TIN TỨC
  • Truyện
  • Hai mươi năm và hai cuộc gặp

Hai mươi năm và hai cuộc gặp

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-07-23 16:06:36
mail facebook google pos stwis
581 lượt xem

HOÀI HƯƠNG

1.

Đêm trăng rằm trong khu tập kết 100 ngày ở Cao Lãnh, Đồng Tháp Mười, Long Châu Sa (Đồng Tháp), theo Hiệp định đình chiến Geneve năm 1954, má Sáu mới 25 tuổi, một tay dắt thằng Hai lên năm, một tay níu quai ba lô của chồng đang bồng thằng Út lên bốn, bịn rịn không dứt ra được. Chồng má theo đơn vị ra tập kết miền Bắc cùng thằng bé Hai.

- Mình à, anh đi, mình về ngoại, có má có mấy dì cũng đỡ. Chớ ở lại nhà, đơn chiếc, không có ai, có bề gì, anh lo dữ lắm.

- Dạ, em cũng tính vậy. Mình đừng lo cho em. Ráng chăm sóc thằng bé Hai. Mà nghe nói đi có hai năm thôi…

- Không chắc được đâu mình, anh nghe chính ủy sư đoàn nói, mọi sự không đơn giản, hãy chuẩn bị tinh thần nhiều lần “hai năm”... Mình ở lại cũng ráng thật bình an, đợi anh và thằng bé Hai về nhen.

Mà đúng thế. Má Sáu lận tiếng thở nặng sâu vào lồng ngực chực buột ra. Cái “hai năm” kéo dài tới không biết bao lần. Má nhớ, đêm tiễn chồng cùng thằng Hai. Nước mắt lặng lẽ lăn dài, má nhìn con tàu nhòa nhoẹt từ từ rời bến. Tiếng hú tiễn biệt dài dặc, ngun ngút buồn, đầy bất an. Tàu đã đi xa rồi, chỉ còn sóng nước mênh mông, mà má và thằng Út cùng rất nhiều người vợ người má khác cùng bầy con nhỏ vẫn nán cả buổi trời, không muốn rời chút hơi ấm người thân vương vất trong mấy chòi lá, gốc cây, khăn áo, không gian... Ai cũng linh tính, sự trùng phùng sẽ xa xôi lắm, lành ít, dữ nhiều. Ngay cả họ, ở lại là biết sẽ phải đương đầu với bao nhiêu thử thách.


Minh họa:  Trương Đình Dung

“Hai năm” đầu tiên, má Sáu bồng thằng Út về quê ngoại ở Kiên Giang. Việc một thiếu phụ còn trẻ ôm một đứa con, chồng không rõ lai lịch, khiến ai cũng nhìn với ánh mắt ngờ vực làm má thấy trong lòng cào xáo lo sợ không an. “Hai năm” thứ ba, Luật 10/59 cùng tòa án quân sự lưu động của chính quyền Sài Gòn, lập các ấp chiến lược dồn dân ở nông thôn hòng hạn chế quân Giải phóng xây dựng cơ sở hoạt động, ngăn chặn người dân tiếp tế cho du kích gieo rắc kinh hoàng từ vĩ tuyến 17 trở vào. Ngó bề khó sống yên, má Sáu quyết định dắt thằng Út trở lại quê nội của sắp nhỏ ở Củ Chi, móc nối với bên cách mạng, tham gia đội quân du kích quyết giữ gìn “đất thép thành đồng” ở cửa ngõ Sài Gòn này.

Tới lần thứ 5 của “hai năm”, khi thằng Út mười lăm tuổi, má gởi nó vào Sài Gòn ở nhà bà con bên ngoại để học lên trung học đệ nhị cấp. Củ Chi, cuộc chiến tranh bước vào hồi khốc liệt. Mĩ đổ quân vào miền Nam Việt Nam thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Má cùng đồng đội kiên cường trước biết bao trận càn lớn nhỏ, bao lần tưởng vùi mình dưới các trận bom hạng nặng, pháo kích cấp tập hàng giờ, xe tăng Mĩ càn ủi, những cuộc đổ bộ hành quân “tìm và diệt”, đặc biệt là chiến dịch Cedar Falls - chiến dịch “Bóc vỏ Trái Đất”, hòng làm trắng toàn bộ Củ Chi, nơi “gốc rễ” căn cứ của chủ lực quân Giải phóng miền Nam.

