- Lý luận - Phê bình
- Có một Phan Hoàng say đắm nước Nga
Có một Phan Hoàng say đắm nước Nga
(Nhân đọc chùm 10 bài thơ 1-2-3 của nhà báo - nhà thơ Phan Hoàng)
Tôi yêu văn học Nga từ khi còn học Trung học phổ thông, yêu thơ Sergei Yesenin, Pushkin…, yêu truyện ngắn Sholokhov, Paustovsky và tiểu thuyết của Dostoevsky, Lev Nikolayevich Tolstoy v.v…tình yêu từ thuở học trò ấy được nhen lên mãnh liệt khi gặp thơ Phan Hoàng. Tôi muốn bàn tới 10 bài trong chùm thơ 1-2-3 của anh.
Bìa những tập thơ 1-2-3
Đọc chùm thơ này bắt gặp tình yêu lứa đôi- một đề tài hấp dẫn bao cây bút, đã trở thành bao nhạc phẩm để đời, đi cùng năm tháng, tiêu biểu là Đôi bờ, Chiều Moskva…. thấy tình nồng nàn của Olga Berggolts, thấy thiếu nữ Nga đẹp với đôi mắt đượm buồn…
Từ thế hệ 5x, 6x hẳn ít người không đọc, không nhớ thơ tình Olga Berggolts bởi thư tình của nữ sỹ đã đốn tim biết bao thế hệ (Tất nhiên Olga Berggolts không chỉ sáng tác thơ tình). Tuy nhiên, độc giả vẫn nhớ thơ tình hơn cả, đó là những vần thơ trong bài thơ Không đề
Em nhớ lại chuyện ngày quá khứ
Khúc hát ngây thơ một thời thiếu nữ
"Ngôi sao cháy bùng trên sông Neva
Và tiếng chim kêu những buổi chiều tà!"
Năm tháng đắng cay hơn, năm tháng ngọt ngào hơn
Em mới hiểu bấy giờ anh có lý
Dù chuyện xong rồi, anh đã xa cách thế
Em hát khác xưa rồi, khóc cũng khác xưa!
Lớp trẻ lớn lên giờ lại hát theo ta
Lại nhắp vị ngọt ngào thuở trước
Vẫn sông Neva, chiều tà, ánh nước
Nhưng nghĩ cho cùng họ có lỗi đâu anh
(Bằng Việt dịch)
Khi mất đi mối tình đẹp đẽ, theo dòng chảy miên viễn của thời gian, mọi thứ dần trở thành kỷ niệm, nhắc lại hồi ức chỉ thấy buồn. Dẫu đó là nỗi buồn ngọt ngào thì vẫn làm thổn thức những trái tim đắm say tình yêu tha thiết… Khi đang yêu thì tiếng chim buổi chiều tà hay ngôi sao “cháy bùng trên sông Nê Va” đều trở nên đẹp, rạng rỡ, là ngôi sao hạnh phúc, là tiếng chim hạnh phúc, là hứa hẹn tương lai ngọt ngào…
Nhớ Olga Berggolts người đọc còn nhớ Mùa lá rụng:
Tôi một mình ra ga,
khước từ người đưa tiễn.
Chưa nói thoả cùng anh,
giờ thôi không cần nữa.
Ngõ nhỏ đầy ắp đêm,
trên đường bao tấm biển
nhắc những kẻ độc hành:
“Coi chừng lá rụng”!
Thơ đượm buồn bởi sự chia ly. Tuy nhiên, chắc hẳn ai cũng cảm nhận được đó là tình cảm đẹp, điều đó được hiển thị qua giọng nói nhẹ nhàng, qua lời thủ thỉ của cảm xúc dâng trào, nghẹn ngào, có dư vị tiếc nuối, có dư vị yêu thương… dễ hiểu vì sao thơ tình của Olga Berggolts lại được nhiều độc giả trong và ngoài nước yêu chuộng đến thế. Những vần thơ của trái tim yêu đắm say, nồng nàn ấy sẽ còn mãi, bất chấp sự băng hoại của thời gian.
