TIN TỨC

Mối làm ăn | Mây

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
717 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

MÂY

Mày muốn bao nhiêu? - Phòng hỏi.

2 lít rượu và 5 tiền (500 nghìn) - Thằng Tịnh lè nhè.

Tiền đâu mà đãi mày lắm thế! - Phòng lớn giọng.

Gớm đi ông nội! Tao giúp mày đuổi bao nhiêu người, mỗi ngày mày chả bán được mấy ngần đấy. Đừng tưởng ông đây không biết gì nhá! - Thằng Tịnh khùng lên, giơ chân đá con mèo đang loạng choạng gần đó. Con mèo kêu éo lên, mắt lấm lét chạy biến ra ngoài sân.

Phòng hạ giọng, quay sang bảo thằng Tịnh: “Tao đi lấy rượu!”. Rồi bước qua tấm ri đô hoa hồng, ra nhà sau.

Ở đời muốn được việc không được đôi co, càng không được đôi co với thằng điên. Thằng Tịnh lại là đứa dở điên dở dại, càng hiểm nữa. Nó khùng lên nó chẳng ngán gì sất. Phòng tự nghĩ.

Phòng mang rượu ra và móc ví đưa tiền cho thằng Tịnh.

Nó ôm lấy can rượu, nhét tiền vào túi áo rồi cười khoái trá bước đi.

*

Phòng ngồi lật sổ, hôm nay làm ăn cũng khá, nếu cứ thế này đều đều thì chẳng mấy chốc Phòng mua được đất ở huyện. Đất ở dưới đó miếng phải cỡ vài trăm chứ chả ít. Bỡn ạ. Cái chỗ khỉ ho cò gáy này chẳng ai ngờ có ngày lại phất.

Quán của Phòng nằm trên đường tránh từ trung tâm huyện lên rừng phòng hộ. Thành thử họa hoằn lắm người ta mới đi qua đây. Do Phòng có chân trong tổ bảo vệ rừng lại chẳng vợ con, gia đình gì vướng víu nên được các anh trên thương cho cất luôn cái lán bên cạnh đường mở quán tạp hóa, “lấy chỗ thêm đồng ra đồng vào, chứ cái lương bảo vệ thì ăn còn chả bõ” - một anh bảo. Phòng bán đủ thứ, thì gọi là tạp hóa mà lại. Nào từ xăng, hộp diêm, bật lửa cho tới đèn pin, áo mưa, mũ cối. Phòng còn đặt sẵn cái bơm, ai đi qua xịt một phát cũng ra tiền. Những hôm có ô tô đi lên đường này buổi tối mà bị thủng xăm, hỏng lốp là hôm Phòng trúng quả đậm. Kiểu đấy thét bao nhiêu chủ xe cũng phải muối mặt trả. Không trả không sửa, mà không sửa thì có ở giữa rừng cả đêm. Những mối đó cũng không nhiều nhặn lắm. Phòng chỉ bắt đầu làm ăn được từ ngày có cái sân bóng phủi ở đầu lối vào, cách lán Phòng cỡ hơn 100m. Thế là tự nhiên ăn may. Chả hiểu sao, người ta chuộng cái sân bóng đó thế, ngay cả người dưới huyện cũng ngược lên đá mà lị. Cái sân bóng đó do ông Bình râu làm chủ. Mà nghe đâu ông Bình râu được thằng cháu, là thằng Thức 3 ngón (do hồi xưa nghịch bom, nổ mất 2 ngón tay phải) cho tiền. Thằng Thức đi làm ở nước ngoài, một năm về một lần. Chẳng biết sang bên làm gì nhưng giờ về có của ăn của để ghê lắm, thấy đất khu nào nó cũng có một suất. Có tiền đâm ra người ta cũng nể, mà được cái nó cũng sống đẹp, mỗi lần về xài tiền thoải mái, mời anh em họ hàng ăn uống lại còn biếu hết rượu rồi thuốc, vòng tay, mỹ phẩm nên người ta ai cũng trọng. Kể có tiền sống ở đâu cũng mát cái mặt.

