- Tư liệu văn học
- Trái tim thành nhịp cầu tri âm…
Trái tim thành nhịp cầu tri âm…
BẢO TRUNG
Sự kiện Tom Harkin (từng là thượng nghị sĩ Thượng viện Mỹ), cựu nhà báo Mỹ Don Luce, cựu tù chính trị Cao Nguyên Lợi đã cùng phanh phui bí mật hệ thống nhà tù trong nhà tù – “chuồng cọp” Côn Đảo - đã được hé mở trong thời gian hơn 50 năm qua. Nhưng người xem sẽ có thêm những suy niệm sâu sắc hơn sau tiếp nhận những thông điệp từ bộ phim tài liệu chính luận Từ trái tim tới trái tim của hãng phim Truyền hình TP.HCM (TFS) xung quanh sự kiện đáng nhớ này.
Đầu tháng 7.2010 nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Hồ gọi điện cho đạo diễn Nguyễn Hoàng ở hãng phim TFS thông báo có một đoàn Thượng nghị sĩ Mỹ (TNS) sẽ trở lại Côn Đảo vào ngày 5.7.2010 nhân kỷ niệm 40 năm ngày họ phát hiện ra nhà tù “chuồng cọp” Côn Đảo,
Anh Nguyễn Hồ đề nghị đạo diễn Nguyễn Hoàng liên hệ với anh Cao Nguyên Lợi để đi. Năm 1993, khi bắt tay vào làm bộ phim Giữa ngàn thác lũ về nữ tù nhân, đạo diễn Nguyễn Hoàng cũng có dịp nhận được thông tin về sự kiện đoàn nhà báo Mỹ phát hiện ra nhà tù chuồng cọp và những hình ảnh này đã được đăng tải trên các tờ báo lớn ở Mỹ.
Khi gặp bà Nguyễn Thị Chỉ còn gọi là má Sáu mù, bà kể: “Lúc bị giam ở “chuồng cọp” Côn Đảo tôi thấy những người Mỹ đến tận nhà giam, họ chụp hình và hỏi đủ thứ. Sau được ra tù về sống ở Sài Gòn, một người hàng xóm của tôi nói là có hình tôi trên báo Mỹ”.
Đúng vào sáng ngày 5.7.2010, vợ chồng anh Cao Nguyên Lợi đã mua sẳn vé máy bay cho Nguyễn Hoàng, quay phim Huỳnh Lâm và phụ quay Lê Nam để có mặt tại sân bay Côn Đảo lúc 9 giờ.
Chờ tại sân bay một lúc thì chiếc máy bay ATR 72 chở phái đoàn TNS Mỹ đáp xuống sân bay Côn Đảo.
Lần đầu tiên mọi người thấy một người đàn ông dáng người cao, gương mặt phúc hậu, khi ông đứng ở cửa máy bay vẫy chào. Những cựu tù đón và khách mời nhất loạt hô to: Tom, Tom.. và kế đến là Don Don...Kế đến là vợ chồng anh Cao Nguyên Lợi và một số cựu tù Côn Đảo. Trên gương mặt của mỗi người đều rõ nét vui mừng chờ đón những người thân lâu ngày gặp lại. Anh Cao Nguyên Lợi giới thiệu nhóm làm phim với TNS Tom Harkin, nhà báo Don Luce và một số người khác.
Những chiếc máy quay phim, máy ảnh gần như hoạt động liên tục. Đạo diễn Nguyễn Hoàng dặn quay phim Huỳnh Lâm phải thu lại tất cả diễn tiến cuộc họp quá đặc biệt này. TNS Tom Harkin nói: “Thời đó tôi là nhân viên, trợ lý của đoàn nghị sỹ Mỹ đã đến miền Nam Việt Nam, lúc đó tôi đọc cuốn sách của Don Luce viết có tựa đề Việt Nam những tiếng nói chưa được nghe thấy. Khi đến Việt Nam ngày đó, tôi được gặp ông Don Luce, một người rất yêu mến nhân dân và đất nước Việt Nam. Thông qua trao đổi với ông Don Luce, tôi đã hiểu mặt bên kia của câu chuyện Việt Nam. Vào một buổi chiều muộn, Don Luce dẫn một thanh niên trẻ đến gặp tôi và kể cho tôi nghe câu chuyện về “chuồng cọp” như thế nào. Người thanh niên đó là anh Cao Nguyên Lợi, anh Lợi trao cho chúng tôi tấm bản đồ vẽ tay đơn sơ, trong đó có ghi những hiệu để tìm “chuồng cọp”. Hôm nay đúng 40 năm ngày phát hiện ra “chuồng cọp”, tôi xin giới thiệu anh Cao Nguyên Lợi và trao tặng tấm bản đồ gốc này cho nhà bảo tàng Côn Đảo”
Nhờ có mặt trong buổi họp này, được xem một số hình ảnh về nhũng người bị giam trong “chuồng cọp” do nhà báo Don Luce và Tom Harkin mang theo. Đạo diễn Nguyễn Hoàng cùng các cộng sự có ý tưởng làm một bộ phim tài liệu về sự kiện có một không hai này. Nhóm làm phim làm một phóng sự ngắn phát trên Tạp chí Văn nghệ của TFS mang tên Côn Đảo tình người. Trong phóng sự này, ê kíp làm phim may mắn được vợ chồng anh Cao Nguyên Lợi giúp cho một buổi họp mặt cùng với các cựu tù chuồng cọp Côn Đảo, trong cuộc họp này các nhà báo của TFS đã phỏng vấn ông Đào Duy Nghệ, người bị giam tại “chuồng cọp” cùng với nhà sư Thích Hành Tuệ, có hình do Tom Harkin chụp khi phát hiện nhà tù “chuồng cọp” ngày 5.7.1970.