Tên thành phố đổi thay nhưng tình yêu không bao giờ thay đổi
và chẳng vĩnh cửu nào bằng trái tim nồng nàn Olga Berggolts
xin nghiêng mình trước áng thơ máu xương nâng cánh tâm hồn
(Trái tim thơ Olga Berggolts tỏa ấm nghĩa trang)
Tôi đã từng tâm đắc một câu nói của nhà văn Pháp Victor Hugo “Trên đời này chỉ có một thứ mà ta phải cúi đầu thán phục đó là tài năng và chỉ có một thứ mà người ta phải quỳ gối tôn trọng đó là lòng tốt”. Nay bắt gặp câu thơ “xin nghiêng mình trước áng thơ máu xương nâng cánh tâm hồn” khi Phan Hoàng viết về Olga Berggolts. Đó là những nghĩa cử cao đẹp, là biểu hiện rõ rệt của sự trân trọng dành cho thi sỹ tiền bối, cũng là dành cho tài năng, lòng tốt. Bởi vậy, dễ hiểu vì sao thơ Phan Hoàng dễ đi vào lòng người, được nhiều công chúng mến mộ.
Đọc chùm thơ 1-2-3 của Phan Hoàng, thấy vẻ tráng lệ của không gian Nga cổ xưa, nơi đốn tim bao du khách dẫu mới chỉ được “du lịch qua màn ảnh nhỏ” hoặc qua việc đọc sách, vở… Tháp trường Lomonosov và “Luzhniki cỏ tươi nguyên không khí lễ hội bóng đá hành tinh” khiến chúng ta sống lại những giờ phút sôi động của bóng đá thế giới năm 2018, đội tuyển Nga đã dừng chân ở tứ kết trước Croatia, nhưng không nhiều người Nga buồn về điều đó chủ tịch FIFA Gianni Infantino đã nói: “World Cup 2018 là giải đấu thành công nhất từng được tổ chức và thế giới phải nhìn về nước Nga nhiều hơn”. Năm đó, tại World Cup 2018 đội tuyển Nga và công dân Nga đã khiến thế giới khâm phục. Không phải khâm phục vì tài năng bóng đá hay khả năng viết nên một câu chuyện cổ tích bằng nhạc, bằng thơ, mà khâm phục bởi lối sống Nga, nhân cách Nga, đường hoàng, đĩnh đạc, trung thực và bản lĩnh. Đọc Phan Hoàng, còn bắt gặp những hình ảnh mưa đá mùa thu tại Saint Petersburg, cung điện trầm tư sông NeVa, rừng bạch dương, chiều Moskva với dòng sông xanh biếc…Là cảnh nhưng gợi tình, lồng trong cảnh là sự hiển hiện một nhân cách Nga can trường và dũng cảm, hiển hiện một nét đặc trưng của người phụ nữ Nga dịu dàng nhưng không kém phần sôi nổi mê say. Nói cảnh là nói người; cảnh và người thường đồng hiện làm nên một phong cách Nga mạnh mẽ mà hiền từ, can trường và nhân hậu…
Nhà thơ Phan Hoàng (bên trái) và tác giả
Đọc chùm thơ 1-2-3 của nhà thơ Phan Hoàng thấy tâm trạng của các thi sỹ Pushkin, Lermontov đượm buồn xuyên thế kỷ thành nỗi niềm đau đáu trong Phan Hoàng và thi sỹ hiện đại thế kỷ 21. Có thể gọi đó là tiếng nói tri âm hay tiếng lòng tri âm? Xưa nay, cổ kim, đông, tây, văn học Việt Nam và văn học nước ngoài, tiếng nói tri âm có thể xuyên thế kỷ, vượt qua rào cản của không gian, thời gian, sắc tộc, màu da…
Thơ tình Pushkin buồn một nỗi buồn trong sáng, bởi mối tình dang dở nhưng đẹp và cao thượng. Nhà văn Gogon cho rằng: “Trong thơ Pushkin, thiên nhiên Nga, lịch sử Nga, con người Nga, tâm hồn Nga hiện lên thuần khiết đẹp đến mức được soi qua một thấu kính diệu kì”. Điều đó làm nên “nỗi buồn trong sáng” trong thơ ông. Nhà thơ luôn đặt hạnh phúc của người mình yêu cao hơn nỗi đau của chính mình.
