TIN TỨC

Thương mái đình quê – Bút ký Thanh Tuân

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1368 lượt xem

Thanh Tuân

 Làng tôi đi qua mưa gió. Nghiêng nghiêng thời gian đổ rêu xuống mái đình. Nghiêng nghiêng tình yêu nhóm lên ngọn khói trầm thơm thơm mái đình. Nghiêng nghiêng nỗi nhớ của người con tha phương gởi về mái đình chốn cố quận.

Thương mái đình!

Chẳng phải là mái đình cong vút như mũi thuyền rồng. Chẳng là mái đình có cây đa to cổ kính ngàn năm tuổi phủ bóng ôm lấy mái ngói rong rêu. Cũng chẳng phải mái đình có con sân to nhìn ra phía trước có ao sen và dăm khóm trúc. Đình làng quê tôi khiêm tốn hơn, nếu không muốn nói là nhỏ. Nó tựa ngôi nhà nằm ở giữa làng. Trước đình có một khoảng sân gạch thẻ nho nhỏ. Đình nhìn ra có con đường ngang phía trước, và xa kia là cánh đồng rộng mênh mông trải dài từ xóm Rừng đến xóm Làng và ra tận xóm Sông. Nếu không có mái ngói âm dương và nếu không phải không khi nào đóng cửa thì chẳng ai biết đấy là đình làng.

Ba nói đình có từ đời ông cố, là nơi họp làng, nơi diệc xóm cuối năm và cúng làng đầu năm. Rồi qua chiến tranh, sân đình có lần bị pháo dội lủng mấy chỗ. Bà con đắp lại, mua gạch mới về xây vào. Mái ngói cũng bao lần hứng đạn bể lổ chỗ. Bà con lại lặng lội tìm mua được ngói âm dương về vá. Tấm cũ tấm mới thế nên nhìn mái đình chỗ còn đỏ hồng, chỗ đã xám ngắt màu thời gian.

Lũ trẻ chúng tôi có bao giờ để ý đến những đổi thay của đình, với chúng tôi đình là nơi tụ tập mỗi chiều, là nơi bày đủ trò mỗi khi thả trâu ngoài cánh đồng trước làng, và là nơi quấn riết mỗi khi cây thị ngã mùa phả hương thoang thoảng. Đấy là cây thị phía góc đình, một cây thị to cao với bóng ngã bao rợp một phần sân. Nhìn lớp da xù xì, đầy những vết thương của cây thị cũng đủ biết cây thị đã đi qua bao nhiêu mưa nắng của làng.

Tới mùa, thị trĩu quả. Quả thị không to nhưng khi chín ngả vàng sáng và thơm lựng. Vì thân quá to nên lũ trẻ chúng tôi chẳng đứa nào ôm xuể mà trèo hái. Thế nên mùa thị chín, quanh gốc đầy những sào ngắn, sào dài… Những trái thị ở cành phía sát gốc chẳng bao giờ thấy được màu vàng khi chín. Trái nào vừa chớm ươm là cứ y như cả cành ấy bị ném dép, ném cây, thọc sào đến rụng mới thôi. Mỗi chiều, hàng chục ánh mắt dạo quanh gốc thị, lò dò lượm thị rụng, ngửa cổ lên nhìn thèm thuồng những trái thị vàng rộm lúc lỉu trên ngọn cao. Thỉnh thoảng chúng tôi được chiêu đãi một bữa tiệc thị bởi chú Năm nhà gần đình hỉ xả. Chú leo tận ngọn rồi rung. Cơn mưa thị chín lộp độp. Tiếng hò hét, chí chóe, tiếng cười giòn tan trong xô đẩy, tranh nhau lượm thị. Đình làng vui rộn rã.

Ba thường bảo đình, chùa, miếu, mộ là những nơi linh thiêng, thế nên đến những nơi đó phải kiên dè. Nhưng kì thay chúng tôi lại thấy ngôi đình làng gần gũi đến lạ. Những chiều chơi trốn tìm, chúng tôi rúc trốn mọi ngõ ngách quanh đình. Có đứa trốn cả vào phía chân bàn để lư hương trong đình, rồi đứa đi tìm lại sục sạo khắp nơi chẳng sợ sệt kiên dè. Vậy mà chẳng đứa nào đêm về gặp ác mộng. Có chăng trong giấc mơ hồn nhiên ấy là tiếng cười trong veo như nắng mai ai đem trải ra phơi nơi sân đình.

Đi qua thời gian, con đường ngang phía trước đình nối đôi làng trên xóm dưới giờ đã đổ bê tông. Nhà cửa quanh đình đã khang trang hơn rất nhiều. Góc phải sân đình được trồng một trụ điện năng lượng mặt trời trong dự án Thắp sáng đường quê. Lũ trẻ chúng tôi thuở nào đã trôi dạt trăm ngõ. Đình vẫn ở đấy, đinh ninh chung thủy với làng. Mái ngói âm dương lổ chỗ màu vẫn trầm mặc, gió mưa phủ rêu thêm cổ kính. Cây thị vẫn đứng đó dù đã bao lần bao cơn bão qua làng cuốn phăng nhà cửa. Thị vẫn xòa bóng ra ôm giữ lấy ngôi đình, như giữ giúp chúng tôi cả một trời kí ức.

Một chiều gió tôi về lang thang trước sân đình. Hoàng hôn gieo nắng lợp lên mái ngói màu thương nhớ. Trong bâng khuâng tôi ước mình thành đứa trẻ chạy quanh gốc thị nhặt thị rơi. Tiếng cười giòn tan hòa vào chênh chao hương thị, lặm vào từng từng tấm ngói. Tôi ước mình được trẻ mãi như những câu đồng dao bày biện trên sân đình qua bao thời gian đổ gãy.

Thương mái đình quê!

T.T

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tuổi thơ bên dòng lũ
Có thể nói, dù mưa bão thường mang đến nhiều thiệt hại cho người dân miền Trung, nhưng lũ lụt cũng bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng duyên hải này, nhờ đó mà người dân nơi đây có thể sống bằng nghề nông nghiệp ổn định với mùa màng tốt tươi, cây lúa phát triển.
Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm
Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung
“Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.
Xem thêm
Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc
Nguồn: Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc (Tạp chí Sông Lam) và Văn nghệ Công an số 715, ngày 11/7/2024.
Xem thêm