Lần thứ 7 của “hai năm”, Tết Mậu Thân năm 1968, má được biết chồng mình đã trở vào Nam chiến đấu, đang chỉ huy một cánh quân đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất. Ở Củ Chi, má cùng đồng đội cũng vào trận. Nhiều lúc má thầm thì với chính mình “Mình ơi, em chia lửa nè, mau chiến thắng, mình gặp nhau nghen”. Rồi má trông hoài, hết đợt một Mậu Thân, dù giao liên đã móc nối, nhưng tình hình quá căng, không thể tổ chức đưa đón được. Quân lính Sài Gòn tăng cường chốt chặn các cửa ngõ vào thành phố từ lộ lớn, lộ nhỏ tới các cửa sông, bến tàu thuyền… Cho tới một bữa, vào cữ tháng 7 Vu lan, má hay tin báo chồng đã hi sinh khi đánh vào Sài Gòn đợt hai. Đất trời sụp xuống, có ai dè lần chia tay 14 năm trước là lần sau cùng hai người gặp nhau. Những hẹn ước đợi chờ khắc khoải, kẻ đêm Nam người ngày Bắc, rồi đêm Bắc ngày Nam, có đâu tưởng gần nhau đến thế, cách vài chục cây số, chỉ vài giờ chạy xe gắn máy. Vậy mà… Tim má quặn đau, cảm giác như chính mình bị trúng đạn.

Thêm một tin sét đánh rơi xuống đầu má, trong Sài Gòn tin ra cho hay thằng Út vừa đậu tú tài đã bị bắt quân dịch và đưa lên trường Võ bị quốc gia Đà Lạt học sĩ quan. Má buồn buốt ruột, thấy mình có lỗi với chồng. Làm sao có thể để con mình trở thành kẻ phản nghịch cầm súng bắn lại má, anh Hai, đồng đội của ba nó… Má vội tìm cách vào Sài Gòn. Nhưng ngay cửa ngõ, má suýt nữa bị bọn chỉ điểm bắt, may mà giao liên nhanh trí, đưa má quay lại, đi tắt đường khác. Má về cứ mà trong lòng không lúc nào yên, vừa buồn con, vừa tự giận trách, dằn vặt bản thân sao hồi đó lại đưa con vào Sài Gòn học làm gì, sao không gởi nó ra cứ theo Giải phóng, rồi học trong rừng có sao đâu…

Lần thứ 9 của “hai năm”, năm 1972, má nghe tin thằng Hai ở Hà Nội, vừa tốt nghiệp đại học ở nước ngoài về, biết ba hi sinh, má là chỉ huy du kích Củ Chi, đã quyết định tình nguyện nhập ngũ, xin được vào Nam chiến đấu. Và không biết đi bằng con đường nào, má nhận được thư thằng Hai, nói đơn vị nó vừa vượt sông Bến Hải đánh chiếm Quảng Trị. Lúc này, thằng Út cũng vừa tốt nghiệp trường Võ bị quốc gia Đà Lạt, mang quân hàm thiếu úy, và lập tức bị điều ra miền Trung, tung vào cái chảo lửa chiến trường Quảng Trị đang nóng rực. Xa nhau 18 năm, trời ơi, có khi nào anh em nó... Má không dám nghĩ thêm. Đêm đêm má thắc thỏm lo âu, đợi khuya lén mở nghe radio tin chiến trận cả đài Sài Gòn và đài Giải phóng, rồi thức trắng trong sự bất lực, chỉ biết thắp cây nhang bàn thờ chồng, mong ông phù hộ các con bình an, mong anh em nó đừng gặp nhau trong chiến trận.

 

2.

Sau khi đánh sập cầu Đông Hà, sư đoàn tiếp tục áp sát các mục tiêu để tiêu diệt, dọn đường cho các đơn vị chủ lực khác đánh chiếm, thọc sâu hơn. Thật khuya, chiến sĩ trực cơ yếu sư đoàn bắt được tín hiệu trên tần số lạ - tần số của đối phương, nhưng là một câu chào theo quy ước chỉ có đám cơ yếu các sư đoàn quân chủ lực quân Giải phóng mới biết, để tìm cách nhận ra nhau, mỗi khi có chiến dịch cho dễ liên lạc hợp đồng tác chiến và tránh bị nhầm lẫn với đối phương. Khá dè dặt, người chiến sĩ cơ yếu đáp lại, ngay lập tức nhận một dòng trao đổi ngắn, muốn được trực tiếp gặp sư trưởng. Anh vội báo cáo cho chỉ huy trưởng của mình, và được lệnh, mời ngay sư trưởng sang phòng cơ yếu. Cũng không rõ hai bên trao đổi gì, một lát sau, sư trưởng cho gọi anh vào.