Từ hồi có cái sân bóng, thấy dân đổ về nhiều, Phòng đổi hướng kinh doanh. Phòng chuyển qua bán thêm bia hơi vịt lộn, nước ngọt giải khát. Quanh đấy chả có quán nào, trừ khi ông nào đi mang sẵn nước còn không đều tạt vào quán Phòng mua dăm ba chai nước. Chưa kể mấy ông đánh đấm với nhau xong lại ghé quán Phòng làm cốc bia cho mát. Thật là mát lòng mát dạ cả khách lẫn chủ. Cứ thế, Phòng một mình “bá chủ” cái chỗ ấy.

Nhưng miếng ngon không giữ được lâu. Thấy Phòng làm ăn được tất có kẻ khác ra cạnh tranh. Đầu tiên là cha con lão Biện. Cha con lão treo luôn biển quán nhậu thịt rừng. Lên rừng thì phải ăn thịt rừng. Phải lắm. Khách thấy món lạ, lại ngon nên chuyển quán là điều tất nhiên. Phòng ức lắm, nằm ngẫm nghĩ mấy đêm. Đúng lúc quán Phòng đang thời kỳ ế ẩm thì thằng Tịnh ở đâu về, đạp xe đến vứt ở cổng, cười phớ lớ đi vào:

Bạn cũ nay làm ăn được nhỉ? Thế mà không nhớ tới thằng anh em này tí nào.

Ai làm anh em của mày?

Không anh em thì cũng là bạn bè năm xưa, khiếp mày nữa. Bao lâu bạn tới chơi nhà mà giọng điệu vậy thì tao về.

Thằng Tịnh trở ra, Phòng tưởng nó đi thật cũng quay vào trong nhà, ai dè nó quay lại cầm nguyên cái ghế nhựa phang vào tủ kính nhà Phòng vỡ một góc. Rồi nó giơ cái ghế lên cao ném phịch xuống đất. Cái ghế gãy luôn.

Phòng chạy ra định quát thì thằng Tịnh đã cầm sẵn con rựa (loại đi rừng chặt củi) đứng ở cổng. Nó cười khì khì rồi bảo:

Mày tiếp đón bạn bè không tử tế nên tao hỏi thăm thế thôi. Ở cái đất này có đứa nào dám đấu lại tao đâu.

Quả đúng thật, ở cái đất này không phải không ai dám đấu lại nó mà chính xác là không ai muốn đụng vào nó. Thằng Tịnh trước là bạn học cấp 2 với Phòng, tự nhiên lên cấp 3 phát bệnh điên. Nhà nó cho nghỉ học để chữa bệnh. Nhưng càng chữa càng thấy nặng. Hồi đó tụi trẻ con cấp 1, cấp 2 đi học còn phải mang theo một chiếc ghế nhựa để chào cờ đầu tuần. Có lần, nó đứng sẵn ở cổng, chờ lúc lũ trẻ đi học về, nó giật hết ghế nhựa từ tay bọn trẻ và ném xuống đất vỡ đôi, vỡ ba rồi cười ha hả. Không ai dám đụng vào nó, người ta chỉ đóng cửa khi nó đi qua. Người ta cụp mắt xuống khi nó chào, người ta im lặng khi nó gây sự. Đừng đụng vào thằng điên, ai biết nó điên lên nó chả chém cho một nhát bây giờ. Thôi thì nhịn. Bố mẹ nó mấy lần xích nó vào cái cũi ở nhà nhưng không ăn thua. Nó đập đầu vào cũi liên tục và gào rú cả đêm. Máu trào trên trán, bố mẹ nó sợ quá lại thả nó ra. Cứ vậy nó lúc điên lúc tỉnh, đi khắp lối làng ngõ xóm, đi qua nhà ai thấy có quả gì ăn được là vào lấy, thấy quần áo treo ở mắc thích là lấy mặc. Hiểu một cách nào đó thì thằng Tịnh cũng là “bá chủ” của cả vùng này. Mối quan hệ làm ăn giữa Phòng với thằng Tịnh cũng bắt đầu vào khoảng đấy. Đại ý Phòng hiệp lượng thằng Tịnh đuổi “đối thủ” của Phòng đi thì Phòng sẽ cung cấp rượu và bồi dưỡng tiền cho nó. Với thằng Tịnh, cứ có rượu là được việc. Nó có ngán gì ai đâu.

