TIN TỨC

Kim Quyên, khát vọng sáng tạo và nỗ lực yêu thương

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-09-10 05:50:27
mail facebook google pos stwis
640 lượt xem

TRẦM HƯƠNG

(Tham luận đọc tại Tọa đàm Nhà văn Kim Quyên & Hành trình văn chương)


Nhà văn Trầm Hương, Phó chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM tại cuộc tọa đàm
Nhà văn Kim Quyên & Hành trình văn chương

Trườc mặt tôi là hơn 10 quyển sách của nhà văn Kim Quyên (Hơn vì còn nhiều quyển đã xuất bản chị không tìm được). Đó là Người dưng khác xứ (Tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Văn nghệ TP.HCM 2003); Ngã ba sông (Thơ, Nhà xuất bản Văn nghệ 2005); Sài Gòn hào hoa (Tản văn, Nhà xuất bản Trè 2011); Ước mơ xanh (Tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Văn hoá Văn nghệ 2018);  Quê ngoại (Tập truyện ký, Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2013);  Đi biển một mình (tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Văn hoá - Văn nghệ 2015); Tình không biên giới (Tiểu thuyết, Nhà xuất bản Hội nhà văn 2017); Thành phố bên sông (Tiểu thuyết, Nhà xuất bản Văn hoá – Văn nghệ 2019); Mối tình đầu (Nhà xuất bản Công an nhân dân 2020); Bên dòng sông Bát Sắc  (Hồi ký, Nhà xuất bản Đà Nẵng 2021). Tác phẩm sau dày dặn hơn tác phẩm trước; đã lên tiếng một cách thuyết phục sức viết, đam mê sáng tạo, nỗ lực vượt qua sự trì níu với mưu sinh, cơm áo gạo tiền đời thường để được là mình, thăng hoa cùng con chữ.

Chị viết trên nền quá khứ, của gốc tre bám rễ vào sông nước Cứu Long. Cô nữ sinh quê hương Mỹ Tho, thời chiến tranh đánh Mỹ đã từng vào vùng kháng chiến mở mang trường lớp và dạy học, tham gia phong trào Học sinh sinh viên, từng viết văn làm thơ đăng trên báo phản chiến Điện Tín từ những năm 1973 với bút danh Hoa Đồng Tháp. Sau ngày đất nước thanh bình, chị lấy chồng sinh con trong những ngày hậu chiến khó khăn, hôn nhân đổ vỡ, một mình nuôi con… Cuộc đời chị ba chìm bảy nổi, vui ít buồn nhiều. May mà chị còn biết cách trút tâm sự cuộc đời qua những trang văn. Đọc quyển truyện ký “Quê ngoại”, tôi hiểu nhiều thêm về nhà văn Kim Quyên - một nhà văn có kiến thức về văn học, ngoại ngữ, vốn sống Nam bộ, nghĩa khí, thủy chung… Nếm trải không ít đắng cay bất hạnh, luôn nhận phần thiệt về mình. Đọc “Đi biển một mình”, tôi hiểu vì sao chị buồn và khao khát hạnh phúc đến vậy.

Vài trang ngắn ngủi, tôi không thể khái quát hết tác phẩm của chị. Chị viết đa dạng: tàn văn, thơ, ký, truyện ngắn, tiều thuyết... Và sau này với tình yêu mãnh liệt âm nhạc dân tộc, chị mày mò học cải lương, học hát và sáng tác cổ nhạc. Rồi chị viết cả kịch bản sân khấu, kịch bản phim truyền hình, điện ảnh... Tôi có cảm giác chị là bông hoa muốn nở hết mình trong gió nắng, muốn thử sức với hết thảy các thể loại. Cũng sẽ có người không mặn mà việc ấy của một nhà văn nhưng tôi nghĩ tại sao con người ta cứ tự giới hạn mình. Cứ làm, cứ đi rồi sẽ đến một cái đích nào đó. Tôi nhận ra, cuối cùng văn chương vẫn là con đường thích hợp với chị nhất.

