TIN TỨC

Ký ức làng xưa chấp chới trên đôi cánh thời gian

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-09-17 07:45:55
mail facebook google pos stwis
918 lượt xem

TUY HÒA

Ký ức làng xưa bên dòng sông Lam được tác giả Hoa Mai tái hiện một cách sinh động qua tập tản văn giàu chất thơ, có tên gọi ‘Trên đôi cánh thời gian’.


Nhà thơ Mai Hoa

Ký ức làng xưa bao giờ cũng trở thành tài sản quý báu cho những ai biết trân trọng cội nguồn. Ký ức làng xưa với tác giả Hoa Mai giống như một bộ phim âm ảnh mà mỗi cảnh quay chầm chậm đều cồn cào dĩ vãng: “Những ngày bé thơ bên cha mẹ sau lũy tre làng chăn trâu cắt cỏ. Chúng tôi đi, mang tham vọng khám phá những chân trời mới lạ. Vẽ những ước mơ thành công của cuộc đời. Những tháng ngày bôn ba mưu sinh đất khách, vinh quang cũng có mà cay đắng cũng nhiều. Tôi đã sống để mà yêu mọi mảnh đất cưu mang mình, mà tâm niệm nơi đấy cũng là quê hương. Nhưng thật sâu trong tâm khảm, vẫn có một quê hương trong tim mình, đó là quê nhà”.

Hoa Mai sinh ra và lớn lên ở Nghệ An. Sau khi nghỉ hưu ở ngành hải quan, chị dồn mọi năng lượng cho đam mê văn chương từ thời thanh xuân của mình. Tác giả Hoa Mai đã xuất bản gần chục cuốn sách, bao gồm nhiều thể loại thơ, truyện ngắn và tiểu thuyết. Tuy nhiên, thế mạnh của chị lại nằm ở thể loại tản văn.

Đã tích lũy vốn sống bôn ba và thăng trầm, Hoa Mai viết “Trên đôi cánh thời gian” bằng sự ngoảnh lại của một người nhận diện rõ ràng giá trị sinh tồn: “Tôi đã đủ từng trải mà để hiểu trụ thế là sống gửi, nhỏ nhoi như bèo trôi. Những gặp gỡ chân thành, những ước mơ nắm tay nhau đi ngàn non vạn biển để tìm lại những năm tháng xa xưa thuần khiết chẳng thể nữa rồi. Tôi đã giác ngộ ra rằng những năm tháng trên trần thế này chẳng qua như mây tụ mây tan”. Vì vậy, tuổi già càng khiến chị bình thản: “Vui, buồn thì tìm cảnh tượng náo nhiệt trong ký ức, mọi thứ trong hoàng hôn cũng là một thứ phong cảnh, vui hay buồn, có cũng được, không cũng được đều nhẹ nhõm. Học cách yêu và tự hào hoàng hôn của mình cũng là một điều hạnh phúc của tu tập”.

Tản văn của Hoa Mai đậm chất tự sự. Chị không ngần ngại phơi bày mọi góc khuất riêng tư để tìm kiếm tri âm và tri kỷ. Chị thú nhận “Tôi bị sự quyến rũ của rừng mê hoặc. Bươn chải mưu sinh khắp nước, toàn ở thành phố lớn nhưng càng ngày cái ước mơ có một căn nhà nhỏ nép bên bìa rừng, có suối reo, hoa nở, xa chốn tục lụy. Sống yên bình với cỏ cây luôn cựa quậy trong tâm khảm. Những lời mời ra biển vạn bất đắc dĩ tôi mới nhận lời. Nhưng hễ ai gọi lên rừng là tìm mọi lí do để đi. Y như sâu thẳm trong lòng tôi có tiếng gọi hoang dã của núi rừng”.

Thế nhưng, hoàn cảnh không cho phép chị chọn lựa cuộc sống ấy, chị vẫn cư ngụ ở đô thị. Cho nên, chị tìm kiếm thiên nhiên bằng một hành trình ký ức làng quê. Mảnh đất chôn nhau cắt rốn được chị hồi tưởng: “Ba dãy núi ôm trọn Nam Đàn quê tôi. Nơi có dòng sông Cả, sông Đào chạy suốt huyện, nên ruộng đồng quê tôi ít khi bị hạn hán mưa lũ hành hạ. Tương truyền từ khi mộ bà Hoàng Thị Loan được đưa về trên dãy Đại Huệ, lũ lụt đã không còn viếng thăm quê tôi”.

