- Góc nhìn văn học
- Duyên chữ nghĩa | Đoàn Thị Ký
Duyên chữ nghĩa | Đoàn Thị Ký
ĐOÀN THỊ KÝ
Trong cuộc sống, ông cha ta thường răn dạy những người làm ăn theo kiểu được chăng hay chớ là cố gắng làm cho: “Ra tấm, ra món”. Nghĩa là, phải có đầu có cuối, dù không cần ai biết tới, nhưng cũng là cái mốc ghi dấu sự nỗ lực của mình.
Người viết bài này luôn biết vậy, nhưng để thành “tấm”, thành “món”, dù là món ăn vật chất hay tinh thần, đều đòi hỏi một sự hao tổn vượt bậc về sức lực cũng như trí tuệ và không thể thiếu sự tài hoa, sự quyết đoán trong thời khắc một đi không trở lại của kiếp người.
Chuyện là, dịch bệnh vừa lui cùng với những cuộc gặp mặt vui vẻ gọn nhẹ, tôi còn nhận được những món quà tinh thần thật ý nghĩa. Bên cạnh tấm, món tôi nâng niu trên tay là những cuốn sách của các nhà văn Trần Nhương, Tống Thị Ngọc Hân ở phía Bắc và tận mắt dờ thấy sắc màu đầy biểu cảm trong tranh của nữ họa sỹ Giáng Vân vừa trưng bày tại tòa nhà sát Hồ Gươm, Hà Nội, còn là món quà có được qua trang web của Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh, thể hiện ở cuộc thi thơ: “Nhân nghĩa đất phương Nam”, do Hội Nhà văn thành phố tổ chức, đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc.
Trân trọng, nể vì trong lúc dịch bệnh diễn ra căng, các tác giả đã lặng lẽ vượt lên, tự mình giãn cách trong câu chữ, trong sắc màu… để hoàn thành tác phẩm nghĩa là ra “tấm” ra “món” trình làng, để chúng ta thấy trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nói như cố thi sỹ Xuân Diệu thì: “Sự sống không bao giờ chán nản”.
Cậy nhờ lợi thế công nghệ thông tin hiện đại của thế giới phẳng, cuộc thi thơ: “Nhân nghĩa đất phương Nam”, khai cuộc vào những ngày đầu tháng 8, khi mà dịch bệnh do biến thể Covid lây lan trong thành phố đang ở điểm đỉnh, thành đại dịch. Trên kênh thời sự của truyền hình Trung ương luôn cập nhật thông tin, do biến thể delta của Covid thật khó lường, số người nhiễm bệnh tại thành phố Hồ Chí Minh nhiều ngày lên tới 4 con số, con số tử vong có ngày là 3 con số… “Tang thương chồng chất lại còn thơ phú”, không ít người bỡn cợt. Song, họ đâu biết, trong thẳm sâu con người càng tang thương, con người càng muốn xích lại gần nhau hơn. Không cầm nắm được tay nhau để truyền hơi ấm thì gửi tâm tình, chia sẻ, động viên.
Kìm nén đau thương, vượt lên mất mát, ban tổ chức cuộc thi đã khẩn trương thông tin, quảng bá thể lệ cuộc thi và luôn cập nhật các tác phẩm thơ ca trên mạng, đã tạo được hiệu ứng xã hội tích cực, khơi dậy đức hy sinh, ân nghĩa, niềm tin… cuốn hút nhiều người tham gia.
Có tác giả là bác sỹ trong tâm dịch, có tác giả ở vòng ngoài, nghĩa là cách xa hàng trăm cây số, có tác giả ở bên kia bán cầu… không hẹn mà lòng cùng hướng về vùng đất phương Nam đầy nắng, đầy gió mà cũng đầy tình nghĩa, sâu nặng truyền thống dân tộc: “Bầu ơi thương lấy bí cùng”, của những anh hai, chị hai, cùng đội ngũ thầy thuốc ngày đêm đối mặt với dịch bệnh, giành lại sự sống cho từng con bệnh, trả lại bình yên cho cuộc sống thường nhật.
Nhiều bài thơ của các tác giả đã có số người đọc lên tới 5 con số, sự cộng hưởng của thơ ca là vô cùng, tôi cũng là một trong số những người đọc ấy, đọc để cảm nhận để chia sẻ những nỗi niềm, đặng cùng tin tưởng và hy vọng… để đến hôm nay dịch bệnh ở thành phố Hồ Chí Minh đã lắng dần, con số tử vong đang dần về 0 thì trái ngọt cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam” cũng vừa chín tới.
Thật ý nghĩa. Chị Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố vừa thông báo trên mạng xã hội Facebook: Tuyển tập thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam”, gồm 72 bài thơ của 53 tác giả vào chung kết, chọn lựa từ hơn 1.500 bài thơ dự thi, đang trong nhà in sắp ra mắt nay mai, đúng vào dịp tổng kết cuộc thi sau 45 ngày phát động.
Mừng cho Hội Nhà văn thành phố quyết đoán, không ngại gian khó, trong lúc phải thực hiện giãn cách vì dịch bệnh, vẫn chăm chút cập nhật, kết nối thông tin, thành bà đỡ mát tay cho những ý tưởng, tâm tình “thành tấm, thành món” trình làng, để thấy cuộc sống dẫu có đau thương, mất mát, vẫn còn mầm xanh hy vọng, còn những câu chữ ta nói với nhau như hương hoa trái ngọt, thật đáng sống để làm việc, để dâng hiến...
Âu cũng là sự tiếp nối nét đẹp nhân văn của thế hệ cha anh đã từng “cất tiếng hát át tiếng bom”, vừa đánh giặc ngoại xâm vừa làm thơ… của dân tộc ta, trong những ngày này dịch bệnh còn chưa dứt hẳn, để cùng chung tay phòng ngừa, quyết thắng Covid biến thể vẫn đang tiềm ẩn rủi may đâu đó.
Ví như hôm rồi, Hà Nội vơi giãn cách, tôi đi xe buýt lên chơi với cô cháu gái ở phố Kẻ Vẽ, quận Bắc Từ Liêm. Nhẩn nha xuống xe, vừa rẽ vào đầu phố, đập vào mắt tôi là tấm áp phích lớn kẻ những dòng chữ: “Một người lơ là, cả nhà cách ly/Một người coi thường, cả phường vất vả/Một người dương tính, cả tỉnh theo dõi”.
Sau giây phút sững sờ, tôi nhớ ra, đây là đất Kẻ Vẽ thuộc phường Đông Ngạc cổ xưa, có truyền thống khoa bảng chữ nghĩa. Thảo nào trong cơn đại dịch, Covid từng giây, từng phút đe dọa mạng sống con người, truyền thống ấy đã phát tiết thành vần, thành điệu câu khẩu hiệu “ra tấm, ra món” dễ thẩm thấu, dễ tiêu hóa, nhằm nhắc nhở mỗi người thấy trách nhiệm công dân với cộng đồng và vai trò của các cấp chính quyền trong phòng chống dịch bệnh, trong lúc thông tin tràn ngập trên mạng không thiếu thông tin thất thiệt…
Âu cũng là duyên chữ nghĩa!
Phố Đội Cấn, ngày 28/10/2021
Nguồn: https://thanhtra.com.vn/.