- Đồng chí có biết hệ mật mã Mĩ?

- Dạ, báo cáo, tôi đã được học nhưng chưa dùng bao giờ.

- Vậy có khi nào quên?

- Dạ, thưa không.

- Tốt! Giờ thì ngay lập tức phát tín hiệu chuẩn bị nhận tin.

- Báo cáo! Rõ!

Đó là một bản tin dài, rất chi tiết về vị trí, hỏa lực và cách bố phòng, những điểm “mù”, các đơn vị phối thuộc, những khung giờ được yểm trợ pháo và máy bay ném bom từ các căn cứ quân sự Mĩ… ở căn cứ Tân Lâm, sở chỉ huy Trung đoàn 56 quân đội Sài Gòn. Đây cũng chính là hướng mục tiêu sư đoàn đang nhắm tới trong kế hoạch tác chiến của chiến dịch mà công tác trinh sát vẫn còn gặp khó khăn. Sư trưởng cầm bản tin, nét mặt lộ ra sự vui mừng.

- Tuyệt quá. Thế này thì trinh sát của ta đỡ bao nhiêu công sức.

Và rồi trước khi rời khỏi phòng cơ yếu, sư trưởng vỗ vai người chiến sĩ và nhìn anh bằng một ánh mắt trìu mến khá đặc biệt.

- Giỏi lắm! Cố gắng nhé. Nhắc lại, chuyện bức điện này tuyệt đối giữ bí mật.

Từ thông tin được cung cấp, sư đoàn đã lên kế hoạch tác chiến. Chiến dịch diễn ra thuận lợi. Trung đoàn 56 quân đội Sài Gòn bị đánh tan tác, phải đầu hàng; các vị trí quan trọng được mệnh danh “lá chắn thép”, “pháo đài bất khả xâm phạm”, “con mắt thần điện tử” Mắc Namara… bị xoá sổ. Mấy cố vấn Mĩ vội vàng leo lên trực thăng bỏ chạy về Sài Gòn. Chiến thắng của sư đoàn đã mở cửa mặt trận để các đơn vị phối thuộc tấn công. Quảng Trị được giải phóng.

Sư đoàn được Bộ Tư lệnh miền khen thưởng, người chiến sĩ cơ yếu cũng được đích thân sư trưởng đề nghị cấp trên khen thưởng. Vui, nhưng trong thâm tâm anh vẫn thắc mắc về người truyền tin bí ẩn kia. Anh có chút lo lắng cho số phận của người đó. Trong linh giác của một người công tác ngành cơ yếu, anh cảm nhận có gì đó thân thiết gần gũi rất khó lí giải. Nghe cách thả tín hiệu, những khoảng cách ngắt nhịp, hay cách nhấn xuống dòng hết một câu, một kiểu “nhận diện định danh” cá nhân kiểu chữ kí, chỉ có người học cơ yếu - mật mã truyền tin mới nhận ra được, anh mơ hồ quen quen, lạ lạ.

Hơn một tháng sau, Mĩ và Sài Gòn cùng kết hợp tiến hành một cuộc hành quân lấy mật danh “Lam Sơn 72”, với ý đồ tái chiếm Quảng Trị trước ngày Hội nghị Paris được nhóm họp trở lại, với tham vọng chiếm thế thượng trong đàm phán. Đây là nỗ lực cuối cùng để cứu vãn sự phá sản của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” sau ba năm triển khai theo “Học thuyết Nixon” ở Đông Dương. “Lam Sơn 72” sẽ là trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, là “mùa hè đỏ lửa”, với sự huy động hỏa lực lớn chưa từng có của cả hai bên. Việc nắm thông tin tình báo chiến lược của đối phương càng trở nên cấp thiết và cấp bách. Các đầu mối tình báo kĩ thuật của quân Giải phóng được lệnh phải tìm cách “truy tìm” và “bắt sóng” được các tần số của đối phương để nắm cách bày binh bố trận của quân đội Sài Gòn.
 