Đầu tiên, nó đi làng trên ngõ xóm phao tin đồ ăn quán lão Biện có tẩm thuốc độc. Lúc đầu chẳng ai tin nhưng nói nhiều đâm ra người ta cũng nghi ngờ. Người ta thấy không phải là không có lý, thì chẳng ông nọ ăn ở quán lão Biện về nửa đêm đi viện đấy thôi. Chẳng như cái nhà kia làm ở huyện, cũng mê bóng ban, ghé quán lão Biện mấy bữa mà về phát hiện ra bệnh ung thư sắp chết. Rồi thì nhiều sự chuyện kỳ lạ lắm. Vợ lão Biện vốn xuất thân từ làng Thiên Sơn - cái làng trước đây người ta vẫn đồn hay cho thuốc độc vào thức ăn để đi bán, ai ăn đồ người làng đấy một lần là kiểu gì cũng phải quay lại mua nhiều lần nữa. Cứ kháo ầm như thế, ai cũng thấy kinh. Ai chả sợ chết. Khách tới quán lão Biện lâu dần thưa hẳn. Thấy không còn làm ăn được, cha con lão Biện lủi đi, để lại cái lán hoang.

Phòng khấp khởi mừng được ít lâu thì vợ chồng bà Nương dọn tới. Ông Nương bị tai biến, cánh tay phải gần như liệt hẳn chỉ còn bàn tay trái cử động hạn chế, thành thử gần như mọi việc đều đến tay bà Nương. Cũng phúc cho ông lấy được bà vợ “bặt”(*), việc gì đến tay cũng xong, lại nhanh mồm nhanh miệng. Lại có con cháu tên Hiền vừa mới nhõn 17, dáng cao, da trắng, phụ việc. Thành ra quán mới mở mà khách đã vào ra nhộn nhịp. Có những hôm khách đông, vợ chồng ông và đứa cháu ngủ luôn tại lán. Phòng chỉ đường cho thằng Tịnh qua ghẹo cái Hiền và bà Nương ngủ. Nó chỉ thập thò ở cửa lán rồi “đĩ miệng” gọi “em Hiền với em Nương dậy đi chơi với anh, lão già vô tích sự đó thì làm ăn được gì”. Ông Nương uất, máu dồn lên mặt phừng phừng mà không làm được gì, vừa chửi vừa đá mấy can nhựa về hướng thằng Tịnh. “Quân mất dạy! Quân láo toét! Bố mẹ mày vô phúc mới đẻ ra cái ngữ như mày”. Nào thằng Tịnh nó màng gì, nó nghe người ta chửi riết đâm ghiền. Nó cười khoái trá, ông Nương hất cái can nào nó giơ tay đỡ cái đấy. Rồi nó ném lại. Nó lại cười ha hả.

 Không ai chấp thằng điên nhưng ông Nương chấp. Cái câu vô tích sự phát ra từ miệng thằng Tịnh vô tình chạm vào lòng tự ái bao lâu chìm nghỉm của ông. Ở đây để nó khinh, không phải mỗi thằng Tịnh - ông Nương bảo bà Nương. Lúc đầu ông kêu đóng quán về sớm nhưng khổ nỗi dân đá bóng toàn tới chiều muộn, đá cho nhễ mồ hôi, đèn cao áp bật rồi mới ra nhậu. Đóng quán về sớm thì khác nào đuổi khách. Ông Nương lại nghĩ, nếu cứ mở tới tối muộn, cái chỗ rừng rú vắng vẻ này ai biết còn có ma quỷ nào tới. Ma không sợ mà sợ người. Lúc đó 2 đứa đàn bà con gái phải làm sao? Thế là ông Nương một hai kêu dẹp. Quán ông bà Nương với cô cháu Hiền đóng cửa từ đó.