Tôi đặc biệt thích tập truyện ngắn "Đi biển một mình" của chị, có lẽ cùng là thân phận phụ nữ, nên thật dễ đồng cảm với nỗi niềm những người đàn bà trong truyện. Với 15 truyện ngắn nhỏ, xinh cũng vừa đủ chuyển tải vẻ đẹp nữ tính, thân phận người phụ nữ, nỗi cô đơn dài dằng dặc của đời người, chất ngọc kết tinh từ lòng nhân hậu lắng đọng sau những đổ vỡ, bất hạnh. Hiểu cuộc đời chị Kim Quyên nên tôi biết những gì chị viết ra không thể khác được. Văn chị đôn hậu, chân chất, mộc mạc và giản dị như chính trải nghiệm cuộc đời mà chị đã sống, đã thở. Có người nói chị Kim Quyên viết thật thà quá, hiền quá, tự nhiên quá. Tôi cho đó là một lợi thế của chị. Bởi hiền, thật thà mà văn tự nhiên đi vào trái tim con người, không qua cái ma mị, lắt léo, đánh đố của chữ nghĩa. Gu văn chương cũng như kiến trúc, mỹ thuật, tùy theo cảm nhận của mỗi người. Có người thích kiến trúc cổ điển, nhiều họa tiết, rườm rà, nhiều đường cong lượn, có người thích tối giản. Người thích những chiếc bình pha lê lấp lánh, men sứ bóng loáng, người thích đất nung thô mộc. Văn chương của chị Kim Quyên gợi tôi nhớ đến vẻ đẹp của chiếc bình đất nung cắm lô xô những bông hoa sọ nhái rực nắng gió phương Nam. Đọc nhà văn Kim Quyên, tôi càng thận trọng để nhận xét nhà văn này viết có văn hay không văn. Văn là gì? Đọc một tác phẩm của ai đó mà ta rung cảm, thấy thương yêu con người hơn, hướng thiện hơn, muốn được sống tốt hơn. Vậy đó có phải là văn không? Đọc những trang viết cho ta sự hoang mang, sỗ sàng chữ nghĩa, lắt léo, đánh đố, không đầu không đũa, bí hiểm không biết tác giả nói gì thì đó là văn và cách tân hay sao?! Thiết nghỉ, người viết văn đạt đến độ trong sáng, giản dị, làm đẹp giàu thêm chữ nghĩa không phải là chuyện dễ. Đọc nhà văn Kim Quyên, gấp sách lại, nước mắt tôi chảy ra vì thấy mình trong đó, đồng cảm với thân phận phụ nữ, những người đi biển một mình, người đi tìm hạnh phúc trong vô vọng, những người phụ nữ tận hiến thời thanh xuân để trở thành người thừa tuổi xế chiều, người con gái ở ngã ba sông không biết đâu là cái bến dành cho mình và những bông hoa cuối mùa tàn úa mà lòng vẫn đau đáu được yêu thương…

Đây là tấm lòng một người mẹ, người bà quyện trong tấm lòng một nhà văn dành cho đứa cháu vào lớp một, không thèm ngoáy lại nhìn bà:

“… Thôi, Vậy cũng tốt. Nó không bịn rịn người nhà như những đứa trẻ khác. Nó đã lớn rồi.