3.

Chỉ huy sở của Ủy ban Quân quản Quân giải phóng Quảng Trị vừa được tăng cường một “tân binh” cơ yếu còn trẻ, nghe đâu là người của quân đội Sài Gòn đầu hàng. Không biết thân thế ra sao, chỉ biết là đích thân tư lệnh mặt trận đưa đến, lệnh cho cơ quan tiếp nhận như một chiến sĩ của ta, đồng thời trực tiếp giao nhiệm vụ “bắt sóng”, giải mật các bức điện hành quân chiến dịch “Lam Sơn 72” của quân đội Sài Gòn và Mĩ mà ta thu bắt được.

Nghe tin, đang ngồi rà sóng truy tìm tần số của đối phương, người chiến sĩ cơ yếu bỗng nhớ lại cuộc truyền tin bí ẩn trong trận tiêu diệt Trung đoàn 56 của quân đội Sài Gòn. Có khi nào là anh ta? Có khi nào là thằng Út không nhỉ? Ý nghĩ thoáng trong đầu ấy, nhanh chóng bị phủ nhận. Làm gì có sự trùng hợp ngẫu nhiên đến thế. Nhưng dù sao cũng có chút hi vọng bởi nghe tin nó học sĩ quan Đà Lạt ngành truyền tin, và cũng bị đưa ra đây. Giờ mà gặp liệu mình có nhận ra nó không? Ờ, mà nó giống ba hay giống má, hay giống mình? Bỗng dưng tim anh thắt lại…

Mải suy nghĩ, anh giật thót mình bối rối đứng dậy giơ tay chào khi thấy sư trưởng cùng chỉ huy trưởng của anh vào phòng từ lúc nào.

- Đồng chí chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới.

- Dạ, rõ!

Anh được điều sang phòng cơ yếu của Sở chỉ huy Quân quản để dịch các bức điện của đối phương. Sống lưng anh bỗng có con gì bò rần rần, thoắt lạnh thoắt nóng. Sang đó, là sẽ gặp người “tân binh” kia. Từ sư đoàn bộ sang tòa nhà trụ sở Ủy ban Quân quản chỉ cách vài con phố, ngồi trên xe cùng hai chỉ huy, mà sao anh thấy quãng đường dài thế. Có một sự hồi hộp rất khó diễn tả, không hề giống như lần đầu ra trận, hay lần đầu khoác bộ quân phục Quân Giải phóng trên người, càng không giống như khi chạm chân sang bên này giới tuyến sau những ngày hành quân vượt Trường Sơn.

Sư trưởng bảo anh đứng đợi. Và rồi, trong ánh sáng vàng của bóng đèn phòng khách, một người bước ra. Khoảnh khắc bất ngờ khiến anh lặng đến đơ người. Trước mặt anh là một phiên bản giống hệt anh.

- Anh Hai! Nhận ra Út không?

- Út! Là Út?

- Hai giống hệt ba.

- Còn Út giống hệt Hai.

Hai người nhào vào nhau, ôm dính nhau, đấm vào lưng nhau, vừa khóc, vừa cười, vừa nói, và cả hai cũng không biết mình nói những gì. Niềm vui quá lớn. Mười tám năm xa cách, tưởng rằng mãi mãi không thể gặp nhau. Thì ra sư trưởng đã được biết từ trước, nhưng vì nhiều nguyên tắc mà không thể lộ ra thông tin.

Một bàn tiệc dã chiến lập tức được bày, chỉ trà, thuốc, và một ít món đồ hộp chiến lợi phẩm, nhưng là cả một bầu không khí ấm áp. Dường như trong những giây khắc đó chiến tranh không tồn tại, dù tiếng đạn tiếng pháo vẫn ì ầm ngay trên đầu… Một cuộc đoàn tụ kì lạ trong chiến tranh.

- Làm sao Út lại ở đây?

- Chuyện dài lắm, rồi sẽ kể Hai nghe.

- Cái đêm đó… Hai cứ nhớ hoài người truyền tin. Có cảm giác rất lạ, cách đánh chữ đầu tiên, cách chấm hết câu chào, giống y như kiểu của Hai.

