- Góc nhìn văn học
- Khi nhà văn viết về nhà văn: Dòng chữ gửi tình người
Khi nhà văn viết về nhà văn: Dòng chữ gửi tình người
TS HÀ THANH VÂN
Nhà văn Trình Quang Phú là bậc trưởng thượng trên văn đàn Việt Nam hiện nay. Tuy tuổi đã cao nhưng mạch văn của ông vẫn dồi dào sức trẻ, sức viết. Ngoài 7 tác phẩm chỉ tập trung viết về một đề tài đặc biệt: Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến nay ông đã có 10 tác phẩm là sáng tác cá nhân và 22 tác phẩm in chung cùng nhiều tiểu luận.
Nếu nói về sự sôi động, đặc sắc của cuộc đời làm việc và cầm bút, thì có lẽ nhà văn Trình Quang Phú là một trong những thành viên của Hội Nhà văn Việt Nam có những sắc màu năm tháng đáng nhớ nhất, thú vị nhất. Trên phương diện chữ nghĩa, ông là nhà văn, nhà báo, nhưng trong công việc, ông đã trải qua nhiều cương vị, ở nhiều ngành nghề, và ở lĩnh vực nào ông cũng gặt hái được những thành công quan trọng. Chính vốn sống dồi dào đó đã khiến cho những tác phẩm của nhà văn Trình Quang Phú vừa có đặc điểm tái hiện chân thực những vấn đề của đời sống và lịch sử đất nước trong một thời đại, vừa mang dấu ấn của những suy tư, cảm nhận cá nhân về con người. Thế hệ của ông là thế hệ dùng ngòi bút viết văn để phục vụ những vấn đề cấp thiết của đất nước, dân tộc, là thế hệ mà ngày nay chúng ta vẫn trân trọng vinh danh là “thế hệ dùng ngòi bút làm vũ khí”.
Bây giờ, ở độ tuổi xưa nay hiếm, nhà văn Trình Quang Phú lại cho ra mắt một tác phẩm ký ức văn chương, kể về những gương mặt văn nghệ sĩ mà ông đã có dịp quen biết, làm việc cùng, trở thành bạn bè thân thiết với những ân tình mang nặng. Tác phẩm mang nhan đề là “Nhà văn và chữ tình gởi lại” phải chăng hàm ý nhấn mạnh những tình nghĩa văn chương, những mối dây liên kết những tâm hồn văn nghệ sĩ, những gặp gỡ của đồng cảm sáng tạo và cả những mối liên hệ cá nhân bên ngoài chữ nghĩa.
Tác phẩm “Nhà văn và chữ tình gởi lại” do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2022, có độ dài gần ba trăm trang với nhiều hình ảnh, tư liệu quý, hình thức được trình bày đẹp, trang trọng, thể hiện sự chăm chút của nhà văn Trình Quang Phú với đứa con tinh thần mới nhất của mình. Riêng phần phụ bản ảnh cho từng bài lên đến 118 trang với chân dung của nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng trong nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại, cùng với nhiều hình ảnh chụp chung, tư liệu, thủ bút hiếm có của các văn nghệ sĩ. Trải qua bao biến động của thời cuộc, trải qua nhiều năm tháng, nhà văn Trình Quang Phú vẫn giữ vẹn nguyên những tư liệu này, chứng tỏ rằng đối với ông, vẫn nâng niu, trân trọng những “chữ tình gởi lại” đối với các văn nghệ sĩ bạn bè. 25 bài viết mang tính hồi ức, nhớ và kể lại về những văn nghệ sĩ như nhà thơ Bảo Định Giang, nhà thơ, nhà chính trị Xuân Thủy, nhà văn Xuân Diệu, nhà văn Nguyễn Tuân, nhà thơ Lưu Trọng Lư, nhà thơ Quang Dũng, nhà thơ liệt sĩ Lê Anh Xuân, nhà thơ liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý, nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Xuân Hồng, nhiếp ảnh gia Võ An Ninh v.v… tuy chỉ là những lát cắt thoáng qua, phác vẽ vài nét cuộc đời của họ, nhưng lại có những chi tiết đắt giá, không chỉ là những cuộc đời văn nghệ sĩ, mà soi chiếu vào đó chúng ta còn thấy bóng dáng của nhiều sự kiện chính trị, lịch sử, xã hội… Có những chuyện ít ai biết chẳng hạn vai trò lãnh đạo nhiều mặt của nhà thơ Bảo Định Giang đối với văn học cách mạng miền Nam, việc các cơ quan văn hóa, văn nghệ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam làm việc chủ yếu tại Hà Nội để đảm bảo tính an toàn, bí mật và hiệu quả. Hoàn cảnh ra đời câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Miền Nam yêu quý luôn trong trái tim tôi” cũng được làm rõ với tình tiết nhân dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh được tặng một tập thơ chép tay của một chiến sĩ đã hy sinh ở chiến trường miền Nam. Câu chuyện sáng tác bài hát “Đường Trường Sơn xe anh qua” của nhạc sĩ Văn Dung cũng được thuật lại đầy cảm động. Tác giả cũng kể về chuyến gặp gỡ Nguyễn Tuân khi ông đi thực tế ở sông Đà, từ đó cho ra đời những trang văn hay về con sông vang bóng nhiều thời này, chuyện thú vui uống rượu của nhạc sĩ tài hoa Văn Cao, nỗi u uẩn của Quang Dũng khi nhiều năm trời sống lặng lẽ...