Tôi yêu em đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai
Nhưng không muốn em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài…
(Tôi yêu em)
Lermontov hiện diện trên cõi đời chỉ 27 năm nhưng ông đã là một hiện tượng nổi bật của thi ca, di sản ông để lại cho đời là vô cùng lớn. Trong khối thi ca đồ sộ ấy, có nỗi buồn vì cô đơn, vì sự giằng xé nội tâm, vì nhận thấy những điều trái ngang, bất cập hiện hữu:
Yêu? Yêu ai? Yêu chốc lát, ích gì?
Yêu mãi mãi lại là điều không thể.
Ngắm mình ư? Quá khứ đã trôi đi,
Mọi niềm vui, buồn đau đều nhỏ bé.
Các đam mê? Rồi cũng thế mà thôi,
Sớm hoặc muộn, nguội dần theo cuộc sống.
Nếu bình tâm, ta sẽ thấy rằng đời
Chỉ là cái ngu si và trống rỗng.
(Chán và buồn)
Và nỗi buồn ấy còn hiện hữu trong thơ 1-2-3 của Phan Hoàng và truyền đến độc giả thế kỷ XXI một thông điệp cần lắm những tấc lòng tri kỷ, tri âm; cần lắm sự đồng điệu, sẻ chia để cuộc sống này đẹp hơn.
27 tuổi đời bay tìm tự do và tĩnh lặng
Khi viên đạn sát nhân tiếp tục bắn vào thơ Nga
cõi hư vô Pushkin đau buồn nắm tay Lermontov
Một mặt trời tái ngộ một mặt trời
vũ trụ thi ca chìm trong bóng đêm tổn thất
tại sao cái đẹp bị dập vùi và cái ác lên ngôi?
Bất luận ở đâu, với ai thì vật chất và tinh thần luôn song hành hiện hữu và sứ mệnh của thi, ca, nhạc, họa, của nghệ thuật rất cao cả, là xốc dậy tinh thần, là truyền cảm hứng, tạo nên sự cân bằng trong cuộc sống- điều tối cần thiết cho mỗi người, cho cộng đồng… và xã hội nhân văn là xã hội nhìn ra và trân trọng điều đó.
Đọc Phan Hoàng thấy “Giấc mơ tri thức” của anh và bao người yêu văn học Nga, đất nước và con người Nga
Sống lại giấc mơ trên đồi Chim Sẻ
Mặt trời dừng ngôi sao đỉnh tháp trường Lomonosov
Luzhniki cỏ tươi nguyên không khí lễ hội bóng đá hành tinh
Xanh biếc sông in Moskva tráng lệ thu tầm mắt
đường thoai thoải tuổi xuân chim hót xuyên rừng
khởi hành giấc mơ tri thức ba mươi năm ta mới gặp mình
“Giấc mơ tri thức 30 năm” của Phan Hoàng đánh thức giấc mơ của bao người khác. Câu thơ hay là câu thơ có khả năng đánh thức bao ấn tượng vốn ngủ quên trong kí ức của con người (Chu Văn Sơn), thơ Phan Hoàng làm được điều đó. Đến với thơ Phan Hoàng là đến với nước Nga, đến với thế giới của bách khoa tri thức, của đề tài bất tận cho giới văn nghệ sỹ; của thi, ca, nhạc, họa… Đã từng có một người già trong thơ Tố Hữu “ngồi mơ nước Nga” là mơ độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc; thế hệ 6X chúng tôi mơ nước Nga để được chiêm ngưỡng vùng đất thanh bình của sông NêVa, của chiều Moskva, của rừng bạch dương…của thơ tình trong sáng và cuốn hút; của truyện ngắn, tiểu thuyết phản ánh đời sống của các tầng lớp công nhân, nông dân, binh lính… gọi chung là những người lao động chất phác, hồn hậu, dễ mến. Ngày nay, nhiều du khách mơ đến nước Nga, nhiều khi đơn thuần chỉ là mơ miền đất đẹp như huyền thoại, nơi có những con người mộc mạc và ấm áp ân tình như “Núi đồi và thảo nguyên”, có sự kiên cường như “Thép đã tôi thế đấy” và có sự mãn nhãn trước sân cỏ hành tinh mà chủ nhà- công dân Nga là những người nhiệt tình, mến khách, bao dung, khoáng đạt và có ý chí, có tầm nhìn.
