TIN TỨC

Hồn xuân trong thơ Hồ Chí Minh

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-02-12 21:18:41
mail facebook google pos stwis
827 lượt xem

NGUYỄN THANH

Nhà thơ Trung Quốc Viên Ưng đã nhận định sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một trí tuệ lớn, một dũng khí lớn, một tâm hồn lớn”. Tư tưởng đúng đắn này được minh họa rõ nét qua cuộc đời hoạt động cách mạng cao đẹp và bằng sự nghiệp văn chương đặc biệt của Bác. Riêng “tâm hồn lớn” của Bác, vị lãnh tụ yêu nước lỗi lạc mang tâm hồn thi sĩ tài hoa được thể hiện trong văn thơ của Người.


Ảnh: Internet

Tập thơ “Ngục trung nhật ký” (chữ Hán), Bác sáng tác khi bị giam giữ trong nhà lao của chế độ Tưởng Giới Thạch từ mùa thu năm 1942 đến mùa thu 1943 và nhiều bài thơ khác bằng chữ quốc ngữ và chữ Hán trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhất là những bài thơ xuân sẽ giúp ta cảm nhận được hồn xuân bàng bạc trong sáng tác của Người.

Đề tài mùa xuân luôn phong phú và vô tận. Thi ca Việt Nam và thế giới xưa nay có nhiều áng thơ xuân tuyệt bút. Nhưng từ một nguồn cảm xúc riêng đậm nét chủ quan, mỗi tác giả đã miêu tả chân dung, suy nghĩ một cách khác biệt về mùa xuân. Vào những ngày đầu năm, trong không khí ấm áp tươi vui của đất trời và cảnh vật, người người hồ hởi viếng thăm, chúc tụng nhau, dù bận rộn việc nước, năm nào Bác cũng không quên đọc thơ xuân chúc mừng chiến sĩ đồng bào cả nước vào đêm ba mươi Tết. Những vần thơ trong sáng, dạt dào tình cảm, qua giọng đọc quen thuộc, trìu mến của Người, lòng ta luôn bồi hồi như cảm nhận sâu xa được hồn xuân thiêng liêng sông núi biểu trưng bởi tấm lòng mênh mông của vị lãnh tụ vĩ đại muôn vàn kính yêu. Bác không chủ ý khai bút đề thơ xuân như các nhà thơ từ trước tới nay thường làm mà chỉ kỳ vọng mượn lời thơ chúc Tết đầu năm, thăm hỏi, nhắc nhở, động viên nhân dân hăng hái tham gia chiến đấu chống kẻ thù chung của dân tộc là Đế Quốc Mỹ:

Xuân về xin có một bài ca,
Gửi chúc đồng bào cả nước ta:
Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi.
(Mừng xuân 1967)

Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên!
Toàn thắng ắt về ta.
(Mừng xuân 1968)

Bác luôn tin tưởng vào ngày chiến thắng vẻ vang, giải phóng dân tộc, đem độc lập tự do về cho Tổ quốc yêu thương:

Tin mừng thắng trận nở như hoa.
Mừng xuân 1967
Thắng trận tin vui khắp nước nhà.
(Mừng xuân 1968)

Hồn xuân trong thơ Bác chan hòa tinh thần đấu tranh cao đẹp luôn vang vọng như điệp khúc hùng tráng của bản khải hoàn ca:

Kháng chiến dân ta đang thắng lớn.
(Không đề, 20-3-1968)

Mỗi vần thơ xuân của Người là những giai điệu lạc quan ngập tràn âm hưởng rộn ràng tin yêu và hy vọng:

Năm qua thắng lợi vẻ vang,
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.
Vì độc lập, vì tự do,
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.
(Mừng xuân 1969)

Sau những chiến thắng to lớn của quân dân ta vào cuối năm 1948 thời kháng Pháp, lúc còn ở Việt Bắc, thơ xuân của Bác càng biểu lộ phong thái ung dung đĩnh đạc của vị thống soái thiên tài giữa khung cảnh sông nước hữu tình trong một đêm nguyên tiêu lịch sử:

