- Chân dung & Phỏng vấn
- Nhà văn Trầm Hương: Sứ mạng nhà văn là đi tìm những ẩn số
Nhà văn Trầm Hương: Sứ mạng nhà văn là đi tìm những ẩn số
KHÔI NGUYÊN THẢO
(thực hiện)
Hàng chục năm nay, nhà văn Trầm Hương (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM) vẫn âm thầm theo dấu chân những anh hùng, người lính, mẹ liệt sĩ… để tìm nhân vật cho những trang sách của mình. Chị ghi dấu ấn đậm nét trong dòng văn học cách mạng hiện nay.
Nhân vật nào cũng ấn tượng mãnh liệt
* Điều gì khiến chị theo đuổi bền bỉ mảng đề tài văn học chiến tranh và hậu chiến?
- Thời thơ bé tôi được mẹ kể về những người thân bên nội, ngoại hy sinh. Ông ngoại tôi tham gia chống Pháp, bị địch bắt vào tù, bị đánh đập tra tấn đến chết. Chuyện kể của mẹ về những người đã ngã xuống cứ ám ảnh tôi.
Khi bắt đầu viết văn, thời còn là sinh viên Khoa Trồng trọt, Đại học Cần Thơ, một lần được ra thăm Côn Đảo, từ năm 1983, tôi thật xúc động. Giữa trùng trùng mộ chí, tôi tự hỏi ai cũng có một cuộc đời, sao có những người dũng cảm đến vậy, đã dám hy sinh cho Tổ quốc, có những nấm mồ chưa biết tên.
Khi trở thành nhà văn, nhiều người hỏi vì sao tôi viết nhiều về hy sinh mất mát, về những anh hùng liệt sĩ. Thật giản dị để nói rằng, những người hy sinh cho dân cho nước quá cao đẹp. Lịch sử có quá nhiều những con người lạ lùng, kỳ diệu, làm nên những điều phi thường, những tấm gương anh hùng, bất khuất. Mình được sống trong hòa bình, chỉ viết lại những câu chuyện ấy, mà còn không làm được, thì thật có lỗi.
Nhà văn Trầm Hương
* Trong hành trình đi và viết của mình, nhân vật nào để lại trong chị nhiều ấn tượng nhất?
- Dường như nhân vật nào tôi gặp, bước ra từ chiến tranh, hoặc đã ngã xuống, đều để lại trong tôi ấn tượng mãnh liệt. Tôi chợt nhớ nhà thơ Evtushenko từng viết: "Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời/ Mỗi số phận chứa một phần lịch sử/ Mỗi số phận rất riêng dù rất nhỏ/ Chẳng tinh cầu nào có thể sánh đâu".
Tôi đã từng gặp những người nổi tiếng và cả những con người bé nhỏ thầm lặng, nhưng nỗi đau của họ đều rất lớn. Một người chị sống trong cánh đồng bưng lác vùng ven Đức Hòa đã để lại ba đứa con mình dưới hầm giữa bom đạn tơi bời, trong lúc đang mang thai 4 tháng bì bõm vượt đồng hàng chục cây số, đưa cả trung đoàn thoát khỏi tọa độ chết. Hòa bình, chị sống trong cảnh bị chồng bạo hành, một nách nuôi đàn con trong đói nghèo. Không một ai trong đoàn quân ấy trở về thăm chị. Hoặc các anh đã hy sinh hết trong Mậu Thân?
Lúc tôi tìm đến hỏi chuyện, chị bị bệnh không tiền uống thuốc. Tôi đi vòng sau bếp, thấy trong nồi cơm chỉ có một củ khoai lang. Nhìn căn nhà trống hoác, tôi không ngăn được nước mắt, dốc hết tiền gởi chị mua gạo và thuốc uống, quyết tìm cách giúp chị xây lại ngôi nhà...
* Chị vừa trở về từ chuyến đi Mỹ để tìm kiếm tư liệu về liệt sĩ Nguyễn Thái Bình. Điều gì khiến chị dày công với nhân vật lịch sử này?
- Năm 2010, tôi gặp bà Lê Thị Anh, mẹ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thái Bình để viết Nguyễn Thái Bình và lời ru của mẹ, được nghe bà kể chuyện thật cảm động và sống động. Ngay lúc ấy, tôi bày tỏ ý định viết một quyển sách về anh từ ký ức những người đang sống, ngay trong gia đình, bạn bè. Bà trầm ngâm, trao cho tôi quyển nhật ký của anh Nguyễn Thái Bình, với mong muốn tôi đọc kỹ để hiểu và viết đúng về anh. Bà hy vọng là nhà văn, tôi sẽ có cách chuyển tải quyển nhật ký này thành tác phẩm văn học để đến với nhiều người.
Năm tháng trôi qua, quyển nhật ký nằm trong ngăn kéo bàn làm việc của tôi mỗi ngày, luôn nhắc tôi còn một món nợ lớn phải làm.
Tôi kết nối với nhiều người bạn mà anh nhắc trong nhật ký, thật tình cờ, đầu năm 2023, nhà văn Michael Robert Dedrick sang Việt Nam để viết sách về cuộc gặp gỡ một số biệt động Sài Gòn, đã nói với tôi rằng Đại học Washington, nơi anh Nguyễn Thái Bình được cấp học bổng du học, còn giữ được nhiều tư liệu quý. Ông kết nối tôi với người phụ trách nghiên cứu những vấn đề châu Á của thư viện trường.
