- Chân dung & Phỏng vấn
- Mạc Can với Món nợ kịch trường
Mạc Can với Món nợ kịch trường
Trong cuộc đời làm biên tập viên, cộng tác viên tác giả để lại ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi có lẽ không ai khác hơn là nghệ sĩ Mạc Can.
Với vai trò diễn viên thì Mạc Can không xa lạ với tôi, dù trong các vai anh đã từng thủ, ấn tượng là không lớn lắm, không nhạt nhoà nhưng có lẽ cũng khó quên. Tôi còn biết anh thường đi biểu diễn ảo thuật ở nhiều nơi, từ sân khấu lớn với hàng ngàn người xem đến sân khấu nhỏ chỉ dăm ba chục người thích xem các trò quái dị, từ sân trường đủ tiêu chuẩn quốc gia đến lớp học nghèo dưới vài mươi học sinh chân không có dép. Anh diễn vì cuộc sống và cũng vì cái gì khác cao thượng, thiêng liêng hơn những đồng tiền mà anh được trả. Được diễn dường như là niềm vui, niềm khao khát của anh trong cuộc sống. Nhìn gương mặt thỏa mãn vì được sống với niềm đam mê của anh, ta mới thấy hết niềm vui sướng và nỗi khổ của người được sống vì nghề và nghiệp.
Tôi sẽ không đề cập chuyện nghề của nghệ sĩ Mạc Can ở đây vì vốn dĩ tôi không rành lắm chuyện buồn vui của ánh đèn sân khấu, cả lúc tối và lúc sáng, cả vinh quang và tủi nhục. Tôi chỉ xem anh là một người viết, một nhà văn, một tác giả.
Lần đầu tiên tôi gặp anh Mạc Can là năm 1998. Lúc đó trông anh lùi xùi nhưng cũng có vẻ phong độ lắm. Anh đi chiếc xe gắn máy cũ, hình như là hiệu Suzuki thì phải, với tiếng nổ không được êm và đều đặn cho lắm. Nhìn thấy ánh mắt tò mò của tôi, anh tự hào khoe, nó là chiến mã vẫy vùng khắp bốn vùng chiến thuật đó. Tôi hiểu là chiếc xe đã theo anh ngang dọc khắp các nẻo đường phố thị đông vui đến vùng ven hiu quạnh.
Gặp anh vì một chuyện chẳng liên quan gì đến việc đóng phim hay biểu diễn ảo thuật của anh cả. Tôi chịu trách nhiệm phải xử lý một tập bản thảo được đánh máy bằng nhiều loại giấy đánh máy khác nhau với màu mực ru-băng lúc đậm lúc nhạt, thật là khó đọc. Với một tập bản thảo gần trăm trang giấy được anh ép trong một cái sơ-mi bìa cứng không còn mới với nhiều sợi dây thun quấn chung quanh rất chi là kỹ lưỡng. Anh xem tập bản thảo của mình như một báu vật cần phải giữ gìn cẩn thận, sợ cuộc sống rày đây mai đó không thể nào bảo quản được, nên mang đến nhờ nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan, đang là trưởng ban biên tập sách Thanh niên của Nhà xuất bản Trẻ giữ giùm. Anh Phan vốn là biên kịch của hãng phim Giải Phóng trước khi về Nhà xuất bản Trẻ nên cũng có quen biết đôi chút với diễn viên Mạc Can. Khi xem sơ tập bản thảo, anh Phan thấy có nhiều câu chuyện khá cảm động được anh hề Mạc Can kể lại khá hấp dẫn, chỉ có điều là câu chữ còn nhiều vấn đề phải xử lý. Anh Phan hỏi tôi có biết Mạc Can không? Tôi trả lời chỉ biết sơ sơ, có gặp vài lần ở toà soạn tuần báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh thôi. Anh nói thế thì được rồi và anh giao tập bản thảo cho tôi và hẹn một ngày trong tuần sẽ gặp trực tiếp tác giả. Tôi hỏi anh Phan số điện thoại liên lạc với anh Mạc Can, anh nói cha nầy làm gì có số, nhưng anh đã hẹn trước với anh Can rồi, đúng hẹn anh ấy sẽ đến.