Những câu chuyện như vậy là những góc khuất chưa được kể của nhiều văn nghệ sĩ, góp phần hoàn thiện chân dung của họ trong con mắt của các độc giả. Rất chân thực, rất đời thường như chuyện Xuân Diệu đi mua thịt chó, hai nữ sĩ Vân Đài và Anh Thơ gọi điện thoại cho nhau, chuyện nhiếp ảnh gia Võ An Ninh đi sáng tác bị nhầm là ông tiên… và cũng không thiếu những chuyện đau xót, bi thảm trong chiến tranh như sự hy sinh của nhà văn, nhà báo Dương Thị Xuân Quý hay nhà thơ Lê Anh Xuân… Độc giả xưa nay đã quen thuộc với những tác phẩm của các văn nghệ sĩ, tuy nhiên con người đời thường của họ cũng như hoàn cảnh sáng tác một số tác phẩm thì vẫn là những thông tin cá nhân ít ai biết đến. Những thông tin này không làm xấu đi hình ảnh của các văn nghệ sĩ, mà ngược lại, cho thấy những khía cạnh thú vị, bất ngờ, nhân văn và đầy tình nghĩa của họ giữa đời thường và với bạn bè. Nhà văn Trình Quang Phú cũng đưa vào tác phẩm một số trích đoạn văn chương của các văn nghệ sĩ mà ông tâm đắc, minh họa thêm cho những nhận xét, đánh giá đầy ân tình của ông đối với họ.
Có nhiều cách để khắc họa chân dung một nhân vật có thật, hơn nữa lại là văn nghệ sĩ. Có thể là một tiểu sử đầy đủ, chi tiết, kỹ lưỡng, không kèm theo bất kỳ bình luận, nhận xét gì của người viết, mà để cho cuộc đời nhà văn nói lên tất cả. Cũng có thể là soi chiếu nhân vật có thật ấy từ nhiều chiều, bằng cách tập hợp những hồi ức của những người trong gia đình, bè bạn cùng thời, những phỏng vấn của báo chí. Một cách khác là công bố chính nhật ký hay ghi chép của nhà văn ấy nếu có. Còn với tác phẩm “Nhà văn và chữ tình gởi lại” của nhà văn Trình Quang Phú, khi viết về nhiều văn nghệ sĩ cùng thời, ông đã chọn lối viết rất phù hợp, đó là lối viết có thể nói theo ngôn ngữ của hội họa là ký họa. Ông chọn lọc một số chi tiết, khắc họa chân dung văn nghệ sĩ theo bằng cách chọn một vài hồi ức đắt giá làm nổi bật lên thần thái, tính cách riêng có, không trộn lẫn với ai khác của họ. Ngôi biệt thự số 24 phố Cột Cờ ở Hà Nội được phân cho Huy Cận ở tầng trên, Xuân Diệu ở tầng dưới. Để nói về tình bạn nửa thế kỷ thâm giao của hai nhà thơ lớn, nhà thơ Trình Quang Phú kể lại “Huy Cận có nếp quen, trước khi ra xe đi làm ghé qua thăm Xuân Diệu dù chỉ chốc lát” (“Nhà văn và chút tình gửi lại”, NXB Hội Nhà văn, 2022, trang 52). Hay khi Quang Dũng trong những ngày sống lặng thầm, tác phẩm không được in, bị cấm đoán vì cho là mang tư tưởng tiểu tư sản ủy mị, trong một dịp uống rượu cùng nhà văn Trình Quang Phú, Quang Dũng đã tâm sự với khí khái của một người lính “Tây tiến” năm xưa: “Thôi, mọi chuyện để