TIN TỨC

Thương nhớ bạn hiền Lê Văn Nghĩa…

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2022-07-25 17:17:27
mail facebook google pos stwis
498 lượt xem

Nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa ra đi vào lúc dịch Covid-19 đang diễn ra nghiêm trọng (25.7.2021), khiến tôi và bạn bè, bạn đọc không thể đến viếng, tiễn biệt, chia buồn cùng gia đình của Nghĩa được!

 

Dấn thân trong phong trào học sinh Sài Gòn

Những năm 1970 thành phố Sài Gòn có một thế hệ học sinh trung học sát cánh cùng lứa đàn anh sinh viên, dấn thân vào những cuộc bãi khóa, hội thảo, xuống đường... đấu tranh đòi dân chủ học đường, đòi hòa bình, dân chủ... Thời ấy, bạn bè trang lứa như tôi và Lê Văn Nghĩa tham gia phong trào yêu nước đều ở độ tuổi 15, 17.

Trong một cuộc xuống đường vào năm 1970, tôi chợt thấy một anh chàng đi gần, dáng cao gầy, trang phục kiểu hippy thời đó: quần ống loe dài, áo màu sặc sở hình kỷ hà, dẫn đầu nhóm học sinh trường Petrus Ký (nay là Lê Hồng Phong). Chúng tôi hăng hái giơ cao tay, đồng thanh hô la những khẩu hiệu: “Trả tự do cho sinh viên học sinh (SVHS) yêu nước bị bắt vô cớ”, “Hòa bình Việt Nam, muôn năm!”…

Tôi tiến sát anh, kề tai hỏi: “Bạn tên gì? Ở trường nào vậy?”, bạn đáp gọn: “Lê Văn Nghĩa, trường Petrus Ký”. Rồi chúng tôi lại tiếp tục đi đầu đoàn biểu tình hàng trăm SVHS với những tấm biểu ngữ, băng-đơ-rôn bằng vải trắng có viết khẩu hiệu chữ màu đỏ xanh trên tay băng băng tiến bước... Cho tới khi đoàn người trẻ bị lực lượng cảnh sát dã chiến với đồng phục rằn ri màu xanh lá ngăn chận bằng những vòng dây kẽm gai cuồn cuộn, những chiếc dùi cui đập thẳng cánh vào đầu, mặt

 

 

Nhà văn Lê Văn Nghĩa

Những lần gặp nhau trò chuyện tại trụ sở Tổng hội Sinh viên số 207 đường Hồng Bàng, quận 5 sau đó, Nghĩa không nói ra (do nguyên tắc giữ bí mật “ngăn cách” của tổ chức cách mạng) nhưng tôi đoán Nghĩa là một đoàn viên TNCS thuộc Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định hoạt động bên cánh học sinh trường Petrus Ký. Cách ăn mặc kiểu hippy của anh nhằm tránh bị mấy ông an ninh mật vụ để ý!

Gặp nhau tại khám Chí Hòa, Sài Gòn

Khoảng năm 1952-1962, Đài phát thanh Sài Gòn hằng ngày vang lên bài hát Xổ số kiến thiết Quốc gia qua giọng ca sang sảng của nghệ sĩ Trần Văn Trạch (1924-1994). Với mái tóc dài, giọng ca trầm ấm và phong thái biểu diễn hài hước, ông được khán giả, báo chí Sài Gòn trước 1975 phong tặng danh hiệu “quái kiệt Trần Văn Trạch” nhằm ngợi ca tài năng đa dạng. Ông là nhạc sĩ sáng tác bản nhạc này vào năm 1952 và nhiều bản khác; là hoạt náo viên, là ca sĩ kiêm diễn viên kịch nghệ, điện ảnh, là M.C. Ông còn là em ruột của giáo sư - nhạc sĩ Trần Văn Khê.

Bài hát có đoạn: “Xổ số kiến thiết Quốc gia, giúp đồng bào ta xây đắp muôn người được nên cửa nhà!/Triệu phú đến nơi, chỉ 10 đồng thôi! Mua lấy xe nhà, giàu sang mấy hồi!...”.

Đám trẻ nhỏ tinh nghịch chế lời bài hát thành: “Trúng số kiến thiết Quốc gia, lấy vợ người ta! Vô khám Chí Hòa, ở luôn tới già!...”.

Hồi nhỏ xíu , tôi từng hát lời nhạc chế này. Nhưng ai ngờ có ngày mình phải vô khám Chí Hòa “tạm trú” hơn 4 năm trời! (từ sau 1975 đến nay, khám Chí Hòa là Trại giam Chí Hòa, tọa lạc quận 10, TP.HCM).