Ký ức làng xưa chấp chới “trên đôi cánh thời gian” được kết nối với nhiều góc độ thương nhớ. Từ một thói quen sinh hoạt “Dân làng tôi xưa ai cũng tự nấu rượu, để nhà dùng, để bán, để lấy bã hèm nuôi lợn. Mẹ tôi nấu rượu bằng gạo nếp, mỗi cân gạo nếp chỉ lấy một chai rượu trong như mắt mèo. Mỗi khi cha đi giỗ, trong phần lễ cầm đi, nhất định có chai rượu nút lá chuối của mẹ” đến một món ăn bình dị “Xưa trong chạn bếp quê tôi, nhà nào cũng có chai mật. Mật mía làm nên hồn cốt đặc trưng nhiều món ăn xứ Nghệ. Khẩu vị quê tôi là cay và mặn. Nhưng món giả cầy, nhựa mận, bánh ngào, mắm nục, kẹo cu đơ... nhất thiết phải có mật mía. Mật mía giúp cho bếp của phụ nữ tỏa hương, giúp bữa cơm xứ nghèo trở nên hấp dẫn”.

Càng xuôi ngược, con người càng tha thiết không gian bình yên, dẫu kỷ niệm đôi khi mờ nhòe vì những chật vật: “Trong màn sương ký ức tôi liên tưởng làn khói bếp tím mờ nặng nhọc bò ngoằn ngoèo trên mái tranh với một tứ thơ đồng quê lãng mạn. Nhưng thực thế dưới làn khói nên thơ ấy là hình ảnh một cô bé chổng mông thổi lửa nấu cơm chiều, vì trời mưa củi ướt, mắt đỏ kẻ vì khói. Củi đun mùa mưa dầm cũng là một ám ảnh”.

Để được ngụp lặn trong ký ức làng quê, tác giả Hoa Mai luôn tranh thủ trở về mảnh đất từng in dấu tuổi thơ mình. Lắm khi, chị không cần phân biệt mình đang phiêu lãng “trên đôi cánh thời gian” hay trên đôi chân lặng lẽ: “Về quê, vẫn vui, vẫn hạnh phúc. Nhìn cảnh quê bây giờ dường như đã cách cả một đời, thứ hạnh phúc giản dị an bình mà ghim nhớ trong tim đã không còn dành cho mình. Đi một vòng nhân gian, phung phí bao thời gian mà tạo hóa ban cho mình, trải đủ trái đắng cũng như phúc phần, tôi mới ngộ ra những điều cốt tử về thời gian. Hóa ra, thời gian đời tôi sử dụng đã không được may mắn như thời gian thầy, mẹ tôi đã có”.

Cũng như bao người xa xứ, Hoa Mai phát hiện sự đổi thay chóng mặt của nông thôn Nghệ An trong vài năm gần đây. Chị bâng khuâng: “Làng bây giờ nhà ai cũng xây tường, cổng sắt oai vệ. Nhìn cổng để mà đoán nhà gia chủ. Lũy tre đã không còn, hàng rào chè tàu cắt xén công phu đã không còn, bờ giậu có hoa bìm bìm tím cho con bướm ngây thơ nhởn nhơ cũng đã vào dĩ vãng. Ngõ cúc tần hò hẹn e ấp thời xưa của đôi bạn hàng xóm đã chỉ còn trong thơ. Cô hàng xóm có hái hoa bưởi cũng không còn e ấp gói khăn tay vạch rào sang trao cho cậu bạn hàng xóm nữa. Bây giờ dù ở gần nhau, người ta cũng chỉ cần click chuột, gửi cho nhau tấm hình ảo, lãng mạn chân chất ở làng giờ cũng ảo mất rồi. Tất cả đã bị những bức tường vô cảm ngăn cách”.


Tập tản văn "Trên đôi cánh thời gian".

Tuy nhiên, ký ức làng quê vẫn còn hiện diện ở những màu hoa quen thuộc. Tác giả Hoa Mai nhắc đến “ba loài hoa tôi giấu ước muốn trong tim ấy, mỗi thứ cát cứ một vị trí riêng biệt”.

Thứ nhất là hoa thược dược “gắn với phong thái quý tộc cao sang điềm đạm phải nâng niu trân trọng, hoa còn gắn liền với ký ức về cha tôi, ông đồ xứ Nghệ”.

Thứ hai là hoa bướm “nghĩ đến nó, cảm xúc trong tôi lại chênh vênh tưởng tượng ra một cánh đồng cỏ, nắng non mùa xuân vừa lên, thức chúng dậy, nở bừng như một đàn bướm lộng lẫy sắc màu. Những cọng hoa thanh mảnh đung đưa theo vũ điệu của gió, mặc kệ đủ loài cỏ dại đua chen”.

Thứ ba là hoa violet “ai mà không yêu cho được? không da diết trước sắc tím phung phí đến nao lòng? Ai mà không mềm đi trước vẻ yếu ớt của nàng? Ai mà không e dè trước hương thơm khẽ khàng của nàng?”.

Tản văn của Hoa Mai giàu chất thơ. Chị có những câu văn thật run rẩy khi nhắc đến hình ảnh cây bàng thay lá mỗi mùa “Lá bàng chọn cuộc chia ly màu đỏ để tạm biệt nơi gửi gắm một đời một kiếp của mình. Lá ăn gì để có năng lượng đỏ thắm trước giờ chia ly? Hay cả một đời lá tích cóp năng lượng mặt trời cất giấu lặng lẽ, đợi ngày ra đi mới bùng cháy hiến tặng”.