Nó lớn rồi nhưng những khi được ngủ trưa ở nhà, tôi vẫn hát ru, tôi muốn truyền vào tâm hồn nó một chút tình yêu gia đình, tình xóm làng, quê hương dù tiếng ru của tôi lạc lỏng trong buổi trưa oi nồng giữa chốn phồn hoa náo nhiệt…”

Làm sao chị em phụ nữ chúng tôi không mủi lòng trước thân phận một người vợ. Lúc mang thai, lẽ thường, phụ nữ cần chồng hay người thương yêu bên mình nhất, thì có biết bao người phụ nữ như Lụa, với một người chồng vô tâm, thất chí, lao vào rượu để quên đời:

“Lụa khuyên giải thế nào cũng không nghe, có hôm anh đi về khuya, té nằm lăn trước cổng nhà, người một nơi, xe một nơi, không còn biết đất trời gì nữa. Lụa không dám nhờ tới lối xóm sợ họ biết chuyện, đành một mình với cái bụng bầu è ểnh dìu anh vào nhà…

Gần sanh, cô thèm chè mà không có tiền mua, vét một chút đường chảy còn sót dưới đáy keo, nhổ cây mì sau nhà, mài củ vắt lấy bột nấu chén chè ăn cho qua cơn thèm. Từ lúc lấy Thanh, Lụa chưa bao giờ thấy tiền lương của anh, lương lãnh về, anh bỏ trong rương khóa lại, hỏi tới thì anh bảo có bao nhiêu mà hạch sách. Từ đó, Lụa không bao giờ đề cập đến chuyện tiền bạc, hai mẹ con no đói gì mình cô biết…”.

Hiểu phần nào cuộc đời của chị, đồng cảm với cảnh bà mẹ đơn thân nuôi con, tôi thầm hỏi “Lụa là Kim Quyên hay Kim Quyên là Lụa?!”. Có lẽ cả hai, bởi không có những trải nghiệm đắng cay, nước mắt của người đàn bà đi biển một mình, làm sao chị có thể thấu hiểu được nỗi khổ của Lụa - nhân vật trong truyện “Bông lục bình” chìm nổi của chị. Nhưng rồi tình thương, trách nhiệm với những người thân yêu, chị vẫn phải neo cuộc đời mình trong cái bến đục với những ràng buộc đời thường. Rốt cuộc, chị vẫn là người đàn bà cô đơn, khao khát được yêu thương, khao khát hạnh phúc cháy lòng.

Nhà văn Kim Quyên cho phép mình được viễn du, mơ mộng với một người đàn ông với tên gọi Philippe Mitou:

“Anh là một Parisiens chính hiệu, một nhà nghiên cứu lịch sử”. Mối tình họ diễn ra trong cuộc chiến tranh khắc nghiệt. Anh gọi chị là Rose - một đóa hồng ngỡ như không thể thiếu vắng trong cuộc đời. Philippe yêu Rose, quyết tìm về quê hương của Rose cho bằng được, dù phải đối diện với khẩu AK của người du kích vùng giải phóng. Rồi anh tham gia kháng chiến, ra tận miền Bắc để tìm gặp chị nhưng chiến tranh khắc nghiệt, chị nào dám chấp nhận tình yêu của Philippe. Dù yêu cô, anh phải bị quân Giải phóng quản thúc rất lâu, bị đưa ra tòa án quân sự nước Pháp “vì tội theo Cộng sản”.  Philippe về nước, lấy vợ. Chị lấy chồng, đối mặt với những ngày hậu chiến khó khăn. Dòng đời ngỡ như đã đẩy họ về hai đối cực của hai đất nước xa xôi. Mối tình người đàn ông ngoại quốc trở thành một bí mật chị chôn giấu trong tim. Nào ngờ Philippe vẫn không quên mối tình xưa, tìm mọi cách trở về Việt Nam, quyết đi tìm lại chị. Họ gặp nhau, nước mắt tuôn trào vì hạnh phúc. Anh chân thành kể “Anh cưới cô bạn học, có đứa con gái ba tuổi rồi ly hôn”. Chồng chị hy sinh vì chứng sốt rét ác tính khi cùng chị vượt Trường Sơn. Họ đến với nhau, như hai giọt nước lăn về một chiều của số phận, hòa lẫn vào nhau, không gì có thể cản ngăn, ràng buộc. Hai người cùng cảm nhận hạnh phúc muộn màng bên nhau:

“Người đàn ông mỉm cười, ánh mắt mơ màng, đầu tựa lên đôi vai bé nhỏ, lắng nghe tiếng chim hót đêm đâu đó trên tàng cây, tiếng thầm thì mơ hồ của khu vườn khuya, tiếng người phụ nữ khẽ khàng bên tai mà tưởng như mình đang lạc vào thế giới thần tiên nào…”. Một kết thúc có hậu. Một mối tình đẹp, khiến bao người ao ước. Đọc xong truyện, tôi gấp sách lại, gọi điện cho chị ngay, chân thành chúc mừng. Đầu giây bên kia, giọng chị ỉu xìu: “Ôi Trời, chị hư cấu đó mà. Chị có nghe bạn bè kể lại chuyện một anh giáo sư người Pháp đem lòng yêu cô nữ sinh Cộng sản. Thấy hay chị viết vậy thôi chớ có tình yêu tình iếc gì đâu…”.

Nào ngờ tôi tin thật, cứ ngỡ chị mình đã tìm được tình yêu đích thực, để nói lời chúc mừng chị. Lời chị nói khiến tôi ngỡ ngàng, xúc động, tự nhủ: “Vậy mà chị ấy viết như thật”. Có một sự thật mà tôi được biết dù chấp nhận ly dị chồng, hôn nhân đổ vỡ, gần như một mình vừa đi dạy học, viết văn, nuôi dê…Làm nhiều nghề để nuôi con nhưng trái tim Kim Quyên vẫn dạt dào xúc cảm, khát khao hạnh phúc. Chị viết như thật về niềm hạnh phúc muộn màng, dù hạnh phúc với chị là điều không có thật. Người đàn bà của chị trong “Cố nhân” bộc bạch:

“Mà sao, ngoài miệng nói vậy chớ nhiều lúc trong bụng chị vẫn thường tơ tưởng đến một người đàn ông. Người đàn ông đó phải tinh tế dịu dàng, phải mạnh dạn xốc vác, sức khỏe tương đối tốt để tựa nương lúc tuổi xế chiều. Nhiều lúc chị tự cười thầm, tuổi này mà còn mơ mmộng chuyện viễn vông…”.

Chị đã nói thay khát vọng thầm kín của bao phụ nữ tuổi xế chiều, cứ mong được gặp cố nhân, gặp được người yêu thương mình chân thật. Dù gặp hay không, tôi vẫn cầu mong chị hạnh phúc vì chị xứng đáng được hưởng những điều tốt đẹp.

Năm 2017, bạn văn mừng cho chị vì tiểu thuyến "Tình không biên giới" - viết về mối tình cô giáo Việt Nam và chàng chiến sĩ Campuchia Sơn Bách trong giai đoạn ngắn ngủi 1968 -1969 với giằng xé, trái ngang được trao giải thưởng Mekong lần thứ 8. Thành công quyển tiếu thuyết chính ở tình người. Đọng lại sau những trang văn cũng chính ở cái tình của tác giả. Những kỷ niệm chan chứa yêu thương trong những ngày chị sống nơi biên giới ác liệt đã được ghi lại bằng con chữ, chọn tiểu thuyết làm cách thể hiện, như một nén tâm hương gởi những người đã mất, đã hy sinh trên hai miền đất xa xôi, đẩm máu một thời. Tình không biên giới cũng đã được trao giài thưởng Tôn vinh tác giả viết về biên giới, hải đảo từ năm 1975 đến 2020 của Hộị Nhà văn Việt Nam năm 2020.