Mang tập bản thảo về nhà, tôi đinh ninh đây là tập bản thảo dễ xử lý vì là những câu chuyện về giới sân khấu được viết bởi một người trong nghề. Nhưng tôi đã lầm. Với kỹ thuật đánh máy rất chi không chuyên nghiệp, cộng với tình trạng chất liệu giấy và mực không đồng đều, tôi đã phải căng mắt để đọc cho được từng trang bản thảo của anh Can.
Tôi dành thời gian buổi chiều làm việc ở nhà để tập trung đọc tập bản thảo. Khó nhọc lắm tôi mới nuốt trôi từng trang bản thảo vì anh Can kể lại câu chuyện như người tuỳ hứng, lúc dừng, lúc nghỉ, lúc lan man, không theo một thứ tự, trật tự nào cả. Nhưng do câu chuyện anh kể cuốn hút nên tôi nhanh chóng khắc phục được tình trạng thiếu tập trung do phải đọc trong điều kiện liên tục phải xử lý nhũng vấn đề về từ ngữ và cú pháp.
Ngày hẹn gặp tác giả đã đến. Tôi nóng lòng muốn trao đổi cùng anh Mạc Can một số vấn đề về câu cú, về từ ngữ trong bản thảo của anh. 10 giờ, trong khi tôi đang đứng quan sát trong Cửa hàng giới thiệu sách của Nhà xuất bản Trẻ thì Mạc Can với dáng vẻ khép nép tiến tới trước mặt tôi và hỏi một cách e dè là có phải tôi đang nhận biên tập tập bản thảo của anh không, liệu có thể in thành sách được không? Tôi mời anh ra quán nước vệ đường ngay trước cổng Nhà xuất bản để uống nước và trò chuyện. Tôi hỏi anh uống nước gì. Anh trả lời: Trà đá. Tôi đề nghị anh chọn một thức uống khác. Anh nói: tôi uống trà đá quen rồi, thứ khác tôi không uống được.
Hai chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau về sân khấu, về việc làm cộng tác viên cho các toà soạn, về đủ thứ chuyện chung quanh. Thấy tôi chưa đề cập đến chuyện bản thảo, anh có vẻ sốt ruột, nhưng lại không dám hỏi thẳng tôi là nó như thế nào. Qua câu chuyện linh tinh cùng anh, tôi biết anh là người không kỹ tính, khá dễ dãi, không câu nệ chuyện tuổi tác, vị trí trong xã hội... Biết được điều nầy là cơ sở để tôi có thể chuyện trò thoải mái với anh về những vấn đề liên quan đến bản thảo.
Tôi hỏi anh là đã chuẩn bị bao nhiêu tiền cho việc xuất bản sách chưa? Anh e dè trả lời: Tôi chỉ muốn thử sức trong lĩnh vực mới nầy thôi. Không biết có thể đi tiếp được không. Chớ tiền bạc đâu mà in ấn, xuất bản. Chạy cơm từng ngày đã bở hơi tai rồi.
Tôi khá bất ngờ trước chuyện anh vừa thổ lộ. Anh mà phải chạy cơm từng ngày thì ai mới là người dư dả đây? Nhưng rồi câu chuyện nhanh chóng được giải đáp, bởi tôi biết thu nhập của anh trong từng vai diễn, từng xuất diễn chẳng nhiều nhặn gì. Lý do giản đơn: anh chẳng phải là ngôi sao, là vơ-đét, mà chỉ là hạng diễn viên thường thường bậc trung thôi, không đói đã là may lắm rồi. Anh nói nhiều về những điều trông thấy trong cuộc đời làm nghề ba chìm bảy nổi chín lênh đênh của mình. Những ước mơ thuở thiếu thời như luôn thôi thúc anh chiêm nghiệm, luôn suy nghĩ, luôn dằn vặt. Anh muốn được cầm bút để giãi bày, nhưng với vốn chữ nghĩa có hạn, liệu anh có thể thỏa mơ ước đó không? Tôi tâm tình với anh như với người anh lớn là chẳng ai đánh thuế ước mơ nên anh đừng ngại gì chuyện viết lách cả. Vấn đề của anh là có viết thật với lòng mình không thôi. Cái gì mà viết từ trái tim thì sẽ được đón nhận bằng trái tim. Đừng làm hàng giả trong chuyện nầy là được.