Tôi bị cảnh sát Sài Gòn vây bắt về tội “phá rối trật tự trị an” và giải vào đây vào ngày 30.9.1971, bị giam một tháng ở Tổng nha Cảnh sát Quốc gia để tra tấn, khảo cung; Sau đó, bị giải về khám Chí Hòa , giam chung phòng với 16 sinh viên học sinh khác. Đến khoảng giữa năm 1972, Lê Văn Nghĩa bị bắt vào khám Chí Hòa giam chung phòng tập thể SVHS tranh đấu!

Quân số tù nhân SVHS - có người được trả tự do hoặc đày đi nới khác - cứ tiếp tục bổ sung tăng dần lên 20 rồi 25, rồi 45, 50... theo năm tháng, theo nhịp độ đấu tranh của phong trào thanh niên đô thị Sài Gòn và miền Nam Việt Nam trong cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài 20 năm từ 1955 đến 1975.

Trong nhà tù, Nghĩa đã cùng tập thể anh em “ba cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng gan lì chịu đựng đòn roi tra tấn; Nhưng Nghĩa kiên cường chịu đựng gian khổ và sống hòa đồng. Ít nói, thỉnh thoảng Nghĩa chỉ thốt ra vài lời hài hước, tạo nên tiếng cười, giúp anh em giảm căng thẳng trong đời sống tù đày giữa bốn bức tường nghiệt ngã...

Khoảng 2 năm sau, Lê Văn Nghĩa và một nhóm anh em bị tách ra, đày đi Côn đảo.

Những năm cùng dùi mài kinh sử ở Hà Nội

Khoảng đầu năm 1976, Nghĩa được Thành đoàn cử đi học trường Tuyên Huấn trung ương Hà Nội 4 năm, chung khóa với các anh Hoàng Đôn Nhật Tân (Sáu Triều)...

Giữa năm 1977, tôi được ông Võ Văn Kiệt - Bí thư Thành ủy - ký quyết định đặc cách cử đi học trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc tại Hà Nội hệ chính quy 2 năm. Hai ngôi trường cùng tọa lạc tại huyện Từ Liêm, nên chúng tôi thường gặp nhau vào cuối tuần để dạo phố, ăn kem,uống trà tâm sự.

Tôi quen diễn viên điện ảnh Trà Giang do cùng là Đại biểu Quốc hội khóa IV (khóa Quốc hội thống nhất hai miền đầu tiên - nhiệm khóa 1976-1992). Thời đó, chị Trà Giang nổi tiếng với vai chị Dịu trong bộ phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm lừng danh khắp nước. Chị mời tôi đến nhà chơi, ăn cơm, tôi rủ Nghĩa theo. Thế là cứ khoảng một tháng, bọn tôi lại đến thăm chị Trà Giang. Chị ở cùng chồng là anh Bích Ngọc - nhạc sĩ, giảng viên piano và bé gái Bích Trà (hiện nay là nghệ sĩ - giảng viên piano tầm quốc tế).

Thú thật, với đám lưu học sinh chúng tôi rời gia đình ở Sài Gòn, đi “du học” tận Hà Nội, chưa vợ con, thiếu thốn tình cảm gia đình, lại lâm vào thời kỳ cả nước đang rất khó khăn về cơm-áo-gạo-tiền nên mỗi khi có người quen nào - tốt bụng như chị Trà Giang - gọi tới thăm nhà, mời dùng “cơm thật”, là bọn tôi “mừng hết lớn!”.

Có lần, Nghĩa kể với tôi: “Tui làm quen với nhà văn Tô Hoài và lân la tới nhà ổng hằng tuần để học nghề viết văn. Gặp tui, ổng có vẻ ngán ngại tốn thời gian lắm! Nhưng mình 'tầm sư học đạo' thì phải lì chứ sao!”.

Điều này cho thấy, Lê Văn Nghĩa đã có chí cầm bút làm nhà văn từ những năm anh bước vào độ tuổi 30 đầy sung mãn.

Khoảng từ năm 2000, gia đình nghệ sĩ Trà Giang vào sống ở TP.HCM. Rồi anh Bích Ngọc mất sớm và người con gái - nghệ sĩ dương cầm Bích Trà thường đi giảng dạy piano ở nước ngoài. Thi thoảng con bay về Việt Nam thăm mẹ hoặc mẹ bay qua nước ngoài gặp con, nhưng do dịch Covid-19 bùng nổ, suốt cả năm hai mẹ con chưa được gặp nhau.

Chị Trà Giang sống cô quạnh, nhưng chị đã tìm niềm vui sống bằng cách học hội họa và đã vẽ khá nhiều tranh đẹp, bán được ở thị trường tranh trong nước. Nghĩa và tôi thường gặp chị uống cà phê, trò chuyện.