*

Rồi tiếp theo tiểu thuyết "Thành phố bên sông" của chị được trao giải thưởng Học tập và làm theo tư tưởng, đạo dức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2020 vì ký ức của một cô gái miền Tây sông nước gắn liền với những thăng trầm Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh suốt thời thiếu nữ cho đến mấy mươi năm là cư dân của một thành phố nghĩa tình. Làm sao nữ nhà văn không trân quý miền ký ức cửa một cô bé từ miệt Cai Lậy lần đầu lên thành phố, được ngồi xe xích lô đạpđi qua những con đường với biết bao cảm xúc, từ  thích thú, kinh ngạc, ngỡ ngàng, ngưỡng mộ đến bất an với những toà nhà cao tầng, hàm răng trắng nhỡn của anh chàng Hynos trong tấm biển quãng cáo; để rồi mấy năm sau, khi trở thành thiếu nữ; cô bé miệt vường Cai Lậy ấy hoà mình vào phong trào học sinh sinh viên, cùng Sài gòn xuống đường đòi hoà bình, cùng gánh chịu những tang thương, mất mát cho những cuộc đấu tranh. Bản thân Kim Quyên đã góp cho thành phố thân thương này một màu sắc không trộn lẫn với bất kỳ thành phố nào, bởi mỗi cư dân từ những miền đất xa xôi đến với thành phố này mang theo tinh hoa, nhân nghĩa làm nên một sài Gòn nhiều sắc thái.  Giá trị quyển tiểu thuyết kỳ lạ thay chính là sự chân thật, như lời bộc bách của tác giả: "Tiểu thuyết là hư cấu, nhưng ở đây, dường như có đến 90% là sự thật". Sự thật được nhà văn tái hiện để thế hệ trẻ sau này khi đọc Thành phố bên sông sẽ hiểu thêm vì sao tất cả mọi người đều tham gia để bảo vệ mảnh đất mình đang sống trước kẻ thù xâm lược. Chính vì yêu thành phố này một cách máu thịt mà suốt trong 4 tháng Sài Gòn bị phong toả vì covid, chị gởi nhiều nỗi niềm, trăn trở trên facebook về một thành phố tang thương trong dịch bệnh. Chị đã sống ở thành phố này trong những ngày khó khăn nhất nhưng chưa bao giờ trải qua cơn dư chấn khốc liệt này. Chị gọi điện cho bạn văn, cho người quen; không khỏi lo lắng, bất an rồi động viên nắm tay nhau đi qua khúc quanh khốc liệt này. Tôi nhìn thấy sức mạnh của chị trong một tâm hồn đa cảm. Vâng, đúng như những tự bạch của chị về nghề:

"Nghề văn là nghề cao quí nhất trong các nghề. Nghề yêu cầu người cầm viết phải có kiến thức uyên bác, có đức, có tài, có lòng dũng cảm và phong cách của một nhà văn chân chính, nhà văn là thơ ký trung thực của xã hội... Tôi mong sao những chữ, những câu văn của tôi góp được một chút gì tốt đẹp cho quê hương tôi".

Vì "là thơ ký trung thực của xã hội" mà Kim Quyên trung thành với cả "Mối tình đầu" của mình, với những cảm xúc rất con người, không giấu diếm cả những hồn nhiên, dại khờ, ấu trĩ của mình. Mối tình đầu với những rung động đầu đời, đẹp như mơ mà xiết bao đau đớn vì chiến tranh huỷ hoại. Khi đất nước bị chiến tranh tàn phá, những mối tình cũng vì nước non mà lận đận... Tôi thổn thức với "Mối tình đầu" của chị trước số phận những người con gái, con trai trong sáng, khoẻ đẹp, đầy hoài bão, ước mơ bị ném vào lò lửa cuộc chiến tranh. Người hy sinh, người thương tật, người bị biến thái tâm hồn... Nhưng lòng nhân hậu đã dẫn ngòi bút chị đi, để vẫn còn lại một mối tình đẹp trong ký ức một cô gái thánh thiện, trong trắng...