Và đọc Phan Hoàng thấy tin yêu, cảm phục sức sáng tạo và khả năng tổng kết vốn tri thức phong phú của anh vào những câu thơ độc đáo, súc tích. Chùm thơ 10 bài của anh giúp độc giả được du lịch qua thơ tới đất nước Nga hiện đại và cổ kính, với thời tiết Nga có bão tuyết, có mưa đá, có rừng bạch dương, có lá phong vàng… tạo nên “vũ trụ thi ca”, tạo nên thế giới của những kiệt tác văn xuôi là mê đắm lòng người.
Thơ 1-2-3 là lối thơ khó viết, kén thi sỹ và kén cả độc giả. Lâu nay, người Việt Nam quen thuộc với thơ lục bát, thông thường lục bát dễ đi vào đại chúng. Thơ ngũ ngôn cũng dễ đọc, dễ chuyển tải cảm xúc của chủ thể trữ tình.
Thơ 1-2-3 không cầu kỳ nhưng kén chữ, kén vần và không dễ tiếp cận nếu chỉ đọc lướt qua một lượt. Lối viết này không chỉ đơn thuần là đủ số câu, số chữ. Không thể chỉ là sự ghép vần theo kiểu hàn lâm, càng không thể ghép vần theo kiểu cơ học. Nó đòi hỏi trước hết vẫn là cảm xúc, sau mới là câu chữ, vần… Cho hay, muôn đời câu chuyện về thơ, trước hết vẫn là câu chuyện của cảm xúc Thơ là âm nhạc của tâm hồn, nhất là những tâm hồn cao cả, đa cảm (Voltaire). Phan Hoàng chắc chắn phải rất yêu nước Nga, yêu cảnh sắc, yêu con người. Tình yêu say đắm, cảm xúc thăng hoa thành những vần thơ, bài thơ 1-2-3 làm say đắm lòng người.
Xã hội đương đại, phần lớn công chúng thích xem hơn thích đọc, thích nghe hơn thích nhìn; văn hóa đọc đang bị lấn lướt bởi công nghệ, bởi điện ảnh… Ấy vậy mà thơ Phan Hoàng vẫn là một hiện tượng sừng sững thu hút luận bàn. Quả thực, Cuộc sống là cánh đồng màu mỡ để cho thơ bén rễ sinh sôi (Puskin) và chùm thơ 1-2-3 của Phan Hoàng đã thực sự đã bén rễ, sinh sôi trong lòng công chúng. Cảm ơn anh đã giúp độc giả “Sống lại giấc mơ trên đồi Chim Sẻ”, lạc vào rừng bạch dương để thêm một lần mê đắm nước Nga, cảm nhận tuyết, lốc xoáy bên cạnh những không gian êm đềm của sắc đỏ rừng phong và ngân nga trong tâm trí những vần thơ tình đắm say của Pushkin, Yesenin, Lermontov, Olga Berggolts… và để tâm hồn được gột rửa, thấy ánh nắng ban mai tràn về qua khung cửa, thắp sáng ước mơ dang dở, hoàn thiện bản thân…
Việt Trì, 15/6/2024
Đỗ Nguyên Thương