*

Phòng cứ tưởng yên ổn để làm ăn thì cỡ được đâu hơn tháng, cái lán lại có chủ mới. Đó là bố con nhà Sướng. Sướng người thấp đậm, có vết thẹo mờ mờ dưới mắt phải, nghe đâu hồi xưa đánh nhau bị bắt đi cải tạo. Lại có người đồn Sướng là anh em xã hội của thằng Thức, không ở nước ngoài nữa về nước trước dọn đường cho thằng Thức về sau này. Thì dân tình cứ đồn vậy thì Phòng nghe vậy nhưng xem chừng phải dè chừng, coi bộ lần này không dễ hù dọa như mấy lần trước. Mà quả thế thật, cái bộ loạng quạng hay gây sự của thằng Tịnh xem ra không có tác dụng với Sướng. Vừa thấy thằng Tịnh tới, quăng cái xe đạp ở cổng, điệu bộ lè nhè đi vào, Sướng đã chạy ra miệng cười tươi:

Ơ anh Tịnh, ngồi xuống chơi, tôi còn để phần nguyên cho anh bát cháo lòng đấy! Anh em cứ bảo kiểu gì anh cũng đến, thật đúng như là!

Thằng Tịnh ngỡ ngàng, xoa bụng cười khoái trá. Trần đời trước giờ thấy nó người ta không chửi thì cũng phớt lờ. Nó chỉ có đi ăn xin, ăn cắp hoặc ăn cướp chứ có bao giờ được mời ăn công khai thế này đâu.

Sướng dọn riêng cho Tịnh một bàn, bày lên bát cháo lòng đầy ụ, còn kèm đĩa rau thơm. Chao ôi, thằng Tịnh khoái phải biết, cái đời khốn nạn, giẻ rách của nó hóa ra cũng có ngày được đối xử ra vẻ con người như thế. Thằng Tịnh bê bát cháo lên húp sột sột, vừa sung sướng ra mặt. Ăn xong nó đứng dậy “Chào anh em, Tịnh về”, ai cũng ngẩng lên chào lại, rõ phấn khởi.

Lần khác, gặp Tịnh trên đường đi xuống huyện, Sướng dừng xe hỏi han rồi mời Tịnh chiều ghé lán ăn giỗ. Hôm đấy, phải tới khuya thằng Tịnh mới đến. Nó đằng hắng giọng, đá đá chân vào cái thùng rác phía trước. Sướng bật đèn, bước ra, vẫn đon đả như thường thấy.

Mong mãi chẳng thấy anh tới, tôi vẫn còn để phần anh ít xôi với rượu đấy.

Rồi Sướng kêu thằng bé con chạy vào trong lán cầm ra cái túi bóng, trong đó vắt sẵn nắm xôi, mấy miếng thịt gà và nửa chai rượu đế.

Nhưng thằng Tịnh vốn dĩ không bình thường, rượu u mê nó. Vừa cho nó ăn lúc sáng, chiều nó đã quay sang chửi. Cả cái làng này ai lạ gì nó. Lật mặt hơn chảo chớp.

Lần này nó mặc cả với Phòng 2 lít rượu và 500 nghìn. Ai bảo nó không biết gì, có mà nó bán mình có ngày.

- Mày muốn tao làm gì?

- Làm gì cũng được, đốt lán nó cũng được! - Phòng cáu kỉnh.

Đó là câu buột miệng của Phòng nhưng thằng Tịnh lại không nghĩ thế. Ra cổng, nó bê luôn 2 chai xăng Phòng để trước quán. Nửa đêm, nó đạp xe tới lán nhà Sướng.

Thằng Tịnh rưới xăng xung quanh lán. Rồi nó châm bật lửa. Lửa cháy phừng phừng. Nó đứng cười ha hả. Nhưng sao lửa cháy mà không có ai chạy ra. Nó hét to: Cháy rồi, cháy rồi, chạy đi, Sướng ơi chạy đi! Đáp lại tiếng gào của nó là tiếng trẻ con khóc và tiếng chó sủa. Hôm nay Sướng vào huyện nhập hàng, chỉ có thằng bé con ở nhà. Thằng Tịnh lao vào trong cái lán đang cháy, nó ôm lấy đứa bé con đang khóc rấm rứt ở góc giường, bế thốc ra ngoài đường. Thằng bé mếu máo “Con chó”. Thằng Tịnh chạy vào trong lần nữa, nhưng lần này không thấy quay trở lại. Nó chết cháy trong cái lán. Người ta tìm thấy nó vẫn ở tư thế đang ôm cái lồng chó. Hôm đưa đám ma, có người cảm thán “Cái thằng, sống vầy, mà chết lại để cho đời thấy thương”.

