TIN TỨC

Giải mã nhà văn Nguyễn Bình Phương

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-10-02 18:43:12
mail facebook google pos stwis
276 lượt xem

ĐẠT NHI

Được đánh giá là nhà văn đương đại hàng đầu Việt Nam hiện nay, văn chương của Nguyễn Bình Phương vẫn luôn là một bài toán khó với đa số độc giả. Để đọc hiểu Nguyễn Bình Phương, người ta cần một bộ chỉ dẫn vừa phân tích, bình luận, vừa phát lộ ra những tảng băng chìm mà tác giả cất giấu trong mỗi tác phẩm.

Năm 2021, tiểu thuyết Một ví dụ xoàng của Nguyễn Bình Phương đã được trao tặng Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Một năm sau nhân sự kiện này, Viện Văn học và Hội Nhà văn Việt Nam đã phối hợp tổ chức tọa đàm Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương trong chuyển động của văn học Việt Nam đương đại. Đông đảo các nhà văn, nhà lý luận, phê bình văn học tham dự tọa đàm đã phân tích, đánh giá một cách khách quan văn nghiệp Nguyễn Bình Phương từ những hướng tiếp cận mới mẻ, hiện đại.


Nhà văn Nguyễn Bình Phương và lần hiếm hoi xuất hiện trong buổi tọa đàm về tác phẩm của mình.

Đó là cơn cớ để cuốn sách Nguyễn Bình Phương, những mê lộ nghệ thuật ra đời. Ngoài một số tham luận tiêu biểu trong tọa đàm, “bộ giải mã văn chương Nguyễn Bình Phương” này còn bổ sung một số bài viết của các nhà văn, nhà phê bình về tác giả Mình và họ để giúp bạn đọc hiểu hơn về sự đa dạng trong sáng tác của anh.

Nhiều người đọc văn Nguyễn Bình Phương thường có cảm giác không theo kịp lối viết phức tạp và đầy biến ảo của Người Thái Nguyên ở Palestine (tên một bài phỏng vấn Nguyễn Bình Phương). Đó cũng là một trong những nguyên do khiến người ta có cảm giác văn Nguyễn Bình Phương khó hiểu. Theo giải thích của PGS.TS Lê Dục Tú, đó chính là lối viết “phản truyền thống” mang tính biểu đạt cao với một hệ thống cấu trúc từ vựng và cấu trúc ngữ pháp câu mang những nét đặc trưng riêng biệt.

Đỗ Hải Ninh cũng cho rằng: “Nếu dùng những công cụ lý thuyết truyền thống để đọc Nguyễn Bình Phương thì sẽ không giải quyết được bởi rất khó để trả lời tác phẩm của ông có phản ánh đúng hiện thực hay không, viết về đề tài gì, cốt truyện ra sao, nhân vật điển hình nào?”.

Vậy thì làm sao để có thể lý giải và chạm vào thế giới văn chương của Nguyễn Bình Phương? Theo TS. Đỗ Hải Ninh, việc dùng đến những công cụ lý thuyết mới như hậu hiện đại, phân tâm học, huyền thoại học, lý thuyết biểu tượng, lý thuyết chấn thương, lý thuyết diễn ngôn, lý thuyết trò chơi… là cần thiết. Và rằng đây không phải là “gán vào” hay “phong thánh” cho tác giả, mà là những cách giải mã một hiện tượng văn chương phức tạp trong một giai đoạn văn chương mới.

Với mỗi một bài viết trong sách, người đọc sẽ được cung cấp một chìa khóa để mở cánh cửa nghệ thuật được đánh giá là “phức tạp, mê hoặc, dẫn dụ, tầng tầng lớp lớp nghĩa” trong văn và cả thơ Nguyễn Bình Phương.

Đơn cử, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp khi nói về tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương đã nhấn mạnh đến tính nhịp điệu của truyện kể.

Ông cho rằng: “Đó là thứ nhịp điệu gắn liền với mỹ học thăm dò vô thức của Nguyễn Bình Phương. Nhịp điệu tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương có chức năng bộc lộ những mạch chảy khác nhau của đời sống, trong đó, phần lớn là mạch chảy của đời sống vô thức, nơi diễn ra những giấc mơ không đầu không cuối. Trong sáng tác của Nguyễn Bình Phương, bóng đêm được nhắc đến nhiều lần. Cũng bởi không có gì bí ẩn bằng đêm, không có gì gợi dục và ma quái như đêm. ‘Đêm’ cũng là loại không gian đồng lõa/tương thích với trạng thái mộng du, kích hoạt những ẩn ức được giấu kín bởi ‘ngày’. Đây là cách Nguyễn Bình Phương thám hiểm cuộc sống ở tầng đáy của nó. Tầng sâu thẳm ấy của hiện thực, dĩ nhiên, khó có thể tìm thấy trong cách miêu tả theo hệ quy chiếu của chủ nghĩa hiện thực truyền thống”.

“Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương đầy ám ảnh, tượng trưng. Đọc nó ta phải chuẩn bị tâm thế tự hỏi và tự đáp cái gì, vì sao”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định. Ông cũng cho rằng: “Thơ Phương chối bỏ lối luận lý, giãi bày, anh nhấn sâu vào vùng cảm liên tưởng, để những hình ảnh tự cho người đọc nắm bắt”.