- Ờ, lần đó Út xài tần số đó cũng liều, tần số chỉ dùng khi nguy cấp và chỉ được một lần. Ngay sau đó bị phát hiện, nhưng không còn cách khác, gấp mà. Út cũng lập tức được lệnh rút ra ngoài và được đón sang đây. Bên Sài Gòn cứ nghĩ Út chắc bị bắt…

- Nhưng sao Út biết có Hai?

- Ờ, Út cũng có linh cảm kì lạ. Bữa nghe chỉ huy bên này nói ở một sư đoàn quân Giải phóng có một chiến sĩ cơ yếu giỏi lắm, dịch mật mã đối phương ro ro. Út nghe, tò mò, muốn gặp. Linh tính sao đó. Có lẽ do nghe ba nói là anh Hai học ngành truyền tin ở Liên Xô…

 

4.

Câu chuyện ấy mãi sau này má mới biết. Còn khi đó, má vẫn đau đáu thầm lặng, đắng đót nghĩ về hai đứa con mình đang đối nghịch nhau. Má ăn không ngon, ngủ không yên, luôn thầm kêu chồng phù hộ cho hai đứa đừng có gặp nhau. Hàng đêm má cầu nguyện bình an cho cả hai. Rồi má muốn chết nửa người, đau thấu tâm can khi có tin báo về, thằng Út chết trận, hay mất tích vì không thấy xác. Má đau. Nghĩ tới còn thằng Hai, má mới không theo thằng Út, theo ba nó mà đi luôn. Vừa thương con đứt ruột, vừa giận con sao không nghe mình, vừa hận bản thân tại sao không giữ con lại cho ở với Giải phóng trong cứ mà cho nó vào Sài Gòn.

Nếu như má không gặp được thằng Hai, có lẽ má còn khóc hoài. Tháng 4/1975, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đơn vị của Hai thuộc cánh quân hướng tây - bắc Sài Gòn, nên khi vừa giải phóng hoàn toàn Củ Chi, anh được chỉ huy cho phép về nhà gặp má nửa ngày, trước khi tiếp tục hành quân tiến vào thành phố. Má nhìn thằng Hai, trời, sao mà in hệt ba nó cái ngày hai người quen nhau trong chiến khu. Bỗng dưng cả một trời kỉ niệm hơn 30 năm trước theo về. Rồi má nghĩ đến thằng Út, bỗng thảng thốt, nếu thằng Hai hỏi biết nói thế nào với nó đây. Má đã không tròn lời hứa với ba sắp nhỏ, với thằng Hai. Rồi má sợ, sợ chính điều má hàng đêm nằm mơ… Má muốn xỉu không dám nghĩ tiếp hay hỏi gì.

- Má, con đã gặp thằng Út. Con xin lỗi má.

Má Sáu nghe tới đó, bất chợt rủn hết người, vội buông tay thằng Hai. Má lắp bắp, run rảy:

- Anh em bây gặp nhau trên chiến trường? Rồi anh em bây có bắn nhau?

- Má nghĩ gì mà hỏi dzậy? Hai anh em con gặp nhau thật kì lạ. Má có biết không, thằng Út cũng là người của đàng mình đó.

- Là sao? Chớ không phải nó là lính Sài Gòn?

- Má có biết thằng Út đã gặp được ba không?

- Sao má không nghe nó nói gì. Ba các con hi sinh, má còn không gặp được. Mà sao nó gặp. Đâu, con biết gì kể má nghe.

- Ba vô Sài Gòn, bí mật gặp nó. Rồi ba móc nối giới thiệu nó với các chú các bác. Nghe theo ba, nó vào trường Võ bị quốc gia Đà Lạt, học, để làm việc cho Giải phóng mình. Nó là người truyền tin giúp ta thắng trận đó má.

- Trời! Thằng nhỏ gì kín tiếng quá trời. Má có hay đâu. Cứ trách giận nó hoài. Thiệt má có lỗi với Út con. Mà sao nữa?

- Con xin lỗi má. Con không đưa thằng Út nguyên vẹn về nhà cho má… Cuộc chiến trong Thành Cổ quá ác liệt... Nó nhất định đòi vào đó... Bom đạn cày xới mọi thứ vụn nát… Con có mang theo nắm đất ở đó, gói trong lá cờ Giải phóng mang theo đây, má làm mộ cho thằng Út.