(*) Bặt: tháo vát.

Nguồn: Tạp Chí Văn Nghệ TP.HCM

Bài viết liên quan

Xem thêm
Người đàn bà bên kia sông – Truyện ngắn của Văn Giá
Làng tôi nằm sát con sông Thương. Từ chân đê vào làng đi qua một con đường đất nhỏ, hai bên trồng phi lao, cắt qua cánh đồng. Khoảng cách từ làng ra sông không quá xa. Người lớn ở trên đê, mỗi khi có việc gì gấp, gọi vọng vào trong làng vẫn có thể nghe thấy, nhất là khi gặp gió xuôi thì rõ mồn một.
Xem thêm
Rome còn thơm mùi Oải hương - Truyện ngắn của Thu Trân
Chuyên mục Đọc truyện ngắn hay trên báo Văn nghệ
Xem thêm
Cọng rơm - Truyện ngắn của Bùi Thị Huyền
Trở về thăm làng sau mấy chục năm tha phương cầu thực, Mỳ vui và hân hoan như chưa hề xảy ra những biến cố trong cuộc đời mình. Nói là về thăm làng nhưng thực ra cái làng Trà đó không phải nơi chôn nhau cắt rốn của cô. Nó là quê, cái nơi cách đây đã lâu lắm rồi, Nhân - một nửa của Mỳ ngày nào, sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà nhỏ dưới chân núi Trà, ngọn núi chơ vơ giữa vùng đồng bằng duyên hải.
Xem thêm
Tìm cha - Truyện cực ngắn của Lê Thanh Huệ
Nguồn: Giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Thế giới mới (1993 – 1994)
Xem thêm
Bông hoa của bản – Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Trang
Tiếng khóc thút thít của Mai vọng từ phía buồng lại, xóa tan sự tĩnh lặng của đêm. Páo ngồi bên bếp, nồi nước đang sôi ùng ục bốc khói, tay Páo cầm thanh củi cời những viên than hồng rực, ánh mắt vô định nhìn những ngọn lửa bập bùng cháy cũng như lòng Páo lúc này đang không yên. Páo muốn đi vào trong phòng Mai, nói với Mai rằng hãy đứng dậy và bỏ đi cùng anh. Hãy bỏ lại tất cả cuộc sống hiện tại để đến một nơi khác bắt đầu cuộc sống mới như đôi chim cu tự xây tổ mới cho mình, như đôi hoẵng chạy vào rừng sâu sống cuộc sống yên bình… Từ nhỏ Páo đã chứng kiến Mai khổ quá rồi, giờ nếu tiếp tục để Mai chịu khổ hơn nữa anh thấy mình càng vô dụng như khúc gỗ dưới sàn nhà, như cây lá han trong rừng.
Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa
Truyện ngắn của NGUYỄN XUÂN VƯỢNG
Xem thêm
Làng quê đang trôi
Khoan giếng trên đồi. Giở mảnh giấy ghi nhì nhằng những cuộc hẹn nhận qua điện thoại, hắn rút bút bi gạch ngang, tay co giật, run run, đường gạch ngoằn ngoèo. Hắn khựng lại, gãi gãi tai, nhưng rồi cũng lên đường.
Xem thêm
Gió chướng lạnh lùng, mưa rung lá hẹ – Truyện ngắn của Triệu Vẽ
Lâu lắm rồi đêm nay bà Sáu mới lại nghe một tiếng vạc sành đơn côi, trong cái hơi lạnh rờn rợn của mùa gió chướng. Không hiểu sao bà muốn lên bàn thờ đốt cho ông Sáu cây nhang. Con dâu bà nó cứ càm ràm mùi nhang giờ toàn hóa chất độc hại, hay má chuyển sang nhang điện. Bà không ưng. Bà thích hửi cái mùi nhang khói thiệt lẩn quẩn trong nhà, trong gian thờ vào lúc chạng vạng, nghe ấm cúng bình an không có tả được.
Xem thêm
Chợ phiên Mèo Vạc – Tạp văn của Nguyễn Duyên