Một mảng ký ức làng quê gây ấn tượng trong tập tản văn “Trên đôi cánh thời gian” là những câu vè đậm chất trào lộng. Ví dụ: “Củ ông Nam, cam cu Tưởng, ngất ngưởng bá Tùng, lung tung ông Đạt, hay nạt ông Sâm, âm thầm cháu Lý, lớt mí ả Dởn”. Những câu vè bên dòng sông Lam có sự độc đáo, mà người nào từng nghe cũng phải bật cười thấm thía.

Tác giả Hoa Mai nhận định: “Những bài vè làng không làm người ta giận dỗi, mất đoàn kết. Trái lại như một nét văn hóa làng. Mỗi khi tụ họp lại đọc cho nhau nghe mà cười vui, rồi thêm thắt cho vè làng ngày càng dài ra. Vè làng không bị quên theo năm tháng, mà nó đi theo dân làng, nó giúp bao nhân vật trong vè làng sống hoài trong ký ức dân làng”.

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam

Bài viết liên quan

Xem thêm
Mùa hè có tuyết mở ra hy vọng series truyện về mèo Việt Nam?
Không khí buổi giao lưu và ra mắt sách Mùa hè có tuyết ngày 23-3 tại Đường sách TP.HCM
Xem thêm
Vài suy nghĩ nhân đọc “Gãy cánh điệp viên” của Hồ Duy Hùng
Bài viết của Đại tá, nhà văn TRẦN THẾ TUYỂN
Xem thêm
Nhân văn và hiện thực trong Hoàng hôn lóng lánh
Hoàng hôn lóng lánh không chỉ là một tiểu thuyết, mà còn là một thông điệp nhân văn về ý nghĩa của cuộc sống và giá trị của tình yêu thương.
Xem thêm
Từ ánh trăng đến cánh diều – Những hình ảnh thơ ấm áp của Phan Thanh Tâm
Giới thiệu tác phẩm Mẹ có nghe trăng hát của Phan Thanh Tâm cùng 5 bài thơ chọn từ tập thơ này.
Xem thêm
Sbooks mang câu chuyện của những đứa trẻ đồng bào Raglai đến Đường sách Tết
Giấc mơ của những đứa trẻ đồng bào Raglai được tái hiện trong “Đóa hoa sương núi”
Xem thêm
Hồ Sơn Đài với “Nhân chứng và lịch sử”
Nhà thơ Trần Thế Tuyển viết về cuốn sách “Nhân chứng lịch sử”
Xem thêm
Một giọng thơ nghĩa tình, khí khái
Đọc Tuyển tập thơ Nguyễn Văn Thưởng, NXB Hội Nhà văn, 2024
Xem thêm
Nuôi hồn thơ bằng kí ức
Bài viết về tập thơ “Như vừa hôm qua” của nhà giáo, nhà thơ Lê Bá Duy
Xem thêm
“Điển tích văn học”- Cuốn sách cần cho người làm văn học
Nguồn: Văn nghệ Online; Gặp gỡ những vùng văn học
Xem thêm
Nguyễn Linh Khiếu lại “xuất” hoa lạ
Vâng, nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu đã từng xuất bản những tập thơ mang tên những loài hoa rất lạ: Hoa Linh (2000), Hoa Linh Thảo (2021) Hoa Hạnh (trong một bài thơ được Giải nhất cuộc thi thơ tạp chí VNQĐ năm 2010)... Chưa kể tập thơ đầu tay Chùm mơ Tiên cảm (1991) cũng gồm những chùm hoa rất lạ...
Xem thêm
Trần Hà Yên với tình yêu trẻ thơ từ Bí mật của ngôi nhà được làm bằng kẹo
Bài viết về tập thơ Bí mật của ngôi nhà được làm bằng kẹo (NXB Hội nhà văn 2024).
Xem thêm
Người lặn dưới những lớp sóng thời gian
Bài viết của nhà thơ Nguyễn Văn Hùng, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Nghệ An.
Xem thêm
Lắng đọng “Đêm nằm nghe ký ức”
Bài viết của nhà thơ Đặng Bá Tiến
Xem thêm
Một người cầm súng quả cảm - một người cầm bút tài năng
Bài phát biểu của nhà báo Hồ Quang Lợi tại Thư viện quân đội trong buổi giới thiệu 2 tập sách của Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu, 15/10/2024.
Xem thêm
Trường ca “Mặt trận gần phía trước”
Bài viết của Nguyễn Vũ Quỳnh về tập trường ca của Trần Trí Thông
Xem thêm
Hoa hồng có gai, hay là vẫn tin vào nước mắt
Nguồn: Bùi Việt Thắng (Báo Văn nghệ)
Xem thêm