Khi tôi gọi điện báo chị Trà Giang Nghĩa mất, hai chị em đều nghẹn ngào khi nói về Nghĩa. Chị kể: vào đầu tháng 4.2021, chị có vào bệnh viện thăm Nghĩa. Tôi đáp: “Khi nào hết dịch, em mời chị Trà Giang và Minh Hạnh gặp nhau trò chuyện, dùng cơm. Bảo trọng sức khỏe nhe chị! Thương chị quá!”.

Thời cùng làm Báo Tuổi Trẻ

Lê Văn Nghĩa làm Báo Tuổi Trẻ từ cuối 1975 đến 2015, tổng cộng gần 40 năm. Nghĩa với vai trò Phó Tổng thư ký tòa soạn phụ trách Báo Tuổi Trẻ Cười một thời gian dài và gắn liền nghiệp viết với rất nhiều tác phẩm, đa số thể loại trào phúng, châm biếm.

Lê Văn Nghĩa đã tham gia xây dựng nhiều chuyên mục và nhân vật trào phúng được xem là “để đời” qua các bút danh Hai Cù Nèo, Đại Văn Mỗ, Thằng Hề, Điệp viên 00 thấy… Khoảng từ 10 năm trước khi qua đời, Nghĩa cật lực, miệt mài cầm bút, viết nên nhiều tác phẩm nổi tiếng về học đường Sài Gòn thời xưa và về phong cách, văn hóa người Sài Gòn xưa như cuốn Mùa hè năm Petrus, Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian...

Vợ Nghĩa là nhà thiết kế thời trang nổi tiếng Minh Hạnh.

Mỗi lần ra tác phẩm mới, Nghĩa đều tìm cách gởi tặng tôi. Nghĩa thường gọi điện báo tôi: “Tui vừa xuất bản tác phẩm mới, muốn gặp Lê Văn Nuôi và nhà viết kịch Lê Chí Trung để ký tặng ở một quán bia, do tôi chọn”.

Thế là ba người bạn cùng họ Lê, cùng nghiệp văn chương, báo chí đã có một buổi chiều-tối gặp nhau chuyện trò tâm sự chuyện đời, chuyện nghề, bia bọt lai rai thiệt đã đời!

Không ngờ đó là lần gặp sau cùng giữa bộ ba Lê Văn Nghĩa - Lê Văn Nuôi - Lê Chí Trung! Nghĩa đã mắc bạo bệnh từ mấy năm trước đó. Đến tháng 4.2021 thì trở nặng, di căn…

Kỳ vọng các tác phẩm văn chương tài hoa và tâm huyết về đời sống văn hóa Sài Gòn xưa, về phong cách sống người Sài Gòn xưa của nhà báo, nhà văn Lê Văn Nghĩa sẽ lưu mãi trong lòng bạn đọc Sài Gòn và cả nước.

Vĩnh biệt bạn hiền, nhà báo, nhà văn Lê Văn Nghĩa!

“... Mỗi người thân một vẻ đáng yêu

Từ cái tên cầu kỳ hay mộc mạc

Từ một giọng cười, một bài ca hay hát

Đều cắm sâu vào nỗi bồi hồi!

Đều nhẹ nở những đóa hương trong máu

Dù mấy phương trời cách biệt xa xôi...”

Trích bài thơ Dù mấy trời cách biệt

Lê Văn Nuôi viết năm 1972.