Vì là "thơ ký trung thực của xã hội" nên lằn ranh giữa hiện thực và hư cấu trong những tác phẩm của Kim Quyên gần như trộn lẫn. Tôi nhìn thấy mọi hư cấu trong các nhân vật tiểu thuyết, truyện, tản văn từ chính cuộc đời chị đã trải nghiệm. Ngay cả những câu chuyện trong tập “Hồi sinh” chị viết trong mùa covid cũng là những câu chuyện rất thật, rất đời mang dấu ấn đời sống của chị chuyển tải vào tác phẩm. Tôi xin mượn lời cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng - người đã phát hiện ra một Kim Quyên hồn hậu, toả sáng qua những trang văn kết tinh từ tinh chất những hạt phù sa đồng bằng, khi viết lời đề tựa cho tập truyện ngắn "Người dưng khác xứ", để viết những cảm nhận về chị.

"Ở mỗi truyện ngắn của nhà văn Kim Quyên đều có những tình tiết để lại dấu ấn trong lòng người đọc. Từ những chi tiết tưởng như vô tình, tác giả viết nên những câu chuyện khiến cho người đọc khó quên. Đọc truyện của tác giả là đọc tấm chân tình của người dân Nam bộ. Văn của Kim Quyên là một dòng trôi cảm xúc, như dòng nước Cửu Long xuối giữa đôi bờ."
 

Tôi mong những bạn văn, độc giả đọc Kim Quyên cũng bằng cái tình của một ly nước chưa đầy để cảm nhận...


Nhà văn Kim Quyên (áo xanh) cùng nhà văn Trầm Hương (áo tím) chụp ảnh lưu niệm cùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong đại hội Nhà văn 2010. Mới 5 năm thôi mà, bao thay đổi…