Rằm xuân lồng lộng trăng soi,
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.
Giữa dòng bàng bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
(Nguyên tiêu, 1948)

Ngày xuân, theo tập quán truyền thống, mọi người thăm viếng để chúc nhau muôn điều tốt lành, Bác luôn làm thơ gởi tặng bầu bạn, đồng chí, thể hiện nỗi sung sướng nồng nàn của mình sau khi nghe tin vui thắng trận:

Tin vui thắng trận dồn chân ngựa,
Nhớ cụ thơ xuân tặng một bài.
(Tặng cụ Bùi, 1948)

Son sắt một lòng với Đảng, ân tình thủy chung với nhân dân từng đùm bọc dưỡng nuôi trong kháng chiến gian khổ hiểm nguy, Bác cùng nhân dân tự hào được hưởng trọn vẹn niềm vui hội tụ non sông sau khi cuộc kháng chiến thành công:

Kháng chiến thành công ta trở lại,
Trăng xưa hạc cũ với xuân này.
(Cánh rừng Việt Bắc, 1947)

Thơ xuân của Bác thật bát ngát tình người, tình dân tộc và đậm đà tính nhân văn, tất cả ngần ấy yếu tố đã tạo nên những nét hồn xuân trong sáng, phơi phới và thanh cao trong những vần thơ tuyệt tác, thắm tươi cao quí như hoa mai hoa đào.

Thơ xuân của Bác không mang giá trị đơn thuần của những họa phẩm ấn tượng xinh tươi ngoạn mục với ánh sáng phất phới và màu sắc rực rỡ của hoa lá núi sông mà là những bức tranh thủy mặc linh động có hồn. Vì Bác làm thơ ngụ tình chủ yếu để gửi gấm tâm tư hoài bão của đời mình. Những chi tiết trong lời thơ của Người ở đây như sinh vật có hồn, nói thay cho con người những tuyệt vọng, niềm tin và ý chí không bao giờ thay đổi. Những vần thơ hào sảng mang hơi thở con người của Bác cũng khẳng định mạnh mẽ trước sự thắng lợi tất yếu của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp đuổi giặc cứu nước và xây dựng non sông tự chủ ấm no hôm nay:

Bỗng nghe vần thắng vút lên cao.
(Không đề, 3-1968)

Phải chăng hồn xuân hòa quyện trong thơ Bác đã thể hiện dũng khí của trận chiến thắng mùa xuân Kỷ Dậu (1789) của Quang Trung, khí thế tiến công mãnh liệt của quân dân ta vào mùa xuân Mậu Thân lịch sử (1968) hoặc sức mạnh thần kỳ của chiến sĩ, cán bộ và nhân dân ta trong trận đại thắng mùa xuân 1975. Thơ xuân của Bác mãi mãi sẽ là tiền đề của bao nhiêu chiến thắng rực rỡ sau này của nhân dân Việt Nam trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội phồn thịnh vinh quang theo đúng như ước mong của Người trong di chúc:
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay.

Xuân Tân Sửu, 2021

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Nguồn: Văn nghệ Công an số thứ Năm, ngày 17/10/2024
Xem thêm
Một cây bút nhạy bén, giàu tình
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
“Nắng dậy thì” Rọi lòng sâu thẳm
Nắng dậy thì là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện nỗi buồn thẳm sâu của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương và đầy niềm trắc ẩn, như nhà thơ tâm sự: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi” (Thay lời mở). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nỗi buồn gắn với một vùng quê cụ thể, với tình thân, bạn bè, người yêu, với dòng sông, bến nước, con đò, chợ quê hay cánh đồng làng. Những kỷ niệm thân thương và đau thương cứ “cằn cựa” trong tâm hồn người thơ để có những vần thơ độc đáo, đồng vọng trong lòng người đọc.
Xem thêm