 Ai đã từng đến chợ phiên vùng cao? Tôi chưa từng đến chợ phiên vùng cao nên tôi rất mong mỏi. Khi trên xe ô tô nhà thơ Trần Đăng Hào chủ tịch Hội VHNT Ninh Bình thông báo với anh chị em: Ngày mai có chợ phiên Mèo Vạc đó. Lòng tôi dâng lên bao cảm xúc đợi chờ chợ phiên tới!
Xem thêm
Em sẽ gây tai nạn
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Cô gái có khuôn mặt trăng rằm Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra. Là người lính đã trải qua mấy cuộc kháng chiến, được đào tạo, học hành bài bản, ông Hữu không tin vào sự mù quáng, vô căn cứ. Nhưng thế giới tâm linh là điều ông đặc biệt quan tâm. Điều gì con người chưa có khả năng khám phá, lý giải thì đừng vội phủ nhận. Hãy nghiêm túc tìm hiểu nó với thái độ đúng đắn nhất. Ông Hữu thường nói với cấp dưới như thế.
Xem thêm
Gọi mãi tên nhau
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chuyện ngày cuối năm - Truyện Ngắn Cát Huỳnh
Nhìn hắn bây giờ với dáng vẻ đường bệ. Nếu là người lạ chắc thế nào cũng lầm tưởng hắn là một cán bộ cấp cao ở tỉnh.
Xem thêm
Triết gia miệt vườn – Truyện ngắn của Vương Huy
 Lão Bần nâng ly trà lên miệng nuốt đánh ực một cái, lão gằn giọng nói: Tôi đọc triết từ thời trẻ và tôi rất mê Bùi Giáng. Nhưng sau nầy nghĩ lại, nếu Bùi Giáng viết ít lại sẽ hay hơn. Tôi thích triết Heidegger vì triết ổng sâu kín.
Xem thêm
H’un - Truyện ngắn của Hồng Chiến
Buôn K’sia hôm nay họp bàn về việc xây dựng nông thôn mới. Ông Chủ tịch Phường nói rất nhiều, rất dài về Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới đang thực hiện ở tỉnh nhà và thành phố của chúng ta. Ông cho biết thêm: Nhà nước đầu tư bảy mươi phần trăm kinh phí làm đường đổ bê tông, dân góp còn lại. Có đường mới, đi lại thuận tiện thì những sản vật làm ra mới có nhiều người đến mua, dân mới đỡ khổ. Cán bộ nói nhiều, toàn điều hay, cuối buổi, ông buôn Trưởng chốt lại: muốn có đường đi sạch sẽ, thoáng đãng thì dân phải… góp đất.
Xem thêm
Trăm năm hương Tết vẫn còn - Truyện ngắn Nhật Hồng
“Tết đến, già trẻ trai gái đều nô nức đón mừng, dù điều kiện kinh tế gia đình mỗi người có khác nhau, nhưng hương tết vẫn nồng nàn tha thiết, sum vầy cùng với bánh ngọt và hoa thơm”.
Xem thêm
Ngôi sao lấp lánh
Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân
Xem thêm
Gió bãi trăng ghềnh – Truyện ngắn của Tống Phước Bảo
Má mày bị đánh đĩ rồi Nhơn ơi! Chưa kịp hiểu gì Nhơn đã bị Ngỡi lôi tuột ra chiếc xe đạp cũ mòn. Chiều in bóng trên bờ ruộng hai đứa nhỏ hấp tấp chở nhau đi như trối chết.
Xem thêm
Nữ bưu tá – Truyện ngắn của Hữu Đạt
Mỗi lần đến đơn vị bộ đội phòng không đưa thư hoặc báo, Phương để ý thấy một người – một người duy nhất – chỉ đến rồi lại ra về, với vẻ mặt trầm buồn. Đơn giản là chưa bao giờ Phương thấy anh ta nhận một lá thư, hoặc gói bưu phẩm của ai đó gửi cho cả.
Xem thêm