông Seine một ngày nào”. Tuyết của mùa đông châu Âu được nhà thơ viết: “Phủ lên những con đường những mái nhà/ Ai biết niềm vui ai biết nỗi buồn/Những hạt lệ khô”.

Tôi vẫn còn tiếc nuối khi gấp lại tập thơ. Hơi thở của niềm đam mê văn chương trong chị vẫn còn vương vương trên trang sách. Tôi đồng cảm với tâm hồn TNTT vì tôi cũng là người con xứ Huế, lớn lên và học hành bên bờ Hương Giang, cùng đi về qua cầu Trường Tiền để đến giảng đường. Còn các bạn thì sao? Mời bạn cùng chia sẻ tâm tình với những vần thơ Tôn Nữ.

Chúc TNTT an vui, tiếp tục sáng tác và hoạt động văn nghệ đóng góp nhiều hơn nữa cho văn chương Việt.

Bà Rịa, 30/12/2021.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Nguồn: Văn nghệ Công an số thứ Năm, ngày 17/10/2024
Xem thêm
Một cây bút nhạy bén, giàu tình
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
“Nắng dậy thì” Rọi lòng sâu thẳm
Nắng dậy thì là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện nỗi buồn thẳm sâu của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương và đầy niềm trắc ẩn, như nhà thơ tâm sự: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi” (Thay lời mở). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nỗi buồn gắn với một vùng quê cụ thể, với tình thân, bạn bè, người yêu, với dòng sông, bến nước, con đò, chợ quê hay cánh đồng làng. Những kỷ niệm thân thương và đau thương cứ “cằn cựa” trong tâm hồn người thơ để có những vần thơ độc đáo, đồng vọng trong lòng người đọc.
Xem thêm