Anh kể các anh như nhà thơ Chim Trắng, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo và cả các bạn viết trẻ như Võ Phi Hùng, Trần Hữu Dũng... vẫn động viên anh viết dài hơn, vì qua những mẩu tin anh viết cộng tác với các tờ báo văn nghệ hàm chứa khá nhiều chi tiết đắt, có thể triển khai thành truyện hấp dẫn. Anh sợ không có nhiều người chịu khó theo anh, giúp anh trên con đường viết lách. Anh nói cầm bút như đang biểu diễn một trò ảo thuật, ảo thuật mà không ảo thuật, bởi ảo thuật là cái mình chủ động, còn con chữ nhiều khi nó không theo sắp xếp của mình. Tôi nói đùa: như vậy là anh chạm được vào ngôi đền của nghệ thuật sáng tác rồi đó. Cái mình nghĩ mình chủ động mà không chủ động được là tuyệt vời, bởi đó là sự bất ngờ của nghệ thuật.
Vòng vo một hồi, cà kê một lúc rồi anh cũng trở lại vấn đề chính là liệu tập bản thảo của anh có xuất bản được không? Anh nói tôi chữ nghĩa không nhiều sợ làm rối anh em. Tôi trả lời anh: tôi thích những câu chuyện anh kể, và tôi nghĩ cái gì mà mình thích thì mình làm sẽ tốt hơn. Vấn đề ở chỗ là anh có chịu cho tôi can thiệp vào tác phẩm của anh ở mức độ nào thôi. Anh trả lời một cách xuề xoà: anh Sáu cứ mần thoải mái, không cần e ngại gì hết, miễn là sách được in là tôi vui lắm rồi. Có sách là tôi đã trả được một phần món nợ với sân khấu, với kịch trường mà tôi đã được đãi trong cuộc đời rồi.
Được anh Mạc Can tin tưởng giao phó trách nhiệm lớn lao, tôi biết mình phải có gắng nhiều. Và tôi đã vật lộn với đám từ ngữ và câu cú rất chi là... ảo thuật của Mạc Can để có được tác phẩm Món Nợ Kịch Trường ra mắt bạn đọc trong năm 1999.
Mối lương duyên hợp tác đã giúp tôi có thêm nhiều kinh nghiệm trong nghề nghiệp, đồng thời cũng mở ra một trang mới trong mối quan hệ giữa nhà văn Mạc Can (sau Tấm Ván Phóng Dao nổi đình nổi đám một thời) và tôi. Đặc biệt là trong thời gian gần hai năm anh đi Mỹ để đoàn tụ gia đình theo một cách thức cũng khá lạ lùng. Trước ngày lên đường, anh trao cho tôi đề cương tác phẩm Tấm Vé Số Cuối Cùng và yêu cầu tôi giữ liên lạc thường xuyên với anh. Qua Mỹ, anh phải đi diễn ảo thuật trong các casino, nhà hàng để sống và để viết. Cuối cùng, không thể chịu đựng được nỗi nhớ quê, anh lại hồi hương.
Về lại Việt Nam, sau những ngày gặp gỡ hàn huyên cùng bạn bè các giới sau gần hai năm xa cách, Mạc Can lại trở về công việc của mình. Anh lại đi đóng phim (đóng nhiều phim nhưng ít tiền, do kinh tế sa sút), viết kịch bản cho những tiểu phẩm truyền hình địa phương, tham gia một số hoạt động từ thiện khác và... viết.
Gần ba năm trở lại, anh vẫn chưa hoàn thành tác phẩm nào để ra mắt bạn đọc. Có lẽ niềm vui và nỗi lo cuộc sống chưa cho phép anh bình tâm ngồi lại với những trang viết của mình. Hy vọng những gì anh trải và nghiệm được sau hơn nửa ngàn ngày sống trên đất Mỹ sẽ là đề tài thú vị cho cuốn sách tiếp theo của anh - nhà văn Mạc Can.
PSS
(Báo An Ninh Thê Giới cuối tháng, tháng 3 – 2013).