 

5.

Nửa ngày cho hơn 10 lần “hai năm” xa nhau, thật không biết nói gì trước nói gì sau cho đủ, cho hết. Hai má con cứ ôm nhau không muốn xa. Những câu nói rời rạc chưa hết ý, bao nhiêu điều muốn hỏi những ngày hai ba con ở ngoài Hà Nội, những ngày con đi học nước ngoài đơn côi xứ người tuyết rơi buốt giá, những cuộc hành quân vượt Trường Sơn, vào trận chiến đối diện sinh tử, rồi chuyện hai anh em đã có những ngày sống chung nhau một chiến hào, một trận địa, chuyện thằng Út hi sinh ra sao… 20 năm hơn chỉ gói gọn chưa đầy 10 giờ đồng hồ. Rồi má lật bật đi nấu cơm, bắt con gà, quơ mớ rau. Thắp ba cây nhang má vừa khóc vừa cười với di ảnh chồng mình, với thằng Út.

- Tới giờ hẹn đơn vị, con đi nghen má. Còn chút thôi, trận cuối rồi.

- Ờ, trận cuối rồi. Xong trận, hòa bình, hai má con mình tha hồ hủ hỉ với nhau. Má còn cưới vợ cho con nữa. À, mà con đã có bạn gái chưa? Nói má biết, mai mốt má mang trầu cau tới nhà xin rước…

Con đi rồi, má Sáu vẫn lấn bấn ra ra vô vô trong nhà ngoài sân, đụng tới cái gì, chưa kịp làm lại buông. Má còn ngợp, thở không muốn nổi. Má buồn đó, vui đó, đau cũng có, thương cũng có. Bồn chồn lo lắng...

Ngày 1/5/1975, nhà má rất đông người. Toàn bạn bè đồng đội của chồng má, của các con má. Họ đưa thằng Hai về, được gói trong lá cờ Quân Giải phóng. Một viên đạn đã bắn ra từ ngôi nhà cao tầng gần dinh Độc Lập, xuyên qua ngực Hai…
 