Một số tác phẩm của nhà văn Kim Quyên

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nhà văn Di Li: Tôi bị hấp dẫn bởi người đàn ông nhân văn, tử tế
Tôi nghĩ rằng, là người văn minh thì phải chấp nhận sống chung với sự khác biệt, tuy nhiên, sự khác biệt đó nếu không tốt, muốn người ta thay đổi thì mình sẽ góp ý. Và cách góp ý của mình cũng khá hài hước nên người nghe không mấy khi khó chịu.
Xem thêm
Người tốt trại Vân Hồ
Nhà văn Trung Trung Đỉnh, Giải A cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn, 1998 – 2000) với tiểu thuyết Lạc rừng. Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
Xem thêm
Nhớ nhà báo Phú Bằng
Đọc bác Phú Bằng từ lâu, khi tôi còn trực tiếp cầm súng ở Trung đoàn 174 Sư đoàn 5 thời chống Mỹ. Lúc ấy bác Phạm Phú Bằng là phóng viên báo QĐND được tăng cường cho báo Quân Giải phóng Miền Nam.
Xem thêm
Nhà văn - dịch giả Trần Như Luận với tác phẩm “Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh - Mỹ kinh điển, lừng danh”
Tháng Sáu 2022, trên Báo Thanh Niên rồi Tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, nhà báo Hà Tùng Sơn và nhà phê bình văn học Vân Phi giới thiệu tác phẩm thứ 7 của nhà văn Trần Như Luận (TNL): tiểu thuyết Gương Mặt Loài Homo Sapiens. Trước đó, anh từng gây tiếng vang nhờ giá trị đáng kể của bộ tiểu thuyết Thầy Gotama và 8000 Đệ Tử dày tới 1.200 trang, trình làng năm 2014. Chúng tôi cũng biết tới cả trăm tác phẩm dịch của anh, cả thơ và truyện, xuất hiện trên các tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Văn nghệ Quân đội, Non Nước, Sông Hương, v.v… Xuân Giáp Thìn 2024, nhà văn ra mắt một “dịch phẩm” hoàn toàn mới: Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh – Mỹ kinh điển, lừng danh. Sách dày 320 trang, bìa bắt mắt. Sách được Liên hiệp các Hội Văn học-nghệ thuật Việt Nam thẩm định chất lượng và hỗ trợ kinh phí; NXB Hội Nhà văn cấp phép. Nhân một cuộc hẹn thú vị tại Quận 7, TP Hồ Chí Minh, trong một quán cà phê tao nhã, không bỏ lỡ cơ hội, tôi đã thực hiện cuộc phỏng vấn này.
Xem thêm
Nhớ anh Mai Quốc Liên
Bài viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Nhà văn Trầm Hương: Sứ mạng nhà văn là đi tìm những ẩn số
Hàng chục năm nay, nhà văn Trầm Hương (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM) vẫn âm thầm theo dấu chân những anh hùng, người lính, mẹ liệt sĩ… để tìm nhân vật cho những trang sách của mình. Chị ghi dấu ấn đậm nét trong dòng văn học cách mạng hiện nay.
Xem thêm
Thương nhớ anh Duy
Tôi viết ra đây mấy lời tâm sự như thắp một nén nhang kính nhớ thương tiễn anh Duy về trời cùng đàn anh Lê Văn Thảo...
Xem thêm
Nhà văn Ann Patchett: Thời gian tuyệt vời nhất là ở trên máy chạy bộ và viết sách
Ann Patchett là nhà văn Mĩ, tác giả của 9 cuốn tiểu thuyết, 4 cuốn sách phi hư cấu và 2 cuốn sách dành cho trẻ em. Trong văn nghiệp, bà từng giành giải Orange cho Bel Canto, cũng như lọt vào danh sách chung khảo giải Pulitzer 2020 với cuốn Ngôi nhà của người Hà Lan. Gần đây bà đã cho ra mắt cuốn tiểu thuyết mới mang tên Tom Lake, và điều đặc biệt là nó được viết trên bàn đặt trên máy chạy bộ và lời khuyên về năng suất từ ​​Elizabeth Gilbert.
Xem thêm
Lê Minh Quốc và cuộc hành trình chữ nghĩa
Bài của nhà thơ Ngô Xuân Hội trên báo Văn nghệ.
Xem thêm
Nhà thơ Nguyễn Thành Phong: Với chữ nghĩa, tôi như người đang yêu
Gọi Nguyễn Thành Phong là nhà thơ, nhà văn, biên kịch hay cái danh mà mang nhiều nghiệp nợ nhất là nhà báo, thì viết gì, dù là kiếm sống, anh cũng phải cố ở mức tốt nhất theo ý mình thì mới cho là được. Với chữ nghĩa, Nguyễn Thành Phong ví anh như người đang yêu, càng bị “ruồng rẫy”, càng thấy không thể bỏ cuộc.
Xem thêm
Vũ Cao - “Núi Đôi mãi mãi vẫn là Núi Đôi”
Nói đến nhà thơ Vũ Cao không thể không nói tới bài thơ Núi Đôi.
Xem thêm
Chính Hữu – Nhà thơ của các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô
Với bài thơ Đồng chí (1948), nhà thơ Chính Hữu đã tạo một dấu ấn sâu sắc về vẻ đẹp bình dị mà cao cả của người chiến sĩ trong kháng chiến chống Pháp.
Xem thêm
Mừng tuổi lúa | Ngô Xuân Hội
Nguồn: Tuần báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Lê Văn Thảo – “Ông cá hô” làng văn
Nguồn: Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam.
Xem thêm
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: “Tôi sợ chữ nghĩa của mình là vô ích”
5 năm sau Cố định một đám mây, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư tái ngộ độc giả với tập truyện ngắn mang cái tên cô đọng và đầy sức gợi: Trôi. Dịp này, chị dành cho phóng viên một cuộc chia sẻ. Vẫn là Nguyễn Ngọc Tư với phong thái được nhiều độc giả yêu mến: chân thành, giản dị, khiêm cung và sâu lắng.
Xem thêm