Nhà thơ Louise Glück là một tên tuổi còn ít nhiều xa lạ với bạn đọc Việt Nam. Năm 2004, thơ và một số tiểu luận của bà xuất hiện khiêm tốn trong tuyển tập "15 nhà thơ Mỹ thế kỷ XX" (Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây và Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành). Gần đây, một số bài thơ của Louise Glück được dịch giả Nguyễn Huy Hoàng chuyển ngữ sang tiếng Việt. Những bài thơ ít ỏi đó không đủ để độc giả Việt Nam có cái nhìn khái quát hơn về sự nghiệp thơ ca của Glück, một nhà thơ mà Viện Hàn lâm Thụy Điển đã tôn vinh là có một "giọng thơ không thể nhầm lẫn".
Đồng hiện ký ức và hiện tại
Cũng trong bài phát biểu tôn vinh thành tựu thơ ca của nữ thi sĩ, Chủ tịch Ủy ban Nobel, ông Anders Olsson, đã trích dẫn bài thơ "Snowdrop" (Giọt tuyết) trong tập thơ "The Wild Iris" xuất bản năm 1992.
"Tôi không mong sống sót/ đất đè nén tôi. Tôi không mong/ thức dậy một lần nữa, để cảm nhận/ cái mặt đất ẩm cơ thể tôi/ có thể phản ứng lại lần nữa, nhớ/ sau một thời gian dài cách nở ra lần nữa/ dưới ánh sáng lạnh/ của đầu xuân…" (Nguyễn Huy Hoàng dịch).
Bài thơ mang tâm thế bi quan, khắc kỷ, đẫm riêng tư. Thế giới trong thơ Glück là một thế giới hẹp, xoay quanh các mối quan hệ cá nhân, gia đình, cha mẹ, anh chị em nhưng là những mối quan hệ căng thẳng, trở thành cội rễ mà từ đó thi ca của bà được sinh ra. Độc giả bước vào thế giới ấy lúc nào cũng cảm giác nặng nề, u ám. Từng có lần, trong một bài thơ, Louise Glück viết "Tuyệt vọng là sự thật" (Despair is the truth) và nhà thơ đi đến cùng nỗi tuyệt vọng đó. Điều này có lẽ chính là "giọng thơ không nhầm lẫn" mà Viện Hàn lâm Thụy Điển muốn nói đến.
Nhà thơ Louise Glück Ảnh: THE GUARDIAN
Trong những bài thơ của mình, Louise Glück duy trì một cái nhìn bi ai và lạnh lẽo. Thế giới trong mắt bà thu hẹp lại thành những hình ảnh được pha trộn bởi ác mộng, chúng đồng hiện với nhau, giữa ký ức và thực tại. Nghệ thuật của bà không cố dự báo tương lai như nhiều người đòi hỏi ở văn chương. "Ai có thể nói về tương lai? Không ai biết gì về tương lai" (Who can speak of the future? Nobody knows anything about the future) - Glück viết. Nhưng cũng đừng vì thế mà vội đánh giá thơ bà hạn hẹp và quanh quẩn trong tính cá nhân, bởi đúng như nhận xét của Viện Hàn lâm Thụy Điển, thơ ca của Glück đã "làm cho sự tồn tại cá nhân trở nên phổ quát".
Dù những màu sắc ảm đạm hiện hữu trong thơ ca của mình, Louise Glück vẫn nói về sự hồi sinh, cũng như sức sống mãnh liệt, đó chính là điều nhân loại đang cần trong thời điểm hiện tại, khi dịch bệnh vẫn đang đe dọa tính mạng con người.
Trong chính bài thơ "Snowdrop", dù khởi đầu bằng tuyệt vọng nhưng đã kết thúc trong hy vọng với: "sợ hãi, phải, nhưng giữa các người một lần nữa/ khóc lên phải mạo hiểm niềm vui/trong làn gió nguyên sơ của thế giới mới" (Nguyễn Huy Hoàng dịch).
Điều này tương ứng với những gì Anders Olsson viết trong diễn văn công bố giải Nobel năm nay: "Thế giới tan rã, chỉ để trở nên kỳ diệu một lần nữa".
Nhà thơ đương đại hàng đầu nước Mỹ
Louise Glück được công nhận là một trong các nhà thơ Mỹ đương đại nổi bật nhất. Theo thông tin của Viện Hàn lâm Thụy Điển, sự nghiệp thơ ca của Glück cho đến nay gồm 12 tập thơ và một số tiểu luận về thơ.
Những thành tựu của Louise Glück có lẽ sẽ làm hài lòng thân phụ của bà nhất. Cha bà từng có ý định theo đuổi sự nghiệp văn chương nhưng đành gác lại. Louise Glück sinh năm 1943 ở New York trong một gia đình người nhập cư gốc Hungary. Năm 1968, ở tuổi 25, bà bắt đầu sự nghiệp thơ ca của mình bằng tập thơ "Firstborn".
Một số tác phẩm của nhà thơ Louise Glück Ảnh: REUTERS
Song song với sự nghiệp thi ca, Louise Glück còn được biết đến với tư cách giáo sư Anh văn tại Đại học Yale. Tuy nhiên, ít ai ngờ vị giáo sư này từng phải thôi học thời niên thiếu mà nguyên do xuất phát từ chứng biếng ăn tâm thần (anorexia nervosa), một dạng rối loạn ăn uống xuất phát từ vấn đề tâm lý. Với tình hình sức khỏe đó, bà quyết định không theo học đại học mà tham gia các lớp học thơ ca.
Trong các thi tập được nhắc ở trên, "The Triumph of Achilles" là tác phẩm được giới phê bình đánh giá cao. Tập thơ này cũng được Anders Olsson, Chủ tịch Ủy ban Nobel, nhắc đến khi công bố giải thưởng năm nay. Trong bài tuyên dương sự nghiệp thi ca của Louise Glück, ông Anders Olsson cũng nhắc đến tập thơ "Ararat" mà ông nhận xét là đã bắt gặp ở đó "những hình ảnh gần như thẳng thắn tàn bạo về những mối quan hệ gia đình đau thương". Tập thơ xuất bản năm 1990 có tên lấy cảm hứng từ ngọn núi xuất hiện trong câu chuyện về trận đại hồng thủy của Sáng thế ký, được các nhà phê bình đánh giá là đầy đau khổ.
Bước sang thế kỷ XXI, Louise Glück vẫn tiếp tục bền bỉ sáng tác. Các tập thơ tiêu biểu trong thế kỷ mới này của bà: "The Seven Ages" (2001), "Averno" (2006), "A Village Life" (2009) và "Faithful and Virtuous Night" (2014).
Nữ tác gia người Mỹ thứ 2 đoạt giải Nobel Văn học
Với vinh dự đoạt giải Nobel năm nay, Louise Glück trở thành người Mỹ thứ 12 đoạt giải thưởng Nobel Văn học và nữ tác gia người Mỹ thứ 2 đoạt giải thưởng danh giá này.
Trước khi nhận giải Nobel Văn học 2020, bà đã nhận được nhiều giải thưởng văn chương danh giá của Mỹ. Trong đó, phải kể đến các giải National Book Critics Circle Award cho tập thơ "The Triumph of Achilles" (1985), giải Pulitzer cho tập thơ "The Wild Iris" (1993), giải National Book Award cho tập thơ "Faithful and Virtuous Night" (2014)...
Huỳnh Trọng Khang (https://nld.com.vn/)