đời sau phán xử. Thơ văn khi viết ra là của ta, nhưng sống hay chết, hay hoặc dở của tác phẩm là thuộc về người đọc, thuộc về nhân dân” (“Nhà văn và chút tình gửi lại”, NXB Hội Nhà văn, 2022, trang 134). Nhiếp ảnh gia Võ An Ninh thọ 103 tuổi đúc kết một đời cầm máy dài 80 năm của ông: “Nhiếp ảnh là môn nghệ thuật kết hợp bởi tâm hồn, khối óc và đôi mắt: ngón tay bấm máy chỉ là thực hiện mệnh lệnh của tâm hồn” (“Nhà văn và chút tình gửi lại”, NXB Hội Nhà văn, 2022, trang 227). Với cách viết này, Trình Quang Phú cũng đã chọn một giọng văn dung dị, nhẹ nhàng, rủ rỉ như những lời kể thầm, những tâm tình của một người bạn đối với những người bạn. Nhà văn không ngần ngại thể hiện tình cảm, tâm tư của mình hết sức thẳng thắn, bộc trực. Ông ca tụng nhạc sĩ Văn Cao: “Văn Cao là một viên ngọc Quý, và viên ngọc đó vẫn đang tỏa sáng” (“Nhà văn và chút tình gửi lại”, NXB Hội Nhà văn, 2022, trang 127). Ông nhận xét về trung tướng Trần Độ: “Đúng là trong văn của ông có võ, võ và văn của vị tướng” (“Nhà văn và chút tình gửi lại”, NXB Hội Nhà văn, 2022, trang 112). Tình cảm khâm phục, yêu mến, trân trọng bạn bè văn chương là tình cảm xuyên suốt tác phẩm, đậm chất nhân văn, thắm tình thân ái.
Văn học Việt Nam hiện đại và đương đại luôn ở trong tình trạng còn thiếu vắng những tác phẩm khắc họa chân dung văn nghệ sĩ, thiếu vắng những ngòi bút sáng tác theo thể loại phi hư cấu. Một số tác giả qua các thế hệ cũng đã viết những tác phẩm theo thể loại này như Bàng Bá Lân với tác phẩm “Kỷ niệm văn, thi sĩ hiện đại”, Nguyễn Vỹ với tác phẩm “Văn thi sĩ tiền chiến”, Vũ Bằng với tác phẩm “Mười chín chân dung nhà văn cùng thời”, Nguyễn Quang Lập với tác phẩm “Bạn văn” v.v… Tuy vậy, độc giả vẫn cần thêm những tác phẩm viết về chân dung các nhà văn dưới nhiều góc nhìn khác nhau, vì họ cũng rất quan tâm đến văn nghệ sĩ trong cuộc sống đời thường, giúp họ hiểu thêm về con người chân thực của văn nghệ sĩ. Mặt khác, các nhà nghiên cứu văn học cũng rất quan tâm đến những tác phẩm này bởi lẽ tuy chúng chỉ là những câu chuyện kể như “những mảnh vụn văn học sử” (mượn tên một công trình của nhà nghiên cứu Bằng Giang), nhưng là những mảnh vụn quý mà nhặt lên gìn giữ, chắt lọc thì có thể giúp cho việc phục dựng, tái tạo hoàn chỉnh những bức tranh chân dung hiện thực về các văn nghệ sĩ.
Và như vậy thì với tác phẩm “Nhà văn và chút tình gửi lại”, tác giả Trình Quang Phú với những dòng chữ thấm đậm tình người cũng đã góp thêm vài nét vẽ đẹp vào bức tranh chân dung chung của những văn nghệ sĩ Việt Nam hiện đại.
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM số 38