Ông Nghệ nghẹn lời nhiều lần khi nói về nhà sư Thích Hành Tuệ đã tắt thở trên tay ông như thế nào. Và những lời nói của thầy Thích Hành Tuệ khi gặp đoàn nghị sỹ Hoa Kỳ khám phá ra nhà tù trong nhà tù tại Côn Đảo: “Tôi là một nhà sư và tôi đã đấu tranh cho hòa bình từ năm 1966. Tôi ở đây không vì lý do gì ngoài mong muốn hòa bình. Tôi bị bắt, bị tra tấn nhưng tôi vẫn đấu tranh cho hòa bình”. Lời tuyên bố đanh thép ấy của một nhà sư đã được đưa lên báo The Life (Mỹ) với nhiều hình ảnh về một kiểu trại giam thời trung cổ, đã làm chấn động dư luận nước Mỹ và thế giới.
Cũng trong dịp này, nhóm TFS may mắn được gặp và trò chuyện với nhà báo Don Luce trong một buổi tiệc do vợ chồng anh Cao Nguyên Lợi tổ chức. Một trong những người mà Don Luce nhắc đến nhiều nhất đó là nhà sư Thích Hành Tuệ và má Sáu mù”. Cả hai nhân vật này đều có hình trong trại giam “chuồng cọp”, rất ấn tượng như lời của ông Tom Harkin: “Những tấm hình có giá trị hơn triệu lời nói”. Don Luce nói tiếng Việt rất tốt. Đạo diễn Nguyễn Hoàng nói với ông câu chuyện về những người phát hiện ra nhà giam chuồng cọp có thể làm thành phim tài liệu để cho người Việt Nam và người Mỹ xem. Những đau thương mất mát đã qua, ngay cả ở Mỹ cũng đã có nhiều người chống chiến tranh mạnh mẽ, họ đòi chính quyền Mỹ phải rút hết quân của họ về nước. Sự kiện tại trường đại học Kent State là một cuộc đấu tranh điển hình, đã có 4 sinh viên bị vệ binh quốc gia bắn chết và 9 người khác bị thương.
Sau khi nghe lời đề nghị của đạo diễn Nguyễn Hoàng, Don Luce đồng ý với việc nên làm bộ phim xung về sự kiện lịch sử đầy ấn tượng này, ông nhấn mạnh: “Phải làm ngay đi vì những người giúp đỡ Việt Nam, tham gia phong trào phản chiến giờ đây đã già hết rồi, chậm trễ sợ không còn kịp”. Ý tưởng của ông thôi thúc những người làm phim phải tiến hành làm phim trong điều kiện vô cùng gấp gáp.
Ngay sau đó, đoàn làm phim bắt tay vào chuẩn bị đề cương kịch bản do nhà biên kịch Trần Đức Tuấn (Người viết kịch bản và lời bình cho phim Mê Kông ký sự) và anh Cao Nguyên Lợi cùng thực hiện. Bước thứ hai là anh Cao Nguyên Lợi và vợ là bà Tô Thị Thủy kết nối lại những bạn từng tham gia phong trào chống chiến tranh ở Mỹ, những người bạn Mỹ luôn kề vai sát cánh cùng nhân dân Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt nhất. May mắn là anh Cao Nguyên Lợi luôn giữ được mối quan hệ bè bạn với nhà báo Don Luce và TNS Tom Harkin cũng như những người Mỹ từng tham gia phong trào phản chiến trong lòng nước Mỹ. Lãnh đạo đài truyền hình TP.HCM xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo TP.HCM để thực hiện bộ phim tài liệu này. Anh Cao Nguyên Lợi đề xuất nên đặt tên của bộ phim là Từ trái tim tới trái tim và đã được các đồng chí lãnh đạo TP.HCM ủng hộ rất cao.