Nguồn: Văn nghệ quân đội

Bài viết liên quan

Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm
Đòi nợ - Truyện ngắn Kim Uyên
Phàm ngồi kiểm đi kiểm lại mấy lượt vẫn thấy thiếu tiền. Ngày hôm nay gã bán hết ba mươi ba con vịt nướng, mười bảy con vịt luộc, hai thúng bún, hai kí măng khô cùng nhiều đồ gia vị. Hết hàng là có lãi, vậy mà không một đồng lời, thậm chí còn hụt vốn.
Xem thêm
Chạy - Truyện ngắn Ngô Thị Thu An
“Chạy đi đâu đó một thời gian đi”. Anh bạn thân là bác sĩ khuyên tôi. “Em cần có thời gian để hồi phục nhiều thứ. Cuộc sống bào mòn em quá mức. Không ai có thể giúp em tốt hơn chính em”. Chạy đi đâu? Chạy như thế nào? Trong sự mệt mỏi và ngừng trệ của cả thể xác và tinh thần, những lời khuyên cứ trượt qua tôi, lùng nhùng như trong một mớ sương mù dày đặc vào một buổi sáng lập đông.
Xem thêm
Đêm của âm nhạc
Trích tiểu thuyết “My Antonia” của Willa CatherWilla Sibert Cather (1873 – 1947) là một nhà văn người Mĩ nổi tiếng rộng rãi với những tiểu thuyết viết về vùng biên giới cao nguyên rộng lớn ở miền trung Bắc Mĩ. Bà được coi là một trong những người chép sử biên niên tài năng nhất về cuộc sống của những người tiên phong khai hoang của thế kỉ 20. Tác phẩm hay nhất của bà là My Ántonia (1918). Nguồn: online-literature.com
Xem thêm
Lỗ thủng nhân cách
“Con vua không biết làm vua/ Con sãi ở chùa hỗn chúa lấn ngôi”
Xem thêm
Nhạt - Truyện ngắn Phan Duy
Một xã hội ê chề hiện ra sờ sờ trước mặt như một thằng câm khát khao được nói dù biết chắc là không thể, biết bao cay tủi bổ vào cuộc đời này một cách vô cảm. Thật ra, bản thân nó cũng từng tự lọc mình ra khỏi cái nhiễu nhương sậm màu bi đát.
Xem thêm
Rừng chưa yên tĩnh – Truyện ngắn Trần Quang Lộc
Phong cảnh rừng núi yên bình thoáng đãng như ăn sâu vào máu huyết người dân tộc rồi. Đi đâu, ở đâu, làm chức vụ gì, cuối cùng cũng quay về với núi rừng, sống với núi rừng, chết với núi rừng. Xa núi rừng một buổi cứ thấy nhớ!
Xem thêm
Đưa con về quê
Truyện ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chàng hoàng tử và cánh buồm nâu
Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Xem thêm
Con mèo đốm đen – Truyện ngắn Khuê Việt Trường
Chị gặp nó vào một buổi sáng, đêm hôm qua thành phố có cơn bão rớt, mưa suốt đêm, gió cứ gào qua phố làm chị không ngủ được.
Xem thêm
Hương Bánh Lọt Ngọt - Truyện ngắn Thúy Dung
Cho đến khi gần đất xa trời, ông Tám vẫn nhớ như in cái mùi của món bánh lọt ngọt. Màu xanh của lá dứa, màu nâu của đường mía, màu trắng của nước cốt dừa, khi ăn, nó ngọt thanh, hơi béo, trơn tuột vào đầu lưỡi, dai dai, nhai sơ sơ, nuốt một cái, ngon gì đâu. Đặc biệt là hoàn cảnh ông thưởng thức món ăn lúc đó, một kỷ niệm sâu dậm không bao giờ phai.
Xem thêm
Cha và con – Truyện ngắn của Kim Uyên
 Lão không muốn kéo dài sự cô đơn trong ngôi nhà của mình nữa. Nhưng quyết định rời khỏi căn nhà thân yêu quả là quá khó khăn. Vợ lão chết đã mấy năm nay, vài người hàng xóm khuất xa, bạn bè nhạt nhòa tin tức – lão chỉ một mình!
Xem thêm
Đêm nay anh ở đâu? | Truyện ngắn của Hoài Hương
Tác phẩm đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Đồng trăng – Truyện ngắn của T.Diên Lâm
Mặt trời nhả màu đỏ quạch lên mảnh đá đầu làng, tỏa màu huyết dụ, gã đưa tay nâng điếu tẩu cũ mèm, bám đầy những cợn bã thuốc lâu ngày không cọ rửa, làn khói vẩn đục cuộn trọn quanh mặt gã rồi tản lạc mờ dần, ánh mắt gã nhìn xa xăm, hiện qua làn khỏi mỏng, những mảng da sần sùi, thô nhám chi chít rổ, hằn một vết sẹo dài trông nặng đến khó nhìn.
Xem thêm
Con đò lặng lẽ - Truyện ngắn Lê Thị Việt Hà
Bao giờ cơn gió trở về, mùa mưa nặng hạt, những dòng mương ăm ắp phù sa, cho dòng sông thấp thoáng bóng con đò…
Xem thêm
Cá sấu báo thù – Truyện ngắn của Hồng Chiến
 Những cây gỗ hương cao lừng lững, đứng thành hàng như được xếp vào ô bàn cờ, trải dài trước mắt gần như vô tận. Ngửa mặt nhìn lên không thấy gì ngoài lá và cành cây. Dưới mặt đất chỉ có một con đường mòn dày đặc dấu chân trâu rừng đi giữa các hàng cây.
Xem thêm
Đứa con không về | Truyện ngắn của Bích Ngân
Người sung sướng nhất hẳn là nội tôi. Thoạt đầu bà không tin người đàn ông cao lớn, để ria, mang kính cận đang ôm chầm lấy bà lại chính là thằng Sang sún, người tròn như củ khoai đã rời bà lên tàu ra Bắc khi vừa lên tám.
Xem thêm
Cánh hoa mai | Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Một truyện ngắn thấm đẫm nhân văn về đề tài 30-4 và Thống nhất đất nước.
Xem thêm
Ký ức chiến tranh - Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Thế là lại lỡ một lần nữa. Cả tuần nay, Giang không ra sân được. Giang vào phòng thay đồ rồi vội bấm thang máy xuống phòng cấp cứu.
Xem thêm