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tàn thu vắng bóng - Tản văn của Đặng Tường Vy
 Châu Âu thật tuyệt với bốn mùa rõ rệt. Mùa nào cũng có nét quyến rũ riêng, làm người tha hương vơi đi nỗi buồn dịu vợi. ..
Xem thêm
Nhớ Nguyễn Quốc Trung
Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội nhà văn TP HCM gọi điện thông báo với tôi về việc Hội nhà văn TP HCM phối hợp cùng Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Quốc Trung nhân hai năm ông rời cõi tạm và đặc biệt nhà văn được truy tặng giải thưởng Nhà nước về tiểu thuyết Đất không đổi màu.
Xem thêm
Mùa thu đây hỡi cờ hồng vàng sao – Tản văn của Lê Xuân
Tháng Tám cũng là tháng giữa thu, tháng để các em thiếu niên, nhi đồng phá cỗ trông Trăng, mừng Tết Trung thu, rước đèn, múa lân dưới trăng thanh, gió mát…
Xem thêm
Cửa bể Cần Giờ | Bút ký của Nguyễn Minh Ngọc
Bài đăng Báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn VN) số 35+36, ra ngày 2-9-2023
Xem thêm
Tản Mạn Vàm Cỏ Đông - Tùy bút Trần Thế Tuyển 
Có lẽ trên trái đất này, không ở đâu cái giá để có độc lập dân tộc, tự do hạnh phúc lại đắt như ở Việt Nam. Để có hình hài đất nước, vị thế quốc gia như ngày hôm nay đã có hàng triệu triệu người con ưu tú ngã xuống. Máu xương của họ tan biến thành đất đai tổ quốc và hồn của họ bay lên hóa linh khí quốc gia.
Xem thêm
Người lính làm nên huyền thoại
Phải nói, Trần Ngọc Trác là một cây viết tâm huyết với đề tài truyền thống cách mạng. Gặp  ông cách nay đã vài chục năm, tôi vẫn nhớ dáng đi nhanh nhẹn, giọng nói trầm ấm và ánh nhìn thân thiện của nhà văn. Lúc ấy Trần Ngọc Trác là cán bộ của Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh Lâm Đồng. Đã đọc Trần Ngọc Trác nhưng thực sự khi ông đảm nhiệm làm phim Người lính làm nên huyền thoại   về Đại tá Lê Kích (cậu ruột thứ Tám của vợ tôi), chúng tôi mới gắn bó  như anh em thân thiết. 
Xem thêm
Trúc Phương, người mà tôi muốn nói nhiều hơn những người khác
Bài phát biểu xúc động của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Xem thêm
Anh hùng Võ Thị Sáu trong tâm thức người đang sống
Ký của nhà văn Trầm Hương trên báo Phụ Nữ Việt Nam
Xem thêm
Dân lo | Bút ký của Lê Thanh Huệ
Bài đăng báo Văn Nghệ số 30 (3309) ngày 29-7-2023
Xem thêm
Kỷ niệm về nhà văn Minh Khoa với Trần Thế Tuyển
Sau giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước(30-4-1975), từ Trung đoàn 174, tôi được điều về học tập và làm việc ở báo Quân khu 7. Vừa đặt ba lô trong tòa nhà kiến trúc kiểu Pháp tại căn cứ Trần Hưng Đạo, nơi đặt tổng hành dinh của Bộ Tổng Tham mưu quân đội chế độ cũ, anh Mai Bá Thiện lúc đó phụ trách báo Quân khu 7 dẫn tôi ra mắt Phó phòng Tuyên huấn Quân khu - nhà văn Minh Khoa, lúc đó trực tiếp làm Tổng biên tập báo Quân khu 7. Từ lâu đã nghe danh nhà văn Minh Khoa với những truyện ký viết về Anh hùng, dũng sĩ diệt Mỹ, đặc biệt vở kịch Người ven đô với nhân vật Ông Tám Khỏe đậm đặc chất nông dân Nam Bộ, nay được gặp trực tiếp tác giả, tôi không khỏi bồi hồi, xúc động.
Xem thêm
Lòng tri ân luôn là giá trị bất bất biến
Bài đăng Tạp chí Linh khí Quốc gia kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - liệt sĩ
Xem thêm
Mây trắng trong vườn chè ông nội | Tản văn của Trang Thanh
tôi hay nhớ những gương mặt người thân đã khuất bóng...
Xem thêm
Hoa biên cương: Nấm độc trên đất Tây Nguyên (Kỳ cuối)
Chúng tôi cũng dự nhiều cuộc họp ở các buôn làng Tây Nguyên, chứng kiến những người lầm lỡ vượt biên hay đi biểu tình gây rối được kiểm điểm trước các già làng và bà con trong buôn. Ai cũng cúi đầu xấu hổ, xin được tha thứ, hứa sẽ không tái phạm.
Xem thêm
Hoa biên cương: Lương y của buôn làng (kỳ 4)
Bút ký nhiều kỳ của nhà văn Lại Văn Long
Xem thêm
Hoa biên cương: Từ biên giới đến hải đảo (Kỳ 2)
Bảo vệ biên cương và tình hữu nghị
Xem thêm
Vọng âm buồn | Hoàng Phủ Ngọc Phan
Một loài chim có tiếng kêu nghe như Ơi đò Ca Cút
Xem thêm
Đêm Tháng Giêng - Tản văn Trần Bảo Trân
Ngày anh cưới chị, tôi còn nhỏ. Gần bảy thập kỷ trôi qua, tôi vẫn còn nhớ như in, ngôi nhà lợp rạ, vách đất của chúng tôi có khách là một người lính. Anh bận bộ quân phục màu cỏ úa với chiếc mũ mềm có ngôi sao lấp lánh. Ngày chị đi lấy chồng, tôi tiễn chị ra cánh đồng, cuối bờ tre gai thường ngày ríu rít tiếng chim. Cầm tay tôi, chị khóc. Em ở nhà nhé. Nếu rảnh chị sẽ về chơi với em. Mắt nhoà, tôi cố giữ không để lệ rơi.
Xem thêm