Tháng 5.2011 đoàn làm phim chính thức lên đường sang Hoa Kỳ. Để thực hiện tốt bộ phim này, lãnh đạo đài HTV đã cho phép TFS và Ban chuyên đề cùng phối hợp thực hiện. Đoàn gồm có giám đốc sản xuất Trương Bá Hùng, biên tập viên Hồ Tiến Thảo, quay phim Hữu Lý và đạo diễn Nguyễn Hoàng (TFS) và người tổ chức thực hiện là bà Tô Thị Thủy.
Anh Cao Nguyên Lợi biết được những khó khăn khi làm phim trên đất Mỹ, nên anh đã gửi thư đến những người có liên quan và những tiểu bang mà đoàn sẽ đến quay phim. Đặc biệt nhờ mối quan hệ tốt đẹp giữa anh và TNS Tom Harkin mà mọi công việc rất thuận lợi. Ông Tom Harkin viết giấy giới thiệu cho đoàn nói rõ ý nghĩa mục đich của việc làm phim cho những bạn Mỹ biết để giúp đoàn hoàn thành nhiệm vụ. Điển hình là tại trường đại học Kent State, nơi có phong trào phản chiến trong sinh viên rất mạnh. Khi đoàn làm phim đến trường thì các nhân chứng nhiệt tình kể lại những gì đã diễn ra tại ngôi trường này vào ngày 4.5.1970. Giáo sư Jerry M. Lewis, một giáo sư ngành xã hội học trường đại học Kent State không cầm được nước mắt khi kể rằng ông đã từng chứng kiến cái chết của mẹ mình nhưng khi nhìn thấy 4 sinh viên của ông chết ngay tại sân trường thì ông không thể nào chịu được. Ông nghẹn ngào nhiều lần sau đó mới nói lên được cảm nghĩ của mình về sự kiện đau đớn nhất trong lịch sử của ngôi trường này.
Nhóm làm phim dành thời một tháng tác nghiệp tại Hoa Kỳ (từ tháng 5.2011 đến tháng 6.2011). Tại đây, đoàn thu thập được nhiều hình ảnh, thông tin, đối thoại với nhiều nhân chứng và được họ chia sẻ với nhiều cảm xúc đặc biệt. đong đầy cảm xúc. Các thành viên TFS gặp gỡ nhiều người, nhiều thành phần trong nước Mỹ và trên thế giới đã dũng cảm đấu tranh, có người đã hy sinh hoặc bị bắt giữ, bị tù đày nhưng họ luôn có niềm tin vào một ngày hòa bình trên dải đất Việt Nam. Họ thật sự là những người yêu chuộng hòa bình, công lý. Họ có một niềm xác tín mạnh mẽ rằng: đã là con người thì đứng bên kia chiến tuyến, dù là đối phương, cũng cần phải được bảo đảm những quyền cơ bản nhất của con người.
Nhà báo Don Luce (trái) và cựu tù Cao Nguyên Lợi. Ảnh: TFS
Nhà báo Don Luce (thứ nhất từ phải sang) và cựu tù Cao Nguyên Lợi (người đứng thứ hai từ phải sang) Ảnh :TFS
Bộ phim Từ trái tim đến trái tim của biên kịch Trần Đức Tuấn và cựu tù chính trị Cao Nguyên Lợi, đạo diễn Nguyễn Hoàng gồm 3 tập phim, tổng cộng 60 phút, đã thể hiện được tiếng nói trung thực của những nhân chứng lịch sử, cũng như từng khoảnh khắc sống động của lịch sử được tái hiện rõ nét, có sức thuyết phục mạnh mẽ. Đạo diễn Nguyễn Hoàng chia sẻ: “Không thể cầu toàn hết được. Có bao nhiêu cảm xúc, chúng tôi giãi bày trọn vẹn tới tới khán giả…”.
Từ trái tim đến trái tim là thông điệp về những đau thương, mất mát đã qua của lịch sử, trong đó có những con người đã đồng hành theo nhịp đập của nhân bản của trái tim, lắng nghe tiếng nói của trái tim. Bộ phim mang tới khán giả của hai nước cái nhìn chung. Cùng hướng tới một nhịp cầu hòa bình, được soi chiếu từ các giá trị nhân văn vĩnh hằng của nhân loại…
Đoàn làm phim TFS tác nghiệp tại Hoa Kỳ - Ảnh: TFS
PhimTừ trái tim đến trái tim gồm 3 tập. Phim do nhà báo Nguyễn Quý Hòa, Tổng giám đốc HVT chỉ đạo nội dung, NSƯT Lý Quang Trung, giám đốc hãng phim TFS chịu trách nhiệm nội dung, Trần Đức Tuấn, Cao Nguyên Lợi biên kịch, Nguyễn Hoàng đạo diễn, Hữu Lý và Huỳnh Lâm quay phim, Hữu Bảo viết lời bình