Nói lại là, Nguyễn Bình Phương là tác giả duy nhất cho đến nay được nhận hai giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Hà Nội trao tặng, một cho thơ và một cho văn. Tập thơ đoạt giải Buổi câu hờ hững của Nguyễn Bình Phương được Phạm Xuân Nguyên bình luận: “Đó là một thứ văn thơ không đơn giản, không rõ ràng theo kiểu thẳng đuột, dễ hiểu, mà có tính chất dẫn dụ, khơi gợi, đi vào bề sâu thực tại và tinh thần. Anh có ý cách tân thơ nhưng không ồn ào ở hình thức mà chú trọng ở cái nhìn, đem lại cho thơ một vẻ đẹp trầm tư”.

Ngay từ khi mới xuất hiện, Nguyễn Bình Phương đã là một “ca” vừa lạ vừa khó của văn học Việt Nam.

Trên thực tế, khi Nguyễn Đình Chính tiên đoán “Sẽ chẳng có ma nào đọc Ngồi” (Ngồi là tên một tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương) thì thực tế diễn tiến hoàn toàn ngược lại.

Đỗ Hải Ninh công bố: “Theo quan sát của chúng tôi, tại Thư viện Đại học Sư phạm Hà Nội có khoảng 40 luận văn, bài viết về Nguyễn Bình Phương được lưu trữ, tại Thư viện Đại học Sư phạm Hà Nội 2 có khoảng 17 luận văn nghiên cứu Nguyễn Bình Phương hoặc so sánh Nguyễn Bình Phương với các nhà văn đương đại. Các tác phẩm của Nguyễn Bình Phương hầu như đều đã được tái bản 2-3 lần, điều đó cũng cho thấy nhu cầu đọc Nguyễn Bình Phương của công chúng không ít”.

Nguồn: Báo Tiền Phong

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nhớ những nhà văn áo lính đã về miền mây trắng
Nguồn: Văn nghệ quân đội, số tháng 12/2023.
Xem thêm
Lần đầu gặp ông nhạc sỹ Làng lúa làng hoa
Nguồn: Thời báo Văn học & Nghệ thuật
Xem thêm
Duyên văn - duyên đời của một nhà văn
Nguyễn Ngọc Ký quê Hải Thanh, Hải Hậu, Nam Định; bị liệt đôi tay từ năm bốn tuổi, bảy tuổi đi học dùng chân viết; hai lần được Bác Hồ thưởng huy hiệu vì thành tích vượt khó, học giỏi.
Xem thêm
Dì Thanh Hà...
Chuyện về con trai nhà thơ Chế Lan Viên viết bài hát tặng cô giáo.
Xem thêm
Ân sư của vợ tôi
Bài viết của nhà văn Đặng Chương Ngạn về PGS - Nhà giáo ưu tú Chu Xuân Diên
Xem thêm
Nguyễn Hiến Lê - người thầy không đứng lớp của tôi
Nguyễn Hiến Lê (1912-1984), tự Lộc Đình, người làng Phương Khê, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây (nay là huyện Ba Vì, Hà Tây).
Xem thêm
Ông ‘Thiềm Thừ’ Nam Bộ: Trần Kim Trắc
Nhà văn Trần Kim Trắc là một “ca” hết sức đặc biệt. Ông viết rất hay từ những truyện đầu tiên tới những truyện cuối cùng. Văn của ông, mọi người đều ngay lập tức cảm mến và tìm thấy ở đó sự trong sáng, chân thành, sâu sắc. Ông xuất hiện trở lại với truyện ngắn “Ông Thiềm Thừ“, sau đó in thành tập và đoạt giải thưởng Hội Nhà văn năm 1995.
Xem thêm
Nguyễn Thế Khoa, “một đời đam mê, một đời bão tố” & không phải tay vừa!
Bài viết về nhà báo Nguyễn Thế Khoa, TBT tạp Văn hiến Việt Nam.
Xem thêm
Văn Cao - Một lòng vì tổ quốc
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ - nhà thơ Văn Cao (15/11/1923 - 15/11/2023)
Xem thêm
Trưng Nữ Vương - Bản hùng ca độc lập dân tộc
Sau khi bộ Tiểu thuyết lịch sử Trưng Nữ Vương 02 tập được xuất bản, nhà báo Nguyễn Thị Bích Ngọc đã có trò chuyện với nhà văn Phùtng Văn Khai xoay quanh bộ tiểu thuyết này.
Xem thêm
Lê Thị Kim - Khi tình yêu đến với thi ca và hội họa
Videoclip Lê Thị Kim - Khi tình yêu đến với thi ca và hội họa và chương trình Thi ca điểm hẹn: Lê Thị Kim sâu thẳm tình đầy của VOH.
Xem thêm
Nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành: Trái tim nóng và cái đầu lạnh
Nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành vừa ra mắt hai tập thơ lục bát “Đồng sen tàn” và “Mẹ” vào những ngày mùa thu đang độ chín.
Xem thêm
Bảo Ninh viết về chiến tranh là viết về hòa bình
Nhà văn Bảo Ninh tác giả tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh cho biết viết về ký ức thời lính là một cách ông làm hòa nỗi đau quá khứ.
Xem thêm
Tiên ông đi xe đạp
Bài viết về PGS - Nhà giáo ưu tú Chu Xuân Diên
Xem thêm
Lê Thị Kim - Nữ sĩ đa tài
Kỷ niệm 93 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2023)
Xem thêm