Tôi quyết định bay đến Seattle để gặp người phụ trách tư liệu Nguyễn Thái Bình. Tôi xúc cảm mãnh liệt khi chạm đến từng trang tư liệu về anh được thư viện trường gìn giữ cẩn trọng, ngay cả những bài tập sinh học của anh từ Trường Nông lâm súc ở Việt Nam… Cuốn sách này sẽ sớm được thực hiện.
Nhà văn Trầm Hương (thứ 2 từ trái) tìm tư liệu Nguyễn Thái Bình ở thư viện Đại học Washington, Seattle, Mỹ, tháng 6/2023
"Những bông hoa đẹp đến nao lòng"
* Với dòng văn học phi hư cấu, viết về đề tài chiến tranh hiện nay không chỉ có đội ngũ các nhà văn, mà còn từ chính những nhân chứng lịch sử tự mình viết lại. Điều này có khiến nhà văn cảm thấy bị… cạnh tranh?
- Tôi mừng vì điều đó. Tôi luôn động viên, khuyến khích những nhân chứng chiến tranh viết lại câu chuyện của chính họ, bởi việc làm này để lại cho lớp con cháu di sản quý báu. Hồi ký của họ là một phần của lịch sử, được viết chân thật, không có nhiều biến tấu. Những trang viết ấy ghi lại ký ức mang tâm thế của thời họ đã từng sống và chiến đấu, cả những giằng xé, trăn trở…
* Dòng văn học phi hư cấu tưởng dễ mà khó viết, bởi không phải câu chuyện li kỳ nào trong cuộc sống cũng hấp dẫn khi được soi qua câu chữ. Theo chị, viết như thế nào để những trang sách không bị sa vào kể lể?
- Vẫn là bản lĩnh, kiến thức nền của người viết. Cuốn Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ của Svetlana Alexievich cũng là "kể lể" đó thôi. Bà đã gặp hàng trăm con người đi qua cuộc chiến tranh, từ thành phố đến nông thôn, những con người nổi tiếng và thầm lặng, trí thức lẫn nông dân, người cầm súng và cứu chữa thương binh... để lắng nghe những phận đời.
Nhưng chỉ ghi lại những lời kể ấy thì chắc chắn không nhiều độc giả rung cảm. Điều khiến quyển sách của bà đi sâu vào lòng người chính vì bà đã đau, đã bi phẫn khi khám phá ra còn có một cuộc chiến tranh khác mà chúng ta không biết. Cuộc chiến tranh ấy vẫn tiếp diễn, dai dẳng ngay trong hòa bình, bởi ẩn số về số phận con người không dễ tìm ra ngay khi chiến tranh kết thúc.
Với sự đồng cảm nỗi đau, khao khát công bằng, cái đẹp, sứ mạng của nhà văn là đi tìm những ẩn số ấy thông qua tác phẩm của mình.
* Trường ca "Hoa của nước"- tác phẩm sắp phát hành của chị - vẫn không nằm ngoài những chủ đề chị theo đuổi bấy lâu nay. Với một người viết văn xuôi hàng chục năm nay, vì sao chị lại chọn trường ca, một thể loại mình chưa từng viết?
- Vì đó là một vệt dài về những người con gái khắp miền đất nước đã ngã xuống. Nhiều chị không để lại cho đời một bức di ảnh, nhưng trong quá trình đi tìm lại các chị, tôi gặp những bông hoa đẹp đến nao lòng. Tôi cảm nhận dường như linh hồn các chị đang tồn tại trên dương thế, hóa thân vào những bông hoa. Nỗi ám ảnh đã hơn 30 năm, tôi nghĩ mình phải viết ra, không cầu toàn nữa.
Trường ca thật ra thì cũng là thơ thôi, xâu chuỗi nhiều loài hoa, thân phận, những hy sinh mất mát.
Hoa trên nước, hoa tôi gặp trên đường thiên lý, hoa thời hậu chiến... ẩn chứa quá nhiều số phận, những kỳ tích, hy sinh. Với tôi, trường ca như một nén tâm hương gửi đến những người con gái đã ngã xuống cho Tổ quốc và đồng cảm nỗi đau, trách nhiệm những người phụ nữ đang sống, tận hiến, dù chịu nhiều bất công, quên lãng...
Sứ mệnh của người viết trẻ
"Chúng ta có một đội ngũ hùng hậu viết về đề tài chiến tranh, cách mạng. Thật giản dị để hiểu điều đó, khi đa phần nhà văn bước ra từ chiến tranh, đã khẳng định tên tuổi mình qua những tác phẩm về đề tài này. Có gì đáng viết hơn về những người quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Chính họ càng có cảm hứng để viết về những người hy sinh, đóng góp cho hòa bình, nhưng vẫn chịu nhiều thiệt thòi, hoặc bị quên lãng. Những tác phẩm viết về đề tài này rất dễ chạm đến trái tim độc giả".
"Tôi tin vào lớp trẻ, bởi với độ lùi thời gian, người trẻ có cái nhìn chiến tranh, hậu chiến theo cách của riêng mình, khai phóng, cởi mở hơn. Người trẻ còn có điều kiện tiếp cận, xử lý tư liệu hơn thế hệ cha anh, được học hành, có kỹ năng viết, biết đâu sẽ tạo nên những tác phẩm mang hơi thở, sắc thái mới mẻ, sống động hơn người đi trước" - Trầm Hương.
Nguồn: https://thethaovanhoa.vn/